Sau nhiều ngày học đàn, rốt cuộc Đinh Ngọc chịu thua, không dạy nổi tôi. Mẹ cả thấy thế thì chỉ lắc đầu, không nói gì thêm.
Thoát khỏi cảnh chiều chiều gảy dây đàn, tôi mừng không kể xiết. Ngày hôm sau, Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn đến nhà, tôi nói tạm nghỉ học, mở tiệc ăn mừng. Tuy là mới sáng sớm nhưng tôi vẫn kêu Gạo bày biện trái cây, bánh và trà ra bàn đá dưới gốc cây lựu. Mùa thu, buổi sáng trời se se lạnh, chúng tôi bốn người ngồi quanh bàn uống trà, ăn bánh. Thật tao nhã.
Nguyễn Hoàn nhăn mặt:
- Đinh Thanh, ăn mừng mà không có rượu sao?
- Mới sáng ai đã uống rượu, chúng ta dùng trà thay rượu được rồi. – Tôi đưa chén trà cho anh ta.
Nguyễn Cảnh mỉm cười hỏi:
- Không biết là ăn mừng việc gì?
- Chắc là ăn mừng vì không cần phải học đàn nguyệt. – Đinh Ngọc thổi thổi chén trà, mỉm cười trả lời thay tôi.
Nguyễn Hoàn nghe vậy thì trố mắt, cười mỉa mai tôi:
- Tôi nói này Đinh Thanh, nàng không tính trở thành thiếu nữ khuê các sao? Nếu không biết cầm kỳ thi họa thì khó mà gả được cho nhà chồng tốt.
Không hiểu sao khi nghe Nguyễn Hoàn nói, tôi lại nghĩ đến Trịnh Khải, anh chắc không chê tôi mù âm nhạc chứ? Tôi hỏi ngược lại:
- Bộ biết cầm kỳ thi họa thì sẽ gả được cho chồng tốt sao?
Nguyễn Hoàn cứng họng, anh ta giả bộ uống trà, không trả lời. Đinh Ngọc cười:
- Đinh Thanh nói rất đúng. Người xưa thường nói hồng nhan bạc phận, con gái tài giỏi thì được người người ngưỡng mộ nhưng mấy ai có được hạnh phúc?
Nguyễn Cảnh lên tiếng:
- Chỉ cần có người đàn ông dám đứng ra bảo vệ thì sao hồng nhan phải chịu truân chuyên?
Tôi thấy có mùi vị khác lạ trong lời nói của Nguyễn Cảnh, anh ta nói mà mắt chỉ nhìn Đinh Ngọc. Nguyễn Hoàn và tôi trao đổi ánh mắt, tôi nói tôi phải đi luyện chữ. Nguyễn Hoàn nói sẽ đi cùng để canh chừng tôi, Nguyễn Cảnh cứ ngồi uống trà với Đinh Ngọc là được.
Đinh Ngọc e thẹn, cúi đầu không nói gì. Nguyễn Cảnh nhìn ly trà, cũng im lặng. Chỉ có tôi và Nguyễn Hoàn cười thầm, đi nhanh lên gian nhà trước.
Ra Nguyễn Cảnh tự nguyện đến dạy chữ cho tôi là vì Đinh Ngọc. Tôi không hề tự ái chút nào, còn rất mừng cho Đinh Ngọc là khác, Nguyễn Cảnh chững chạc, trầm ổn, tính tình lại dứt khoát, sau này nhất định sẽ không để Đinh Ngọc chịu thiệt thòi.
Tôi đang ngồi thừ trước bàn học suy nghĩ lung tung thì bị Nguyễn Hoàn dùng một cuốn sách gõ vào đầu. Tôi ngồi thẳng người dậy, trừng mắt. Anh ta thấy thế chỉ cười:
- Nàng đang suy nghĩ vẩn vơ gì vậy?
- Tôi đang suy nghĩ trưa nay có được ăn thịt kho trứng không. – Tôi đáp.
Nguyễn Hoàn cười lớn:
- Nàng không nghĩ ra chút gì hay ho sao? Chẳng hạn như sang năm thì nên gả cho ai.
Tôi liếc anh ta, không thèm trả lời, nhìn ra khoảng sân ngoài cửa.
***
Hôm trước nói đến chuyện cưới hỏi, hôm sau phủ đã có bà mối gõ cửa. Tôi nghe Gạo nói, liền đi ra đứng nấp sau cửa sổ nghe lén. Tôi nghe được bà mối và mẹ cả nói chuyện, ra là hỏi cưới Đinh Ngọc cho vị công tử nhà Trang quận công tên Phan Huy, là quan võ, vừa đỗ Tạo sĩ, đang giữ chức Quản binh Thăng Long. Nghe qua thì cũng là tuổi trẻ tài cao.
Khác với lần trước, lần mai mối này, mẹ cả rất hài lòng. Sau khi hẹn thời gian hai nhà gặp gỡ là năm ngày sau, mẹ cả còn ban tiền thưởng cho bà mối. Như vậy nghĩa là người tên Phan Huy kia gần như chắc chắn sẽ trở thành anh rể của tôi.
Lần này tôi có chút lo lắng, Đinh Ngọc tuy chưa một lần thể hiện ra mặt nhưng tôi đoán chị có ý với Nguyễn Cảnh. Nếu thực sự quận công đồng ý gả chị cho Phan Huy lạ lẫm kia thì Đinh Ngọc và Nguyễn Cảnh sẽ như thế nào?
Tôi dè dặt kể chuyện tôi nghe được với Đinh Ngọc. Chị nghe thấy thế thì sắc mặt tái đi, sau đó chỉ thở dài, ngồi nhìn ánh đèn trên bàn. Tôi không biết nói gì hơn, đành im lặng về phòng.
***
Ngày hôm sau Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn lại đến như thường ngày, chỉ khác là lần này Đinh Ngọc kiên quyết ngồi trong phòng, không ra ngoài.
Nguyễn Cảnh không thấy Đinh Ngọc, mặt có chút lo lắng nhưng không dám hỏi tôi. Nguyễn Hoàn lên tiếng hỏi giùm:
- Đinh Thanh, có phải Đinh Ngọc bị bệnh hay không?
Tôi lắc đầu, ngồi xuống ghế, vừa nhìn Nguyễn Cảnh vừa nói:
- Hôm qua có người đến hỏi cưới chị Đinh Ngọc.
Nguyễn Cảnh ngạc nhiên, Nguyễn Hoàn càng há hốc miệng, ngồi xuống ghế bên cạnh, hỏi tôi:
- Là ai?
- Tên là Phan Huy, công tử nhà Trang quận công. – Tôi trả lời.
Nguyễn Cảnh chấn động, bước lui một bước. Nguyễn Hoàn đứng dậy, đi đến kéo tay áo Nguyễn Cảnh:
- Anh, mau về nhà nói chuyện với bác.
Nguyễn Cảnh gật đầu, sau đó hai anh em họ cùng rời khỏi phủ. Tôi không đoán được Đinh Ngọc đang nghĩ gì, nhưng nhìn hành động của Nguyễn Cảnh, tôi đoán chắc là trong ngày mai sẽ đến hỏi cưới Đinh Ngọc. Cả hai nhà đều là quan lớn, không biết quận công sẽ gả Đinh Ngọc cho ai?
Buổi tối tôi lại đem chuyện Nguyễn Cảnh kể với Đinh Ngọc, chị nhìn tôi, sắc mặt có khá hơn. Nhưng tôi không ngờ đến, tôi ngồi đợi suốt ba ngày vẫn không thấy ai từ nhà Hân quận công đến hỏi cưới Đinh Ngọc. Nguyễn Cảnh và Nguyễn Hoàn cũng không thấy bóng dáng.
Tôi đi qua đi về trước cửa phòng, càng nghĩ càng thấy khó hiểu. Tính cách của Nguyễn Cảnh không thể nào là thấy khó mà rút lui, huống gì, nhà Hân quận công xem ra cũng không phải thua kém nhà Trang quận công kia chứ? Đinh Ngọc ngồi nhìn tôi đi qua đi lại, không nói gì.
Qua ngày thứ tư, tôi nhìn sắc mặt u ám của Đinh Ngọc thì không thể kiên nhẫn đợi thêm. Tôi phải đi tìm Nguyễn Cảnh hỏi rõ sự việc thế nào. Rốt cuộc tình cảm mà anh ta dành cho Đinh Ngọc là sâu đậm bao nhiêu? Rốt cuộc anh ta đã từng nói như đinh như sắt sẽ bảo vệ hồng nhan hôm ấy chỉ là chót lưỡi đầu môi thôi sao?
Mặc cho Đinh Ngọc ngăn cản, chiều hôm đó, tôi cùng Gạo đến thẳng cửa phủ Hân quận công. Mở cửa lần này lại là anh chàng người hầu hôm trước, tôi lên tiếng:
- Ta đến tìm công tử Nguyễn Cảnh.
- Thưa tiểu thư, công tử đang bị cấm túc, không thể tiếp khách. – Anh ta trả lời.
Tôi nghe mà choáng váng, Nguyễn Cảnh bị cấm túc, chuyện này là sao? Thấy anh ta chuẩn bị đóng cổng, tôi kéo cánh cửa gỗ lại, tiếp tục hỏi:
- Tại sao Nguyễn Cảnh bị cấm túc?
- Tiểu thư, đây là việc trong phủ Hân quận công, tôi không thể nói được. – Anh ta bày ra vẻ mặt khó xử.
- Vậy Nguyễn Hoàn đâu? – Tôi gắng hỏi thêm.
- Dạ, cũng bị cấm túc chung với công tử Nguyễn Cảnh. – Anh ta nói xong thì đóng cổng lại.
Tôi đứng thẫn thờ trước cổng nhà họ. Ra là họ bị cấm túc mới không thể đến nhà tôi được, nhưng rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Gạo đứng ở bên bèn kéo tôi trở về phủ.
***
Tôi và Gạo đang trên đường trở về, khi chỉ còn cách phủ khoảng ba ngôi nhà thì bị một người chặn đường lại. Là Dự Vũ, trợ thủ của Trịnh Khải, anh ta thấy tôi thì mặt biểu lộ vui mừng mà nói:
- Thật may gặp tiểu thư ở đây, nãy giờ tôi hỏi nhà vẫn chưa tìm được người.
Tôi gật đầu hỏi:
- Có chuyện gì sao?
Dự Vũ rút từ trong túi vải mang trên lưng ra một hộp gỗ nhỏ, kính cẩn hai tay đưa cho tôi rồi nói:
- Tiểu thư, cái này là của công tử tặng tiểu thư. Thời gian gần đây công tử rất bận rộn, e là không đến tìm tiểu thư được.
Tôi đưa tay nhận hộp gỗ. Hộp gỗ chỉ lớn hơn bàn tay tôi một chút, trên nắp và xung quanh hộp đều được khắc họa tiết hoa sen. Tôi hỏi anh ta:
- Công tử đang ở đâu?
- Thưa tiểu thư, công tử đang ở đường Thượng Đạo. Công tử có nhắn lại, giờ Tuất đêm mười lăm, hẹn gặp tiểu thư tại nơi cũ.
Tôi gật đầu. Dự Vũ cúi đầu chào tôi rồi đi thẳng. Tôi đưa chiếc hộp cho Gạo cầm, đi về phủ. Đêm mười lăm tháng này là đêm Trung Thu, từ hôm nay cho đến Trung Thu chỉ còn chưa tới bảy ngày.
***
Vào phủ, tôi tìm Đinh Ngọc kể chuyện Nguyễn Cảnh đang bị cấm túc tại nhà. Đinh Ngọc nghe có chút hoảng hốt, sau đó chị không nói gì, cứ ngồi im. Tôi ngồi bên cạnh, nóng ruột hỏi:
- Chị, phải làm sao đây?
Đinh Ngọc cười yếu ớt:
- Phải làm sao chứ, nước chảy bèo trôi, đến đâu hay đến đó.
Đinh Ngọc nói xong, đi về phòng, đóng cửa lại. Tôi biết chị buồn nhưng lại không biết an ủi thế nào cho phải. Tính tình Đinh Ngọc thường ngày ôn hòa, dịu dàng, chuyện gì cũng giấu kín trong lòng, tôi thực sự không cách nào đoán được chị đang nghĩ gì. Thật ra thì tôi biết Đinh Ngọc chưa được một năm, người hiểu rõ chị nhất là Hoa thì đã ở lại trấn Nghệ An.
Trong bữa cơm tối, quận công hỏi tôi:
- Mấy hôm nay Nguyễn Cảnh không đến dạy học sao?
Tôi chỉ dạ một tiếng, ông cũng không hỏi thêm. Mẹ cả gắp thức ăn vào chén Đinh Ngọc, giọng nhỏ nhẹ:
- Sao mấy hôm nay nhìn sắc mặt con kém như vậy, có phải mệt mỏi gì trong người không?
Đinh Ngọc trả lời là chỉ hơi khó ngủ. Mẹ cả nói mai sẽ sai người nấu thuốc bổ. Đinh Ngọc nói không cần. Mẹ cả nhíu mày rồi nói:
- Cũng sắp gả đi rồi mà còn không biết tự chăm sóc bản thân.
Cạch. Đinh Ngọc đánh rơi đôi đũa xuống bàn. Mẹ cả nhẹ giọng trách mắng:
- Đầu óc của con để đâu vậy? Ngày mai mẹ sẽ mời thầy thuốc đến khám cho con.
Đinh Ngọc dạ một tiếng rồi nói đã no không ăn nữa, xin phép về phòng. Tôi nhìn theo bóng dáng của chị, trong lòng cảm thấy xót xa.
***
Trước khi ngủ, tôi lôi hộp gỗ khắc họa tiết hoa sen ra. Mở hộp, bên trong là một chiếc trâm cài tóc nhỏ, rất đẹp. Tôi nhẹ nhàng lấy ra, soi dưới ánh đèn, là trâm cài bằng ngà voi, một đầu được đính một hạt ngọc trắng, trên chiếc trâm có khắc một búp sen có thân cong cong, rất thanh nhã. Tôi càng nhìn chiếc trâm càng thích, bèn lấy chiếc gương soi ra, thử cài lên đầu. Trong gương phản chiếu lại khuôn mặt với đôi mắt lấp lánh nụ cười.
Trước khi lên giường, tôi cất chiếc trâm vào lại hộp gỗ cẩn thận, để hộp gỗ sát bên cạnh chiếc hộp tôi để thư của Trịnh Khải trong tủ.
***
Ngày hôm sau thầy thuốc đến khám cho Đinh Ngọc, nói cơ thể không có vấn đề gì, chỉ kê mấy đơn thuốc bổ. Mẹ cả thở phào nhẹ nhõm, nói may mà không bị bệnh gì rồi sai người nhanh đi sắc thuốc.
Hôm nay là ngày hai nhà gặp mặt, tôi thấp thỏm đi ra đi vào. Đinh Ngọc chỉ ngồi im lặng ở cửa sổ, nhìn ra khoảng sân, cả ngày không nói gì. Đến chiều nhà Trang quận công đến, quận công và mẹ cả đã ngồi chờ sẵn ở gian phòng khách. Tôi sai Gạo ra đó nghe ngóng, lát lát lại chạy vào kể cho tôi.
Tôi hỏi:
- Phan Huy có đến không? Trông như thế nào?
- Dạ không có công tử Phan Huy, chỉ có Trang quận công, phu nhân và bà mối. – Gạo đáp.
- Vậy họ nói những gì? Khi nào thì cưới? – Tôi sốt ruột hỏi dồn.
- Dạ, hôm nay chỉ là lễ nạp thái, hai ngày sau làm lễ vấn danh. – Gạo từ tốn trả lời.
Tôi hỏi, nạp thái là gì, vấn danh là gì? Gạo không trả lời được, tôi đành đi hỏi một bà bác làm bếp trong phủ.
Ra lễ nạp thái chính là ngày hai nhà ước định với nhau, còn lễ vấn danh là ngày hỏi tên và ngày sinh tháng đẻ của cô dâu để mang đi hỏi thầy xem có hợp với chú rể. Sau nếu tuổi hai người hợp nhau sẽ làm lễ nạp cát, nhà gái đưa ra yêu cầu lễ vật. Đến lễ nạp tệ, nhà trai sẽ chọn ngày tốt mang lễ vật qua. Lễ này gần giống đám hỏi ngày nay. Trong ngày đó cũng sẽ tiến hành lễ thỉnh kỳ, chọn ngày rước dâu. Và cuối cùng là đến lễ rước dâu.
Tôi nghe mà lùng bùng cả tai, đại loại qua sáu lễ thì đám cưới mới hoàn tất. Hiện nay Đinh Ngọc chỉ mới qua lễ đầu tiên, vậy chỉ cần lễ vấn danh không thành công, hai người xung khắc thì coi như đám cưới không xảy ra. Tôi đem việc này kể lại Đinh Ngọc, chị cười gượng:
- Em thật ngốc. Xem tên tuổi đã xem từ trước rồi, chỉ là vẫn làm lễ theo tục thôi.
Tôi há hốc miệng, đúng là tôi nghĩ nông cạn rồi. Cả hai nhà đều là quan lớn, tất nhiên đã có sự chuẩn bị trước, nếu không sẽ làm trò cười cho thiên hạ. Hèn chi những ngày qua Đinh Ngọc luôn im lặng như vậy, ra là chị đã biết từ trước rồi.
***
Tối đến, tôi lấy cây trâm Trịnh Khải tặng ra ngắm. Tôi chợt nhớ lại câu nói của Nguyễn Hoàn mấy ngày trước. “Nàng không nghĩ ra chút gì hay ho sao? Chẳng hạn như sang năm thì nên gả cho ai.” Tôi thực ra đã nghĩ qua và cũng có đáp án ình.
Tôi muốn gả cho Trịnh Khải. Dù không gả cho Trịnh Khải, tôi cũng sẽ không im lặng chấp nhận như Đinh Ngọc.