Chuyển ngữ: Nenechan
Tín đồ xổ số đi rồi, các hành khách trước đó vây lại hóng hớt cũng về chỗ của mình.
Bà cụ ngồi về vị trí cạnh Vương Nhuệ, trề môi bảo anh: “Cậu để người ta đánh tím cả mắt thế kia! Tết Trung thu mà thành ra thế này! Tôi không có ý gì đâu, nhưng cậu lo chuyện bao đồng làm gì! Tự nhiên nói chuyện tên trộm ra làm gì! Đấy rồi xem, trộm chạy mất, người ta đánh cậu thế mạng!”
Vương Nhuệ thấy hốc mắt đau rát, nước mắt không ngừng ứa ra.
Anh hối hận chết đi được!
Nghĩ bụng bà cụ này nói chí phải, anh quả thực không nên kể chuyện đó với tên tín đồ xổ số.
Bà cụ lại nói: “Tôi thấy cậu phải nhờ ai dẫn đi khám cái mắt xem thế nào, chính cậu nhìn còn chẳng rõ, sưng thế kia cơ mà, nhỡ mà mù thì chết dở.
Con mắt là quý lắm đấy!”
Bà cụ càng càm ràm, Vương Nhuệ càng nghĩ mà sợ, ngộ nhỡ anh mà mù thật thì sao? Anh không muốn để Lâm Tú San có một ông chồng chột đâu.
Vương Nhuệ ra sức nháy con mắt bị thương, để nó đảo qua đảo lại nhạy nhất có thể.
Kết quả chỉ thấy phí sức và nhức phát khiếp, điều đó khiến anh khá yên tâm.
Anh nghĩ nếu tên tín đồ xổ số kia mà thấy bộ dạng đảo mắt nhoay nhoáy thế này, kiểu gì cũng liên tưởng đến cái lồng cầu xổ số với những trái bóng sắc màu kia, khéo rồi móc cả tròng mắt anh ra cũng chưa biết chừng.
Vương Nhuệ ôm mắt trái, mắt phải thử nheo lại nhìn cảnh vật xung quanh, anh nhìn được vết đồi mồi màu xanh trên bàn tay của bà cụ ngồi kế, nhìn thấy người đàn ông ngồi phía bên kia lối đi đang gác chân hút thuốc.
Anh lại ngoái đầu nhìn cửa sổ, trông thấy ánh trăng vàng nhạt như hơi thở của bơ sữa rọi xuống cánh đồng hoang.
Xem ra ông trăng đêm Trung thu đã lặng lẽ lộ diện rồi đây.
Biết mắt mình không đáng lo ngại, anh vui mừng khôn tả.
Vương Nhuệ rút chiếc khăn lụa mua cho Lâm Tú San trong túi, nhìn những bông hoa tím biếc trên đó, anh không kìm được rơi nước mắt.
Bà cụ thấy anh rơi lệ thì kinh ngạc nói: “Chẳng lẽ cậu không nhìn thấy hoa trên dải khăn nữa? Không được tha cho tên kia đâu đấy, bắt hắn ta xuống tàu dẫn cậu tới bệnh viện kiểm tra!”
Vương Nhuệ định bảo bà, chính vì vẫn nhìn thấy hoa trên khăn lụa, anh mới rớt nước mắt.
Vương Nhuệ bình tĩnh lại, anh ngồi dậy tới phòng vệ sinh, tính rửa qua cái mặt.
Tuy nhiên vặn vòi nước mãi không thấy nước đâu.
Vòi nước trên tàu chậm thường thế, chuyến tàu xuất phát khoảng một hai tiếng đầu, nó vẫn nhả nước ào ào, nhưng sau khi đi qua vài trạm, nó sẽ ngậm chặt miệng như một kẻ câm.
Vương Nhuệ đứng đó, bỗng cảm thấy như đang đứng giữa vùng đất thôn Hạ Tam dần sa mạc hóa, vòi nước thì như nguồn nước sông đã cạn.
Ngẩng đầu nhìn chiếc gương trước bồn rửa, tuy nó đã bị vệt nước và cặn bụi vấy bẩn, mờ mịt, nhưng anh vẫn nhìn thấy mặt mình.
Hốc mắt phải quả nhiên tím xanh, đã thế còn sưng vù lên.
Anh nghĩ, xuống tàu gặp Lâm Tú San với bộ dạng này, cô mà hỏi mắt mũi bị làm sao, chắc chắn anh sẽ không kể thật, cùng lắm thì bảo bị gạch quẹt qua mắt lúc ở công trường.
Thế thì càng hỏng bét, vì anh mà quay lại công trường làm việc, cô không thấp thỏm mỗi ngày mới là lạ.
Thôi thì cứ nói hôm nay tàu đông, anh không cẩn thận đụng trúng cửa.
Lúc tàu chậm gần đến Nhượng Hồ Lộ, ánh trăng đã lên cao chót vót.
Vương Nhuệ nghĩ giá mà ánh trăng có tác dụng tiêu sưng giảm phù, có thể khiến mắt anh khôi phục trạng thái bình thường thì tốt.
Anh cảm thấy đi đoàn tụ với vợ trong bộ dạng này hơi mất hứng.
Vương Nhuệ đoán chừng có lẽ Lâm Tú San đã đợi sẵn ở nhà trọ họ hay lui tới.
Anh quyết định không đến xưởng dệt len nữa mà đi thẳng tới nhà trọ.
Vương Nhuệ là khách quen của nhà trọ này, vợ ông chủ nhận ra anh.
Bà chủ năm nay 44, người béo tròn, tay đeo ba cái nhẫn vàng, hễ rảnh rỗi là bà ngồi cắn hạt dưa tanh tách, lúc nhìn người khác hay nheo nheo mắt.
Có lần Vương Nhuệ rời khỏi phòng trọ từ tảng sáng, bà chủ ngáp ngắn ngáp dài lững thững từ phòng đăng ký bước ra bảo anh: “Hôm qua khách sát phòng hai vợ chồng cậu phải trả phòng, họ bảo không ngủ được vì hai người ồn ào quá đấy! Tôi phải bảo người ta vợ chồng cậu mười ngày nửa tháng mới gặp nhau một lần, chẳng nhẽ lại không vần nhau ra bã!”
Vương Nhuệ và Lâm Tú San nghe vậy đỏ bừng mặt như làm gì sai không bằng.
Họ hứa hẹn với bà chủ lần sau sẽ chú ý hơn, nhưng làm sao mà chú ý được chứ, một khi được ở cùng nhau là lại buông thả đến cùng, khách trọ sát vách vẫn làm ầm lên đòi đổi phòng như thường.
Vậy nên mỗi khi thấy Vương Nhuệ, bà chủ thường cười cợt nói: “Trông cậu còi cọc mà cũng khoẻ ra phết đấy nhỉ.”
Lúc đến nhà trọ, Vương Nhuệ thấy bà chủ hôm nay trang điểm lộng lẫy ngồi ở phòng đăng kí.
Bà chị mặc áo choàng nhung nền xanh hoa hồng phấn, phối với cái quần suông rộng màu đen.
Mái tóc búi lên, mặt chẳng những trát phấn, còn bôi son vẽ mày.
Bà chị lúc này đang nói nói cười cười với nữ phục vụ có biệt danh “Lê Trắng Nhỏ”.
Lâm Tú San từng bảo Vương Nhuệ, Lê Trắng Nhỏ là “gà” bà chủ nuôi ở nhà trọ.
Thân phận của cô ta là phục vụ, thực chất là toàn câu dẫn khách làng chơi, vậy nên Vương Nhuệ rất coi thường Lê Trắng Nhỏ.
Thực tế cô gái này không quá xinh đẹp, nhưng dáng vóc rất thu hút, da dẻ trắng trẻo, mắt cười đon đả, vậy nên trông khá nịnh mắt.
Bà chủ thấy Vương Nhuệ, thái độ niềm nở: “Tôi đoán ngay hôm nay là Trung thu, hai vợ chồng cậu không đến mới lạ!”
Vương Nhuệ hỏi: “Vợ tôi đến chưa?”
Bà chủ đáp: “Đã thấy đâu? Sao thế, chưa hẹn nhau à? Chưa hẹn cũng không sao, cứ thuê phòng trước đi rồi quay ra tìm cô ấy!”
Vương Nhuệ nói: “Tôi phải xem cô ấy có ở Nhượng Hồ Lộ không hẵng, cô ấy không ở đây thì thuê phòng có ích gì?”
Bà chủ cười, nói: “Vợ không ở đây cũng không phải lo, tôi bảo Lê Trắng Nhỏ bồi cậu!”
Vương Nhuệ quay ra ngoài, vừa đi vừa nói: “Tôi không ăn lê!”
Sau đó anh thấy bà chủ và Lê Trắng Nhỏ cười phá lên sau lưng.
Bà chủ cười rung cả vai: “Cả năm chỉ ăn một loại quả mà không thấy chán nhỉ? Cậu ta không ăn lê thì để người khác ăn!”
Lê Trắng Nhỏ nói: “Hốc mắt anh ta tím xanh thế kia, khéo chừng nếm thử quả dại không vừa mồm rồi bị người ta uýnh cho cũng nên!”
Vương Nhuệ phiền muộn chạy tới xưởng dệt.
Anh không ngừng săm soi người qua đường, chỉ sợ lướt qua Lâm Tú San.
Mãi đến khi chạy tới phòng thường trực, nhân viên trực ban nhận ra anh: “Vợ anh về rồi đấy, nhưng lại đi luôn rồi!”
Vương Nhuệ uể oải: “Đi đâu rồi?”
Trực ban: “Tôi biết sao được? Lúc chạy ra cô ấy cũng chẳng bảo đi đâu! Anh vào đó hỏi mọi người thử xem.”
Lần này anh ta không bắt Vương Nhuệ điền phiếu đăng kí.
Vương Nhuệ lê đôi chân mỏi nhừ tới kí túc xá của Lâm Tú San, anh ủ rũ gõ cửa.
Kí túc tối đèn, chẳng lẽ không có ai ở đây?
Vương Nhuệ vẫn gõ cửa liên tục, còn gọi to: “Tú San, em có đó không? Tú San!”
Vương Nhuệ nghe có tiếng bước chân trong phòng, nhưng đèn đuốc vẫn tối om.
Giọng Ngô Mỹ Quyên truyền qua cánh cửa: “Vương Nhuệ, là cậu hả?”
Vương Nhuệ đáp: “Chị Ngô, là em đây, chị mở cửa cho em với, Tú San có đó không ạ?”
Ngô Mỹ Quyên: “Mọi người đi xem phim hết rồi, xin lỗi nhé tôi không ra mở cửa nữa.”
Chị ngừng một lát, lại nói: “Tú San tới Cáp Nhĩ Tân tìm cậu rồi mà! Giờ cơm tối thấy con bé quay về, bọn tôi kể chuyện cậu đến đây tìm nó, biết nó cũng tới Cáp Nhĩ Tân nên cậu lại ngược về.
Tú San nghe vậy liền chạy đi bắt xe tới Cáp Nhĩ Tân! Cậu mau về đó đi!”
Lời của Ngô Mỹ Quyên khiến Vương Nhuệ rét lạnh, anh thấy mình như như bác nông dân trồng phải hạt giống giả, bôn ba mệt nhọc đến cuối cùng lại trắng tay.
Giờ phút này Vương Nhuệ đã chua xót đến đỉnh điểm.
Anh biết Ngô Mỹ Quyên đang ở cùng chồng.
Chồng Ngô Mỹ Quyên ở thôn Lâm Điện, mỗi lần tới thăm vợ đều không nỡ bỏ tiền thuê trọ.
Họ sẽ bỏ vài đồng đuổi mọi người trong kí túc ra rạp chiếu bóng gần xưởng, một vé chỉ tốn 2 đồng, mọi người xem xong quay lại thì họ cũng đã xong chuyện.
Ngô Mỹ Quyên sẽ dẫn chồng tới ký túc xá nam, xin người ta cho anh ở ké một đêm.
Lâm Tú San nhờ đó mà được xem khá nhiều phim.
Có lần cô nói nhỏ với Vương Nhuệ, rạp chiếu bóng toàn chiếu phim cấp ba, buồn nôn chết đi được.
Vương Nhuệ nói: “Em mà học hư theo thì đừng trách anh đáp gãy mũi chồng Ngô Mỹ Quyên.”
Lâm Tú San cười khanh khách: “Mũi anh ta gãy sẵn rồi! Khỏi cần anh ra tay!”
Cứ nghĩ Ngô Mỹ Quyên đang được tận hưởng giây phút ngọt ngào với chồng, còn anh và Lâm Tú San sau một ngày bôn ba vẫn cứ là mỗi người một nơi, anh cảm thấy như bị số phận đùa cợt, nước mắt không kìm được rơi lã chã.
Vương Nhuệ loạng chà loạng choạng ra khỏi xưởng dệt.
Anh không ra nhà ga mà băng qua đường cái, tới chỗ bốt điện thoại Lâm Tú San thường tới đợi cuộc gọi của anh.
Xe cộ trên đường thưa hơn ban nãy, lối đi bộ thỉnh thoảng cũng mới có một hai người qua lại.
Có lẽ mọi người đều đã về nhà thưởng thức bánh trung thu thơm lừng.
Vương Nhuệ nhìn vành trăng sáng tỏ, anh cúi đầu một cách tội nghiệp.
Anh nghĩ, vầng trăng này không thuộc về anh, cũng chẳng thuộc về Lâm Tú San.
Đêm nay, vầng trăng ấy đối với anh chẳng khác nào một cái hố đen kịt.
Anh cảm thấy cô độc cùng bất lực.
Vương Nhuệ móc thẻ IC, cắm nó vào khe hở, anh vô thức quay số máy bốt điện thoại gần công trường.
Mỗi thứ Năm hằng tuần trong suốt nửa năm nay, anh đều ở đó gọi điện thoại cho Lâm Tú San.
Lần trước Lâm Tú San tới Cáp Nhĩ Tân, họ đi qua cái bốt đó.
Lâm Tú San còn nghịch ngợm bảo anh: “Nhìn kìa, đó chẳng phải là điện thoại nhà mình đấy ư?”
Câu nói này khiến Vương Nhuệ trào nước mắt cay đắng.
Anh nghĩ thằng đàn ông như anh thật vô tích sự, đến một cái điện thoại di động cũng không mua được cho vợ.
Họ không thể trao nhau những lời tâm tình mỗi đêm khuya thanh vắng, mà chỉ có thể cố định một thời điểm bất kể gió mưa hay tuyết lớn.
Trông thì có vẻ lãng mạn, thực chất lại bi thương biết bao!
Vương Nhuệ cầm ống nghe đã qua tay vô số người, anh nghe được chuỗi âm thanh tút tút báo máy bận.
Đoán chừng các công nhân không được về nhà hẳn đang gọi điện cho gia đình đây mà.
Gia đình các công nhân đa số đều ở nông thôn khó khăn, hầu như không nhà nào lắp điện thoại.
Nhưng thôn đồn có chỗ lắp điện thoại.
Họ sẽ gọi cho người ta, nhờ người ta gọi người nhà mình tới, sau đó tạm gác máy chờ đợi, khi nào người nhà tới lại gọi lại.
Vậy nên có những người gọi tới nhà trưởng thôn, có người gọi tới trường tiểu học hoặc quán ăn tiệm hàng gì đấy.
Lúc các công nhân về nhà, túi hành lý lúc nào cũng có thêm một phần quà cho những gia đình cho họ gọi nhờ điện thoại.
Thôn Hạ Tam cũng có mấy hộ lắp điện thoại, nhưng Lâm Tú San lại chọn trúng nhà bà Kim Lục.
Vương Nhuệ không ưa gì bà Kim Lục, nhưng Lâm Tú San thì khác.
Lâm Tú San nói bà Kim Lục đâu phải quân buôn người đùn đẩy các thiếu nữ vào hố lửa, bà cũng chỉ là một bà mai, mục đích chẳng qua là mưu sinh mà thôi.
Nhà bà Kim Lục gần nhà Lâm Tú San, đi bộ hai ba phút là tới, đây cũng là lý do Lâm Tú San chọn gọi cho nhà bà.
Mỗi năm họ sẽ gọi về khoảng bốn năm cuộc điện thoại.
Họ thường gọi lúc ở cùng nhau, vợ chồng sẽ thay nhau nói chuyện với người nhà.
Mẹ Lâm Tú San sẽ nói với tốc độ nhanh nhất có thể, không đợi họ nói hết lời, bà đã nhanh tay cúp máy vì sợ tốn tiền điện thoại.
Lúc trở về thôn Hạ Tam, Lâm Tú San sẽ mua một phần quà cho bà Kim Lục.
Bà Kim Lục thích của ăn của mặc, Lâm Tú San thường mua đồ ăn và áo quần biếu bà.
Mỗi lần nhận được điện thoại của cô, bà Kim Lục đều nhiệt tình đi gọi người nhà Lâm Tú San tới.
Vương Nhuệ vẫn nhớ trận sóng gió từ vụ mai mối của bà Kim Lục, vậy nên không có thiện cảm với bà.
Anh chỉ thấy bà ta ham ăn lười làm, mồm miệng dẻo quẹo, chẳng phải dạng người đứng đắn.
Vậy nên hễ muốn gọi điện hỏi thăm gia đình, nhưng nghĩ tới phải gọi cho nhà bà Kim Lục, Vương Nhuệ lại bỏ ngay ý định đó.
Vương Nhuệ lại quay số máy bốt điện thoại gần công trường, phản hồi anh vẫn là tiếng máy bận.
Anh chắc chắn đầu dây bên kia là công nhân làm cùng, muốn hỏi thử người ta xem Lâm Tú San có tới đó hay không? Cô đang đợi anh, hay là lại nhảy lên xe về đây rồi?
Ánh trăng soi tỏ mặt đường, soi xuống hàng cây, soi lên trạm buýt vắng tanh không bóng người dừng chân.
Vương Nhuệ nhìn bóng cây in trên mặt đường, anh cảm thấy chúng là những đóa hoa đang âm thầm nở rộ.
Một chiếc xe buýt chỉ lẻ tẻ vài hành khách đang tới.
Nó lăn qua đóa hoa trên mặt đường.
Vương Nhuệ cho rằng bông hoa kia sẽ bị nghẹt thở, nhưng sau khi xe đi mất, bóng cây như đóa hoa in trên mặt đường kia vẫn hoạt bát sống động, say đắm lòng người.
Vương Nhuệ nghĩ, giá như anh là một phần của cái bóng này thì tốt, vậy thì mỗi ngày Lâm Tú San sẽ dạo bước qua anh.
Anh sẵn lòng..