Đau Thương Đến Chết

Ông đã sớm biết mình không được cái thành phố này dung thứ hoặc nói cách khác, ông sẽ không được cái "thế giới bên ngoài" ấy chấp nhận.

Vốn là một đứa con của núi rừng nhưng mọi thứ ông đã trải qua không phải như cách nói cũ rích "trẻ con nhà quê chỉ là hạt bụi của thành phố". Với ông, thành phố hay nông thôn hoàn toàn không phải là điểm mấu chốt mà vấn đề nhân tính - bản tính con người kể từ thời Bàn Cổ Nữ Oa, Adam Eva đến nay là phức tạp và quanh co nên đã dẫn đến bao nhiêu bi kịch. Ông chỉ đóng một vai rất nhỏ trong các tấn bi kịch đó.

Tiếc thay khi ông nhận rõ điều này thì đã quá muộn. Sai lầm lớn nhất đã xảy ra, bát nước đánh đổ khó bề vét lại.

Ông là con người không biết đến hai chữ hối hận, đã quyết định làm việc gì, dù sai cũng dám nhận, nếu có cả trăm cơ hội làm lại, cũng vẫn chỉ lựa chọn như cũ. Tuy các bô lão trong thôn kể đã trăm lần về câu chuyện lưu truyền trong cái vùng khuất nẻo của họ: những thanh niên nào bỏ thôn mà đi xông pha bên ngoài, ai cũng đau thương đến chết nhưng ông bỏ ngoài tai câu chuyện ấy.

Cả thôn vài trăm người, ai cũng tin điều đó nhất là sau khi xảy ra rất nhiều câu chuyện đau thương đến chết. Hồi đó ông là đứa trẻ thông minh nhất thôn, không tin chuyện này đã dám phạm cái sai lầm ấy.

Hồi ấy ông 14 tuổi cực kỳ ham học và cho rằng đã học hết y thuật của các bô lão trong thôn. Sau khi cha mẹ qua đời, ông sống với chị gái. Ông lén ra khỏi thôn, đi học nghề của một thầy thuốc đông y nổi tiếng khắp huyện Sùng An. Ngoài 20 tuổi, ông đã nổi tiếng gần xa.

Lòng ham hiểu biết ngày một mạnh, ông trở nên uyên bác về đông y dược, nhưng cũng hiểu những điểm kỳ diệu của tây y dược. nhân cơ hội "công nông binh được đi học cử tuyển đại học", ông đã vào đại học Y số 2 Giang Kinh nổi tiếng cả nước, tốt nghiệp với kết quả cao, được ở lại dạy học và trở thành một nghiên cứu viên trẻ nhất của phòng nghiên cứu đông tây y kết hợp. Ít lâu sau ông lập gia đình với một cô gái xinh đẹp tuyệt vời.

Cho đến khi ấy ông vẫn ngoan cố cho rằng, cách nói "hễ ra ngoài núi thì phải bị đau thương đến chết" chỉ là tập hợp của những câu chuyện đau khổ hoàn toàn không có căn cứ khoa học, nói khó nghe một chút thì đó là sự mê tín rồ dại vào số phận.

Nhưng rồi "đau thương đến chết" đã xuất hiện, nó còn ngoan cố hơn cả ông.

Ấy là một điều bí mật được giữ rất kín. Hết đời này sang đời khác, cứ sau hơn chục năm thì thôn của ông lại xảy ra một trận dịch kỳ quái, khiến hàng loạt người và gia súc bị đột tử. Không ai có thể nói rõ tại sao lại xảy ra trận dịch như thế, và lại có cái quy luật ấy, kể cả nguyên nhân tử vong. Nghe nói, thường là một người trong nhà chết trước, vợ hoặc chồng đau buồn, ít lâu sau cũng đột tử. cứ như thế mãi, dân thôn bèn gọi trận dịch ấy là "chết đau thương". Mỗi khi có dịch, bắt đầu có người chết thì dân thôn nhẫn nại quan sát ít lâu, không đụng vào thi thể, thậm chí không chôn cất. Họ chỉ đưa những ai đã tiếp xúc với nạn nhân đi xa, đến ở tại các gian nhà tạm đã cất sẵn, và dùng cách đặc biệt để "khử độc" cho họ. Nếu trong vòng một tháng có 5 cái chết tương tự xảy ra, thì cả thôn sẽ mặc áo mưa - tức là áo tang mà từ nhiều đời nay họ thường dùng – sau đó di dời vào sâu hơn trong núi, tránh xa cái nơi đã bị ô nhiễm. Địa điểm cũ sẽ bị đốt trụi. Sau khi trận dịch qua đi, họ sẽ lập cho người chết một tấm bia không chữ. Họ cũng rất gàn dở cho rằng, những người chết không rõ nguyên nhân như thế, tức là chết khốn khổ, là bị trời trừng phạt.

Thôn này cứ sau hơn 20 năm lại di rời một lần là vì thế.

Các bô lão của thôn cứ khăng khăng phải chuyển vào sâu trong núi, vì họ cho rằng cả thôn đã bị nguyền rủa, phải chịu tai họa dịch bệnh lặp đi lặp lại mãi. Càng tránh xa người đời sẽ càng đỡ mắc dịch bệnh.

Tại sao lại là một lời nguyền? Ông nghĩ, nếu có thật thì chẳng qua chỉ là một thứ tập tục kéo dài hàng trăm ngàn năm ở trong thôn. Dân thôn già trẻ gái trai mỗi năm phải một lần "thay máu" tức là, để cho các loại côn trùng độc như rết, đỉa, bọ cạp... hút máu, nếu người lạ chợt nhìn thấy sẽ ngỡ là "chọn độc", thực ra nó hoàn toàn khác hẳn "chọn độc". "Chọn độc" là lợi dụng chất độc của chính con bọ để chế thuốc độc, còn "thay máu" là dùng côn trùng hút các chất độc đang có trong máu người. Dân thôn hiểu về sinh lý người là thế này: đời người ta lao động, ăn uống nghỉ ngơi... luôn bị chất cặn đọng trong người, vì thế mà cần có hệ bài tiết. Tại sao con người thường mắc các chứng bệnh và về già thì ốm đau mà chết? Vì "chất độc" trong máu chưa thải hết, nếu không bị đọng các "chất độc" thì con người có thể thọ đến ngàn năm, như các bậc thánh nhân mà sử sách cổ vẫn chép. Có vị bô lão trong thôn còn dẫn ra ví dụ trong "kinh thánh" rằng tổ tiên của người phương tây đã sống đến ngàn tuổi. Sau khi "thay máu", nếu có ai bị trúng độc do côn trùng cắn, thì dân thôn lại có các loại thảo dược và cao dán để giải độc. Cái lối "thay máu" kỳ cục này thường bị người bên ngoài cho là quái gở độc ác.

Vì mọi người đều tin thôn này bị một lời nguyền, cho nên vào thời Minh, nhân một lần có bệnh dịch, quan phủ đã đem binh mã đến hủy diệt cả thôn, chỉ có hai hộ sống sót vì đang đi săn chưa về, nên đã giữ được "nòi giống" và truyền thống. Có lẽ vì chuyện này mà các bô lão kiên quyết xa lánh chốn phồn hoa.

Đồng thời cũng có một truyền thuyết còn lâu đời hơn nữa, liên quan đến hang quan tài treo ở núi ngoài xa hơn chục cây số. Nghe nói ở hang đó có một lời nguyền, cấm vào, ai đã vào thì sau không đầy nửa năm sẽ phải chết. Một thầy giáo trong thôn đã từng dạy ông không nghe lời khuyên, đi vào đó một lần, sau ba tháng thì chết trong lúc ngủ. Người vợ mới cưới khóc than thảm thiết, chẳng bao lâu cũng chết, lúc chết, mặt vẫn đầy nước mắt.

Các bô lão trong thôn cho rằng lời nguyền ở hang quan tài và chất độc ngầm ở gần đó liền với thôn này, là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh.

Ông không thể quên năm 1980, nhận được bức thư của chị gái gửi từ thị trấn Hoa Tây kể, trong thôn có hai con gà và một con lợn bị chết, chết rất lạ lùng – không bị thương, không có dịch lợn ốm gà rù mà bỗng dưng lăn đùng ra chết. Các bô lão nói "chết đau thương" lại bắt đầu rồi đấy! Cuối thư, người chị còn nói là rất sợ, sợ ít lâu nữa mình cũng "chết đau thương"

Người anh rể của ông bị tính tò mò thôi thúc, nên trước đó hai tháng đã vào hang quan tài.

Ông và người chị gái hết sức yêu thương nhau. Cha mẹ qua đời trong trận dịch bệnh "đau thương đến chết" hồi trước. Người chị đã rất chịu khó lao động, dè xẻn thu vén để nuôi ông trưởng thành, rồi có thể sống độc lập. Ông còn nhớ, chị đang tuổi xuân nhưng quanh năm chỉ mặc áo vá chằng vá đụp. Ngày chị đi lấy chồng, cũng là lần đầu tiên được mặc áo mới.

Nếu những chuyện đồn đại kia là thật, thì ông sẽ bất chấp tất cả để cứu chị gái mình.

Ông trở về thôn, trong thôn đã có một người chết. Đêm hôm đó ông bí mật vào căn nhà có người chết, giải phẫu cái tử thi bị vứt nằm đó. Sau bao năm học y và trải qua thực tế, ông không thể lại tin cái tập tục cổ hủ của thôn. Ông biết, đã là bệnh dịch thì phải có virus hoặc vi khuẩn hoành hành, cần điều tra nguyên nhân tử vong, tìm căn nguyên bệnh tật – đó là con đường duy nhất để chữa và phòng bệnh

Quả tim của người ấy đã chết bị to lên rõ rệt, cơ tim có nhiều vết rạn nứt.

Ông lấy mẫu máu, mẫu các chất dịch khác, và lấy các mẫu tổ chức cơ tim, rồi trở về đại học Y Giang Kinh. Qua nghiên cứu, trưng cầu ý kiến, thực nghiệm... Ông có thể khẳng định, đó là đột tử do bệnh viêm cơ tim. Ít hôm sau, ông cũng đã nhận diện được virus Ke-sa-ji. Bằng tri thức và trực giác, ông cho rằng loại virus này lây nhiễm qua đường huyết dịch, cho nên mới xảy ra hiện tượng vợ chồng lần lượt tử vong. Còn tập quán hủ lậu "thay máu" chỉ tổ khiến virus càng dễ phát tán trong thôn mà thôi.

Nhìn từ góc độ dịch tễ học, việc bùng phát dịch do nhiễm virus thường có tính chu kỳ và theo mùa. Có lẽ mới có hiện tượng cứ sau 20 năm lại xảy ra một lần.

Ông lại trở về thôn, nhiều lần dặn dò nhấn mạnh người dân phải chú ý giữ vệ sinh, còn định sẽ báo cáo với cơ quan chuyên trách về phòng chống bệnh dịch. Cũng vì thế mà nảy ra xung khắc căng thẳng giữa ông với các vị cao niên trong thôn. Các vị bô lão cho rằng, nếu các cơ quan phòng chống dịch vào cuộc thì truyền thống "thay máu" sẽ bị chỉ trích, thậm chí sẽ tái diễn nạn cả thôn bị "tàn sát". Ông ra sức thuyết phục họ nhưng đều vô ích. Ông than thở, đầu óc con người ta, thậm chí cả những nét văn hóa hủ bại, tồn tại sao mà dai dẳng đến thế!

Cuối cùng, vì tôn trọng các vị cao tuổi và truyền thống địa phương, ông hứa sẽ không đi báo cáo, nhưng vẫn dặn bà con không nên làm cái trò "thay máu" nữa. Khi ông sắp lên đường, thì người anh rể đã từng vào hang quan tài bị đột tử.

Đó là ca tử vong thứ hai.

Chị gái ông trở nên góa bụa, bỗng dưng bị coi là đồ "quái vật" đáng sợ, dân thôn đều biết người chết tiếp theo phải là chị ấy. Người chị gái ông chỉ còn biết khóc than.

Ông bèn thay đổi ý định: ông viết thư nặc danh cho Trung tâm vệ sinh dịch tễ của tỉnh. Nào ngờ vị bác sỹ được trung tâm cử xuống, dân thôn viện cớ vì ông ta đã tiếp xúc với tử thi, nên bị cưỡng ép "khử độc", ông bị tổn thương tinh thần rất nặng nề. Sau sự kiện này ông cảm thấy mình không thể dính dáng đến cái nôi mà mình đã trưởng thành nữa, ông kiên quyết đưa chị gái trở về Giang Kinh.

Sau khi về Giang Kinh, ông miệt mài trong cuộc tìm kiếm phương pháp điều trị. Ông cảm thấy mình thực chẳng khác châu chấu đá xe – vì xưa nay chưa từng có được phương án hữu hiệu để điều trị virus truyền nhiễm, nhất là đối với các loại virus lạ còn chưa rõ về mặt bệnh lý. Chẳng bao lâu sau, ông nhận thức rằng có lẽ con đường thật sự là đông tây y kết hợp – đây cũng là sở trường của ông.

Đông y có một số cách điều trị không khác biệt nhiều so với tây y, coi nâng cao thể lực là chính, điều trị trực tiếp vào bệnh trạng, nhưng đã không thể chặn đứng tiến triển của bệnh tật. Người chị của ông đang đau buồn vì người chồng ra đi, sau đó cũng mắc chứng rối loạn nhịp tim rõ rệt, có thể bất chợt ngã gục và vĩnh viễn bỏ ông mà đi, điều này thường xuyên nhắc nhở ông không được quên: Ông còn chưa kịp báo đáp công ơn dưỡng dục của người chị. Bởi thế miệt mài đêm ngày với các thí nghiệm dược lý đối với động vật và thực may mắn, ông cảm thấy đang dần tiến đến mục tiêu.

Chính vào lúc này thì tai họa lại nảy sinh.

Ông đã không thể nhớ rõ, kể từ khi ông nhận được thư của chị gái, đã bao lâu rồi không liên lạc với vợ. Phần lớn thời gian của ông đều trôi đi trong phòng nghiên cứu và bệnh viện. Hầu như ông đã quên mình đang có một cô vợ xinh đẹp như hoa, rất cần ông âu yếm.

Người vợ lại rất nhạy cảm và đa nghi nữa. Sau vài lần thăm dò, nàng cho rằng trái tim của người đàn ông rất tài ba đã không còn ở bên nàng nữa, Nàng tôn trọng tình cảm chị em và tình nghĩa của ông, nhưng nàng là một cô gái luôn cần đến rất nhiều tình yêu. Hơn nữa một người đàn ông rất khao khát tri thức, rất yêu nghề, có thể quên cả sinh hoạt đời thường để nghiên cứu khoa học – thì chẳng thể là một người chồng tốt. Điều duy nhất mà nàng cần, lại là một người chồng tốt, có thể cùng nàng đi xem phim, luận bàn tiểu thuyết, trao đổi với nhau những điều tâm đắc, có thể khoác tay nhau đi dạo trên đại lộ thoáng mát...

Và, ngay gần bên nàng lại đang có một chàng trai cũng rất tài hoa, luôn mong mỏi được chiều chuộng nàng đủ bề và làm một người chồng tốt của nàng. Người chị gái của nàng - người rất hay xen vào cuộc sống của cô em – đã khuyên nàng rất nhiều, nhưng đều vô ích.

Vợ chồng ông đi đến hai quỹ đạo khác nhau và ngày càng cách xa nhau.

Xa thêm nữa, rồi vĩnh viễn chia tay.

Ông hoàn toàn không ngờ vợ mình lại thay lòng đổi dạ vào lúc này. Và cũng chỉ đến lúc này ông mới nhận ra mình rất yêu vợ nên không sao chịu đựng nổi đớn đau đến cùng cực.

Có lẽ tình yêu của ông chỉ có ngần ấy, chỉ có thể dành cho một người.

Ông cố gắng níu giữ, nhưng ý người vợ đã quyết

Rồi, họa vô đơn chí, chị gái ông lại đột ngột ra đi. Chứng rối loạn nhịp tim dẫn đến đột tử.

Ông thật sự suy sụp!


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui