Không gì là tự nhiên đến, tự nhiên đi.
Thuần Khanh nguyên tác đã báo mộng cho nàng không gì là đột ngột, vô duyên vô cớ.
Mà vừa hay thế nào hai hôm sau lại là giỗ bác cả.
Thầy Khanh bận việc quân mà chẳng thể đi bởi vậy cô Đào có ý khuyên Khanh thay ông góp mặt.
Lần này vì danh chức Vương phi mà bà cả sai hẳn người đến báo Khanh họp mặt gia đình.
Quái thật, thế mà chục năm qua chả nhìn nhau miếng nào có nhớ gọi nàng đi họp hiếc gì đâu.
Biết lại có chuyện tìm đến nên Khanh nhận lời.
Việc nàng khóc trong mơ làm Nhật Tuân lo lắm.
Hắn tỏ ý muốn đi cùng nàng, nói nàng đợi hắn hạ triều rồi phu thê cùng đi thì Khanh từ chối.
Chục năm rồi, giỗ giếc mười năm thì to một lần, Khanh muốn đi sớm, kẻo lại có kẻ tị rồi lời ra tiếng vào sẽ chẳng hay.
Tuân biết chẳng gàn được nàng nên đồng ý:
“Nàng đi cẩn thận.”- Hắn dặn thế.
“Vâng.”
“Vương phi, đừng uống rượu nhé.
Đợi ta tới.”
“...Được.”
Hôm đi, Khanh mặc viên lĩnh lụa gấm thêu hoa màu tím sậm, trang sức tối giản, không cầu kì người hầu kẻ hạ, chỉ cho Đào theo sau.
Lúc tới Trịnh phủ, Khanh hơi bất ngờ.
Khác xưa nhiều rồi.
Phó tướng thì chẳng to cũng chẳng nhỏ, ăn nên làm ra đâm cũng chẳng còn nghèo túng khốn đốn như xưa nữa.
Nhà đã được lợp bằng ngói, cột đình cũng phải là loại gỗ quý bắt mắt, trơn, mịn, bóng.
Chỗ cái cổng ngày xưa chỉ chằng tạm cái lán thì bây giờ đã được xây cửa gỗ khang trang, được đóng đinh trông bệ vệ, oai phong, đậm chất tướng phủ.
Biệt viện này hồi xưa bé tí, đất có đều đem trồng khoai, sắn để gượng qua cái đói giờ đã thành chỗ để xây nhà.
Đằng sau gian chính có một đoạn đường nhỏ bắc qua con sông giờ đã được xây tường, gia cố, che chắn kĩ càng.
Một năm.
Chỉ một năm đã có thể đưa bà cả từ một người đàn bà nghèo khó cơ cực, lầm than trở thành một phú hào, có tiền, có thể thuê gia nhân về làm việc thay bà, chẳng còn phải bận chuyện đồng áng chi nữa.
Cũng phải thôi, cậu trưởng thì đã làm trọng quan, cậu thứ thì hiện đang làm bổ khoái, tuần canh ngoại đình, cô ba thì đã lên tới thị nữ hầu cận cho Hoàng Hậu, tiền bạc đề huề không còn phải chắt từng hạt gạo, nấu bát cháo loãng như khi xưa.
Cảnh và thế đã đổi thay, nhưng lòng người thì không hề thay đổi.
Ngày giỗ chồng mà bà cả cổ đeo chuỗi ngọc trai, tay nhẫn ngọc ra nghênh giá Vương gia cùng gia quyến các nhà.
Cúng giỗ mà cứ tưởng như đang tổ chức lễ ra mắt con nhà ai.
Nàng Khanh vừa bước vào trong thì bao con mắt đổ ra nhìn, nụ cười trên mặt bà cả trở nên sượng trân và tắt lịm.
Hình như họ mong chờ điều gì ở cái tin đồn nhảm rằng nàng Khanh thống đốc xấu đau xấu đớn, “ma chê quỷ hờn” thì phải.
Khanh cười, nàng khẽ che miệng ra dáng tiểu thư đài các.
Hồi còn ở Hà Nội nhà nàng cũng tính là có điều kiện, lại là con gái rượu của cha, được các cô dì chú bác nuông chiều, đâm ra vốn khí chất nàng Khanh đã khác xa so với nguyên tác, không khó để khiến nàng đảo ngược tình thế, áp đảo hoàn toàn dáng vẻ cố đấm ăn xôi của bác cả.
Khanh chẳng đem chút e dè ngượng nghịu nào biểu lộ ra ngoài mặt, mắt nàng ngước lên, nhìn trực diện qua phía bà:
“Bác, con về thăm ạ.”
Bà ta chơm chớp mắt, rồi cười ngượng:
“...À, về rồi...!về rồi.”
Phải, về rồi, nhưng không phải Thuần Khanh của chục năm về trước muốn bạc đãi thế nào thì bạc đãi.
Bà cả bỗng nhiên thay đổi sắc mặt, cười mà nhếch mép.
Tay bà ta nắm lấy Khanh, vỗ vỗ mấy cái, hoàn toàn không coi nàng là Vương phi, không hành lễ, không dùng kính ngữ, gia nhân trong nhà cũng vì thế mà cứ vô phép vô thiên mặc nhiên không thỉnh an nàng.
Bà ta kéo cô ba tới:
“Về rồi thì tốt, đã tới đây thì đều là đồng vai phải lứa với nhau, Vân, dẫn con bé vào thắp cho thầy mày nén nhang đi.”
Vậy đấy, trước mặt quan viên các họ, bà ta đã thành công đưa Khanh từ chức vị Vương phi thành cháu của một kẻ đã từng mặc nàng tự sinh tự diệt ở nơi đất bạc như vôi.
Hạ nàng xuống dưới cả phu nhân của phó tướng, bằng vai phải lứa với nô tì trong cung.
Khanh cười trừ, mắt nàng lạnh hơn băng.
“Không cần đâu bác.
Phủ Trịnh không quá bề thế, từ đây vào nội được mấy bước.”
Nếu nói cách để khiến bà cả bẽ mặt, làm bà ta phật lòng nhanh nhất thì không gì dễ bằng việc đem vật chất ra nói chuyện.
Người phụ nữ này chết mê tiền bạc, cậy có chút của ăn của để thì sẵn sàng lên mặt.
Đôi mắt híp nhìn Khanh liền trở nên ác cảm.
Khanh rút tay mình khiêm cưỡng, nàng thẳng lưng đi từng bước vào phía trong viện.
Nàng đốt ba cây nhang nhìn lên điện thờ.
“Bác, nếu hôm nay con có gây nên tội gì trong phủ, mong bác niệm tình mà bỏ khứ cho con, đừng trách tội cháu nhỏ vô tri.
Con năm nay thay da đổi thịt, thay tính đổi nết, sẽ có những chuyện con không nhẫn nhịn nữa.
Bác thông cảm.
Kính bác.”- Khanh lẩm bẩm.
Nàng lạy ba vái rồi cũng cắm lên hũ sứ.
Ngày thiêng, có làm chuyện gì thôi thì cũng đả động đến con cháu bác...!Nàng xin trước, hành động có gì cũng đỡ nặng lòng hơn.
Khanh đi ra sau viện, nơi có cây hoa sữa gần bên bến sông Kim ngày nào.
Cành cây mảnh khảnh hồi ấy đã là điểm tựa cho một tấm lòng sầu thảm của nàng thiếu nữ...
“Ôi chao, xem ai kìa.”- Tiếng nói chua lanh lảnh vang lên thu hút cái ngoài nhìn của Khanh.
Tưởng là đại phú hào, con nhà phế thiệt giá lâm mới dám giở cái giọng đó, song té ra lại là con gái của Tạ ngự sử, Tạ Thanh Huyền.
Sáng sớm ra, đúng là xúi quẩy..