Mời mở kinh bổn ra, Luận quán trang thứ 17, hàng thứ hai.
Bắt đầu từ đoạn này, là đoạn lớn thứ hai.Trong đoạn lớn thứ nhất giới thiệu về ngũ trùng huyền nghĩa.
Đoạn lớn thứ hai đây cũng là điều rất khó được.
Thông thường trong các chú giải không thấy nhiều.
Đại sư Thanh Liên cung cấp cho chúng ta một pháp quán, “tổng thị quán pháp”.
Pháp là phương pháp, quán là quan niệm.
Phật pháp, thế pháp chỉ ở chỗ quán niệm không đồng.
Thế pháp là một quan niệm sai lầm, trái ngược với chân tướng sự thật.
Phật pháp là quan niệm chính xác.
Chánh nghĩa là tương ưng với chân tướng của vũ trụ nhân sanh.
Đây là điều chúng ta y cứ theo tiêu chuẩn của nó mà nói ra.
Từ đó có thể biết, học Phật hoàn toàn chỉ là chuyển biến quan niệm của chúng ta mà thôi, chuyển biến quan niệm sai lầm thành quan niệm chính xác.
Đây là tổng cương lĩnh của việc tu hành.Chúng ta xem đoạn văn này.“Sơn gia lập pháp, hữu giáo hữu quán yên, giáo dĩ khai giải, quán dĩ khởi hạnh”.
Sơn gia là cổ đức tôn xưng đối với đại sư Trí Giả.
Nên trong giáo lý Thiên thai nhìn thấy hai chữ sơn gia này, chính là hậu học xưng hô đối với đại sư Trí Giả.
Trong phương pháp dạy học của ngài có giáo có quán.
Giáo là dạy học.
Dạy học chủ yếu là dạy quí vị sáng lý, hiểu rõ những đạo lý này.
Quán là nói về khởi hành.
Cũng tức là nói phải đem những đạo lý mà quí vị đã hiểu rõ đó thực hành cho được.
Đem những quan niệm sai lầm chuyển biến trở lại, đây gọi là hành.
Đây chính là khởi hành.
Cho nên giáo và quán có những gì khác nhau.
Ý nghĩa bao hàm của nó, hai câu này nói rất rõ ràng.
Chúng ta học giáo, nghiên cứu kinh giáo của nhà Phật là khai giải, mục đích là khai giải.
Sau khi giải rồi đó là tu hành, tu hành là thuộc về quán.Dưới đây ngài nêu ra một ví dụ, “như cao minh tương lại”.
Cao là dầu, minh là ánh đèn, đèn sau khi thắp sáng phải nhờ vào dầu, nương nhờ vào nhau, dầu nếu như không có lửa, nó không khởi tác dụng, không thể khởi tác dụng chiếu sáng.
Ánh đèn nếu không có dầu nó sẽ bị tắt mất.
Cho nên tác dụng chiếu sáng nhất định là dầu đèn nương nhau.
Đem ví dụ này ví cho giáo, quán, mối quan hệ của giáo và quán, cũng giống như mối quan hệ giữa dầu và đèn vậy.
Hai thứ này không tách rời nhau.Ví dụ thứ hai nói “mục túc giao tư”, đây cũng là một ví dụ.
Thí dụ như đi đường, đi đường chân phải chuyển động, nhưng nếu quí vị không có con mắt nhìn không thấy đường, thì quí vị không thể nào đi được.
Đây là đem mục ví dụ cho giáo, túc ví dụ cho quán.
Mắt giúp cho chân, chân giúp cho mắt, vậy mới đạt được mục đích.“Tức ư tứ môn nhập thanh lương trì hỉ.” Tứ môn chính là giáo, giải, quán, hành.
Bốn môn này, quí vị mới có thể thoát ly khổ hải, khế nhập cảnh giới của Phật.
Cảnh giới của Phật ví dụ cho ao thanh lương.Mấy câu sau đây rất quan trọng.
“Hậu đại truyền kỳ giáo giả, cự khả đồ thủ văn ngôn, nhi bất minh quán hành hồ?” Hậu thế là chỉ cho thời đại mạt pháp của chúng ta, thời đại mạt pháp người học Phật cũng không ít, nhưng vì sao không có thành tựu? Học giáo không thể khai giải, tham thiền không thể khai ngộ, niệm Phật không thể đắc nhất tâm, trì chú không thể tương ưng.
Nguyên nhân là do đâu? Không có quán hành.
Chỉ có giáo lý, không có quán hành, chắc chắn không thể thành tựu.
Cho dù chúng ta đem Phật Pháp giới thiệu cho người khác, đây chính là nói giảng kinh thuyết pháp, cũng giảng một số lý luận.
Lý luận giảng có huyền diệu bao nhiêu đi nữa, mà không liên quan gì đến hành trì trong cuộc sống của thính chúng, cách giảng như vậy người hiện đại sẽ không dễ dàng tiếp thu.
Vì sao vậy? Người hiện đại nói chuyện hiện thực, tất cả các sự việc đầu tiên đều phải nói đến hiện thực.
Nếu như không liên quan gì đến hiện thực, họ không có thời gian, cuộc sống của họ vô cùng bận rộn, tâm tình của họ rất khẩn trương, nếu như nghe rồi mà không liên quan gì đến cuộc sống của bản thân, không đạt được lợi ích chân thật, thì lần sau họ không đến nữa.Từ đó có thể biết, chẳng những chúng ta phải giới thiệu giáo lý, còn phải giới thiệu quán hành, giúp cho họ đem những lý luận nhà Phật này thực tiễn vào trong cuộc sống, làm cho họ lập tức liền đạt được lợi ích, liền đạt được điều tốt đẹp.
Đây là điều mà người hiện đại yêu thích, mong cầu.
Chúng ta không thể không hiểu những sự thật này.
Đây gọi là quán cơ, người hiện đại căn cơ như thế nào?Dưới đây nêu một ví dụ, “đơn luân song dực, ô năng viễn vận”, xe có hai bánh, xe một bánh, chim thì phải nhờ vào đôi cánh, nếu như chỉ có một cánh thì nó làm sao bay được? Xe này làm sao mà chạy? Hiện nay xe có bốn bánh, thiếu một bánh cũng không chạy được.
Đây là ví dụ nói với chúng ta rằng giáo và quán có mối liên hệ mật thiết.“Cố kim lược thuật đại đồ, dĩ kiến kinh bất đồ thuyết nhi đồng quy ư bí mật tàng trung”.
Bí mật tàng là tự tánh.
Đoạn này nói rõ Đại sư Thanh Liên vì sao trong Luận quán có đoạn văn này, đem duyên khởi của nó, dụng ý của nó nói ra cho chúng ta.Dưới đây nói: “giáo có Tạng, Thông, Biệt, Viên”, bốn giáo này, ba giáo trước là quyền là thô, một giáo sau mới thật mới diệu.
Viên giáo mới là chân thật thuyết.
Tạng, Thông, Biệt đều là phương tiện, đều là phương thức.
Cho nên đến hội Pháp Hoa, Đức Phật đem nghĩa thú mà Ngài một đời giảng kinh thuyết pháp nói ra, duy chỉ có một thừa pháp, không hai cũng không ba.
Câu nói này vô cùng quan trọng, chúng ta không thể xem thường mà lướt qua.
Nhất thừa pháp là chân thật, nhị thừa tam thừa là pháp phương tiện.
Nhị thừa tam thừa có hay không? Có, Phật nói đến rất nhiều, chúng ta hiểu rõ ý của Phật, đối với nhị thừa, tam thừa sẽ không chấp trước nữa.
Nếu như kiên cố chấp trước trong nhị thừa tam thừa, thì quí vị suốt đời này sẽ không thể nào đạt được pháp chân thật.
Vậy chúng ta có nhị thừa, có tam thừa, cuối cùng là khế nhập nhất thừa, quí vị mới thật có thọ dụng.
Nếu như dừng nơi nhị thừa, dừng nơi tam thừa, là sai.
Cho nên trong Kinh Pháp Hoa câu này vô cùng quan trọng, làm cho chúng ta hốt nhiên đại ngộ.
Nhị thừa, tam thừa ví dụ như là bậc thang, nhất thừa là đỉnh lầu, quí vị bắt buộc phải dùng phương pháp này quí vị mới có thể khế nhập nhất thừa.
Đây là quí vị minh giáo.Quán cũng có ba loại, Thiên Thai lập ra tam quán.
Đoạn kinh văn này ở hàng thứ tư, câu cuối cùng: “quán hữu tích, thể, thứ dữ bất thứ”.
Tích không quán, thể không quán, có thứ đệ quán, có bất thứ đệ quán.
“Như thứ dĩ đối tứ giáo, tiền tam vi khả tư nghì, hậu nhất vi bất tư nghì”.
Tích không quán, thể không quán, thứ đệ quán là có thể nghĩ bàn.
Bất thứ đệ là không thể nghĩ bàn.
Bất thứ đệ là không có thứ lớp.
Cách quán trong Kinh Hoa Nghiêm nói đến chính là cảnh giới không thể nghĩ bàn.
Hoa Nghiêm là viên dung, cho dù nói là thứ đệ, thứ đệ không trở ngại viên dung, viên dung không trở ngại thứ đệ.
Về sự tướng có thứ đệ, về lý thể không có thứ đệ.
Nói cách khác, chúng ta trên hành vi trong cuộc sống xử sự, đối người, tiếp vật có thứ đệ, trên tâm lý không có thứ đệ.
Tâm địa chắc chắn là thanh tịnh, nhất định là viên dung.
Cho nên thứ đệ và bất thứ đệ là một không phải hai.
Đây mới là thật, mới là diệu.Chúng ta xem tiếp đoạn dưới đây.
Đoạn này trong hàng thứ bảy đếm từ dưới lên.“Kim kinh ký tại Pháp Hoa hậu thuyết, duy minh thuần viên diệu giải, dĩ khởi phả tư diệu hạnh”.
Điều này trước đây lúc phán giáo đã nói qua rồi.
Kinh Địa Tạng giảng vào lúc nào? Sau thời Pháp Hoa, trước thời Niết bàn.
Niết bàn là giảng cuối cùng hết.
Phật thuyết kinh Niết Bàn rồi nhập diệt.
Nói cách khác, bộ kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, là bộ kinh thứ hai trước khi Phật diệt độ.
Y theo phán giáo của tông Thiên Thai.
Đây là phán tại thuần viên.
Pháp Hoa là thuần viên rồi, nó ở sau Pháp Hoa thì có lý gì lại không viên? Thuần diệu.
Từ đó có thể biết, tất cả những hành pháp được giảng ở đây, hành pháp của bản kinh này, cũng là diệu hạnh không thể nghĩ bàn.Đoạn văn tiếp theo nói.
“Tắc dữ chỉ quán thập chương, dĩ tiền lục chương khai giải hậu tứ chương khởi hành đồng dã”.
Chỉ quán là Thiên thai đại sư tạo, là nguyên tắc chỉ đạo tu hành cao nhất của tông Thiên Thai, có Ma ha chỉ quán, có Tiểu chỉ quán.
Tiểu chỉ quán là phương tiện nhập môn.
Ở đây giảng nghĩa thú hành pháp của bản kinh này tương ưng với Chỉ quán của tông Thiên Thai.“Cố dĩ quán chúng sanh nghiệp duyên, nghiệp cảm đẳng văn, tức không giả trung, dĩ hiển Địa Tạng bất tư nghì sự.
Tắc năng quán vô phi nhất tâm tam quán, sở quán vô phi tam đế nhất cảnh”.
Cách nói này đã nâng cao vị trí của kinh Địa Tạng rồi.
Đúng là nói “viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”.
Kinh Địa Tạng, cổ đức đều đem nó liệt vào trong Phương đẳng, trong ngũ thời thì liệt vào thời Phương đẳng.
Tuy kinh liệt vào thời Phương đẳng, Đại sư Thanh Liên chú giải cho chúng ta, trên thực tế là liệt nó vào thời Pháp Hoa Niết Bàn, bởi vì nó vừa vặn được thuyết vào thời gian giữa Kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn.
Cho nên bản kinh này “quán chúng sanh nghiệp duyên nghiệp hoặc”, những đoạn kinh văn này, tông Thiên Thai đã nói trong Tam quán: không quán, giả quán, trung quán.
Điều này hiển thị Bồ Tát Địa Tạng sự không thể nghĩ bàn.
Bồ Tát Địa Tạng trong cửu pháp giới phổ độ tất cả chúng sanh.
Đây là Địa tạng sự không thể nghĩ bàn, cũng chính là sự mà chúng ta tâm tâm đều hướng đến muốn học tập.
Những sự này thực sự mà nói, chính là Chư Phật Như Lai thị hiện trong cửu giới cần dùng thân gì để độ liền hiện thân đó.
Cần thuyết pháp gì cho chúng sanh thì thuyết pháp đó.
Hiện thân, hiện hình không có pháp nhất định.
Pháp được thuyết càng không có định pháp, thực sự là tùy cơ thuyết pháp, tùy loại hiện thân, đắc đại tự tại.
Hiển thị ra viên mãn đại từ bi.
Họ làm sao có thể đạt được cảnh giới không thể nghĩ bàn như vậy? Đây là quán hành.
“Năng quán vô phi nhất tâm tam quán”, đây chính là nói Bồ Tát Địa tạng, nói Bồ Tát Địa Tạng cũng chính là nói Chư Phật Như Lai, họ thị hiện trong cửu pháp giới không có gì khác là nhất tâm tam quán, đây là từ trên năng quán mà nói.
Từ sở quán mà nói là tam đế nhất cảnh.
Nhất cảnh là gì? Nhất cảnh là nhất chân pháp giới.Dưới đây lược cử cho chúng ta về tam quán.
Đoạn này nói: “Tam quán giả, nghĩa duy tam chủng, nhất giả tùng hành duy ư vạn cảnh quán nhất tâm, vạn cảnh tuy thù diệu quán lý đẳng”.
Đẳng là bình đẳng.
Tất cả những hiện tượng sai biệt, đạo lý của nó là một.
“Như quán ấm đẳng tức kỳ ý dã”.
Nêu ra một ví dụ.
Ấm là quán ngũ ấm.
Hoặc là quán 18 giới, quán lục nhập đều được.
Đây là nêu ra một ví dụ về quán ngũ ấm.Trong Bát Nhã Tâm kinh cũng là quán ngũ ấm.
Ngũ ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Đây là từ hành.
Quí vị trong vạn cảnh, trong vô lượng vô biên cảnh duyên, cảnh là môi trường vật chất, duyên là môi trường nhân sự.
Phàm phu chúng ta chấp trước tướng, chấp trước tướng liền sản sanh một quan niệm sai lầm.
Trong sai lầm này đã muôn ngàn sai biệt, thế là tùy theo quan niệm này mà khởi vô lượng phân biệt, vô lượng chấp trước.
Vậy là phiền phức rồi.
Chúng ta ngày nay trở thành như thế này, khởi tâm động niệm đều là tạo nghiệp, tương lai phải chịu khổ báo trong tam đồ, ai tạo thành vậy? Quan niệm sai lầm của chúng ta tạo thành.
Quí vị nếu như oán trời trách người, thì quí vị tạo tội nghiệp càng nặng hơn.
Quí vị tương lai đọa lạc càng khổ hơn.
Vì sao vậy? Không liên can gì đến trời đến người khác, bản thân tự tạo còn đi trách người khác, vậy tội quí vị không phải càng nặng rồi sao? Tự làm tự chịu, không ai có thể thay thế quí vị cả.
Chân tướng sự thật này chỉ có chư Phật Bồ Tát rõ ràng, họ hiểu rõ ràng, năng lực của họ chính là trong tất cả các cảnh giới khác nhau, trong thiên biến vạn hóa của môi trường nhân sự, của môi trường vật chất mà quán nhất tâm.
Nhất tâm là lý.
Cảnh giới thiên biến vạn hóa từ đâu mà có? Lớn đến hư không pháp giới, nhỏ đến vi trần, nhỏ cho đến một niệm, hoàn toàn là do nhất niệm tự tánh biến hiện ra.
Thập pháp giới y chánh trang nghiêm tuy không đồng, nhất niệm tự tánh tương đồng.
Cho nên nói “vạn cảnh tuy thù”, thù là khác nhau, “diệu quán lý đẳng”, quí vị có thể nhìn thấy thể tánh của tất cả pháp này, căn nguyên của tất cả pháp này, hóa ra là giống nhau.
Sự và lý này chúng ta ở đây không nói nhiều nữa, đoạn trước đã giảng quá nhiều rồi, nhắc lại một tí có lẽ chư vị đã hiểu rõ rồi.
Đây là loại thứ nhất.Thứ hai là “nhị ước pháp tướng, như quán tứ đế”.
Tứ đế là pháp căn bản trong Phật pháp, chúng ta nhất định không được cho rằng Tứ đế là Đức Phật nói cho hàng Tiểu thừa.
Thiên Thai đại sư giảng Tứ đế, Tạng giáo Tứ đế, Thông giáo Tứ đế, Biệt giáo Tứ đế, Viên giáo Tứ đế.
Chúng ta đọc Sớ của đại sư Trí Giả mới biết được Tứ đế, 37 phẩm trợ đạo, bao gồm tất cả Phật pháp, pháp pháp đều như vậy.Chúng ta gần đây đang học Kinh Hoa Nghiêm, đang đọc Hoa Nghiêm.
Hoa Nghiêm giảng nhiều nhất, Hoa Nghiêm giảng tường tận nhất, giảng còn tỉ mỉ hơn cả Kinh Pháp Hoa.
Không có pháp nào không phải là viên nhiếp tất cả pháp.
Đây gọi là Viên quán.
Vì sao vậy? Tất cả pháp đều là nhất niệm tự tánh biến hiện ra.
Thế nên trong tất cả pháp bất cứ một pháp nào cũng liên quan đến tự tánh, giống như trước đây nói, “cao minh tương lại, mục túc giao tư”, trong Phật Pháp nói tánh tướng bất nhị, lý sự nhất như.
Tướng là hiện tướng.
Bất luận là tướng lớn, hay tướng nhỏ, thế giới hư không là tướng lớn, hạt bụi lỗ chân lông là tướng nhỏ, bất luận là lớn hay nhỏ đều là nhất niệm tự tánh.
Quí vị nếu như trong tướng thấy được tánh rồi, tướng có muôn ngàn sai biệt, tánh chỉ có một.
Tướng khác thể đồng, lý đồng, tánh đồng.
Nếu như chúng ta lãnh hội được đạo lý này, tự nhiên quí vị sẽ nghĩ đến, tất cả những tộc quần trên thế gian này, làm sao mà nói là không thể hòa hợp? Chắc chắn có thể cư xử hòa thuận, không thể cư xử hòa thuận đều là do không hiểu rõ đạo lý này, không hiểu được chân tướng sự thật.
Tùy thuận theo quan niệm sai lầm của bản thân, tùy thuận theo tập khí phiền não của bản thân, mà làm sai thôi.
Hoan hỷ cư xử hòa thuận lẽ ra phải là hiện tượng rất tự nhiên, không có mảy may miễn cưỡng nào.
Tất cả chúng sanh có thể cư xử hòa thuận chính là điều lành mạnh nhất.
Giống như thân thể của một người vậy mạnh khỏe an vui, trên thân thể cũng là các loại tộc loại khác nhau, mắt và tai khác nhau, tai và lỗ mũi lại không giống, đầu và tay khác nhau, tay chân và thân lại không giống, không phải là rất nhiều tộc loài cùng chung trên một thân này sao? Nó nếu như vừa đánh nhau thì phiền phức rồi.
Con người của quí vị sẽ ngã bệnh, sinh bệnh, thậm chí phải bỏ cả mạng.
Chúng có thể hòa thuận ở chung với nhau, chúng không đấu tranh, thì thân thể con người quí vị mới mạnh khỏe an vui.
Đây là nói nghiệp báo thân của chúng ta.
Trong Phật Pháp nói ứng hóa thân.
Hư không pháp giới là pháp thân của chúng ta, vẫn là một cái thân.
Sinh mệnh chúng ta trong toàn thể pháp thân này cũng giống như một tế bào vậy.
Thân thể này là vô số tế bào hợp thành.
Cùng một đạo lý như vậy, pháp thân là vô lượng vô biên y chánh trang nghiêm tổ hợp thành.
Nó đến như thế nào? Tổ thành như thế nào? Trong Kinh Hoa Nghiêm có câu: “duy tâm sở hiện” nói rõ nó đến như thế nào, thập pháp giới y chánh trang nghiêm đến như thế nào, vì sao lại có thập pháp giới y chánh trang nghiêm? Là “duy thức sở biến”.
Duy thức là nói rõ nguyên do của tướng sai biệt.
Duy tâm là giảng về sở y của tướng chung.
Nhưng thức và tâm là một không phải hai.
Cho nên khác và giống là một không phải hai.
Từ trên hình tướng nói với quí vị là trong giống có khác, trong khác có giống, giống không trở ngại khác, khác không trở ngại giống.
Vì sao vậy? Bởi vì giống khác là cùng một căn nguyên.
Tôi và người khác cũng là cùng một căn nguyên.
Không thể hòa thuận với người khác chính là tổn hại đến bản thân, mình và người không phải hai.Trong Phật Pháp khó được nhất, đáng quý nhất là viên quán.
Đây là điều mà Thế Tôn thường tán thán, gọi là: viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên, viên nhân quán pháp, vô pháp bất viên.
Duy chỉ có người viên quán, tâm địa vĩnh viễn là chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, từ bi.
Đây là thứ hai, tức trên pháp tướng mà quán, cũng chỉ nêu một ví dụ.“Tam thố sự tướng, như vương xá kỳ xà, danh tùng sự lập”.
Đây là xứ sở mà đức Thế Tôn giảng kinh, Vương xá thành.
Kỳ xà quật tại núi Linh Thứu.“Tên từ sự lập, mượn sự để quán”, cho nên những danh tự nhà Phật này, danh hiệu của Phật Bồ Tát đều là giúp đỡ chúng ta, sửa đổi những quan niệm sai lầm của chúng ta.
Danh hiệu của con người cũng vậy, danh hiệu của nơi chốn cũng như vậy, danh hiệu của vật cũng như vậy.
Đây là điều thông thường trong cuộc sống hằng ngày chúng ta sơ suất mất.
Nếu như quí vị có thể tùy theo cảnh giới này, đều có thể nhập quán, nhập quán niệm Như Lai.
Tu hành chứng quả, làm gì cần đến ba đại a tăng kỳ kiếp, làm gì cần đến thời gian như vậy? Làm gì có điều khó đến vậy? Vấn đề là chúng ta thường mê trong danh tướng, phân biệt danh tướng, chấp trước danh tướng.
Thực sự gọi là ba đời chư Phật đều bị hàm oan.
Trong bài kệ khai kinh nói “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, chúng ta hiểu sai ý nghĩa Như Lai rồi.
Kiên cố chấp trước còn tự cho là đúng, vậy thì còn cách gì nữa? Quan niệm cũ luôn luôn không đổi lại được.
Tất cả người sự vật đều có tên, “tên từ sự lập, mượn sự để quán”, đây là phương pháp.
Chư vị nếu như có thể hiểu được ý nghĩa của mấy câu này, mọi người biết được thế giới tây phương Cực Lạc sáu trần thuyết pháp, trước mắt chúng ta tại sao không phải là sáu trần thuyết pháp? Tuyệt đối không thua thế giới tây phương Cực Lạc.
Đợi chúng ta sanh đến thế giới tây phương Cực Lạc, chúng ta đối với những quán pháp này sẽ dùng được, tức biết rồi, ở thế giới Ta bà chưa biết được, đến thế giới Cực Lạc liền biết được.
Cho nên nhìn thấy thế giới Cực Lạc sáu trần thuyết pháp.
Thế giới Cực Lạc làm sao mà biết? Sanh đến nơi đó là Phật A Di Đà bổn nguyện gia trì, nên biết rồi.
Thế giới tây phương Cực Lạc tất cả những vật tướng, đều là Phật A Di Đà bổn nguyện oai thần biến hóa mà làm.
Chúng ta nghĩ xem, thế gian chúng ta nhiều vô số phải chăng là Phật A Di Đà nguyện lực biến hóa mà ra? Quí vị có thể nói không phải không? Quí vị có thể nói là phải không? Phải và không phải đều không tồn tại, then chốt vẫn là một niệm tâm của quí vị.
Quí vị một niệm giác là phải, một niệm bất giác là không phải.
Từ đó có thể biết, về sự không có phải hay không phải, về danh cũng không có phải hay không.
Phải và không phải ở tại tâm quí vị.
Điều này chính là Ngẫu Ích đại sư đã nói: “cảnh duyên không đẹp xấu, đẹp xấu khởi từ tâm”, tâm của bản thân.
Vậy nên tâm quí vị một niệm thiện, hư không thế giới tất cả vạn pháp đều là thiện, quí vị một niệm ác toàn là ác.
Một niệm ác tâm khởi lên thế giới không có người nào là tốt, một niệm thiện tâm khởi lên thì chúng sanh A tỳ địa ngục cũng không tồi, đẹp xấu khởi từ tâm.
Chư Phật, Bồ Tát nhìn tất cả chúng sanh đều là Phật.
Phàm phu nhìn Phật, Bồ Tát vẫn là phàm phu.
Điều này chứng tỏ Phật ở trong kinh nói cảnh tùy tâm chuyển, đây là lời chân thật.
Sau đó mới hiểu được, Phật Pháp tu hành vì sao coi trọng tu quán như vậy.Tu quán là tu sửa quan niệm.
Nói cho rõ ràng hơn nữa, tu sửa quan niệm sai lầm của chúng ta.
Tu sửa các quan niệm bất thiện của chúng ta.
Đây là tu hành chân thật.
Đây chính là trong tông môn thường nói “tu từ căn bản”.
Căn bản là gì? Tâm địa là căn bản.
Tâm thiện lương, thì hành của quí vị tự nhiên thiện, không có thứ gì là bất thiện.
Chúng ta ngày nay đọc đến kinh Phật, đọc đến khai thị của Tổ sư, dường như cũng có được một chút thể hội, có được một chút rõ ràng.
Quan niệm vì sao chuyển mãi cũng không được? Nhân tố then chốt chính là ngã chấp.
Cho nên chư vị đồng tu phải biết, quí vị chấp trước ngã chư Phật Như Lai giảng kinh thuyết pháp cho quí vị, lợi ích mà quí vị đạt được chỉ là nhân thừa mà thôi.
Nói cách khác, quí vị nhất định không thể siêu việt lục đạo luân hồi.
Quí vị nghe hiểu, quí vị hiểu rõ rồi, quí vị có thể lãnh hội rồi, nhưng quan niệm của quí vị chưa chuyển đổi được.
Quí vị chưa có công phu quán hành.
Tông Thiên Thai nói lục tức Phật rất hay.
Ngày nay chúng ta đang ở giai đoạn nào? Danh tự tức Phật.
Chúng ta đang ở giai đoạn này.
Chúng ta là danh tự.
Trong danh tự nói hay hơn nữa, nói đến hoa trời rơi xuống vẫn còn phải làm việc sanh tử luân hồi.
Đây tức là nói quí vị tuy nói có hay, quí vị đọc được nhiều, nghe được nhiều, nhìn thấy nhiều, người bây giờ nói quí vị là tiến sĩ Phật học, quí vị là nhà Phật học.
Nhà Phật học, tiến sĩ Phật học có ích gì? Có hiểu mà không hành, chẳng lợi ích gì, vẫn là ngày ngày tạo nghiệp, khởi tâm động niệm tạo nghiệp, nói năng tạo nghiệp, hành trì tạo nghiệp, thân khẩu ý đều đang tạo nghiệp, chắc chắn không thể miễn trừ quả báo.
Nghiệp nhân quả báo chẳng sai mảy nào.
Không phải nói tôi hiểu được rất nhiều Phật Pháp, thì nghiệp tôi tạo tương lai có thể không chịu quả báo.
Không có đạo lý như vậy, vẫn còn phải thọ báo.
Ác nhân có ác báo, thiện nhân có thiện quả, có lý gì lại không chịu quả báo được chứ? Người không thọ quả báo là gì? Không tạo nghiệp thì không chịu quả báo.
Quí vị tạo nghiệp chắc chắn không miễn được quả báo.
Những đạo lý này, chân tướng sự thật này, phải rõ ràng phải thấu suốt.Nhập vào “quán hạnh vị” vậy là tốt rồi.
Quán hạnh vị là thật làm.
Đạo lý mà Đức Phật đã nói chúng ta hiểu rõ.
Sau khi hiểu rõ rồi lập tức liền làm, y giáo phụng hành, tuyệt không làm trái.
Đây là nhập quán hạnh.
Quán hạnh chính là công phu của quí vị đắc lực rồi.
Không có quán hạnh, tu như thế nào công phu cũng không đắc lực, vì vậy tuy tu thiền mà không thể đắc định, đừng nói đến khai ngộ, ngay cả định cũng không thể đắc.
Niệm Phật chẳng những không đạt được nhất tâm, công phu thành phiến cũng không đạt được.
Nên gọi là miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, hét rách cổ họng chỉ hoài công.
Vì sao vậy? Vì không nhập được quán hạnh vị.
Trong danh tự vị, hữu danh vô thực, cho nên ngày nay chúng ta mong cầu, chúng ta không dám mong cầu cao quá, cao quá làm không được.
Quán hạnh vị chúng ta nhất định phải tranh thủ, không nhập được vị thứ này, chúng ta niệm Phật không thể vãng sanh.
Quí vị nói xem điều này quan trọng biết bao.
Công phu quán hạnh đắc lực rồi, liền có thể chứng công phu thành phiến.
Trong pháp môn niệm Phật nói công phu thành phiến là sự nhất tâm bất loạn còn cạn, không phải là sâu.
Nhưng có được một chút công phu như vậy, thì chắc chắn được sanh Tịnh Độ, đây là điều thù thắng của Tịnh Độ.
Những pháp môn khác thì không được.
Những pháp môn khác quán hạnh cũng không ích lợi gì.Trong quán hạnh vị không thể liễu sanh tử, không thể ra khỏi tam giới, phải lên cao hơn một bậc nữa “tương tự vị”, tương tự vị mới có thể thoát ly lục đạo luân hồi.
Quí vị nói xem điều này khó biết bao.
Nhưng vãng sanh thế giới tây phương Cực Lạc quán hạnh là được.
Đây là điểm thù thắng của pháp môn Tịnh Độ.
Pháp môn Tịnh Độ sở sĩ có thể “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thu”, bản thân ít nhất phải có công phu này.
Tiếp đó được bổn nguyện oai thần của Phật A Di Đà gia trì, chúng ta mới có thể siêu việt tam giới vãng sanh Tịnh Độ.
Đạo lý chính là đây vậy.
Cho nên pháp môn này gọi là pháp môn nhị lực, không phải hoàn toàn nhờ vào Phật lực, mà bản thân quí vị còn phải có một chút cơ sở, không có chút cơ sở nào thì Phật lực gia trì không nổi, bản thân nhất định phải đến quán hạnh vị.
Trong danh tự vị Phật lực chưa gia trì được.
Quan niệm thực sự thay đổi rồi, thay đổi từ đâu vậy? Tôi thường thường nhắc nhở đồng tu, quá khứ niệm niệm đều là vì bản thân, hiện tại niệm niệm vì chúng sanh.
Đây là điều then chốt vậy.
Quan trọng là thay đổi từ đây.
Trước đây mỗi mỗi đều không như ý, oán trời trách người, hiện tại biết quay đầu phản tỉnh kiểm điểm, biết được bản thân đời này gặp được đều là tự làm tự chịu.
Nhà Phật nói rằng “hồi đầu thị ngạn”, thực sự quay đầu rồi.Đức Phật ở trong tất cả kinh thường hướng dẫn chúng ta, “thọ trì đọc tụng, diễn thuyết cho người”, chúng ta trung thực làm theo những lời Phật dạy.
Thọ là tiếp thu.
Tất cả những giáo huấn mà Đức Phật dạy trong các kinh ta đều tiếp thu rồi.
Việc Đức Phật dạy cho chúng ta làm, chúng ta nghiêm túc nỗ lực mà làm; Phật nói việc không được làm, chúng ta nhất định không làm.
Không những trên sự không làm, ý niệm cũng không sanh.
Đức Phật dạy chúng ta không tham, không sân, không si.
Chúng ta đối với tất cả người, sự, vật trong thế gian xuất thế gian, ý niệm tham sân si cũng không khởi.
Đây gọi là quán.
Nhưng phiền não tập khí vô thỉ kiếp dưỡng thành, thời thời khắc khắc nó sẽ khởi lên, sẽ khởi hiện hành.
Loại ý niệm này vừa mới khởi lên, quí vị phải dụng công phu đối trị.
Pháp môn niệm Phật chính là một câu A Di Đà Phật, niệm thứ nhất khởi lên hoặc là tâm tham, hoặc là tâm sân nhuế khởi lên, niệm thứ hai liền A Di Đà Phật.
Dùng danh hiệu A Di Đà Phật mà thay thế nó.
Đây gọi là chân niệm Phật.
Đây gọi là biết niệm Phật.
Công phu niệm Phật này đã có năng lượng rồi.
Phiền não chưa đoạn được, một câu danh hiệu Phật này đủ để có thể khống chế phiền não, nó vừa khởi lên, lập tức trấn áp nó xuống.
Đây chính là điều mà nhà Phật nói “không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”.
Niệm là vọng tưởng khởi lên.
Giác là công phu của quí vị không được chậm trễ.
Niệm thứ hai liền trấn áp nó xuống.
Như vậy mới có thể vãng sanh.
Loại công phu này rất miên mật, chăm chỉ mà làm, vừa không làm, phiền não liền khởi hiện hành, tùy thuận phiền não ngay.
Công phu làm lâu rồi, thông thường đối với các đồng tu, nếu như quí vị thật làm, ba tháng đã có hiệu quả rồi.
Quí vị sẽ cảm thấy thân tâm quí vị an vui.
Phiền não tạp niệm ít, trí tuệ nhiều, tăng trưởng rồi.
Sáu tháng liền có hiệu quả rất rõ ràng.Chúng ta hiện nay bản thân chưa có tiến bộ, nguyên nhân là gì? Không làm.
Từ sáng đến tỗi vẫn là tùy thuận phiền não, không biết dụng công.
Cho rằng mỗi ngày ở niệm Phật đường niệm mấy tiếng đồng hồ, vậy được không? Phải ngay trong cuộc sống hằng ngày, phải ngay trong xử sự, đối người, tiếp vật thực sự hạ công phu, thực sự buông bỏ được, thực sự nhấc lên được, buông bỏ tham sân si, nhấc lên một câu danh hiệu Phật.
Một câu danh hiệu Phật này đầy đủ tất cả Phật Pháp, viên viên mãn mãn không khiếm khuyết mảy may nào, công phu mới có thể đắc lực, mới có thể sản sanh hiệu quả, mới có thể đạt được lợi ích chân thật của Phật Pháp.
Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói là “trú chân thật huệ”.
Đây chính là trú chân thật huệ.
Ý niệm vừa khởi, danh hiệu Phật liền nhấc lên rồi.
Đó chính là trú chân thật huệ.Quán hạnh, “mượn sự mà quán”, thực sự mà nói, đoạn lớn cuối cùng của Kinh Hoa Nghiêm, Thiện Tài Đồng Tử 53 lần tham học.
Đại sư Thanh Lương nói “qua sự luyện tâm”.
Qua sự luyện tâm chính là ở đây nói mượn sự mà quán, thực sự tu hành.
Sáu căn tiếp xúc cảnh giới sáu trần đều là đang tu quán.“Dĩ đạo chấp tình”, đạo là khai thông.
Khai thông phân biệt chấp trước của chúng ta, khai thông tình chấp.
Tình chấp là mê.
Nên chư vị phải biết, tình gọi là mê tình.
Trong Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay, trong Kinh Lăng Nghiêm đức Phật giảng một là tình, một là tưởng.
Người tình nhiều hướng xuống là đọa lạc, người tưởng nhiều hướng lên là siêu thăng.
Tưởng chính là quán, quán tưởng, là thuộc về tuệ.
Tình là mê.
Người thế gian đều hướng đến đa tình.
Đa tình là gì? Là ba đường ác.
Họ không muốn thoát ra.
Tình chấp sâu như vậy, trong mắt Phật, Bồ Tát hạng này rất khó độ, chúng sanh ác đạo.
Hiện nay trong thế gian này thời gian rất ngắn ngủi, nháy mắt họ đã vào đường ác rồi, lay gọi cũng không tỉnh nữa.
Không phải là Phật, Bồ Tát không từ bi, mà bản thân quí vị không giác ngộ.
Cho nên chúng ta chuyển ý niệm trở lại, trong đời này chúng ta được thân người.
Vì sao vậy? Đến để làm gì? Đến để vì tất cả chúng sanh phục vụ.
Chịu khổ chịu tội là đều nên vậy, là bổn phận của tôi.
Làm cho chúng sanh lìa khổ được vui là công việc của tôi, là việc tôi nên làm.
Quí vị đem ý niệm chuyển lại như vậy, thì quí vị siêu phàm nhập thánh.
Tư tưởng này là tư tưởng của Phật, Bồ Tát.
Niệm niệm vì bản thân, niệm niệm vì bản thân hưởng thụ ngũ dục lục trần.
Đây là quan niệm của ba đường ác, quan niệm vô cùng sai lầm.
Chúng ta ở trong kinh giáo điển tịch nhìn thấy chư Phật, Bồ Tát, Tổ sư đại đức đại triệt đại ngộ, phước huệ song tu, họ vì sao không hưởng phước? Thậm chí họ vì sao không muốn cải thiện môi trường sinh sống của bản thân? Không phải là họ không thể, không phải là họ làm không được, dễ như trở bàn tay, toàn là do đại từ đại bi, làm tấm gương cho hậu học chúng ta noi theo.
Làm cho chúng ta ở đây đại triệt đại ngộ.
Thực sự thể hội được Đức Phật trước khi nhập diệt khuyên dạy chúng ta “lấy giới làm thầy, lấy khổ làm thầy”.
Nhà Phật thường nói “tỳ kheo thường mang ba phần bệnh”.
Bệnh gì vậy? Ăn không no, ngủ không đủ, bệnh đói.
Vì sao bảo quí vị thường mang ba phần bệnh? Thời thời khắc khắc có tánh cảnh giác.
Cuộc sống trải qua quá sung túc, tâm cảnh giác không còn nữa.
Rất dễ dàng thuận phiền não tạo tác nghiệp ác, không dễ dàng xuất ly.
Cho nên thực sự muốn xuất ly, chúng ta bắt buộc phải hạ quyết tâm trong đời này, mấy mươi năm ngắn ngủi nóng lạnh không là dài lắm, mím môi cố gắng, nghe theo lời Phật, cuộc vất vả một tí là tốt, nhất định có điều tốt.
Cho nên chúng ta nhìn thấy người khác cuộc sống đủ các hưởng thụ, không có tâm ngưỡng mộ, cho dù chúng ta có khả năng, cũng có thể hưởng thụ được, nhưng nhất định không hưởng thụ.
Đó chắc chắn không phải là việc hay ho gì.
Cho dù bản thân quí vị có đạo hạnh, có định công, có trí tuệ có thể làm được sự sự vô ngại, hỏi quí vị có tâm từ bi hay không? Nếu như có tâm từ bi, thì quí vị phải làm tấm gương tốt cho người hiện tại, cho người đời sau.
Tấm gương tốt như thế nào? Tấm gương có lợi ích đối với họ.
Tấm gương có lợi ích chính là tấm gương về khổ hạnh, tức là sống một cuộc đời bình thường như vậy, trong cuộc sống bình thường đó, nếu như có thể hạ thấp mức độ xuống, thấp đến mức độ của người nghèo khổ thông thường trong thế gian này, như vậy là tốt.
Đây mới là thực sự đại từ đại bi.Gần đây chúng ta có một cơ hội, có một số đồng tu phát tâm giúp chúng ta xây dựng đạo tràng.
Tôi nói với họ, đạo tràng của chúng ta làm một nhà tranh nhỏ, không nên xây dựng điện đường hòa nhoáng.
Cuộc sống của chúng ta càng đơn giản, càng chất phác, tâm càng tự tại.
Đạo tràng xây dựng nguy nga tráng lệ, dễ dàng khởi tâm tham, không muốn đến thế giới Cực Lạc, tôi ở chỗ này rất tốt, giống như hoàng cung vậy, Phật A Di Đà đến tiếp dẫn quí vị, quí vị còn không muốn đi, chỗ của con đây có thua gì chỗ của ngài đâu.
Há không phải là sai lầm trầm trọng rồi sao? Ngôi nhà tranh nhỏ đơn giản thì xả bỏ dễ dàng, không có tâm lưu luyến, cuộc sống sống thanh đạm một chút, đơn giản một chút, đối với thế gian này tâm tham ái sẽ càng ít đi, ý nguyện cầu sanh Tịnh Độ sẽ mạnh mẽ thêm.
Không chỉ vì bản thân mà cũng vì chúng sanh mà lo nghĩ.
Tại gia, xuất gia biết bao nhiêu người tu hành, nhìn thấy chúng ta như vậy, nhìn thấy hành vi của chúng ta, nhìn những người tu hành chúng ta, như xem dáng vẻ của Tổ sư vậy, nhìn dáng vẻ của Phật, Bồ Tát vậy.
Nhất định phải hiểu được đạo lý này.
Chư Phật Bồ Tát, Tổ sư đại đức năm xưa tại thế, trong suốt cuộc đời cũng là giữ được tùy duyên mà không phan duyên.
Chúng ta ngày nay cũng phải tuân thủ, tùy duyên, duyên thù thắng có lúc cũng gây ra phiền phức, cũng trở thành chướng ngại.
Cho nên nhất định phải hiểu được phước báo lớn quá, nhiều quá, để cho tất cả chúng sanh hưởng, để cho đại chúng hưởng, bản thân nhất định không được hưởng phước.
Hưởng phước không mê là chư Phật Bồ Tát tái lai, đó chắc chắn không phải là phàm phu.
Nhưng chư Phật Bồ Tát ngày nay cũng sẽ thị hiện khổ hạnh, sẽ không thị hiện đi hưởng phước.
Đây mới là thị hiện đại từ đại bi.Dưới đây nói Phương đẳng, danh hiệu.
Phương đẳng là giảng về danh tự của kinh.
Phổ Hiền là giảng về danh tự của người, không có thứ gì không phải là biểu pháp.
Đều có thể mượn nó để làm quán hạnh.
Chúng ta bình thường niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát, trong đó có quán hạnh hay không? Nếu như không có quán hạnh, niệm danh hiệu của Phật, Bồ Tát là niệm Phật trong “danh tự tức”.
Nếu như chúng ta niệm một câu A Di Đà Phật này, niệm niệm tương ưng với vô lượng giác, đây chính là quán hạnh niệm Phật.
Giác mà không mê, danh hiệu A Di Đà Phật nếu từ ý nghĩa của nó mà nói, chính là Vô lượng giác.
A dịch là vô, Di Đà dịch là lượng, Phật là ý nghĩa của giác, vô lượng giác, niệm danh hiệu này.
Sau khi niệm rồi, trong một ngày, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần bên ngoài, đều phải giác mà không mê, là chân thật niệm Phật.
Một câu danh hiệu Phật này quí vị được ích lợi rồi.
Nếu như tiếp xúc với cảnh giới sáu trần, thuận cảnh khởi tâm tham, nghịch cảnh khởi tâm sân nhuế, vậy thì danh hiệu Phật đó có ích lợi gì chứ? Há chẳng phải là “hét rách cổ họng chỉ hoài công” sao? Ích lợi hay không ích lợi do nơi cuộc sống của quí vị, đối với người, đối với sự, đối với vật có thể nhấc nổi giác quán của quí vị hay không.
Niệm danh hiệu Phật Thích Ca Mâu Ni, phải niệm cho ra tâm từ bi của bản thân quí vị.
Thích Ca là nhân từ.
Chúng ta đối với người, đối với vật phải nhân từ.
Mâu ni là thanh tịnh tịch mặc.
Đối với tâm địa bản thân phải thanh tịnh, phải bình đẳng.
Thanh tịnh bình đẳng là đối với bản thân, mọi lúc mọi nơi lúc căn trần tương tiếp, có thể nhấc lên tâm nhân từ của bản thân, tâm thanh tịnh của bản thân hay không? Quả nhiên có thể nhấc lên được, thì quí vị thực sự niệm Phật Thích Ca Mâu Ni rồi.
Cho nên danh hiệu của chư Phật Bồ Tát, làm sao không phải là phương pháp quán hạnh, nhân duyên tác quán của chúng ta chứ?Đoạn dưới đây nói.“Tường giải vân, tam chủng quán pháp, nghĩa uẩn kinh sớ”.
Trong chú giải Kinh Pháp Hoa của Đại sư Thiên Thai giảng rất nhiều, giảng rất rõ ràng.
Ý nghĩa ở đây là uẩn tàng trong kinh sớ, tức là Pháp Hoa Kinh Văn Sớ, do đại sư Trí Giả tạo.
Pháp Hoa Kinh Huyền Nghĩa Thích Thiêm, là đại sư Trí Giả giảng huyền nghĩa của Kinh Pháp Hoa.
Chư vị thường thường nghe đến là “cửu tuần đàm diệu”, kinh đề này chính là ngũ trùng huyền nghĩa của Kinh Pháp Hoa.
Đại sư Trí Giả đương thời giảng trong 90 ngày.
Phân lượng kinh đề huyền nghĩa của ngài, và phân lượng của Pháp Hoa Kinh Văn Cú gần như tương đồng.
Đây là một trong ba bộ lớn của Pháp Hoa.“Thiên Thai y chư đại thừa kinh, lập tứ chủng tam muội, tu thập thừa quán pháp trực tựu ấm tâm”.
Ấm tâm chính là thọ, tưởng, hành, thức trong ngũ ấm.
“Hiển ba ngàn pháp, tức từ hành quán nghĩa”, trong đây lập cho chúng ta “bốn loại tam muội, mười thừa quán pháp”.
Đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta tu quán đều có giúp đỡ, đặc biệt là bốn loại tam muội.
Chúng ta hiện nay dùng trì danh niệm Phật, trì danh niệm Phật cũng dùng bốn phương pháp này để niệm.
Bốn loại phương pháp quí vị tùy ý chọn một loại là được.
Thực sự mà nói thuận tiện nhất là loại cuối cùng trong bốn loại, loại đó chính là phương pháp mà pháp sư Đế Nhàn truyền cho người thợ hàn, niệm mệt rồi nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi niệm tiếp, không có chút áp lực nào, rất nhẹ nhàng.
Trong đây tuy không có áp lực nhưng phải có nghị lực.
Đó chính là quí vị phải chăm chỉ, nhất định không được giải đãi.
Nếu như giải đãi thì công phu của quí vị bị mất đi, quí vị không thể thành công.
Bản thân nhất định phải chăm chỉ.
Người thợ hàn sỡ dĩ có thể thành tựu, chính là ông không giải đãi.
Ông rất chăm chỉ để niệm.
Cho nên ông niệm ba bốn năm có thể đứng mà vãng sanh.
Trong kinh Phật thường nói thiện căn duy nhất của Bồ Tát chính là tinh tấn.
Người thợ hàn làm được tinh tấn.
Niệm mệt rồi thì nghỉ ngơi, nghỉ ngơi xong lại nhanh chóng tiếp tục niệm, ngày đêm đều không buông lơi, lúc nào mệt rồi thì lúc đó nghỉ ngơi, nghỉ ngơi khỏe rồi lúc nào tỉnh giấc lập tức liền niệm Phật.
Vậy mới có thể thành công.
Đây là một loại trong bốn loại tam muội.Hôm nay chúng ta giảng đến đây.A Di Đà Phật !!.