Đàn Lang


Phụ thân Thẩm Xung có mối quan hệ mật thiết với đại đa số trọng thần trong triều, chàng lại thường xuyên vào cung diện kiến Thẩm thái hậu nên tin tức tất nhiên nhanh nhạy.
Đương nhiên, Đại trưởng công chúa là tỷ tỷ ruột của hoàng đế, chuyện ở trong cung không có lý nào bà lại không biết.

Tôi suy đi ngẫm lại, ước chừng là vì bà quá hiểu con trai mình cho nên mới cố ý không để cho Công tử biết.
Sự tình phải bắt đầu nói từ khi Tần vương diệt phản loạn.
Chiến sự ở Hà Tây, vốn dĩ Tần vương đánh vô cùng thuận lợi, diệt sạch phản loạn chỉ là chuyện sớm muộn.

Nhưng đúng vào lúc này, triều đình lại đột nhiên ra lệnh điều Tần vương về phía Tây Nam để chế ngự tộc Khương, lại phong cho Tuần Thượng, người mới đảm nhiệm vị trí Thứ sử Lương Châu làm Chinh Tây tướng quân, Giả Hoàng Việt – Đô đốc Lương Châu làm quân sư, dẫn binh lính Lương Châu tiếp tục thảo phạt loạn đảng.
Tộc Khương ở Tây Nam, vào mấy năm trước đã bị đuổi ra bên ngoài biên ngoại tám trăm dặm, cần gì chế ngự, nói cho cùng chỉ là triều đình không muốn để công lao rơi xuống đầu Tần vương.
Tần vương là con trai út của Tiên đế, ấu đệ của Kim thượng, tuổi vừa hai mươi bốn.

Tuy còn trẻ tuổi nhưng trong số tông thất thì Tần vương là người thiện chiến nhất, trong đại chiến chinh Việt diệt Sở từng rất nhiều lần lập được kỳ công.
Đây cũng không phải là chuyện tốt.
Triều đình xem trọng tông thất, Cao Tổ làm theo tổ chế, đem thiên hạ phân phong cho huynh đệ nhi tử, lập rào chắn bảo vệ kinh kỳ, đề phòng quyền lực sa sút.

Nhưng đến khi Kim thượng lên ngôi, thế lực của các phiên vương đã lớn mạnh, dần dần trở thành tâm bệnh của triều đình.

Ví dụ như Tần vương, triều đình tuy là nể trọng nhưng sâu hơn vẫn là đề phòng, vì vậy mới xảy ra chuyện đổi người đúng vào lúc y sắp lập được thêm công lớn.
Lúc xảy ra chuyện này, vừa khéo làm sao lại rơi vào đúng ngày thứ hai sau khi Công tử gặp mặt Tạ Tuấn, mặc dù chiếu lệnh còn chưa hạ xuống nhưng rất nhiều trọng thần, dòng dõi quý tộc đều đã nắm rõ ngọn ngành.
“Lâm trận đổi tướng là đại kỵ của nhà binh.” – Công tử cau mày nói – “Chỉ sợ tàn phỉ có thêm thời gian lại sức, bao công lao đổ sông đổ biển.”
Ngày hôm đó trời quang gió mát, sau khi tan học, Công tử và Hoàn Tương cùng trở về phủ Thành Dương Vương thưởng ngọc lan.
“Thế nào lại là đổ sông đổ biển.” – Hoàn Tương phản đối – “Trong mắt của triều đình, chuyện của Tần vương còn nghiêm trọng hơn cả tàn phỉ.”
“Như thế cũng không ổn.” – Công tử nói – “Nếu bàn về nuôi binh củng cố thế lực, Lương vương, Triệu vương, Dự Chương vương, Hội Kê vương còn nhiều hơn nhưng triều đình chỉ lo về Tần vương.”
Hoàn Tương nói – “Chính huynh cũng biết công lao của Tần vương lớn nhất nhưng binh mã lại ít nhất, không động y thì động ai?”
Thành Dương vương đang đưa bút vẽ hoa lan, không nhanh không chậm nói – “Còn một chuyện nữa, không biết ba người có nghĩ đến không?”
“Chuyện gì?” – Công tử hỏi.
Thành Dương vương không đáp mà chợt quay đầu nhìn về phía tôi – “Nghê Sinh, ngươi thấy lá hoa lan vẽ nét đậm đẹp hay là vẽ nét nhạt đẹp hơn?”
Tôi nhìn bức họa của y, đáp lời – “Điện hạ vừa vẽ là ngọc lan, tất nhiên là nét nhạt đẹp hơn.”
Thành Dương vương gật đầu, cầm bút vẽ thêm một nét lên lá hoa lan, nói với Công tử – “Ta thấy Nghê Sinh rất am hiểu hội họa, chẳng bằng huynh đưa nàng ấy cho ta, hôm khác ta trả huynh hai đứa tỳ nữ xinh đẹp, thế nào?”
Công tử thờ ơ – “Điện hạ vẫn nên nói xem chuyện trong cung là chuyện gì trước thì hơn.”
Thành Dương Vương nói – “Ngày ấy khi phụ hoàng còn chưa định ra người kế vị, Thái tử từng xin chiến với Thánh thượng, Thánh thượng nhiều lần không đồng ý.

Sau đó, Thái tử trở về cung uống rượu, còn đập vỡ tẩm điện một lần.”
Cả Công tử lẫn Hoàn Tương đều kinh ngạc
“Ồ?” – Hoàn Tương cười nói – “Thái tử ấy hả, cũng không phải là lần đầu tiên.”
“Việc đến đây vẫn chưa dừng, sang ngày thứ hai, Thái tử cùng Tam hoàng huynh cùng đi cưỡi ngựa.

Thái tử bảo Tam hoàng huynh thay huynh ấy đến xin chiến trước mặt phụ hoàng, hai người đoán xem? Huynh ấy thế mà đi thật.”
Công tử hỏi – “Rồi sau đó thì sao?”
“Tất nhiên là bị phụ hoàng khiển trách một trận.”
Tôi đứng mài mực ở một bên, nghe đến đoạn này không nhịn được đưa mắt nhìn bọn họ.
Nhắc đến thì, vị Thái tử này cũng có chút dây mơ rễ má với tôi.
Đương kim hoàng đế, công tích ở những mặt khác không nhiều nhưng riêng về khoản đẻ con trai lại vô cùng thành thạo, sinh được cả thảy mười bảy người.

Ông ta từng lập hai vị hoàng hậu, sủng phi trong hậu cung năm nào cũng đổi mới một lượt.

Mẹ ruột của Thái tử, Tuần Hoàng hậu chính là cháu gái ngoại của Viên Khôi và Viên thái hậu liên lụy tôi phải ở tù năm đó.
Năm đó, mặc dù Viên thị một tay che trời nhưng chung quy vẫn cần mặt mũi, không thể để cho con gái họ Viên tiếp tục giữ cái ngôi hoàng hậu.

Đương nhiên, nước phù sa không chảy ruộng ngoài, Tuần thị và Viên thị đều cùng xuất thân Hà Bắc, nhiều đời có quan hệ với nhau, lại là thông gia.

Viên thái hậu làm chủ, đem cháu gái ngoại Tuần thị lập làm hoàng hậu, còn con trai của Tuần hoàng hậu được lập làm thái tử.
Viên thị tưởng rằng làm như thế thì từ nay có thể kê cao gối không lo, ai ngờ vui quá hóa buồn.
Tuần thị giống như Viên thị, vốn đều là trọng thần.

Mặc dù hai tộc có quan hệ chặt chẽ nhưng vào thời tiên đế, Viên thị độc đoán đã khiến cho hai bên dần sinh hiềm khích.

Sau khi hoàng đế kế vị, vô cùng ưu đãi Tuần thị.

Phụ thân của Tuần hoàng hậu làm quan tới Thái úy, ngay cả huynh đệ trong nhà cũng gia quan tiến tước, đảm nhận chức vị quan trọng.

Tính ra thì trong việc Viên thị sụp đổ có một phần công lao rất lớn của họ Tuần.
Mặc dù họ Tuần thay thế được họ Viên, nhận hết mọi hoàng ân nhưng lại hiểu chuyện hơn họ Viên rất nhiều, sau khi đắc thế vẫn vô cùng quy thuận hoàng đế, bảo gì nghe nấy, trung tâm như một nhưng đáng tiếc, vẫn có chỗ khiếm khuyết.
Thái tử mặc dù đã lập trữ(*) nhiều năm nhưng tính tình thô bạo, bất luận là triều đình hay dân chúng đều không thích y.

Vài năm trước, bắt đầu từ khi hoàng đế lập Bàng thị làm hậu thì trong triều đã dấy lên lời đồn phế thái tử.

Có điều kiếp trước hẳn là Thái tử tu được phúc lớn, con trai y, tên Ung, lanh lợi hiếu học, khá được tán tụng.

Hoàng đế vô cùng yêu mến, vào năm ngoái đã lập làm Hoàng thái tôn.
Mục đích của hoàng đế vô cùng rõ ràng, lớn nhỏ có thứ tự, từ cổ chí kim, phế lập Thái tử luôn là đại sự làm rung chuyển căn cơ, không thể khinh suất.

Thái tử đã lập được nhiều năm, tuy không được yêu thích nhưng chung quy vẫn là đích trưởng tử(**).

Tính kế lâu dài, hoàng đế muốn truyền ngôi cho cháu trai cho nên trước cứ giữ lại thằng con cái đã.
Bàng hoàng hậu sinh được một con trai là Tam hoàng tử Bình Nguyên Vương, đều là đích tử, cách vị trí Thái tử chỉ một bước chân.

Có điều Bàng hậu và Bình Nguyên Vương trước nay vẫn luôn thành thật an phận, tựa hồ như không có lòng tranh đoạt.

Nhất là Bình Nguyên Vương, trước mặt Thái tử khúm na khúm núm, gần như tỏ ra đần độn, thường xuyên bị Thái tử khinh rẻ làm nhục.
Thành Dương Vương thở dài – “Tính nết của Thái tử như vậy, quả thực không ổn.”
“Nếu như y sửa được thì đã chẳng có chuyện hôm nay.” – Hoàn Tương cảm thán.
Công tử nói – “Không đề cập tới mấy cái đó, chuyện này bất lợi với Thái tử nhưng lại cực có lợi với chúng ta.”
Hoàn Tương và Thành Dương Vương cùng tỏ vẻ kinh ngạc – “Hả?”
Ngón tay Công tử nhẹ nhàng mơn trới miệng chén trà, ánh mắt sáng quắc – “Thái tử, Bình Nguyên vương và điện hạ đều là hoàng tự, con cháu hoàng gia không thể dễ dàng xuất chinh.

Nhưng Mạt Lăng hầu vừa mới nhậm chức chủ soái, theo lệ phải lập phủ Mạc mới, phụ tá cùng chư tướng dưới trướng nên lựa chọn bổ nhiệm ai đây?”
Đối với chuyện tòng quân, tôi cảm thấy Công tử như thể bị trúng tà.
Những chuyện xảy ra sau đó quả thật bị hắn nói trúng.
Sau khi tin tức Hà Tây đổi chủ soái bị truyền ra, đám dòng dõi quý tộc bình thường trầm mê trong chốn hoan lạc lập tức tỏ ra hăng hái trung quân báo quốc, nhìn mà mát lòng.
Ngày trước triều đình chiến sự liên miên, đề bạt coi trọng quân công, vả lại từ khi Kim thượng lên ngôi rất ít khi bại trận cho nên đám con cháu quý tộc luôn rất nhiệt tình với chuyện nhập ngũ.

Có điều, bắt đầu từ mấy năm trước sau khi thu phục Ngô Việt, thiên hạ dần dần an định, chiến sự càng ngày càng ít thế nên loại đại chiến mà chiến thắng gần như nắm chắc trong tay giống như trận diệt phản loạn Hà Tây lần này chẳng khác nào miếng thịt mỡ béo mà người người đều mơ ước.
Trong đó cũng bao gồm Công tử.
Nhưng khác với những kẻ hám lợi khác, hắn thật sự muốn được tòng quân.
Từ sau hôm từ phủ Thành Dương Vương trở về, Công tử bắt đầu đứng ngồi không yên, mấy lần nhắc tới chuyện này trước mặt Chủ công và Đại trưởng công chúa, nhưng không mấy bất ngờ, đều bị bác bỏ.
So với Công tử, phía Hoàn Tương lại thuận lợi hơn nhiều.
Khác với Công tử, Hoàn Tương không phải chủ động muốn đi mà bị phụ thân của hắn Hoàn Giám đích thân ra mặt, kiếm cho hắn cái chức Tư mã dưới trướng Tuần Thượng, phụ trách áp tải lương thảo ở hậu quân.
Hoàn Tương cũng chẳng phản đối gì.

Lúc chuyện này được quyết định xong, hắn còn dương dương đắc ý, đặc biệt mặc bộ khôi giáp cồng kềnh ưỡn ngực tới phủ Hoàn ăn chực.
Ngày hôm đó, Công tử cực kỳ cáu kỉnh.
Lúc trở lại phòng, Công tử cầm mấy tấm bái thiệp gia nhân vừa đưa đến ném thẳng xuống đất, chán ghét nói – “Biên thùy đương lúc nguy cấp vậy mà đám người này vẫn còn tâm trí để vui đùa hoan lạc, chẳng lẽ lại thực sự ứng với lời sấm của Toàn Cơ tiên sinh hay sao.”
Dứt lời hắn liền bước thẳng tới giá để kiếm, rút kiếm xuống chém vào giá nến bên cạnh.
Tôi và Thanh Huyền cùng liếc nhìn nhau, im lặng không dám lên tiếng.
Công tử cũng chẳng nói gì, chỉ thở ra giận dữ sau đó ném kiếm lên tháp mềm còn mình thì xoay người đi tắm rửa thay y phục.
Tối hôm đó, tôi ngồi trong phòng gấp y phục, Công tử nằm ở trên tháp, buồn chán nghịch chiếc túi hương rủ xuống trên màn trướng.
“Nghê Sinh.” – Hắn bỗng nhiên nói – “Kể cho ta nghe về chuyện cổ trong sách của tổ phụ nàng đi.”
Tôi bất đắc dĩ, khi Công tử tâm trạng không vui thường bắt tôi kể chuyện cho hắn nghe.
“Công tử muốn nghe chuyện gì?” – Tôi hỏi
“Tùy nàng.” – Công tử gối đầu lên cánh tay, hờ hững nói – “Thú vị là được.”
Đây là thói quen hình thành từ lúc hắn ngã bệnh năm đó.
Tôi và hắn, hai người chỉ có thể ở trong căn phòng chật hẹp, đến khi quá buồn chán, tôi sẽ kể chuyện cho hắn nghe.
Mỗi ngày ba câu chuyện, chưa từng trùng lặp.
Khi đó Công tử hỏi tôi vì sao lại biết nhiều chuyện như vậy, tôi nói là vì từng đọc được trong sách của tổ phụ.
Hắn vô cùng ngạc nhiên.
“Ngươi biết chữ ư?” – Hắn hỏi
Tôi có hơi không vui, nghĩ thầm, chẳng lẽ trông tôi lại giống cái ngữ mù chữ lắm à?
“Tổ phụ ta là người đọc sách.” – Tôi nói
Công tử lại hỏi – “Vậy thì vì sao ngươi lại trở thành nô tỳ?”
Nếu như là đổi lại người khác hỏi tôi như vậy thì tôi đã lườm cho đứt mắt ra rồi, hoặc là mỉa mai lại hoặc là dứt khoát cãi tay đôi một phen.

Nhưng khi công tử nhìn tôi, ánh mắt đơn thuần tựa như thực sự chỉ là vì tò mò, khiến cho người ta không tài nào giận nổi.
Tôi chỉ đành sơ lược kể lại hoàn cảnh nhà mình cùng câu chuyện cũ không mấy hay ho năm ấy.
“Ta cũng có quen biết với vị tiểu nhi tử nhà Viên công.” – Công tử nghe xong trầm mặc một hồi rồi nói – “Khi y bị đưa ra pháp trường, ta còn từng đến đưa tiễn.”
Dường như sợ tôi đau lòng, hắn lại bổ sung – “Có điều tính tình y rất xấu, ngươi không gả cho y cũng tốt.”
Tôi có chút cạn lời, câu này nghe cứ như thể tôi nhân họa được phúc vậy.
Từ đó về sau, mỗi khi Công tử thấy buồn chán thường bảo tôi kể chuyện cho hắn nghe.

Hắn luôn lắng nghe rất nghiêm túc, có đôi lúc còn vì những kiến giải trong truyện mà cãi lý với tôi.
Công tử bái danh sư, ẩn giấu trong xương cốt đều là ngạo khí.

Sau vài lần như vậy tôi liền phát hiện ra, càng cứng rắn mà nói đạo lý với hắn chỉ càng khiến cho ngạo khí của hắn sâu hơn nhưng nếu như cứ vòng vo quỷ biện lại thường thu hoạch được kết quả bất ngờ.

Thật không may, tôi đây lại chính là cao thủ trong làng cãi bướng.
Trong mắt tôi thì những lúc hắn nhíu mày, vì tức giận mà hồng cả mặt, bị tôi nói đến nghẹn lời cũng tuấn tú hệt như những lúc hắn cười rộ lên.
Nhưng cho dù Công tử có tức giận đến quẳng sách đi thì cũng sẽ không trách phạt tôi.

Có khi, hắn sẽ nghiêm mặt lạnh lùng không thèm để ý đến tôi nhưng sau đó lại đột nhiên nói, những lời của tôi tuy không hợp lẽ thường nhưng vẫn có vài phần đạo lý.
Mỗi lần như vậy tôi đều không biết nên khóc hay nên cười, sau đó lại không khỏi phiền muộn.
Đến một ngày nào đó, khi phải rời khỏi nơi này, có lẽ tôi cũng sẽ chẳng vui mừng như tưởng tượng.
Bởi vì ở nơi thôn dã buồn tẻ, tôi sẽ không bao giờ… có thể tìm được một người cùng tôi cãi cọ như Công tử.
“Nghê Sinh, nàng đã nói tổ phụ nàng cũng từng tới Hà Tây, có muốn đi xem thử không?” – Sau khi nghe tôi kể xong về một kỳ án giết người, Công tử bỗng nhiên lại hỏi như vậy.
Tôi có chút kinh ngạc, không ngờ hắn lại đột nhiên hỏi câu này.
“Không muốn lắm.” – Tôi đáp.
“Tất nhiên phải muốn chứ.” – Công tử hơi nhỏm người dậy, phản bác nói – “Không phải nàng từng nói là muốn được nhìn thấy những nơi tổ phụ nàng đã đi qua hay sao?”
Tôi thản nhiên nói – “Công tử, tổ phụ ta từng đi qua rất nhiều nơi, có muốn đi xem cũng xem không hết.”
Công tử hừ một tiếng – “Vậy thì cũng hết cách.”
Trong lòng tôi thầm đắc ý, cho rằng mình đã chiếm thế thượng phong ai ngờ lại nghe Công tử nói – “Mấy tờ luyện chữ hôm qua ta viết, thôi thì cứ bảo Thanh Huyền đốt hết đi.”
Tôi – “… …”
*_Trữ quân_儲君: một kiểu gọi của “người kế vị nền quân chủ”, bất chấp quốc gia đó có vị quân chủ là Hoàng đế, Quốc vương hay Đại công tước,...
**_Trong xã hội Đông Á, một người đàn ông có một người vợ hợp pháp (Thê; 妻 hay Chính thất; 正室) và có thể có hơn một vợ lẽ nàng hầu (Thiếp; 妾), con của các thê được gọi là Đích tử (嫡子), cũng gọi Đích tự (嫡嗣), còn con của thiếp đều là Thứ tử (庶子).

Giữa các Đích tử và Thứ tử cũng có sự phân biệt, thông thường Đích trưởng tử là dành cho người con trai lớn nhất trong hàng Đích tử, ngay sát sau đó thì liền có danh xưng Đích thứ tử (嫡次子), tức con trai thứ trong hàng Đích.

Con trai lớn nhất trong hàng Thiếp sinh ra thường gọi là Thứ trưởng tử (庶長子), sau còn có Thứ thứ tử (庶次子).

Trong chữ Hán thì chữ Thứ (次) là nói đến vị trí thứ hai, chỉ sau Trưởng (長), còn chữ Thứ (庶) là thân phận kém, chỉ đến dân thường hoặc con của tỳ thiếp sinh ra..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui