Đinh Ngọc ban đầu trách tôi nhận lời lung tung, nhưng nàng cũng rất vui vẻ đi chơi cùng tôi. Mẹ cả đã lên chùa từ chiều vẫn chưa về, quận công chỉ dặn chúng tôi đi nhớ về sớm.
Tôi và Đinh Ngọc xúng xính váy áo, mang giày vải đi ra phủ. Gạo đi cùng chúng tôi. Vừa ra phố, cả ba chúng tôi lập tức bị hớp hồn. Các dãy phố treo rất nhiều đèn lồng đỏ, sáng rực. Hàng quán bán đồ lễ hội buổi tối được kê ra sát các con đường. Trên đường, trai gái đi qua đi lại rất đông vui.
Chúng tôi đi dọc con phố, vui vẻ ngắm nhìn các mặt hàng đang treo bán. Có mặt nạ, lồng đèn, thuyền giấy thả sông… đủ các kiểu dáng và màu sắc.
Khi vừa đến lầu Dương Khê, một người hầu của Nguyễn Cảnh đang đứng trước cửa nhìn thấy chúng tôi thì chạy đến nói:
- Tiểu thư, các công tử đang đợi trên lầu.
Chúng tôi theo anh ta lên lầu trên, vén rèm trúc vào một gian nhỏ. Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn đang ngồi bên bàn tròn, thấy chúng tôi đến thì đứng dậy chào. Sau khi chào hỏi, chúng tôi cùng ngồi xuống bàn. Tôi phát hiện, từ chỗ ngồi này nhìn ra được hai con phố bên dưới, đèn lồng treo sáng rực, có thể nhìn rõ cả mặt người qua lại. Nếu nhìn ra xa lại thấy một khoảng hồ Tả Vọng, rất nhiều người đang tụ tập ở đó thả đèn hoa đăng. Quả nhiên là chỗ ngồi tốt, vừa yên tĩnh lại ngắm nhìn được toàn cảnh lễ hội.
Nguyễn Cảnh rót trà vào ly nhỏ, Nguyễn Hoàn phẩy phẩy quạt, anh ta hất cằm nói:
- Hai tiểu thư thấy ngồi ở đây có phải tốt lắm không?
Đinh Ngọc cười. Tôi đưa ngón tay cái tới trước mặt Nguyễn Hoàn. Anh ta nhìn thấy, trợn mắt, dùng cái quạt đẩy tay tôi ra rồi hỏi:
- Đinh Thanh, nàng là đang làm gì vậy? Không phải là không thích chỗ này nên muốn đánh tôi đấy chứ?
Nguyễn Cảnh và Đinh Ngọc quay qua nhìn tôi. Tôi lại đưa ngón tay cái trước mũi Nguyễn Hoàn, vừa cười vừa nói:
- Ý của tôi là rất tốt. Tôi rất thích.
Nói xong, tôi cười thành tiếng. Nguyễn Hoàn ngớ người ra, sau đó cũng nhanh chóng bật cười lớn. Cả bốn chúng tôi cùng cười. Nguyễn Cảnh vừa đẩy đĩa bánh đậu xanh nướng đến trước mặt tôi và Đinh Ngọc vừa nói:
- Hai tiểu thư ăn thử xem, bánh đậu xanh nướng nhân mứt của lầu Dương Khê làm rất nổi tiếng.
Nguyễn Hoàn nhìn tôi rồi trêu:
- Em nghĩ anh chỉ nên mời tiểu thư Đinh Ngọc thôi, Đinh Thanh không cần mời nàng ấy cũng sẽ không tha đâu.
Nguyễn Cảnh và Đinh Ngọc cùng cười, tôi chưng vẻ mặt thản nhiên, bốc một miếng bánh đưa lên miệng ăn xong mới nói:
- Bánh thật thơm ngon nha, có điều hương vị bị bay mất một nửa rồi.
Nguyễn Hoàn thắc mắc:
- Tại sao?
- Tại ai đó nói ra những lời không thơm tho gì. – Tôi thản nhiên đáp.
Ba người họ im lặng, rồi Đinh Ngọc che miệng cười, Nguyễn Cảnh bật cười lớn chỉ riêng Nguyễn Hoàn vẫn ngồi đó, tỏ vẻ mặt không hiểu. Tôi nhìn mặt anh ta, thật rất buồn cười, không nhịn được nữa, tôi cũng cười lớn.
Đến khi chúng tôi cười xong, Nguyễn Hoàn mới dường như hiểu ra ý câu nói ban nãy của tôi. Anh ta tức giận, đỏ mặt, chỉ tay vào người tôi:
- Đinh Thanh, nàng dám nói tôi không thơm tho.
Cả ba chúng tôi nghe thấy lại càng cười lớn hơn. Tôi cười đến mức nước mắt chảy ra. Không ngờ Nguyễn Hoàn lại ngốc nghếch như vậy, lời nói không thơm tho lại thành ra cả người không thơm tho.
Cả bốn người chúng tôi nói chuyện rất vui vẻ, chủ yếu vẫn là tôi và Nguyễn Hoàn nói qua nói về, trêu chọc nhau. Bàn bên, Gạo và hai anh chàng người hầu cũng ăn bánh, thỉnh thoảng cười theo những câu chuyện đùa của chúng tôi.
Nguyễn Cảnh lên tiếng:
- Đã sắp đến giờ thả đèn hoa đăng. Chúng ta ra hồ Tả Vọng đi.
***
Vừa bước ra khỏi cửa lầu Dương Khê, tôi đã nhìn thấy Trịnh Khải đang đứng ở bên đường đối diện. Anh đang nhìn tôi.
Tôi vui mừng trong lòng, tìm hoài rốt cuộc ngẫu nhiên cũng gặp được Trịnh Khải. Tôi nói nhỏ với Đinh Ngọc:
- Em hơi đau bụng, em về phủ trước, chị cứ cùng Gạo đi ngắm đèn hoa đăng.
Đinh Ngọc lo lắng:
- Đau nhiều không? Để chị cùng em về.
Tôi lắc lắc đầu, nói thầm:
- Chỉ là hơi đau thôi, em tự về. Chị đi chơi đi.
Tôi quay qua nói với Gạo:
- Em đi theo Đinh Ngọc, chị về phủ trước.
Gạo ngạc nhiên nhưng cũng chỉ “dạ” một tiếng. Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn đi một bên quay qua hỏi tôi:
- Đinh Thanh, nàng đang nói to nhỏ chuyện gì vậy?
- À, tôi chợt nhớ ra, mẹ dặn tôi làm chút việc. Thật ngại quá, tôi phải về phủ trước. – Tôi cười cười.
Nguyễn Hoàn nhíu mày, tỏ ra nghi ngờ:
- Đinh Thanh, là việc gì mà giờ này nàng phải làm?
- Là việc trong phủ. Mẹ dặn tôi làm từ chiều mà tôi quên mất, lát mẹ đi chùa về không thấy xong việc lại la mắng. Tôi phải về trước đây.
Nguyễn Hoàn cười lớn:
- Tôi biết mà, nàng ta quả nhiên lười biếng.
Tôi hứ một tiếng, không thèm tranh cãi với anh ta. Nguyễn Cảnh quay qua hỏi Đinh Ngọc:
- Có phải nàng cũng về cùng Đinh Thanh không?
Tôi vừa xua tay vừa nói:
- Không có, chỉ mình tôi thôi. Hai người nhớ chăm sóc Đinh Ngọc, đưa chị về tới phủ an toàn.
Nguyễn Cảnh cười:
- Tất nhiên.
Tôi mỉm cười, tạm biệt họ rồi rẽ qua con phố bên cạnh, nấp vào một con sư tử đá. Chờ cho đến khi họ đi khuất bóng, tôi mới thở phào. Tôi tính quay lại trước cửa lầu Dương Khê tìm Trịnh Khải nhưng đã bị một bóng đen chắn trước mặt. Tôi ngước mắt nhìn lên, là Trịnh Khải.
Tôi đứng thẳng người, mỉm cười chào Trịnh Khải. Anh hỏi tôi, vẻ mặt lạnh nhạt:
- Sao nàng quen biết bọn họ?
Bọn họ? Là ám chỉ Nguyễn Hoàn và Nguyễn Cảnh sao? Tôi vừa cười vừa trả lời:
- À, chỉ là tình cờ gặp thôi.
Trịnh Khải hừ một tiếng:
- Nàng lại bắt đền người ta?
Tôi trố mắt ra, Trịnh Khải thật hài hước, tôi đâu phải là người gặp ai cũng ăn vạ được. Tôi nói:
- Là bọn họ mời.
Trịnh Khải nói tiếp, vẻ mặt càng lạnh hơn:
- Ai mời nàng cũng đi?
Này này, sao tôi lại có cảm giác tôi đang bị bức cung vậy, trả lời kiểu nào cũng bị dính tội. Tôi vuốt ngực, vừa mới vui mừng gặp lại anh ta, đã bị anh ta chọc cho tức giận rồi. Tôi quay lưng bỏ đi.
Đi được vài bước, tôi vẫn không nghe Trịnh Khải nói gì. Tức giận. Tôi quay người, đi trở lại trước mặt Trịnh Khải rồi lên tiếng:
- Công tử không thể nói gì khác sao?
Trịnh Khải đầu tiên là ngạc nhiên khi thấy tôi quay lại, sau đó lại tỏ vẻ mặt nhẫn nhịn, anh nói:
- Được. Vậy ta nói chuyện khác. Tại sao hôm đó nàng bỏ đi?
Tôi cắn môi, cúi đầu, tức giận bay biến đâu mất, thay vào đó là xấu hổ. Tôi nên trả lời thế nào đây, đã hứa với anh ta là ngồi chờ, rốt cuộc tôi chạy trốn, còn ôm theo bánh mứt.
Trịnh Khải vẫn đứng im chờ tôi trả lời. Rốt cuộc Trịnh Khải lên tiếng trước:
- Thôi vậy. Nếu lần sau nàng không thích điều gì thì cứ nói với ta.
Tôi ngước mắt nhìn Trịnh Khải, không biết anh ta có đang hiểu lầm gì không. Trịnh Khải nhìn mặt tôi, thở dài mà nói:
- Ta đưa nàng đến một nơi.
Tôi gật đầu. Trịnh Khải đi chầm chậm, tôi đi ngay bên cạnh. Trịnh Khải im lặng, tôi cũng im lặng.
Ra khỏi khu phố đông vui, chúng tôi lại rẽ qua một con đường vắng hơn. Lúc chúng tôi đến bên một cái cổng đền cũ, Trịnh Khải đẩy cánh cửa gỗ đi vào, tôi đi theo, sau đó anh mới quay người đóng cửa cổng. Vừa bước vào cổng tôi đã nghe được hương hoa sen thoang thoảng trong gió.
Bên trong đền không được thắp đèn, nhưng không hề tối. Ánh trăng tròn trên đầu soi rõ khuôn mặt của chúng tôi. Trịnh Khải lên tiếng:
- Đền này bỏ hoang đã lâu. Tượng đều đã được đưa qua nơi mới. Chỉ có ao sen là vẫn còn.
Tôi mỉm cười. Lần theo mùi hương đi qua. Mới đi được vài bước, chân đã bị bước hụt, người chới với về phía trước, rất nhanh Trịnh Khải đã kéo tay tôi lại. Tôi thuận đà ngã vào người anh, nghe được hương hoa lài nhè nhẹ từ người anh.
Trịnh Khải hỏi:
- Nàng có sao không?
Tôi xấu hổ, tách ra, đi lùi một bước, lại bị hụt chân. Lần này Trịnh Khải đã cầm lấy tay tôi, giữ người tôi đứng vững.
Trịnh Khải không thả tay tôi ra, anh chỉ cười:
- Đoạn này có vài bậc thang đi xuống, nàng đi chậm thôi.
Nói rồi, Trịnh Khải từ từ đi trước, tôi nhìn theo bước chân của anh để đi. Trịnh Khải vẫn đang nắm lấy tay tôi. Bàn tay anh to, rất ấm áp.
Đến bên ao sen, Trịnh Khải để tôi ngồi lên thành ao. Thành ao được xây cao ngang bụng tôi nhưng rất rộng, tôi ngồi rất thoải mái, không sợ ngã xuống dưới. Ánh trăng sáng rọi xuống mặt ao lấp lánh ánh nước, chiếu sáng những bông sen đang tỏa hương thơm ngát.
Tôi quay qua cười với Trịnh Khải đang đứng bên cạnh:
- Thật đẹp. Sao công tử biết nơi này?
Trịnh Khải nhìn sững tôi, sau đó quay qua nhìn xuống ao sen, giọng trầm ấm:
- Tình cờ biết được. Ta đoán là nàng thích hoa sen.
Tôi bất ngờ, có lẽ là vì hai lần tôi gặp Trịnh Khải đều tại ao sen nên anh nghĩ tôi thích hoa sen. Tôi cảm thấy ngọt ngào từ tận đáy lòng. Tôi quyết định, từ nay sẽ thích hoa sen.
- Rất thích. – Tôi cười vui vẻ.
Lần này, Trịnh Khải quay qua nhìn tôi rất lâu. Anh nhìn đến mức tôi thấy máu dồn lên mặt, đành ngại ngùng nhìn ra xa ao sen.
Tiếng sáo bỗng vang lên. Tôi quay mặt lại nhìn Trịnh Khải đang đứng đó, trên tay cầm sáo trúc, thổi lên những giai điệu réo rắt, du dương. Lần này đến lượt tôi nhìn Trịnh Khải không rời mắt.
Trịnh Khải đứng đó, ánh trăng chiếu sáng khuôn mặt tuấn tú. Tà áo dài của anh và cả dây vải buộc ngang đầu bay nhè nhẹ theo làn gió. Tay anh di chuyển trên cây sáo trúc. Mắt anh nhìn thẳng vào tôi, dịu dàng. Tôi nghe tim mình đập liên hồi.
Đến khi tiếng sáo ngừng, tôi cũng không hề hay biết. Trịnh Khải lên tiếng kéo tôi về với thực tại:
- Không hay sao?
- Hả? À, rất hay. Không ngờ công tử thổi sáo hay như vậy. – Tôi ngại ngùng cười.
Trịnh Khải cất cây sáo vào thắt lưng áo đằng sau, hèn gì tôi không nhìn thấy cây sáo. Tôi hỏi:
- Công tử có thường xuyên thổi sáo không?
- Chỉ những lúc buồn. – Trịnh Khải đáp.
Tôi à một tiếng, cúi mặt nhìn đôi giày thêu dưới chân mình.
- Hôm nay là vì vui mà thổi. – Giọng Trịnh Khải rất nhỏ, thoảng qua tai tôi.
Tôi ngước mặt, nhìn anh. Trịnh Khải đang mỉm cười nhìn tôi. Tôi ngượng ngùng nói:
- Hôm nay chàng cười nhiều quá đấy.
Nói xong, tôi cũng giật mình. Tôi vừa gọi Trịnh Khải là chàng sao? Thật xấu hổ đến mức muốn nhảy ngay xuống ao để chết đi. Trịnh Khải nghe thấy, cười rất khẽ.
Chúng tôi, một đứng, một ngồi, im lặng nhìn nhau, bao bọc quanh chúng tôi là hương sen thơm ngát.
Được một lúc, Trịnh Khải ngước đầu nhìn trăng rồi quay qua nói với tôi:
- Đã muộn, ta đưa nàng về.
Tôi gật đầu, đang định tụt xuống thì Trịnh Khải đã đưa bàn tay ra trước mặt tôi, giọng anh ấm áp:
- Cầm tay ta, nếu không nàng sẽ lại ngã.
Tôi đặt tay mình vào tay anh, Trịnh Khải đỡ tôi xuống. Anh vẫn giữ nguyên tay tôi trong tay anh, theo lối cũ đi ra khỏi đền. Vừa ra khỏi đền, Trịnh Khải mới thả tay tôi ra.
Tôi thấy có chút hụt hẫng, hai tay tôi nắm lại với nhau. Trịnh Khải quay qua nói với tôi:
- Nhà nàng ở phố nào?
Tôi nói, anh ừ một tiếng. Chúng tôi sóng đôi, im lặng đi trên đường.
Đến trước cửa phủ Huy quận công, Trịnh Khải nhìn cánh cổng lại nhìn tôi rồi nói:
- Nàng vào nhà đi.
- Công tử về cẩn thận. – Tôi đáp lại.
Trịnh Khải nghiêng người ghé vào một bên tai tôi, nói nhỏ:
- Gọi là chàng.
Tôi đoán tai tôi chắc là đã đỏ bừng, tôi thẹn quá không nói được, chỉ có thể giả bộ tức giận:
- Mau về đi.
Trịnh Khải mỉm cười rồi quay người đi. Tôi vẫn đứng im trước cổng nhìn bóng lưng anh. Trịnh Khải đi tới góc đường, anh quay lại nhìn tôi, khóe miệng giãn ra rồi rẽ qua đường khác, khuất bóng.
Tôi quay lưng đi vào, đưa tay đẩy cửa cổng. Cửa đã khóa, tôi đành gõ cửa. Một anh chàng người hầu rất nhanh mở cổng, ló mặt ra thấy tôi thì nói:
- Tiểu thư, tôi đợi người nãy giờ.
Tôi gật đầu. Ra là anh ta ngồi đằng sau cánh cổng và đang đợi tôi về. Tôi vừa bước vài bước đã thấy tấm bảng ghi tên phủ nằm chỏng chơ một bên. Tôi quay lại hỏi:
- Sao nó nằm ở đây?
- Dạ tiểu thư, bà đi chùa về, nói tấm bảng phủ phải được thay mới, tôi vừa hạ nó xuống, lát sẽ đưa ra sau nhà ạ.
Tôi lại gật đầu. Ban đầu tôi cứ ngỡ khi về tới phủ, Trịnh Khải sẽ biết tôi là người của phủ Huy quận công, tôi cũng sẽ thành thật nói rằng mình là Đinh Thanh. Nhưng cuối cùng, tấm bảng phủ lại nằm ở đây.
Ra gian nhà sau, vào phòng, tôi bắt gặp Gạo và Đinh Ngọc đang ngồi đợi tôi trong phòng. Gạo thấy tôi thì chạy đến:
- Tiểu thư, sao giờ này mới về?
Tôi mỉm cười với Gạo, rồi đi đến bên ghế, ngồi trước mặt Đinh Ngọc, chờ bị hỏi cung. Đinh Ngọc nghiêm mặt:
- Đinh Thanh, em nói đi. Em bịa chuyện để đi đâu chơi vậy?
Tôi làm mặt tội nghiệp, cầm lấy cánh tay Đinh Ngọc mà nói:
- Chị, em đau bụng thật mà. Em về nhà xong hết đau bụng, quay ra tìm mọi người nhưng không thấy ai. Do đó em mới về muộn.
Đinh Ngọc hừ một tiếng, đẩy tay tôi ra:
- Em càng ngày càng giỏi, nói dối không cần nháy mắt phải không? Chị đã hỏi tên gác cổng, em về nhà lúc nào.
Tôi chột dạ, bịa tiếp:
- Thật mà, em vừa về đến cổng đã hết đau nên không có vào nhà. Em quay ra phố tìm mọi người thì bị lạc, loay hoay mãi đến khi ra tới hồ Tả Vọng lại không gặp ai.
Tôi lại làm mặt tội nghiệp. Đinh Ngọc khẽ lắc đầu:
- Nhìn mặt em kìa, sao có thể lạc đường được. Ngủ đi, sáng mai tìm cách mà trả lời với cha mẹ.
Nói rồi, Đinh Ngọc đứng dậy đi về phòng của nàng. Tôi nghĩ là chị giận tôi rồi. Tôi rót nước uống, thay áo, leo lên giường. Trước khi tắt đèn, Gạo nói với tôi:
- Tiểu thư ngủ đi. Thật ra tiểu thư Đinh Ngọc đã giúp tiểu thư thoát tội với quận công rồi.
Tôi ừ một tiếng. Gạo tắt đèn rồi đi ra, đóng cửa phòng tôi lại.
Tối đó, tôi vì tâm trạng quá phấn khích mà không cách nào ngủ được. Tôi nằm lăn qua lăn về, lăn đến khi mệt rồi ngủ lúc nào không hay.