Đàn cổ cầm khỏa thân

Ba
 
Năm 401, triều Đông Tấn
Quân lính đã đóng quân bên bờ sông. Đàn bà đã nhóm lửa nấu bếp. Một nồi súp ngũ cốc sôi sùng sục trên bếp lớn. Lính già và những người bị thương ngồi bên cạnh những người phụ nữ, chọc ghẹo họ. Ôm đứa bé trong lòng, Bà Mẹ Trẻ lánh khỏi đám đông rồi đi bộ đến bến sông.
Mặt trời đỏ rực đang nát vụn ở đằng tây. Những cánh chim lao xuống mặt nước rồi lại vút lên trời để làm thành một đám lốm đốm đen ở giữa vách đá bên sông. Những ngôi làng đính vào bên sườn núi nhanh chóng biến mất trong sương mù đỏ lựng.
Nàng nằm xuống bãi cỏ rồi cởi áo ra. Đứa bé ngậm lấy một đầu vú. Đứa con gái bé bỏng, có nét hao hao giống cha nó. Lúc mới sinh, nó cong queo và nhăn nheo như bà già, còn Bà Mẹ Trẻ cứ nghĩ nó được thác sinh từ một vị thần nào đó bước xuống trần gian để trừng phạt con người. Nhưng dần dần, đầu của đứa bé tròn lại, da mịn màng, đôi mắt sáng lên, trông giống một con mèo con. Đã quen với tiếng chân quân lính, nó rất ít khi khóc, cũng chẳng nhíu mày khi tiếng trống trận đánh dồn và mũi tên bay vùn vụt.
Đứa trẻ mang họ của cha nó, họ Lưu. Bà Mẹ Trẻ không đặt tên cho nó. Đối với tầng lớp thượng lưu, người ta không đặt tên cho con trẻ. Tất cả những cái tên được đặt theo từng thế hệ đã được quyết định bởi những bậc tiền nhân từ xa xưa và ghi trong gia phả. Vậy nên giữa những người thượng lưu với nhau, họ nhận ra phân nhánh và các mối tương quan để chào nhau theo cấp bậc tương ứng. Không hề biết gia phả của hôn phu mình, làm sao Bà Mẹ Trẻ dám tùy tiện đặt tên cho con gái?
Mặc dù bộ ngực bé xíu và phẳng phiu, đứa bé vẫn bấu chặt và bú sữa ngon lành như thể đó là một trái cây mọng nước. Bà Mẹ Trẻ nhìn kĩ khuôn mặt thuôn dài của đứa bé và cảm nhận rằng nó sẽ có một số phận đau buồn. Hôn phu của nàng không phải là quý tộc nên theo luật thừa hưởng, con bé cũng là thường dân. Nó sẽ không bao giờ có được một người chồng quý tộc và không bao giờ được mặc áo lụa.
Đứa bé bấu vào nàng như một con nhện con và phủ quanh nàng một lớp màng ngọt dịu, thơm tho. Khi đã bú no, con bé há cái miệng vẫn còn chưa mọc răng, những giọt sữa nhỏ vẫn còn đọng trên môi. Bà Mẹ Trẻ ôm nó vào lòng, vừa chơi đùa với nó vừa vỗ vỗ nhẹ vào lưng nó cho tiêu sữa. Đó là một phương pháp nàng học được từ những người phụ nữ khác, những người cho rằng đứa bé đang no không được ngủ ngay.
Bà Mẹ Trẻ cù nách đứa bé và nói chuyện với nó. Đứa trẻ buồn buồn, nắm lấy tóc nàng, cắn vào má nàng, gõ gõ vào bụng nàng, quay qua quay lại trên đùi nàng. Nàng cố gọi nó bằng mọi cái tên vụt qua trong đầu: chim sẻ con, dế con, rắn con, ruồi con, muỗi con. Vì giống như những sinh vật tinh nghịch, con bé vò vò váy nàng lại, tháo hết lọn tóc nàng đang quấn, nhỏ nước miếng lên vai nàng, bôi lên mặt nàng.
Áo của Bà Mẹ Trẻ tuột khỏi vai, để lộ ra một cánh tay gầy guộc và những dẻ xương sườn. Bên bờ sông Dương Tử, những bóng ma lởn vởn mò về nhà người sống. Chúng ám vào cơ thể người đang sống rồi lảm nhảm rằng cuộc sống là giả tạo.
Nàng siết chặt đứa bé vào lòng.
Chiến cuộc kéo dài vô tận. Bất cứ phút giây nào Bà Mẹ Trẻ và đứa bé cũng có thể bị giết hoặc trở thành nạn nhân của bệnh dịch tràn lan trong vùng chiến tranh đã tàn phá. Hàng tiếp tế đôi khi bị chặn. Bà mẹ Trẻ chỉ ăn một chén ngũ cốc mỗi ngày. Tóc nàng rụng đi. Ngón tay nàng nứt nẻ. Da nàng khô cằn. Sữa nàng sắp cạn. Sữa là nguồn thức ăn duy nhất cho đứa bé mà nàng có. Sữa là tài sản duy nhất mà nàng sở hữu.
Nàng không đặt tên cho đứa bé vì mỗi ngày thần Chết lại lấy đi sinh mạng của những kẻ mà họ tên đã ghi trong sổ Sinh Tử. Khi những con quỷ đến gần con người để bóp nghẹt hơi thở sinh lực và bắt lấy linh hồn họ, chúng để cho những ai không có tên trong sổ được yên. Không có tên, con bé không tồn tại. Nó giống như người chết. Nó sẽ giấu mình trong bóng tối của những người cùng họ. Đó là lý do vì sao nó không sợ những mũi tên hay binh lính, và nó có thể tươi cười với bão lửa, với xác người, với những con bệnh bị bỏ rơi trên đường đang dần dần hoại tử.
Con bé đã ngủ say. Bà Mẹ Trẻ thở dài. Nàng nằm trên bãi cỏ, quay mặt về phía dòng sông. Mấy tháng trước, chắc nàng không dám ngồi ở một nơi buồn nôn như thế này, cũng không thể ngồi trên mặt đất mà không mọc đầy mụn nhọt. Bây giờ, mặc quần áo rách rưới lốm đốm vết máu, nàng nằm ngủ ngay kề một đống phân bò. Nàng có thể ăn với đôi tay dơ bẩn, còn mùi hôi của nước chua không còn làm nàng buồn nôn nữa. Nàng đã học được từ những người lính già cách hái quả dại và dùng móng tay đào đất để tìm những rễ cây ăn được. Để con gái của nàng được sống, nàng đã trở thành một loài thú hoang.
Nằm nghiêng người rồi bị cơn mệt mỏi nghiền nát, Bà Mẹ Trẻ ngủ thiếp đi. Dòng sông như lấp lánh qua những chiếc lá cỏ dại mảnh dẻ. Một con bướm đen bay dập dờn trên nàng.
- Hãy nhảy múa giùm ta, - nàng thì thầm với nó.
Con bướm đập cánh, vỗ vỗ râu.
Gió nhẹ mân mê khuôn mặt nàng rồi nàng bỗng nghe thấy âm thanh của cây đàn cổ cầm. Có phải là hồn cha nàng đến thăm nàng đó không? Nàng duỗi thẳng chân để bàn chân chạm vào mép nước sông. Nàng đã chết! Chết đi, nàng sẽ trở thành đất được kì cọ bởi cơn mưa, được gió bào mòn, hòa vào cỏ dại. Nàng không còn hối tiếc hay buồn phiền. Nàng hạnh phúc như cánh bướm rong chơi giữa ngày xuân.
Nàng mở mí mắt. Đằng xa, những vệt tối lan tỏa trên mặt sông. Nàng chống tay đứng dậy. Đúng lúc đó, nàng chợt thấy những chiếc thuyền từ phía chân trời tiến lại gần rồi đi ngang qua trước mặt nàng. Những người lính và chỉ huy không mặc giáp trụ, chỉ vấn tóc đơn giản và mặc đồ dơ bẩn tụ họp ở đuôi thuyền. Họ đi đâu? Họ phe nào? Một thuyền lớn có năm cánh buồm xuất hiện. Bà Mẹ Trẻ ôm chặt đứa bé, lao về phía doanh trại.
Quanh ngọn lửa, những người lính già đứng trước những người phụ nữ, giương cung tên sẵn sàng. Con thuyền thả neo. Những người đàn ông bước xuống, đứng theo hàng ngũ bên bờ sông rồi giương cờ xí trong gió, cùng nhau hét lớn:
- Tướng Lưu! Tướng Lưu ra lệnh hạ vũ khí!
Nhận ra chữ “Lưu” được thêu ở giữa lá cờ, những người lính già hạ cung. Một người phụ nữ quay sang nàng.
- Chúc mừng! Hôn phu của nàng quay lại rồi đây!
Nàng không còn tin vào tai mình nữa. Ngày hôn phu của nàng bỏ rơi nàng, chàng mới chỉ là chỉ huy của một toán quân. Nàng nghĩ chàng đã chết, thế mà giờ chàng đã trở thành tướng quân. Nàng đã ngày đêm mong chờ hội ngộ, sự xuất hiện đột ngột này làm nàng cứng đờ người. Khi nàng hết đờ đẫn, định quay về trại tìm một chiếc gương để vấn lại tóc thì chàng đã ở ngay trước mặt nàng, làm nàng chói mắt vì bộ áo giáp sáng rực. Ở chỗ mắt nhìn trên mũ giáp, đôi mắt trừng trừng của chàng làm nàng thấy khó chịu. Xấu hổ vì tình trạng xấu xí của mình, nàng đưa tay lên mái tóc như bụi cây rồi cúi đầu. Nàng muốn biến mất dưới mặt đất.
Chàng bước tới, còn nàng lùi lại. Chàng ôm đứa bé trên tay nàng. Đung đưa trong không khí, đứa bé toét miệng cười.
- Đi thôi! - Chàng ra lệnh cho nàng.
- Xin chờ đã.
Nàng chạy tới chiếc xe, lấy túi quần áo và một sợi dây dài. Nàng quấn nó lại. Sợi dây có bảy nút thắt. Đã bảy lần trăng tròn vành vạnh nàng chẳng nhận được tin gì từ chàng.
Giọng nói như sấm của hôn phu nàng vang lên:
- Bỏ lại đồ đạc đi. Đi.
Nàng chùi nước mắt. Gói quần áo có những mẩu vải mà nàng thu được để những người phụ nữ có thể may một cái áo ấm cho con bé. Sợi dây, nàng dùng như đai quần, mong rằng một ngày nọ có thể dùng nó để thắt cổ tự tử.
- Bỏ lại hết đi. Nhanh lên. Chúng ta phải đi ngay.
Không dám cãi lời chồng, nàng bỏ lại toàn bộ hành lý rồi ngoan ngoãn đi theo.
Chàng sải bước dài đi trước, nàng theo sau, bước từng bước nhỏ. Lính tráng tránh ra hai bên khi họ đi ngang qua. Họ lên thuyền. Chàng đi vào trong một khoang lớn rồi nói nàng nghỉ ngơi. Nàng quay lưng lại phía chàng, mở cúc áo để cho đứa bé bú. Khi nàng quay lại, chàng đã đi mất.
Ngày đang tàn, ánh bạc của những con sóng quét qua vách đá, viết thành những chữ thư pháp lấp loáng. Lính tráng thắp đèn dầu và mang đồ ăn cho nàng. Thức ăn đạm bạc nhưng lại có vẻ sang trọng với nàng vì nàng chưa ăn một bữa cơm nào đúng nghĩa từ lâu rồi. Ôm đứa bé trong lòng, nàng vỗ về nó. Dạ dày nàng thắt chặt đến mức nàng chẳng buồn ăn. Sau bữa tối, nàng xin một bồn tắm. Người ta mang đến cho nàng một chậu nước ấm với một cái gàu. Người ta cũng mang cho nàng một bộ quần áo kiểu dành cho nam nhi lấy từ tủ quần áo của hôn phu nàng.
Nàng say mê bộ quần áo sạch sẽ với mùi thơm của chồng. Nằm trên chiếu, nàng ngủ thiếp đi trong lúc chờ chàng. Chàng chỉ đến khi đêm khuya, tiếng bước chân chàng đánh thức nàng. Nàng đặt con bé xuống giường rồi ngồi nhỏm dậy. Nàng giúp chồng tháo tóc và thay quần áo. Chàng ôm nàng lại, đưa cho nàng một cái gương nhỏ bằng đồng rồi đưa một ngọn đèn dầu tới gần. Trong gương, nàng nhìn mình xấu hổ. Đôi mắt nàng có vẻ lồi to quá khổ so với khuôn mặt chỉ thấy hai gò má lõm sâu và chiếc cằm nhọn hoắt. Một chiếc sẹo nổi rõ trên khuôn mặt nàng, hôm nọ, nàng đã trượt ngã khi chạy vội đến chiếc xe lấy đồ và đập đầu vào phiến đá. Sau lưng nàng, bóng của vị hôn phu lớn dần. Chàng đưa tay lên, cài vào mái tóc nàng một con phượng hoàng bằng vàng có cánh lấp lánh những hạt ngọc trắng.
Nàng không buông quần áo vì sợ chàng sẽ thấy cơ thể ốm yếu của mình. Nàng không cho chàng vuốt ve mình vì sợ lộ ra hai bên hông gầy guộc. Chàng không ép rồi nằm xuống bên cạnh nàng, đặt đầu nàng lên vai mình. Hai chân vạm vỡ của chàng đặt trên hai chân mảnh khảnh của nàng làm nàng không động đậy được. Chàng ngủ say tới mức nàng có thể cảm giác nghe được tiếng tên bay trong hơi thở của chàng.
Nàng cố nhắm mắt. Nàng thấy vui vui. Sự có mặt của chồng đã xua tan cái chết đang ngự trị trong nàng. Khi chồng ôm chặt nàng, chàng truyền cho nàng sự tự tin và sức mạnh của một chiến binh dùng cái chết như một loại vũ khí. Bà Mẹ Trẻ nghĩ tới gia đình mình đã lâu nàng không có tin tức gì rồi lại nghĩ tới người trước đây đã đính ước với nàng. Nàng có cảm giác họ vẫn đang ở bến thuyền. Khi con thuyền đời nàng rời bến để ra sông lớn, họ nhỏ dần rồi biến mất.
Tiếng ồn ào của lính tráng xuyên suốt cả đêm thâu. Họ nhổ neo rồi căng buồm. Căn buồng nhanh chóng ngập đầy tiếng rì rào của sóng. Con thuyền này sẽ đi về đâu? Họ đi đâu? Cứ mỗi lần nàng nhìn thấy chồng mình, chàng lại mang nàng đến một nơi khác, xa hơn rất nhiều những nơi nàng có thể tưởng tượng ra. Tại sao lại là nàng? Tại sao số phận lại muốn họ gắn kết với nhau? Tại sao ở gần chàng, nàng lại quên hết mọi buồn phiền khi chính chàng là người đẩy cuộc đời nàng vào buồn khổ? Chồng nàng rột roạt xoay người lại. Khi nàng áp chặt gò má vào lưng chồng, nàng có thể nghe được nhịp tim của chàng. Nàng đưa tay tìm đứa bé và thấy nó vẫn nằm gần chiếc gối. Cuối cùng thì cơn buồn ngủ cũng đến. Nàng chỉ cầu mong cho ngày đừng bao giờ đến nữa. Một tay ôm chặt chồng còn một tay nắm tay đứa bé, nàng mơ thấy một chiếc thuyền không biết đến bến cuối. Họ trôi đi, bềnh bồng, lắc lư trên dòng Dương Tử, xa khỏi những bờ bãi dơ bẩn.
Đêm căng phồng cánh buồn băng qua cơn sợ hãi.
Đêm làm cho vết thương và cơn giận dữ trở thành vô hình.
Đêm là nơi nương náu của những kẻ ngây thơ.
Buồm đã hạ. Con thuyền thả neo. Sau chân chồng, Bà Mẹ Trẻ ôm đứa bé bước lên bờ. Dọc theo bờ sông là cả một đội quân đứng nghênh đón họ. Hôn phu của nàng nhảy lên một con ngựa đen thắng yên, trang hoàng lộng lẩy. Nàng được dẫn tới một chiếc xe sang trọng treo cờ hiệu trắng trên đó có chữ “Lưu” thêu màu sắc nổi bật. Chồng nàng đánh gót và con ngựa bắt đầu phóng đi. Được kỵ binh hộ tống, nàng đi vào một con đường gập ghềnh.
Sau nhiều giờ rung lắc và những cú dừng đột ngột, nàng nghe giọng chồng mình ra lệnh:
- Hãy vén màn lên.
Trên lưng ngựa, chàng chỉ vào khoảng không gian trước mặt bằng roi ngựa.
- Nó là của nàng. Hãy canh giữ nó cho ta.
Bà Mẹ Trẻ ló đầu nhìn ra và thấy một kinh thành hoang tàn. Những bức tường cao bị phá hủy như thể động đất hay một cơn bão vừa mới ập xuống vùng đất này. Một biển gỗ sơn đen cháy sém lơ lửng trên cánh cổng chính đã được sửa sang lại. Tấm bảng ghi những chữ khắc nổi mạ vàng: “Kinh Châu, Cửa Sông”.
- Từ thời Tam Quốc, thành Kinh Châu đã nổi tiếng là bất khả chiến bại, - chồng nàng nói. – Được các tường cao bao bọc khỏi mọi cuộc tấn công, những kẻ nổi loạn cứ nghĩ đã có được một vị trí bền vững để ta phải nản chí. Sau khi bao vây quanh thành, ta đã cho dựng một con đập trên dòng Dương Tử. Ta đợi đến mùa mưa rồi lệnh ở cống. Một ngọn sóng khổng lồ đã mở toang các cánh cổng cho quân ta tiến vào bằng thuyền.
Kinh thành phô ra những con đường u ám. Giữa những đống gỗ cháy rụi đã mọc lên những mái lều và lác đác vài ngôi nhà còn đứng vững trên những cột trụ lem luốc rêu có lẫn bùn lầy. Những con đường hẹp dần rồi trở thành một hẻm dài mới vừa được lót đá. Một đám nhân công chân đất di chuyển các khối đá lớn, giậm nền bằng những cái cuốc nhỏ. Lính tráng quật roi thúc giục họ. Họ vội vàng tránh đường rồi quỳ gối dọc theo đường đi. Mặt cúi gằm, họ chào Bà Mẹ Trẻ bằng những tấm lưng trần gầy guộc và sạm đen với xương sống nhô cao.
Một cánh cổng lớn nhanh chóng hiện ra ngay trước mặt đoàn quân. Trên bảng gỗ sơn viết: “Dinh thự tổng đốc”. Những người lính chào đón họ cũng gầy như đám nông phu. Bà Mẹ Trẻ được dẫn vào cổng sau của một khu vực rộng lớn, nơi có những khu vườn bị phá hủy bao quanh những căn nhà như sắp sụp.
- Nhờ vào vị trí đặc biệt, Kinh Châu cai quản toàn bộ lưu thông trên sông Dương Tử, - chồng nàng vừa mới quay lại với nàng giải thích. - Tôn Quyền ngày xưa đã dựng lên thành này, tòa thành cho phép ông chống lại cuộc xâm lược của Tào Tháo và liên minh phương Bắc. Không có thành này, ông ta không thể dựng lên nhà Ngô.
Lần đầu tiên nàng phát hiện ra chàng không chỉ là một chiến binh đơn thuần. Chàng có một tham vọng, một mục tiêu bí mật. Nàng cúi đầu và không dám đưa ra một lời nào.
- Chính ở đây mà cuộc chiến của ta bắt đầu! - Chàng vừa nói vừa giậm giậm chân trên mặt đất.
Chàng lại ra đi vào lúc đêm xuống. Nàng không dám hỏi chàng đi đâu. Nàng ôm đứa bé trong tay, đi qua những đám hoang tàn. Cơn lũ đã che phủ hết những cánh đồng và phá hủy mọi kho lương thảo, gây ra đói kém và bệnh dịch. Đã quen với việc ngủ dưới trời sao và ăn uống ít ỏi, nàng không hề sợ những điều kiện thiếu thốn không hợp với tầng lớp của mình. Lính tráng bắt đầu xây dựng lại nơi cư ngụ. Một tòa nhà đã bị phá, để lộ ra một lối vào bí mật và một hành lang dài dẫn tới một mê cung dưới lòng đất đầy rẫy xác phụ nữ. Những nàng tỳ thiếp thời xưa đã chạy trốn xuống đó để tránh bị tàn sát. Nét đẹp tinh tế và thông minh. Ở Kinh Châu, qua nhiều cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, rất nhiều tổng đốc chọn những tòa nhà để ở mà không biết nó thuộc về thời đại nào và thuộc về những con người như thế nào.
Bà Mẹ Trẻ giật thót, tỉnh dậy giữa đêm. Cơn gió lùa vào tai nàng những tiếng rên xiết yếu ớt. Nàng mò mẫm tìm đôi chân mũm mĩm của đứa bé. Nàng siết chặt đến mức đứa bé bật khóc. Tiếng khóc của đứa bé làm nàng yên tâm. Cả hai vẫn đang sống.
Mùa thu năm đó, Bà Mẹ Trẻ tròn mười bảy tuổi.
Một lần nữa, nàng lại có một mái nhà che trên đầu và một bức tường để che chắn tầm nhìn. Căn phòng trải thảm nhồi bông dày. Nàng duỗi người trong chăn lụa rồi ngủ ngon lành. Trong giấc mơ, nàng được sống lại đoạn đời đã qua. Người ta chuẩn bị lễ mừng thọ của bà cố. Nhân dịp này, các dì, các bác và lũ con cháu, anh em họ ăn mặc như đi dự hội hè. Một khiếu thẩm mỹ tốt thể hiện qua một bộ quần áo nhiều lớp và qua sự lựa chọn một loại vải tông màu tinh tế. Phong cách thể hiện qua những viên đá quý hiếm mà kiểu cọ và màu sắc làm tôn lên vẻ đặc biệt của mái tóc. Sự tỉ mỉ có thể thấy nhờ vào mùi dễ chịu phảng phất quanh những tay áo dài. Các thành viên của gia tộc sưu tầm các loại hương thảo, gỗ trầm, xạ hương và các loại hương khác. Cái đẹp phải được cảm nhận bằng cả năm giác quan. Giống như một thi sĩ chạm khắc nên bài thơ của mình, cha mẹ quý tộc của nàng nghiền nhỏ, hòa trộn và chưng cất để tạo ra nhang trầm có mùi hương phảng phất. Khi được đặt trên một đĩa bạc đun nóng nhẹ trên than gỗ đàn hương, nhang sẽ cháy theo hình vòng cung theo đúng hình dạng của bình xông. Bốn nàng hầu, mỗi người hơ một chiếc áo đã là thẳng thớm rồi đưa qua đưa lại trong khói cho đến khi mùi hương trầm quyện sâu đến tận lớp lót trong cùng.
Mặt dặm phấn trắng, môi tô son hồng, khách mời đến sẽ mang theo các món quà và những lời chúc thượng thọ. Khi họ lướt đi trên những đôi giày cao gót, những viên ngọc thạch đính ở dây thắt lưng bằng lụa đánh leng keng. Họ cầm trên tay một cây quạt lông chim quý hiếm hay một cây chổi phủi bụi có tay cầm bằng ngọc thạch. Bên cạnh hồ, dọc theo con thuyền chiến được sơn vẽ, mọi người bàn về triết lý của các yếu tố tạo nên trời đất; trong nhà, ở tầng thượng, phụ nữ nghe một bản nhạc và ngắm trăng tròn vành vạnh. Mỗi thực khách họa một câu thơ trên một thanh tre, vần điệu ngẫu hứng phải hòa hợp nhau, nối tiếp nhau và tạo thành một bài thơ xiển dương duy nhất… Lúc thức dậy, Bà Mẹ Trẻ nhận ra mình đang ở giữa một công trường khổng lồ, nơi bụi bặm bay tứ tung và tiếng búa tạ, tiếng cuốc xẻng ầm ầm.
Quân triều đình đã đẩy quân Đạo giáo nổi loạn đến bước đường cùng. Trên dòng Dương Tử, hôn phu của nàng truy đuổi thủ lĩnh Tôn n, người thủ lĩnh tinh thần sáng chói của quân phiến loạn đến tận biển Đông. Bị bao vây trên một hòn đảo, không còn ai thân tín, Tôn n đã nhảy xuống một vực sâu tự sát. Sau chiến thắng này, ngoài chức vụ tướng quân, hôn phu của nàng còn được phong chức tổng đốc. Trong vòng hai năm chiến đấu chống lại quân phiến loạn, từ vị trí một quan lại vô danh tiểu tốt, chàng đã leo lên hàng cao cấp trong quân đội và từ bây giờ đã là một trong những ông tổng quyền lực nhất.
Bà Mẹ Trẻ cố giấu niềm kiêu hãnh và niềm vui. Chiến tranh đã kết thúc, những cơn ác mộng không còn xâm lấn đêm thâu của nàng! Chồng nàng sẽ trở về và không còn cảnh mũ áo ra đi nữa. Họ sẽ có một cuộc đời bình yên và những đứa bé kháu khỉnh. Họ sẽ mở cửa chào đón các nhà hiền triết, thi sĩ, họa sĩ và nhạc công. Tiếng cười, tiếng nhạc, những dạ khúc sẽ không ngừng vang lên trong hoa viên của dinh thự.
Mỗi ngày, Bà Mẹ Trẻ đều ột con hầu ra cửa thành, chỉ chực thấy bóng hôn phu nàng là tức tốc về báo tin. Nàng sẽ bỏ qua cho chàng, vì đã ăn mà không rửa tay và súc miệng! Nàng cũng sẽ bỏ qua cái kiểu ngồi thô lỗ và giọng nói như gầm thét của chàng, cái giọng ngày xưa nàng chỉ nghe từ miệng của những kẻ đầu bếp mà thôi! Nàng sẽ không còn xấu hổ khi nghĩ tới việc chàng không biết đọc văn tự cổ và viết sai chính tả!
Nhờ nàng khấn trời khấn Phật, cuối cùng chàng cũng trở về trong đoàn hộ tống đông nghẹt những tham mưu và quan lại. Dù cấp bậc mới cho phép dùng gấm vóc lụa là, tổng đốc Lưu luôn mặc một bộ đồ cũ kĩ bằng vải và mang đôi ủng da đã sờn màu. Chàng tiếp tục nói chuyện với quân lính như nói chuyện với anh em. Không giữ kiểu cách, chàng nằm đè lên vợ mình trên giường. Nàng xấu hổ nghĩ rằng từ đây họ sẽ chỉ còn là một thân thể duy nhất, một cuộc đời duy nhất. Chàng nói với nàng lần này chàng muốn có con trai.
Một buổi sáng, lúc thức dậy, nàng nhận ra chàng đã cho gọi quân lính và mặc sẵn áo bào lên đường. Quên cả sự nhút nhát vốn có của mình, nàng giữ chàng lại:
- Hãy ở lại đây. Chàng cần nghỉ ngơi. Chiến tranh kết thúc rồi!
- Ta sẽ trở về sớm thôi, - chàng hứa. - Chiến tranh chưa kết thúc. Các đệ tử của Tôn n vẫn chưa khuất phục hết. Chúng tung tin đồn rằng sư phụ chúng đã trở thành Đấng Bất tử. Trên danh nghĩa của hắn, chúng tiếp tục quấy phá.
Không dám nài nỉ, nàng im lặng rồi theo chân chồng, chờ chàng nhảy lên lưng ngựa để nàng cúi mình chào chàng âu yếm. Chàng thắng dây cương rồi ra đi với đoàn quân và lính gác, không ngoái nhìn nàng một lần.
Những căn buồng và hành lang giờ lại thành ra trống vắng! Những chiếc giày thêu mũi cong dễ làm trượt ngã trên mặt đất; Bà Mẹ Trẻ lang thang trong tòa dinh thự đã lại trở nên im lìm. Cầm một cốc trà trên những ngón tay bé nhỏ của mình, nàng chậm rãi đưa lên môi. Nàng hít mùi thơm, nhấp một ngụm rồi nhả vào ống nhổ. Nàng với tay lấy cốc thứ hai. Cốc đầu tiên, hãm từ lá cây, là để súc miệng, làm sạch vòm họng; cốc thứ hai, làm từ bột trà nghiền nhỏ trộn với hạnh nhân nướng mới là để uống. Không có chồng, những bức rèm uể oải gợn sóng; khói trầm bay lởn vởn chẳng thể nào bốc lên đến trần nhà.
Cỏ dại đã được nhổ sạch và cây cối bắt đầu ra hoa. Tre mới trồng đã vút lên tận trời cao. Nàng ngồi ở cái điếm giữa vườn, chơi thử một cây đàn cổ cầm mà nàng mới mua. Những tia sáng vàng nhảy múa trên dây đàn bằng lụa và trượt đi giữa những ngón tay của nàng.
 
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui