Từ ngày biết tin Đinh Ngọc có thai, không khí trong phủ quận công còn phơi phới hơn cả mùa xuân, mặt mũi ai cũng như nở hoa, tinh thần phấn chấn. Tôi ngồi tính toán, lúc này là tháng ba, như vậy đến lúc Đinh Ngọc hạ sinh em bé sẽ là tháng chín, tôi cũng nên chuẩn bị món quà nào đó đặc biệt cho chị mới được. Nghĩ tới nghĩ lui vẫn không nghĩ ra nên tặng gì bèn đem đi hỏi các bác các cô các chị làm bếp. Họ có rất nhiều chủ kiến, ví dụ may áo quần, ví dụ mua dầu thơm… một bác đang cắt rau nãy giờ mới lên tiếng:
- Tôi thấy đến tháng chín hẳn trời sắp lạnh, hay may nhiều mền nhiều nệm một chút, em bé rất hay tiểu đêm, ướt nệm ướt mền lại không đủ thay thì sẽ rất lạnh.
Tôi thấy ý này rất hay nhưng may nhiều cũng không tốt, không có đủ chỗ cất, cũng không thể giặt hoài, mùa lạnh lại rất khó khô. Tôi bóp trán một hồi thì nhớ ra ở thời hiện đại chẳng phải có tả lót cho em bé sao? Thay vì may tả lót nếu may vài tấm đệm nhỏ riêng cho em bé, nếu chăng may tiểu ướt thì chỉ cần đổi tấm đệm khác là được, không ảnh hưởng đến đệm của mẹ. Mà đệm em bé dĩ nhiên nhỏ, vừa tiết kiệm vải, vừa tiết kiệm diện tích cất đồ, giặt giũ cũng dễ dàng hơn. Muốn vậy cần phải có vải không thấm nước để lót ở dưới, sau đó sẽ đến lớp bông và lớp vải trên cùng.
Nếu ở hiện đại có thể dễ dàng kiếm được ni lông dày để lót thì ở thời này là cả một vấn đề. Phải dùng chất liệu gì để có thể giặt giũ được thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo độ bền? Vấn đề vải vóc thì tất nhiên phải đến cửa hàng vải vóc lớn nhất nhì kinh thành để tìm rồi. Lúc tôi đến nơi Nguyễn Hoàn còn đang mải mê tính toán sổ sách không nhìn thấy tôi, chỉ có nhân viên bán hàng là chạy đến hỏi thăm. Tôi nói thẳng vào vấn đề:
- Tôi muốn một loại vải không thấm nước được?
Có lẽ là nghe được giọng của tôi, Nguyễn Hoàn ngẩng mặt nhìn một cái rồi liền vứt sổ sách ra bàn, đi đến bên cạnh tôi:
- Đinh Thanh, sao nàng lại ở đây?
- Dạ tiểu thư đây tìm một loại vải không thấm nước nhưng cửa hàng chúng ta làm gì có loại đó. – Anh chàng bán hàng nhanh nhẩu trả lời.
Nguyễn Hoàn nhăn trán suy nghĩ một hồi rồi nói:
- Nếu nàng cần thì có thể dùng da bò thay thế. Vải thì không có loại nào như nàng nói.
Hai mắt của tôi sáng rực, đúng rồi, có thể dùng da bò.
- Vậy cửa hàng của anh có da bò không?
- Không có, nếu nàng muốn ta sẽ cho người đi tìm.
Nếu để người của Nguyễn Hoàn đi tìm thì thôi để người của mình tự đi tìm vậy, đỡ phải phiền phức.
- Thôi, tôi về sai người đi tìm là được.
- Nàng cần da bò để làm gì? – Nguyễn Hoàn vẫn tính hay tò mò.
- Bí mật. – Tôi cười đáp lại, để cho anh ta tò mò chết đi.
Nguyễn Hoàn bỗng nhiên trầm lặng một hồi mới hỏi:
- Nàng có phải gây ra chuyện gì không? Tại sao ngoài kia đồn rằng nàng rất đanh đá?
Tôi nhe răng cười, nhìn quanh rồi mới nói nhỏ cho Nguyễn Hoàn nghe:
- Tôi đi đánh ghen giùm người khác.
Nguyễn Hoàn nghe được thì giật mình, nhìn tôi bằng con mắt không thể tin được. Sau đó lại cảm thấy hình như việc này có thể xảy ra, gương mặt trở về bình thường, gật gù một cái:
- Có thể lắm.
- Có phải rất oai không? – Tôi nháy mắt.
- Không. Là rất đanh đá. – Nguyễn Hoàn trề môi trêu lại.
Chúng tôi vì thế lại cùng cười rất thoải mái, nhân viên bán hàng và khách mua vải trong cửa hàng đều quay qua nhìn. Tôi hắng giọng nói phải trở về, nếu ở lại thêm không khéo bị vợ người ta đến đánh ghen mất. Cứ tưởng anh ta sẽ trêu lại, ít nhất cũng bảo vệ vợ mình một hai câu, ai ngờ anh ta chỉ thở dài rồi đẩy tôi ra khỏi cửa hàng. Nguyễn Hoàn nói nhỏ:
- Đi đi, coi chừng bị thêm tiếng cướp chồng người khác.
- Tôi không thèm cướp người xấu xí đâu. – Tôi trừng mắt trả lời.
Nguyễn Hoàn mặt mày xám xịt, tôi nhìn thấy thì vui vẻ đi ra phố. Trở về phủ, tôi đem vấn đề vải da bò đi hỏi Hải, anh ta nghĩ một hồi rồi nói có thể tìm được. Thế là tôi giao trách nhiệm kiếm vải da cho Hải, lại sai người hầu tìm thêm vải và bông.
Mất hết ba ngày Hải mới kiếm đủ tấm vải da bò cho tôi, vải da phải còn nguyên tấm và không bị thủng hay hư hỏng quả thật rất khó tìm. Sau khi có đủ vật liệu, tôi vừa mới cầm kéo chuẩn bị cắt vải thì một người hầu chạy vào báo:
- Tiểu thư, công tử Đình Khuê đã đến rồi.
Tôi buông kéo xuống bàn, xách váy đi ra gian phòng khách. Ở đó đã có mẹ cả, Đình Duệ và một anh chàng áo nâu vát đen, gương mặt giống Đình Duệ đến tám phần nhưng da ngăm đen hơn, có lẽ đây chính là Đình Khuê.
- Chào anh Đình Khuê. – Tôi nở nụ cười chào anh ta.
- Đinh Thanh? – Đình Khuê nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi lại.
Tôi gật đầu, Đình Duệ đứng ở một bên cười lớn:
- Có phải nhiều năm không gặp không nhận ra đúng không?
- Dạ, em phải đến tám năm không gặp em ấy rồi. – Đình Khuê đáp lại nhưng mắt vẫn dán vào tôi. – Đinh Thanh, em càng lớn càng đẹp.
Nghe anh ta khen, tôi chỉ cười đáp lại. Việc Đình Khuê đến Thăng Long tôi đã nghe Đình Duệ nói từ mười ngày trước, Hoàng Đình Khuê thua Đình Duệ ba tuổi, so tuổi ra là bằng tuổi với Đinh Thanh nhưng anh ta cao to khỏe mạnh không thua gì Đình Duệ. Cả hai anh em họ đứng với nhau khí thế bừng bừng, không ai thua kém ai.
Trước đó Đình Duệ có nói là Đình Khuê từ Phú Xuân ra Thăng Long để tham gia cuộc thi Võ thí do triều đình tổ chức. Võ thí bình thường là ba năm tổ chức một lần, năm ngoái khoa thi Sở cử được tổ chức tại các trấn, năm nay các thí sinh đậu Sở cử sẽ lên kinh thành thi Bác cử. Tôi đoán Võ thí cũng tổ chức thi tương tự như thi Văn, chỉ khác nhau một bên đánh võ một bên múa bút.
Mẹ cả sau khi hỏi han vài chuyện thì sai người hầu dọn phòng cho Đình Khuê rồi đi về phòng riêng. Tôi thấy hai anh em họ mới gặp lại nhau nên cũng tính về phòng tiếp tục cắt vải để không gian riêng cho họ tâm sự nhưng vừa đứng dậy thì Đình Khuê đã lên tiếng:
- Đinh Thanh có phải năm nay là đến tuổi gả chồng rồi phải không?
Tôi nhoẻn miệng cười:
- Sợ là trong kinh thành không có ai thèm hỏi cưới em.
- Tại sao? – Đình Khuê ngạc nhiên.
Có lẽ anh ta ở xa nên tin đồn không tới nơi được, tôi cười đáp lại:
- Vì em rất kén chọn.
Đình Duệ nghe thấy thì bật cười lớn còn Đình Khuê thì há hốc miệng vì ngạc nhiên. Đình Duệ vỗ vai Đình Khuê:
- Em không cần quá bất ngờ, Đinh Thanh tính tình thích trêu đùa người khác thôi.
Lúc này Đình Khuê mới vỡ lẽ ra, trong thoáng chốc mặt anh ta có vẻ ngại ngùng nhưng ngay sau đó lại sán đến gần tôi:
- Em kén chọn nhưng anh không kén chọn đâu, hôm nào em đưa anh ra phố chơi được chứ?
Tôi nhìn anh ta, cảm thấy nghi ngờ không biết anh ta có ý đồ gì? Thôi bỏ đi, dù sao trên danh nghĩa tôi vẫn là em họ của anh ta, dẫn đi tham quan Thăng Long cũng không có gì là lạ. Tôi gật đầu đáp ứng. Đình Khuê vui mừng ra mặt sau đó còn nói rất tin tưởng tôi. Tuy không biết là anh ta đang nói tin tưởng điều gì nhưng tôi cứ gật đầu, Đình Duệ ở bên nhìn thấy chỉ cười không nói gì.
Tối hôm đó trong bữa cơm, quận công hỏi han Đình Khuê rất nhiều chuyện, hỏi thăm sức khỏe cha anh ta là Hoàng Đình Thể, hỏi thời tiết ở thành Phú Xuân, mùa màng lũ lụt… Đình Khuê ngồi một bên vừa ăn cơm vừa trả lời từ tốn từng câu một, thỉnh thoảng nói vài câu vui vẻ nên không khí bữa ăn cũng không đến nỗi nào. Sau bữa tối, quận công gọi riêng Đình Khuê vào thư phòng hỏi chuyện. Tôi và Đình Duệ ngồi ở bàn đá ăn bánh uống nước.
- Anh Duệ, khi nào thì bắt đầu thi võ? – Tôi vừa hỏi vừa thổi thổi ly trà nóng trong tay.
Đình Duệ nhẩm ngày rồi đáp:
- Một tháng mười ngày nữa.
- Em có thể đi xem không? – Tôi hào hứng hỏi lại.
- Đàn bà con gái không được vào trường thi xem. – Đình Duệ nói nghiêm túc.
Tôi kéo kéo tay áo của Đình Duệ, ý năn nỉ anh cho tôi theo. Tôi thực sự tò mò cuộc thi trạng nguyên võ sẽ được tổ chức như thế nào? Có phải sẽ dựng trường đấu rồi cho thí sinh vào đấm đấm đánh đánh như phim cổ trang Trung Quốc hay chiếu hay không?
Đình Duệ lắc đầu, gạt tay tôi ra, nói nhỏ:
- Anh không thể mang em theo được.
- Tại sao? – Tôi cũng bắt chước anh hỏi nhỏ.
- Vì anh cũng là thí sinh.
Hả? Tôi chưa kịp la thì Đình Duệ đã nhanh tay bịt kín miệng tôi lại. Tôi gật gật đầu lúc đó Đình Duệ mới buông tay, tôi nhìn quanh rồi đưa tay che một bên miệng, hỏi nhỏ:
- Anh đi thi thật sao?
Đình Duệ gật đầu, vươn tay ra xoa đầu tôi rồi nói:
- Năm kia anh ra không kịp cuộc thi Bác cử nên năm nay anh muốn tham gia.
- Nhưng…
Người ta đi thi để được ra làm quan, anh đã làm quan còn đi thi gì nữa? Tôi muốn hỏi như vậy nhưng chẳng nói ra được, có lẽ Đình Duệ có lý của anh ấy. Đình Duệ nhìn tôi mỉm cười:
- Anh tuy ra làm quan nhưng là đi theo chú, anh muốn tham gia cuộc thi này để tỏ rõ bản lĩnh của mình.
Đình Duệ bình thường tính tình sảng khoái, thích trêu đùa tôi nhưng trong công việc anh rất cố gắng. Dù cho anh có làm tốt công việc nhưng vì anh được quận công đưa vào nên nhiều người tỏ ra bất mãn mà không phục, điều này tôi có thể hiểu được. Tôi đưa một ngón cái về phía Đình Duệ, nói:
- Anh rất tuyệt. Em ủng hộ.
Đình Duệ bật cười lớn, lại xoa đầu tôi. Tôi thắc mắc quận công có biết việc anh tham gia thi cử không, Đình Duệ nói quận công không biết nhưng nếu anh lọt vào vòng cuối thì ông cũng sẽ biết thôi. Tôi vỗ vỗ một bên vai anh, nói anh nhất định sẽ đỗ đầu. Đình Duệ vì thế lại cười lớn.
- Hai người đang nói chuyện gì mà vui vẻ vậy? – Đình Khuê đến từ lúc nào lên tiếng hỏi.
Chờ cho Đình Khuê ngồi xuống ghế, tôi mới nói:
- Anh Duệ và em đang nói anh Khuê đợt này chỉ đỗ hạng hai là cùng thôi.
Đình Khuê nheo mắt, nói rất tự tin:
- Thật không? Anh tin chắc mình sẽ đỗ đầu.
- Không có đâu. – Tôi cố ý trêu anh ta.
- Em dám cược không? – Đình Khuê tức giận.
- Được. Cược gì nào? – Tôi cười, quay qua nhìn Đình Duệ. – Có anh Duệ làm chứng.
Đình Duệ gật đầu:
- Được, anh làm chứng. Nếu Đình Khuê đỗ đầu thì sẽ thắng, đỗ hạng hai cũng không được tính, lúc đó Đinh Thanh sẽ thắng. Cược gì?
Tôi nhìn Đình Khuê thấy anh ta bối rối không biết nên cược gì đành lên tiếng:
- Vậy đi, đến lúc người thua thực hiện một yêu cầu của người thắng là được. Nhưng yêu cầu đó phải nằm trong giới hạn có thể thực hiện được.
- Được. – Đình Khuê đáp ứng rất nhanh. – Nam tử hán đại trượng phu, nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy.
***
Việc cá cược này đối với tôi chỉ là khích tướng để Đình Khuê trổ tài, tôi còn mong anh ta đỗ đầu để không phụ lòng cha anh ta và quận công. Còn chuyện thực hiện yêu cầu, tôi đoán yêu cầu của anh ta chắc không đến nỗi gây khó dễ cho tôi.
Sau mấy ngày tôi mới cắt được hết đống vải theo đúng bản thiết kế chỉ chờ người hầu ủi bông phẳng ra là có thể bắt đầu may được. Những lúc đó thỉnh thoảng Đình Khuê đi ngang qua thấy tò mò hỏi vài câu, tôi chỉ đáp là may áo, anh ta chê xấu bị tôi trừng mắt nên cũng không hỏi thêm.
Tôi để ý thấy Đình Khuê tính tình trẻ con hơn Đình Duệ rất nhiều nhưng việc học tập lại rất chăm chỉ. Sáng sớm anh ta đã dậy tập võ, chiều thì ngồi đọc sách. Một chiều anh ta đang ngồi ở gian nhà giữa đọc sách, tôi mới đến trêu anh ta:
- Anh Khuê, thi võ không phải chỉ lên đó đánh nhau thôi sao? Anh đọc sách thì có ích gì?
Đình Khuê bật cười, đưa bìa sách hướng về phía tôi. “Binh Pháp Tôn Tử”. Ra là sách binh pháp. Đi thi Võ thí cũng phải đọc sách binh pháp sao? Đình Khuê nhìn biểu cảm của tôi thì bắt đầu giải thích về cuộc thi.
Luật lệ thi Võ cũng tương tự như thể lệ thi Hương của bên Văn, có võ quan làm đề hiệu, giám thứ, giám khảo, phúc khảo, đồng khảo. Vào các ngày thi sẽ có hoàng thượng tham dự, chúa thượng sẽ tự mình xét duyệt những người đỗ đầu. Khoa thi Bác cử được chia làm ba trường. Trường thứ nhất hỏi mười câu trong bộ Võ kinh thất hư, trường nhì thi võ nghệ, trường ba thi văn sách, hỏi thao lược binh gia. Nếu đỗ cả ba trường thi sẽ được phong là Tạo sỹ, gọi là đỗ đầu cuộc thi, cũng tương tự như đỗ Tiến sĩ bên thi Hương.
Ban đầu cứ nghĩ thi Võ chỉ là trổ tài đánh võ, thi đấu đối kháng đến khi tìm được người thắng cuộc nhưng nghe Đình Khuê nói xong mới thấy thi Võ còn khó hơn thi Văn, không chỉ đòi hỏi sức khỏe, võ nghệ mà còn đòi hỏi đầu óc mưu lược.
Tôi bắt đầu cho chút lo lắng cho Đình Duệ, anh suốt ngày ở trấn phủ trấn Sơn Nam thì làm sao có thì giờ luyện tập đây? Nếu chỉ lên đánh võ thì tôi tin Đình Duệ có khả năng thắng nhưng thi lại nhiều hạng mục như vậy, lỡ như anh bị đánh rớt thì sẽ càng bị người ta coi thường hơn nữa. Không được, tối nay tôi phải nói cho Đình Duệ biết về thể lệ thi để anh chuẩn bị mới được.
Tối đó Đình Duệ nghe tôi nói xong thì bật cười, xoa đầu tôi nói:
- Việc đó anh đã biết từ trước rồi, em yên tâm.
Tôi thở phào nhẹ nhõm, chờ đợi đến ngày thi diễn ra. Càng gần đến ngày thi thì Thăng Long càng thêm phần náo nhiệt, anh hùng khắp nơi tụ hội về, đi ngoài đường còn có thể nghe thấy tiếng múa đao kiếm, người xem vây tròn vỗ tay không ngừng. Tôi thỉnh thoảng ra phố cũng ham vui chạy đến xem người ta múa võ.
- Hải, ngươi có biết võ không?
- Thưa có.
- Ngươi sao không đăng ký đi Võ thí?
- Nhiệm vụ của tôi là bảo vệ tiểu thư. – Anh ta trả lời rất từ tốn.
Hừ, tôi cũng không cần người bảo vệ. Cảm thấy anh chàng đang trổ tài đánh võ kia không hay ho gì nữa nên tôi rút lui khỏi đám đông, đi ra phố.
- Công tử và ngươi ai đánh võ giỏi hơn? – Tôi bỗng nhớ đến Trịnh Khải cũng rất giỏi võ, chỉ vài chiêu đã hạ gục được tên cướp giật.
- Công tử giỏi hơn. – Hải trả lời rất nhanh.
Liếc mắt anh ta, ám chỉ không cần nịnh bợ chủ nhân thế đâu. Hải nhìn thấy thì mặt tỏ vẻ nghiêm túc, ánh mắt có chút sùng bái mà trả lời:
- Công tử học võ từ nhỏ lại rất có năng khiếu võ học, hai người như tôi cũng không đánh lại công tử.
Tôi cười đáp lại, đến một con phố khác lại thấy có đám đông đang tán thưởng hai người đánh võ. Thế mới thấy chúa Trịnh rất coi trọng hiền tài, thi văn và thi võ đều xen kẽ mà tiến hành.
***
Ngày ngày tôi cùng vài người hầu trong phủ dành ít thời gian khâu khâu vá vá, đến khi vừa hoàn thành khá nhiều nệm và mền cho em bé thì cũng đến ngày thi của anh em Đình Duệ.
Sáng sớm hôm thi đầu tiên, cả hai anh em họ mặc áo quần nai nịt gọn gàng ra cửa. Tối về tôi hỏi hết người này đến người kia nhưng không ai mở miệng trả lời khiến tôi thêm lo, không lẽ làm bài không tốt? Quận công biết được Đình Duệ tham gia cuộc thi cũng không nói gì. Sang đến ngày hai rồi ngày ba cũng vậy, họ cứ từ trường thi trở về là im bặt không nói tiếng nào về cuộc thi khiến tôi càng thêm sốt ruột.
Mười ngày sau, bảng vàng dán tên.
Năm Tân Sửu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42, đỗ đồng Tạo sỹ ưu (đỗ hạng ưu cả ba trường thi) có năm người, trong năm người đó có hai cái tên rất quen thuộc:
Hoàng Đình Duệ
Hoàng Đình Khuê
Sáng sớm dán bảng vàng, buổi chiều Đình Duệ và Đình Khuê vào cung vua nhận thưởng. Tối hôm đó họ lại tham gia tiệc mừng trong phủ chúa. Quận công phấn khởi viết thư cho người về thành Phú Xuân báo tin cho Hoàng Đình Thể ngay lập tức.
Trong tối hôm đó cả phủ quận công lại rạo rực không khí vui mừng. Hoàng Lộc, thân tín bên người Huy quận công ngồi kể chuyện năm Cảnh Hưng thứ 33, anh của Đình Duệ là Đình Vị cũng đỗ Tạo sỹ, hiện đang giữ chức Trấn thủ trấn Hưng Hóa. Nay đến lượt Đình Duệ và Đình Khuê cùng đỗ Tạo sỹ. Đúng là hổ phụ sinh hổ tử, phó tướng Hoàng Đình Thể anh hùng còn các con của ông đều là tuổi trẻ tài cao.
***
Trong mấy tháng gần đây chuyện vui liên tiếp gõ cửa phủ Huy quận công, cộng với việc làm lành với Trịnh Khải khiến tôi lúc nào cũng tinh thần phơi phới. Thăng Long phồn hoa, người buôn kẻ bán nhộn nhịp, cuộc sống an ổn, vì thế mà tôi cứ ngỡ mình đang sống trong thời kỳ hòa bình hưng thịnh, quên mất rằng ở Đàng Trong, chiến sự đang rất nóng bỏng.