Sát ngày diễn ra lễ nạp tệ, tôi lại không vui không buồn, cứ hờ hững nhìn mọi thứ sắp đặt dần dần mà không hiểu được bản thân rốt cuộc muốn điều gì. Tôi biết mình sẽ không cam tâm chấp nhận cuộc hôn nhân này, nhưng tôi lại không thể phản kháng.
Mẹ cả tất bật chuẩn bị cho lễ nạp tệ, cả phủ quận công đều được dán giấy đỏ. Người hầu thi nhau ngồi cắt hoa giấy đem treo khắp nơi trong sân. Đinh Ngọc lặng lẽ ngồi bên cạnh tôi, chị vừa thêu mặt gối hình đôi phụng bằng chỉ đỏ vừa nói:
- Những thứ này em đừng để tâm, chị làm hay em làm cũng không khác gì. – Chị khẽ thở dài. – Đinh Thanh, sau này về nhà chồng em chịu khó nhẫn nhịn người ta một chút…
Tôi chống cằm nhìn bâng quơ ngoài sân, đáp hờ hững:
- Em không biết…
Nhà Viêm quận công chắc chắn đã có dự tính của họ. Nếu không thì với những gì đã xảy ra, tại sao tên Trọng Chiếu đó vẫn chấp nhận cưới tôi? Tôi không thể tưởng tượng được tôi sẽ ra sao khi về làm dâu nhà đó.
Đinh Ngọc lại thở dài, giọng chị có chút u buồn:
- Phận gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu. Em gả cho người ta rồi thì nên quên hết chuyện cũ đi, cũng đừng cứng đầu nếu không sẽ mang thiệt vào thân…
Tôi nghe ra ý tứ của chị mà lòng có chút nhói đau rồi buột miệng đọc hai câu thơ trong Truyện Kiều:
- Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung…
Tố Như à, vì cậu sống ở thời đại này cho nên cậu mới thấu hiểu nỗi lòng của những người phụ nữ ở đây có phải không? Nhưng tôi không phải người ở thời này, liệu tôi có thể khác họ được không?
Đinh Ngọc nghe tôi xuất khẩu thành thơ thì có chút sững sờ, tôi cười giải thích:
- Là thơ của Nguyễn Du viết, không phải em tự làm đâu.
- Thật sao? – Đinh Ngọc ngạc nhiên. – Cậu ấy còn nhỏ như vậy…
Tôi bỗng chột dạ, không biết thời điểm này Nguyễn Du đã bắt tay viết Đoạn trường tân thanh chưa? Tôi nói lung tung như vậy, lỡ như…
- Hèn chi, hồi đó cha hết lời khen ngợi cậu ta, còn em thì… – Đinh Ngọc bỗng cười một cách khó hiểu. – Không phải em vẫn còn thầm mến Nguyễn Du đấy chứ?
- Chị! – Tôi lườm chị một cái thật sắc bén.
Đinh Ngọc lấy tay che miệng cười khúc khích, thật giống chị ấy cách đây mấy năm. Tôi cũng mỉm cười theo, dù gì hiếm khi chúng tôi mới lại vui vẻ một chút.
- Tiểu thư. – Gạo hớt hải chạy vào. – Tiểu thư, công tử Nguyễn Hoàn đến.
Đinh Ngọc và tôi cùng ngạc nhiên nhìn nhau. Chị lên tiếng hỏi Gạo trước:
- Mẹ ta đâu?
- Phu nhân ra ngoài rồi ạ.
Nghe vậy, tôi vội vàng đứng dậy đi về phía gian nhà trước. Vừa vào đến phòng khách tôi đã thấy Nguyễn Hoàn đang ngồi trên ghế, lưng thẳng, hai tay nắm chặt để trên hai đầu gối. Vừa nhìn thấy tôi, anh ta đã đứng bật dậy:
- Đinh Thanh.
Cũng không phải lâu lắm rồi chưa gặp Nguyễn Hoàn nhưng sau cơn biến động, gặp lại anh ta, tôi lại vui mừng như gặp lại người thân, nước mắt bất giác rơi ra. Nguyễn Hoàn thấy thế càng hấp tấp đến gần tôi, sau đó chỉ thở dài:
- Tại sao nàng lại ra nông nỗi này?
- Anh biết hết mọi chuyện rồi sao? – Giọng tôi có chút nghẹn ngào.
Nguyễn Hoàn nhíu mày rồi hỏi ngược lại tôi:
- Không lẽ ngoài việc nàng bị ép gả cho nhà Viêm quận công thì còn chuyện khác nữa sao?
Xem ra đúng là mọi chuyện liên quan đến tôi và Trịnh Khải được Huy quận công che giấu rất kỹ. Tôi khẽ lắc đầu rồi đến ngồi bên ghế, Nguyễn Hoàn đi theo rồi ngồi xuống ghế đối diện.
- Đinh Thanh, nàng không sao chứ? – Giọng của Nguyễn Hoàn có vẻ rất lo lắng.
Tôi khẽ lắc đầu rồi lại gật đầu nhưng vẫn không nói tiếng nào. Nguyễn Hoàn sốt ruột:
- Sáng nay tôi nghe tin phủ Huy quận công treo đèn lồng đỏ chuẩn bị cho lễ nạp tệ của nàng thì đã hốt hoảng chạy đến đây đấy. Tôi đi qua đi lại trước cổng phủ gần cả canh giờ mà không dám vào, đến lúc thấy phu nhân ra ngoài mới có can đảm gõ cửa đó. Nàng mau nói đi, đừng im lặng như thế.
- Tôi sắp gả cho con trai nhà Viêm quận công.
- Cái đó tôi biết. Nàng đồng ý với sự sắp đặt của cha nàng sao? – Nguyễn Hoàn nóng nảy hỏi lại.
Tôi mỉm cười trêu anh ta:
- Không phải có câu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy sao? Tôi chỉ làm một người con hiếu thảo thôi.
Không ngờ Nguyễn Hoàn nghe xong lại thực sự tức giận:
- Nàng đừng có vờ vịt trước mặt tôi! Nếu nàng coi tôi là bạn thì nói cho tôi biết nguyên nhân thực sự đi, tôi biết tính của nàng luôn thích tự quyết định, sao có thể ngoan ngoãn nghe lời thế được. Có phải nàng gặp chuyện gì rồi không? – Khuôn mặt anh có chút buồn, giọng nói nhỏ đi. – Hay là liên quan đến người ấy?
Tôi có chút sửng sốt nhưng sau đó lại cảm thấy trong lòng có như vừa được thắp lên một ngọn lửa ấm áp. Nguyễn Hoàn không hổ là tri kỷ của tôi, tuy có nhiều chuyện tôi giấu kín nhưng có lẽ anh ta vẫn đoán được một phần. Có được người bạn như Nguyễn Hoàn, tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều. Nguyễn Hoàn thấy tôi không nói gì thì thở dài mà nói:
- Trước khi tôi cưới Vi Hà, nàng biết lúc đó tôi… – Nguyễn Hoàn có chút ấp úng. – Ừm, tôi… cho nên rất bất mãn với sự sắp đặt của cha mẹ, tôi đã cãi nhau một trận lớn với cha mẹ. Lúc đó anh Cảnh đến khuyên giải, tôi cũng không nghe, còn đòi đánh nhau với anh ấy. Sau đó tôi bị thua mà lòng tôi cũng…
Nguyễn Hoàn mỉm cười nhìn tôi:
- Anh Cảnh hỏi tôi có biết người thực sự trong lòng nàng là ai không? Anh ấy nói đó là người mà tôi không thể so sánh, tốt nhất là tôi nên bỏ cuộc.
Tôi lắc đầu, lời chưa kịp ra miệng thì Nguyễn Hoàn đã thấp giọng nói tiếp:
- Tôi không tin nhưng sau đó suy nghĩ cẩn thận cũng lờ mờ đoán ra được người ấy thì trong lòng đã hoàn toàn hết hi vọng… Đúng là tôi không thể so sánh với người ta được, nhưng…
- Đừng nói nữa! – Tôi ngắt lời Nguyễn Hoàn. – Sao tôi có thể đem anh ra so sánh, hơn nữa…
Nguyễn Hoàn nở một nụ cười khổ:
- Nàng không cần giải thích, tôi đều hiểu. Chỉ là nếu nàng thực sự coi tôi là tri kỷ thì đừng một mình chịu đựng tất cả như thế. Tôi có thể giúp nàng.
Tôi không biết nói gì hơn đành cắn môi im lặng. Nguyễn Hoàn lo lắng cho tôi, tức giận khi tôi không cần đến sự giúp đỡ của anh ta. Có người bạn như vậy, tôi còn mong gì hơn nữa. Chỉ là, thực sự Nguyễn Hoàn có thể giúp được tôi sao?
Nguyễn Hoàn nhíu mày, giọng buồn bã:
- Nàng vẫn không tin tôi?
- Không phải! – Tôi hốt hoảng. – Không phải tôi không tin anh, tôi còn cảm thấy có lỗi với anh nữa. Chỉ là chuyện này…
- Tôi sẽ tìm cách giúp nàng. – Nguyễn Hoàn kiên định.
Tôi gật đầu, hốc mắt có chút ẩm ướt. Nguyễn Hoàn trêu chọc:
- Nàng mít ướt từ khi nào vậy?
- Không có! – Tôi khịt khịt mũi.
Đinh Ngọc chờ chúng tôi nói chuyện xong mới đến gần chào hỏi Nguyễn Hoàn. Sau khi tiễn Nguyễn Hoàn về, Đinh Ngọc vào phòng ngồi yên lặng nhìn tôi, trong đôi mắt chị không giấu nỗi sự lo lắng nhưng mãi chẳng nói câu gì. Sự im lặng ấy của chị khiến tôi có chút chột dạ, đành phải đánh trống lãng:
- Tới giờ cơm chưa nhỉ? Em thấy đói bụng rồi.
Gạo đứng bên cạnh trả lời:
- Sắp rồi tiểu thư ạ. Hay tiểu thư ăn chè hạt sen nhé, sáng nay em thấy bà Bảy mới nấu xong.
- Em đi lấy ít bánh phục linh ra cho Đinh Thanh ăn tạm là được rồi. – Đinh Ngọc quay qua nói với Gạo. – Bây giờ ăn đồ ngọt vào lát lại không ăn cơm được.
Gạo vâng dạ rồi đi ra khỏi phòng. Đinh Ngọc nhẹ nắm lấy tay tôi:
- Đinh Thanh, vì em mất mẹ từ nhỏ nên cả nhà đều rất thương em, cha cũng vì thế mà cưng chiều em hơn, em biết mà đúng không?
Tôi gật đầu, Đinh Ngọc chậm rãi nói tiếp:
- Cha nhất định có con mắt nhìn của mình, sẽ không gả em cho người ta chỉ vì phú quý. Nhà Viêm quận công là họ hàng với nhà chúa, nhà mình chẳng phải cũng có họ hàng với nhà chúa sao? Nói về quyền thế, chẳng phải nhà người ta còn phải nể mặt cha sao? Công tử nhà Viêm quận công còn trẻ còn ham chơi nhưng tính tình tốt, sau này trưởng thành chững chạc sẽ là chỗ dựa yên ổn cho em. Em đừng hờn giận cha nữa…
Đinh Ngọc còn muốn nói thêm nữa nhưng thấy tôi chỉ cắn môi im lặng thì khẽ lắc đầu rồi đi ra ngoài. Ẩn ý của Đinh Ngọc, sao tôi lại không hiểu chứ. Mẹ cả cũng nhiều lần nói riêng với tôi như thế. Đinh Ngọc mong muốn tôi được yên ổn hạnh phúc, Huy quận công cũng thực sự thương tôi, nhưng lấy một người mình không có tình cảm, liệu có thể hạnh phúc? Hơn nữa bị gả đi trong tình trạng cưỡng ép và gượng gạo thế này, tôi không nhìn thấy chút tương lai tươi sáng nào ở phía trước.
Thực ra, nếu suy nghĩ lạc quan một chút, thì tôi gả cho ai cũng có gì khác nhau? Trịnh Khải và tôi không thể có kết quả, tôi còn ôm ấp hi vọng gì nữa?
Thế nhưng tôi vẫn không thể buông bỏ được. Trịnh Khải, Trịnh Khải, tên anh đã khắc sâu vào tim tôi rồi.
***
Buổi tối trằn trọc mãi không ngủ được, tôi ngồi dậy lần mò đến bàn trà tìm nước uống. Nhờ mắt đã thích nghi với bóng tối nên dù trong phòng không thắp đèn và chỉ dựa vào thứ ánh sáng mờ mờ hắt từ bên ngoài vào qua song cửa sổ tôi cũng có thể nhẹ nhàng đến gần bàn trà một cách suôn sẻ.
Vừa đến bàn trà thì tôi nghe được tiếng thở dài bên ngoài cửa sổ. Tiếng thở dài không lớn nhưng ban đêm yên tĩnh nên thành ra tôi nghe rất rõ. Là ai, nửa đêm canh ba lại đứng trước cửa sổ của tôi thở dài như vậy? Tôi đứng sát vào tường, không dám động đậy, tim như bị ai treo lên ngọn cây, đến thở cũng không dám thở mạnh.
Sau một hồi im lặng, người đó lại thở dài một tiếng rồi mới bỏ đi. Chờ tiếng bước chân xa dần, tôi vội đi ra cửa chính, mở nhè nhẹ một cánh cửa nhìn ra. Nhờ ánh sáng vằng vặc của trăng mười bảy trên cao, tôi có thể nhìn ra được bóng người vừa khuất ở góc nhà chính là Huy quận công. Trên người ông là bộ quan phục dài sát đến gần chân, đầu vẫn còn đội mũ cánh chuồn. Có lẽ ông chỉ mới trở về phủ sau khi giải quyết xong công việc ở phủ chúa. Nhưng tại sao ông về trễ như vậy vẫn còn cố ý đến đứng trước cửa phòng tôi mà thở dài ảo não? Không lẽ tối nào ông cũng đến để thăm tôi theo cách như vậy sao? Tôi bỗng nghe lòng mình dâng lên nỗi buồn xót xa.
Tấm lòng làm cha của ông, làm sao tôi hiểu được đây?