Dáng Ai Bên Thềm


Rời khỏi bệnh viện X, Hoa thong thả chạy xe trên đường, bỗng, mây đen ùn ùn kéo đến, bầu trời tựa như sắp đổ cơn mưa.

Cũng may là khoảng cách từ nhà cô tới bệnh viện không quá xa nên Hoa chạy xe một lát đã về đến nhà.

Vừa dắt xe vào cổng thì trời mưa, tiếng rào rào đến rất nhanh, báo hiệu một cơn mưa lớn.
Hoa khóa cổng cẩn thận rồi bước vào trong nhà.

Hôm nay chỉ có một mình nên Hoa mở nhạc thật lớn, cho dù vậy nhưng tiếng mưa bên ngoài trời quá ồn ã, lấn át hết cả tiếng nhạc.

Cô vừa lau nhà vừa lắc lư theo giai điệu bài hát.

Sau khi dọn dẹp xong xuôi, Hoa chuẩn bị quần áo và bước vào phòng tắm.

Vẫn là thói quen vừa tắm vừa nghe nhạc, khi cô đứng dưới làn nước ấm để làm sạch đi lớp bong bóng xà phòng thì điện sáng trong nhà tự nhiên mất đột ngột.
Bốn bề một màu tối thui, điện mất, wifi cũng mất theo, những giai điệu nhạc tự nhiên cũng tắt ngấm.

Hoa rùng mình sợ hãi, một mình ở trong căn nhà rộng lớn, những ý nghĩ liên tưởng xa xôi bắt đầu xuất hiện… Và, Hoa thấy sợ ma.

Bật đèn flash điện thoại lên, cô cố gắng tắm gội thật nhanh và bước ra ngoài.
Cơn mưa ngoài trời mỗi lúc một lớn, những tiếng rào rào ngoài mái hiên liên tục trút xuống.

Đứng bên cửa sổ, Hoa bỗng phát hiện ra điều gì đó khác thường.

Tại sao chỉ mình nhà cô mất điện? Tại sao nhà hàng xóm vẫn sáng đèn? Có khi nào điện nhà cô bị hỏng? Hay là… Có ai đó đột nhập và có ý đồ xấu xa nên cố ý ngắt kết nối hệ thống điện trong nhà?
Không biết có phải ngày thường Hoa đọc nhiều tiểu thuyết trinh thám kinh dị hay không, lúc này, cô sợ hãi tới mức liên tiếp đưa ra những giả thiết tiêu cực.
Hai tay cầm chắc điện thoại, trống ngực đập rộn ràng, hai hàm răng va vào nhau lập cập, trời thu mát mẻ, thậm chí, từ lúc cơn mưa trút xuống, không khí có phần lạnh hơn.

Thế nhưng, từ vầng trán, những giọt mồ hôi vẫn cứ chảy xuống gương mặt.

Không biết nên làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi này, Hoa chợt nghĩ đến Huấn.

Anh ở ngay nhà kế bên.
Cô mở điện thoại và gọi cho Huấn ngay lập tức.

Ngay hồi chuông đầu tiên anh đã nghe máy.
— Anh nghe đây.

Hôm nay nhớ anh hay gì mà chủ động gọi điện thế?
Hoa run rẩy nói vào điện thoại:
— Anh Huấn, anh có ở nhà không?
— Anh đang ở nhà đây? Có chuyện gì vậy em?
Huấn thấy tò mò vì nhận ra sự khác lạ trong cách nói chuyện của Hoa.
— Bên nhà em bị mất điện, em không biết có vấn đề gì xảy ra.

Trời đang mưa, em sợ…
— Em đừng sợ… Ba và em trai em có nhà không? Mọi người đã xem xét lại hệ thống điện trong nhà chưa? Khả năng là bị chập điện hoặc vì một nguyên nhân nào đó.
— Em trai em nhập viện đêm qua, ba em đang ở viện chăm sóc cho nó.
Hoa thật thà kể lể.
— Nghĩa là bây giờ chỉ có mình em ở nhà?
Huấn hỏi xong câu này đầu óc anh lập tức liên tưởng đến những ý nghĩ xa xôi, mà thực tế nó không được trong sáng cho lắm.

Tuy nhiên, anh gạt bỏ những ý nghĩ ấy qua một bên, nam nhi đại trượng phu, nếu thực lòng yêu thương họ thì không thiếu cơ hội để bày tỏ, không nên lợi dụng những lúc người ta đang gặp khó khăn để làm càn.
— Vâng! – Hoa khẽ đáp trong điện thoại.
— Để anh qua xem hệ thống điện trong nhà có vấn đề gì không nhé?
Em mở cổng giúp anh.
Nói rồi Huấn tắt điện thoại, anh mang theo chiếc ô và kiên nhẫn đứng đợi Hoa trước cổng nhà.

Lúc này, vì quá sợ hãi nên Hoa chẳng còn nghĩ được gì khác, cô hoàn toàn không chú ý đến việc nam nữ ở gần nhau trong không gian mờ ám như vậy dễ gây hiểu lầm.
Bước ra cổng, Hoa nhanh tay mở khóa cho Huấn bước vào trong nhà.

Trong bóng tối, cửa mở ra, dưới màn mưa là một thân ảnh cao lớn nắm chặt chiếc ô và tiến vào bên trong.

Hoa nhất thời bị hình bóng gây mê hoặc ấy làm cho thẫn thờ.

Trong khoảnh khắc, không gian xung quanh chỉ như làm cảnh nền cho sự xuất hiện của Huấn, hình ảnh anh cầm ô, ánh mắt dịu dàng lướt qua đẹp tựa bức tranh thủy mặc.
Từng đường nét trên khuôn mặt anh vốn đã rất đẹp, giờ đây, dưới ánh sáng mờ ảo, thần khí của anh càng thêm cuốn hút bội phần, hương thơm nam tính trên người anh nhàn nhạt tỏa ra và xen lẫn với mùi hoa cỏ trong đêm mưa.

Thấy Hoa như người bị cướp mất lí trí, Huấn đứng trên bậc thềm rồi cất lời nhắc nhở:
— Em đóng cổng lại đi.
Hoa giật mình rồi vô thức làm theo lời Huấn nói như một cỗ máy.

Cô chậm rãi bước vào nhà, đứng kế bên Huấn và ngập ngừng trình bày sự việc, cô đang tắm rồi sự cố mất điện diễn ra ra sao, cô còn tỉ mỉ miêu tả tâm trạng cũng như nỗi sợ hãi của bản thân khi ở một mình trong bóng tối như thế nào.

Nghe giọng kể cùng thái độ sợ sệt ấy, Huấn chỉ mỉm cười, trong suy nghĩ, anh lập tức phác họa ra hình ảnh một chú mèo nhút nhát dễ thương.

Mà chú mèo ấy, chính là Hoa.
Cô dẫn anh đi kiểm tra hệ thống điện trong nhà, Huấn tỉ mỉ ngó nghiêng và xem xét, sau cùng, anh chỉ dùng một thao tác nhỏ, điện trong nhà bỗng sáng lại như cũ.

Hoa mừng rỡ reo lên đầy phấn khích:
— Anh giỏi quá.

Anh sửa được điện giúp em rồi này!
Khuôn mặt Huấn không thay đổi biểu cảm gì đặc biệt, anh chỉ nhẹ nhàng giải thích:
— Nguyên nhân gây ra mất điện là do nhảy Aptomat.
Hoa tròn mắt thắc mắc:
— Nhảy Aptomat nghĩa là sao hả anh?
— Aptomat hay còn gọi là cầu dao tổng được sử dụng để đảm bảo an toàn khi dùng các thiết bị điện, có chức năng ngắt mạch điện để bảo vệ an toàn khi điện quá tải, ngắn mạch, thấp áp…
Có một vài nguyên nhân dẫn đển nhảy Aptomat như là: Do nguồn điện bị quá tải, nguồn điện bị cháy hay bị chập, hoặc cũng có thể do Aptomat bị hư…
— Trước đây anh có học ngành điện không? Sao anh biết mấy chuyện này thế ạ?
— Mấy cái này đơn giản, anh tìm hiểu nên biết sơ sơ thôi, không phải giỏi.
Hoa ngậm ngùi suy nghĩ “không nhất thiết phải khiêm tốn thế đâu, nhất là trong tình huống như thế này”.

Càng lúc cô càng thấy thích Huấn mà không hiểu vì sao.
Hoa đi theo Huấn xuống dưới nhà.

Đây là lần đầu tiên anh đến nhà cô, chỉ là, lần xuất hiện này có chút bị động, Huấn tò mò quan sát xung quanh.

Có vẻ như ngôi nhà này đã xây dựng khá lâu, thỉnh thoảng ở phía góc tường có xuất hiện những vệt nấm mốc loang lổ, có chỗ còn bong tróc cả lớp sơn bề mặt.
Trong không gian khó xử này, Huấn ngập ngừng nói:
— Anh về nhé.

Nếu như gặp sự cố mất điện nữa thì cứ gọi cho anh.
— Anh… ở lại chơi uống nước đã ạ.

Cảm ơn anh đã sửa điện giúp em.
Nói rồi Hoa ngồi xuống sofa và nhanh tay rót nước vào ly thủy tinh.

Huấn ngồi xuống như một cỗ máy, chưa có khi nào anh thấy bối rối như lúc này.
— Em trai em bị sao mà phải nhập viện?
Huấn chợt nhớ ra câu chuyện Hoa kể khi nãy nên anh cất lời quan tâm.
— Nó uống nhiều rượu quá nên bị xuất huyết dạ dày.
— Còn trẻ thế mà đã nghiện rượu sao?
— Không như anh nghĩ đâu.

Dường như nó thất tình, bỏ đi uống rượu cả đêm, mấy nay không ăn ngủ tử tế, tiêu hóa quá nhiều đồ uống có cồn nên dạ dày bị ảnh hưởng anh ạ.
— Anh chưa bao giờ yêu ai đến mức mà hành hạ bản thân thành ra như vậy.

Chứng tỏ bạn ấy cũng yêu người kia sâu đậm quá.
Vừa nói Huấn vừa nhìn vào khung ảnh gia đình Hoa, trong đó có ông Trung, bà Nhung và chị em Hoa.

Nhưng đó là hình chụp từ cách đây rất lâu rồi.

Trong hình, Hoa vẫn còn là một cô bé, tuy nhiên, gương mặt và ánh mắt ấy đến giờ cũng không đổi khác quá nhiều.
Huấn buột miệng hỏi:
— Anh chưa thấy em nhắc đến mẹ bao giờ… Nhìn em giống mẹ nhỉ!
Hoa lặng lẽ cúi đầu, Huấn không phải là người thân, nhưng không hiểu sao, trong suy nghĩ của cô, anh chiếm giữ một vị trí rất quan trọng.

Và bởi vậy, Hoa không ngại tâm sự với anh câu chuyện về mẹ.
— Mẹ bỏ ba con em cách đây 10 năm rồi!
Huấn nghe vậy lập tức thấy khó xử, anh chân thành xin lỗi:
— Anh thực sự không có ý khơi dậy những ký ức không vui của em, anh xin lỗi…
— Không sao ạ.

Em cũng quen rồi.
Nhưng dường như Huấn đã hiểu sai câu chuyện, anh cứ ngỡ mẹ Hoa đã rời xa cõi trần thế.
— Không còn mẹ là điều thiệt thòi vô cùng lớn, anh đồng cảm với tâm trạng của em!
Hoa ngỡ ngàng, nhưng rồi cô vội giải thích:
— Mẹ em vẫn còn sống, chỉ là, bây giờ bà ấy đang sống trong một gia đình khác!
— Anh xin lỗi, anh lại nói năng thiếu suy nghĩ nữa rồi.
— Không đâu, là do em kể chuyện không rõ ràng nên anh mới hiểu lầm.
— Qua câu chuyện em kể, anh cảm thấy rất ngưỡng mộ ba em!
— Vì sao ạ?
— Ông ấy phải mạnh mẽ và kiên cường lắm mới có thể nuôi dạy 2 chị em trưởng thành như ngày hôm nay.

Qua cách ứng xử của em cũng phản ánh rất nhiều tính cách của ba và cách giáo dục tuyệt vời của ông ấy.
Lời khen của Huấn thực sự khiến Hoa cảm thấy vui.

Đúng như những gì anh nói, Hoa luôn yêu thương và kính trọng ba của mình.

Đó không đơn giản là tình phụ tử đơn thuần, mà bởi, ông Trung vốn là nhà giáo ưu tú, ông luôn có những suy nghĩ rất lạc quan, tích cực, cách ông giáo dục và cư xử với chị em Hoa cũng rất khéo léo.

Hoa cảm thấy, dù thiếu vắng tình cảm của mẹ, nhưng sự ấm áp của ba cũng đủ sưởi ấm cho trái tim đầy tổn thương của chị em cô.
— Anh nhận xét ưu ái như thế em phổng mũi đấy ạ.
— Anh nói thật lòng đấy.
Nói đoạn, Huấn lại chăm chú quan sát vào bức ảnh chụp kỷ niệm của ông Trung cùng với bạn đồng nghiệp, dưới khung lề có ghi dòng chữ Đại học Sư phạm Hà Nội 2010.

Anh tò mò cất lời:
— Ba em là giáo viên à?
— Vâng.

Ba em dạy Sử, nhưng hiện tại đã về hưu được 2 năm.
— Ba mẹ anh cũng là giáo viên.

Chúng ta có điểm chung đấy.
— Ba mẹ anh dạy môn gì thế ạ?
— Ba anh dạy Toán, mẹ anh dạy Lý!
— Ôi, thế chắc ngày trước anh học giỏi lắm, đúng không ạ?
— Anh học dốt.
— Em không tin.
— Anh nói thật.

Lực học của anh trước kia chỉ ở ngưỡng trung bình khá.

Nhiều người cứ luôn tâm niệm rằng, ba mẹ là giáo viên thì con sẽ học giỏi.

Nhưng anh nghĩ, học giỏi hay không là do sự cố gắng và khả năng tiếp thu của mỗi người thôi, yếu tố gia đình hay ngoại cảnh chỉ là một phần rất nhỏ.
Hoa gật gù nhầm tán đồng ý kiến của Huấn, quả nhiên anh chàng này có những suy nghĩ khá sâu sắc.
— Tại sao ngày trước anh không theo học mấy môn tự nhiên mà lại chọn ngành thiết kế ạ?
— Thực ra ngày đó anh cũng chưa có nhiều hiểu biết, nói thẳng ra là chẳng có chút tầm nhìn gì về ngành nghề hay công việc trong tương lai.

Ba mẹ anh là giáo viên thật, nhưng công việc chỉ giới hạn trong trường học ở một huyện nhỏ bé, những kiến thức về các ngành nghề khác gần như là không có.
Nữa là, thời của ba mẹ anh, các ngành nghề, công việc chưa đa dạng như bây giờ.

Em sinh ra ở Thủ đô nên không biết, ở quê anh, dạo trước kinh tế khó khăn lắm.

Ba mẹ anh hồi trước, sáng đi dạy chiều đi ra đồng gặt lúa, cấy lúa mà vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống.

Có những đêm, ba mẹ anh còn nhận thêm giày da về làm… mãi sau này, kinh tế Nhà nước phát triển, hệ thống Giáo dục cũng phát triển theo, công việc của ba mẹ anh cũng coi như là tạm ổn.
Anh lại nói lan man nhỉ? Quay lại chủ đề cũ nhé.

Anh theo học thiết kế là nhờ cô giáo dạy mĩ thuật của anh gợi ý, khi đó anh nghe xong liền cảm thấy hứng thú nên đăng ký theo học và thi thôi.
— Tính ra chúng mình thật may mắn vì được sống trong thời đại như bây giờ, ba mẹ thời trước vất vả vật lộn kiếm sống mà lúc nào cũng thấy bế tắc.
— Hôm nào có dịp, mời em về Thái Bình quê anh chơi nhé.
Nghe xong câu này Hoa lại thấy cả người chộn rộn không yên.

Cô thầm nghĩ, phải thân thiết, phải quý mến nhau lắm thì anh ấy mới chủ động mời cô về quê như này ấy nhỉ?
— Em nghe nói, Thái Bình là vựa lúa lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng, ngoài ra còn nổi tiếng với những cánh đồng cói xanh mướt, đúng không anh?
— Đúng rồi.

Em nghe qua lời bài hát Nắng Ấm Quê Hương chưa?
— Bài hát đó như nào ạ?
— Anh không thuộc, nhưng trong đó có câu hát như này:
“Em dệt đôi chiếu hoa
Cho anh trải giữa nhà
Mời thầy mẹ sang chơi
Để em thưa, để anh thưa”…
— Nghe quen quá, bài này nổi tiếng về Thái Bình, ca sĩ Anh Thơ hát, ba em thỉnh thoảng vẫn nghe suốt.
— Ừ, ý nói, Thái Bình nổi tiếng là trồng lúa và trồng cói đó.
— Khi nào có dịp em nhất định sẽ đến Thái Bình chơi.

Khi đó anh không được giả vờ là không quen em nhé.
— Sao có chuyện đó được.

Anh dệt chiếu hoa đem trải từ đầu làng đón em vào chơi luôn.
Nghe câu nói bông đùa ấy, Hoa bật cười khúc khích.

Huấn ngồi trò chuyện thêm một lát rồi quyến luyến từ biệt ra về.

Đêm đó, Hoa ngủ rất ngon, Aptomat không xảy ra sự cố gì nhưng trong giấc mơ, cô mơ thấy giữa đêm Huấn chạy sang nhà và giúp cô sửa điện một lần nữa….


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui