Đàn Ông Không Đọc

Tôi biết lỗi không phải tôi, họ đã là giám đốc hoặc cave trước khi đến tìm tôi, trước rất lâu. Nhưng tôi đôi khi rất muốn tìm hỏi, những người dạy tôi nhiều thứ trong đời đó, giờ họ ra sao rồi?
Không ngờ cuộc sống có những lúc đẩy đưa mình tới hoàn cảnh mới, không người thân bạn bè, quanh mình chỉ có hai người quen, một làm cave, một làm giám đốc.
Một ở cùng tôi, một đến tán tỉnh tôi ngày ngày.
Giám đốc không biết tán tỉnh, mọi cảm xúc của anh đều bộc lộ bằng tiền và thực phẩm.
Thương quý thì mời đi những nhà hàng sang trọng nhất. Hò hẹn nhất định sẽ là ở quán phở hoặc cơm Bắc. Đi chơi là những bữa ăn sang nhất đắt nhất, tặng quà tôm hùm trong nhạc cổ điển, tôi vừa thoát khỏi cuộc sống trí thức nghèo nghiêm cẩn từ Hà Nội trì trệ, không tài nào quen được việc vừa ăn vừa có người đàn hầu, đứng chực mồm kính cẩn.
Mỗi tối đến thăm, giám đốc tặng tôi bánh mì và sữa, sau này tiến bộ hơn, đã biết mua sô cô la, anh thường chọn những hộp sôcôla to nhất, đắt nhất và ngọt lừ, đến phát sợ. Những thực phẩm ấy làm tôi khắc khoải kinh khủng, thèm những ly cà phê vỉa hè rẻ tiền nhưng thoáng đãng.
Hôm tỏ tình, anh đi vòng quanh cái phòng mười mét vuông của chúng tôi chục vòng, không biết nói năng gì, rồi dúi vào túi xách của tôi một cục tiền, dày và cuộn tròn. Coi như xong nhiệm vụ.

Mỗi ba giờ sáng, người đàn bà ở cùng tôi trở về phòng. Thường mỗi sáng sớm ngủ dậy, tôi luôn hoảng hốt vì người đàn bà nằm ngủ không mặc quần ở bên cạnh mình.
Tên chị là Kiều Thị Mộng, giấy khai sinh cho biết đã 39 tuổi. Trước đây tôi tưởng chỉ trong tiểu thuyết mới gặp cái tên ấy.
Chị đi làm công nhân nhà máy thuỷ sản, lấy chồng muộn. Người chồng ôm gái ngủ trước mặt vợ, bất nhẫn quá đành dắt con về quê.
Quê có mảnh đất và ngôi nhà nhỏ, cậu em trai đang ở. Về quê mới biết cậu em đã bán nhà, đi đâu đó. Người chủ mới vứt bàn thờ cha mẹ chị ra rìa hàng rào. Chị ra nhặt tấm ảnh thờ mang đi, quay về lại thành phố.
Chị xin đi làm quét rác. Có người ngắm nghía chị, bảo, trông em cao ráo, gầy nhưng thanh mảnh, có thể đi làm được đấy. Thế là vào các quán bar dành cho thủy thủ nước ngoài, chị nói, chị chỉ bán áo phông cho khách tây thôi, năm đô một cái. Chứ chị không làm gì khuất tất cả. Tôi cũng tin thế. Lương tháng của chị được tám trăm ngàn đồng.
Bà mẹ chồng tương lai chê tôi trẻ quá, không quản lý được tài sản của gia đình, càng không thể làm chị dâu của tám đứa em trai chồng, chưa vợ, tuổi từ U30 tới U40.
Anh giám đốc say mê với những nhà máy mới trúng thầu xây dựng trong khu chế xuất Tân Thuận và cụm biệt thự An Phú Đông. Anh tiếp tế thực phẩm tới tôi ít hơn, hoặc có lẽ anh nghĩ, tôi giờ đã béo tốt hơn chăng? Bỏ mặc tôi hoang mang với ý nghĩ, trời, mình sẽ phải lấy một người mà mình chưa từng cầm tay? Thích nằm phưỡn bụng xem ti vi và luôn say mê kể về những mánh khoé tranh thầu dự án mà với mình nó vô nghĩa như những bữa ăn xa xỉ?
Tôi dùng thời gian rảnh để học nhảy Rap.
Những lúc về nhà, quanh quẩn trong căn phòng chục mét vuông, tôi lại tuôn xuống phố. Còn hơn đứng nắm tay song cửa nhìn xuống phố như khỉ từ chuồng nhìn ra cuộc đời. Đã đoạn tuyệt hẳn với cuộc sống trí thức biên tập viên báo, tôi cũng chấm dứt việc đọc - xem - nghe - nhìn từ đó. Còn lại bữa ăn tinh thần duy nhất là bài hát "Unbreak my heart" đang thịnh hành phát ra rả suốt ngày từ cái cassette cũ của chị Kiều Thị Mộng. Chị nghiện bài hát ấy, từ lúc một chàng bảo vệ trong bar kém tuổi chị - bằng tuổi tôi - mời chị đi chơi, tâm sự cuộc đời, một lần duy nhất rồi hắn bỗng dưng bỏ việc khỏi quán bar thâu đêm. Để lại tôi hứng chịu bầu tâm sự vừa lãng mạn vừa bi đát của chị Mộng và giai điệu thê thiết đến muốn tự tử của Tony Braxton, suốt ngày, nếu tôi ở nhà ban ngày.
Những lúc đi ngang Nhà xuất bản Trẻ và tờ Áo Trắng, tôi vẫn băn khoăn sao mình không có đủ can đảm bước vào, chú Đoàn Thạch Biền, người nâng đỡ tôi suốt mấy năm đầu tiên cầm bút vẫn ở đó, mình có thể lấy cớ vào thăm.
Cứ tưởng giải thưởng Văn học tuổi 20 khi đó là điểm khởi đầu tốt, ngờ đâu lại đánh dấu sự kết thúc văn nghiệp. Giờ đây cuộc sống đã bải hoải xoay vần, tôi làm sao xuất hiện trong tư thế mới?
Thôi văn chương gì, thà cứ về nghe nhạc tua roãng cả băng, và hài lòng với những thực phẩm của đời sống, bên anh giám đốc.

Kiều Thị Mộng khóc, khi chiếc xe càng đi càng cũ, dầu càng đun càng cạn, đứa con thơ sáu tuổi thích ăn món bít tết nên tất cả tiền còn lại sau thuê nhà, đong gạo, mua dầu là dành để mua thịt bò làm bít tết cho nó. Trước mắt tôi, bữa ăn của một người nghèo dần, thật buồn.
Chị nói tiền kiếm chẳng đủ, quán quen bán mãi chả ai mua, tuần trước chị gom tiền được bốn chục nghìn đi gọi điện sang Mỹ ột thằng thủy thủ hai lần cập cảng vào quán chị. Nó hứa cưới chị sang Mỹ, nhưng không chấp nhận đứa con.
Kiều Thị Mộng đến bước cuối cùng đành gọi điện đồng ý, nhưng thằng thuỷ thủ nói, tao có thể không sang Việt Nam nữa. Mày nên kiếm thằng khác.
Hôm đó người đàn bà cùng nhà thông báo cho tôi biết, chị chuyển sang quán bia ôm, nhưng không ôm đâu. Tôi cũng muốn tin thế. Chỉ có định mức, mỗi ông khách uống từ cốc bia thứ hai trở đi, chị được năm nghìn đồng.
Tôi nhìn thấy sự thê thảm, tụt dốc dài của người đàn bà trước mắt nhưng không thể giúp gì được. Cuộc đời tôi cũng làm gì có lối thoát. Giữa một cuộc sống miễn cưỡng và những giao đãi miễn cưỡng thì cái gì hơn đâu.
Kiều Thị Mộng kinh ngạc vì tôi vẫn chưa chịu gật đầu lấy anh giám đốc. Trong mắt chị đó là một người đàn ông có tất cả. Còn tôi thì kinh ngạc vì tại sao chị Kiều Thị Mộng không đi mà lấy anh giám đốc. Chị có cả sự khôn ngoan từng trải lẫn sự phục tùng, chị cũng không quá trẻ như tôi, chắc chắn chị quản lý tài sản của giám đốc rất tốt.
Anh giám đốc vẫn say mê với nghề xây dựng, những công trình, những bữa ăn. Tâm sự là hôm nay anh uống hết một quả dừa, ăn hết một đĩa cơm sườn. Thủ thỉ âu yếm rằng em đừng ăn bánh cuốn, có hàn the trong đó đấy. Và chở tôi đi, hai người ngồi nghiêm trang cách xa nhau trên chiếc xe máy lừ lừ trôi dọc phố xá.
Anh giám đốc quá tham nên ôm thêm một nhà máy điện ở Bến Tre. Vì thế anh mất tôi.

Tôi bay ra Hà Nội trong một đêm đông lạnh giá.
Tôi để lại xe và tiền thuê nhà cho chị Mộng. Xe tôi xịn và đẹp hơn, chắc chị có thể vứt cái xe cũ kia đi.
Không ngờ, cái xe bị ăn trộm từ ngay trong nhà xe trước cửa nhà, đó là điều ân hận nhất. Còn tiền thuê nhà không tới được tay chị.
Vài tháng sau, tôi gửi ít tập vở và bút nhờ người mang vào tặng cho con chị, trước ngày vào lớp Một. Người ta nhắn lại là chị đã trả nhà ở đó, bỏ đi sau đó không lâu. Có lẽ vì tiền thuê nhà đã trở thành một gánh nặng, hoặc có thể, ngay cả định mức trong quán bia ôm chị cũng không đạt được. Không rõ sau chị sẽ dạt xuống những quá bia nào.
Và đứa bé sẽ lớn lên ra sao? Năm nay, chắc nó đã sang tuổi thanh niên. Nó yêu hay hận mẹ nó?
Kết thúc dành cho các bạn tò mò: 1- Tôi học xong một khoá... nhảy Ráp. 2- Mọi người không tin anh giám đốc mất từng đó tiền bạc thời gian mà không cầm tay tôi. (Tại anh ta không cầm chứ! Hic!)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận