Năm Trình Vân bảy tuổi, cha mẹ bỏ lại anh chỉ mang theo em trai sang ngoại quốc mở rộng sự nghiệp.
Đứa trẻ lúc ấy chẳng biết làm gì ngoài khóc lóc, anh nói trong nước mắt, giọng đứt quãng nghẹn ngào:
"Cho con theo với, cha mẹ dẫn con theo được không?"
"Con sẽ ngoan ngoãn, con không cần đồ chơi nữa đều cho em trai."
"Sau này con sẽ nhường nhịn, nghe lời em trai sẽ không làm em ấy không vui.
Cha mẹ cho con theo với."
"Con không muốn ở đây một mình."
"Cha mẹ cũng thương Trình Vân mà.
Xin hai người đừng bỏ con."
Đứa trẻ từ lúc sinh ra đã cao quý hơn người khác, hưởng thụ tất cả điều tốt đẹp nhất, cuộc đời phía sau chú định thuận lợi, bình an.
Người đời dùng dăm ba câu tốt đẹp khái quát về Trình Vân, ghen tỵ anh may mắn, ghen tỵ anh đầu thai tốt.
Họ không biết, đứa trẻ họ luôn miệng ghen tỵ lại chẳng hề hạnh phúc như họ tưởng.
Mọi thứ nhòa trong nước mắt, hình ảnh của mẹ cũng trở nên mơ hồ.
"Trình Vân, con hiểu chuyện chút đi, đừng suốt ngày gây rắc rối cho cha mẹ."
Cơ thể Trình Vân run rẩy, đối diện sự xa cách của mẹ anh vừa ấm ức lại sợ hãi, đôi bàn tay nhỏ bé yếu ớt nắm lấy góc váy mẹ, muốn níu lấy chút thương xót ít ỏi gần như không có.
Nhưng tay còn chưa chạm tới mẹ đã ghét bỏ lùi về sau, nghiêm khắc nói với anh: "Cha mẹ là đi làm không phải đi chơi, ở nhà tự lo liệu lấy, có việc thì nói với quản gia."
"Mẹ ơi, mau đi thôi." Em trai gọi, gương mặt lạnh lùng của mẹ lập tức thay đổi, trở nên dịu dàng mang theo ý cười đáp lại: "Ây, để cục cưng đợi lâu rồi, chúng ta mau đi thôi."
Trình Vân đầy mặt là nước mắt nhìn sang cha, người cha chẳng bao giờ chịu chạm vào anh lúc này thân thiết bế em trai, cưng nựng em trai như trân bảo.
Còn em trai thì vui vẻ cười, đắc ý từ trên cao nhìn xuống anh với tư thế của kẻ chiến thắng.
Giây phút đó, chút hy vọng về tình thương của cha mẹ triệt để biến mất.
Anh hiểu, bản thân thật sự bị bỏ rơi.
...
Ông bà Trình rời đi, trong mắt những người làm Trình Vân thay đổi chỉ trong một đêm.
Trước kia anh rất ngoan, là đứa trẻ hoạt bát hay cười khiến ai nhìn đều thích, giờ đây lại trở nên u uất, ít nói.
Bóng tối lan xuống, màn khuya che khuất, có đứa nhỏ mỗi đêm trốn trong chăn lén lút khóc, kìm nén sợ hãi và nổi căm hận.
Anh hận cha mẹ không thương anh, hận họ bất công thiên vị em trai, hận họ bỏ rơi mình cũng hận họ tàn nhẫn vô tình.
Anh hận họ, đôi khi nhớ đến em trai trong lòng sẽ tràn ngập đố kỵ, đố kỵ đến mức khiến anh phát điên.
Thời gian thấm thoát trôi, ông bà Trình chẳng một lần gọi điện về hỏi thăm, hiếm hoi nhận được điện thoại của Trình Vân gọi qua lại tỏ thái độ, khiển trách anh phiền phức, yêu cầu anh sau này không cần gọi nữa.
Sự lấy lòng dường như ăn sâu vào trong tiềm thức của Trình Vân, cha mẹ không cho anh điện bọn họ, anh thật sự không điện nữa.
Căn nhà thật lớn, có rất nhiều người làm, họ rất quan tâm chăm sóc Trình Vân nhưng sự cô đơn, tủi khổ vẫn giày vò làm anh không thể nào sống vui vẻ nổi, có loại cảm xúc luôn thầm lặng muốn nuốt chửng anh.
Trong những lần bất chợt, anh thường nghĩ đến cuộc sống của cha mẹ cùng em trai giờ đây chắc hẳn rất hạnh phúc, sẽ tràn ngập tiếng cười và sự ấm áp khác xa hoàn cảnh anh đang trải qua.
Chỉ cần nghĩ tới đó, anh lại thấy tâm lý bản thân méo mó đi một chút, u ám đến mức mù lòa.
Cuộc sống như vậy rốt cuộc sẽ kéo dài tới bao giờ, anh cũng muốn được vui vẻ, anh cũng muốn từ bỏ bọn họ để mình sống nhẹ nhõm hơn nhưng đứa nhỏ bảy tuổi, suy nghĩ chưa đủ trưởng thành, tư duy như tờ giấy trắng bị những người thân thương nhất nguệch ngoạc bằng những nét vẽ tăm tối liệu rằng có thể lành lặn như thuở sơ khai được nữa hay không?
...
Ông bà Trình rời đi đã gần nửa năm.
Trình Vân hôm nay thức dậy từ rất sớm, anh im lặng ngồi trong phòng khách, mắt nhìn chằm chằm điện thoại đặt trên bàn.
Không một ai biết anh đang chờ điều gì?
Ánh sáng trong mắt yếu dần theo từng giờ trôi qua, mãi đến chiều, ngôi nhà lớn tiếp đón hai vị khách không mời.
Người đến tự nhận là ông ngoại của Trình Vân, đi cùng là một bé gái.
Cha mẹ cùng ông ngoại không có qua lại, anh chưa từng được gặp ông ngoại.
Lần này ông đến đây là muốn đón anh về bên cạnh mình để chăm sóc.
Ông ngoại nói, Trình Vân cái hiểu cái không, hiểu được đều là những việc khiến anh chú ý.
Ông nói cần anh, nói muốn chăm sóc anh, ông nói ông sẽ yêu thương bảo vệ anh như cái cách cha mẹ yêu thương bảo vệ em trai.
Lần đầu trong đời anh tìm thấy cho mình một điểm tựa, mọi trống rỗng trong lòng cũng được lấp đầy bởi những âu yếm, dỗ dành của ông ngoại.
Anh bật khóc, lặp đi lặp lại một câu hỏi: "Có thật không? Ông sẽ luôn cần cháu có đúng không?" như muốn xác nhận bản thân không ảo giác.
Ông ngoại không thấy anh phiền phức, luôn nhẫn nại đáp lại.
Đứa bé gái đi cùng ông từ đầu đến cuối luôn nắm lấy ống quần, rụt rè nấp sau lưng ông lúc này thò đầu ra nhìn Trình Vân bằng vẻ ngây ngô.
Đối diện đôi mắt ngập nước của anh bé gái ngập ngừng đứa tay thò vào trong túi yếm lấy ra chiếc kẹp tóc không do dự chìa về phía anh, giọng nói nhỏ gần như không nghe thấy: "Tặng anh, sinh nhật vui vẻ."
Trình Vân sửng sốt nhìn bé gái rồi nhìn chiếc kẹp tóc hồi lâu mới đưa tay ra nhận lấy, nói lời cảm ơn.
Thì ra, sự chờ đợi của anh cũng sẽ được đáp lại, sinh nhật của anh cũng sẽ có người biết và chúc phúc..