Đóa Mạn Đà La Của Cô Dâu Xứ Lâu Lan

Cô tỉnh lại trong lúc đang ngủ trên một cái giường cứng đơn sơ. Trong phòng rất tối, không bật đèn, nhưng từ của sổ trên mái nhà, bóng trăng sáng tỏ xuyên qua, chiếu vào, cảnh tượng như khi thần Giê-hô-va đọc thần chú cứu vớt thế nhân, ánh trăng mờ ảo và đều đặn phủ lên chăn nệm thành một tầng ánh sáng bàng bạc mỏng manh. Cô thấy, từ trong bóng đêm hé ra một gương mặt giống hệt mặt mình.

“Anh,” cô gọi anh, “Em ngủ lâu chưa?”

Nguyệt Trục Lỗi vuốt tóc cô, tiếng nói khàn khàn trong đêm đen vang lên khá đột ngột. Anh nói: “Nếu em thấy mệt, ngủ bao lâu cũng không sao!”

“Vậy Lâu Lan...”

“Cô ấy về rồi.”

“Em muốn...”

“Cái li bên tay phải em, phía bàn trà.”

Trục Lỗi luôn biết cô muốn nói gì để nói trước cho cô biết. Cô vươn tay phải, cầm li uống một ngụm nước, nước có một thứ hương vị mặn đắng nhè nhẹ, dường như là vị của nước mắt, trong mỗi phân tử như chất chứa sự tan rã và nỗi ai oán.

Trong khi uống nước, cô không ngừng nhìn anh. Tóc anh thật lâu không được cắt, những lọn dài trùm xuống phía dưới, cằm lởm chởm râu. Bộ dạng này khiến lòng cô nhói lên một nỗi chua xót, xem ra Trục Lỗi làm việc vô cùng vất vả. “Anh, anh gọi em tới Đôn Hoàng làm gì?” Cô đặt li xuống, thấy Trục Lỗi đứng lên, châm lửa ấy ngọn nến, ánh nến lấp lánh khiến cho khoảng tối rải đầy trên bức tranh dừng lại như một chiếc bóng yên ổn, như một thứ âm hồn, theo ngọn lửa mà lay động vô chừng.

Anh không nói lời nào, chỉ cầm một xấp giấy thô ráp đã được đóng lại đưa cô.

“Đây là...” Mắt Ấn Thần sáng lên, bích hoạ[11] cổ đại sao!

[11] Bích hoạ: tranh vẽ trên tường.

“Đây là thứ mà tuần trước bọn anh phát hiện trong ngôi mộ cổ ở vùng phụ cận Dương Gia Kiều. Bốn vách tường huyệt mộ đầy những hình vẽ miêu tả quang cảnh cổ đại, thứ này là một phần nhỏ trong đó. Anh không có hiểu biết gì về hội họa, còn em thì biết, cho nên giáo sư Tiền nhờ anh tìm người hỗ trợ.”

Giáo sư Tiền qua lời Trục Lỗi chính là Tiền Duyệt Nam, ngôi sao sáng trong giới khảo cổ. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, ông bắt đầu công việc khai quật những di chỉ ở Đôn Hoàng và những ghi chép liên quan, sau đó biên soạn lại. Khi Ấn Thần còn ở đại học, đã từng nghe ông báo cáo trong giảng đường chính, đề tài hình như là “Tiếng vọng của văn hóa Tây Vực”. Cô nhớ rõ bài giảng của ông rất lôi cuốn, có đề cập đến những bích hoạ trong Hang Mạc Cao cùng Hang Du Lâm, khiến cô cảm thấy vô cùng hứng thú, cũng bởi lý do này, cô bắt đầu nghiên cứu về bích hoạ.

“Bên trong cổ mộ cũng đang có bích hoạ sao? Các anh giữ gìn bằng cách nào mà hoàn hảo thế này?” Cô nhìn những đường cong trơn tru và nét vẽ tinh mĩ trên mặt giấy thô ráp, không khỏi thán phục.

“Ngoài những thứ này, bọn anh còn phát hiện một xác ướp phụ nữ.” Trục Lỗi quay lưng, “Đây có lẽ là phát hiện trọng đại chỉ đứng sau phát hiện quốc gia cổ Lâu Lan ở khu vực hồ Lop Nor[12] những năm 80 của thế kỷ trước.” Giọng nói của anh thật bình thản, không chút nào giống với những dòng chữ kích động trong lá thư anh viết gửi cô.

[12] Lop Nor (La Bố Lạc): Một vùng đất, nay là hồ muối và đầm lầy cát giữa Taklamakan và Kuruktag nằm về phía nam của nước cộng hoà DCND Trung Hoa.

Ấn Thần nhìn anh một cách mong chờ, hỏi: “Cho em nhìn một chút, được không?”

“Em nói xem?” Anh cười, yêu thương vuốt tóc cô, những sợi tóc mềm óng như tơ luôn luôn làm anh mê muội.

Ấn Thần nhìn đồng hồ, đoán chỉ có thể đi vào hôm sau. Đột nhiên, cô phát hiện chiếc vòng hoa sen trên tay phải của cô đã không cánh mà bay.

Lâu Lan, người đầu tiên cô nghĩ đến, trước khi đi vào giấc ngủ Lâu Lan từng vuốt qua tay cô. Là cô ấy cầm vòng tay của cô đi sao?

“Sao thế, Ấn Thần?” Trục Lỗi nhìn ra sự không vui của cô, bàn tay xoa đầu cô chậm rãi hạ xuống dưới, xoa hai gò má giống hệt má anh. Điểm khác biệt duy nhất là giữa trán cô có một “nốt ruồi chu sa”, giống hệt dấu chu sa trên mặt Đức Phật ngàn năm về trước.

Tay anh nhẹ nhàng vuốt ve vết sẹo, dịu dàng hỏi: “Còn đau không?”

Ấn Thần khẽ lắc đầu: “Anh, hết đau lâu rồi. Anh nghỉ ngơi đi, ngày mai chúng ta còn phải vào cổ mộ.” Cô uyển chuyển đẩy tay anh ra, hơi khó hiểu vì hành động của anh lại có thể thân mật như thế - anh chắc chắn biết, đối với mọi việc, cô luôn lạnh lùng thản nhiên. Chỉ trừ những bức tranh thơm nồng mùi mực.

Hội họa là cả thế giới đối với cô, là toàn bộ sinh mệnh cô. Trục Lỗi chậm rãi thu tay lại, xoay người. “Cứ như vậy, em nghỉ ngơi cho khoẻ, ngủ ngon.” Anh nói.

“Ngủ ngon.”

Ấn Thần thấy anh kéo cửa, từng bước một thong thả ra ngoài. Tấm lưng anh bị nhiễm ánh trăng rực sáng, dần dần tan vào giữa bóng đêm, phảng phất như một sinh linh cực khổ giữa những chiếc bánh xe thời gian, bị bùn đất chôn vùi, mai một, lộ ra nỗi bi thương cam chịu.

Cô nhẹ nhàng đóng cửa, bóng trăng ngoài cửa sổ dần dần dời về hướng tây như cô gái thẹn thùng, lại như khéo léo cười nụ.

Từ Dương Gia Kiều đến Núi Minh Sa đúng 1 km, nhưng phải qua tầng tầng bảo vệ mới đến huyệt cổ. Vùng phụ cận có một nơi đã bị tàn phá đến không chịu nổi được dân cư địa phương gọi Hoàng miếu. Tường miếu dùng gạch sống chế thành, thoạt nhìn niên đại thì khá là lâu đời. Khi đi ngang qua, Ấn Thần ngẩng đầu, nhìn về phía cạnh cửa cũ nát, mặt trên mơ hồ đề vài chữ nhàn nhạt.

“Anh, anh tới xem này.” Cô gọi Trục Lỗi, tìm kiếm điểm tựa để leo lên.

“Đây là cái gì?” Anh cũng đã chú ý tới chữ viết, lối chữ Khoa Đẩu[13] không giống loại chữ mà người dân bản đại Đôn Hoàng sử dụng. Có điều, ở thời cổ đại đặc biệt là thời kỳ từ Tiên Tần[14] tới Đường Tống, Đôn Hoàng nằm trên con đường tơ lụa, khó tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi văn hóa Tân Cương vùng Tây Vực.

[13] Chữ Khoa Đẩu: một lối chữ cổ, hơi giống con nòng nọc, gọi là khoa đẩu văn.

[14] Giai đoạn lịch sử của Trung Quốc trước khi nhà Tần thống nhất.

Từ quốc gia cổ Lâu Lan đến Cao Xương, Vu Điền, Quy Tư, Tây Vực[15] các dân tộc dung hợp tạo nên một vùng đất phức tạp mà đa dạng về hệ thống văn hóa.

[15] Tên các quốc gia cổ thời bấy giờ (thế kỷ 7-8 sau CN).

Có lẽ loại chữ viết này nhờ vào vị trí phát triển mà trở thành kiệt tác của những người thợ?

Anh nhìn Ấn Thần chậm rãi đặt tay lên, ngón tay tinh xảo cẩn thận, ngón trỏ và ngón giữa tay phải hơi hiện ra vết chai vì vẽ tranh. “Cẩn thận!”, anh đứng phía dưới, lo lắng.

Ấn Thần cẩn thận tìm điểm tựa cho cơ thể, lôi từ ba lô sau lưng ra xấp giấy thô ráp Trục Lỗi đưa, mở ra, trên mặt giấy là những dòng văn tự Khoa Đẩu, giống hệt.

Trục Lỗi nhìn Ấn Thần mở những trang giấy cổ có chữ ra, lướt mắt qua, nhíu mày: “Đây là chuyện gì?”

Cô nhìn về phía anh trai một cách hồ nghi.

“Chữ viết ở đây và chữ viết phát hiện trong cổ mộ giống hệt như nhau. Em vẫn không phát hiện tòa cổ miếu này và ngôi mộ cổ có xác ướp nữ kia có quan hệ kì lạ như vậy...”

“Chúng ta vào xem đi.” Ấn Thần tự đi về phía trước, trước khi bước vào cánh cửa cao ngất của miếu thờ, cô cảm giác mình nghe được tiếng khóc nức nở của một đám người cực kì bi thương, bi thương như muốn chết.

Dẫn đầu là một người đàn ông, quần áo lộng lẫy, thân thể già cỗi. Chòm râu bạc của ông xao xác trong làn gió lạnh, cô nghe thấy ông u sầu đọc, mơ hồ nghe vài câu cuối cùng: “Đại hàng truy phúc, thụ Phật phổ độ, bất xá thương sinh, hưng vận từ bi, vu thì giá hàng, phục duy thượng hưởng!”[16]

[16] Diễn dịch: Phúc lớn giáng xuống, chịu Phật phổ độ, thương cho dân đen, mở lòng từ bi, quay về phục tùng, phủ phục dâng lễ.

“Ô hô ai tai, hồn phách quy lai, phục duy thượng hưởng!”[17] Những người đi sau cùng hoà giọng bi ai.

[17] Ô hô ai tai, hồn phách quay về, phủ phục dâng lễ.

“Ấn Thần, em làm sao vậy, tỉnh lại đi!” Trục Lỗi thấy vẻ mặt cô hoảng hốt, đứng lặng bên cửa, khẽ vỗ vào cô.

“A…!” Cô cố khiến mình tỉnh táo lại, yên lặng lẩm nhẩm câu nói của ông lão trong ảo giác vài lần.

Bên trong miếu thờ là một khung cảnh tàn phá không chịu nổi: Đá vụn và mục nát như tấm màn phủ khắp nơi. Đòn dông đã sắp sụp xuống, hơi nghiêng về một bên. Những tượng Phật để cúng bái đã biến đâu mất, chỉ còn lại một đài hoa sen cô độc nằm ở ngay chính giữa.

“Đây là miếu thờ ‘Phật Nhiên Đăng’[18].” Trục Lỗi nhìn chăm chú vào đài hoa sen, kết luận.

[18] Phật Nhiên Đăng: Phật đầu tiên trong 12 vị phật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi sinh, chung quanh thân sáng như đèn, cho nên thành Phật gọi là Phật Nhiên Đăng, đăng nghĩa là đèn.

Chỗ ngồi của Phật Nhiên Đăng không giống như người thường, là năm bông hoa sen giao lồng vào nhau thành hai tầng trên một bệ đỡ. Tương truyền khi Phật Nhiên Đăng xuống trần, có một nhà sư “vì muốn đạt thành tất cả các loại trí, siêu độ cho chúng sinh vô lượng khổ” dâng tặng người bảy cành hoa sen, năm cành rơi xuống, biến thành đài sen, hai cành ở hai bên sườn, kề sát ống tay áo. Câu chuyện này đã được ghi lại trong rất nhiều Kinh Phật.

Hơn nữa ở vùng Tây Vực, Phật giáo rất thịnh hành, tín ngưỡng chủ yếu là Mani giáo[19], vì vậy những người ở đây thường dùng “Hỏa”, “Đăng” làm đối tượng để cúng bái. Bởi vậy, ở địa phương có rất nhiều miếu thờ “Phật Nhiên Đăng”, đương nhiên cũng có thể tên là “Định Quang Như Lai”.

[19] Mani giáo (còn gọi là Minh giáo) là một giáo phái bắt nguồn từ Ba Tư, được lưu truyền rộng rãi ở Trung Hoa thời nhà Đường, giáo phái này thờ lửa, coi lửa là sự sống.

Trong những bích hoạ ở Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, cũng có thể thường xuyên thấy vị Phật Tổ này tay cầm cây đèn để chúng nhân đến cúng bái, yên tĩnh an tường nhìn tăng chúng (người xuất gia) thụ (chịu) khổ. Ấn Thần đối với những câu chuyện xưa trong Kinh Phật chưa từng nghe qua, nhưng giữa tiềm thức phảng phất tồn tại một sợi dây mỏng manh kết nối, vây quanh những ký ức chôn dấu nhiều năm từ trong bùn đất, chậm rãi kéo lên, để chúng hiện rõ ràng ở một góc đầu.

Cô nhớ rõ hình như có một vị Phật điểm một ấn kí ngay giữa trán cô, thận trọng với cô: “Chớ hỏng pháp thân, nhớ lấy nhớ lấy!”

Nhất hoa nhất thế giới, nhất thụ nhất bồ đề.[20]

[20] Một câu trong kinh Phật.

Có lẽ ngôi miếu thờ này dãi gió dầm mưa, vì hàng ngàn năm trước từng trải qua một sự kiện bi thảm nào đó. Sinh linh lầm than, tăng chúng bỏ đi, văn minh tan biến... Tất cả, cuối cùng cũng vì bị dã man thôn tính!

Trục Lỗi đứng lên, lắc đầu nói: “Anh nghĩ ngoại trừ chữ viết trên cửa, chỗ này gần như đã bị phá hoại không còn gì. Ấn Thần, đi thôi!”

Cô lãnh đạm, pha lẫn nỗi bi ai nhìn lướt qua đài sen còn sót lại, nhớ tới một cô gái áo xanh, tay cầm một bình nước, miệng hơi hàm chứa ý cười, ngâm nga nói: “Nguyện lòng kiếp sau, luôn vì thê quân, tốt xấu không phân li.”

Ngay lúc đó, cô ngửi thấy mùi hoắc hương nhàn nhạt từ trên người Trục Lỗi.

Thời điểm ra khỏi miếu thờ, họ gặp Lâu Lan, giáo sư Tiền Duyệt Nam và người trợ lí của ông. Khi Ấn Thần nhìn Lâu Lan, cô ta cười tươi tựa hoa sen, không có thần sắc của một người đang chột dạ. Giáo sư Tiền đeo một chiếc kính, đằng sau hai tròng kính, mắt ông hòa nhã và hiền lành. Trên người ông mang đầy đủ dáng vẻ của một vị học giả kiến thức uyên bác. Sau khi giới thiệu đơn giản, Ấn Thần đưa cho giáo sư Tiền một đoạn văn tự cô đã chép trong miếu thác, không dài, chỉ một đoạn rất ngắn.

“Ấn Thần phát hiện những chữ này ở trước cửa miếu, so sánh với chữ trong cổ mộ, chúng tôi thấy khá tương đồng.” Trục Lỗi đứng bên cạnh giải thích.

“Ừm, Trục Lỗi, con vào huyệt mộ lấy một vài tờ văn tự mẫu lại đây.” Giáo sư Tiền trông rất chăm chú, cũng không ngẩng đầu lên.

Trục Lỗi cười như mặt trời, dường như thay giáo sư Tiền làm việc là một loại vinh hạnh. “Được.” Anh nói xong, xoay người đi ngay.

Lâu Lan quay đầu nhìn anh một cái, lại nhìn Ấn Thần, vẻ mặt trầm tư.

Ấn Thần hỏi: “Giáo sư, thầy cảm thấy đây giống như dạng văn tự mà dân cư bản địa sử dụng sao?”

Giáo sư Tiền trầm ngâm nói: “Rất khó nói. Nhà Hán khi hưng thịnh thường sử dụng Khư Lô văn[21], so với loại chữ này cũng khá tương tự. Nhưng chúng ta chưa có khảo chứng cụ thể, không thể dễ dàng kết luận.”

[21] Khư Lô văn: một văn bản phổ biến tại các khu vực lớn của Trung Á và là một loại ngôn ngữ thương mại quan trọng trên con đường tơ lụa và trong các ngôn ngữ Phật giáo.

“Cũng có thể là văn tự Điền Tắc?” Lâu Lan buông một câu.

“Cô nói là văn tự nước Vu Điền[22] sao?” Người tên Dương Vanh, trợ lí của giáo sư Tiền lắc đầu tỏ vẻ hoài nghi: “Vu Điền nằm phía trong Tân Cương, văn tự sao có thể xuất hiện ở Đôn Hoàng là vùng ngoài Tân Cương?”

[22] Vu Điền - nước Yutian (Khotan), một quốc gia cổ đại ở Trung Á, cũng nằm trên con đường tơ lụa, nằm trong lưu vực lòng chảo Tarim, con đường tơ lụa trong lòng chảo Tarim được chia thành hai lộ trình đi theo hướng bắc và hướng nam, men theo các rìa phía nam sẽ đi qua nước này.

Lâu Lan nở nụ cười: “Nhưng nhiều địa phương ở biên giới đất nước tôi đều khai quật được rất nhiều tiền cổ Ba Tư! Đồ vật ngoại lai hoặc văn hóa ngoại lai truyền bá đến những khu vực khác cũng không có gì kì quái.”

Giáo sư Tiền cũng cười: “Lâu Lan nói đúng. Ở Đôn Hoàng đã từng khai quật được một quyển sách cổ nội dung “Ghi chép về pháp luật – lịch sử Vu Điền”, dùng văn tự cổ ghi lại. Khả năng truyền bá cũng có thể có. Nhưng nước Vu Điền và ngôn ngữ Vu Điền, cũng như văn tự Vu Điền không được lưu truyền tới nay, ít nhất đến nay, chúng ta không có tư liệu về kiểu văn tự đó để so sánh.”

“Có lẽ.” Lâu Lan cười thần bí, nhưng không ai chú ý tới thái độ lúc ấy của cô.

Trục Lỗi đã đem một chồng giấy thô về cho giáo sư Tiền. Giáo sư Tiền vỗ vai Ấn Thần, sâu sa nói với cô: “Có lẽ em xuất hiện, công việc tìm tòi nghiên cứu cổ mộ của chúng tôi sẽ có tiến triển. Cố làm cho tốt vào nhé!”

Ấn Thần khẽ cười, tạm biệt ông, theo anh trai đi về phía cổ mộ


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui