Kể từ sau khi sống ly thân, Thu Hương trở thành người đưa đón con gái đi học.
Cô làm đơn xin với cơ quan cho cô 30 phút cuối mỗi buổi chiều đi đón con, buổi sáng cô sẽ đến sớm hơn để làm.
Cô đã dự tính sẵn nếu họ không đồng ý thì sẽ nghỉ để tìm công việc khác giờ giấc ổn định hơn.
Điều cô không ngờ là giám đốc lại phê duyệt rất nhanh, còn nói có thể thông cảm được cho cô.
Chuyện này là do Minh Nhật nhờ mẹ tác động, đến nay cô vẫn chưa biết năm đó cô đã được nhà anh giúp đỡ trong lúc thi tuyển.
Lần này anh làm thế là vì không muốn khiến cô vất vả thêm, anh làm cô tổn thương đủ nhiều rồi, bây giờ muốn cô sống thoải mái một chút rồi biết đâu cô sẽ hồi tâm chuyển ý.
Mẹ anh gọi cho cô rất nhiều lần cô đều không nghe máy.
Hôm nay là bé Dâu cầm máy mở lên nghe trong lúc cô đang nấu ăn nên cô mới đành phải nói chuyện với bà.
“Hương à con? Sao không nghe mẹ gọi? Mẹ có chuyện muốn nói với con”
“Vâng, mẹ nói đi ạ”
Những năm qua bố mẹ anh đối xử với cô rất tốt, hoàn toàn không xem cô là người ngoài nên dù muốn ly hôn với anh cô vẫn sẽ tôn trọng gọi họ tiếng bố mẹ cho tới ngày cuối.
“Ừ, mẹ biết chuyện của hai đứa rồi.
Con tin mẹ được không? Năm đó mẹ không hề biết nó lấy con là vì tên con giống con bé kia.
Lúc nó còn đang tán con mẹ đã hỏi rồi, nó nói là nó thích con thật nên mẹ mới vun đắp cho hai đứa” mẹ anh nói rất thành thật.
“Con biết rồi ạ” cô trả lời nhàn nhạt, không nghe được cảm xúc gì.
“Mẹ bảo, dù con có bỏ thằng Nhật, mẹ không hề muốn chuyện đó xảy ra nhưng nếu lỡ như thế thì con cũng đừng bỏ bố mẹ, đời này bố mẹ chỉ nhận mình con làm con dâu.
Thỉnh thoảng về nhà chơi con nhé, đừng chỉ thả Dâu ở cổng cho con bé chạy vào còn mình thì đi mất”
Quả thực thời gian qua cô vẫn đưa bé Dâu về thăm ông bà nội nhưng cô không vào nhà.
Cô cứ thả con bé ở cổng, bé chạy vào nhà xong rồi sẽ đi.
Có mấy lần mẹ anh gọi với theo cô cũng không dừng lại.
Khi cô quay lại đón con thì sẽ gọi cho bé vì bé có đeo đồng hồ thông minh cho trẻ em.
“Con biết rồi ạ”
“Còn chuyện đưa đón cháu nữa, con đi làm vất vả như thế, hôm nào nhỡ dở thì cứ nhắn cho mẹ để mẹ giúp, đừng ngại con nhé”
“Vâng”
“Ừ, con nghỉ ngơi đi”
…
Sau khi cô ôm con bỏ đi thì Minh Nhật sống rất chật vật.
Anh thường hay ở lại viện ít khi về nhà.
Nếu anh về nhà bố mẹ thì sẽ bị bố dạy dỗ, bị mẹ trách mắng vì cái trò điên khùng anh nghĩ ra năm đó.
Anh có nói là hiện giờ anh đã yêu cô thì ông bà cũng không tin, còn nói anh đừng chỉ biết nói bằng miệng, chứng minh bằng hành động đi.
Vậy nên anh không dám về nhà bố mẹ, chỉ khi nào bé Dâu ở đó anh mới về gặp con, nhưng mỗi lần gặp lại càng thêm đau lòng.
Con gái bé nhỏ của anh gần đây rất hay khóc, mỗi khi gặp bố là lại khóc.
“Bố, con nhớ bố lắm, sao bố mẹ không ở với nhau nữa?”
“Bố ơi, con thấy mẹ hay khóc, con có làm gì sai làm mẹ buồn không bố?”
“Con không thích nhà mới đâu, con thích nhà mình cơ, con muốn về nhà mình, con muốn bố mẹ ở với con”
“Bà nội bảo tại bố không ngoan nên mẹ không chơi với bố nữa, bố xin lỗi mẹ đi bố”
“Con muốn đi chơi công viên, bố mẹ đã hứa sẽ đi xem hươu cao cổ với con rồi mà, sao bây giờ chỉ còn mỗi bố đi vậy”
Mỗi một câu nói của con gái đều như nhát dao cứa vào lòng anh.
Con gái của anh, lúc trước chưa bao giờ phải tủi thân, anh luôn cưng chiều con như công chúa.
Mặc dù khi con đến là chuyện không mong muốn với anh nhưng nhìn con lớn lên từng ngày trong vòng tay mình thì đã rất thương yêu con, không muốn con phải chịu chút tổn thương nào.
Vậy mà bây giờ chính anh lại là nguyên nhân khiến bé con phải khóc nức nở không ngừng được.
Chưa bao giờ anh cảm thấy mình tệ bạc đến như vậy.
Minh Nhật cũng không dám về ngôi nhà mà anh và cô đã từng chung sống.
Không còn ai để đèn sáng chờ anh về chỉ vì muốn khi anh lái xe vào khu nhà đã có thể thấy được một ngọn đèn thắp lên vì anh.
Không còn ai mong ngóng anh về, ôm anh thật chặt rồi mới an tâm ngủ tiếp giữa những đêm anh phải đi cấp cứu đột xuất.
Không còn ai quan tâm đến những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống của anh.
Hết dầu gội, không ai mua mới.
Cổ áo, tay áo dính mồ hôi để lại vết bẩn cũng không ai tỉ mẩn chà bằng tay trước khi cho vào máy.
Mở tủ ra chỉ có những bộ đồ nhàu nhĩ, không có áo quần đã ủi phẳng phiu như trước.
Không còn ai ngọt ngào gọi anh là chồng, làm nũng đòi anh làm cho cô những món đồ handmade.
Vợ người ta đòi túi xách thì ra cửa tiệm mua là được.
Vợ anh đòi túi xách thì tức là anh sẽ phải làm cho cô.
Chuyện này bắt đầu từ khi cô mua một bộ làm túi bằng hạt cườm về nhưng lại không biết làm, là anh đã giúp cô hoàn thành nó.
Từ sau đó cô rất hay đòi anh làm túi cho cô, cô sẽ mua nguyên liệu và hướng dẫn trên mạng về rồi đưa cho anh làm.
Nhưng anh rất thích cô vòi vĩnh như thế, cảm giác như món đồ anh làm ra rất quan trọng với cô.
Không còn ai nấu sẵn những món ăn ngon để anh mang đi làm vào ngày hôm sau.
“Sao thế? Ăn có miếng cơm mà cũng xúc động khóc ròng được hả phó khoa tương lai?” một đồng nghiệp hỏi vì thấy anh ngồi nhìn khay cơm hồi lâu không động đũa, mắt lại còn rưng rưng.
Những năm qua anh miệt mài cố gắng, tạo được danh tiếng cho riêng mình, bây giờ là lúc cạnh tranh lên chức phó trưởng khoa căng thẳng nhưng anh lại không có tâm trạng quan tâm đến điều đó.
Vừa rồi anh cảm thấy xúc động dâng lên trong lòng vì hôm nay căng tin làm món đậu sốt cà chua.
Ban đầu anh muốn cô làm món này cho anh là vì lòng riêng, muốn tìm lại cảm giác cũ.
Nhưng sau đó thì không biết tự bao giờ anh đã quen với hương vị mà cô nấu, mỗi khi ăn đều nhớ tới nét mặt vui vẻ của cô khi mà anh khen cô nấu ngon.
Nhưng trong mắt cô bây giờ thì món ăn này đã trở thành điều đáng ghê tởm, bởi vì anh từng dùng nó để tìm kiếm bóng hình của mối tình đầu trên người cô.
“Đừng nói thế, tôi không dám nhận đâu, tôi và anh Khoa vẫn đang cố gắng”
Người đang cạnh tranh với anh tên là Khoa, cũng là một bác sĩ nổi tiếng trong khoa này, danh tiếng không hề thua kém anh.
Người trong khoa đều gọi anh và anh ấy là idol giới trẻ vì sinh viên mới vào khoa thực tập ai cũng đòi theo họ để được hướng dẫn.
“Xì, trưởng khoa thích anh hơn là chuyện rõ như ban ngày, có gì đâu chứ.
Hơn nữa bệnh nhân cũng tranh nhau tìm đủ mọi cách để ca mổ được xếp dưới tên anh.
Đây là sự công nhận lớn nhất rồi, lãnh đạo nhìn vào đó chứ vào đâu.
Ngay tháng trước thôi, người nhà tôi đi mổ còn không an tâm cho tôi làm mà cứ đòi phải tranh thủ được suất do anh mổ chính, ghen tỵ thật”
“Đã ở đây thì ai cũng là bác sĩ giỏi, tâm lý bệnh nhân cứ hay nghe đồn rồi muốn làm theo thôi.
Cậu cũng là bác sĩ thì nên khuyên người nhà như thế”
“Khuyên rồi đó nhưng bụt chùa nhà không thiêng ha ha”
Cuộc sống của anh cứ trôi đi một cách tẻ nhạt và nặng nề như thế.
Anh rất nhớ cô, cũng rất muốn gặp cô nhưng chỉ dám nhìn từ xa không dám lại gần sợ cô thấy anh sẽ lại làm chuyện gì đó dại dột.
Hiện giờ anh không dám đòi hỏi, chỉ cần thấy cô vẫn ổn là anh có thể an tâm được rồi.
Còn về chuyện giữa hai người họ, anh vẫn còn bế tắc chưa tìm ra cách giải quyết, trước mắt cứ tạm để cô có thời gian bình tĩnh lại đã, có lẽ khi cô đã nguôi ngoai phần nào thì sẽ chịu ngồi yên nghe anh nói..