Độc Lộ


Trời sáng rất mau, bình minh lên, xua tan đi màn đêm âm u lạnh lẽo.
Đây là thời điểm ác mộng đối với giới học sinh - sinh viên, đặc biệt là trong những ngày đông rét buốt, không ai muốn rời khỏi chăn ấm nệm êm đến trường học để chịu cảnh giáo viên ức hiếp dọa nạt mình cả.
Việt không hiểu cảm giác đó, đơn giản là vì hắn chưa từng trải qua.

Tuổi thơ của hắn đã quá quen với cái lạnh, đói và rét, từng có những ngày đông chỉ đánh độc một cái quần cộc rách rưới nằm co ro dưới gầm cầu Long Biên.
Vì vậy mà bóng tối đối với Việt quen thuộc bao nhiêu thì hắn lại mong đợi bình minh đến bấy nhiêu.
Mở cửa phòng, hít hà không khí trong loành buổi sớm mai, một cảm giác thân thuộc ùa về, hệt như khi thấy những tia sáng đầu tiên len lỏi dưới những thanh nhịp cầu vậy.

Trong khoảnh khắc kỳ diệu này, hắn dường như nắm bắt được một điều gì đó.
Ánh sáng, đó chính là biểu tượng của sự sống, của sinh mệnh; bóng tối, lại là sử hiển hiện của chết chóc, của tử vong.

Đó chính là hiểu biết chung của hầu như tất cả mọi người.

Nhưng thực tế không chỉ có vậy.
Với văn hóa phương Đông, ánh sáng chính là nhận thức, còn bóng tối là sự u mê triền miên.

Trong tư tưởng hệ tư tưởng khởi nguồn từ Nam Á là Phật giáo, ánh sáng lại là sự giác ngộ; ở chiều ngược lại, bóng tối là sự cố chấp vô minh.

Với người theo đạo Hồi ở Tây Á xa xôi, ánh sáng thực chất đồng nhất với trí tuệ, còn bóng tối là sự trì độn.
Về cơ bản, những tư tưởng Á Đông đều có sự tương đồng rất lớn về ánh sáng và bóng tối, khác với những nền văn hóa ở các châu lục khác.

Như những gì được ghi trong Sáng Thế thư của Kinh Thánh, sự tỏa rạng của ánh sáng chính là khởi nguyên, còn bóng tối ập đến đánh dấu sự kết thúc của vạn vật.

Còn ở trong văn hóa sông Nin, ánh sáng và bóng tối lại tượng trưng cho cảm xúc cùng cực của con sinh vật: hứng khởi, niềm tin và khổ đau, tuyệt vọng.
Những kiến thức này không hề khó tìm, chỉ cần gặp bác Gúc với từ khóa “biểu tượng ánh sáng bóng tối” là có thể tìm thấy.

Trước đây thực sự Việt không hiểu lắm những tu tưởng này, nhưng giờ phút này đúng như Phật giáo đã dạy, khi gặp được bình minh, con người ta sẽ giác ngộ.
Vượt qua được khổ đau tuyệt vọng đời sẽ tràn ngập niềm tin; sau suy tàn, kết thúc chính là phục hưng, khởi nguyên; sinh và tử, từ giác ngộ đến vô minh, đó là những vòng tuần hoàn, cũng như hoàng hôn và bình minh vậy.
Dù là hệ tư tưởng nào thì cũng có thể quy về một điều, ánh sáng được liên hệ với bóng tối, để tượng trưng cho những giá trị bổ sung hoặc thay phiên nhau trong một quá trình biến đổi.
- Hoàng hôn chủ hung sát, bình mình chuyển sinh cơ! Đây chính là sự vận động tất yếu của trời đất!
Lúc này hắn dường như đã lờ mờ nắm bắt được một chút gì đó của Đệ Nhị Bộ, không quá rõ ràng nhưng tác dụng không hề nhỏ.
Đến tận khi bình mình đã đi qua, Việt mới hồi tỉnh, rời phòng đi tìm lão bản của khách điếm.
.....
Lão bản của khách điếm này không ngờ lại hoàn toàn khác xa với tưởng tượng của Việt.
Không phải là một tên gian thương mặt mũi nhẵn nhụn hai mắt tinh minh như những ông chủ thường thấy, mà lại là một lão nhân gần đất xa trời.

Không phải trông như, mà đúng nghĩa là một lão già sắp chết.
Da mặt nhăn nhúm, lộ rõ các hốc xương, hai mắt lờ mờ đục ngầu có lẽ chẳng nhìn được thứ gì, còn hai tai chắc cũng đã phế khi mà có hai người bước vào mà lão vẫn ngồi yên dường như không biết gì.
Việt quay sang hỏi tên tiểu nhị:
- Ngươi có chắc lão già này còn đủ minh mẫn để giải đáp những thắc mắc của ta không?
- Khách quan nói đùa! Lão bản chúng tôi trông như vậy chứ thực ra minh mẫn còn hơn cả thanh niên!
Tên tiểu nhị một bộ dáng khẳng định như chém đinh chặt sắt, đương nhiên là Việt tỏ ra không mấy tin tưởng cho lắm, mấy gã cấp dưới thường tìm mọi cách chiều lòng nịnh nọt, nói một cách thô tục thì là bợ đít cấp trên của mình, đó là chân lý bất biến bao đời nay.
- Khách quan, ngài có gì cứ hỏi lão bản, tiểu nhân phải đi làm việc!
Việt để ý đến tên tiểu nhân này mà quay lại nhìn về phía lão già, hắn cũng không dám tỏ ra khinh người quá mức, ai mà biết được bên trong bộ da nhăn nheo này có phải là một lão bất tử hay không chứ.
Dù khả năng nào thì đối phương cũng là một kẻ lọc đời, vì vậy Việt không rào trước đón sau mà trực tiếp hỏi:
- Này lão nhân, người có nghe thấy ta nói gì không vậy?
- Khách quan nói đùa! Lão phu không điếc, làm sao có thể không thấy!
Lão nhân đột ngột lên tiếng trả lời khiến cho Việt giật mình đánh thót, không khỏi ghé mắt nhìn lão già thêm một lần.
- Được rồi lão bản, ta muốn hỏi lão mấy câu...
- Lão phu không dám nói mình hiểu biết, nhưng cũng có một thời tuổi trẻ khinh cuồng.

Tiểu huynh đệ không biết chứ nhìn lão phu bây giờ tàn tạ như này nhưng thời niên thiếu cũng từng là một thiên tài có thể ngạo thị người cùng thế hệ.

Lúc đó lão phu đã từng đi không ít quốc gia ở Nam Phong vực này...
Ban đầu Việt còn nể tình vị lão bản già cả này nên cố gắng lắng nghe, thế nhưng khi lão nhân có dấu hiệu càng nói càng hăng say, tâm trí như chìm vào một thời thanh niên nhiệt huyết tràn ngập khát vọng không thể nào dứt ra được, Việt không thể chịu đựng được nữa mà phải lên tiếng cắt ngang:
- Dừng dừng dừng! Xin lỗi lão bản nhưng ta gặp lão không phải để nghe lão giãi bày tâm sự!
Lão nhân như sực tỉnh từ cơn mộng mị, khẽ nở nụ cười xòa tạ lỗi, hai hàm răng có vẻ sắp rụng khiến lão trông thật buồn cười.
- Lão bản, lão vừa mới nhắc đến Nam Phong vực, đó là nơi nào vậy?
- Đó chính là địa vực bao trùm Cổ Nguyên quốc, gồm rất nhiều quốc gia, trong đó Thất phẩm quốc gia như Cổ Nguyên quốc có rất nhiều, còn có bốn quốc gia rất mạnh đạt tới Lục phẩm!
- Lục phẩm? Đó là những quốc gia nào vậy?
Việt cũng không quá lưu tâm vấn đề này, mấy thế lực dù đạt tới Ngũ phẩm thì cũng không ảnh hưởng gì đến hắn, bởi hắn cũng đâu định đầu nhập vào các thế lực đó.

Đương nhiên hiểu biết cũng là điều tốt, có thể giúp ta tồn tại.
- Thiên Nam, Huyết Liên, Tu La, Kinh Nhật, đó là bốn vị bá chủ đích thực của Nam Phong vực này!
Việt hỏi han thêm một hồi, sau khi hiểu rõ về Nam Phong vực này thì bắt đầu đi thẳng vào vấn đề chính:
- Đa tạ lão bản, ta muốn hỏi một câu: Lão đã từng đi qua những quốc gia láng giềng, vậy đã bao giờ nghe đến ba chữ “Thuận Thiên kiếm” chưa?
Lão nhân nghe được câu hoi thì khẽ trầm tư, dường như đang cố lục lọi lại bộ não đã đến tuổi xế chiều như chính bản thân lão, một hồi lâu sau hai hàng lông mày đã trụi lủi mới giãn ra, có chút không chắc chắn nói:
- Lão phu từng nghe đến một kiếm khách vô địch, dường như có tên gọi là Thuận Thiên Kiếm Vương!
- Thuận Thiên Kiếm Vương?
Việt giật nảy mình, dường như bản thân đã tìm thấy chút dấu vết liên quan đến vị vua khai sáng nhà Hậu Lê.
Lê Thái Tổ từng để lại bút tích trên tấm thạch bia là “Thuận Thiên Kiếm Lê Lợi”, bây giờ lại xuất hiện một vị Thuận Thiên Kiếm Vương, nếu nói hai người không có sự liên quan thì đánh chết hắn cũng không tin.
- Thuận Thiên Kiếm Vương đó, lão có thể nói tường tận không?
Chỉ tiếc rằng lão nhân lại lắc đầu tỏ ý lão cũng không quá rõ ràng về người này.

Ngay khi Việt thất vọng ra mặt thì lão nhân như nhớ ra điều gì, liền nói:
- ...Nhưng nếu ngươi muốn biết thông tin về người này, có thể đến một trong Tứ đại quốc gia Lục phẩm, tìm đến một nơi có tên gọi Bách Hiểu Lâu, có thể sẽ nhận được lời giải đáp mà ngươi muốn!
- Bách Hiểu Lâu?
- Đúng vậy! Bách gia đều thấu, không gì không hiểu, đó là Bách Hiểu Lâu!.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui