Điều này khiến mấy lão nông kia sợ hãi, Văn Khúc Tinh giáng trần sao có thể để làm việc như vậy. Bọn họ vội vàng cản hắn:
- Thiếu gia, thân phận ngài vô cùng cao quý, sao có thể xuống ruộng làm như vậy, không phải muốn giết chết chúng ta sao.
Thạch Kiên thản nhiên cười:
- Lão bá, dân dĩ thực vi thiên, không có các người lao động, chúng ta lấy gì ăn mà đọc sách. Nếu nói thân phận cao quý, các người mới là thân phận cao quý.
Lão nông có cảm giác như không muốn thừa nhận lời nói của Thạch Kiên, điều này cũng có thể hiểu bởi vì cả ở thời hiện đại, người dân cũng không thực sự tôn trọng người lao động chân tay, thời này càng không cần nói.
Thạch Kiên biết hắn khó có thể giải thích cho bọn họ hiểu, hắn cũng không nói gì thêm mà bắt đầu làm, chỉ có điều cách hắn làm không giống với mấy người nông dân kia. Hắn bắt đầu nhổ mạ, sau đó ném lung tung, khoảng cách lại không đồng đều, hơn nữa khi gieo mạ hắn không hề rửa gốc. Những gốc mạ còn lại, hắn nói với lão nông dân:
- Ngươi đem chỗ mạ này ra trồng riêng.
Lão nông thấy hắn không rửa gốc, nghĩ rằng hắn không hiểu cách làm, cứ vứt mạ lung tung ra đồng là không đúng, nhưng thiếu chủ chỉ bảo, hắn không thể không làm.
Thấy Thạch Kiên bất ngờ giúp tá điền làm việc, rất nhiều nông dân dừng công việc đứng xem.
Thạch Kiên làm liên tục, không nói câu nào, hắn chọn lựa cẩn thận mạ rồi ném ra ruộng trồng. Sau đó hắn nhìn mọi người xung quanh rồi nói:
- Mạ này như một đứa nhỏ, nếu từ nhỏ đã được nuông chiều, sau khi lớn sẽ rất khó tự lập, cho dù có thể tự lập cũng không thể tự cường. Hiện tại ngay từ lúc nhỏ cho chúng tự lập, khi lớn sẽ dễ thành tài hơn. Ta dùng phương pháp này để bố trí gieo mạ, cho chúng tự lập, làm thế gốc rễ sẽ cứng cáp hơn, sau này hoa màu thu hoạch sẽ cao hơn.
Nếu người khác nói ra lời này, mấy người nông dân sẽ không tin tưởng. Nhưng đây là Tống triều, người dân còn rất mê tín, hiện tại ai cũng coi Thạch Kiên là Văn Khúc Tinh hạ phàm, là thần trên trời, nếu không tám tuổi sao có thể có học vấn thâm sâu như vậy.
Vì thế, chỉ sau mấy ngày, toàn bộ nông dân đều làm theo cách của hắn. Khi mạ lớn lên, không ngờ lá vô cùng cứng cáp, theo thời gian, lúa càng lúc càng biểu lộ dã tính, mạnh mẽ phát triển, dù cho người không biết gì khi nhìn mạ cũng hiểu rằng, mùa này thu hoạch sẽ lớn hơn trước. Lúc này, đại đa số nông dân đều gieo trồng lúa một vụ.
Thấy Thạch Kiên áp dụng thành công phương pháp mới, họ bắt đầu bắt chước, dùng phương pháp của hắn cải tạo giống mạ, bắt đầu gieo trồng thêm một vụ.
Cũng nhờ phương pháp của Thạch Kiên mà sau này mặc dù nông dân thêm vất vả, nhưng sản lượng lương thực lại tăng thêm một phần.
Thêm một phần, con số có vẻ nhỏ, nhưng toàn bộ ruộng lúa của đại Tống cùng áp dụng, nhiều ít bao nhiêu có thể thấy rõ. Đừng nói thêm một phần, dù nửa phần cũng vô cùng quý giá.
Tống Chân Tông đọc tấu chương, hắn vò đầu bứt tai, nói:
- Tiểu hài tử này thực là thần hạ phàm phò trợ trẫm cai quản giang sơn ?
Điều này cũng khiến thanh danh Thạch Kiên càng lúc càng vang dội.
Hiện tại, ngay cả đám lão thần trong cung cũng không dám nói gì. Một tiểu hài tử, không những văn hay chữ tốt, còn làm được nhiều điều hữu ích như vậy cho đại Tống, mỗi việc làm đều chấn động thiên hạ, chỉ do còn quá nhỏ tuổi nên mới chưa thích hợp làm quan. Nếu so với bản thân liệu có thể làm vậy không ?
Thạch Kiên chọn mạ xong, hắn rửa tay, sau đó dưới ánh mắt của mọi người, hắn đẩy xe đưa bà nội về nhà. Mặc dù quần áo hắn lúc này dính đầy bùn đất, nhưng hắn cũng không ngại bẩn, thần thái vẫn rất tự nhiên. Từng làn gió xuân thổi qua, khiến mái tóc đen của hắn tung bay, hình ảnh hắn lúc này thật vô cùng thoát tục.
Về đến nhà, Hồng Diên và Lục Ngạc đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên khi thấy bộ dạng của hắn, cả hai vội vàng chạy đi lấy quần áo cho hắn thay. Trong lòng của hai tiểu cô nương, Thạch Kiên vô hình chung đã trở thành một chỗ dựa vững chắc của họ, vì thế cả hai đều rất đau xót khi thấy bộ dạng bẩn thỉu của hắn..
Thạch Kiên thay đồ xong, vừa chuẩn bị đọc sách thì ngoài cửa chợt có tiếng huyên náo. Hắn đứng dậy, nhìn ra cửa, phải biết rằng từ sau khi hắn đặt bia đá trước cổng, mặc dù vẫn có nhiều người tụ tập, nhưng chưa bao giờ lại huyên náo như vậy.
Hắn ra cổng, thấy mọi người đang mắng một tên thanh niên.
Mọi người thấy hắn đi ra, tiếp tục mắng tên kia:
- Ngươi xem, ngươi làm kinh động Thạch tướng công rồi.
Thanh niên kia sau khi nhìn thấy Thạch Kiên cũng không thi lễ, lại lớn tiếng chỉ vào phố xá bên ngoài, nói:
- Thạch tướng công có tài đức gì mà mọi người lại tập trung đông như vậy ?
Thạch Kiên nghe thấy câu nói này, thiếu chút nữa tức chết, hắn nghĩ thầm:
“Ngươi nghĩ rằng ta và ngươi gióng nhau sao ?”
Hắn nhìn tên thanh niên kia, thấy hắn khí vũ hiên ngang, lại mặc quan phục, nhưng qua bộ quan phục. Thạch Kiên biết hắn chỉ là một quan nhỏ, có điều quả thực khí độ bất phàm.
Thạch Kiên được đích thân Hoàng thượng phong làm Long Đồ Các, đối với tên quan nhỏ kia vốn không cần để ý, nhưng khi nghe thấy câu hỏi của người thanh niên kia, hắn bắt đầu thấy hứng thú.
Thạch Kiên giơ tay, ra hiệu ọi người yên tĩnh rồi hỏi:
- Không biết đại nhân tôn tính đại danh là gì, có gì muốn chỉ giáo ?
Hiện tại, Thạch Kiên mặc dù được phong Long Đồ Các, nhưng hắn vẫn giữ thân phận một bình dân, hắn không thể không gọi thanh niên kia là đại nhân.
Thanh niên kia đáp:
- Hạ quan họ Phạm, tên Hi Văn, là quản giáo mới.
Phạm Hi Văn ? Phạm Trọng Yêm ? Thạch Kiên nhớ lại áng văn Nhạc Dương Lầu Ký mà hắn trộm, không khỏi đỏ mặt, vội vàng nói:
- Hóa ra là Hi Văn huynh, mời vào.
Nói xong hắn liền mời Phạm Trọng Yêm vào.
Không ngờ Phạm Trọng yêm vẫn ở ngoài, không động đậy, hắn nghi hoặc nhìn thiếu niên trước mắt, hỏi:
- Thạch tướng công, không ngờ lại biết tên hạ quan.
Đúng vậy, hiện tại hắn chỉ là một quan nhỏ, nhưng thiếu niên này danh chấn Trung Nguyên, được Hoàng Đế ân sủng, các đại thần khen ngợi, được lê dân bá tánh tôn sùng, sao có thể biết tên hắn ?
Thạch Kiên đối với câu hỏi này rất khó trả lời, chỉ thầm nghĩ, ta sao có thể không biết ngươi ? Ta còn trộm cả một áng văn của ngươi nữa….
Hắn chắp tay nói:
- Tiểu tử nghe nói, năm kia Thánh Thượng dến Bạc Châu, khi đoàn xe qua Nam Kinh, mọi người đều ra tiếp đón, chỉ có mình đại nhân đóng cửa không ra. Khi bạn học hỏi tại sao, đại nhân có nói:
- Tương lai gặp cũng không muộn.
Giữa đại nhân và tiểu tử còn có nhiều điểm giống nhau, tiểu tử chỉ có một bà nội, đại nhân cũng chỉ có một thân mẫu.
Lúc này, mọi người đứng quan khán cũng hiểu ra đôi chút, tiểu thần đồng cảm thấy đồng cảm với tên quan này, vì thế mới thông cảm, khách khí như vậy.
Ở Tống triều, nói về khí tiết, thời Bắc Tống có Phạm Trọng Yêm, Nam Tống có Văn Thiên Tường. Phạm Trọng Yêm cả đời nuôi chí lớn, nhưng con đường làm quan lận đận, lại bị tiểu nhân hãm hại, nhưng hắn không có nửa câu oán hận. Có thể nói, chỉ có hắn mới xứng với hai chữ sĩ phu. Nếu đem Khấu Chuẩn, Tư Mã Quang, Vương An Thạch, Tô Đông Pha ra so sánh với hắn sợ rằng vẫn còn kém, duy chỉ có Âu Dương Tu là có thể miễn cưỡng so bì.
Phạm Trọng yêm nào biết chuyện tương lai của mình ra sao, hắn thấy gia cảnh hắn và thiếu niên trước mắt giống nhau, hơn nữa thiếu niên này tâm địa rất tốt, bà nội hắn mua đất lại không thu tô của tá điền, thậm chí còn cho họ ít tiền sinh sống. Thiếu niên này lại chỉ cho dân chúng phương pháp gieo trồng, gia tăng sản lượng, vì dân chúng mà có thể ba lần hành đại lễ với một tên du thương thấp hèn.
Thạch Kiên sau đó mời Phạm Trọng Yêm vào nhà, Hồng Diên và Lục Ngạc thấy vậy đều tò mò nhìn thanh niên mới vào, thiếu gia vốn rất cao ngạo, chưa bao giờ chủ động nói chuyện với người khác, không ngờ lại khách khí với tên quan nhỏ này như vậy, lai lịch của hắn như thế nào ?
Tuy nhiên, tò mò là tò mò, khách tới, các nàng vẫn nhanh chóng chuẩn bị pha trà tiếp khách. Không ngờ Thạch Kiên lại tự mình lấy ấm trà, châm trà cho Phạm Trọng Yêm.
Việc này khiến mọi người ở ngoài muốn ngã. Từ lúc Thạch Kiên chuyển tới ngôi nhà này, họ chưa từng thấy Thạch Kiên châm trà cho ai, ngay cả quan triều đình tới tuyên chỉ cũng không, chỉ với điểm này có thể thấy rằng, tương lai, tên quan nhỏ kia tất danh dương đại Tống.
Sau đó, Thạch Kiên chậm rãi nói:
- Tiểu tử có làm mấy bài thơ, tình cảnh bên ngoài cũng là ngoài ý muốn. Hi Văn nói rất đúng, tiểu tử khó có thể gánh nổi thanh danh này, chỉ là không thể không nhận vì đó là Thánh Chỉ của hoàng thượng.
Thạch Kiên lại nói:
- Tình huống bên ngoài, tiểu tử vốn đã hết cách. Chỉ không ngờ là Văn huynh lại vượt ngàn dặm tới Hòa Châu, không biết huynh có điều gì muốn chỉ giáo ?