“Sĩ chí thiên chung phi quý. Niên quá thất thập thường hy. Phù sanh thân hậu hữu thùy tri? Vạn sự không hoa du hý! Hưu sính thiếu niên cuồng đãng. Mạc tham hoa tửu tiện nghi. Thoát ly phiền não thị hòa phi. Tùy phận an nhàn đắc ý”:
(Quan hưởng ngàn chung cũng chẳng quý.
Tuổi đã bảy mươi đã hiếm người.
Tiếng tăm hão, chết rồi, ai biết?
Muôn sự chẳng qua chỉ trò chơi!
Tuổi trẻ chớ buông tuồng phóng đãng.
Đừng ham hoa rượu dể trôi xuôi.
Hãy tránh ưu phiền rắc rối.
Vui vẻ an nhàn theo số trời).
Đây là bài từ “Tây giang nguyệt”(3), khuyên người nên an phận thủ thường, sống theo duyên phận, chớ để cho bốn thứ “tửu, sắc, tài, tình” làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng hành vi, dẫn đến chỗ muốn sướng mà chẳng được sướng, được lợi rồi lại mất lợi.
3. Từ là loại thơ làm theo các điệu hát có sẵn.
[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại . - gác nhỏ cho người yêu sách.]
Nói đến bốn thứ trên thì “sắc” là lợi hại nhất. Mắt là môi giới cho tình, dẫn đến lòng sinh dục vọng. Khởi đầu là bụng dạ bồn chồn, sau đấy là hồn phi phách tán. Nếu như nơi rặng liễu tường hoa, ngẫu nhiên hội ngộ thì cũng có thể sự việc tốt lành. Nhưng chẳng may lại lòng nọ dạ kia, làm thương phong bại tục, chỉ cốt vui thú chốc lát ình mà không nghĩ đến tình nghĩa trăm năm cho kẻ khác thì giả như người có thê thiếp xinh đẹp mà bị kẻ khác trêu ghẹo thì sẽ thấy ra sao? Người xưa có bốn câu thơ rất hay:
Nhân tâm hoặc khả mị
Thiên đạo bất sai di
Ngã bất dâm nhân phụ
Nhân bất dâm ngã thê
(Lòng người có khi tối
Nhưng đạo trời chẳng sai
Ta không trêu vợ người
Vợ ta sẽ gặp may)
Hôm nay tôi xin kể chuyện “Áo trân châu” để thấy chuyện nhân quả báo ứng là có thật, nêu ra để các con trẻ lấy đó mà làm gương.
Truyện kể về một người họ Tưởng tên Đức, tiểu tự là Hưng Ca, người huyện Tảo Dương phủ Tương Dương tỉnh Hồ Quảng. Cha của Hưng Ca là Tưởng Thế Trạch, từ nhỏ đã thông thuộc đường đi Quảng Đông buôn bán. Tưởng Thế Trạch có vợ là La thị đã qua đời để lại con trai Hưng Ca mới lên 9 tuổi. Tình cha con quyến luyến nhưng lại không bỏ được con đường cơm áo ở Quảng Đông, vậy nên suy đi nghĩ lại mãi, Thế Trạch đành mang con đi theo, để dạy dỗ nó ít nhiều điều khôn nhẽ phải. Chú bé này nhỏ tuổi nhưng mặt mũi sáng sủa, má trắng môi hồng, cử chỉ đường hoàng, ăn nói lanh lợi, thông minh hơn cả người học thức, khôn ngoan chẳng kém kẻ tài ba. Mọi người đều xem là của quý vô giá.
Tưởng Thế Trạch sợ người ta đố kỵ nên dọc đường không nói là con đẻ của mình mà nói là cháu đằng vợ họ La. Vốn là họ La cũng thường đi buôn bán ở Quảng Đông, họ Tưởng chỉ mới một đời chứ họ La thì đã ba đời, những nhà buôn bán trọ ở đó đều quen biết thân thiết. Việc Tưởng Thế Trạch đi buôn mới đầu cũng là do ông bố vợ họ La dẫn đi. Vì gần đây luôn bị kiện tụng, nhà họ La thất thế, ít qua lại vùng này, nay thấy Thế Trạch đem tới một cậu bé của nhà họ La mặt mũi xinh xắn, ứng đối thông minh thì ai cũng thích.
Tưởng Hưng Ca theo cha đi làm khách thương được mấy lần là đã thông thạo, mọi cách thức đều biết, cha rất vui mừng. Đến khi chàng ta 17 tuổi, cha ngã bệnh quy tiên. Cũng may lúc này còn đang ở nhà, không phải làm ma đất khách. Hưng Ca khóc lóc một hồi, rồi đành phải gạt lệ lo toan tang ma đại sự.
Đến hôm 49 ngày, họ hàng nội ngoại đều tới thăm viếng. Trong số khách có ông họ Vương là nhạc phụ tương lai của Hưng Ca, được bà con nhà họ Tưởng ân cần tiếp đãi. Trong khi trò chuyện, ai cũng khen Hưng Ca trẻ người mà giỏi giang, việc lớn gia đình chỉ một mình anh ta lo toan tất cả. Chuyện qua chuyện lại, rồi có người nói: “Thưa cụ Vương, bây giờ lệnh ái đã trưởng thành, sao không nhân dịp này cho cô cậu làm đám cưới để chung sống với nhau?”
Ông Vương chưa quyết định. Rồi hôm đó từ biệt ra về.
Bà con họ Tưởng đợi xong xuôi việc tang lễ, lại tới thúc giục. Mới đầu Hưng Ca không chịu, sau bị thôi thúc mãi, cũng cảm thấy một mình cô quạnh, đành bằng lòng vậy. Bèn nhờ bà mối sang nhà họ Vương xin cưới. Ông Vương từ chối nói: “Có gì thì nhà tôi cũng phải sắm sửa ít đồ, làm ngay sao được. Vả lại tang chưa đầy năm, cũng chưa nên cưới, đợi sau sẽ bàn”.
Bà mối về nói lại, Hưng Ca thấy vậy cũng phải thôi, không dám cố xin.
Ngày tháng thoi đưa, chẳng mấy chốc đã qua một năm, Hưng Ca lễ trước bài vị cha rồi thay bỏ áo tang, lại nhờ bà mối sang nói, lần này mới được nhận lời. Mấy ngày sau tiến hành sáu lễ xong xuôi, rước cô dâu về nhà làm vợ.
Bài “Tây giang nguyệt” có câu: “Hiếu mạc phiên thành hồng mạc, sắc y hoán khứ ma y” (Màn tang chuyển thành màn đỏ, áo màu đổi lại áo gai).
Cô dâu này là con gái út của ông Vương, tên gọi Tam đại nhi, vì nàng ta sinh đúng ngày mồng 7 tháng 7 nên còn gọi là Tam Xảo Nhi. Nhà họ Vương có hai cô con gái lớn đã gả chồng, cô nào cũng xinh đẹp, khắp vùng đều khen, nên có mấy câu rằng: “Thiên hạ phụ đa nhân. Vương gia nữ sắc quả. Hữu nhân thú trước tha. Thăng tự vị phò mã” (Trong thiên hạ chẳng thiếu đàn bà, nhưng con gái nhà họ Vương thật hiếm có. Ai may mắn mà lấy được họ, thì khác nào được làm phò mã con vua).
Tưởng Thế Trạch nghe nói ông Vương có con gái đẹp bèn đem lễ vật sang xin ngay từ khi còn nhỏ, định nhân duyên sớm cho hai đứa trẻ. Nay cưới được về nhà rồi, thấy quả là xinh đẹp dịu dàng, so với hai cô chị còn hơn rất nhiều. Thật là: “Tây Tử nước Ngô chẳng bằng, Nam Hậu nước Sở còn kém”.
Tưởng Hưng Ca vốn người đàng hoàng, nay lấy được vợ mỹ nhân, đúng là tốt lứa đẹp đôi, vợ chồng yêu quý nhau, sống rất hạnh phúc.
Nhưng từ xưa đã vậy, khổ thường kéo dài, vui thường qua mau, hè qua đông tới, chẳng mấy chốc đã trọn kỳ tang. Hưng Ca một hôm nghĩ tới những ngày cha sống ở Quảng Đông, thế mà nay đã hơn ba năm. Ở đó vẫn còn nhiều món nợ chưa thu được. Đêm đó mới bàn cùng vợ, muốn lên đường đi một chuyến. Mới đầu vợ cũng bằng lòng, bảo “nên đi” nhưng sau lại nói đường xá xa xôi, vợ chồng đang ân ái mặn nồng, làm sao chia tay cho được. Nói rồi nước mắt tuôn rơi. Hưng Ca cũng thấy không xa nhau nổi, buồn bã một hồi rồi thôi không đi nữa. Thấm thoát, chẳng mấy chốc lại hai năm nữa trôi qua. Lần này Hưng Ca quyết định phải đi, bèn giấu vợ chuẩn bị hành lý, rồi chọn ngày lành, đến hôm trước khi đi năm ngày mới nói với vợ rằng: “Người ta thường bảo miệng ăn núi lở, vợ chồng ta rồi cũng phải thành gia lập nghiệp, sao có thể bỏ con đường cơm gạo đó được. Bây giờ là tháng hai, thời tiết ấm áp, nếu không đi thì còn đợi đến bao giờ nữa?”
Biết không giữ nổi, Tam Xảo chỉ đành hỏi: “Chàng đi thì bao giờ về?”
Hưng Ca nói: “Ta đi lần này là bất đắc dĩ, chậm nhất là một năm sẽ phải trở về” Tam Xảo chỉ vào cây xuân trước nhà bảo rằng: “Sang năm, cái cây này nẩy lá là thiếp đợi chàng về đấy”. Nói rồi nước mắt lại như mưa. Hưng Ca lấy tay lau nước mắt cho nàng, bất giác nước mắt mình cũng ròng ròng, tình cảm ly biệt thật khôn tả xiết.
Đến ngày thứ năm, hai vợ chồng sụt sùi khóc lóc, trò chuyện suốt đêm, không ngủ chút nào. Đúng canh năm, Hưng Ca trở dậy sắp xếp hành lý, đem các đồ tế nhuyễn ông bà để lại giao hết cho vợ giữ, riêng mình chỉ đem theo ít bạc, sổ nợ và quần áo đồ dùng cần thiết. Gia nhân thì chỉ mang theo thằng nhỏ, còn người già thì để lại cho Tam Xảo sai bảo hàng ngày. Lại sắp xếp cho hai vú già chuyên lo bếp núc và hai a hoàn một đứa là Tình Vân, một đứa là Noãn Tuyết chuyên hầu hạ trong phòng bà chủ không được rời xa. Sắp xếp đâu vào đấy, Hưng Ca nói với vợ: “Nàng hãy chịu khó ở nhà chờ đợi. Vùng này bọn trai trẻ lêu lổng không ít, nàng lại là người xinh đẹp, chớ có ngó ngàng gì trước cửa mà mang họa”.
Tam Xảo nói: “Chàng cứ yên tâm, đi sớm rồi về cho sớm!” Vợ chồng gạt nước mắt chia tay.
Thật là:
Trên đời ngàn vạn điều đau khổ,
Chẳng gì hơn tử biệt sinh ly.
Hưng Ca trên đường đi, suốt ngày chẳng để ý chuyện gì, chỉ đau đáu nhớ vợ. Chẳng bao lâu đã tới Quảng Đông, tìm vào quán trọ. Bọn người quen biết xưa đều kéo tới gặp mặt. Bày rượu tiếp đãi suốt bao nhiêu ngày, chẳng lúc nào rảnh. Lúc ở nhà đã hao phí sức lực, lúc đi đường lại vất vả mệt nhọc, bây giờ lại ăn uống bừa bãi quá nên Hưng Ca ngã bệnh. Suốt mùa hạ vẫn không khỏi, đến mùa thu thì chuyển thành bệnh lỵ. Ngày nào cũng phải mời thầy bắt mạch bốc thuốc điều trị, kéo dài mãi đến tận cuối thu mới khỏi. Thế là việc buôn bán phải gác lại, trước mắt thấy một năm không thể về được.
Tuy nhớ nhà song lâu dần rồi cũng quen.
Lại nói chuyện Tam Xảo Nhi ở nhà, từ khi chồng ra đi dặn dò như vậy, quả thật trong suốt mấy tháng trời nàng ta mắt không nhìn ra cửa, chân không bước khỏi lầu. Thời gian vun vút chẳng mấy chốc đã đến hết năm, nhà nào nhà nấy rộn ràng đốt pháo Tết, ăn cơm họp mặt vui vẻ. Tam Xảo Nhi trước cảnh đó càng thấy nhớ chồng, suốt đêm buồn ảo não. Thật là:
Nến tàn, sầu khó cạn
Xuân về, người chẳng về
Sớm mai càng cô quạnh
Thay áo mới làm chi!
Hôm sau, ngày mồng một Tết. Hai đứa a hoàn Tình Vân, Noãn Tuyết nài nỉ khuyên bà chủ ra phía trước cửa xem phong cảnh một chút. Căn nhà của họ Tưởng phía trước liền với đường phố, phía sau là phòng ở. Tam Xảo thường chỉ ở phía sau. Hôm nay bọn nó nói mãi đành phải đi ra phía trước, bảo mở cửa sổ, buông rèm xuống rồi nhìn ra ngoài. Ngoài phố thật là nhộn nhịp. Tam Xảo nói: “Bao nhiêu người qua lại mà không thấy một thầy bói nào. Phải chi có mà gọi lại bói xem tin tức của ông chủ”. Tình Vân nói: “Hôm nay ngày đầu năm, mọi người đều nghỉ chơi, ai mà đi bói toán” Noãn Tuyết tiếp lời: “Cô ơi, cứ để hai chúng con lo, nội trong năm ngày thế nào cũng tìm được một thầy bói”.
Đến ngày mồng bốn. Noãn Tuyết xuống lầu tiểu tiện, bỗng nghe ngoài phố có tiếng gõ tinh tang, tinh tang. Đó là thầy bói mù gõ rao mời khách. Noãn Tuyết vội vã, chạy ra ngoài gọi lão mù, rồi lại nhón chân chạy một hơi về lên lầu báo cho bà chủ. Tam Xảo bảo ngồi dưới nhà dưới, rồi xuống nghe thầy bói đoán giải. Ông thầy mù bắt đầu bói quẻ. Hai bà vú trong bếp nghe thấy rộn rã cũng chạy ra xem, rồi nói thay bà chủ: “Quẻ này xin hỏi về người đi xa”. Ông thầy mù hỏi: “Có phải vợ hỏi về chồng không?”. Bà già nói: “Phải”. Ông thầy nói: “Thanh long trị thế, tài hào phát động, nếu vợ hỏi về chồng thì người đi hiện đang ở nửa đường, vàng bạc lụa là nhiều lắm, gió bão thì tịnh không. Thanh long thuộc mộc, mộc vượng vào xuân, đã lên đường lúc lập xuân rồi. Cuối tháng này hoặc đầu tháng sau ắt sẽ về đến nhà. Mang theo nhiều của cải” Tam Xảo biếu ông ba phân bạc để ông ta đi, rồi vui mừng lên lầu. Thật là “Vọng mai chỉ khát, họa bính sung cơ” (Ngắm mai khỏi khát, vẽ bánh no lòng).
Phàm người đi đã không mong thì thôi, đã mong thì lòng dạ khắc khoải, lúc nào cũng bồn chồn. Tam Xảo tin lời thầy bói, chỉ một dạ nghĩ đến chuyện chồng về. Từ đó, cứ luôn luôn ra trước phía lầu, ngó qua rèm mà nhìn khắp phía. Mãi cho đến tuần đầu tháng Hai, cây xuân trước cửa đã nẩy chồi mà vẫn chẳng thấy tăm hơi.
Nhớ đến lời hẹn của chồng trước lúc ra đi, Tam Xảo càng lo, một ngày mấy lần ngóng nhìn ra ngoài. Vừa hay lúc đó nhìn thấy một chàng trẻ tuổi tuấn tú. Đúng là “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Vô duyên đối diện bất tương phùng”.
Chàng trẻ tuổi này là ai vậy? Vốn không phải là người vùng này mà là người huyện Tân An thuộc Huy Châu, họ Trần tên Thương, người ta thường gọi là Đại Hỷ Ca sau gọi là Đại Lang. Chàng ta tuổi mới 24, đẹp trai tuy không hơn được Tống Ngọc, Phan An song cũng không thua kém.
Đại Lang cũng đã mất cả song thân, gom tiền hai, ba ngàn lượng đến vùng Tương Dương này, mua gạo, đỗ về bán, thường một năm đi vài lần.
Chàng ta ở ngoại thành, hôm nay ngẫu nhiên vào phố để đến cửa hiệu cầm đồ quen hỏi tin tức của nhà. Cửa hiệu đó ở ngay đối diện nhà họ Tưởng. Chàng ta ăn mặc thế nào? Đầu đội chiếc mũ bách trụ kiểu Tô Châu, mình mặc áo dài lụa Hồ màu trắng như bụng cá. Trông hệt như cách ăn mặc của Tưởng Hưng Ca.
Tam Xảo nhìn xa, tưởng là chồng về, bèn vén rèm lên nhìn kỹ. Trần Đại Lang ngẩng lên, thấy một mỹ nhân rất trẻ ở trên lầu, thế là cứ chăm chăm nhìn không chớp mắt, trong lòng thấy rất thích.
Tam Xảo không ngờ là nhận nhầm. Thấy không phải chồng, nàng ngượng đỏ bừng mặt, bèn chạy vội vào nhà trong, ngồi tựa vào thành giường, trống ngực đánh thình thịch. Nào ngờ anh chàng Trần Đại Lang kia đã bị ánh mắt của người đàn bà hút hết hồn vía. Về đến chỗ ở, cứ nhớ mãi không sao quên nổi, bụng nghĩ: “Vợ mình ở nhà tuy có chút nhan sắc nhưng sao bằng phân nửa của nàng này. Nếu như gặp được nàng một đêm thì có tiêu hết cả số tiền cũng không uổng”. Rồi thở dài mãi. Bỗng chợt nghĩ ra ở hẻm phía đông có mụ Tiết bán đồ quý, thường quen biết giao dịch. Mụ này mồm mép khéo léo lại thông tỏ phố xá ngõ hẻm, nhà nào mà chẳng biết, phải đi bàn với mụ, nhất định là được.
Đêm đó chàng ta trằn trọc mãi. Hôm sau mới tinh mơ đã dậy, kiếm chút nước lã rửa mặt, chải đầu rồi lấy một trăm lượng với hai đĩnh vàng lật đật vào thành.
Chàng ta đi một mạch đến hẻm phía đông thành phố, đến gõ cửa nhà mụ Tiết. Mụ này đang đầu tóc bù xù, ngồi trong sân nhặt hạt châu. Nghe tiếng gõ cửa, mụ vừa thu hạt châu lại vừa hỏi “Ai đấy?”
Trần Đại Lang nói: “Có việc cần, đến muộn sợ không gặp được”. Mụ Tiết hỏi: “Có cần già này đưa ít đồ trang sức bằng trân châu ra xem không?” Trần Đại Lang nói: “Trân châu cũng sẽ mua, song còn có việc rất cần bà đây”. Mụ Tiết nói: “Ngoài việc buôn bán loại hàng này, mọi việc khác già này không quen”.
Trần Đại Lang hỏi: “Nói ở đây được không?” Mụ bèn đóng cửa lại, mời chàng ta vào ngồi trong căn gác nhỏ rồi hỏi: “Đại quan nhân có việc gì sai bảo?”
Nhìn xung quanh thấy không ai bèn lấy bạc trong tay áo ra, bày lên bàn nói: “Một trăm lượng bạc này, bà nhận rồi tôi mới dám nói.” - “Chưa biết đầu đuôi thế nào, nhận sao được?” Đại lang nói: “Hay bà chê ít?” Lại vội vàng lấy ra hai đĩnh hoàng kim vàng óng đặt cả lên bàn, nói: “Mười lượng vàng này cũng xin biếu bà luôn. Nếu bà không nhận là bà cố ý không giúp rồi. Hôm nay tôi đến tìm bà chứ không phải bà đến cầu tôi. Chỉ vì chuyến làm ăn lớn này không có bà không xong nên tôi đặc biệt tới nhờ bà. Nếu làm không được thì số vàng bạc này bà cứ để mà dùng”. Xưa nay các mụ mối lái buôn bán mụ nào chẳng ham tiền bạc? Nhìn thấy những thứ trắng xóa vàng óng đó sao lại chẳng động tâm? Mụ Tiết lúc này mặt mũi tươi cười: “Đại quan nhân sẽ khỏi phải trách, già này cả đời có bao giờ à uôm một đồng xu nào đâu. Hôm nay quan nhân sai bảo, già tạm nhận lấy, nếu việc làm không xong sẽ xin trả lại hết”.
Nói rồi cất vàng bạc vào túi, miệng nói: “Già này to gan lắm đấy!” Đem vào phòng trong cất giấu xong mụ quay ra gạn hỏi: “Hãy tạm thời chưa nói cảm ơn, xin quan nhân cho biết cần tôi làm việc gì?”
Đại Lang nói: “Cấp thiết phải tìm ngay một báu vật cứu mạng. Không đâu có cả, chỉ có một nhà trên phố lớn có thôi, xin bà hãy đi mượn về đây!”
Mụ Tiết cười: “Lạ thật! Già này ở đây hơn 20 năm, chưa từng nghe nói trên phố lớn có vật báu gì cứu mạng cả. Đại quan nhân bảo nhà đó là nhà nào?”
“Cái nhà lầu ở đối diện với hiệu cầm đồ Uông Triều Phụng là nhà ai vậy?”
Mụ Tiết nghĩ một lúc rồi nói: “Đấy là nhà của Tưởng Hưng Ca. Anh chồng đi ra ngoài buôn bán đã hơn một năm rồi, chỉ có cô vợ ở nhà”.
Đại Lang nói: “Cái vật báu cứu mạng cho tôi chính là phải mượn cô ấy đấy”. Rồi kéo ghế lại sát cạnh mụ kể rõ sự tình của mình như thế, như thế.