Suốt đường đi, thỉnh thoảng mẹ cả và Đinh Ngọc sẽ vào ngồi chung xe ngựa với tôi, thỉnh thoảng sẽ ngồi võng. Chỉ có tôi là cương quyết bám trụ cái xe ngựa xóc nảy này. Đến tối cả đoàn sẽ vừa vặn nghỉ chân tại một trấn nào đó, thuê nhà trọ ngủ. Nhà trọ thời này thực ra rất đơn sơ. Cũng có phòng ngủ nhưng giường ngủ cũng chỉ là giường tre, có phòng kê thêm bộ bàn ghế. Đến tối vì quá mệt mỏi, tôi chỉ vừa nằm ra là ngủ mê mệt.
Cứ thế, đi ba ngày hai đêm, đến chiều tối ngày thứ ba thì đã đến Thăng Long. Quận công và vài người hầu khác đã chờ sẵn ở cổng thành, đón chúng tôi vào thành.
Trời sẩm tối, tôi nhìn ra ngoài qua ô cửa sổ chỉ thấy ánh đèn lồng treo trước cửa các ngôi nhà, đường phố thưa thớt người qua lại.
Quận công đưa mọi người vào một ngôi nhà lớn, tuy không rộng bằng phủ ở Nghệ An nhưng cũng đầy đủ các gian phòng và nội thất đẹp hơn nhiều. Ông nói rằng, đây sẽ là nhà mới của chúng tôi.
Tôi cùng Gạo đến một phòng nhỏ, leo lên giường, ngủ thẳng một giấc đến sáng. Trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi còn tự lẩm nhẩm, mình đang ở Thăng Long.
Khi tỉnh giấc đã là buổi trưa ngày hôm sau. Sau mấy ngày đi đường mệt mỏi, rốt cuộc tôi cũng được ngủ ngon lành như vậy. Vặn vặn người, tôi phát hiện ra cả người vẫn còn nhiều chỗ ê ẩm, nhức mỏi, đây là hậu quả của việc ngồi xe ngựa.
Gạo giúp tôi mặc áo, chải đầu, tết tóc, cài một chiếc trâm bạc. Tôi bước ra khỏi phòng, phát hiện cái cây trước phòng tôi là cây lựu. Hoa lựu đang nở đỏ như từng đốm lửa nhỏ trên cành.
Tôi hít một hơi thở sâu, đi qua gian nhà giữa ăn cơm. Cơm trưa đã dọn lên. Quận công, mẹ cả và Đinh Ngọc đều đang ngồi quanh bàn ăn để chờ tôi.
Mẹ cả thấy tôi, nói:
- Nhanh qua ngồi đi.
Lúc đầu tôi còn sợ sẽ bị mẹ cả la mắng vì tội ngủ nướng. Nhưng nghe giọng mẹ cả thì có vẻ ngủ dậy muộn không phải chỉ có mình tôi.
Tôi ngồi vào bàn. Ăn xong, tôi lại trở về phòng, leo lên giường nằm nghỉ.
Đến lúc tôi tỉnh giấc đã là chiều tà. Lúc tỉnh dậy, tôi nghe mùi thuốc Bắc phảng phất quanh phòng. Tôi ngồi dậy đi rót nước uống mới thấy một chén thuốc đen quánh trên bàn. Gạo cũng vừa lúc bước vào, nói là thuốc bổ, bắt tôi phải uống.
Tôi nhất quyết không uống cái chén thuốc đắng nghét này. Đúng lúc, mẹ cả đi vào phòng. Tôi miễn cưỡng cầm chén thuốc đưa lên miệng, nhắm mắt, bịt mũi, đổ thuốc vào miệng. Tôi cố gắng để không nôn chúng ra, Gạo nhanh tay đưa một ly nước lọc để tôi súc miệng.
Uống xong chén thuốc bổ, tôi muốn qua rủ Đinh Ngọc ra ngoài phủ chơi thì được Gạo nói cho biết, Đinh Ngọc mới lên cơn sốt lúc chiều. Tôi đoán đó là lý do mẹ cả bắt tôi uống chén thuốc đắng nghét kia. Tôi đi qua thăm Đinh Ngọc, nhìn sắc mặt chị đã có vẻ hết sốt. Chúng tôi nói chuyện phiếm, kể những chuyện gặp được trên đường đi cho đến bữa cơm tối.
Những ngày sau, mỗi ngày tôi căn bản chỉ làm ba việc: ăn, ngủ và ôn chữ. Đinh Ngọc cũng dần khỏe lại, thỉnh thoảng chúng tôi ngồi ở bàn đá dưới bóng cây lựu ăn chè đậu.
Quận công thì sáng chiều đều vào phủ chúa. Mẹ cả suốt cả ngày sai người bài trí gian phòng này đến gian phòng khác. Tôi vẫn chưa bước ra được khỏi cửa phủ. Một phần là vì Đinh Ngọc chưa khỏi bệnh, buồn sẽ gọi tôi nói chuyện, một phần là vì thời tiết.
Thời tiết ở Thăng Long có phần dễ chịu hơn ở trấn Nghệ An nhiều. Ít nhất trời sẽ không còn nóng và khô mà thay vào đó là nóng và ẩm ướt bởi những cơn mưa.
Một chiều mưa, tôi lấy thư Trịnh Khải ra đọc. Những chữ tôi không biết, tôi viết ra một tờ giấy khác, đem đi hỏi Đinh Ngọc từng chữ. Rốt cuộc tôi cũng biết được Trịnh Khải viết gì trong thư.
“Gửi Hoài An
Ta không thể nói lời từ biệt với nàng. Có dịp, ta sẽ quay trở lại tìm nàng.
Nếu nàng có lên Thăng Long, hãy đến nhà Hân quận công, không cần hỏi tên, chỉ đưa khăn tay sẽ có người biết nàng tìm ta.”
Tôi đọc xong tức giận, Trịnh Khải nghĩ anh ta là ai, sao tôi lại phải đi tìm anh ta chứ. Lại còn bày vẽ, cái gì mà không cần hỏi tên, chỉ đưa khăn tay sẽ có người biết nàng tìm ta. Tôi xếp thư và khăn tay cất vào hộp gỗ.
Tôi ngồi nhìn trời đang mưa rả rích ngoài kia. Chờ trời tạnh mưa, tôi phải tìm cách ra phố chơi. Tôi muốn xem Thăng Long ngày xưa phồn hoa như thế nào.
***
Rốt cuộc ngày hôm ấy cũng đến. Một sáng trời quang đãng, tôi và Đinh Ngọc xin phép mẹ cả ra phố. Gạo đi cùng chúng tôi.
Nếu ở trấn Nghệ An có thể nhìn thấy người đi qua đi lại trên phố rất đông vui thì ở Thăng Long lại càng cực kỳ đông vui và náo nhiệt. Nhà cửa, hàng quán san sát nhau. Đường phố được lót gạch rất sạch sẽ. Người đi lại trên phố có hơn một nửa là mặc áo quần rất đẹp và nho nhã, một nửa còn lại là những người buôn bán nhỏ, những người hầu… Như vậy, người giàu và quan lại ở Thăng Long rất nhiều, không cẩn thận gây sự với người trên phố có thể sẽ khó bảo toàn tính mạng, đó là Đinh Ngọc nói với tôi.
Sau một hồi ngắm hết con phố này đến con phố khác, tôi quay qua nói với Đinh Ngọc:
- Mình ra hồ Hoàn Kiếm chơi đi chị.
Đinh Ngọc hỏi lại:
- Em vừa nói gì?
Tôi bất giác nghĩ rằng, không lẽ thời này hồ Hoàn Kiếm có tên khác. Tôi nói lại:
- Không phải Thăng Long có một cái hồ rất lớn sao? Cái hồ mà Lê Lợi trả gươm cho rùa vàng ấy.
Đinh Ngọc bật cười, cười run cả vai. Tôi nhìn thấy thế thì càng bối rối. Đinh Ngọc che miệng cười xong, quay qua nói với tôi:
- Em đang nói đến hồ Tả Vọng phải không?
Tôi đoán có lẽ là đúng cái hồ ấy rồi liền gật gật đầu. Đinh Ngọc nín cười, kéo tay tôi rẽ ra một con phố khác. Rất nhanh đã đến hồ Tả Vọng, tôi nhìn mặt hồ, nửa thấy quen nửa thấy lạ. Quen là vì giữa hồ đúng là có một gò đất như đảo nhô lên nhưng không hề có Tháp Rùa như ngày nay. Tôi nhìn qua hướng đảo Ngọc Sơn ngày nay, nơi đó không phải là ngôi đền mà là một đình lớn, có đến hai tầng. Bên trên có lính canh gác. Sau này tôi mới biết, đó là đình Tả Vọng, một nơi thuộc về phủ chúa Trịnh.
Còn nữa, hồ Tả Vọng nhìn thế nào cũng cảm thấy rộng hơn hồ Hoàn Kiếm. Ở bờ đông hồ Tả Vọng có một tòa nhà được xây rất lớn, cao phải đến ba tầng, mái nhà uốn lượn, cột sơn đỏ. Tôi để ý, trên đó có rất nhiều lính gác. Tôi chỉ tòa nhà đó, hỏi Đinh Ngọc. Đinh Ngọc lại chỉ ra xa hơn rồi nói bên đó là hồ Hữu Vọng, tòa nhà tôi hỏi là lầu Ngũ Long, nơi duyệt thủy quân. Tôi chỉ là đang nhìn thấy một góc của lầu Ngũ Long mà thôi.
Tôi há hốc miệng, nhìn về phía hồ Hữu Vọng, nơi đó thấp thoáng cột cờ của thuyền chiến. Đinh Ngọc nhìn thấy biểu cảm trên gương mặt tôi thì chỉ cười, nói:
- Cả thành Thăng Long này ai không biết, nhìn em xem, đúng là quên sạch sẽ rồi. Người ta nhìn vào lại nghĩ em lần đầu tiên đến đây.
Tôi lè lưỡi làm mặt xấu với Đinh Ngọc, nàng thấy càng cười lớn hơn. Cả ba người đều cùng cười vui vẻ.
- Hai tiểu thư không biết đang nói chuyện gì mà vui vẻ như vậy? – Một giọng nam nói lớn.
Tôi nhìn qua phía người vừa nói, có hai anh chàng ăn mặc bảnh bao, đứng hai bên là hai người hầu nam. Người áo dài màu trắng, vát chéo màu xanh dương, đầu quấn khăn xanh nhạt bước tới gần hơn, lặp lại câu hỏi:
- Không biết hai vị tiểu thư đang nói chuyện gì mà vui vẻ như vậy?
Mặt anh ta thuôn dài, trăng trắng, chân mày mỏng như lá liễu, đôi mắt phong tình. Lần đầu gặp một anh chàng tướng to con nhưng khuôn mặt nhìn qua cứ ngỡ con gái ,mười sáu tuổi. Tôi đưa tay bịt miệng cười lớn. Nhìn thấy tôi cười như vậy, mặt anh ta nhăn nhúm lại. Đinh Ngọc kéo kéo tay tôi, tôi mới gắng gượng đứng thẳng người.
Vị công tử đứng sau cũng bước lên trước, khóe môi hơi giãn ra. Anh ta mặc áo dài màu nâu, đầu quấn khăn đen. Anh ta chắp tay chào hỏi, nói:
- Không biết người anh em của tôi đã làm chuyện thất lễ gì khiến cho tiểu thư đây cười chê?
Anh chàng áo trắng nghe nói đến từ “thất lễ”, mặt càng nhăn. Tôi xua tay, nói:
- Không có, không có. Là do tôi cười chuyện ban nãy chưa xong thôi. – Tôi làm sao dám nói tôi cười vì gương mặt “xinh gái” của anh chàng áo trắng.
Anh chàng áo trắng lúc này mới thả lỏng cơ mặt. Anh chàng áo nâu đứng ra giới thiệu:
- Tôi là Nguyễn Cảnh, còn đây là em họ tôi, chú ấy tên Nguyễn Hoàn. Không biết các vị tiểu thư đây là...
Đinh Ngọc cúi đầu nói:
- Tên tôi là Đinh Ngọc, em ấy là Đinh Thanh.
- Ra là hai tiểu thư của nhà Huy quận công, rất hân hạnh. – Nguyễn Cảnh cười nói.
Tôi và Đinh Ngọc rất ngạc nhiên, sao anh ta lại biết. Nguyễn Hoàn ở bên đã phẩy quạt:
- Tiếng lành đồn xa, từ mấy ngày trước ai ai cũng nói Huy quận công đã trở lại kinh thành, hai tiểu thư Đinh Ngọc, Đinh Thanh như hoa như ngọc rốt cuộc cũng trở về theo. Người ta còn bàn tán với nhau xem ai trong kinh thành mới xứng đáng được làm con rể nhà Huy quận công. Tôi thấy, là một đồn mười rồi. Trăm nghe không bằng mắt thấy, ai lấy phải tiểu thư nhà Huy quận công về thật phải tội.
Đinh Ngọc mím môi, tôi tức giận, giả bộ quay qua hỏi Gạo:
- Không biết vừa nãy, ai xách áo chạy đến giả bộ làm quen vậy?
Đinh Ngọc và Gạo nghe thấy, bịt miệng cười. Nguyễn Hoàn trợn mắt, Nguyễn Cảnh nín cười. Tôi nói tiếp:
- Ai bảo con trai Thăng Long nho nhã, lời nói ra xuất khẩu thành thơ, ý chí cao ngất ngưởng? Đúng là trăm nghe không bằng mắt thấy, đúng là một đồn mười. Như người trước mặt đây, chẳng phải là công tử hào hoa phong nhã đất kinh kì đây sao, vậy mà mặt trắng như bột, nói câu nào bùn đất văng tung tóe câu đó, chẳng nghe ra một chút chí khí nam nhi.
Nguyễn Hoàn nghe tôi mắng xong, mắt trợn to ra, phong tình vì thế cũng bay mất, mặt anh ta trắng chuyển sang đỏ, tức giận đến mức thở phì phò.
Đinh Ngọc ở bên vừa nín cười vừa kéo kéo tay tôi ý nói đi thôi, đừng nhiều lời nữa. Tôi quay qua trợn mắt với Nguyễn Hoàn rồi bước đi. Nhưng Nguyễn Cảnh đã đứng chặn lại.
- Xin hai tiểu thư đừng giận, chú ấy chỉ nói lung tung, không đáng để ý.
- Em nói lung tung chỗ nào. Rõ ràng tiểu thư khuê các lại ăn nói hung dữ như vậy. – Nguyễn Hoàn chen vào.
Tôi tính mắng cho anh ta thêm một trận thì bị Đinh Ngọc kéo ra sau, chị nói với Nguyễn Cảnh:
- Công tử, em gái tôi cũng có phần nói hơi nhiều. Dù sao đôi bên cũng đã nói qua nói lại, vậy chuyện này xem như bỏ qua. Mong các vị công tử không kể chuyện này ra bên ngoài.
Trong câu nói của Đinh Ngọc, tôi nghe ra chị lo sợ chuyện tôi to tiếng với Nguyễn Hoàn nếu truyền ra ngoài sẽ làm mất hình ảnh của tôi. Nguyễn Cảnh nói:
- Tiểu thư an tâm. Chuyện này vốn cũng không hay ho gì.
- Đúng là không hay ho gì nên mới muốn che giấu. – Nguyễn Hoàn tiếp lời.
Tôi cười, nói:
- Vậy công tử cứ tùy ý nói, nhưng nhớ nói rõ ràng rằng công tử muốn chọc phá con gái nhà người ta trước, chỉ là bị người ta trả đũa mà thôi.
Tôi cười, Đinh Ngọc cười, Nguyễn Cảnh cười, Gạo và hai tên người hầu của bọn họ cũng cười. Chỉ có mặt của Nguyễn Hoàn là méo mó.
- Anh xem, Huy quận công thật khéo dạy con gái. – Nguyễn Hoàn nghiến răng nói.
- Đừng ăn nói lung tung. – Nguyễn Cảnh nạt lại Nguyễn Hoàn, sau đó quay qua chúng tôi, nói:
- Chúng tôi phải đi có việc, rất mong có duyên gặp lại.
Nguyễn Hoàn bị Nguyễn Cảnh kéo đi qua con phố bên cạnh. Đinh Ngọc quay qua lấy ngón tay gí vào trán tôi, cười:
- Em thật chua ngoa. Đi về thôi, mới ra ngoài một tí đã muốn gây chuyện rồi.
Tôi bĩu môi, đi theo Đinh Ngọc về phủ.