Đạo Mộ Bút Ký

Editor: Nga Vũ

Beta: Cơm Nắm Nướng Chảo, Earl Panda

Điều chú Ba nhắc đến, tôi đã quan sát
thấy từ lâu, chỉ là không lên tiếng nói ra. Một mặt vì băng hình không
được nét, tôi không rõ mình có nhìn lầm hay chăng, mặt khác là vì tôi
tin chú sẽ nhanh chóng để ý thấy thôi.

Quả nhiên, chú Ba dừng hình lại rồi tiến lại gần xem. Tôi cũng sáp vào, muốn nhìn cho kỹ để xác định lại một chút.

Liếc nhìn vài lần, tôi liền có kết luận:
không nghi ngờ gì nữa, tuổi tác của Hoắc Linh tại thời điểm ghi hình
cuốn băng này không thể quá ba mươi. Ở đây không nói đến bề ngoài trẻ
trung, mà là dáng điệu thiếu nữ thanh xuân đó không phải phụ nữ cứ trang điểm cưa sừng làm nghé vào là có thể đóng giả được. Ngoài ra, tôi không thể không nói thêm rằng cô Hoắc Linh này vẻ ngoài
thật sự trông xinh xắn lanh lợi lắm, bảo sao lại chẳng bỏ bùa cho mấy
anh chàng trong đội khảo cổ mê đắm đến điên đảo thần hồn. Khả năng truyền tải của màn hình đen trắng so với loại có màu tệ hơn rất
nhiều, nhưng ánh mắt hơi hơi mơ màng và nét mặt xinh xắn của cô vẫn có
thể khiến tim người ta nhảy thình thình. Với một dung mạo như vậy, có lẽ cô luôn cảm thấy vô cùng tự tin vào bản thân, từ bé đến lớn luôn là tâm điểm được mọi người vây xung quanh yêu mến, chiều chuộng. Thế mà lại
gặp phải cái ông “thần sầu” Muộn Du Bình hoàn toàn chẳng thèm đếm xỉa gì đến mình, phản ứng của cô như vậy cũng là hợp lý thôi. Có điều bây giờ nghĩ lại, những phản ứng này có thể chỉ là diễn kịch. Nếu
quả thật như vậy thì người phụ nữ này cũng là nhân vật lợi hại đây.

Sắc mặt của chú Ba rất khó coi.
Co mình vào trong ghế sô pha, chú chặc lưỡi một tiếng: “Một người đã
thế, người thứ hai cũng thế, me kiếp, lẽ nào toàn bộ đám người mất tích
đó đều thế này sao? Rốt cuộc bọn họ đã gặp phải chuyện gì?”

Tôi ngẫm nghĩ rồi lắc đầu, bảo với chú Ba rằng không thể đoán bừa như vậy được, ở đây chúng ta đâu có biết thời
gian ghi hình cụ thể là lúc nào. Nhìn kiểu dáng điện thoại thì có lẽ là
trước hoặc sau thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Thời điểm đó cũng cách lúc cô
ấy mất tích trong huyệt mộ đáy biển chẳng được bao lâu. Chúng tôi không
biết lúc bấy giờ Hoắc Linh bao nhiêu tuổi. Nếu hồi đó cô ta chỉ 17-18
tuổi, vậy dẫu có mười năm sau cũng chỉ mới 27-28, vậy thì không thể đưa
ra kết luận là cô ấy chẳng hề già đi.

Chú Ba ậm ừ một tiếng, rõ ràng là không
quá chú tâm đến lời tôi nói. Chú cho băng ghi hình chiếu tiếp, chúng tôi lại tiếp tục xem.

Tuy nhiên, điều khiến bọn tôi không thể
tưởng tượng được là, bật tiếp chưa được bao nhiêu phút, đột nhiên “muỗi” lại tiếp tục nhảy ra đầy màn hình.

Bọn tôi tưởng băng ghi hình có vấn đề,
bèn đợi một lát, thế nhưng tiếp theo đó vẫn là “muỗi”. Chú Ba bèn tua
nhanh, tua mãi cho đến hết, tất cả vẫn rặt những “muỗi”.

“Cái gì thế này?” Chú Ba có phần cáu kỉnh. Chú không thạo dùng đồ điện tử, tưởng máy hỏng rồi, bèn định đi ra đập nó.

Tôi ngăn chú lại, kéo cuốn băng ra xem
thì phát hiện băng từ không có vẻ gì là bị mốc, liền hiểu ngay ra vấn
đề: “Bị xóa mất rồi.”

Xét từ tính liên tục của những hình ảnh
trong cuốn băng thì đoạn sau hẳn phải có nội dung gì đó. Giờ đột nhiên
biến thành chỉ còn nhiễu thì rõ ràng là đã bị xóa mất.

Băng hình từ lúc lấy ra đến giờ hoàn toàn chưa có ai động chạm gì vào, đầu video cũng vừa mới mua, không thể nào
là do sai sót khi sử dụng. Hẳn là trước khi được gửi đến đây, cuộn băng
đó đã bị xóa một đoạn mất rồi. Nhưng nếu đã cố tình làm thế, vậy thì tại sao không xóa nốt đoạn trước luôn đi, còn phải để lại một đoạn băng
hoang đường khó hiểu thế để làm gì? Lẽ nào nội dung đoạn sau có gì đó
chúng tôi không được phép xem?

Tôi và chú Ba bốn mắt nhìn nhau, hoàn
toàn bó tay không thể hiểu nổi Muộn Du Bình có ý gì. Lẽ nào hắn ghẹo bọn tôi chắc? Không có khả năng đó đâu, vị tiểu ca này đâu có giống kẻ rỗi
hơi như vậy chứ.

Chú Ba ngẫm nghĩ một lúc, rồi bảo tôi bỏ
lại cuốn băng vào, tua lại từ đầu xem lần nữa. Chú muốn xem kỹ xem phải
chăng trong ấy có thứ gì đó mà vừa rồi không phát hiện ra, vì đoạn trước có một khúc bị tua nhanh, không xem kỹ thì chung quy là vẫn có phần
không vững dạ.

Lần này chúng tôi thật sự xem lại từng
giây từng giây một. Gian phòng lặng ngắt như tờ. Nếu ánh mắt mà có thể
mang sức mạnh, thì cái tivi kia có khi bị chúng tôi trợn mắt nhìn đến
phát nổ rồi. Tuy nhiên, xem hết một mạch, mắt cũng trợn trừng đến đỏ
quạch cả ra mà vẫn không phát hiện được bất cứ manh mối nào có khả năng
khiến chúng tôi nảy sinh hứng thú.

Sau đó chúng tôi lại chiếu tiếp cuộn băng ghi hình còn lại. Thế nhưng lần này lại càng quái đản hơn. Cuộn băng đó hoàn toàn trống rỗng, bên trong hoàn toàn chỉ có “muỗi”. Bọn tôi
tua lại xem “muỗi” liền hai bận, chỉ thấy toàn thân cũng choáng váng cả
lên.

Lúc mới bắt đầu xem băng thì hăng lắm,
nhưng xem xong lại hết sức chán nản và mụ mẫm. Lúc mới đầu tôi thậm chí
còn tưởng là có thể thấy cảnh tượng sau cánh cửa thanh đồng, song thật
chẳng thể ngờ bên trong lại là hình ảnh chả hiểu mô tê gì như thế.

Tắt máy đi, tôi cùng chú Ba suy nghĩ xem
rốt cục đã xảy ra chuyện gì. Nhưng mà ngồi nghĩ cả nửa ngày, hai chú
cháu tôi mới phát hiện ra rằng vấn đề này hoàn toàn chẳng có điểm nào để mà bắt tay vào giải quyết.

Tôi báo cáo với chú Ba về thông tin tôi
tìm được hôm qua. Cuộn băng này đến từ Cách Nhĩ Mộc, tỉnh Thanh Hải.
Vậy, có thể cho rằng thế này: Muộn Du Bình gửi kiện hàng này cho chúng
tôi từ Thanh Hải, vậy thì hiện giờ bản thân hắn nhất định là ở trong
thành phố Cách Nhĩ Mộc đó. Nếu vậy, có thể cho rằng hai cuộn băng này là hắn tìm được ở Cách Nhĩ Mộc hay không? Sau đó, hắn mới gửi cho chúng
tôi.

Chuyện này cũng hoàn toàn không có cách
nào để khẳng định được. Có điều, từ nội dung cuốn băng này, ngược lại có thể xác định một vấn đề: đó là, đám người mất tích trong ngôi mộ dưới
đáy biển đó rõ ràng là chưa chết. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ 20, bọn họ
vẫn còn sống, nhưng hành vi có đôi chút khác thường. Người trong nhóm
bọn họ có lẽ đại đa số đã chết trong Vân Đỉnh Thiên Cung. Chuyện này tôi không nói với chú Ba, sợ rằng chú sẽ suy sụp vì trong số đó có thể có
cả Văn Cẩm.

Về sau tôi lại ép bản thân mình xem vài
lần nữa, nhưng thật sự nhìn không ra nổi vấn đề. Chú Ba còn muốn tiếp
tục xem băng, tôi bèn về trước ngủ bù. Tiếp đó chú ba đem cuộn băng sao
lại một bản, băng gốc thì trả lại cho tôi, bảo rằng để chú còn nghiên
cứu mấy hôm sau. Phan Tử nghe nói chú Ba đã tỉnh, liền đến Cát Lâm đón
chú đi.

Lần này việc làm ăn của chú Ba thiệt hại
cực lớn. Người làm kẻ thì bị bắt, kẻ thì chạy trốn, địa vị của chú ở
Trường Sa cũng rớt cả ngàn bậc. Có điều bản thân chú Ba hoàn toàn chẳng
để tâm tới việc này. Đối với chú mà nói thì cái gọi là tiền tài này cũng chỉ là một thứ phù hiệu mà thôi. Lúc sắp đi, chú Ba dặn dò tôi, rằng
vấn đề này nếu còn tiếp diễn về sau, thì chú bảo tôi đừng có dây vào
thêm nữa. Tôi lúc trước hoàn toàn là sống nhờ cao số, hơn nữa bên mình
còn có quý nhân phù trợ, chứ quá tam ba bận, ông trời cũng sẽ không
chiều chuộng tôi được mãi đâu. Cẩn thận kinh doanh cửa hàng nhà mình cho tốt mới là thực tế, sau này mớ tài sản còm nhà chú nói không chừng còn
phải nhờ tôi trông coi đấy.

Tôi ngoài mặt thì gật gù, bụng nhủ thầm
thôi đi, với cái kiểu sống của chú cháu chỉ sợ chẳng có số được hưởng
đâu, thôi về làm nghề cũ cho ăn chắc mặc bền còn hơn.

Tóm gọn lại là sau khi chú Ba rời đi rồi, tôi cũng sửa soạn quay về Hàng Châu. Mỗi tội do chả mấy khi có dịp
ngày rộng tháng dài ở lại Cát Lâm, thế là tôi bèn ngâm thêm mấy hôm,
liên lạc với mấy đứa bạn ở quanh đó, thứ nhất là để xõa một tý, thứ nhì
là để chuyện trò ôn lại tý kỷ niệm xưa.

Tôi có vài người bạn cùng đại học đang ở
Trường Xuân, thế là bọn họ tranh thủ chạy tới. Mấy đứa bọn tôi tung tẩy
khắp nơi, tán dóc những chuyện trước kia, tâm trạng tôi mới dần dần tích cực lên. Sau đó lại dạo quanh thành phố, đi chợ đồ cổ , tôi giúp bọn họ chọn dăm ba món, chạy đi chạy lại cũng đã được hai tuần lễ.

Đã nếm trải nhiều chuyện như vậy, thành
ra tôi có chút không để ý mấy chuyện vặt vãnh, hồi trước tiêu tiền còn
cò kè mặc cả, chứ bây giờ chỉ đơn giản là tiền trao cháo múc. Có điều cứ thế, tiền nong bên người tôi ngót dần đi.

Mấy đứa bạn cũng lấy làm kỳ lạ với sự
thay đổi của tôi. Cái thằng cá gỗ mà cũng chịu chơi thì thật quá bất
ngờ. Họ đều hỏi xem cái gì đã thúc đẩy tôi như thế.

Trong một lần ăn cơm, tôi bèn chọn chơi
trò đặc sắc, kể những chuyện tôi đã trải qua với mấy người kia, coi như
là chém gió một bận. Thế mà nói xong lại chả có ai tin. Một đứa trong
đám thì cười hỏi: “Cậu kể chuyện mấy người xuống đáy biển đó, có phải là bức ảnh nhờ tớ điều tra không?”

Tôi nghe cậu ta nói, bấy giờ mới nhớ ra
rằng hồi trước tôi tìm được một tấm hình trên mạng, bên dưới có chữ “Cá ở chỗ tôi”. Lúc đó chính là tôi tóm cổ cậu ta nhờ điều tra giúp. Sau cậu
ta chỉ tra ra là nó được gửi lên mạng từ Cát Lâm, còn lại thì cậu ta mặc kệ.

Giờ nghĩ lại thì cũng thật kỳ quái. Cái
thứ mạng Internet này mới chính thức bắt đầu phát triển được mấy năm
nay. Rốt cuộc là ai đã gửi lên nhỉ?

Đã nhớ ra rồi, tôi bèn hỏi luôn cậu kia
xem về sau có còn tra thêm được cái gì nữa không. Cu cậu lắc đầu, rõ
ràng cũng chả thèm ghim câu chuyện của tôi trong lòng, chỉ nói thế này:
“Ảnh chụp kiểu đó bình thường lắm, hơn nữa thời kỳ cũng quá xưa. Tư liệu thời đó bình thường chả ai đưa lên mạng, tớ chỉ có thể xài mấy mánh
chuyên môn. Cái địa chỉ IP đó là thứ duy nhất có thể tra ra đấy. Tớ thấy nếu cậu thật sự muốn điều tra, thì chả có gì bằng đến Cục Lưu trữ Quốc
gia, tìm xem có đội khảo cổ mười một người nào mất tích hai mươi năm
trước không. Chắc là biết được nhiều hơn đấy.”

Tôi ậm ừ một tiếng. Vậy cũng có lý lắm
chứ. Có người ngồi bên bèn đính chính: “Đằng ấy nhớ sai rồi. Cái ảnh đó
tớ cũng xem rồi. Là mười người chứ.”

Cậu kia lắc đầu bảo: “Đâu mà, tớ thấy là mười một người.”

Ruột gan tôi lộn nhào. Tôi hỏi cậu ấy: “Sao lại thế?”

Cậu ta cười: “Trong ảnh thì là mười người, nhưng không phải còn một người chụp ảnh sao? Chả nhẽ các cậu không nghĩ tới à?”


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui