Lời bạt: "Làng Kim Xá" là tiền truyện của Đất Ma, xảy ra trước các sự kiện trong "Bắc Hành." Nhân vật điểm nhìn "tôi" là ông Vũ Hưng (trong tương lai là bố của Vũ Thanh), bạn học cũ của Điền Quý.
Nhắc cho ai không để ý thì cuối Linh thị, ông Hưng đã xuất hiện rồi.
"Làng Kim Xá" sẽ kể về những trải nghiệm của ông Vũ Hưng khi còn trẻ.
Điền Quý chỉ đóng vai phụ trong "Làng Kim Xá," và khi các sự kiện trong truyện này diễn ra, Điền Quý vẫn chưa mất trạng thái "nửa sống nửa chết," có thể gọi là ở thời kỳ đỉnh phong.
Do tác giả vẫn chưa viết xong truyện này, nên tạm thời lịch đăng chương sẽ là cỡ 2 chương/tuần.
oOo
Tôi về quê trên chuyến xe cà tàng, phía trước có ông cụ già đâu đấy ngoài bảy mươi, đằng sau có bà mẹ trẻ đang bế đứa bé còn nằm nôi chưa lớn.
Cái hồi những năm vừa hội nhập, đường nhựa chưa phổ biến, về nông thôn xa xôi toàn là đường đất cả.
Hôm nào hanh khô là bụi tung mù mịt, chẳng dám mở cả cửa sổ xe.
Mà mỗi lần xe đụng vào ổ gà ổ chó, xóc nảy lên một cái, là cái thằng nhỏ đằng sau lại giật mình ngoạc mồm ra khóc.
Cậu thanh niên ngồi cạnh dường như đã quen mấy cái chuyện này, chìa cho tôi hai cục bông dày, một ngón tay trỏ vào lỗ tai mình.
“Cậu thạo quá nhỉ.”
“Em hướng dẫn viên mà.
Dăm cái chuyện lông gà vỏ tỏi đáng gì đâu?”
Tôi ho hắng một cái, ngoảnh mặt đi.
Cái điệu cười sởi lởi của cậu này làm tôi bất giác thấy hành động thọc tay vào túi, lần mấy tờ bạc nhàu nát của mình hơi vô lễ quá.
Thế là lại hỏi thăm vài câu, biết cậu này tên Châu, đang làm thực tập của một công ty du lịch.
Lần này do mẹ ốm nên về huyện Bình Giang để thăm nom.
Xe đến huyện thì phải dừng đổ xăng, cậu Châu xuống xe chạy tót đi mất, khách đi xe cũng vãn hẳn.
Ông tài xế đằng trước gác chân lên vô lăng, lười biếng bảo sẽ nghỉ trưa nửa tiếng rồi đến bến cuối là làng Kim Xá.
Nghĩ cũng còn sớm, tôi bèn leo lên ngồi vào ghế trống bên cạnh ông cụ ngồi trước, định bụng nói chuyện vài câu cho khuây khỏa.
Ông lão da nâu sậm, nhiều vết chân chim và đốm đồi mồi.
Bên mắt lão có một vết sẹo rõ to, chạy từ chân tóc mãi xuống tận môi trên, thành ra trông lão lại có vẻ gì hơi dữ tợn.
Nhưng có tiếp xúc mới biết ông lão cũng dễ gần lắm, tính lại hay đùa.
Cụ Lâm mời tôi điếu thuốc, nhưng xe kín, sợ mùi, nên tôi từ chối.
Ông bảo vết sẹo này có từ hồi biên giới, bị mảnh bom nó cứa qua.
Người ta cứ sợ vậy, chứ cụ làm trong quân y, ở nhà bắt con mèo còn khó nữa là người ta sức dài vai rộng.
“Cụ lần này về Kim Xá là có chuyện gì vậy cụ?”
“Bà tôi ở quê mới mất, nên về chịu tang đó mà.”
Rồi ông cụ lại kể.
Có vẻ khi người già rồi, thứ quý giá nâng niu nhất trần đời cũng chỉ là quá khứ và kỷ niệm.
Hồi còn tại thế, ông già nhà tôi cũng hay “ngày xưa” thế này lắm.
Cụ Lâm bảo hồi xưa đi đánh Khmer đỏ, ở cái trận cho cụ vết sẹo nơi mắt trái, người ta tưởng cụ chết rồi.
Có giấy báo tử gửi về quê hẳn hoi.
Bẵng đi ít lâu, đồng đội tham gia chiến tranh biên giới gửi thư thăm hỏi, lại bảo cụ bà cụ Lâm ở nhà đã mất.
Thế là thành dở hơi, vợ góa chồng, chồng góa vợ, mà cả hai đều còn tại thế mới buồn cười.
Hồi ấy có cô y tá chăm sóc cụ tận tình, lại hay tin vợ mất, lâu ngày bên nhau tình cảm nảy nở, nên hỏi cưới.
Hòa bình lặp lại, cụ Lâm dẫn vợ về quê, thấy trên bàn thờ có di ảnh của mình, bà cả ra đón lại thành ra củ chuối cả nải.
Cụ Lâm kể xong, mới bảo:
“Kể ra thì cũng là vô ý, nhưng nói sao thì nói, tôi cũng phụ bà ấy.
Buồn cười tôi hành y cả đời, thế mà lúc vợ đau ốm lại không có nhà.”
“Thôi cụ ạ.
Sống chết có số vậy.”
Tôi cố an ủi ông cụ, phần nhiều cũng nhớ lại chuyện mình.
Lúc ở nhà thì chẳng sao đâu, tôi vừa đi công tác, là ông cụ ở nhà gặp nạn ngay.
Có lẽ số các cụ đi tránh con tránh cháu.
Cụ Lâm thở dài, rồi bảo:
“Tôi thấy anh khí sắc xấu lắm, anh không chê ông cụ này mê tín thì nghe tôi khuyên một câu, về quê lần này thì tránh mấy cái chỗ bẩn thỉu ra.
Có thờ có thiêng.
Các cụ mình dạy không sai đâu.”
Lời cụ làm tôi rùng mình.
Tôi len lén nhìn cụ Lâm, thì phát hiện cụ đã nhắm mắt lại nghỉ trưa.
Không biết ông lão đã nhìn thấu chuyện mình định làm chưa.
Tôi tự hỏi mình, song không dám bứt dây động rừng với ông lão.
oOo
Làng Kim Xá đã ở trước mặt.
Tôi xuống xe, chia tay cụ Lâm, rồi lấy tờ địa chỉ ra hỏi bà hàng nước đầu làng.
“Cái chỗ này ấy à? Ở thôn Tây, chỗ gần cái giếng làng ấy.
Bảo con Kim đi sau mày nó chỉ cho.”
Chị Kim chắc là cái chị đang bế con.
Chị nhìn tôi không đáp, gật đầu một cái ra dấu cho tôi đi theo, rồi cứ à ơi ru thằng con mình ngủ.
Đường ngang lối dọc trong làng cũng không rắc rối, chỉ đi lèo một cái là đến căn nhà ba gian kiểu cổ.
Chị Kim ghé tai tôi nói nhỏ:
“Nhà tôi ở sát vách.
Có gì tối đừng làm ồn thằng con tôi mất ngủ.”
Rồi bọn tôi chia tay nhau, ai về nhà nấy.
Con ngõ bên ngoài rợp bóng lá tre.
“Chẳng hiểu nổi ông nghĩ gì.”
Tôi lặp lại câu này lần thứ chẳng rõ là lần thứ mấy chục trong vài ngày nay, rồi mở khóa cửa.
Tất nhiên là chẳng có ai đáp.
Mà thế lại hay.
Vào sống ở mấy cái nhà cổ lỗ sĩ này, giờ mà thình lình có người lên tiếng đáp một cái mới gọi là té đái.
Ông già nhà tôi trước cũng thuộc diện ăn nên làm ra.
Không dám nói là giàu có lớn, nhưng cũng thuộc diện trung lưu khá giả.
Thế mà đùng một cái, ổng đi, mà di chúc chỉ để lại mỗi cái nhà tổ ở Kim Xá cho tôi.
Bao nhiêu của cải đều thuộc về mợ hai với đứa con riêng của mụ.
Ông cụ mất là tay sếp mới giở giọng bắt chẹt, rồi nhân cái buổi đi công tác kiếm cớ đuổi phứt tôi đi.
Ai cũng biết hắn tia cái ghế của tôi cho thằng cháu hắn lâu rồi, nhưng thôi cũng chịu vậy.
Thế là, tôi về Kim Xá, trên răng dưới rế chỉ có đúng mấy tờ bạc lẻ.
Trong cái nhà cổ này được cái là sẵn cả giường tủ bàn ghế, chỉ có hơi trống trải thôi.
Tôi nằm lên sập gỗ, lấy bánh mì mua trên đường ra ăn, cơm cũng chẳng buồn nấu nữa.
Trong đầu tôi lúc này chỉ có mỗi cái tờ giấy vàng rơi từ đáy quan tài của ông già xuống trong cái đêm trước hôm đám ma.
Ba chữ “thuật gọi hồn” đủ làm người ta chỉ nghe đến thôi cũng thấy lạnh gáy.
Tôi không dám tự nhận mình là thằng gan dạ, song cũng không phải đứa hèn.
Nếu không phải lời cụ Lâm hôm nay có lẽ tôi đã thử cái thuật này rồi ấy chứ.
Lúc này tôi thấy mâu thuẫn quá.
Một mặt, tôi tự thuyết phục mình là cứ gọi hồn ông già lên, xem xem có phải mụ vợ kế của lão đã sửa di chúc không.
Rồi thì đấy là bố mình, chẳng lý nào lại giết con hại cháu.
Mặt khác, mối hoài nghi về cái tờ giấy vàng rơi từ đáy quan tài ra làm tôi chùn chân.
Tôi quyết định tạm gác cái chuyện này lại trước đã.
Sớm hôm sau, tôi vác cái bụng rỗng lóc cóc vào làng tìm việc.
Người ta nói thật không sai, phải có thực mới vực được đạo.
Cứ phải có cái kế sinh nhai đã rồi muốn làm gì thì làm.
Ai nói cuộc sống thôn quê yên bình, ít xô bồ hơn thành thị chứ tôi chẳng thấy vậy.
Lúc tôi còn ngáp dài ngáp ngắn thì cánh thợ cày đã hùng hục ngoài đồng, cánh chị em không lo vườn tược gia súc gia cầm thì cũng xắn tay làm đồ thủ công đặng bán trên chợ huyện.
Tôi cứ lang thang từ thôn đông sang thôn tây, rồi lại tạt vào chỗ một ông thợ cạo nghe ngóng chuyện trên huyện.
Ít người hơn thì có lẽ, chứ ở đâu áp lực sinh kế cũng hiện hữu, khiến tôi lại càng thấy thằng vô công rồi nghề như mình lạc lõng hơn.
Ở chợ tôi gặp lại cụ Lâm.
Áo mũ cụ vẫn thế, vẫn mặc theo cái lối nhà Nho ngày xưa, chỉ là quấn thêm một cái khăn đen trên đầu để tang.
Hai ông cháu vừa đi vừa nói chuyện, rồi cụ bảo:
“Cái ngữ nhà anh chắc chỉ có làm bàn giấy chứ sao chịu nổi việc đồng áng? Kẹt nỗi là năm học mới bắt đầu, không có chân làm cái nghề gõ đầu trẻ đâu.
Thôi đi chỗ này với tôi, tôi xem có giúp được không.”
Rồi cụ Lâm dẫn tôi đến một ngôi chùa, nằm bên bờ con mương, cách căn nhà tổ tôi đang trú chân cũng không xa lắm.
Chùa vùng quê ít người cúng bái, bài trí cũng sơ sài giản lược, trong chùa chỉ có một vị trụ trì chăm nom coi sóc quanh năm.
Ông sư già là chỗ quen biết với cụ Lâm, từng cởi cà sa khoác chiến bào đi lính.
Thấy ông vừa quét sân vừa đi cà nhắc, tôi đoán là sư cụ có tật ở chân.
Cụ Lâm giới thiệu tôi vào chùa làm việc nặng nhọc thay cho ông sư.
Sư thầy mới bảo:
“Có cậu giúp thì đỡ quá, phải tội chỗ này chỉ có oản chuối là nhiều chứ tiền hương đèn chẳng có bao nhiêu đâu.”
Tôi lúc này nào dám kén chọn gì, có oản chuối mà ăn thì cũng đỡ được một khoản phải chi rồi, nên đồng ý ngay.
Chuyện ở chùa cũng không nặng nhọc lắm.
Chủ yếu là việc vệ sinh lau dọn, chứ chuyện cúng kiếng pháp sự đều do sư cụ, mà tôi có muốn cũng chẳng làm được.
Đợi sư cụ đọc kinh xong, hương tàn hạ lộc thì tôi cũng được chia một phần.
Ông còn tặng tôi một cái tràng hạt bằng gỗ, bảo cứ đeo vào tay.
Tối về, anh chồng chị Kim là anh Dũng sang thăm tôi, vừa gặp bữa thấy tôi giở đống oản ra ăn.
Anh này mới cười, bảo:
“Đàn ông đến bữa mà không có tí thịt nào ăn nhạt mồm bỏ mẹ.
Sẵn dịp đây, tí có đi soi ếch với tớ không tớ cho mượn đồ nghề.”
Kể cũng lạ.
Tôi nhớ ngày xưa có đi soi ếch một lần.
Mấy thằng bạn chung lứa ở làng cũ bảo có đi thì cũng phải chọn lúc vừa xong vụ, ruộng xả nước rồi.
Giờ là giữa vụ lúa, anh Dũng lại bảo vẫn có ếch mà chén thì cũng lạ thật.
Có lẽ thấy cái mặt nghệt đặc sệt dân phố của tôi, anh Dũng mới cười phá, bảo:
“Cứ yên tâm.
Hôm nay chắc chắn chú không về tay không.”
Thế là vừa xong bữa cơm, Dũng đã gọi tôi ra tập hợp ở ngoài ngõ.
Đi cùng còn có vài người khác.
Tôi nhận ra lão thợ cạo hồi sáng đang cầm cái thùng để đựng ếch đứng một góc.
Dũng giới thiệu tôi với mấy người bạn.
Trừ lão Huy thợ cạo, hai người còn lại là Hùng giáo viên và Sơn phụ hồ.
Dũng đưa cho tôi một cái vợt to, bảo:
“Bọn tớ bắt tay quen rồi, chứ dân phố như cậu không có cái này chắc là không ăn thua.”
Nói đoạn cả bọn rồng rắn kéo nhau đi về phía con mương.
Vừa nghe được tiếng nước chảy cũng là lúc âm thanh ồm ộp của đám ếch vang lên inh ỏi.
Dũng ra hiệu cho cả bọn nhẹ chân, rồi cùng nhau tiến vào đám cỏ cao bên mé nước.
Tôi cũng bám sát theo đám bạn mới quen này.
Đám ếch đồng tinh ranh, có vợt mà tôi còn vồ hụt mấy lần mới quen được.
Thế mà Dũng cứ quờ vào đám cỏ một cái là lôi được ra một con béo đẫy, tóm ngay cẳng chân.
Chắc cái dáng vẻ líu cả lưỡi của tôi buồn cười lắm nên cả dám thi nhau ôm bụng hô hố.
Chợt, Huy thợ cạo nói:
“Đến giờ rồi.
Mau về thôi.”
Tôi còn muốn bắt thêm vài con ếch, song mấy ông bạn đều giục đi về, giống như đã đến giờ giới nghiêm vậy.
Người ở xa chẳng nhẽ không nghe thổ địa, nên cũng về cùng.
Cả đám kéo về nhà Dũng, thu hoạch tối nay đều nhờ chị Kim làm xào sả ớt cả.
Thằng con Dũng cứ lởn vởn gần bàn ăn, thỉnh thoảng lại nhón lấy một cái đùi ếch rồi chạy biến.
Dũng gắp cho tôi một miếng tù và, ăn giòn tan, cực kì thích miệng.
Cả đám nói chuyện đông tây, có tôi và Hùng là chuyện trò hợp nhau nhất, có lẽ vì cùng là dân bàn giấy tri thức cả.
Nhưng Hùng hòa đồng với cánh lao động hơn tôi.
Lúc thằng con thứ hai chưa đầy một tuổi của Dũng ngủ cũng là lúc Kim giục cả lũ về.
Tôi cũng bước về phía căn nhà ba gian, lòng không hiểu sao lại thấy mất mát.
Tên sếp cũ mà nhìn thấy tôi bây giờ, có vài miếng thịt ếch cũng thấy sung sướng chắc hắn hả dạ lắm.
Bấy giờ, tôi chỉ nghĩ mình không muốn sống mãi ở cái làng Kim Xá khỉ ho cò gáy này.
Bèn tức tốc về nhà, làm theo đúng nội dung ghi trên tờ giấy vàng, gọi hồn ông già về định hỏi cho ra nhẽ.
Tôi đặt một cây nến lên bàn, châm diêm thắp lên, nhẩm câu chú thuật trong lòng, rồi trích máu ở ngón giữa và ngón út nhỏ vào ngọn lửa.
Cây nến duy nhất trong căn phòng tối leo lét cháy, hắt một cái bóng người đen đen lên bức tường đối diện tôi.
“Dại...!dại rồi...”
Tôi nghe tiếng bố tôi rên rỉ, sau đó cái bóng quái lạ bỗng ngoác rộng miệng nó ra..