Điệu Vũ Bên Lề

Ngày 2 tháng Sáu, 1992

Bạn thân mến,

Bạn có chơi trò nghịch cuối cấp không? Tôi đoán là xưa bạn có chơi, bởi chị tôi bảo chuyện nghịch ngợm là một truyền thống ở nhiều trường học. Năm nay, trò nghịch như sau: Vài học sinh cuối cấp đổ đầy hồ bơi bằng sáu ngàn gói bột Kool-Aid hương nho. Tôi chẳng biết ai nghĩ ra trò này, hoặc tại sao, trừ chuyện trò nghịch cuối cấp được cho là tín hiệu kết thúc trung học. Lý do vì sao tốt nghiệp lại liên quan tới một hồ nước nho thì tôi không hiểu nổi, nhưng tôi sung sướng vì thoát giờ thể dục.

Thực ra quãng thời gian này rất vui bởi tất cả bọn tôi đều đã học hành bù đầu cho hết năm. Thứ Sáu này sẽ là ngày học cuối cùng của tất thảy bạn bè cũng như chị tôi. Họ cứ liên tục nói chuyện về đêm tiệc khiêu vũ. Ngay cả những người cho rằng đó là một “trò bỡn” như Mary Elizabeth cũng không tài nào ngừng huyên thuyên về “trò bỡn” ấy. Chứng kiến mọi cảnh ấy thật là nhộn.

Vậy là đến lúc này, mọi người đều đã hình dung ra năm tới đây họ sẽ vào học trường nào. Patrick sẽ vào Đại học Washington bởi vì cậu ấy muốn sống trong không khí âm nhạc ở đó. Cậu ấy bảo muốn làm việc cho một công ty thu âm sau này. Có lẽ làm nhân viên quảng cáo, hoặc chuyên gia tìm kiếm phát hiện nhóm nhạc mới. Sam rốt cuộc đã quyết định ra đi sớm để dự chương trình học hè của một đại học mà cô ấy chọn. Tôi thích cách nói ấy. Đại học mà mình chọn. Chữ “trường sơ-cua” cũng thích.

Chuyện là Sam được hai trường nhận. Đại học mà cô ấy chọn cùng với một trường sơ-cua. Cô ấy có thể bắt đầu học ở trường sơ-cua vào học kỳ thu rồi, nhưng để được vào đại học mà cô ấy chọn, cô ấy phải học một khóa hè đặc biệt giống như anh tôi. Đúng thế! Trường ấy là Đại học Penn State, thật là tuyệt bởi giờ tôi biết mình chỉ cần đi một chuyến là thăm được cả anh tôi với Sam. Tôi không muốn nghĩ tới lúc Sam ra đi, nhưng tôi có tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nhỡ khi cô ấy cùng anh tôi bắt đầu hẹn hò, kể cũng ngốc nghếch khi nghĩ tới, bởi họ đâu có gì tương đồng, mà Sam lại đang yêu Craig. Tôi phải thôi nghĩ như vậy đi.

Chị tôi sắp vào một “đại học nghệ thuật tự do nho nhỏ ở miền Đông” có tên là Sarah Lawrence. Suýt nữa thì chị không được vào bởi học trường đó tốn tiền bộn, nhưng rồi chị giành được học bổng học thuật qua Hội Doanh nhân Hành thiện hay Chi hội Nai sừng tấm hay gì gì tương tự, kể ra thì tôi nghĩ họ thật hào phóng. Chị tôi xếp hạng nhì trong lớp. Tôi đinh ninh chị sẽ được làm đại diện phát biểu, nhưng chị bị dính con B lúc trải qua quãng thời gian đau khổ vì gã bạn trai cũ.

Mary Elizabeth sẽ vào trường Berkeley. Và Alice sẽ học ngành điện ảnh ở Đại học New York. Tôi chưa từng biết cô ấy thích các tác phẩm điện ảnh, nhưng hẳn là có. Cô ấy đơn giản gọi chúng là “phim” thôi.

Sẵn tôi kể là tôi đọc xong quyển Suối nguồn rồi. Thật là một trải nghiệm kỳ thú. Nói rằng đọc một quyển sách là trải nghiệm kỳ thú kể cũng lạ lẫm, nhưng quả tôi có cảm giác như vậy. Nó là một quyển sách khác những quyển trước, bởi nó không nói về trải nghiệm tuổi hoa. Và nó không giống với Người lạ hoặc Bữa trưa trần trụi mặc dù tôi nghĩ nó gợi cho ta suy ngẫm. Nhưng nó không đòi hỏi ta phải thật sự tìm hiểu về triết lý. Tôi nghĩ nó khá là thẳng tuột, và hay ở chỗ tôi lấy những gì tác giả viết mà so với đời tôi. Có lẽ chắt lọc có nghĩa là như vậy. Tôi không chắc nữa.

Có một phần trong sách, nhân vật chính, một kiến trúc sư, ngồi trên thuyền với người bạn thân thiết nhất là một ông trùm báo chí. Rồi ông trùm báo chí nói rằng tay kiến trúc sư là một kẻ lạnh nhạt hết sức. Kiến trúc sư đáp rằng nếu chiếc xuồng mà chìm, xuồng cứu sinh chỉ đủ chỗ cho một người, anh ta sẽ vui vẻ mà nhường phần sống cho ông trùm báo chí. Và rồi anh ta nói thế này…

“Ta sẽ chết cho người. Nhưng ta sẽ không sống cho người.”

Gì đó đại loại thế. Tôi nghĩ cái đáng nói ở đây là mỗi người phải sống cho cuộc đời của chính người đó, và họ lựa chọn chia sẻ cuộc đời ấy với tha nhân. Có lẽ đó là điều làm cho người ta “nhập thế.” Tôi không chắc lắm. Bởi tôi không rõ bản thân mình có khó chịu khi sống cho Sam một thời gian hay không. Nhưng ngẫm lại, cô ấy sẽ không muốn tôi làm vậy, như thế dễ chịu hơn những điều trên. Tôi mong là vậy.

Tôi kể với chuyên gia điều trị về quyển sách và thầy Bill và Sam và Patrick và tất thảy các trường đại học của họ, nhưng chú ấy cứ hỏi tôi về hồi tôi còn nhỏ. Tôi có cảm giác tôi đơn giản chỉ là kể mãi kể hoài cũng những ký ức đó cho chú ấy. Tôi không biết nữa. Chú ấy bảo kể ra là quan trọng. Tôi thấy chắc còn phải chờ xem.

Tôi định viết thư này dài hơn, nhưng giờ tôi phải ôn công thức toán để kiểm tra cuối môn vào thứ Năm. Hãy chúc tôi may mắn nhé!

Thương mến,

Charlie


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui