Sau li hôn, một ông bố tên là Nguyễn… từ Cao Hùng (Đài Loan) ôm đứa con gái bảy tuổi đi thẳng lên thủ phủ Đài Bắc, trèo lên chiếc cầu vượt giữa trung tâm khu đô thị đông đúc nhất nhì châu Á, buộc chặt con gái vào người mình, rồi treo giữa cầu và dọa sẽ thả đứa con gái xuống dòng xe ô tô nườm nượp đang lao vùn vụt dưới chân mình.
Ông Nguyễn gào thét vì một xã hội văn minh đã cướp đứa con gái của người đàn ông đau khổ sau li hôn. Và người đàn ông đã bị vợ bỏ này thà chết cùng con, chứ cả đời không bao giờ có thể sống xa đứa con gái bé bỏng của mình. Xã hội quá văn minh nên pháp luật bảo vệ quyền nuôi con của người mẹ, bất chấp tình yêu của ông bố, một người đàn ông vừa mất gia đình vừa sắp mất luôn cả con cái.
Ông Nguyễn chỉ là một ngư dân theo tàu đi đánh cá ngoài biển, ông không có học, không có tiền, không hiểu lý lẽ lắt léo của cuộc sống. Nhưng ông yêu con không thua kém bất kỳ một người đàn ông giàu có, có học, có nghề nghiệp cao sang nào khác.
Hình ảnh người đàn ông buộc con vào bụng, đi hàng trăm cây số để giành quyền nuôi con, và tấm hình đau đớn giây phút người cha bất lực giành giật con với cả xã hội này, trong bản tin nóng làm sôi sục xã hội Đài Loan năm 2003, đã ám ảnh tôi rất lâu, từ gần mười năm nay.
Rất nhiều người ca ngợi sức mạnh của tình yêu mẫu tử, những người mẹ hết lòng hy sinh và tạo những kỳ tích phi thường vì con cái. Không mấy bài báo ca ngợi sức mạnh tình yêu của một người cha. Hoặc giả, thường chỉ nhìn họ trong vai một đàn ông trụ cột gia đình, dạy bảo con cái nghiêm ngắn. Không nói về người đàn ông tuyệt vọng đường cùng vì tình phụ tử thiêng liêng.
Hoặc cũng chỉ lên án người đàn ông đang tuyệt vọng kia dưới góc độ nhẫn tâm định giết con, chứ không nhìn thấy tình yêu vĩ đại của một ông bố, người mà cuối cùng, cũng chỉ dọa để cả xã hội rúng động nhìn nhận quyền của một người cha, chứ đã không bao giờ có ý định ép con chết cùng mình.
Hãy nhìn xem, đàn ông có quyền hạnh phúc và có quyền yêu con, y như người mẹ chứ. Nhất là khi, người vợ ông Nguyễn chỉ giành quyền nuôi con để “dằn mặt” và trả đũa ông chồng cũ yêu con, chứ ngay sau li hôn, bà đã cưới ngay chồng mới, và để đứa con gái bảy tuổi đói khát, thất học, không được đến trường.
Và khi thấy con gái không được đi học, người cha đã dẫn con đi xin làm thủ tục nhập học thì đứa bé sau khi bố mẹ li hôn đã bị tách hộ khẩu về nhà ông bố dượng, không được học tại trường Tiểu học địa phương nữa. Người mẹ và ông bố dượng càng không định cho con cái đi học, thậm chí, báo cảnh sát địa phương về việc ông bố họ Nguyễn đang xâm phạm quyền lợi chính đáng nuôi con sau li hôn của họ.
Và cảnh sát bắt ông bố, mang đứa con giao trả ẹ và bố dượng, bất chấp đứa bé khóc ngất, chòi đạp đòi được sống bên bố mình. Bi kịch hình như xuất phát từ thời điểm rất lâu trước khi họ ký giấy li hôn. Có thể bắt đầu từ sự nghèo đói của những người đàn ông làm nghề lao động chân tay ở dưới đáy xã hội, chật vật nuôi gia đình. Những rạn nứt trong tình yêu. Những quy định pháp luật tưởng là rất nhân văn và bảo vệ quyền lợi người phụ nữ, thì lại là rất tàn nhẫn và tước đoạt quyền làm cha với những người đàn ông sau li hôn.
Tin tức về sự kiện “cha đòi nuôi con sau li hôn” của ông Nguyễn vẫn còn chấn động báo chí tiếng Hoa nhiều năm về sau này. Những bản tin về ông Nguyễn đã được tổng hợp để thành kịch bản một bộ phim truyện, không phải phim tài liệu, nhưng dùng ngôn ngữ điện ảnh để trần thuật toàn bộ bi kịch của người cha này. Bộ phim “Cha không thể sống thiếu con!” đã đoạt hai giải Kim Mã năm 2010. Và chỉ sau khi lên phim, được nghệ thuật đánh thức, cái nhìn của mọi người với bi kịch người cha này mới dần dần cảm thông hơn.
Nhưng ông Nguyễn ở Đài Loan không khác gì ông Trần ở Malaysia, cũng li hôn vợ, cũng làm xã hội băn khoăn về quyền được làm cha, quyền được yêu con. Ông Trần (Malaysia) là nhân vật chính của một loạt các bản tin “bố con trộm cắp” đăng năm 1997 tại Kuala Lampur. Sau này, loạt tin về hai cha con ông Trần đã trở thành kịch bản cho bộ phim xúc động “Cha và con” của Hongkong, giành được giải Kim Mã năm 2007.
Ông Trần li hôn và may mắn hơn, giành được quyền nuôi đứa con trai năm tuổi hơi bị dị tật ở trí não. Nhưng người đàn ông bị vợ bỏ cũng vì nghèo khổ quá. Nghèo quá nên không thể nào chiều chuộng vợ như mong muốn. Vì nghèo quá mà những vết rạn hôn nhân trở nên khó vượt qua hơn.
Đau khổ nhất là đứa con yêu bố nhưng luôn thèm mẹ. Bi kịch xảy ra ở thời điểm, đứa con trai tìm được nhà của mẹ. Mẹ đã lấy chồng, lấy một người đàn ông giàu hơn ông chồng cũ. Và khi đứa con trai bé bỏng lẻn vào nhà mẹ, ôm lấy mẹ, bà mẹ đang mang bụng bầu. Rồi mẹ đẻ một đứa con mới trong cảnh nhung lụa êm ấm, và vứt một đứa con trai lấm lem đau đớn chỉ dám nhìn mẹ qua cửa sổ, khao khát cái ôm của mẹ, nhưng lại sợ hãi phải bước chân vào ngôi nhà giàu sang của mẹ, nhìn thấy mẹ không thuộc về nó nữa, đứa trẻ khác đã chiếm mất chỗ nó trong vòng tay mẹ ẵm.
Người đàn ông sau li hôn sống giãy giụa trong cái nhìn đau đáu của con, và đứa con lớn lên trong sự bức bối của ông bố đơn thân. Nghèo quá, bố dạy con đi ăn trộm. Bản tin đưa lên khi bố dạy con vào nhà người ta nằm trốn, nửa đêm dậy mở cửa nhà người ta cho bố vào ăn trộm, và bị bắt ngay trong phi vụ đầu tiên.
Không biết người phụ nữ vứt bỏ sau lưng được một ông chồng cũ nghèo tới mức sau này phải đi ăn trộm, và một đứa con trai tàn tật ngay cả việc nằm im để ăn cắp cũng không làm nổi, thì người phụ nữ ấy có nhẹ nhõm hơn không?
Nhưng tôi tin, chắc chắn nếu không li hôn, số phận những người đàn ông và những đứa trẻ đã khác. Chắc chắn những bi kịch cha và con – con trai , con gái bé bỏng – sẽ không xảy ra.
Ai bảo đàn ông mạnh mẽ và bất khả xâm phạm? Tôi nghĩ tình cha con là thứ có thể làm những người đàn ông kiên cường nhất cũng phải gục đổ.
Và giá như li hôn không phải là cột mốc đầu tiên trong chặng đường đời thất bại của một người đàn ông.
2011