Đến tối hôm đó Hải vẫn chưa trở về, Đình Duệ thấy tôi nôn nóng đi ra đi vào mới hỏi:
- Đinh Thanh, em đang đợi ai sao?
- Không có, em đi lui đi tới cho tiêu cơm. – Tôi chột dạ chỉ có thể trả lời qua loa rồi đến ngồi yên ở bàn đá.
Đình Duệ cầm ấm trà rót vào chén đưa qua cho tôi, khói nóng từ trà phả lên. Tôi cầm chén trà nóng thổi thổi rồi nhấp một ngụm.
- Gần đây không thấy em ngồi chơi với cuộn len, có phải đã làm xong rồi không? – Đình Duệ vừa nói vừa cười.
Nếu Đình Duệ không nhắc đến có lẽ tôi đã quên mất chiếc khăn quàng tôi đan dở dang nằm ở đâu đó trong phòng. Thực ra chiếc khăn quàng chỉ cần đan phần cuối nữa là xong nhưng từ ngày biết tin Trịnh Khải bị truất ngôi thì tôi đã không còn tâm trí để hoàn thành nó nữa. Đình Duệ thấy tôi không trả lời bèn trêu chọc:
- Có phải em làm xấu quá nên không dám đem ra không?
Tôi bĩu môi, liếc Đình Duệ một cái thật dài.
- Đừng có coi thường tài năng của em.
- Ấy ấy, anh nào dám coi thường em. – Đình Duệ ngẩng đầu vừa nhìn cây lựu vừa thở dài. – Lựu ơi, khi nào mới có quả ăn?
Đình Duệ đổi đề tài đột ngột, tôi nhíu mày nghi ngờ anh có ý khác. Quả nhiên, Đình Duệ thấy biểu cảm của tôi thì bật cười:
- Không phải nói em nên mang bài thơ "Cây lựu" ra treo ở đây sao? Có nó rồi thì anh sẽ biết được khi nào sẽ có lựu ăn.
Tôi nghẹn họng, chỉ có thể thở phì phì trừng mắt nhìn Đình Duệ rồi bỏ vào phòng. Anh nhìn thấy tôi quay người đi thì bật cười lớn, tiếng cười rất sảng khoái. Thỉnh thoảng Đình Duệ vẫn trêu chọc tôi, hôm nay coi như cho anh vui vẻ một chút vậy.
***
Sáng hôm sau vẫn chưa thấy bóng dáng của Hải, tôi đành lôi chiếc khăn len ra ngồi đan tiếp trong lúc chờ đợi. Thật ra nếu không có sách địa lý thì tôi sẽ đổi sang một loại sách khác, nhưng việc Hải chưa trở về khiến tôi có chút sốt ruột cũng có chút lo lắng, sợ rằng anh ta gặp phải bất trắc gì. Việc ngồi đan khăn ít nhất giúp tôi trấn tĩnh hơn, không phải đi ra đi vào.
Lúc tôi vừa hoàn thành chiếc khăn len quàng cổ để tặng Đình Duệ thì Hải cũng vừa về đến. Tôi đặt chiếc khăn xuống bàn, đi vội đến trước mặt anh ta. Hải cưỡi ngựa đi đường, cả người đều bám bụi, đôi mắt cũng có tia máu đỏ. Tôi hỏi:
- Sao ngươi về trễ như vậy? Có phải gặp chuyện gì hay không?
- Tôi không gặp chuyện gì. – Hải lấy từ trong ngực áo ra một bọc giấy đưa cho tôi. – Tiểu thư, đây có phải là vật người cần không?
Tôi đưa tay nhận lấy, mở bọc giấy ra thấy bên trong có hai quyển mỏng. Tôi mở một quyển ra, là sách truyền giáo viết song ngữ, một bên là tiếng Pháp, một bên là tiếng Việt. Tôi thực sự bị làm cho ngạc nhiên, ra chữ Quốc ngữ Việt Nam đã có từ thời này rồi. Một quyển khác là một tập chép tay viết bằng thứ tiếng lạ. Tôi không khỏi thở dài trong lòng nhưng nhìn Hải mệt mỏi nên cũng không dám nói ra.
- Sao đi lâu như vậy? – Tôi hỏi thăm.
- Thưa, ở Phố Hiến không còn người ngoại quốc đến từ phương Tây, tôi cầm giấy của tiểu thư đi hỏi xung quanh, có người nhận ra mặt chữ lại chỉ đường cho đến một nhà thương buôn ở phủ lân cận tìm.
Ra vậy. Họ có thể phân biệt được chữ Hán hay chữ La-tinh, nhưng không phân biệt được đâu là tiếng Anh, tiếng Pháp hay tiếng Bồ Đào Nha... Tôi nói Hải trở về nghỉ ngơi, ngày mai tôi sẽ tìm anh ta.
Cầm hai cuốn sách vào phòng, tôi ngồi mở coi từng trang. Tuy rằng tôi học tiếng Anh nhưng đối với tiếng Pháp cũng có sự nhận biết nhất định, quyển truyền giáo chia làm hai cột, một bên là tiếng Pháp, một bên là tiếng Việt viết bằng chữ La-tinh nhưng chưa hoàn thiện như ở thời hiện đại. Riêng quyển chép tay được viết bằng tiếng Bồ Đào Nha, bởi trang đầu tiên có tên và quê hương của người viết nên tôi dễ dàng nhận ra. Nhìn từng trang có ghi ngày tháng, tôi đoán đây là quyển nhật ký đi biển của một thương buôn người Bồ Đào Nha, nhưng tại sao nó lại thất lạc ở trấn Sơn Nam thì tôi không thể đoán được. Lật ra đến trang giữa thì một tờ giấy gấp tư rơi ra. Tôi nhặt lên, mở ra xem. Đó là một tấm bản đồ.
Tôi đặt bản đồ xuống bàn, đến đứng bên cửa sổ nhìn ra sân. Lê Quý Đôn là nhà bác học uyên thâm, đối với những thứ mới lạ ông đều rất hứng thú. Ông đặc biệt quan tâm đến Nho giáo, Triết học và Địa lý.ông đặc biệt quan tâm Nho giáo, Triết học và Địa lý. Trí nhớ của tôi về Lê Quý Đôn chỉ dừng lại ở đó nhưng nhờ vậy tôi mới nảy ra được ý định tiếp cận ông.
Lê Quý Đôn ham học lại là quan mẫu mực, không thể dùng vàng bạc để nhờ cậy, cho nên tôi mới nghĩ đến dùng một cuốn sách Địa lý bằng tiếng Anh để tặng ông. Tại sao lại là sách Địa lý? Đơn giản vì ông có hứng thú với thế giới xung quanh và tôi cũng dễ kiếm nó từ các thương buôn đi thuyền người nước ngoài hơn các loại sách khác. Còn bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Hán là để tôi có thể đọc hiểu được và để có lý do nói chuyện nhiều hơn với ông.
Nhưng việc tìm kiếm không đơn giản như tôi nghĩ. Đối với các nhà Nho thì quyển sách truyền giáo kia là một thứ cấm. Quyển chép tay thì không thể dùng tới. Nhưng tấm bản đồ thì có thể, chỉ là có chút khó khăn.
Còn có hai rủi ro nữa, đó là Lê Quý Đôn tuy học vấn uyên bác nhưng liệu có hứng thú với sách của người phương Tây? Và liệu ông có cởi mở để chấp nhận một cô gái đến tìm ông bàn luận kiến thức? Hay là người mang tư tưởng Nho giáo luôn nghĩ rằng con gái phải ở trong nhà?Chiều tà ngày hôm sau, đến trước phủ nhà Lê Quý Đôn, tôi nói Hải đánh xe ngựa đi qua con phố bên cạnh. Tôi không muốn Lê Quý Đôn biết tôi là tiểu thư nhà Huy Quận Công.
Tôi không gõ cửa mà đứng ở một bên cổng đợi, thỉnh thoảng đưa tay sờ tấm bản đồ gấp tư trong túi áo và lẩm nhẩm những câu nói đã dự định trước từ tối qua. Tôi đang cúi đầu nhìn đôi giày của mình thì nghe tiếng bước chân đến gần, liền ngẩng đầu lên nhìn. Lê Quý Đôn ngồi võng được hai người hầu khiêng vừa dừng lại trước cửa phủ. Ông chậm rãi đứng dậy, một người hầu nhanh chân tới trước cổng để mở cửa.
Tôi hít vào một hơi thật sâu, bước qua đứng trước mặt Lê Quý Đôn. Tôi cúi đầu chào:
- Kính chào quan lớn. – Tôi học cách chào của những người ở thời này.
Lê Quý Đôn dừng bước nhìn tôi, trên gương mặt của ông có chút ngạc nhiên:
- Cô gái, nếu là việc của bộ Hình thì thứ lỗi, ta không thể giúp được.
Ra Lê Quý Đôn tưởng tôi đến nhờ vả việc ở bộ Hình, tôi cố gắng nói rành mạch:
- Thưa không, tôi được nghe đến Thị lang bộ Hình là người kiến thức uyên thâm nên mới mạn phép đến tìm. Chẳng là tôi cũng có hiểu biết chút ít nhưng vẫn còn nhiều điều chưa rõ nên mới tìm đến ngài để hỏi. – Chỉ nói có hai câu những tôi phải suy nghĩ cả đêm, lúc này nói ra vẫn còn có chút run run.
Lê Quý Đôn im lặng đứng nhìn tôi một hồi, mày có chút nhíu lại. Bỗng dưng tôi sợ là sẽ bị ông đuổi về, nhưng ông lại nở nụ cười:
- Cô gái tên gì?
Ở nhà tôi đã có dự tính trước, Lê Quý Đôn mà hỏi tên tôi sẽ không nói mình là Đinh Thanh, tránh cho ông phát hiện ra thân phận của tôi. Tôi cúi đầu trả lời:
- Thưa tôi… – Tôi chưa nói hết câu thì có tiếng mở cổng.
Tôi quay người nhìn thì thấy một người phụ nữ mặc áo tím đi ra, đứng trên bậc thềm nói:
- Ông đã về sao chưa vào nhà?
Tôi đoán đây là vợ của Lê Quý Đôn liền cúi đầu chào:
- Kính chào phu nhân.
- Ngẩng mặt lên ta coi. – Phu nhân nhà Thị lang bộ Hình nói với tôi.
Tôi ngẩng đầu lên thì bắt gặp khuôn mặt của bà có chút sửng sốt:
- Cô là Đinh Thanh?
Tôi giật mình, phu nhân nhà Lê Quý Đôn sao lại biết tôi? Tôi cúi đầu đáp:
- Thưa đúng, tôi là Đinh Thanh.
Phu nhân nghe thấy thì mặt biến đổi, Lê Quý Đôn nhíu mày, sau lên tiếng:
- Vào nhà rồi nói.
Trong gian phòng khách, Lê Quý Đôn và vợ ông ngồi trên ghế, tôi ngồi đối diện. Họ cứ thế im lặng nhìn tôi, tôi cũng không biết nên mở lời như thế nào. Lê Quý Đôn nhìn tôi mà hỏi:
- Tiểu thư nhà Huy quận công đến nhà chúng tôi có việc gì?
Tôi cắn môi, cố gắng nói rõ ràng:
- Thưa, tôi đến không phải với thân phận là tiểu thư nhà Huy quận công.
Phu nhân nhà Thị lang hừ một tiếng trong họng, mắt muốn bắn ra tia lửa nhìn tôi:
- Không phải trước đây Huy quận công chê nhà chúng tôi mất danh vị nên từ hôn sao? Giờ cô đến có phải muốn nối lại?
Tôi chấn động. Từ hôn? Như vậy Lê Quý Đôn chính là Nghĩa Phái hầu? Lần trước Nguyễn Hoàn có nhắc đến một lần, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ Nghĩa Phái hầu bị Huy quận công từ hôn thì sẽ không đứng về phía quận công để xử sai cho Trịnh Khải. Hơn nữa Nguyễn Hoàn cũng không nói đến người đó họ tên là Lê Quý Đôn. Tôi thực sự không lường trước được, sự việc vốn khó khăn giờ càng khó khăn hơn thế này.
Tôi cố gắng trấn tĩnh bản thân, giọng run run trả lời:
- Thưa phu nhân, tôi thực sự xin lỗi chuyện lần trước. – Tôi cố giữ giọng mình bớt run. – Nhưng tôi đến chỉ để thỉnh giáo ngài Thị lang về học vấn, không liên quan đến hôn ước.
Bà ta nghe thấy thì sững sờ, nhìn qua Lê Quý Đôn, ông nói bà vào nhà trong để ông nói chuyện với tôi. Bà ta không gây thêm khó dễ, đứng dậy trừng mắt nhìn tôi. Tôi đứng dậy cúi đầu chào, bà hừ một tiếng trong họng rồi quay người đi vào. Tôi thầm thở nhẹ, phu nhân của nhà này tính ra vẫn còn hiền lành, gặp nhà khác với việc con trai mình bị hủy hôn thì không chỉ mắng chửi mà còn có thể động thủ tay chân cũng nên.
- Tiểu thư nói đi. – Giọng của Lê Quý Đôn vang lên.
Theo kế hoạch, tôi sẽ tìm cách tặng sách về địa lý hay lĩnh vực nào đó để lấy lòng Lê Quý Đôn, sau đó mới bịa một chuyện thương tâm để ông mủi lòng mà cho tôi vào gặp Trịnh Khải. Nhưng lúc này, Lê Quý Đôn đã biết thân phận của tôi, nói chuyện không cẩn thận thì Huy quận công sẽ biết được tôi đã đến đây, sẽ thấy tôi có nhiều điểm khác lạ mà sinh nghi. Tôi hít vào một hơi thật sâu, cảm thấy bản thân rối rắm như tơ vò.
Tôi cắn răng, sự việc đã đến nước này chỉ còn một cách thôi. Bước ra khỏi ghế, tôi nắm chặt tay mình cúi gập người xuống, nói:
- Thưa ngài, thực ra tôi đến đây là để cầu xin một việc.
Lê Quý Đôn bị bất ngờ nhưng ông vẫn ngồi yên không nói gì. Tôi cắn môi nói tiếp:
- Tôi trước đây mang ơn huệ của vương tử Tông, biết ngài ấy bị giam lỏng trong nhà ngói nên đau lòng mới đến cầu xin quan cho tôi vào gặp vương tử Tông một lần. – Rốt cuộc tôi đã nói ra được.
Ông có chút sửng sốt, trầm ngâm một hồi mới trả lời:
- Chúa thượng đã có lệnh xuống, không một ai có thể tùy tiện vào gặp vương tử Tông. Việc này, ta không thể giúp cô được.
- Ngài có thể giúp. – Tôi nói cứng rắn nhưng vẫn có chút run rẩy trong lòng.
Lê Quý Đôn chỉ im lặng nhìn tôi, tôi cũng không đoán được ông đang suy nghĩ gì, bèn nói:
- Không phải mỗi ngày sẽ có người đưa cơm vào cho vương tử sao? Ngài để tôi thay người hầu đưa cơm vào thì không ai có thể biết được.
Lần này Lê Quý Đôn nghe tôi nói xong thì sững người. Có lẽ ông bị bất ngờ vì không ngờ tôi đã nghĩ qua biện pháp, hơn nữa còn cảm thấy nó rất khả thi, chỉ cần Lê Quý Đôn cho phép là được. Ông chỉ vào ghế:
- Ngồi đi.
Tôi nghe lời, đi đến bên ghế ngồi xuống. Lê Quý Đôn nhìn tôi, giọng chậm rãi:
- Tiểu thư có biết là Huy quận công không ủng hộ vương tử Tông hay không?
- Dạ có. – Tôi đáp – Đó là lý do tôi đến cầu xin ngài chứ không phải cha tôi.
Lê Quý Đôn đưa tay vuốt chỏm râu dưới cằm, mắt vẫn nhìn tôi:
- Là mang ơn như thế nào để tiểu thư phải hạ mình đi cầu xin như vậy?
- Thưa, là ơn cứu mạng. – Tôi cắn môi nói bừa, suy nghĩ rất nhanh liền nói tiếp – Tôi từng được vương tử cứu mạng, việc này Huy quận công không biết đến, nhưng ơn thì vẫn phải trả. Từ ngày nghe tin vương tử gặp nạn, tôi luôn ăn ngủ không yên.
Câu nói cuối cùng của tôi là thật lòng. Cũng may Lê Quý Đôn không hỏi thêm ơn cứu mạng ra sao, không thì tôi lại phải nói dối thêm một chuyện. Ông chỉ trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Được, trưa mai cô đến sớm một chút, thay người hầu trong phủ ta đưa cơm đến cho vương tử Tông. Việc này không được để cho người khác biết.
Tôi nghe được thì mừng rỡ, những người đọc nhiều sách như Lê Quý Đôn tất nhiên sẽ dễ động lòng trước việc báo ơn trả nghĩa. Tôi cúi đầu nói cám ơn sau đó nhớ đến tấm bản đồ trong túi áo thì lấy ra, cầm bằng hai tay đưa tới trước mặt.
- Thưa ngài, đây là bản đồ đi biển của thương buôn người nước ngoài. Cả thế giới rộng lớn này đều được vẽ trên tờ giấy này ạ.
Lê Quý Đôn nghe thấy thì giãn mặt, mở tấm bản đồ ra xem. Tôi nói nhỏ:
- Những địa danh được đánh dấu trên bản đồ tôi đã viết chú thích bằng chữ Nôm bên cạnh rồi ạ.
Ông ngẩng mặt lên nhìn tôi, giọng có vẻ rất ngạc nhiên:
- Cô biết chữ của người ngoại quốc?
- Dạ, tôi biết được một ít. – Tôi cắn môi, để cẩn thận tôi nói thêm – Xin ngài đừng để chuyện hôm nay tôi đến tìm ngài cho người bên ngoài biết.
Tôi sợ chuyện tôi đến gặp Lê Quý Đôn thì sẽ đến tai của Huy quận công, lúc đó tôi có trăm miệng cũng không biết phải trả lời như thế nào. Lê Quý Đôn nở một nụ cười hiền:
- Được.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, cúi đầu chào rồi đi ra cổng. Ngày mai thôi, tôi sẽ gặp được Trịnh Khải.