Tối hôm đó tôi về căn vặn Đình Duệ, rốt cuộc có chuyện gì xảy ra mà anh phải đi gấp như vậy. Đình Duệ nhíu mày suy nghĩ một hồi mới nói rằng Nguyễn Ánh vừa xưng vương ở Gia Định. Lúc này ở Đàng Trong, quân của Tây Sơn và Nguyễn Ánh đang ở thế giằng co. Vì thế chúa Trịnh muốn nhân cơ hội đem quân đi đánh nhà Tây Sơn.
- Anh sẽ ra trận? – Tôi có chút lo lắng.
Đình Duệ lắc đầu, nói:
- Anh sẽ tiếp tục canh giữ trấn Sơn Nam. Chúa muốn gom quân từ các trấn để tăng thêm lực lượng ở thành Phú Xuân, cha anh sẽ trực tiếp cầm quân ở đó.
Một nước Đại Việt bé nhỏ mà hiện nay có đến ba thế lực cùng xưng vương, không nói đến việc đất nước bị chia cắt mà nghĩ đến cảnh dân mình đánh dân mình lại cảm thấy chua xót.
- Đang yên bình, chúng ta không thể tập trung lo làm giàu được sao? Tại sao nhất thiết phải tranh quyền với nhau? – Tôi thở dài.
Đình Duệ từ lâu đã quen với việc tôi hay ý kiến này nọ, anh chỉ nhìn tôi rồi đáp:
- Không ai muốn chiến tranh cả, chỉ là thời thế buộc ta phải làm vậy.
Tôi nổi giận:
- Thời thế là gì? Tại sao con người vì tham vọng của mình nhưng lại luôn cho rằng mình bị ép buộc phải làm như vậy?
Đình Duệ mở to mắt nhìn tôi, không nói được câu nào. Tôi cáu kỉnh bỏ về phòng, sau đó nằm suy nghĩ lại, thời đại nào cũng vậy, người đứng đầu đất nước đều có tham vọng riêng, những người dưới quyền như Đình Duệ chỉ có thể nghe theo.
Sáng hôm sau tôi đi tìm Đình Duệ để xin lỗi. Lạ là mới sáng sớm nhưng tôi đi khắp phủ lại không thấy anh ở đâu. Lúc đi ngang qua phòng mẹ cả, tôi nghe tiếng từ trong phòng vọng ra.
- Bà có ưng ý được công tử nhà nào cho Đinh Thanh chưa? – Giọng của quận công.
Tiếng mẹ cả thở dài, bà nói:
- Lần trước chúng ta hủy hôn, lúc này trong thành vẫn còn lời đồn, e là phải đợi một thời gian mới được.
Thấy có bóng người hầu sắp đến gần, tôi nhanh chân đi ra gian nhà trước. Qua mấy câu tôi vừa nghe được thì có lẽ danh tiếng của tôi ở Thăng Long đã xấu lắm rồi. Nhưng như vậy cũng tốt, không ai tới cầu hôn, tôi sẽ không cần đau đầu nghĩ cách từ hôn.
***
Hai hôm sau tôi lại cải trang thành tiểu đồng đi theo Đình Duệ ra trấn Sơn Nam. Lần này tôi phải năn nỉ rất lâu, dùng đủ chiêu trò thì Đình Duệ mới đồng ý dẫn tôi theo. Hai ngày gần đây quận công bận rộn đến mức không thấy mặt mũi, nghe Đình Duệ nói là ông phải chầu chực suốt ở phủ chúa. Hôm nay binh lính ở các trấn sẽ được chọn lọc để gộp quân bổ sung cho tiền tuyến Phú Xuân, vì thế trấn phủ sẽ rất vắng.
Đình Duệ sau khi đưa tôi lên phòng quan sát thì đóng cửa lại, nói tôi ở yên trong này, không được đi lại lung tung. Tôi gật đầu rồi đến đứng bên cửa sổ, nhìn ra hướng doanh trại, ở đó quân lính đang xếp hàng rất đông, cờ bay phấp phới.
Được một lát, tôi đến ngồi bên bàn làm việc của Đình Duệ thì phát hiện trên bàn có một hộp gỗ, bên trong có sáu viên bi lớn bằng đồng. Tôi nghĩ có lẽ là vật trang trí hoặc đồ chơi nào đó, bèn lấy ra một viên, dùng ngón tay đẩy nó chạy qua chạy lại trên bàn.
Phịch. Viên bi rớt xuống thảm kê dưới chân bàn, lăn đi. Tôi cúi người tìm viên bi, thấy nó lăn đến trong chân bàn bèn ngồi hẳn người xuống, chui vào dưới bàn để lấy ra.
Ngay lúc tôi vừa đứng dậy thì bất ngờ bị một bàn tay to bóp lấy cổ, cả người tôi bị đẩy mạnh vào bức tường sau lưng. Miệng của tôi bị bàn tay còn lại bịt kín không kịp kêu la. Cổ bị bóp đau đến không thở nổi, mắt chỉ có thể trừng trừng nhìn người mặc áo đen bịt mặt đang tấn công tôi. Chân tay tôi cố giãy giụa, tay người kia quá dài lại cứng ngắc, tôi chỉ có thể vừa cào vừa cố đẩy tay hắn ra.
Ánh mắt hắn bỗng nhiên thay đổi, sát khí biến mất mà thay vào đó là ngạc nhiên. Tay hắn buông lỏng, tôi trượt theo tường nhà ngồi bệt xuống sàn, ôm cổ ho khan, thở gấp gáp. Hắn ta ngồi xổm xuống, nâng mặt tôi lên, tôi bình tĩnh nhìn vào đôi mắt hẹp dài kia. Tôi chấn động, nhíu mày, giọng nói có chút khàn:
- Quang Bình?
Anh ta gật đầu, giọng rất nhỏ:
- Sao nàng lại ở đây?
Tôi gạt tay anh ta ra, trừng mắt giận dữ:
- Tôi mới là người phải hỏi câu đó.
Xoạt.
Tôi nhìn ra bên ngoài ban công, là tiếng cọ xát của đầu móc dây thừng và thành lan can, một thân áo đen nhô đầu lên, nhìn thấy tôi và Quang Bình thì ngạc nhiên, khẽ hô lên:
- Tướng quân.
Quang Bình ra ám hiệu bằng mắt, người kia nhanh chóng tụt xuống. Tiếng bước chân từ hành lang vọng lại. Quang Bình quay qua nhìn tôi, sau đó chạy nhanh ra ban công, cầm lấy dây thừng tụt xuống đất. Anh ta hành động rất nhanh lẹ, gần như không có tiếng động. Tôi cũng vùng đứng dậy, chạy ra ban công nhìn xuống thì thấy hai thân người áo đen đang chạy về cổng phía Đông. Dây thừng cũng biến mất.
Đình Duệ đẩy cửa bước vào phòng, nhìn thấy mặt tôi trắng bệch thì đến gần hỏi:
- Đinh Thanh, em sao vậy? Có chuyện gì phải không?
Tôi vô thức đưa tay che cổ mình lại, hít vào một hơi thật sâu mới trả lời anh:
- Em làm rơi viên bi trên bàn xuống thảm…
Tôi chưa kịp nói hết câu thì Đình Duệ hốt hoảng đi đến bên bàn, đếm số bi trong hộp. Tôi cũng nhanh chân đến cúi nhặt viên bi rơi sát chân tường đưa cho anh, một tay kéo áo che cổ của mình. Ban nãy tôi bị bóp cổ mạnh như vậy chắc chắn là có dấu hằn đỏ trên cổ. Rất may hôm nay tôi mang trang phục tiểu đồng có cổ che, nếu thường ngày mang áo yếm thì có lẽ Đình Duệ đã nhìn thấy vết tích.
Đình Duệ cầm lấy viên bi đặt vào trong hộp, thở phào một tiếng mới nói:
- Thật may em chưa xảy ra chuyện gì. Đây là thuốc nổ mới được chế tạo, đang thử nghiệm.
Tôi nghe mà toát cả mồ hôi hột, may mà có tấm thảm dày dưới bàn nên nó chưa bị tác động lực đủ mạnh để phát nổ. Thuốc nổ mà hình tròn như vậy, ai chế ra chúng thật sáng tạo, có khi còn chưa kịp giết kẻ thù đã tự làm hại quân mình. Đình Duệ nhíu mày nhìn tôi:
- Lần sau em không được đùa nghịch lung tung nữa.
- Cái này cũng không phải lỗi do em, tại anh để mấy thứ nguy hiểm lung tung thì đúng hơn. – Tôi bĩu môi.
Đình Duệ lắc đầu, quay qua cất hộp gỗ vào trong tủ rồi nói:
- Anh đưa em ra xe ngựa, em tự về một mình. Lát nữa các quan đến trấn phủ họp bàn, em không thể ở lại đây thêm nữa.
Tôi gật đầu. Dù Đình Duệ không nói tôi cũng sẽ tìm cớ để về, chuyện ban nãy quá bất ngờ và nhanh chóng, tôi cần thời gian trấn tĩnh.
Tôi ngồi trên xe ngựa, tay vẫn sờ cổ của mình, chỉ chút nữa thôi có lẽ tôi đã về bên kia thế giới rồi. Quang Bình, anh ta rốt cuộc là ai? Tại sao lại đột nhập vào Trấn phủ trấn Sơn Nam? Người kia gọi anh ta là tướng quân, nhưng là tướng quân của bên nào? Chắc chắn không thể là người của nhà chúa Trịnh, có lẽ cũng không phải của nhà chúa Nguyễn, vậy thì chỉ có thể là tướng quân của nhà Tây Sơn.
***
Sáng hôm sau tôi ngồi xe ngựa đến quán trà bên bờ sông Nhị Hà, lên lầu trên đã thấy Quang Bình đang ngồi ở bàn cũ, bên cửa sổ. Anh ta dường như đã đoán trước hôm nay tôi sẽ đến đây nên khi thấy tôi thì không có vẻ gì là ngạc nhiên. Tôi ngồi vào ghế đối diện nhìn chằm chằm vào anh ta. Quang Bình rót trà vào một ly, đưa qua phía tôi. Tôi không cầm lấy ly trà, mắt vẫn nhìn thẳng vào anh ta, nói:
- Tại sao công tử lại đến Trấn phủ trấn Sơn Nam?
Quang Bình nhìn tôi, không trả lời. Tôi nói tiếp:
- Công tử là người của nhà Tây Sơn? Hôm qua là đến do thám tình hình?
Trong mắt anh ta thoáng qua một tia ngạc nhiên, sau đó rất nhanh trở lại trạng thái bình thường. Hừ, anh ta rất giỏi, bị tôi hỏi liên tục nhưng sắc mặt vẫn rất thản nhiên. Tôi tức giận đứng dậy, Quang Bình lên tiếng:
- Tại sao hôm qua nàng lại im lặng?
Tôi nhíu mày, cố hiểu anh ta đang ám chỉ điều gì. Quang Bình nhìn tôi, nói chậm rãi:
- Nàng chỉ cần la to một tiếng hoặc thông báo với Hồng lĩnh hầu trấn Sơn Nam thì sẽ có binh lính đuổi theo bọn tôi. Tại sao nàng lại im lặng?
- Tôi chỉ là không muốn có máu đổ. – Nói xong, tôi đi thẳng xuống bậc cầu thang ra khỏi quán.
Tôi không lên xe ngựa mà đi bộ dọc theo bờ sông Nhị Hà. Gió thổi từ sông vào lành lạnh, tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh thẳm trên kia, có phải chiến tranh đã gần kề rồi?
Đi được một đoạn thì Quang Bình đã đứng chặn trước mặt tôi:
- Nàng hãy theo tôi về Quy Nhơn.
Tôi ngạc nhiên trước đề nghị thẳng thừng của anh ta. Hình như Quang Bình không thích hỏi ý kiến, anh ta cũng không cần vòng vo mà luôn đi thẳng vào vấn đề chính.
- Tôi không muốn liên quan đến những người có quan hệ với cuộc chiến tranh giành quyền lực. – Tôi đáp rành mạch.
Quang Bình ngạc nhiên nhìn tôi, tôi quay lưng đi theo hướng ngược lại. Đi chưa được năm bước thì anh ta đã lên tiếng:
- Nàng chính là tiểu thư của nhà Huy quận công. Hồng lĩnh hầu trấn Sơn Nam là anh họ của nàng. Họ chính là những người có quan hệ với cuộc chiến hiện nay. Nàng nói nàng có thể không liên quan đến họ sao?
Tôi sững người, đứng lại. Quang Bình nói câu nào cũng đúng cả, từng chữ từng chữ rõ ràng. Tôi quay người lại, tức giận:
- Công tử điều tra tôi?
- Đúng. – Quang Bình thừa nhận.
- Tại sao?
Quang Bình trầm ngâm một hồi mới trả lời:
- Ngay từ đầu gặp gỡ, tôi đã muốn có nàng bên cạnh.Tôi giật mình, lần đầu gặp gỡ, chính là hôm tôi ra mặt gây chiến với Đặng Lân. Tôi cười:
- Công tử biết tôi là con gái của Huy quận công mà vẫn muốn tôi bên cạnh sao?
- Nàng đã không quan tâm đến ai thắng ai bại, vậy nàng là con gái của ai không quan trọng. Chỉ cần nàng muốn, tôi có thể đảm bảo cho nàng cuộc sống bình yên. Tôi cũng có thể vì nàng mà bảo toàn sinh mạng cho cả nhà Huy quận công. – Quang Bình trả lời thản nhiên.
Tôi lại bị Quang Bình làm cho ngạc nhiên, ở con người của anh ta toát ra khí chất điềm tĩnh và mạnh mẽ. Tôi đoán không ai có thể cưỡng lại việc thuận theo Quang Bình, chỉ là lúc này tôi đã mang một hình bóng khác trong tim.
Nếu tôi đã không thể ở bên cạnh Trịnh Khải, tôi cũng sẽ không đứng cùng phía với kẻ thù của anh.
Còn một việc mà Quang Bình sẽ không thể nghĩ đến, chính là tôi không muốn liên quan đến cuộc chiến này, không phải tôi không quan tâm ai thắng ai bại, mà vì tôi đã biết được ai sẽ thắng, ai sẽ bại. Tôi nhìn anh ta:
- Ý tốt của công tử, tôi sẽ nhận. Nhưng tôi không thể theo công tử được.
- Tôi sẽ không cưỡng cầu. – Quang Bình vừa nói vừa đưa một miếng ngọc hình vuông ra. – Chỉ cần nàng đổi ý hay cần giúp đỡ, hãy cầm thạch bài* này đến quán trà ban nãy, ở đó sẽ có người giúp nàng.
Tôi nhìn miếng ngọc trong lòng bàn tay anh ta, nhìn qua đã thấy nó không tầm thường chút nào. Tôi nói:
- Thứ này quá quý giá, tôi không thể nhận được.
- Gặp gỡ là cơ duyên, nàng hãy nhận lấy thạch bài này, coi như là thành ý của tôi. – Quang Bình nhìn tôi bằng ánh mắt kiên nghị.
- Tôi sẽ không dùng tới nó, công tử hãy cất đi.
Nói xong, tôi quay người trở lại xe ngựa. Tôi vừa ngồi vào xe ngựa thì Quang Bình đã đến gần bên xe, anh ta chỉ nhìn tôi rồi rất nhanh quay lưng bỏ đi. Đến lúc xe ngựa vừa lọc cọc chạy thì tôi phát hiện một túi vải nhỏ trong xe, tôi mở ra, bên trong là miếng thạch bài của Quang Bình. Tôi hô một tiếng cho xe ngựa dừng lại, nhanh chân bước ra ngoài nhưng đã không thấy bóng dáng anh ta đâu.
Tôi thở dài, quay người vào trong xe. Miếng thạch bài của Quang Bình làm bằng đá ngọc thạch, hình vuông nằm vừa hết lòng bàn tay tôi, một mặt của miếng thạch bài có khắc chữ “Quang”. Tôi bỏ lại miếng thạch bài vào trong túi vải nhỏ, thắt dây, cất vào trong túi áo.
***
Xuân qua, hạ đến. Cây lựu trước phòng tôi lại nở hoa đỏ lập lòe. Tôi vẫn như trước, thỉnh thoảng ra phố ngắm người ta buôn bán, thỉnh thoảng ngồi nói chuyện với người hầu trong phủ. Chỉ có điều sau sự kiện tôi chơi đùa với mấy viên thuốc nổ lần đó, Đình Duệ kiên quyết không cho tôi theo ra trấn Sơn Nam nữa. Vì thế dạo này tôi lại có thú tao nhã khác là viết thơ bằng chữ Nôm.
Phải nói là chữ viết của tôi từ lúc học chữ đến nay vẫn còn rất xấu nhưng tôi không muốn chép lại chữ từ trong sách mà chỉ thích viết theo ý thích của bản thân. Vì vậy, người ta viết thơ để lưu danh, còn tôi viết để luyện chữ. Như ngày hôm nay, tôi ngồi ở bàn đá dưới cây lựu, trải giấy, nghiêng mực, cầm bút viết thơ.
Cây lựu trước sân nhà
Hoa nở vào mùa hạ
Trái chín vào mùa thu
Qua đông lá nằm ngủ
Xuân sang lại có nụ
Tôi vừa thả bút ra thì Đình Duệ ở đâu xuất hiện, giựt lấy tờ giấy trên bàn, đọc xong thì ôm bụng cười lớn. Tôi lấy lại bài thơ của mình, hét lớn:
- Đình Duệ.
Anh bị tôi hét thì ngưng cười, hắng giọng:
- Đinh Thanh, em lại làm thơ sao?
Tôi tức giận, rõ ràng Đình Duệ đọc xong rồi mà còn vờ hỏi. Những ngày trước tôi cũng làm thơ nhưng không cho anh đọc.
- Anh cứ nghĩ mấy ngày trước làm sao em viết thơ đều phải giấu giấu giếm giếm, còn tưởng em muốn che giấu tài năng thi phú, hóa ra không phải. – Đình Duệ nói xong lại cười lớn.
Tôi trừng mắt, đưa tay véo mạnh vào tay anh, Đình Duệ lúc này mới nín cười. Tôi nghiêm mặt nói:
- Anh không nhìn thấy điểm đặc biệt trong bài thơ này sao?
Đình Duệ gật đầu, trả lời:
- Bài thơ cây lựu của em rất đặc biệt, đọc xong có thể biết được mùa nào trong năm thì có lựu ăn.
Tôi liếc anh một cái thật dài, gom hết giấy bút vào trong phòng bỏ lại Đình Duệ đang cười ngất ngưởng ngoài sân. Tôi không biết làm thơ nhưng hôm nay tâm trạng tốt, viết được bài thơ đọc lên nghe xuôi tai như vậy mà Đình Duệ còn chê cười. Cũng may tôi không có mơ ước trở thành nhà thơ, nếu không bây giờ chắc đang ôm cột khóc.
***
Một ngày đầu tháng bảy, trời không mưa, tôi vui vẻ ra phố tìm mua sợi len về đan khăn ùa đông năm nay. Tất nhiên đích đến của tôi là các cửa hàng thường xuyên giao thương với người nước ngoài. Tuy nhiên không có quán nào biết sợi len là thế nào, tôi đành quay về trong thất vọng.
Đang trên đường trở về, tôi bắt gặp Nguyễn Hoàn và cô gái dạo trước tôi gặp lúc uống rượu. Tôi cười:
- Đã lâu không gặp.
Nguyễn Hoàn nhìn tôi có chút sửng sốt sau đó cũng đáp lại:
- Nàng vẫn khỏe chứ?
Tôi cười gật đầu.
- Tôi nghe nói lần đó về nàng bị cấm túc trong phủ?
Tôi lại gật đầu.
- Nàng… không sao chứ?
Tôi nghi hoặc, Nguyễn Hoàn có phải cưới vợ xong thì đầu óc bị hỏng rồi hay không. Trước đây anh ta rất nhanh mồm nhanh miệng, vậy mà nãy giờ hỏi có hai câu đã ấp úng. Cô gái đứng bên cạnh Nguyễn Hoàn hết nhìn anh ta rồi nhìn tôi, không nói gì. Tôi liếc anh ta:
- Này, có phải anh bị cắt lưỡi rồi không? Nói một câu cũng không xong. – Nói rồi tôi quay qua cười với vợ anh ta:
- Chúc mừng hai người nhé, sớm sinh quý tử.
Cô gái đó nghe thấy thì rũ mi xuống, tôi chột dạ, không lẽ mình nói có gì sai. Nguyễn Hoàn nhìn thấy biểu tình của tôi thì nói:
- Tôi vẫn chưa thành hôn.
Tôi há hốc miệng, đã lâu như vậy vẫn chưa thành hôn sao? Nguyễn Hoàn nói tiếp:
- Tháng sau làm lễ rước dâu.
Tôi à một tiếng, cười:
- Hôm đó báo cho tôi một tiếng, tôi sẽ tặng quà chúc mừng.
Nguyễn Hoàn gật đầu, chúng tôi chào nhau, họ đi vào trong cửa hàng vải bên kia đường. Cả hai người bọn họ hình như có chút không giống với lần trước tôi gặp. Tôi thở dài, gần một năm nay, số lần tôi gặp Nguyễn Hoàn hình như chỉ chưa tới ba lần.
***
Một tháng sau, Nguyễn Hoàn thực sự cho người đến phủ tìm tôi. Tôi lên xe ngựa, xe chạy một mạch ra một bãi đất trống bên bờ sông Nhị Hà. Tôi bước xuống xe đã thấy Nguyễn Hoàn đang ngồi trên một tảng đá lớn, bên cạnh có đến năm bầu rượu. Tôi đến gần, ngồi lên một tảng đá nhỏ gần đó, Nguyễn Hoàn đưa một bầu rượu cho tôi, nói:
- Ngày mai tôi thành hôn, hôm nay tôi muốn uống rượu với nàng.
Tôi cầm lấy bầu rượu, mở nắp ra, bên trong hương rượu thơm ngào ngạt, có lẽ là loại rượu mắc tiền. Tôi cười, cầm bầu rượu của mình chạm vào bầu rượu của anh ta:
- Chúc mừng anh sắp trở thành người đàn ông chân chính.
- Trước nay tôi không phải người đàn ông chân chính sao? – Nguyễn Hoàn nhíu mày.
Tôi cười lớn:
- Đúng, trước đây anh chỉ là một công tử ham chơi, ngày mai anh cưới vợ mới trở thành đàn ông chân chính được.
Nguyễn Hoàn gật gù rồi cười lớn, đưa bầu rượu lên miệng uống một hơi. Tôi bắt chước anh ta, cũng đưa rượu lên uống một ngụm. Chúng tôi vừa nói chuyện không đầu không đuôi vừa uống rượu. Nguyễn Hoàn uống hết bầu rượu, lại lấy thêm một bầu khác.
Gió từ bờ sông thổi vào lành lạnh, rượu uống vào lại ấm nóng, chúng tôi ngồi đến khi mặt trời đỏ lựng chuẩn bị lặn xuống thì Nguyễn Hoàn cũng đã uống hết hai bầu rượu. Tôi vẫn chưa uống hết bầu rượu của mình, quay qua thì thấy anh ta đang nhìn tôi, giọng hơi khàn:
- Đinh Thanh, nàng có từng… có từng có tình cảm với tôi không?
- Tôi luôn coi anh là bằng hữu, là bạn tốt của tôi. – Tôi nhìn ra bờ sông, nói rõ ràng từng chữ.
Nguyễn Hoàn ngẩng đầu uống một ngụm rượu, lại quay qua nhìn tôi:
- Nhưng tôi…
Tôi thở dài, nhìn thẳng vào mắt anh ta:
- Nguyễn Hoàn, anh từ trước tới nay chưa từng tiếp xúc với cô gái nào nhiều như tôi đúng không?
Nguyễn Hoàn gật đầu, tôi hỏi tiếp:
- Ngày nào anh cũng nhớ tới tôi sao?
Nguyễn Hoàn trầm ngâm, không trả lời. Thực ra thì tôi biết câu trả lời của anh ta, tôi cười:
- Anh có cảm giác thân thiết với tôi, là vì tôi thường xuyên gặp anh. Nhưng đó không phải tình cảm trai gái, thực ra đó chỉ là tình cảm bạn bè, giống như là tri kỷ vậy. Anh có hiểu không?
Nguyễn Hoàn nghe xong quay người nhìn ra bờ sông, không nói gì, chỉ lát lát lại uống rượu. Tôi đoán anh ta đã hiểu ra.
- Đinh Thanh, mai là ngày vui của tôi, nàng tặng quà chúc mừng đi. – Nguyễn Hoàn đột nhiên lên tiếng.
Tôi bật cười:
- Gấp vậy sao? Hôm nay tôi chưa chuẩn bị kịp.
- Nàng hát bài hát chúc hạnh phúc đi.
Tôi ngớ mặt ra, bài hát chúc hạnh phúc? Nguyễn Hoàn làm mặt giận, nói:
- Bài hát nàng hát tặng tôi lúc tôi mười bảy tuổi, nàng hát dưới gốc cây đào, không nhớ sao?
Tôi nhớ ra liền bật cười lớn. Tôi định nói với anh ta, bài hát đó chỉ hát lúc sinh nhật nhưng nhìn gương mặt đang trông chờ của anh ta thì tôi không nỡ nói. Tôi đặt bầu rượu xuống tảng đá, đứng dậy, lấy giọng, vỗ tay hát:
“Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday, happy birthday, happy birthday to you”
Tôi hát xong thì chúng tôi cùng nhìn nhau cười vui vẻ. May quá, Nguyễn Hoàn lại là Nguyễn Hoàn như trước đây. Chỉ khác là ngày mai anh ta sẽ có một gia đình để chăm lo.
------------------------