6.Vâng, tôi có thể...
Các bạn thân mến,
Diện áo quần hàng hiệu, thích thời trang, sống theo ý muốn của người khác - đó là những điểm chung của lớp thanh thiếu niên điển hình ngày nay. Ngoài ra, những bạn trẻ này còn có chung một nỗi khao khát là đáp ứng được mong mỏi của các bạn đồng trang lứa và mong muốn đoạt được giải thưởng quý giá là sự chấp nhận.
Suốt những năm tháng thiếu thời, tôi rất coi trọng việc phấn đấu để có được cái gọi là “sự chấp nhận” ấy, và thỏa được khao khát cháy bỏng là mình có điểm chung với một nhóm nào đó. Nhưng tôi đã gặp phải một chướng ngại khác cần phải vượt qua: tôi không giống như mọi người.
Mới sinh ra tôi đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn sọ mặt, hội chứng Treachers Collins. Hội chứng này khiến cho cấu trúc xương ở vùng mặt không phát triển được và thính giác bị suy giảm. Hộ chứng này rất hiếm gặp, và các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được cách chữa trị. Tôi không thể trông mong gì về một tương lai thành công vì tiềm năng của tôi khó mà phát triển cho được. Tôi nằm trong bảng thống kê các bệnh nhân không có cách chữa trị, là một trong những đối tượng nghiên cứu vô danh.
Nhưng bố mẹ tôi không màng đến chuyện thống kê gì cả. Bố mẹ luôn bảo đảm cho tôi được quan tâm và chăm sóc tốt nhất, cả về y tế lẫn tinh thần. Tôi trở thành bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được cho đeo máy trợ thính. Sau khi hiểu ra máy trợ thính không phải là cái núm vú giả, tôi đã dần tiến bộ. Trong những năm đầu đời, tôi được các chuyên gia luyện nói, điều này không chỉ giúp tôi phát triển ngang bằng với bạn bè đồng trang lứa mà thậm chí trí tuệ tôi còn vượt trội hơn hẳn. Suốt những năm trung học cơ sở, tôi luôn là học sinh ưu tú, mặc dầu có nhiều người nói rằng tôi chẳng thể học cùng lớp với những học sinh khác được. Tôi đánh đổ hết mọi hồ nghi, vì không chỉ học giỏi, tôi còn xuất sắc cả trong các hoạt động ngoại khoá và đạt hết mọi tiêu chuẩn.
Lên trung học phổ thông, tôi đăng ký những lớp học vượt cấp và được ghi tên trong bảng danh dự. Tôi chơi quần vợt và thậm chí còn là chủ bút sáng tạo của tờ báo trường với nỗ lực xây dựng nền tảng cho sự nghiệp phóng viên mai sau.
Hiện giờ tôi đang học năm cuối bậc phổ thông. Tôi quyết tâm sẽ không chỉ tốt nghiệp mà còn tốt nghiệp sớm nữa kia.
Có lẽ không phải lúc nào tôi cũng khớp với mẫu hình thanh thiếu niên điển hình, vì tôi không phải là loại người như những người khác nghĩ. Nhưng ở tuổi mười bảy, tôi đã hiểu rõ về con người mình, hệt như một người sống gần hết đời rồi vậy. Sau gần hai mươi cuộc giải phẫu tái sắp xếp, và sẽ còn nhiều cuộc giải phẫu khác nữa, tôi nhận ra mình cần phải sống như mình muốn. Nếu để gục ngã trước các áp lực, tôi sẽ không ở được vị trí của tôi ngày hôm nay.
Tôi tin ở bản thân mình vì tôi được tin tưởng, đó chính là bố mẹ tôi, những người yêu quý đã đem ánh sáng đến cuối đường hầm cho tôi. Giờ đây tôi đã có lòng tin để vượt qua được các chướng ngại mà không sợ bị đánh giá thấp. Tôi có thể trở thành bất kỳ ai và bất kỳ điều gì mà tôi từng ao ước. Dù cho khở của tôi không giống ai, dù cho thính giác của tôi có kém đi chăng nữa, tôi vẫn có thể là... hoa hậu Mỹ trong cuộc thi sắc đẹp sắp tới.
Kerri Meulemans
7. Trân trọng từng ngày
Tôi gặp phải rất nhiều khó khăn trong đời, trên lối tôi đi có không ít chướng ngại. Nhưng bước qua được những chướng ngại ấy là học hỏi được biết bao điều. Nếu có phải quay lại từ đầu, tôi cũng sẽ không muốn thay đổi một điều gì.
Những gì tôi học được rất có giá trị.
Marissa Angel
Các tác giả của Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn thân,
Tôi rất thích sách của các bạn! Chúng thật tuyệt vời!
Lúc bắt đầu đọc cuốn Tâm hồn Tuổi mới lớn đầu tiên, tôi đang phải trải qua một giai đoạn thật sự khó khăn và đến nỗi nhiều lần tôi đã có ý định tự tử. Tôi đã đọc những câu chuyện kể về những bạn đang trong độ tuổi mới lớn, họ đã tự tử, hay tìm cách tự tử. Họ thật sự đã làm tôi suy nghĩ lại. Tôi nhận ra mình sẽ ngu ngốc biết nhường nào nếu tự kết liễu cuộc đời vì những lý do rất ích kỷ. Bởi vì như thế là tôi không dám đối diện với thực tế và các vấn đề của mình. Nếu làm thế tôi sẽ khiến cho những người yêu thương tôi phải đau khổ. Tôi thật tâm cám ơn các bạn đã thức tỉnh tôi và giúp tôi có đủ can đảm để đối mặt với thực tế.
Năm nay tôi mười lăm tuổi, và mắc phải căn bệnh xơ nang bẩm sinh. Căn bệnh này ảnh hưởng đến cả phổi, hệ hô hấp lẫn đường tiêu hóa. Tôi phải nhập viện nhiều lần với cảm giác rất cô đơn. Có lẽ tôi sẽ luôn cảm thấy cô độc khi phải sống chung với căn bệnh này suốt đời. Đôi khi các bạn tôi nói, “À, mình hiểu rồi,” nhưng thật ra họ chẳng hiểu gì cả. Vì cho dù có cố hết sức, họ cũng không tài nào hiểu được sống với một căn bệnh luôn đe dọa tính mạng mình là như thế nào. Tuy nhiên, tôi cũng rất may mắn: nhìn bề ngoài, bạn không nghĩ rằng tôi là một con bệnh đâu. Một số người khác mắc căn bệnh này đã không được may mắn như tôi, bởi vì họ trông ốm o như mắc chứng biếng ăn ấy, thậm chí một vài người đã chết khi mới ở độ tuổi đôi mươi. Nhưng thật may tôi lại là một đứa trẻ mắc chứng xơ nang rất mạnh khoẻ. Đôi lúc tôi còn quên cả chuyện mình mắc bệnh nữa kia, nhưng không phải là tôi đã quên hẳn nó đâu.
Trong lần nhập viện đầu tiên, tôi đã làm quen với một bạn gái cùng tuổi đang mắc bệnh ung thư. Tôi vẫn còn nhớ cái đầu trọc sáng bóng của bạn ấy tương phản với bộ quần áo bệnh nhân màu xanh lơ như thế nào. Chúng tôi cũng chơi đùa với nhau, chạy dọc hành lang bệnh viện với những cái giá đỡ bình dịch truyền, như kiểu xe đẩy vậy. Các cô y tá chỉ mỉm cười và để cho chúng tôi đùa nghịch với nhau. Rồi một ngày nọ bạn ấy được đưa đi nơi khác, và từ đó hai đứa tôi chẳng bao giờ còn gặp lại nhau nữa.
Về sau tôi được chuyển sang phòng khác. Ở đây tôi gặp Kate, một bạn gái cũng mắc bệnh xơ nang nhưng sức khoẻ kém hơn tôi. Dù ở bệnh viện nhưng thời gian hai đứa tôi bên nhau là một trong những quãng đời tươi đẹp nhất mà tôi sẽ không bao giờ quên. Thật vui khi được chia sẻ mọi thứ với một người bạn cùng mắc một chứng bệnh như mình. Chúng tôi uống cùng một thứ thuốc và được điều trị theo cùng một cách. Kate dạy tôi cách thổi những vòng khói ra từ bình khí của tôi. Chúng tôi ngồi chuyện gẫu hoặc đi lang thang với nhau hàng giờ liền. bạn của chúng tôi thật đặc biệt. Cuối cùng sức khỏe của tôi cũng đã khá hơn, và tôi có thể xuất viện. Kate thì không được may mắn như thế, bạn ấy vẫn phải ở lại tiếp tục điều trị. Sau khi xuất viện, tôi mất liên lạc với Kate. Mùa hè kế tiếp tôi tình cờ biết được rằng Kate đã chết. Tôi rất buồn vì không biết Kate chết ra sao, rằng có phải bạn ấy đã chết trong cô đơn hay không? Suốt thời gian ở bệnh viện, tôi chưa khi nào thấy có ai đến thăm Kate; đôi lần bạn ấy nhận được điện thoại của ai đó, nhưng cũng chỉ có thế. Kate mất khi mới mười bốn tuổi. Đôi khi, nghĩ đến điều đó, tôi lại thấy sợ vì giờ đây tôi đang ở tuổi mười lăm. Kate mất khiến tôi càng cảm thấy cô đơn hơn, cái cảm giác mà thỉnh thoảng vẫn làm tôi nghẹt thở. Chẳng ai trong số các bạn của tôi phải nghĩ ngợi hay tự hỏi liệu mình có sống được đến ngày sinh nhật lần thứ mười sáu hay không; còn tôi thì hầu như ngày nào cũng phải trăn trở về điều đó. Tôi nghĩ đến Kate, bạn ấy sẽ chẳng bao giờ được lái xe hay hồi hộp lo âu khi kỳ thi đại học đang đến gần. Bạn ấy cũng sẽ chẳng bao giờ kết hôn hay có con. Tôi đang sống trong hai thế giới mà một trong hai thế giới ấy đã dìm tôi vào cô đơn và sợ hãi. Nhưng cho dù có cảm thấy cô đơn và sợ hãi đến mức nào đi chăng nữa, tôi cũng vẫn phải sống. Nhiều lần tôi tự hứa với mình rằng tôi phải sống để được nhìn thấy thêm một ngày nữa.
Giờ đây tôi đang chơi cho đội bóng đá của trường. Tôi nhảy xa và ném lao. Tôi diễn kịch, hát và khiêu vũ. Tôi thích đọc sách, viết lách, và tôi luôn sống hết mình. Nhờ đọc sách của các bạn, tôi đã biết được rằng ta có thể làm được bất kỳ điều gì ta muốn, và ai cũng có những khó khăn của mình.
Thân ái,
Emily R. Monfort
7. Quay lại để bước tiếp
Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn thân mến,
Cách đây khoảng một năm, tôi có mua cuốn Nuôi dưỡng Tâm hồn Tuổi mới lớn và cuốn Nhật ký. Điều này cũng hơi lạ, bởi vì, thứ nhất là tôi chẳng quan tâm mấy đến thể loại sách dạy làm người; thứ hai, tôi không còn ở tuổi thiếu niên nữa, vì hiện nay tôi đã hai mươi mốt tuổi rồi. Nhưng tôi đã nhận ra rằng, những quyển sách này không chỉ dạy người ta cách tự giúp mình, mà hơn thế nữa chúng còn là loại sách “tự gợi cảm hứng”.
Khi mua cuốn Nhật ký ấy, tôi đã ghi kín hết các trang. Bằng nhiều cách, nó đã giúp tôi vượt qua và đặt dấu chấm hết cho rất nhiều thứ đang làm tôi đau khổ. Cuối cùng tôi cũng đã có thể đi tiếp sau bao năm khó khăn. Việc có một hoàn cảnh đặc biệt đã gây cho tôi nhiều khổ đau, nhưng khi viết nhật ký, tôi nhận ra mình là một người tài giỏi đã vượt qua được nghịch cảnh. Đó là một bước tiến rất lớn của tôi.
Tôi lên lớp mười hai vào mùa thu năm 1995. Dường như đó là những năm tháng tốt đẹp nhất của đời tôi. Mỗi tháng ngày đi qua sẽ đưa tôi từng bước đến với tương lai của mình. Rồi tôi sẽ tốt nghiệp phổ thông, đăng ký học đại học và có khi còn xin được cả tấn học bổng ấy chứ.
Rủi thay, tôi đã phải đánh vật rất khổ sở với giờ học lịch sử. Thế rồi sau chỉ có hai tuần đầu trong học kỳ đó, tôi đã bỏ luôn môn lịch sử. Người tư vấn hướng dẫn cho tôi bảo đảm với tôi là mọi chuyện sẽ ổn nếu tôi thi đậu tất cả các môn khác. Nghe vậy tôi nhẹ cả người và nghĩ rằng không gì có thể ngăn trở mình thành công được.
Cuối cùng ngày ốt nghiệp cũng đến, và thầy hiệu trưởng đã phát biểu những lời thật đáng ghi nhớ, “Ngay bây giờ chúng tôi xin giới thiệu với các bạn lớp tốt nghiệp khoá 1996.” Ngay khi nghe câu ấy, tôi liền nghĩ rằng mình đang tiến về phía cánh cổng trường đại học, hay ít nhất là tôi nghĩ rằng mình đã bước qua bậc phổ thông, cho đến lúc tôi nhận được giấy báo điểm.
Tôi mở chiếc phong bì chính thức xác nhận tốt nghiệp phổ thông ấy ra, và đầu gối tôi lập tức khuỵu xuống. Tôi đã bị một cú như trời giáng đến không thể thốt nên lời: tôi đã không tốt nghiệp được vì thiếu một tín chỉ, tín chỉ lịch sử. Hậu quả của việc tin lời người tư vấn!
Cả mấy tháng tiếp theo tôi cứ như người mất hồn. Những bức tường xung quanh tôi bắt đầu đổ sụp xuống, và tôi không ngừng tự hỏi khi nào chúng sẽ được dựng trở lại. Tôi không muốn nghĩ tới việc phải trở lại học lớp mười hai, phải đối diện với những người biết tôi là đứa ở lại lớp. Tôi không hề chuẩn bị cho việc đi lùi trở lại, vì đã từ rất lâu rồi tôi luôn chờ đợi một khởi đầu mới mẻ, một cách sống mới. Tôi căm ghét cái ý nghĩ mình bị đẩy lùi lại phía sau trong khi những người khác đang tiếp tục đi tới và khám phá những thế giới mới nơi trường đại học. Thật không gì khổ sở cho bằng việc phải thua sút người khác như thế.
Nhưng rồi mùa thu ấy tôi cũng bắt đầu đi học lại lớp mười hai, và mọi thứ thật sự đã bắt đầu tốt hơn lên. Tôi kết thúc khóa học vào tháng Mười một. Thật sốc khi phải trở lại trường học, nhưng bỗng dưng cuộc sống của tôi dường như đã quay một vòng 1800. Tôi kết bạn với một số bạn mới, mà sau này đã trở thành những người bạn thân thiết khó quên. Các bạn chào đón tôi và làm cho tôi cảm thấy thoải mái gần gũi, như được tiếp thêm sức mạnh để tiến bước vậy. Tôi khám phá được chính mình và cuối cùng cũng nhận ra rằng mọi chuyện rồi cũng đâu vào đấy cả; mà thật sự là như thế mà. Tôi không còn khổ sở vì cảm giác mất mát nữa.
Mùa thu năm 1997, tôi cũng đã qua được chặng đường gian nan và bước vào đại học, sau các bạn đồng học cũ một năm. Đại học là tất cả những gì tôi mơ ước và hy vọng. Tôi hãnh diện về con người mình hôm nay, và làm được điều đó là nhờ tôi đã dẹp bỏ tính sĩ diện để quay trở lại trường trung học.
Xin cám ơn, những các bạn đã giúp tôi khám phá ra rằng, những chướng ngại tôi đã gặp trên đường đời cũng chính là cơ hội để tôi có thể học hỏi và trưởng thành hơn.
Thân ái,
Crystal Mc Hargue
8.Cái bóng
Nuôi dưỡng Tâm hồn tuổi mới lớn thân mến,
Năm nay tôi mười chín tuổi, hiện đang là sinh viên, đến từ Canada. Tôi đã phải chiến đấu với căn bệnh chán ăn do sợ mập gần bảy năm trời. Giờ đây có thể nói rằng tôi đang trên đường hồi phục. Chính những quyển sách của các bạn đã giúp tôi vượt qua được những khó khăn ấy. Trong giai đoạn hồi phục chậm chạp này, tôi đã giải toả cảm xúc của mình bằng cách viết lách. Tôi có đính kèm theo đây bài thơ mà tôi đã viết với tất cả cảm xúc và suy nghĩ chân thật của mình. Bài thơ có tựa đề “Xứ sở những cái bóng”, đó là những từ mà tôi là người đầu tiên nghĩ ra để mô tả cuộc sống của mình khi còn là một sinh viên và một vận động viên điền kinh mắc bệnh chán ăn.
Chán ăn là căn bệnh mà tôi đã phải chiến đấu suốt nhiều năm qua, một căn bệnh đã đe doạ mạng sống của tôi và thậm chí đã khiến tôi phải nhập viện. Bạn biết không, mắc phải chứng rối loạn ăn uống cũng giống như trở thành một cái bóng của chính mình vậy. Căn bệnh chán ăn đã biến tôi thành một con người câm lặng, với thân hình mỏng dính, xám xịt mà tôi gọi là cái bóng của tôi. Vào thời kỳ tồi tệ nhất, tôi luôn bị ám ảnh bởi cái hình nhân rình rập đằng sau mình ấy. Và dù có nỗ lực, gắng gỏi hết sức, tôi vẫn không tài nào thoát khỏi nó được. Suốt nhiều năm phải đánh vật mới đạt được những mục tiêu học tập và thể thao, tôi cảm thấy như thể mình đang vác cả trái đất trên vai. Chiến đấu với bệnh chán ăn, đối với tôi, giống như một hành trình xuyên qua một thế giới xám xịt với đầy những cái bóng vậy.
Tôi không biết có ai trong số các bạn đã từng tự hỏi, rằng ma lực nào đã dẫn những người trẻ tuổi đầy nhiệt huyết từng thuộc về “thế giới thực” xuống con đường tự huỷ diệt nguy hiểm đến thế. Tôi nhận ra rằng, đằng sau nhiều hình ảnh được đưa lên các phương tiện truyền thông là sức mạnh của cả một ngành công nghiệp ăn kiêng của Bắc Mỹ dựa trên những ý tưởng không thực tế, mâu thuẫn và tàn nhẫn. Tuy vậy, tôi vẫn không quy hết mọi trách nhiệm cho họ về hiện tượng ngày càng có nhiều bạn trẻ mắc phải những chứng rối loạn ăn uống. Tôi cho rằng, nguyên nhân của những chứng bệnh làm cho cơ thể càng ngày càng suy nhược đi còn là nỗi khao khát được xinh đẹp thon thả như những người mẫu trong mấy cuốn tạp chí thời trang hàng đầu kia. Không như người ta nghĩ, những người mắc chứng biếng ăn không phải lúc nào cũng là những con người vô dụng, bốc đồng và luôn thích gây sự chú ý, luôn cảm thấy cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn nếu như họ giảm đi được vài ký. Thật ra, dáng vẻ “bộ xương” và “như cái bóng” của những người mắc chứng chán ăn là biểu hiện thầm lặng của những khó khăn khi họ phải đối phó với rất nhiều áp lực đè nặng hàng ngày. Đây chính là những căng thẳng mà người khác không thể cảm nhận được, hay nếu có thì họ lại giải quyết theo những cách khác. Theo ý tôi, bệnh biếng ăn là một trạng thái vô cảm, không biết đói, cho đến khi tình trạng tê dại của “Xứ sở những cái bóng” xâm chiếm. Trong trạng thái này, các nạn nhân của bệnh biếng ăn không nhận thức được những hậu quả đáng sợ khi phải giải quyết những vấn đề về các mối quan hệ, cuộc sống gia đình, cũng như những thay đổi và trách nhiệm của mình.
Sau đây là bài thơ tôi đã sáng tác. Tôi hy vọng các bạn sẽ đăng nó, với mong ước lời nói của tôi có thể giúp ích cho mọi người như cái cách mà những quyển sách của các bạn đã từng giúp tôi vậy.
Xứ sở những cái bóng
Em là sợi kẽm
Rất dễ vặn xoắn,
Bị những bàn tay chẳng thương tình
Định hình tuỳ ý.
Em là cái móc để treo váy áo,
Em là con chim trong chiếc lồng dát vàng
Tiếng kêu gào không dễ gì nghe thấy
Chẳng thể bay với một chiếc cánh gãy.
Em nhẫn nại đợi chờ chìa khóa giải thoát cho mình.
Đôi mắt như dòng suối cạn khô,
Em mù loà vì dòng lệ không chảy,
Quá khiếp sợ không muốn để rơi
Dù chỉ là một giọt
Sợ người khác sẽ nhận biết những gì không hoàn hảo.
Dù ở tuổi trăng tròn,
Em vẫn phải mặc trang phục dành cho con nít,
Như một kẻ ngờ nghệch bơ vơ
Ngực, hông, đùi teo tóp
Em nhẫn nại đợi chờ chìa khóa giải thoát cho mình.
Chẳng có niềm vui nào trong đời, dù thật giản dị,
Khiếp sợ bóp chặt miệng em
Khiến quai hàm cứng đơ,
Và em không còn biết nhai là gì nữa.
Định giữ cho cơ thể luôn teo tó
Một ngày kia em học cách nói dối
Những ngón tay đan lại sau lưng
Vờ làm như mình đã ăn.
Chẳng lạ lùng sao khi nói chuyện với một cái đầu lâu?
Làn da trong suốt
Rõ ràng chứa đựng bên trong
Khung xương dễ vỡ của em.
Và chỉ khi những tiếng nói quan tâm
Vang to hơn với cái kẻ trong gương đang sống
Thì chiếc bóng có đôi mắt hõm sâu
Mới có thể gọi dũng khí trong em trào dậy.
Những nghịch lý gây hoang mang của bệnh
Những cái cân chế giễu,
Bóng phản chiếu kêu gào
Một con số ma thuật quyết định cho giá trị
Em trở thành kẻ nô lệ của thần linh.
F.J.M