1. Ông bố online:
Sếp tôi là một người đàn ông thành đạt, anh chinh phục được cuộc sống nhưng thất bại giữa gia đình. Vài ngày sau khi li hôn, anh tâm sự, bây giờ tay trắng như ba mươi năm về trước, không vợ con, không nhà cửa, không gia đình, chỉ còn mỗi tiền, cổ phiếu, ô tô và sự nghiệp.
Phụ nữ độc thân, nhất là những nàng ba mươi thì mê anh sếp kinh khủng. Thực sự, với số đông phụ nữ thời nay thì anh đã có tất cả những thứ đủ để đảm bảo một gia đình đầy đủ, để một người vợ có thể hãnh diện khoe về chồng thành đạt như khoe cái túi xách hàng hiệu, và một tương lai không vướng bận. Nhưng anh sếp thì sự nghiệp càng thăng tiến, anh càng buồn.
Thì ra chia tay gia đình, anh mất luôn con cái. Những đứa con không tin bố mẹ li hôn chỉ vì bố thèm tự do. Những đứa con luôn dò xét xem có “kẻ thứ ba” xen vào giữa gia đình hay không, luôn oán trách bố già rồi mà còn làm… “ngựa chứng” làm xấu mặt chúng nó, vì bố đòi một tình yêu mặn nồng chứ không chấp nhận cuộc sống tẻ nhạt. Và cho dù anh để phần lớn tài sản của mình cho vợ con, chúng vẫn coi anh như kẻ phản bội. Chỉ có điều, chúng chưa tìm ra lý do của sự phản bội ấy, nhưng chúng vẫn lạnh lùng quay lưng với bố.
Anh sếp chỉ còn biết đánh bạn với đám nhân viên, nhiều khi anh ăn ngủ luôn tại nhà nhân viên, anh cũng dự định chuyển sang sống tại một nước khác, nơi anh nhận dự án quốc tế mới. Nhưng sau cùng anh chọn cách ở lại Việt Nam, khi được tin một đứa con của anh đã tốt nghiệp và kết thúc những năm du học quay về làm việc tại Việt Nam.
Bi kịch là anh sếp ngay cả một cú điện thoại hỏi thăm con cũng không dám gọi, anh sợ sự giận dữ cũng như sự khó chịu của con cái sẽ làm anh đau đớn. Bây giờ con cái không cần tiền của anh, không cần lời khuyên của anh, ngay cả nhìn mặt anh chúng cũng không thấy cần thiết. Thậm chí, mỗi đứa con của anh đã có thể độc lập sống, có công việc và niềm vui riêng, nhưng cũng chỉ về với người mẹ yếu đuối chứ không có ý định hỏi han bố. Chỉ điều đó đã cho thấy, chúng đã không lựa chọn bố, hoặc chúng đã không chấp nhận được sự lựa chọn của bố.
Một ngày, anh hỏi tôi, facebook của Trang Hạ là gì để anh kết nối.
Tôi gần như ngã bổ chửng, bởi chính anh là người đã nghiêm cấm nhân viên của mình lên facebook trong giờ làm việc, cho dù lên bằng chiếc máy xách tay cá nhân chứ không sử dụng máy cơ quan. Chính anh bạn tôi mới gần hai năm trước đã ra lệnh cho phòng kỹ thuật chặn tường lửa các trang web vớ vẩn và cả… facebook cho các máy truy cập từ IP của cơ quan.
Tôi hỏi anh, ở tuổi anh mà cũng lên mạng xã hội sao?
Sau khi kết nối, tôi mới biết câu trả lời đầy cay đắng.
2. Nối kết ảo, đứt gãy thật
Mạng xã hội facebook cho phép ta truy theo nhất cử nhất động của bạn bè trên mạng. Và nhờ thế, tôi thấy rõ diện mạo tâm hồn của bạn tôi – một người đàn ông cô đơn và những đổ vỡ bên trong trái tim.
Nick của bạn tôi không ảnh đại diện, không có bất cứ một nội dung nào về cá nhân anh. Nhưng nick của anh để lại ghi nhận về sự tương tác với hai trang facebook khác. Một trang của một bà mẹ trẻ đang hạnh phúc với đứa con đầu lòng xinh đẹp. Một trang của một cậu trai vừa vào đời đang háo hức với bạn bè, đồng nghiệp, những chuyến du lịch mạo hiểm lên rừng xuống biển, những tác phẩm nhiếp ảnh đầu đời, chiếc xe đầu tiên tự sắm được…
Đó là hai đứa con của bạn tôi.
Nhưng cay đắng là ông bố comment, hỏi han trên facebook nhưng chúng đã không trả lời bất kỳ một lời nhắn nào của bố. Và ông bố lủi thủi đi theo dấu vết các con trên mạng, vui sướng với những niềm vui của chúng trên status, khen ngợi những thành công của chúng trên đường đời dưới các notes, nhận xét hỏi han dưới những tấm ảnh mới post lên album. Tất cả những cố gắng hàn gắn ấy như viên sỏi rơi xuống vực, vực sâu quá nên không tiếng dội lại. Bởi oán giận nhiều, những cố gắng yêu thương ấy đã không có hồi âm.
Gia đình phải online để còn nhìn dõi theo nhau, còn gì chua chát hơn trong thời đại số hóa được mọi thông tin nhưng không số hóa được tình gia đình?
Chúng ta lên mạng như những cá thể cô đơn, chúng ta không thể mang tài sản hay tuổi tác lên, nhưng giá như có thể mang yêu thương online để nhận nhau.
2010