Vũ Thanh nhìn đồng hồ đeo tay, lại ngó về phía đầu con dốc.
Hơi thở của cô nàng hiện lên trong ánh đèn đường heo hắt, rồi hòa vào sương đêm đang phủ xuống.
Đêm hai mươi tháng chạp âm, cái se lạnh của một đêm đông miền bắc đã dần ùa về theo những cơn gió mùa.
Rét như luồn vào cổ áo, thấm vào da thịt, buôn buốt mà khoai khoái.
Đối với Vũ Thanh, thì chính cái khoảng thời gian này hàng năm là cô nàng được rảnh rang nhất.
Chẳng những được nghỉ học ở nhà, lại chưa phải lo lắng sắm sửa chuẩn bị đón Tết.
Thành ra, với Vũ Thanh mà nói, Tết thực sự là ba ngày trước lúc thả cá thả chim, và ba ngày sau khi chúc Tết thầy cô.
Song năm nay đã khác rồi...
Tháng chín năm kia, Vũ Thanh lên thành phố học đại học, không ở làng cũ nữa.
Cô nàng tự nhủ, thực ra cũng chẳng nhớ nhung gì.
Người làng giờ đổi thay cả rồi.
Từ lúc nhà nước cho mở khu công nghiệp, ai cũng kín cổng cao tường, cuộc sống thì thoải mái hơn đấy, nhưng cái tối lửa tắt đèn chẳng còn như xưa nữa, mạnh nhà ai biết nhà nấy.
Đến những năm cấp ba thì chẳng thấy mặt đám bạn ngày xưa trộm quả tắm sông với mình được nữa.
Ai cũng đi sớm về muộn, lo lắng chuyện thi cử, rồi lại mỗi đứa một phương trời...
Cô nàng thở mấy hơi vào tay cho đỡ lạnh, chốc chốc lại nhìn đồng hồ.
Một giờ sáng rồi...
Lên thành phố học, đến nay là sinh viên năm hai, nhưng lần này là lần đầu tiên Vũ Thanh về lại thăm quê.
Chẳng là năm đầu tiên cô nàng còn bỡ ngỡ, không kịp đặt vé về, thế là cái Tết đầu tiên phải thui thủi trong xóm trọ một mình.
Sang năm thứ hai, Vũ Thanh quyết chí năm nay kiểu gì cũng phải về ăn Têt ở nhà.
Cô nàng đặt vé trước hẳn một tháng, lại chọn đi xe đêm cho tiện.
Nhẽ thứ nhất là giá rẻ, mà nhẽ thứ hai là những năm này người ở quê lên thành phố nhiều, Tết dân tình đổ dồn về quê rất đông.
Chọn xe đêm thì vắng hơn ban ngày, cô nàng thân gái thì đỡ được việc chen lấn vất vả.
Vũ Thanh chờ thêm mươi phút, thì thấy trên đầu dốc có một chiếc xe khách lừ lừ chạy tới.
Cô nàng thấy xe có vẻ cũ kỹ xập xệ, lúc chạy trên đường cứ xóc nảy lên.
Dưới ánh đèn đường nhấp nháy lúc mờ lúc tỏ, vỏ xe hiện lên trong mắt cô hoen ố vàng khè vì bụi đất.
Xe này không để biển, nhưng dừng ở bến này thì chỉ có duy nhất một chuyến xe để về làng thôi nên cô nàng cũng không sợ lên sai xe.
Vũ Thanh bước lên chiếc xe, đưa vé cho bác lái xem, rồi chuyển ánh mắt về phía những hàng ghế.
Trong xe tối mù, điện đóm chẳng bật lấy một cái, nhưng vẫn lờ mờ thấy được là có người đang ngồi hay không.
Bỗng nhiên ở hàng ghế thứ ba bên tay phải, một ánh đèn điện chợt vụt sáng lên.
Hiện lên trước mắt Vũ Thanh là một gương mặt của một cậu trai chạc tuổi cô, không đẹp cũng chẳng xấu.
Đáng nói là cậu ta tóc đen phủ xuống tận mũi, mắt trợn lên trắng dã, lưỡi thè ra đỏ au.
Vũ Thanh hoảng hồn run bắn cả người, lui nhanh mấy bước, tí thì đánh rơi cả túi hoa quả mua làm quà.
May mà cô nàng sợ có người ngủ trong xe, mới không hét toáng lên.
Cô nàng không khỏi nghĩ:
“Chẳng nhẽ lên nhầm xe ma?”
Vũ Thanh có giọng rất hay, lại thích đọc những truyện ma quái kinh dị, thế nên bạn cùng xóm trọ đã giúp cô nàng mở một kênh đọc truyện ma trực tuyến.
Bản thân Vũ Thanh cũng vừa tìm truyện về, vừa tự viết để đọc.
Vừa là sở thích, vừa kiếm thêm được đồng ra đồng vào.
Hồi bé, cô nàng rất sợ ma, thường xuyên bị bạn bè trong làng trêu chọc đến phát khóc lên.
Đến lúc lớn rồi, hiểu rằng ấy đều là những câu chuyện người ta thêu dệt lên, cô nàng lại thấy hứng thú, rồi đâm thích.
Nhưng thích là thích truyện ma giả tưởng thôi, chứ nếu chẳng may gặp ma thật thì cô nàng cũng chẳng rõ mình sẽ phản ứng ra sao nữa.
Cái “con ma“ kia bỗng nhiên vỗ vỗ cái ghế bên cạnh, té ra là cậu ta ra dấu cho Vũ Thanh là chỗ ngồi kế bên còn trống.
Bấy giờ cô nàng mới bình tâm lại, tự cười là lớn tướng rồi còn thần hồn nát thần tính, bị người ta trêu cho một vố trên xe thì cũng đáng lắm.
Vũ Thanh cất ba lô và túi hoa quả xuống gầm ghế, nhỏ giọng nói với cậu trai ngồi bên cạnh bằng giọng nửa trách móc:
“Nửa đêm nửa hôm, chơi cái trò làm người ta muốn đứng tim.
Tôi mà hét ầm lên ra đấy thì chết.”
Cậu thiếu niên vén lại tóc, lúc không làm mặt ma thì cậu ta trông dễ nhìn hẳn.
Té ra ánh sáng Vũ Thanh thấy ban nãy là từ cái màn hình điện thoại của cậu ta phát ra.
Cậu chàng bỗng rụt cổ, nhìn trước ngó sau một lúc, rồi mới thấp giọng đáp:
“Suýt quên, may mà đằng ấy nhắc cho không thì toi cả hai đứa.”
Hai người nói chuyện một lúc, thì Vũ Thanh mới biết cậu này tên là Điền Mục, lần này cũng về làng của cô, nói là thăm bà con xa.
Vũ Thanh thấy cái tên này vừa hiếm vừa lạ, trước giờ chỉ thấy trong truyện Trung Quốc chứ chưa gặp người nào tên như thế cả, mà cả làng cũng chẳng có ai họ Điền, nên lấy làm ngờ vực.
Chỉ là cái cậu Điền Mục này tính tình cứ quái quái dị dị, thỉnh thoảng lại nói những câu chẳng ăn nhập vào nhau.
Vũ Thanh lên thành phố học, không phải chưa từng gặp lừa đảo bao giờ, thừa hiểu đối với những kẻ bất lương ấy thì điều đầu tiên chúng làm là khiến con mồi tin tưởng mà lỏng lơi cảnh giác.
Trên đời làm gì có loại lừa đảo hễ mở miệng là toàn nói những thứ kì quặc như Điền Mục kia chứ!
Vũ Thanh thầm nghĩ, nếu như sau này có bạn trai, thì mẫu người lý tưởng của cô nàng ắt phải là dạng người trầm ổn, bình tĩnh, vững vàng, tự tin, lịch thiệp.
Nói nôm na là đối ngược hoàn toàn với Điền Mục.
Điền Mục chợt hỏi:
“Này! Nếu tôi làm cái mặt ban nãy mà ma thật thấy được thì không biết họ nghĩ sao nhỉ?”
Vũ Thanh đáp:
“Thế thì người ta nghĩ cậu cũng là ma, rồi bắt cậu xuống mồ sống chung cho mà xem.”
Lúc đầu còn thấy vui vui, nhưng dần dà cô nàng cũng phát ngán với những câu hỏi bất thình lình của Điền Mục.
Nhiều khi chẳng biết phải đáp sao, mà chẳng nhẽ lơ cậu ta mãi, thành ra cứ phải trả lời đại.
Điền Mục nghe thế thì mặt sáng rỡ, cười cười chỏ vào mũi mình, hỏi:
“Thế hả? Ban nãy giống ma thật hả?”
Vũ Thanh thầm nghĩ:
“Hỏi lạ, ma làm gì có thật trên đời? Mà cho dù có thì mình cũng đã thấy bao giờ đâu mà biết?”
Cô nàng không đáp, chỉ gật gù lấy lệ rồi nhắm mắt ngủ, không để cậu ta tiếp tục nói những câu dị dị.
Trong lúc nằm thiu thiu, cô nàng loáng thoáng nghe bên tai như có người nói xi xào, nhưng chẳng rõ là nói gì.
Đoán rằng người trên xe đang xuống bến, nên cô nàng cứ mặc kệ mà nhắm mắt tiếp tục ngủ.
Thỉnh thoảng, Vũ Thanh lại thấy lâng lâng như có ai nắm tay dắt đi, song ở phía chỗ Điền Mục ngồi lại có người giữ mình lại.
Hai bên cứ giằng co như vậy, mãi đến khi phía lối đi bỏ cuộc mới thôi.
“Này.
Này.
Bạn ơi, dậy đi, xe đến rồi.”
Cô nàng nghe tiếng Điền Mục gọi, lại thấy nắng rọi vào mặt, mới dụi mắt dậy thì thấy mình đang ngồi trên băng ghế của bến xe.
Trước mặt là một chuyến xe chiều ngược lại để đi vòng trở về thành phố.
Cô nàng giật mình, nhìn ngang ngó dọc, phát hiện ba lô thì còn nhưng mất túi hoa quả.
Điền Mục thấy thế bèn nói:
“Người trên xe tiện tay lấy cả rồi, ai bảo cô ngủ say như chết.”
Cậu chàng vừa nói vừa di di chân, hất một cái lá cam héo úa sang một góc.
Vũ Thanh đứng dậy, lạnh giọng đáp:
“Con trai gì mà thấy người khác hôi của lại không ngăn cản?”
Điền Mục nhún vai cười hì hì, coi như không nghe thấy.
Cậu chàng lại trỏ vào cái xe, bảo:
“Thôi đừng nói những chuyện này nữa, mau mau về thành phố nào.”
Nói đoạn tóm lấy ba lô của Vũ Thanh toan ném lên xe.
Cô nàng cau mày, chuyển mình giáng cho Điền Mục một cùi chỏ.
Đòn của người xuất thân chốn nông thôn, cái anh công tử bột sinh ra ở thành phố từ bé mưa không đến mặt nắng không đến đầu như Điền Mục thì sao chịu thấu? Cậu chàng cong mình như con tôm, mông chổng lên trời, trông đến thảm.
Vũ Thanh xách ba lô lên vai, nói:
“Xin lỗi, tôi về quê ăn Tết mười mấy ngày, trước đó không có nhu cầu về thành phố.”
“Chờ đã...”
Điền Mục nén đau đứng dậy, bắt lấy gấu áo của cô nàng, nói.
Vũ Thanh cười nhạt, thầm nghĩ:
“Thằng Điền Mục này ắt là cùng một giuộc với cái bọn lừa đảo ở trên xe, nay định lừa mình tiếp chuyến nữa đây mà.
Đáng nhẽ phải đoán ra được ngay, trên đời làm quái gì có ai họ Điền tên Mục kia chứ!”
Cô nàng bèn giơ nhứ nắm tay, nói:
“Mục đích thật sự của cậu là gì? Nếu không mở mồm nói cho rõ, thì đừng có trách!”
Điền Mục hít sâu một hơi, rồi nói:
“Chuyến xe ban nãy chúng ta đi không phải xe của người sống đâu...”
Vũ Thanh nghe cậu ta nói vậy, đầu tiên là im lặng hồi lâu, sau đó bèn ôm bụng cười rúc rích, cười đến độ gập cả người.
Cô nàng đưa tay lau nước mắt, lại dùng hai ngón tay gõ vào trán Điền Mục đánh cốc một cái, nói:
“Từ bé đến giờ chưa thấy tên lừa đảo nào ngố như cậu.
Sau này muốn người ta tin thì đừng nói những chuyện hoang đường như thế, hiểu chưa?”
Vũ Thanh lấy điện thoại ra, bấm số “113” rồi giơ lên cho Điền Mục xem, rồi nói:
“Tôi nể tình cậu chắc chưa lừa được ai, nên tạm tha.
Nếu còn có lần sau tôi gọi người cho cậu nhập kho đấy.”
Cậu ta thấy cô nàng xách ba lô lên, rẽ vào đường đất giữa hai thửa ruộng dẫn về làng, thở dài lắc đầu, cầm điện thoại mở phần ghi chú, đánh một dòng chữ:
“Bác này, cảnh sát đến được đây không?”
Cũng không thấy bàn tay cậu ta chạm vào màn hình điện thoại thêm một lần nào, vậy mà bàn phím điện thoại vẫn cứ liên tục kêu lên canh cách.
Từng con chữ hiện ra trên giao diện ghi chú, ở ngay sau dòng chữ đầu tiên Điền Mục đánh.
“Đất của người chết, người sống tìm đến thế nào được?”
Điền Mục thở dài, cất điện thoại vào túi, xốc ba lô lên vai, vội vàng chạy theo Vũ Thanh, vừa rảo bước vừa gọi í ới.
Hai người theo đường ruộng đi chừng mười lăm phút thì đến cổng làng, bấy giờ tuy đã không còn sớm nữa nhưng sương hãy còn giăng kín cả đường đi nẻo lại.
Bốn bề chỉ thấy được loáng thoáng rặng tre um tùm nấp phía sau cổng làng, mơ hồ sau rặng sương trắng.
Gió thổi bên tai nhè nhẹ mà rờn rợn, khiến Vũ Thanh chợt thấy làng mình là lạ.
Chả có nhẽ, cô nàng đi học hơn một năm mà làng đổi thay đến độ chẳng nhận ra được hay sao?
Vũ Thanh lắc đầu, cho rằng tại Điền Mục khi không lại làm mặt ma, lại nói linh tinh nên cô nàng mới nghi thần nghi quỷ mãi như thế.
Hoặc giả, có lẽ làng vẫn thế, mà chính cô mới là người đã thay đổi.
Mặc kệ thế nào, nay về đứng trước cổng tam quan bằng đá, hai bên đề hai câu đối bằng chữ Hán mà cô nàng chẳng đọc được, thì Vũ Thanh lại cảm thấy vừa nao nao háo hức, vừa có chút dè dặt lo âu.
Được về lại nhà xưa, chốn cũ, nhớ lắm chứ, nao lắm chứ? Nhưng cô nàng lại sợ rằng mọi thứ đã không còn giống trong ký ức của mình nữa.
Thế là, cô nàng cứ đứng ngẩn người trước cổng làng.
Song, Vũ Thanh chỉ thấy lòng ngổn ngang trong thoáng chốc mà thôi.
Ngay khi giọng nói của Điền Mục vang lên, bao nhiêu cảm xúc trong lòng cô nàng đều quy về một mối cả.
Ấy là thấy phiền phức.
“Bạn chạy gì mà như ma đuổi thế, tớ chạy đứt hơi mới theo kịp.
Mót à?”
Điền Mục vừa mới đến cổng làng, câu đầu tiên thốt ra đã vừa vô duyên lại vừa thô bỉ.
Vũ Thanh quay đầu, hằm hằm nhìn cậu ta một cái, nói:
“Cái anh lừa đảo này theo đến tận đây làm gì? Đã tha cho rồi còn không biết điều à? Muốn ăn đòn lắm hả?”
Điền Mục giơ tay ngang mặt, nói:
“Đâu phải.
Không phải.
Tôi nói rồi, tôi đến thăm họ hàng.”
Song Vũ Thanh tiếp tục dùng ánh mắt nghi ngờ nhìn chòng chọc vào cậu ta.
Càng ngày cô càng thấy cậu thanh niên Điền Mục này vừa quái đản vừa lập dị, lại cứ tò tò đi theo mình, tám chín phần là có ý xấu.
Ai ngờ, trong lúc Vũ Thanh đang ngờ vực thì cậu ta bỗng nhiên lại đập tay một cái, nói:
“À! Chắc tôi chưa đầu hàng đúng cách, đáng nhẽ phải phất cờ trắng.
Nhưng cờ không có, cũng không có quần trắng để thay, cho khất được không?”
Vũ Thanh:
“...”
Bỏ lại Điền Mục sau lưng, cô nàng sải chân chạy vào làng.
Con đường làng vẫn mấp mô như thế, những chỗ nào ổ gà ổ vịt, Vũ Thanh đều thấy hết.
Hơn một năm nay, người làng vẫn không lấp chúng đi.
Cô nàng chạy hai bên đồng lúa, bấy giờ đang là giữa vụ đông – xuân, còn ba tháng nữa mới đến lúc thu hoạch, trên đồng vẫn thấy các bác các cô làm lụng, người có máy dùng máy, người có trâu dùng trâu.
Thấy bóng Vũ Thanh chạy về, người ta đều dừng tay cả lại, cười chào mà bảo:
“Cô sinh viên nay mới về làng đấy.”
Cô nàng cũng chào lại, ngạc nhiên không rõ từ lúc nào người làng mình lại xởi lởi thân tình như trước.
Bình thường, lúc còn đi học phổ thông ở làng, có đi ngoài đồng người ta cũng bận làm tối mặt tối mày chẳng chào được lấy một câu, ruộng nhà ai lo cho nhà nấy.
Nhưng lần này thật khác...
Vũ Thanh nhún vai, đoán rằng chắc do cô nàng lên thành phố đi học, nên mới thấy phản ứng của hàng xóm láng giềng đặc biệt đó thôi.
Nói gì thì nói, Vũ Thanh vẫn thích làng quê như thế hơn cả.
Những cô bạn, cô chị trọ cùng vẫn hay nói với nhau rằng làng quê hiện đại hơn xưa thì có hai cái bạc.
Có tiền bạc rồi, người ta sống cũng bạc đi.
Nay Vũ Thanh mới thấy những lời này chẳng giống với quê mình tí nào.
Cô nàng ngoái đầu cũng chẳng thấy cái anh Điền Mục thở câu nào là lập dị quái đản câu ấy kia nữa, thế là hào hứng rảo chân chạy một mạch về nhà.
Nhà Vũ Thanh ở xóm trên, tường rào trồng dàn râm bụt, lúc cô nàng lên thành phố mầm cây còn bằng ngón út, thế mà nay đã leo kín cả tường, trổ hoa sáng cả căn nhà.
Cô nàng thử bấm chuông cửa.
Không có ai ra mở.
Chợt có tiếng ai móm mém vang lên sau lưng:
“Thanh về đấy hả con?”
Không cần nhìn, Vũ Thanh nhận ngay ra ấy là bà Mai ở bên đối diện.
Nghe đâu con trai bà ấy lên thành phố lập nghiệp, mấy lần muốn đón mẹ lên đó phụng dưỡng.
Nhưng bà bảo trên phố ồn ào bụi bặm ở không quen, dưới quê lại còn mồ mả của chồng bà là ông Nhược nên cứ ở lại dưới quê.
Cậu con cũng không ép, hàng tháng vẫn gửi vun vén cho mẹ sống thoải mái.
Bà Mai mở hàng nước cho vui dưới gốc cây đa gần đình làng, ngày Vũ Thanh còn bé đám trẻ con thường hay bu lại hàng nước của bà, bà vẫn hay cho gói ô mai đất bao bì đỏ in hoa đào, hoặc cái kẹo lạc giòn tan ngọt lừ, nên chúng nó thích lắm.
Vũ Thanh quay lại, ôm chầm lấy bà cụ lưng còng đã bảy mươi mấy, tóc bạc da nâu, kêu to:
“Bà ơi, con về rồi.”
Bà Mai tóc thơm mùi bồ kết, miệng thoảng hương trầu, khiến người ta thấy rất dễ chịu.
Ông bà Vũ Thanh mất vì bom trong kháng chiến từ lúc cô nàng còn chưa đẻ, thành ra đối với cô, bà Mai chẳng khác nào bà ruột thịt cả.
Bà Mai vỗ về cô nàng mấy cái, cất giọng hiền từ rằng:
“Cháu tôi gầy quá.
Lên thành phố có khổ không hả con?”
“Có gì để tối kể đi bà.
Thầy u con đâu?”
Vũ Thanh buông bà Mai ra, hỏi.
Nếu có ai biết cha mẹ cô nàng đi đâu mà không mở cửa chắc là chỉ có bà cụ mà thôi.
Đáng nhẽ Vũ Thanh định nhắn tin gọi điện cho cha mẹ, nhưng vì gặp được bà Mai nên lại thôi.
Bà Mai bèn bảo:
“Thầy u con đánh xe lên huyện, bảo là muốn tranh thủ chở một chuyến hàng Tết về bán, dặn bà là nếu con có về thì cứ ở nhà chờ, chuẩn bị Ông Công Ông Táo.
Chìa khóa nhà con đây.”
Nói rồi dúi vào tay Vũ Thanh một chùm chìa khóa.
Cô nàng nắm chặt tay, áp chùm chìa khóa lên ngực trái.
Cô biết mình học trên thành phố như thế, vật giá đắt đỏ, tốn kém hơn dưới quê nhiều.
Chính vì thế, nên cha mẹ cô nàng mới phải tranh thủ mấy ngày trước Tết này, chở thêm ít hàng cuối năm như bánh mứt cho bà con trong xóm để kiếm thêm.
Tối đấy, Vũ Thanh nấu cơm cho hai người, mời cả bà Mai sang ăn cùng cho vui.
Hai người vừa dùng bữa, vừa kể cho nhau những chuyện xảy ra kể từ lúc Thanh lên thành phố học.
Cô nàng cố tình né những lúc bà hỏi đến những chuyện phiền hà trên phố, chỉ kể trên thành thị to lắm, đẹp lắm, thoải mái tiện nghi hơn dưới quê.
Bà Mai nghe xong, nói:
“Thôi cố chịu con ạ, trước mấy đứa cũng có người mình lên đó, chẳng may phải cái đứa không có ý thức, chẳng biết giữ thể diện cho làng cho thôn, đâm ra làm cho người ta ở thành phố cũng ác cảm.
Mà ở trên đấy cũng có người nọ kẻ kia, người xởi lởi nhiều mà kẻ trịch thượng cũng chẳng thiếu đâu.
Nhưng chớ có vì thế mà tự ti mặc cảm, cứ sống đường hoàng thì đi đâu người ta cũng quý con ạ.”
Vũ Thanh vuốt tóc, cười trừ.
Bà Mai tuổi cao, sõi đời, có lẽ cũng đoán ra, hơn một năm qua cuộc sống ở trên thành phố cô nàng cũng không dễ chịu như đã kể.
Hai bà cháu ngồi nói chuyện mãi đến tám giờ tối, Vũ Thanh mới giục bà Mai về nghỉ sớm, không quên nhắc bà nhớ uống thuốc rồi mới ngủ.
Chẳng là bà đã cao tuổi, lại có bệnh tiểu đường, giờ giấc sinh hoạt nhất định phải điều độ, giữ nề giữ thói, nhất là không được chậm thuốc.
Bà Mai bảo:
“Nhắc đến thuốc mà quên mất, thầy con có bảo với bà là quen được anh dược sĩ trên thủ đô, anh ấy biếu cho lọ thực phẩm chức năng nhập khẩu, bổ lắm.
Thầy u để phần mày trong tủ, nhớ phải uống đấy.”
Vũ Thanh cười, nói:
“Sức con thanh niên cần gì mấy cái này, đáng nhẽ thầy u cứ uống cho khỏe người có phải hơn không?”
Bà Mai lắc đầu, nói:
“Thì bà cũng khuyên thế, nhưng thầy u mày cứ nằng nặc đòi để phần cho con gái rượu, ai khuyên cũng bảo là cái Thanh đi học xa vất vả, để nó dùng mới có sức mà học hành.
Thôi mấy ngày này mày cứ uống lấy lệ mấy viên, rồi bảo vị nó khó uống, bảo thầy u dùng hộ mày kẻo phí là êm xuôi.”
Vũ Thanh tiễn bà ra tận cổng, không nói thêm câu nào, nhưng sống mũi đã nghe nghèn nghẹt.
Cô nàng thầm nghĩ:
“Ra vậy.
Người làng mình thì vẫn tảo tần, vẫn đượm tình nghĩa xóm giềng như xưa.
Thầy u cũng vẫn vậy, vẫn dành hết những gì tốt nhất cho mình.
Chỉ có mình là thay đổi mà thôi.”
Cô nàng đang định khép cửa, chợt thấy ở mái nhà bà Mai, có một con gà trống choai đang đứng rỉa lông cánh dưới ánh trăng, dáng dấp oai vệ khác hẳn gà thường.
Vũ Thanh thấy thế, thầm nghĩ:
“Gà chọi nhà ai để xổng ra ngoài thế này?”
Chẳng là làng Ngô cứ đến Tết là mở xới chọi gà, các ông bố trong làng mê lắm, ngóng Tết còn hơn đám trẻ con trong làng.
Ông nào ông nấy bàn tán mê say, làm như mình là huấn luyện viên còn mấy con gà là cầu thủ bóng đá không bằng.
Bố của Vũ Thanh cũng chẳng ngoại lệ, trong chuồng gà ông có để hẳn một góc riêng cho con Rô-nan-đô của ông ấy.
Hôm nay là hai mươi, còn mấy ngày nữa là Tết, nên chắc có người để xổng gà chọi ra, nó mới chạy đến nhà bà Mai.
Vũ Thanh không chú ý tới, trong một thoáng rất ngắn, dường như con gà đó đã trợn mắt lên nhìn cô nàng trân trân.
Cậu chàng Điền Mục ngồi phịch xuống bụi tre, kêu váng cả lên:
“Cái làng này bị cái quỷ gì vậy?”
Số là, cậu ta thấy Vũ Thanh chạy vào làng, sợ có chuyện nên cũng rảo bước theo sau.
Ngờ đâu mới đi có một đoạn thì đã mất bóng cô nàng.
Điền Mục không khỏi lấy làm lạ, cứ nhằm phía trước mà đi, nhưng càng đi con đường làng như càng trải dài ra mãi.
Đi được một lúc thì bốn bề bỗng có sương trắng mỏng như khói hương trầm buông xuống, bao phủ vạn vật, che hết tầm mắt của cậu ta.
Điền Mục cứ nhắm bừa một hướng mà bước, nhưng đến khi sương tan thì lại phát hiện mình đã ra khỏi làng từ bao giờ, cổng tam quan bằng đá đứng sừng sững sau lưng.
Cái sự quái lạ này cứ lặp đi lặp lại mãi, đến giờ đã là nửa đêm mà Điền Mục cũng không tài nào vào được làng.
Cái điện thoại của cậu ta bỗng nhiên vọt ra khỏi túi, bay lơ lửng trước mặt cậu chàng.
Nói đoạn, nó tự mở khóa, âm bàn phím kêu lên lách ca lách cách.
Trên giao diện ghi chú của cái máy dần dà hiện lên một dòng chữ:
“Làng của người âm, tự nhiên người sống như mày khó vào được rồi.”
Điền Mục tóm điện thoại, gõ:
“Nhưng cô bạn kia cũng là người sống đấy thôi, sao lại vào được?”
Đáp lại dòng chữ cậu ta vừa gõ, là một dòng chữ khiến kẻ khác rợn gáy:
“Ngơ lắm con ơi...!Sao mày biết là con bé đi vào được, mà không phải là được cho vào?”
“Thế giờ phải làm sao?”
Ngón tay Điền Mục cơ hồ nhảy múa trên bàn phím điện thoại.
Cậu sợ rằng cô nàng sẽ bị nguy hiểm gì nếu còn ở lại.
Dầu sao, ngôi làng này quả thực không phải nơi người sống nên vào.
Lần này, đáp lại cậu là một chữ duy nhất:
“Chịu.”
Điền Mục bĩu môi, bấm điện thoại:
“Con còn tưởng ông kinh lắm, té ra cũng thường...”
“Láo!”
Lần này, ngoại trừ tiếng vang lách cách của bàn phím ảo, màn hình điện thoại của Điền Mục cũng nứt toác cả ra.
Cậu ta bóc kính cường lực, phát hiện cái màn hình điện thoại cũng không thoát được.
Thở dài, Điền Mục lẩm bẩm:
“Hi vọng chỉ vỡ màn gương thôi, không thì ốm mất...”
Cậu ta còn đang loay hoay tìm cách vào làng với ông bác, thì bỗng nghe phía sau khóm tre có tiếng hát vọng ra:
“Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to
Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng
Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng
Làng tôi quanh co quanh co quanh co quanh co.”
Điền Mục ngoái đầu, còn chưa biết nên làm thế nào thì trong điện thoại đã hiện lên một dòng chữ:
“Đuổi theo tiếng hát! Nhắm mắt lại!”
Cậu chàng chặc lưỡi, song vẫn nghe theo mà nhắm rịt mắt lại, cứ đuổi theo tiếng hát ỉ ôi lúc xa lúc gần.
Dọc đường, Điền Mục cứ ngỡ mình nhắm mắt chạy thế này thể nào cũng vấp phải búp măng mọc lệch, hoặc ổ gà cục đá nào đấy.
Thế nhưng, cậu ta càng chạy lại càng bon chân, con đường đất gồ ghề dẫn vào làng Ngô cậu đã đi mòn gót giày suốt cả buổi chiều bỗng chốc trở nên lạ lẫm.
Điền Mục cứ mơ hồ có cảm giác mình đang chạy trên một sân trượt băng, hoặc một làn bô-linh vậy.
Trơn nhẵn, còn nhẵn hơn cả đường trải nhựa trong nội thành.
Phía trước, tiếng hát tỉ tê vẫn văng vẳng dội vào tai Điền Mục.
Giọng người lúc xuống trầm thì ồm ồm như tiếng ễnh ương, lúc lên cao thì the thé như chim tu hú.
“Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to
Này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng
Này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng
Làng tôi quanh co quanh co quanh co có sợi rơm khô
Nhớ làng tôi từng dòng mương xanh bay bay bay bay
Nhớ bà tôi một trăm năm rồi ngọn cỏ hóa mây trời.”
Điền Mục hai mắt nhắm chặt, không thấy vật gì ngoài một màn đêm tối như hũ nút.
Sương trắng lại mon men tràn tới, phủ lên Điền Mục, nhưng lần này có tiếng hát dẫn đường, cậu chàng không bị ảnh hưởng nữa.
Chân Điền Mục nện trên đường càng lúc càng nhanh.
Gió nổi.
Tiếng gió rít lên vù vù, cuốn tốc cả vạt áo khoác của Điền Mục lên.
Cậu chàng trộm nghĩ, gió to như thế, liệu có cuốn phăng cả vầng trăng đi không.
Mà gió to như vậy, liệu có còn nghe được tiếng hát nữa hay chăng?
May sao, tiếng hát càng cất càng cao, hòa cùng tiếng mõ lóc cóc, dường như chẳng bị ảnh hưởng bởi tiếng gió chút nào.
Chỉ là giọng ca bỗng chốc nghe nhừa nhựa rờn rợn, làm tóc gáy Điền Mục cơ hồ dựng đứng cả lên.
“Cười cười một chuỗi trời thử bụng ta
Có mùa thóc lép lợp trên mái nhà
Có mùa hoa cà tự nhiên tím tái
Bà ví lông gà vàng như vườn cải
Ông ví mặt trời như lời mối lái
Ai ví tình yêu như trò nghịch dại
Bà lên Kẻ chợ có buồn được đâu
Ra về lúc lắc héo mòn một xâu
Ra về lúc lắc héo mòn một xâu.”
Chợt, gió ngừng hẳn, cái lạnh của màn sương cũng bay biến mất.
Điền Mục he hé mắt nhìn, chỉ kịp thấy cái điện thoại đang lao về phía mình với một tốc độ sét đánh.
Không kịp né, Điền Mục chỉ đành trơ mắt nhìn cái điện thoại giáng xuống đầu mình đáng bốp một cái.
Cậu chàng ôm đầu nhăn nhó, cái điện thoại thì cứ lượn qua lượn lại trước mặt, trên màn hình hiện lên dòng chữ:
“Vào được làng rồi nhóc.”
“Sao lại phải đánh cháu? Bác không dùng cách nhẹ nhàng hơn được à?”
“Mày không thấy được tao, không nghe được tao nói, thì còn cách nào khác để ra hiệu cho mày biết?”
Điền Mục nhăn nhó ôm cái trán u một cục, nhét lại điện thoại vào túi.
Trước mặt cậu chàng, cánh đồng lúa trải dài ra ngút tầm mắt.
Sau lưng văng vẳng vọng lại tiếng hát ỉ ôi, lúc này đã yếu dần, yếu dần:
“Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to
Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to”
Điền Mục hít sâu một hơi, xốc lại ba lô trên vai, sải bước về phía những mái nhà nhấp nhổm phía xa.
Suốt dọc đường, người trên đồng đều dừng cả lại, cười mà chào cậu ta:
“Cô sinh viên nay mới về làng đấy.”
Bấy giờ đã gần mười giờ đêm.
Đúng ra, ngày làm đồng đã kết thúc được bốn năm tiếng rồi.
Nhưng những người này vẫn cặm cụi dưới ruộng, trên mặt trước sau vẫn cứ treo một nụ cười toe toét, hiền lành.
Mặc cho Điền Mục đứng xem đến mươi phút thì họ cũng chẳng biến sắc, cho dù là nháy khẽ chân mày một cái, giật khẽ khóe môi một lần.
Dưới ánh trăng, nét cười của những nông dân bỗng có thêm một vẻ quỷ quyệt và quái dị.
Điền Mục nhún vai, rảo chân đi về thôn dưới, bỏ lại một câu bên bờ ruộng:
“Cái làng đã quanh co, người làng cũng quanh co.”
Vầng trăng trên bầu không dường như khẽ cựa một cái, bỗng nhiên khuyết thêm một chút.
Chú thích chút chút về nhan đề chương:
Nhan đề lúc đầu tiên của chương này là trích dẫn câu hát trong bài "Bà tôi": "Làng tôi quanh co, quanh co, quanh co, quanh co." Khi bọn mình dịch sang tiếng Anh, thấy cái từ "quanh co" quá khó dịch, nên đã thay câu cảm thán cuối chương của Mục thành một câu chơi chữ kiểu khác: "I walked into the Maze Village, but the villagers here are even more of a puzzle." "I walked into the Maze Village" là chơi chữ "Maze" - "mê cung" thêm chữ "I" vào giữa thì thành "Maize" - "Ngô," còn "Puzzle" - "câu đố, vấn đề khó giải" lại là từ gần nghĩa với "maze" - "mê cung." Từ đó, ngôi làng vốn không có tên của Vũ Thanh được đặt tên là "Làng Ngô." Vừa hay, từ "Ngô" trong âm Hán - Việt (hay trong một số trường hợp, phát âm là "ngã") lại có một nghĩa là "của tôi" (bạn nào xem phim tàu có thể từng nghe "Ngô Hoàng Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế").