“Vương gia!!! Vương phi lại trèo tường rồi ạ!”- Tiếng thị vệ Vương phủ thảng thốt vọng từ trong ra ngoài.
Cả Vương phủ nhốn nháo cả lên thế mà chẳng thể cản được bước chân hối hả, hấp tấp của nàng Vương phi Trịnh Thuần Khanh.
Nàng Khanh chân đi trần, tay xách quây thường, vội vã chạy đi trong ánh dương trong trẻo tiết lập xuân.
Từng khe nắng mảnh khảnh chiếu rọi trên gương mặt xinh xắn của nàng kiều thơ, chiếu trên từng bước chạy vội vã như chó rượt ngoài đồng của nàng.
Gương mặt Khanh trông cực kì nghiêm túc, song trái ngược với nét mặt điềm tĩnh đến đáng sợ là hành động khiến người ta ngỡ ngàng, ngơ ngác bật ngửa nàng sắp làm tới đây.
Nàng Khanh tìm chết, cụ thể là nàng chạy về phía chiếc xe ngựa đang phi băng băng trên đường kia, nhắm tịt mắt lại, chờ nó vồ đập tới tông nàng.
Mới thành hôn dăm bữa, vậy sao hôm nay nàng Khanh lại tìm chết? Thì bởi nàng đâu phải người ở đây, nàng đang tìm cách về nhà nàng, về thủ đô Hà Nội hoa lệ, nắng thu lá vàng rơi.
Chuyện kể ra cũng là li kì.
Trịnh Thuần Khanh thực tế là cô học sinh lớp mười hai, đang theo học tại trường Trung học phổ thông có tiếng ở Hà thành.
Mới bữa trước Khanh đang đạp xe đi tới lớp phụ đạo môn Sử buổi cuối, chuẩn bị tinh thần cao độ cho cuộc thi lớn nhất đời mình, kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông 2024.
Rồi thế nào mà trên đường đi, một chiếc xe bán tải từ đâu bay ra với tốc độ bàn thờ, vượt đèn đỏ tông trúng nàng, thành công đưa nàng về miền tây thiên cực lạc, thành công đưa nàng xuyên sách, xuyên vào bộ truyện “Đại Việt hoa sữa nở” mà Khanh đọc tầm tháng trước.
“Đại Việt hoa sữa nở” là cuốn tiểu thuyết mạng yêu thích của nàng.
Truyện mượn tên nước Đại Việt và kinh thành Thăng Long, xoay quanh một câu chuyện giả tưởng cùng các nhân vật, sự kiện không có thật trong lịch sử.
Khanh rất thích bộ ấy, thế nhưng ngoặt nỗi tác giả đã bỏ truyện khi nó mới có hai tám chương.
Kết thúc lửng lơ khi mà nữ chính cùng tên với nàng và chàng vương gia Trần Nhật Tuân phu thê “đồng quy vu tận”, cùng nhau bỏ mạng trong vòng xoáy rối ren của toan tính hậu cung và triều chính.
Một cuộc tình bi lụy, nàng thương chàng nhưng chàng chẳng biết, đến khi nhận ra thì đã bị Hoàng Hậu Tô Ngọc Lan vùi dập đến chẳng thể ngóc đầu được lên.
Tình thương nàng Khanh dành cho Tuân lớn lắm, nhưng buồn rằng tình yêu của Khanh lại chính là thứ dần dần khiến đôi phu thê trở nên xa cách, từ từ dìm chết tâm nàng.
Trong phiên chính truyện, đó là năm 1289 tức năm Hiển Tông thứ hai mươi ba, Đại Việt.
Quân Bắc Tề xâm lược nước Nam thất bại, chủ tướng mất đầu, phó tướng bất tài treo cổ tự vẫn, mấy chục vạn binh bị truy đuổi ráo riết, lùng đến tận biên giới mới thôi.
Tề Đế thấy thế cử sứ thần sang xin hàng, hai bên kí kết hiệp định đình chiến vô thời hạn, hòa bình được lập lại, hàng năm Bắc Tề sẽ cống nạp vật phẩm nhằm bù đắp thiệt hại do chiến tranh gây ra.
Năm ấy, thầy Khanh, ông Trịnh Vân Trường lập được đại công, vua lấy làm vui mừng phong ông chức tước, làm đến chỉ huy đô sứ thống đốc kị binh nắm trong tay mười vạn binh mã.
Nhờ công lao vinh hiển của ông Trịnh, mà gia tộc như rũ bùn đứng lên quật khởi, từ buổi hàn vi trở thành gia đình có quyền có thế ở Thăng Long.
Cũng trong năm đó, nhị hoàng tử Trần Nhật Tuân báo thắng khải hoàn, vua phong chàng chức vương, hiệu Hiểu Minh, lập phủ đệ ở kinh đô cho chàng sau bao năm chinh chiến phương Bắc.
Chàng năm đó vừa hay tròn mười tám, vua lệnh tổ chức tuyển tú chọn cho vương tấm hiền thê như ý.
Nói là “như ý” nhưng Tuân đâu được chọn, mà thay vào đó người toàn quyền chủ trì là Hoàng Hậu Tô Ngọc Lan.
Hoàng Hậu hôn phối chàng với nàng Khanh nhà thống đốc.
Từ đó, mở ra một giai thoại li kì mà đầy mùi châm biếm của “cặp đôi đũa lệch” ấy.
Vì sao lại li kì và châm biếm? Bởi thầy Khanh, ông Trường từng làm gia nô trong phủ Tô Phong tiết độ sứ, thân phụ Hoàng Hậu.
Một lần gia nô cả đời nô lệ.
Giờ có ý đưa chàng Tuân làm con rể đằng ấy, có khác nào ngầm nói chàng cả đời phục dịch Tô gia đâu.
Ai ở Thăng Long mà chẳng biết Hoàng Hậu và nhị hoàng tử không ưa nhau cơ chứ.
Thế rồi còn câu chuyện “cặp đôi đũa lệch” lại là thế nào? Nhị hoàng tử Trần Nhật Tuân nổi tiếng đệ nhất mỹ nam tử kinh thành, còn nàng Khanh bị người ta bêu rếu trêu là xấu ma chê quỷ hờn.
Thật ra chính truyện không đề cập nhiều đến nhan sắc Thuần Khanh, nhưng qua vài tình tiết, Khanh biết cô nữ chính nguyên tác này xinh lắm.
Người ta đồn ác thế bởi Khanh mới từ huyện Lộc An- một vùng quê nghèo khó lên.
Nàng lúc nào cũng đóng cọc trong phủ thống đốc không ra ngoài, không giao lưu, có dịp buộc phải ra mặt thì miễn cưỡng đeo khăn che mặt, đầu đội nón lá, trùm mình kín mít.
Thế là bà tám hàng nước lắm mồm nhiều chuyện mới hay nàng này đen nhẻm, xấu đau xấu đớn, rồi mấy hay mà cả kinh đô không ai không biết nàng.
Heo sợ lớn nhanh người sợ nổi danh, vì thầy Khanh đang độ lên hương nên người ta mới dành nhiều sự quan tâm đến nàng thế ấy.
Nhưng Khanh với thầy lại chẳng quản sự đời, không hay biết người ta đồn xa, đồn ác đến thế.
U Khanh lại mất nên chẳng có ai mà nghe ngóng và rồi tin đồn cứ thế lan nhanh chóng mặt.
Câu chuyện chưa hết phần châm biếm khi mà xưa nay hễ hoàng thất có đám cưới thì tổ chức linh đình lắm, tam thư lục lễ đủ cả.
Nhưng Tô Hoàng Hậu lấy cớ nước mới có sự máu tanh, quốc khố đang buổi khó khăn nên cắt giảm triệt để, chừa lại mỗi lễ dạm ngõ, lễ thành hôn, đến cả lại mặt cũng chẳng còn.
Rồi cả tục bói quẻ, xem tinh quan rất được coi trọng cũng lược bỏ, bà ta bao biện rằng năm nay (1289) chàng Tuân mười tám, nàng Khanh mười bảy, nhân gian dạy rằng “gái hơn hai, trai hơn một” đó là tuổi đẹp, không cần xem bói rồi cứ thế mà tổ chức.
Hiển Tông Đế thấy thế mà có vẻ cũng không mặn mà với chàng con thứ này lắm, ông không lên tiếng gì.
Một vì bên công thần, bên nàng Hậu có gia thế hiển hách lâu đời, ông không thể bên nặng bên khinh được, nàng Khanh được gả vào vương thất chính là cái phúc.
Hai là vì lời vua cành vàng lá ngọc, đã trao quyền cho Hoàng Hậu thì ông sẽ không hay thắc mắc, đành để con trai chịu thiệt.
Thế rồi lễ thành hôn cư nhiên diễn ra vào xuân năm 1290.
Chàng Tuân không hài lòng mà để thân tín giả làm chàng đi ra mắt quan viên họ nhà gái.
Thuần Khanh nguyên tác còn chẳng biết người cùng nàng kết tơ là kẻ khác chứ chẳng phải phu quân của mình.
Chính truyện, Khanh bị Hoàng Hậu lợi dụng đúng như những gì Nhật Tuân nghi ngờ từ trước, nàng dù có cố chống đối Hoàng Hậu nhưng đó là không đáng kể.
Vậy là sau bao nhiêu băn khoăn trăn trở, nàng Khanh mới có ý tìm phu quân mình giãi bày, song khi ấy đã quá muộn màng, nàng càng gần hắn, càng khiến hắn thêm phần nghi kị.
Thế nhưng Tô Hoàng Hậu đã đi trước Tuân một bước.
Một năm sau, Tuân cưới về một nàng thiếp, vốn hai bên đã có hẹn ước từ lâu.
Chàng một mực cưng chiều trắc phi bỏ bê Thuần Khanh.
Và vừa hay đó lại là điều Hoàng Hậu nhắm đến.
Bà ta càng cố thể hiện mình liên minh với Thuần Khanh để Nhật Tuân xa lánh nàng, gần gũi hơn với con át chủ bài của bà ta, trắc phi Thanh Huyền.
Để rồi cuối cùng, nàng ôm chàng trong tuyệt vọng cùng tận, ôm một cái xác đã héo hon tiêu điều, rồi cùng người thương tuẫn táng, hứa hẹn kiếp sau trọn nghĩa phu thê...
Nhưng truyện đến đó chứ chưa hết, và tác giả thì đã thông báo hoãn đăng vô thời hạn, vì thế mà Khanh chỉ biết câu chuyện đi tới đó.
Một cuộc tình bi lụy....