Đêm Tân Hôn Đến Muộn


Quế Lâm đi làm đã hơn một tháng rồi. Cô không ngồi văn phòng chung với Hoài Bảo, mà cô xin sang phòng hướng dẫn du lịch để đi đây đi đó vừa phù hợp trình độ của cô, và không phải đối mặt với Hoài Bảo mỗi ngày.
Sáng hôm nay, Quế Lâm xách một túi du lịch thật gọn, cô nói với Hoài Bảo cũng như mọi khi cô đi công tác ở đâu cô đều nói với anh, nói theo cách lịch sự chứ không thân thiện.
− Hôm nay em đi công tác, vài ngày em mới về.
Hoài Bảo tỏ vẻ lạnh lùng, và trong lòng anh cố nhớ coi Quế Lâm đi công tác ở đâu nhưng anh không nhớ nổi. Anh thờ ơ đáp:
− Vậy à!
Chỉ nói bao nhiêu đó rồi Quế Lâm đi thẳng ra cửa cùng với chiếc xe của mình đến công ty. Quế Lâm đi rồi, Hoài Bảo ngồi chẳng được yên, anh khóa cửa lại rồi cũng đi làm.
Vào văn phòng, anh xem lại lịch trình đi công tác. Anh nhìn thấy đúng ngày hôm nay có ghi. Hôm nay Quế Lâm đưa một du khách đi Sapa, chuyến du lịch này có thể là một tuần lễ.
Chỉ có một mình trong văn phòng, Hoài Bảo lẩm nhẩm:
− Chỉ đưa một du khách đi Sapa mà đến một tuần lễ. Vậy du khách này là đàn ông hay đàn bà?
Trong lòng nghĩ như vậy, Hoài Bảo liền ấn nút số phòng kế hoạch:
− Tôi cần gặp Anh Kha gấp!
Vài phút sau, Anh Kha trưởng phòng kế hoạch đã lên phòng giám đốc, anh từ tốn hỏi:
− Giám đốc cần gặp tôi.
Hoài Bảo hỏi:
− Tôi muốn hỏi anh, bà xã tôi đã đi Sapa chưa?
Anh Kha đáp nhanh:
− Dạ, Quế Lâm vừa đi khoảng một tiếng đồng hồ.
Anh Kha gọi như vậy vì trong phòng kế hoạch rất thân với Quế Lâm, cô không muốn ai gọi mình bằng bà giám đốc, cô chỉ muốn gọi cô bằng tên mà thôi.
Tuy đã biết rồi nhưng Hoài Bảo hỏi lại:
− Chuyến đi này có mấy người?
Nghe giám đốc hỏi kỹ như vậy, gương mặt Anh Kha có vẻ lo lắng:
− Dạ chỉ một du khách, và một tài xế thôi.
− Du khách ở đâu, tên gì? - Giọng của Hoài Bảo khô khan.
Anh Kha vừa đáp vừa giải thích:
− Anh ấy là thầy giáo cũ của Quế Lâm tên là Chí Văn. Anh ta đưa ra yêu cầu chỉ thích Quế Lâm là hướng dẫn mà thôi. Tôi sợ không tiện, lúc đó tôi định lên gặp giám đốc để hỏi qua ý kiến, nhưng Quế Lâm đã cản lại, cô nói để cô về nhà nói lại với giám đốc.
Sự việc đã như vậy, Hoài Bảo đành nói hướng theo:
− Có, Quế Lâm có nói với tôi. Nhưng hôm đó tôi say quá nên không để ý. Vì vậy cho nên hôm nay tôi hỏi cặn kẽ một chút - Rồi Hoài Bảo nói tiếp như ra lệnh - Thôi, anh về phòng làm việc đi. Anh trình bày kỹ như vậy, tôi an tâm rồi.
Khi cánh cửa phòng đã khép lại, Hoài Bảo vỗ bàn với gương mặt bực tức:
− Lại Chí Văn, đi Sapa thành phố mờ sương, thật là quá đáng.
Nói xong với cơn bực tức đó, Hoài Bảo rời khỏi phòng, chẳng biết anh đã đi đâu, về đâu.
Đến Sapa nắng cũng vừa tắt dần, Quế Lâm đã thuê ba phòng trọ cạnh nhau, một cho tài xế, một cho Chí Văn và một cho cô.
Ngồi trong quán cà phê lưng chừng đồi treo đầy dẫy những nhánh phong lan vàng, tím với mùi thơm thoang thoảng. Vừa nhâm nhi ly cà phê, Chí Văn vừa hỏi Quế Lâm:
− Ngày mai em dẫn thầy đi đâu vậy?
Quế Lâm đã đến đây nhiều lần nên cô nói với ánh mắt mơ màng:
− Sáng ngày mai, thầy phải thức thật sớm mới nhìn thấy đườc trong màn sương sớm cảnh vật trông thật lãng mạn và quyến rũ đến lạ kỳ. Rồi chúng ta sẽ đi dạo qua nhà thờ Sapa... - Với vẻ mặt riếc rẻ, Quế Lâm nói tiếp - Mùa này chúng ta không thám hiểm đỉnh Phan-xi-păng vì mùa mưa này rất là trơn trợt và nguy hiểm.
Chí Văn hỏi tiếp:
− Rồi chúng ta có đi chợ Sapa không?
Quế Lâm gật đầu:
− Vâng! Chúng ta sẽ đi chợ phiên Sapa rơi vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật, nhiều người gọi đây là "chợ tình". Thực ra, nhu cầu giao lưu tình cảm thì bất kỳ ở chợ vùng cao nào cũng có. Những cô gái da đỏ thường mặc trang phục sặc sỡ với hoa văn đầy vẽ bằng sáp ong. Còn người Hơ-mông lại dùng nhiều mũi thêu tinh xảo để làm nổi bật trang phục của mình.
Với nghề nghiệp của mình, Quế Lâm nói tiếp:
− Nếu thầy muốn thật sự tìm hiểu chơ phiên của người dân tộc thiểu số thì phải nên đi Simacai. Từ Sapa này lên đến đó gần một trăm ki lô mét, thầy ạ.
Chí Văn tỏ vẻ thích thú:
− Vậy chúng ta đi trong ngày về có được không?
Quế Lâm gật đầu:
− Dạ được.
Với vẻ mặt đắn đo, Chí Văn hỏi:
− Nhưng mà trong hợp đồng không có đi chợ phiên Simacai, như vậy có trở ngại gì cho em không?
Quế Lâm lắc đầu:
− Khi về công ty, chúng ta sẽ ký một hợp đồng nữa - Rồi Quế Lâm hỏi thẳng - Hay là thầy ngại vấn đề tiền bạc?
Chí Văn mỉm cười:
− Thầy chỉ sợ em bị phê bình thôi, chứ không phải ngại về chuyện tiền bạc đâu.
Nghe Chí Văn nhắc đến đây, Quế Lâm cảm thấy buồn. Vì Hoài Bảo chẳng thèm hỏi cô đi công tác ở đâu, với ai. Anh rất thờ ơ và cũng chẳng cần quan tâm đến cô. Vì vậy, cô muốn đi càng lâu càng tốt. Cô chẳng muốn về nhà chút nào. Cho nên cô gượng cười nói:
− Được thêm một hợp đồng nữa, công ty sẽ thưởng cho em chứ sao lại phê bình em được.
Chí Văn thoải mái:
− Vậy là thầy mừng rồi! - Và giọng Chí Văn ngọt ngào - Quế Lâm! Em uống cà phê đi chớ.
Quế Lâm nghe xao động bởi giọng nói của anh:
− Vâng! Cám ơn thầy.
Chí Văn thân mật hơn và có chút pha trò:
− Nếu biết trước, ngày xưa thầy không dạy Quế Lâm đâu?
Quế Lâm ngẩn ngơ hỏi:
− Sao vậy thầy?
Chí Văn cười và mạnh dạn nói:
− Vì thầy chẳng muốn suốt đời làm thầy của Quế Lâm...
Với câu nói xa gần đó, Quế Lâm làm sao không hiểu. Nhưng cô là người con gái đã có chồng thì làm sao cô dám nghĩ đến ai. Khi cô và Hoài Bảo chưa dứt khoát rõ ràng thì cô không muốn sự việc rối ren thêm.
Thấy nét thẹn thùng trên gương mặt Quế Lâm, Chí Văn chẳng ngại ngùng anh nói thật:
− Quế Lâm! Anh nghĩ từ lâu chắc em đã hiểu lòng anh. Anh thật sự thích em từ lúc em mới học năm đầu. Nhưng anh thấy tình yêu ấy chưa tới lúc phải bày tỏ, nên đành gác lại cho tới mãi bây giờ. Em hiểu chớ?
Quế Lâm nhìn Chí Văn bằng ánh mắt vừa thông cảm, vừa khó xử. Cô từ tốn nói:
− Thầy à! Em không xứng đáng với thầy đâu, bởi vì cuộc đời em rất phức tạp.
Với vẻ trầm tư, Quế Lâm nói tiếp:
− Hiện giờ em chưa thể giãi bày hết được. Nhưng chắc có lẽ một ngày nào đó thầy sẽ hiểu thêm.
Giọng Chí Văn vẫn ngọt ngào:
− Chẳng lẽ bao nhiêu năm rồi em không tin tưởng anh sao Quế Lâm?
Quế Lâm lắc đầu buồn buồn:
− Em vẫn đặt nơi thầy cả một niềm tin. Nhưng trở ngại là do em, em chưa thể nói được.
Chí Văn khẩn khoản:
− Anh muốn chia xẻ nỗi buồn đó với em, Quế Lâm ạ.
Quế Lâm cũng tự nhiên đổi cách xưng hô:
− Cám ơn anh Văn đã quan tâm. Nhưng em đã quen rồi, không dám làm phiền anh đâu.
Chí Văn thân thương:
− Nhìn đôi mắt em anh đã thấy được nỗi buồn mênh mông trong đó, nhưng anh không nghĩ như vậy, vì cuộc sống của em đâu có gì để buồn khổ. Nào ngờ bên trong có nỗi buồn riêng.
Quế Lâm vẫn im lặng nhìn theo ngọn gió làm đong đưa những nhánh phong lan mà nghe lòng buồn rười rượi.
Chí Văn lại thì thầm:
− Quế Lâm! Anh sẽ chờ đợi em, chờ đợi một ngày nào đó em đồng ý để em chia sẻ những vui buồn trong em. Hãy nhớ lúc nào anh cũng chờ đợi em!
Quế Lâm chỉ mỉm cười một nụ cười vu vơ. Cô không hứa hẹn cũng chẳng từ chối bởi vì cô chưa biết được tương lai cô sẽ ra sao?
Gió càng lúc càng thổi mạnh. Nhìn dáng vẻ Quế Lâm ngồi co ro trông có vẻ lạnh, Chí Văn lo lắng nói:
− Mình về phòng nghỉ nhé, Quế Lâm! Ngày mai chúng ta còn khởi hành đến Simacai thật sớm.
Quế Lâm gật đầu:
− Vâng.
Rồi hai người rời khỏi quán cà phê khi sương mù càng lúc càng rơi dày đặc trong bầu không khí thật là lạnh lẽo của màn đêm.
Sáng hôm sau, Chí Văn và Quế Lâm đã đến phiên chợ Simacai cũng bắt đầu vào sáng chủ nhật. Từ xa nhìn lại, Chí Văn thấy toàn những túp lều tranh nằm san sát nhau thành từng hàng giữa khu núi hoang dã.
Nhìn vẻ thích thú của Chí Văn, Quế Lâm giới thiệu sơ về phiên chợ Simacai:
− Chợ Simacai thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách Trung Quốc bởi con sông trắng (thượng nguồn của sông Chảy). Do vị trí sát biên giới nên khách nước ngoài không được đến đây. Vả lại, hệ thống giao thông, vận chuyển rất khó khăn nên chẳng có mấy khách nào thích đến nơi đèo heo hút gió này để du lịch. Nhờ vậy, chợ ở đây vẫn giữ được nét hoang sơ đặc thù vốn có của nó.
Khi hai người bước vào chợ, Chí Văn hoa mắt như đi giữa một vườn hoa khổng lồ đầy màu sắc bởi hàng trăm bộ váy hoa sặc sỡ của các cô gái H mông và những chiếc áo xanh dương, quần lục của các cô gái Nùng cùng những chiếc khăn búi thành lọn cao trên đầu của các cô gái La Chí...
Chí Văn trêu Quế Lâm:
− Anh mua cho em một bộ nhé Quế Lâm?
Quế Lâm mỉm cười đáp:
− Anh thích thì cứ mua một bộ để làm kỷ niệm.
Chí Văn cũng cười nói:
− Bao giờ em mặc thì anh mới mua.
Quế Lâm cũng vui vẻ đáp:
− Bao giờ có điều kiện lên đây ở luôn thì em sẽ mặc. Còn ở dưới thành phố mình thì em thật không dám đâu.
Đi dạo một lúc, Chí Văn thấy đa số là người H mông, một phần nhỏ là người La Chí, Nùng, Phù lá... một ít người Kinh, người Trung Quốc sang buôn bán. Tuy không chia thành từng khu riêng biệt nhưng mé ngoài chợ thường tập trung các cô gái La Chí bán lạc rang, ổi, ớt... Người Kinh bán trà, thuốc lào. Thuốc lào được chất thành từng đống lớn, bên cạnh có để vài cái ống điếu.
Chí Văn và Quế Lâm dừng lại chỗ các ống điếu, Chí Văn cầm lên quan sát.
Quế Lâm ghẹo anh:
− Anh hút thử đi Chí Văn?
Chí Văn lắc đầu mỉm cười:
− Không biết hút sẽ say đấy.
Rồi anh ngắm nghía ống điếu kỹ hơn, ống điếu được làm từ thân tre đực lớn và dài hơn nửa thước.
Chí Văn càng ngạc nhiên khi thấy các anh H mông chẳng cần hỏi han ai cứ tự nhiên rút sợi thuốc bỏ vào ống điếu kéo sòng sọc. Thấy được thì cứ "Ixa, aoxa" (tiếng H mông có nghĩa là 100không, 2000 đồng). Có ghiền thuốc mà không có tiền cũng chẳng sao, cứ ngồi đó kéo tì tì hết điếu này sang điếu khác cũng chẳng ai nói gì, vì ở đây chưa bao giờ mất cắp.
Quế Lâm và Chí Văn đi vào sân lớn giữa chợ là nơi người H mông bán váy hoa và chỉ thêu, bán rượu... Tất cả xếp hàng từng dãy, mỗi dãy bán một món hàng. Dãy bàn rượu phần đông là trẻ em và phụ nữ, ít thấy đàn ông. Những bà cụ lụm cụm, các cô gái còn rất trẻ địu con sau lưng , đến những chú nhóc chỉ chừng mười , mười hai tuổi tự nhiên chúm môi thử rượu một cách ngon lành.
Chí Văn cũng chúm môi thử một chút rượu rồi anh nói với Quế Lâm:
− Cũng là rượu nhưng rượu ở đây ngon và nặng hơn so với rượu ngô ở Đồng Văn, ở Cao Bằng.
Dãy cuối chợ là nơi bán đồ ăn uống, cũng bán bún, phở và cơm. Quế Lâm và Chí Văn đến phía góc chợ là hàng "thắng cố" với giá năm ngàn đồng một bát. Quế Lâm thấy món này là lạ, cũng giống món phá lấu nhưng không nêm gia vị. Cô rủ Chí Văn:
− Anh Văn mình ăn thử món này xem.
Chí Văn gật đầu.
Ông chủ quán đem ra hai bát. Nhìn hai người ăn một cách khó khăn, ông bật cười lớn:
− Món này, mày ăn một lần không quen đâu. Nhưng ăn đến lần thứ ba thứ tư mày mới nghiện. Vì thịt lòng, gan ruột cỏn tươi nóng được bỏ thẳng vào nồi xương nên món "thắng cố" có mùi rất đặc trưng.
Quế Lâm cảm thấy khó nuốt bởi vì nó có mùi rất nặng. Cô nhìn ông chủ quán đang tán dương món ăn của mình, mà chỉ cười không nói gì.
Dù cố gắng lắm, Quế Lâm và Chí Văn cũng không ăn hết được chén "thắng cố". Chí Văn lịch sự trả tiền tận tay ông chủ quán rồi hai người đi dần ra đầu chợ.
Phía ngoài chợ, nơi gần đồn biên phòng là chỗ bán gia súc, nơi đây ồn ào và ngộ nghĩnh nhất. Những con ngựa cột thành hàng dài thi nhau hí loạn xạ, người địu dê sau lưng, người cầm dây buộc lợn, buộc gà dắt đi tung tăng như người dưới xuôi dắt chó đi dạo. Người mua săm soi vỗ lưng , vạch răng con vật, người bán im lặng không rao, không than phiền. Ở đây bán không cân ký, ai ưng con nào chỉ con đó rồi ra giá, không kèo nài.
Quế Lâm và Chí Văn chợt ngẩng lên lắng nghe xa xa tiếng sáo mèo, tiếng khèn dìu dặt trữ tình vang lên giữa phiên chợ đông đúc. Đến nơi, Quế Lâm và Chí Văn bỡ ngỡ vì những âm thanh mơn trớn ấy lại phát ra từ cái cassette cũ mèm của một anh chàng Trung Quốc bán dao, ổ khóa, đĩa vít...
Quế Lâm và Chí Văn rời khỏi chợ phiên Simacai khi mặt trời vừa đứng bóng, trông hai người có vẻ mệt lắm nhưng gương mặt đầy sự thích thú.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui