Thời đại gia Việt khoe siêu xe và biển số xe siêu khủng, mọi vui thú trần gian ấy đều được quy ra tiền – rất nhiều tiền; lại là thời đại gia Tàu khoe mốt đập phá siêu xe, táng nát cả Ferrari lẫn Bentley. Và mọi tiền – dĩ nhiên rất nhiều tiền – đều ném qua cửa sổ bởi được quy đổi theo tâm trạng. Và đại gia Việt kéo đoàn siêu xe đi dọc đường khoe của, còn đại gia Tàu kéo đoàn siêu xe tương tự đi dọc đường chỉ để đón chào chó.
Để thấy, đã tới thời mà chó ngao Tây Tạng trở thành một cách thức để đại gia nói về bản thân: Lì lợm, trung thành, đắt giá, hiếm hoi và hung dữ. Biểu trưng của đại gia mang hình dáng chó và phong cách sư tử, khiến nhiều kẻ nghèo tiền lắm lễ nghĩa, lại thích phân biệt đối xử chó – người bỗng dưng hoang mang.
Họ đổ lỗi cho thú chơi ngông của đàn ông đã bắt đầu chà đạp lên đạo đức xã hội. Tôi lại thấy đàn ông không cần thú để cưng – như vai trò nũng nịu của pets, cái cô chihuahua chảnh chọe trên tay Paris Hilton – mà đàn ông cần linh thú để xác quyết vị thế bản thân, chứng tỏ quyền lực của đàn ông.
Tại sao lại là chó Ngao Tây Tạng?
Tôi chỉ nhớ ấn tượng lần đầu tiên về Tạng Ngao là sáu vết răng cắn ngập bắp tay lực lưỡng của thằng bạn học trở thành sáu vết sẹo lồi ra, nhìn thấy rùng mình. Hắn nói hắn còn may mắn, đứa trẻ nhà hàng xóm còn bị con Tạng Ngao sổng xích ấy cắn ngập cổ chết ngay tại chỗ, trước mắt nó.
Đó là thời điểm mười năm trước, hầu như chưa từng có con Tạng Ngao nào đặt chân vào Việt Nam, thì đã có rất nhiều quốc gia văn minh ở châu Á đã ban lệnh cấm nuôi Tạng Ngao trong thành phố, trong khu dân cư. Bạn tôi nói ở Malaysia, đại gia sở hữu Tạng Ngao luôn đối mặt với những vấn đề mà thú cưng gây ra, nhưng không ngăn được họ sắm chó trước khi sắm siêu xe.
Vết răng trên tay thằng bạn tôi cũng đã đưa một đại gia ra tòa. Nhưng đại gia sắm được “siêu chó” tiền tỷ, không lẽ cả đời giam chó ở trang trại ngoại thành? Đại gia càng sợ Tạng Ngao của mình coi người giúp việc mới thực sự là… chủ nhân của nó. Nên dù lệnh cấm nuôi Tạng Ngao ban hành mọi thành phố lớn, đại gia vẫn quyết tâm đưa Tạng Ngao vào thành phố.
Loài Tạng Ngao là thứ chó mang bộ Gen cổ nhất thế giới, lì lợm trung thành, vốn sống cùng người Duy Ngô Nhĩ trên những cao nguyên Tây Tạng và cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc). Dáng to thể trọng nặng nhưng nhanh nhẹn và oai nghiêm, lông xù dày như sư tử, con giống thuần chủng hiếm hoi, giá tiền chó Ngao Tây Tạng trưởng thành lên tới trăm nghìn đô. Và cá tính của Ngao Tây Tạng đủ để chủ nhân kiêu hãnh, khi nó chỉ trung thành với một chủ nhân duy nhất, không ăn thức ăn từ tay người lạ, đã từng có con Ngao Tây Tạng của một đại gia Malaysia nhịn ăn chết theo chủ nhân. Đủ để Ngao Tây Tạng được mang tên riêng, không ai dám gọi xách mé Tạng Ngao là “một con chó”!
Nhưng một con chó thì xứng đáng được gọi là linh thú?
Xứng đáng, nếu nó được đàn ông nuôi và cưng. Nó thành linh thú của đàn ông, thành kẻ truyền bá quyền uy của chủ nhân, đụng vào chó tức là đụng vào thể diện của ông chủ, chạm vào sự tự ái và ham muốn xác lập địa bàn ảnh hưởng của cá nhân người đàn ông đó.
Vì sao đàn ông cần có linh thú? Ngày xưa chỉ có cướp biển mới có vẹt và khỉ đi theo. Ngày nay người mù có chó dẫn đường. Nhưng đàn ông đích thực không sắm vai cướp biển thì vẫn tìm ra cớ để nuôi đủ loài thỏa mãn bản thân. Về khía cạnh tâm lý, thú cưng chính là biểu tượng quyền lực của đàn ông, ai động vào thú cưng là động vào chính người đàn ông. Về khía cạnh giải trí, phụ nữ coi thú cưng (chó mèo) là bạn, đàn ông coi thú cưng là tài sản và nô lệ, đàn ông sở hữu chúng.
Một người đàn ông huy động dàn siêu xe đi ra sân bay rước chó về dinh, trọng thể còn hơn đón nguyên thủ quốc gia, chưa chắc là bởi giá trị con chó triệu đô, mà bởi giá trị của chính người đàn ông đó. Và cuộc đón rước siêu xe cũng chẳng làm giá con Tạng Ngao đó tăng thêm đồng nào. Dàn xe đón chó chỉ là cách chứng tỏ quyền lực và sức mạnh triệu đô của người đàn ông thể hiện ra theo hình thức… một event đúng với những bài bản PR cho quyền lực và sức mạnh triệu phú của người đàn ông đó. Nói cho cùng, Tạng Ngao cũng chỉ là một công cụ để đàn ông ấy thể hiện bản thân anh ta. Nếu anh ta có làm đám ma chó toàn siêu xe, xã hội cũng đừng ngạc nhiên. Bởi điều ấy vốn dĩ chỉ là một cách chơi ngông, không mang hàm ý gì khác, chẳng đại diện cho giá trị nào của xã hội này bị tâng lên cao hay bị đè xuống thấp.
Và Tạng Ngao cũng được chọn làm linh thú – kẻ truyền kế sức mạnh người đàn ông – chỉ bởi sự hiếm hoi đắt giá (được định bằng những số 0 dày đặc trong giá tiền của thương vụ chuyển nhượng thú cưng) mà thôi. Nếu một ngày rồng xanh xuất hiện, hổ trắng Bangan được nhân giống, hoặc loài kỳ lân cổ tích bỗng dưng được lai tạo, kèm bảng giá chục triệu đô, ăn đứt Tạng Ngao, biết đâu nhiều đàn ông giàu sẽ thay luôn linh thú và niềm vui? Bất chấp tình cảm của con thú ấy đã dành ình, việc nó có thể nhịn ăn mà chết, hoặc nó nổi hung cắn nát mọi thứ, tấn công mọi người chung quanh vì nhớ chủ cũ!
Vì thế, nên tôi nói, đàn ông chọn Tạng Ngao đôi khi không như phụ nữ chọn một con thú cưng – mèo, chuột hamster, chó Fox, chim oanh, cá vàng. Phụ nữ vì cưng nên chọn, đàn ông thì không, chọn rồi cưng chiều nó, không cho ai động vào. Nhưng tình cảm ấy là một sự chiều chuộng có điều kiện. Một khi Tạng Ngao còn giữ được địa vị độc tôn của nó, và đàn ông còn muốn tranh thủ một phần nào sức mạnh và sự huy hoàng ấy.
Khổ thân những con Tạng Ngao oai hùng bị đàn ông dắt vào thành phố!