Diệp

Cánh đồng vụ đông xơ xác đìu hiu, những gốc rạ nghiêng ngả trên nền ruộng khô cằn, cỏ cây ven đường héo úa một màu buồn đến thê thảm. Duy chỉ có rặng phi lao từ đầu đường vào đến nhà Diệp vẫn hiên ngang trước gió đông, hàng cây cổ thụ ấy có từ bao năm nay, chẳng biết là từ khi nào nhưng trong tiềm thức của Diệp, rặng cây ấy lớn lên cùng với tuổi thơ tươi đẹp của cô, mỗi buổi chiều hay cùng mẹ đi chạy thể dục, thỉnh thoảng cùng đám bạn chơi đồ hàng dưới bóng cây nữa...

Lần trở về này không giống như mọi khi nữa, khi Diệp đã nhận ra không ít những điều bí mật được chôn vùi theo năm tháng mấy chục năm qua. Vẫn là rặng phi lao ấy, con đường mỗi khi trở về nhà cô luôn háo hức được gặp mẹ, tò mò xem mẹ đang làm gì, đã đi làm về chưa? Bố đi chạy xe ôm đã về chưa? Hôm nay, bước đi trên con đường ấy lòng cô nặng trĩu, những kỷ niệm thuộc về nơi này Diệp sẽ vĩnh viễn không quên...

Mỗi lần từ trường trở về nhà, khi đến bến xe thị trấn hoặc Diệp gọi bố lên đón, hoặc cô đi xe ôm về nhà nếu bố bận đi chở khách, hôm nay, Diệp tự mình đi bộ về. Thời gian hãy còn sớm, cô muốn thong thả đi từng bước một để suy nghĩ và cảm nhận một chút kỷ niệm trong quá khứ, những tháng ngày được bố mẹ nuôi nấng dạy dỗ nên người.

Vừa về đến đầu ngõ, Diệp nghe loánh thoáng tiếng người chuyện trò to nhỏ ở trong nhà vọng ra. Dường như nhà có khách thì phải, Diệp thầm suy đoán. Nhưng khi vào đến cổng, cô phát hiện có một chiếc xe tải chở hàng đậu trong sân, hai nhân viên giao hàng đang miệt mài khuân vác đồ vào trong nhà. Nhìn biển quảng cáo trên xe, cô đoán đây là dịch vụ của một siêu thị điện máy lớn. Lẽ nào nhà cô lại sắm sửa thêm đồ dùng sao? Bố mẹ cũng chịu đầu tư quá rồi! Nghĩ vậy Diệp nhanh chóng đi vào nhà.

Em chào hai anh!

Dù trời đang lạnh nhưng do khuân vác đồ nặng nên mặt hai anh shipper vẫn đỏ hồng lên, Diệp lễ phép chào hỏi.

Chào em. Vừa đi học về à em?

Cả hai anh shipper đều vui vẻ gật đầu, một anh đáp lại lời Diệp, nhìn tay valy, vai đeo balo các anh ấy đoán Diệp là sinh viên mới đi học về, hơn nữa gương mặt nhìn trẻ măng, không giống thần thái của người đi làm xa về lắm.

Dạ. Em vừa ở trường về tới đây, mà các anh giao hàng gì đấy ạ?

Điện lạnh em à.

Bố mẹ em đặt mua ạ?

Diệp ngạc nhiên vì đồ đạc xếp trong nhà khá nhiều, bố mẹ cô xưa nay vẫn luôn tiết kiệm, không hiểu sao đợt này lại chơi lớn như thế, mua sắm toàn đồ xịn thế này.

Anh không rõ, bọn anh chịu trách nhiệm giao hàng tận nơi thôi em ạ. Em ký giúp anh vào tờ biên nhận này với!

Em ký ấy ạ? Em có mua đâu mà ký hả anh?

Đại diện thôi mà em, ký thay tên bố cũng được vì tiền hàng đã thanh toán cả rồi, không quan trọng gì đâu.

Dạ, vậy để em ký!

Hai anh shipper vội vã rời đi, Diệp vào nhà đếm sơ sơ cũng năm, sáu món đồ điện lạnh, nào tivi, tủ lạnh, máy lọc nước, đèn sưởi, lò vi sóng,... ước cũng phải trên trăm triệu đồng, không biết bố mẹ đào đâu ra nhiều tiền vậy nữa?

Bố ơi, bố!

Diệp gọi lớn vì không thấy bố đâu.

Nghe giọng con gái, ông Trí lật đật chạy từ dưới bếp lên, trên tay cầm điện thoại như đang gọi cho ai đó.

Diệp về đấy à? Về sao không gọi bố ra đón, đi cái gì về đấy con?

Con đi bộ bố ạ!

Chết! Xa vậy mà đi bộ à? Sao không gọi cho bố ra đón?

Hơn 1km, con đi bộ cũng quen rồi, ở trường con đi 2 km là bình thường ấy bố ạ. Mà bố ơi, sao nhà mình sắm sửa nhiều đồ thế hả bố? Bố trúng số độc đắc ạ?

Sắm đâu, của ai người ta gửi nhầm vào nhà mình sao ấy, tiền đâu mà mua lắm đồ vậy hả con.

Ông Trí thật thà tiếp tục bấm cuộc gọi nữa, lần này là cuộc thứ 7 rồi vẫn chưa có ai nghe máy.

Gửi nhầm ạ? Thế mà con tưởng bố sắm Tết sớm cơ đấy!

Diệp chưng hửng.

Nhầm là chắc rồi, con nghĩ bố làm gì ra tiền mà sắm toàn đồ xịn như thế được? Riêng cái tivi kia cũng phải sáu, bảy chục triệu rồi. Bố chạy xe ôm cả năm cũng không dám mua.

Dạ, xịn thật đấy, mà bố nhìn lại tờ đơn giao hàng xem ai gửi ạ, kể cũng lạ, của đống tiền thế này mà gửi nhầm thì nguy to, bên giao hàng làm ăn tắc trách quá!

Bố đang gọi cho họ đây mà họ không nghe máy, hỏi xem gửi cho ai mà gửi nhầm vào nhà mình. Rõ khổ, mà mấy cậu giao hàng đâu rồi con? Khi nãy họ vào, bố chợt đau bụng nên vào wc gấp, quên tiệt là họ đang bốc hàng.

Con tưởng bố đặt mua nên ký tên thay bố, các anh ấy đi rồi bố ạ.

Đi rồi à con, đi lâu chưa?

Nãy giờ cũng 10 phút rồi ấy, có khi họ đi qua thị trấn rồi.

Khổ, giờ liên lạc được cho người gửi để xác minh rồi người nhận khác nữa, họ đi mất thì chỗ hàng hóa kia phải làm sao? Phòng khách chật kín không còn chỗ đi lại nữa rồi.

Thôi kệ đi bố, nếu gửi nhầm họ sẽ liên lạc lại thôi mà, tiền chứ có phải sỏi đá đâu, có khi họ còn sốt sắng hơn mình ấy. Mà kể cũng lạ, nhầm người mà biết rõ địa chỉ nhà, cả số điện thoại nữa. Tài thật bố ạ!

Ừ, bố cũng đang băn khoăn đây.

Nhìn tivi xịn quá, TẾT này mà có quả tivi xịn sò ấy mà xem hài thì hết ý, phòng tắm nhà mình chưa có đèn sưởi, lắp cái đèn này vào thì nỗi sợ hãi mỗi khi tắm vào mùa đông không bao giờ xuất hiện luôn bố ạ.

Diệp nhìn đèn sưởi và nói, bởi cô thấy giống đèn trong phòng tắm ở nhà Quân, cô được dùng thử rồi nên biết, nhân tiện quảng cáo cho bố biết. Sau có điều kiện cô cũng sẽ mua tặng cho bố mẹ.

Thế à, nãy giờ bố còn tưởng là đèn treo tường để trang trí. Thôi, thay quần áo đi tắm giặt sớm đi con, bố đi nấu cơm, mẹ sắp về rồi cũng nên.

Quân dở cuộc họp với ban lãnh đạo, thấy điện thoại rung liên tiếp nhưng không dám nghe, cuộc họp cấp cao thế này mà xử lý việc riêng rất dễ bị phê bình. Ngồi họp mà không yên vì điện thoại, tan họp, trở về phòng làm việc, Quân bấm máy và gọi lại cho đầu dây bên kia, lòng hồi hộp khó tả. Có vẻ như khi nãy họ gọi nhiều anh không nghe máy nên bây giờ anh gọi lại, người ấy hằn học nên không nghe thì phải. Tuy vậy, Quân không sốt sắng, anh vẫn kiên nhẫn gọi cuộc tiếp theo.

Ông Trí đang dở tay vo gạo nấu cơm thì có điện thoại, tay ướt, lau được cái tay thì hết chuông, chưa kịp bấm gọi lại thì người ta lại gọi tiếp. Diệp ở trong phòng tắm thấy tiếng chuông mà bố không nghe nên sốt ruột, cô nhắc nhở:

Bố ơi, có điện thoại kìa, bố làm gì mà không nghe máy vậy?

Bố đây, đang dở tay cắm nồi cơm, bố nghe đây, hình như người gửi hàng con ạ, số khi nãy bố gọi không được, giờ họ gọi lại rồi đây này. Yên lặng để bố nghe nhé.

Ông Trí ấn nút nghe.

A lô!

Cháu chào chú ạ!

Quân lịch sự chào hỏi khi thấy đầu dây bên kia cất lời.

Ừ, cháu là ai đấy? Gửi đồ cho ai mà nhiều đồ quá trời vậy? Gửi nhầm cho chú rồi, cho lại địa chỉ đi chủ gửi lại cho, bày chật hết nhà cửa rồi.

Dạ, không, không nhầm đâu chú ơi, cháu gửi tặng cô chú chút quà nhỏ thôi mà.

Quân vội vàng giải thích, anh muốn nhân dịp Diệp về quê, gửi tặng gia đình cô chút quà nhỏ, coi như là quà ra mắt, anh tính mai mốt về thăm nhà Diệp, gửi quà trước để tạo bất ngờ và cũng là bày tỏ thành ý với bố mẹ cô.

Cháu đùa à? Bao nhiêu thứ thế này mà bảo không nhầm? Chú không đặt mua những thứ này đâu, cho người đến lấy đi nhé, để chật nhà lắm không giải quyết được việc gì cả.

Quân thấy thái độ của bố Diệp như vậy càng thêm khó xử, đúng là anh hơi đường đột, tặng quà không báo trước, trong khi anh là người lạ, bố mẹ Diệp không biết anh là ai, nói nhận quà thì hơi vô lý...

Chú ạ, mấy thứ ấy cháu muốn gửi tặng cô chú và Diệp, mong cô chú đồng ý nhận giúp cháu nhé. Cháu biết mình làm vậy là chưa được sự đồng ý của cô chú,... nhưng mà...

Quân bí lời, thú thực anh không biết phải nói sao trong hoàn cảnh này, gặp nhiều khách hàng khó tính anh còn ứng xử được, vậy mà có chút chuyện cỏn con này cũng không biết đối đáp sao cho vừa lòng đối phương. Xem ra, muốn cưới được vợ còn nan giải lắm.

Nhưng sao?

Ông Trí chợt ngưng lại vì đầu dây bên kia nhắc tới tên Diệp - con gái ông.

Cậu tên gì nhỉ?

Cháu... cháu là Quân ạ!

Cậu quen với con gái tôi à?

Dạ, cháu là bạn của Diệp chú ạ.

Bạn gì mà tặng quà đắt tiền thế?

Ông Trí hoang mang khi biết đây là quà bạn trai Diệp gửi tặng, mà con gái ông có bạn trai từ bao giờ, sao con bé không tâm sự nhỉ, mà sao nó giàu thế, gửi một lúc hơn trăm triệu thế này mà nói là nhỏ? Không lẽ là con đại gia trong truyền thuyết à? Ông Trí lẩm bẩm trong miệng.

Cháu... là bạn trai của Diệp!

Quân thật thà. Nói chuyện với phụ huynh kiểu này hồi hộp hơn cả lần đầu được cầm tay với hôn con gái của ông, Quân chờ đợi đầu dây bên kia đáp lời mà chân tay chộn rộn, căng thẳng phết.

Cậu chờ tí nhé.

Ông Trí đặt điện thoại xuống bàn ăn rồi chạy đến phòng tắm thì thầm:

Diệp à, Đứa nào tên Quân bạn trai con đấy?

Diệp giật mình khi bố nhắc tên anh ấy, cô lắp bắp:

Có chuyện gì vậy bố, mà sao bố biết anh ấy ạ?

Đồ đạc là của người tên Quân, nói là bạn trai con muốn gửi tặng bố mẹ và gia đình mình. Con có bạn trai giàu thế à? Sao bố không biết vậy?

Diệp run thật sự, không ngờ những đồ ấy là Quân gửi tặng, không những thế anh còn công khai nói chuyện hai người cho bố biết nữa. Giờ biết trả lời bố làm sao đây? Ở đầu dây bên kia Quân vẫn kiên nhẫn chờ đợi.

Anh ấy bảo sao hả bố?

Vậy là con thừa nhận rồi nhé!

Ông Trí kết luận.

Dạ.. dạ... con con...

Yêu đương thì bố không cấm, nhưng người ta chủ động gửi quà thế này là không bình thường rồi, con xem thế nào rồi gửi lại cho bạn nhé!

Ông Trí nói với con gái nhưng cố tình nói rất to, vọng cả vào điện thoại cố ý cho Quân nghe thấy được thay vì từ chối cậu ấy.

Cháu còn nghe máy không?

Ông Trí cầm lại điện thoại và nói chuyện với Quân.

Dạ, cháu vẫn đang nghe đây chú ơi.

Ừ, cháu có thành ý vậy chú rất cảm ơn, nhưng xin lỗi cháu, quà to quá chú không dám nhận đâu. Cho chú địa chỉ chú gửi lại cho cháu nhé, cháu làm như vậy chú áy náy lắm...

Cháu hiểu ý của chú ạ. Nhưng cháu là thành tâm muốn gửi tặng cô chú chút quà nhỏ, thực sự nó là tấm lòng của cháu thôi, không đáng là bao cả, mong cô chú nhận cho cháu... còn nhận lại, cháu xin phép được từ chối ạ.

Ông Trí không biết nói sao đành nói lời chào tạm biệt, chuyện này ông muốn nghe con gái giải thích đôi điều mới được.

Từ lúc nghe bố nói chuyện, Diệp lo sợ vì Quân đã làm mọi thứ phô trương quá rồi, thế này không giếm được nữa, cô tắm gội nhanh chóng và về phòng riêng gọi điện cho Quân. Anh vẫn ở văn phòng chưa chịu về nhà, bởi trong đầu đang nghĩ làm thế nào để bố Diệp vui vẻ đồng ý nhận tấm lòng của anh. Thấy Diệp gọi, anh nghe máy luôn.

Em về nhà lâu chưa?

Tại sao anh làm thế mà không hỏi ý kiến em?

Diệp vào chủ đề chính luôn.

Anh xin lỗi, anh chỉ muốn tạo bất ngờ cho em thôi mà.

Anh làm thế... mà thôi, dù sao bố em cũng biết chuyện em có bạn trai rồi, không giấu được nữa. 

Em sao thế, chúng mình lớn rồi, đến tuổi yêu đương trai gái rồi, yêu đương lành mạnh nghiêm túc chứ có gì xấu xa mà em phải lo? Anh làm thế vì muốn công khai mối quan hệ của mình với bố mẹ em, vì em cũng lớn rồi, năm tới tốt nghiệp ĐH rồi.

Nhưng bạn bè tặng quà lớn thế... ai mà dám nhận được?

Thì cũng là món quà thôi, chủ yếu là tình cảm của người tặng, em cứ nghĩ nó là món đồ dùng sinh hoạt trong cuộc sống thường ngày là được, đừng nghĩ chuyện tiền bạc. Được không, Diệp? Anh yêu em, anh muốn dành mọi thứ tốt nhất cho em và bố mẹ em, em có hiểu được tấm lòng của anh không? Em lựa lời nói với bố mẹ giúp anh nhé, có thế nào ngày mai anh sẽ về thưa chuyện với hai người sau.

Anhh... em biết phải nói gì chứ? Trời ơi em điên mất thôi!

Em chỉ cần nói em yêu anh là đủ, mấy chuyện khác anh tự lo được!

Nhưng mà...

Thôi, anh đi về đã, em nghỉ ngơi đi, tối anh gọi cho em.

Quân biết thế nào Diệp cũng sẽ từ chối nên nhanh chóng cúp máy, mong rằng gia đình cô ấy sẽ đón nhận tấm lòng của anh.

Buổi tối, 10h rồi cả nhà Diệp vẫn chưa đi ngủ, gia đình ngồi quây quần bên phòng khách và nhìn ngắm những món đồ Quân gửi tặng. Diệp thật thà kể lể chuyện tình cảm của hai người, nhưng cô sợ bố mẹ phản đối nên không nói anh ấy có liên quan đến bà Thủy - mẹ ruột của cô. Nghe con gái kể, ông Trí bà Hương cũng có vẻ xuôi, bởi kiếm đâu được người nhiệt tình và chu đáo đến thế, xem ra con gái ông bà đúng là có phước. Nhân chuyện thắc mắc, Diệp đem tâm sự trong lòng ra hỏi dò, hy vọng bố mẹ nói thật.

Con đã lớn rồi, hơn 20 tuổi rồi, con nghĩ mình có quyền được biết sự thật. Bố mẹ à, có phải con chỉ là con nuôi của bố mẹ không ạ?

Diệp vừa nói vừa rưng rưng, cô lấy hết can đảm mới dám nói ra điều này, bởi cô biết, dù là bố mẹ nuôi nhưng tình cảm của bố mẹ dành cho cô là vô cùng lớn, hỏi câu như vậy chắc chắn sẽ khiến họ thấy tổn thương. Mà quả vậy, nghe con gái nói, cả hai vợ chồng bà Hương đều ngạc nhiên, không hiểu sao con bé lại biết chuyện này.

Ai nói chuyện đó với con?

20 năm qua chưa một lần Diệp thắc mắc điều đó, bây giờ cô nói ra chứng tỏ là đã biết được điều gì. Lẽ nào, mẹ đẻ của Diệp đã đến tìm gặp con bé rồi sao? Nghĩ vậy, bà Hương sợ người phụ nữ kia tranh giành quyền nuôi con với mình nên lo lắng:

Bà ấy đã nói gì với con? Con đã gặp bà ấy chưa?

Diệp lắc đầu, nước mắt khẽ rơi xuống, vậy ra điều ấy đúng là sự thật, vẻ mặt hoang mang của mẹ đã cho cô biết điều đó.

Không có, bà ấy không nói gì với con cả mẹ à... huhu

Diệp òa lên khóc nức nở, ông Trí bà Hương không kìm được cũng khóc theo con, cuối cùng, bí mật này cũng đã bị phanh phui ra.

Diệp... bố mẹ không có ý muốn giấu con đâu...

Ông Trí sụt sùi.

Bố và mẹ đều không sinh nở được, năm đó nhận con về nuôi, ngay từ khi con mới lọt lòng, mẹ con đã nâng niu, chắt từng giọt nước cơm không quản đêm ngày nuôi con khôn lớn. Chúng ta yêu thương con không thua kém gì những người làm cha làm mẹ khác.

Bố biết, giữ kín chuyện này sẽ khiến con bị tổn thương, nhưng thật lòng, bố mẹ sợ nói ra sẽ làm con tổn thương hơn khi biết sự thật, hơn cả, đó là tính ích kỷ của người làm cha làm mẹ. Bố mẹ chỉ muốn giữ con ở bên mình mà thôi, sau này có gia đình, có con cái con sẽ hiểu được tình cảm của bố mẹ...

Ông Trí nghĩ đã đến lúc phải nói hết những gì cần nói ra, bởi Diệp có quyền được biết mình là ai, bố mẹ con bé là ai, và mong Diệp tha thứ vì hai vợ chồng đã giấu giếm quá lâu.

Tại sao lại như thế hả mẹ? Tại sao con không phải là con đẻ của bố mẹ? Tại sao? Con không muốn đâu huhu...

Tại sao bà ấy lại bỏ rơi con... Con chỉ muốn là con của bố mẹ thôi, mẹ đừng ghét bỏ con nhé, bố... bố cho con ở với bố, cuộc đời này con chỉ muốn có bố mẹ thôi, không muốn thêm người nào nữa cả...

Bà Hương vỡ òa trong hạnh phúc vì Diệp yêu quý vợ chồng bà như vậy, dù biết chỉ là bố mẹ nuôi, chắc hẳn, với tình cảm và sự dưỡng dục bao năm qua cũng đủ để Diệp hiểu, tình cảm của hai vợ chồng bà dành cho cô lớn nhường nào. Nhưng ông bà cũng không ích kỷ nữa, bởi thời gian qua họ cũng suy nghĩ nhiều, Diệp đã đến tuổi trưởng thành, cô bé có quyền được lựa chọn mình sống thế nào, chỉ cần con gái luôn nhớ về những người làm cha làm mẹ như ông bà là hai người đã mãn nguyện lắm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui