Đời tổng thống KD thứ Tư


Adam Gresse và Henry Tibot coi ngày Chủ Nhật Phục Sinh là một ngày làm việc chứ không phải ngày nghỉ. Chúng không dành ngày đó cho việc nghiên cứu những dự án khoa học của chúng mà là để xóa sạch mọi dấu vết tội ác. Tại căn hộ của chúng ở, chúng lục lấy ra tất cả các báo cũ và dùng kéo cắt các hàng chữ, ghép lại thành một bức thư. Chúng thậm chí vứt cả kéo lẫn hồ, quét dọn sạch mấy bức tường. Sau đó, chúng tới xưởng của chúng tại trường đại học để thu nhặt tất cả các dụng cụ và thiết bị chúng đã sử dụng để chế tạo bom mang vứt đi. Xong xuôi đâu vào đấy, chúng mở vô tuyến theo dõi. Khi nghe tin Giáo hoàng bị ám sát và con gái Tổng thống bị bắt cóc, chúng đưa mắt nhìn nhau và mỉm cười.
- Henry này, tao thấy đã đến thời của bọn ta rồi, - Adam Gresse bảo.
Ngày Chủ Nhật Phục Sinh là một ngày dài. Nhà Trắng nườm nượp người từ các ban do CIA. Quân đội và Bộ Ngoại giao cử tới. Ai nấy đều nhất trí cho rằng trở ngại nan giải nhất là bọn khủng bố chưa đưa yêu sách đòi trao đổi con tin.
Bên ngoài, giao thông trên đường phố đông nghịt. Các phóng viên truyền hình và báo chí đổ về Washington. Tuy đang là Lễ Phục Sinh, các công chức đều bị gọi đi làm. Christian Klee phải điều thêm một nghìn nhân viên từ bên tình báo và FBI đến củng cố mạng lưới bảo vệ Nhà Trắng.
Điện thoại Nhà Trắng hoạt động liên tục. Quang cảnh thật hỗn loạn, người ra kẻ vào lũ lượt. Eugene Dazzy cố hết sức kiểm soát mọi việc.
Thời gian còn lại trong ngày Chủ Nhật ấy ở Nhà Trắng, Kennedy đã dành để tiếp các phóng viên trong Stuation Room, dự những cuộc họp trọng thể công khai đưa ra những hình thức lựa chọn gọi điện trao đổi với các nguyên thủ quốc gia và các thành viên nội các của Hoa Kỳ.
Mãi khuya ngày Chủ Nhật, bộ tham mưu của Tổng thống mới cùng ngồi ăn tối với Tổng thống và chuẩn bị những việc phải giải quyết cho hôm sau.
Cuối cùng, Kennedy quyết định đi ngủ. Ông tin rằng bộ tham mưu của ông sẽ thức suốt đêm và đánh thức ông dậy khi cần thiết. Một nhân viên an ninh dẫn Kennedy đi theo lối cầu thang nhỏ lên khu vực sinh hoạt nằm tại lầu tư của Nhà Trắng. Một nhân viên khác chậm rãi đi lùi ở phía sau ông. Cả hai đều biết rằng Tổng thống ghét đi thang máy bố trí trong Nhà Trắng.
Đầu cầu thang trông vào một phòng khách có đặt bàn liên lạc và có hai nhân viên nữa. Khi qua phòng này, Kennedy đã về tới khu vực sinh hoạt của riêng ông, với những người phục vụ riêng: một hầu nữ, một quản gia và một hầu phòng với nhiệm vụ chăm lo tủ quần áo rộng thênh thang của Tổng thống. Kennedy không biết rằng ba người này đều là nhân viên của An ninh. Christian Klee đã gài được người của mình. Đây là một phần trong toàn bộ kế hoạch của Christian muốn nắm thật chặt Tổng thống, một phần trong lá chắn khó hiểu Christian dựng lên bao quanh Francis Kennedy.
Trực đêm đó là chỉ huy trung đội đặc biệt này. Bề ngoài, anh ta là một nhân viên da đen phục vụ trong hải quân, khoác cái tên là Jefferson, đeo lon hạ sĩ. Thực ra, anh ta là một sĩ quan cao cấp trong cơ quan An ninh và được huấn luyện rất đặc biệt trong các trận đấu giáp lá cà. Anh ta là một vận động viên thể thao bẩm sinh và đã từng tham gia đội bóng đá toàn Hoa Kỳ. Jefferson có tính hài hước, do đó anh ta rất khoái trở thành một người hầu hoàn hảo.
Jefferson giúp Kennedy cởi áo vét và treo nó lên ngay ngắn. Anh ta đưa Tổng thống chiếc áo choàng lụa để ông tự mặc vì Jefferson biết rằng Tổng thống thích tự mặc áo choàng.
Thất bại lớn đầu tiên trong đời Francis Kennedy bắt đầu từ khi vợ ông là Catherine phát hiện khối u trên ngực sáu tháng trước khi ông được đề cử ra ứng cử Tổng thống. Sau khi chẩn đoán Catherine bị ung thư, Kennedy đề nghị xin được rút khỏi danh sách ứng cử, nhưng Catherine đã ngăn ông nói rằng bà muốn được sống tại Nhà Trắng. Bà bảo nếu được vậy, bà sẽ khá hơn, chồng bà không bao giờ hồ nghi điều gì bà nói. Thoạt đầu hai người lo sợ về bên ngực bị mất của Catherine, Kennedy đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia tài gỏi về ung thư trên khắp thế giới và được họ giải đáp là chỉ có thể hạn chế tốc độ phát triển của căn bệnh thôi. Sau khi nghiên cứu tập bệnh án của Catherine, một chuyên gia về ung thư lớn nhất của Hoa Kỳ động viên cắt bỏ vú bị ung thư. Ông ta đã bảo, Francis Kennedy ghi sâu nhớ mãi lời ông ta: “- Căn bệnh ung thư đang trong giai đoạn phát triển cực kỳ nhanh”. Catherine đang điều trị bằng phương pháp hóa học đúng lúc Kennedy thắng vòng tuyển cử Tổng thống của Đảng Dân chủ vào tháng bảy, nên bác sĩ đã để bà được điều trị tại nhà. Cơn đau của bà lắng dịu. Bà lên cân, bộ xương của bà bắt đầu có da thịt.
Bà phải nằm nghỉ ngơi nhiều, bà không thể ra khỏi nhà, nhưng mỗi khi được tin chồng quay về nhà, bà đều đứng dậy chào đón chồng. Theresa đã trở lại trường, Kennedy phải đi tham gia các cuộc vận động tranh cử. Nhưng ông đều bố trí để cứ dăm ngày lại có thể quay về nhà thăm vợ. Mỗi lần thấy chồng về, Catherine cảm thấy mình khỏe khoắn hơn lên, và những ngày đó thật ngọt dịu, chưa bao giờ hai người thương yêu nhau như dạo đó. Francis Kennedy mang quà về tặng vợ; Catherine đan cho chồng các khăn quàng cổ và găng tay.
Một hôm, bà đã cho phép các y tá và người hầu nghỉ cả ngày để hai người được một mình sống ở nhà bên nhau, để hai người được sung sướng thưởng thức món xúp nấu giản dị do chính tay bà tự nấu. Bà cảm thấy người dễ chịu hơn. Đây là giai đoạn hạnh phúc nhất trong cuộc đời Francis Kennedy, không gì có thể sánh bì nổi. Ông đã có lúc lau những giọt nước mắt thực sự vui sướng, lòng nguôi vơi khổ đau, dịu bớt kinh hoàng. Sáng hôm sau, bà ôm ngang lưng ông, hai người sóng đôi bước lên mấy gò xanh quanh nhà. Bà vẫn thường tự hào về dáng vẻ bên ngoài của mình, ngay ngáy lo không biết mình trông ra sao khi mặc một chiếc áo dài mới, một chiếc áo bơi mới, lo khi thấy cằm mình hơi bị chảy xệ. Nhưng còn lúc này bà cố sức tăng trọng lượng. Bước đi trong vòng tay vợ ôm ngang lưng, Francis Kennedy cảm nhận rõ từng đốt xương của vợ. Lúc quay vào nhà, ông đã tự tay nấu bữa điểm tâm cho vợ và bà đã ngốn ngấu ăn làm ông chẳng còn nhớ đã thấy lần nào vợ mình ăn nhiều như vậy chưa.
Thấy bệnh tật của vợ thuyên giảm, Francis Kennedy như được tiếp thêm nghị lực bồi bổ thể lực đổ ông tiếp tục theo đuổi chiến dịch vận động bầu cử. Ông san bằng mọi trở ngại; ông lái được mọi điều theo ý mình để vươn tới vận may. Thân xác ông tràn đầy năng lực, đầu óc làm việc chính xác một cách tuyệt vời.
Và rồi, sau một lần quay trở về nhà, ông như người bị đẩy xuống địa ngục. Catherine lại đau ốm, bà không ra đón ông được. Thế là tất cả mọi thứ quà tặng và sức lực của ông đều trở nên vô nghĩa.
Francis Kennedy coi Catherine là một người vợ hoàn hảo. Chẳng phải vì bà là một phụ nữ tuyệt vời mà vì bà là một người phụ nữ nắm vững nghệ thuật yêu thương gần như được di truyền từ đời này qua đời khác. Bà mang sắc vẻ dễ thương tự nhiên đối với thiên hướng được coi là đáng chú ý. Francis Kennedy chưa lần nào nghe vợ nói một lời thô tục về bất kỳ một ai: bà lượng thứ những sai sót của người khác, chưa bao giờ tự coi thường bản thân mình hoặc làm điều gì gây tổn hại. Bà chưa bao giờ ấp ủ giận hờn.
Bà là người dễ chịu về mọi phương diện. Bà có dáng người thướt tha và khuôn mặt bà có vẻ đẹp thanh thản gây thiện cảm gần như cho bất kỳ ai. Tất nhiên bà cũng có nhược điểm: bà thích quần áo đẹp và hơi phù phiếm. Nhưng bà có thể tự kiềm chế. Bà dí dỏm nhưng không xúc phạm và châm chọc, bà chẳng bao giờ ngã lòng. Bà được giáo dục tới nơi tới chốn và là nhà báo trước khi lấy chồng. Bà còn có những tài năng khác. Bà là một nhạc sĩ dương cầm nghiệp dư tuyệt vời và hội họa là một thú riêng của bà. Bà nuôi dậy chu đáo cô con gái và hai mẹ con thương yêu nhau. Bà cảm thông với chồng mình và chẳng bao giờ ghen tị trước những thành đạt của chồng. Bà là một sự ngẫu nhiên hiếm quý, một sự mãn nguyện và hạnh phúc của con người.
Và rồi một hôm, bác sĩ đến gặp Francis Kennedy ngoài hành lang bệnh viện và thản nhiên một cách tàn bạo và bộc trực báo cho ông biết rằng vợ ông sẽ bị chết. Ông bác sĩ đã giải thích rằng xương của bà Catherine Kennedy bị rò, cả bộ xương bà sẽ bị sụp. Não có khối u, lúc này hãy còn nhỏ nhưng chắc chắn sẽ phát triển. Còn máu rỉ ra chất độc khiến bà Catherine không thể tránh khỏi cái chết.
Francis Kennedy không thể kể lại với vợ những điều đó. Ông không kể lại với vợ vì ông không tin những lời của bác sĩ. Ông đã phải huy động mọi tại tháo vát của mình, đến gặp tất cả bạn bè có quyền thế lớn của mình, thậm chí đã tới hỏi ý kiến cả Oracle. Hãy còn một hy vọng. Ở một số trung tâm y tế nằm rải rác trên đất Hoa Kỳ, người ta đang nghiên cứu những dược phẩm nguy hiểm thí nghiệm trên cơ thể những người đã bị kết án. Trong khi các dược phẩm đó vẫn còn bị coi là độc dược, chúng chỉ được tiêm cho những ai tình nguyện. Có rất nhiều người bị kết án nên mỗi mũi tiêm nằm trong chương trình nghiên cứu đã có cả trăm người tình nguyện.
Do đó Francis Kennedy đã có hành động mà lúc bình thường ông cho rằng đồi bại. Ông đã phải sử dụng mọi quyền hạn của mình để được đưa vợ vào danh sách những người thử nghiệm trong các chương trình thí nghiệm đó: ông đã gõ mọi cửa để cơ thể vợ ông được truyền cho những chất độc chết người nhưng có khả năng duy trì được sự sống. Và ông đã thành công. Ông lại nuôi hy vọng. Một số ít người được điều trị tại các trung tâm thử nghiệm này. Tại sao vợ ông lại không nằm trong số đó? Sao ông lại chịu bó tay không cứu nổi vợ? Cả cuộc đời thành đạt, lần này ông cũng sẽ thành đạt.
Rồi sau đấy cảnh ảm đạm buồn đau bắt đầu ngự trị. Thoạt đầu trung tâm thử nghiệm ở Houston. Francis Kennedy đưa vợ vào nằm tại bệnh viện ở đấy và luôn có mặt bên vợ trong suốt thời gian điều trị, vợ ông quá yếu phải nằm liệt giường. Bà động viên ông cứ để bà nằm lại đấy và ông nên tiếp tục cuộc vận động tranh cử chức Tổng thống. Ông đã nghe lời vợ bay từ Houston đi Los Angeles để đọc những bài diễn văn tranh cử, lạc quan, dí dỏm, tươi cười. Nhưng ngay khuya đêm ấy, ông bay về Houston để được ở bên vợ ít giờ phút còn lại của một đêm sắp qua. Hôm sau, ông lại bay tới địa điểm vận động tranh cử khác để sắm vai một nhà lập pháp.
Việc điều trị ở Houston bị thất bại. Tại Boston, người ta đã cắt khối u ở não và phẫu thuật đã thành công, tuy đấy là khối u ác tính. Khối u mới ở hai phổi bà cũng là những khối u ác tính. Qua X quang, người ta phát hiện thấy các vết rò ở xương rộng hơn. Tại một bệnh viện khác ở Boston những dược phẩm mới có tác dụng rất hữu hiệu. Khối u mới ở não ngừng phát triển, những khối u còn lại trong phổi đã teo. Đêm nào Francis Kennedy cũng bay từ những thành phố đã đến vận động bỏ phiếu về bên vợ vài tiếng đồng hồ, đọc sách báo cho vợ nghe, vui vẻ trò chuyện với vợ. Thỉnh thoảng Theresa từ trường học bay tới Los Angeles thăm mẹ, hai bố con cùng ăn tối với nhau rồi vào thăm Catherine, cùng ngồi trong bóng tối bên bà. Theresa kể lại những câu chuyện khôi hài về các chuyện bất ngờ xảy ra ở trường; Francis Kennedy kể về những chuyến đi vận động bỏ phiếu của ông, Catherine cười.
Tất nhiên Francis Kennedy lại đề nghị được rời khỏi chiến dịch vận động bỏ phiếu để được ở bên vợ. Tất nhiên Theresa muốn nghỉ học để được luôn ở bên mẹ. Nhưng Catherine bảo hai bố con rằng bà chẳng muốn, không thể chấp nhận, chẳng thể chịu đựng nổi nếu hai bố con làm vậy. Bà có thể bị đau ốm lâu dài. Hai bố con cần phải tiếp tục cuộc sống của hai người. Chỉ có vậy bà mới dám nuôi hy vọng, chỉ có vậy bà mới đủ sức chịu đựng cực hình bắt bà phải chịu cảnh bất động. Bà dọa là sẽ ra viện và quay về nhà nếu hai bố con không tiếp tục sống như đã chẳng có chuyện gì xảy ra.
Trên những chặng đường bay dài quay về bên giường vợ. Francis Kennedy ngạc nhiên trước sự ngoan cường của vợ. Cơ thể chất chứa đầy hóa chất độc để đương đầu với chất độc của chính cơ thể mình, Catherine vẫn kiêu hãnh tin rằng mình sẽ khỏe lại và tin rằng hai con người mình yêu thương nhất trên đời sẽ không bị kéo lún chìm cùng với bà.
Cuối cùng cơn ác mộng hình như đã bị xua tan. Căn bệnh thuyên giảm. Francis Kennedy đưa vợ về nhà. Hai vợ chồng đã phải phiêu bạt khắp đất nước Hoa Kỳ, bà đã nằm tại bảy bệnh viện khác nhau và lượng hóa chất lớn xem ra đã có tác dụng. Francis Kennedy lòng hân hoan sung sướng thấy mình lại thành công thêm một bước. Ông đón vợ về nhà ở Los Angeles, và rồi vào một đêm. Francis Kennedy, Catherine và Theresa cùng ra tiệm ăn tối trước khi ông lại tiếp tục cuộc vận động bỏ phiếu. Đấy là một đêm hè tuyệt vời, không khí êm dịu ở Califonia mơn man làn da họ. Giây phút kỳ dị đã xảy ra. Bồi bàn đã trót nhỡ để rớt một giọt nhỏ nước xốt từ đĩa xuống ống tay chiếc áo dài mới của Catherine. Bà đã bật khóc và khi bồi bàn rời xa họ, bà sụt sịt khóc và hỏi: “- Tại sao anh ta lại nỡ để xảy ra chuyện này với tôi?”. Điều đó không hợp với đặc tính của Catherine: Trước đây, gặp chuyện tương tự bà đều cười xòa, do đó Francis Kennedy cảm thấy đấy là điềm báo điềm gở. Catherine đã bị hành hạ qua bao lần phẫu thuật vừa qua, chịu bao đau đớn do khối u phát triển, thế mà bà chưa lần nào khóc hoặc phàn nàn kêu ca. Còn lúc này, rõ ràng là vết bẩn trên ống tay áo bà hình như thấm vào tận tim gan bà. Chẳng thể an ủi được bà.
Hôm sau Kennedy bay đi New York để vận động bầu cử. Sáng hôm đó Catherine chuẩn bị bữa điểm tâm cho ông. Trông bà thật lộng lẫy và chưa bao giờ Francis Kennedy lại thấy vợ mình xinh đẹp như lúc này. Tất cả các báo đều đã thăm dò số phiếu bầu đều dự đoán Kennedy sẽ dẫn đầu số phiếu, ông sẽ thắng trong cuộc bầu Tổng thống. Catherine đọc to các bài báo đó.
- Ôi, anh Francis – Catherine bảo, - chúng ta sẽ sống tại Nhà Trắng và em sẽ có cả một bộ tham mưu của riêng em. Còn Theresa có thể dẫn các bạn của con lưu lại chơi vào những dịp cuối tuần hoặc các dịp nghỉ học. Anh tưởng tượng thử xem, chúng mình thật hạnh phúc biết bao! Em sẽ chẳng ốm đau nữa đâu. Em hứa đấy. Anh Francis, anh sẽ làm nên những chuyện lớn, em biết mà, anh sẽ làm được, - Catherine nói – chúng ta sẽ cùng nhau đi quanh khắp các căn phòng xinh đẹp đó và em sẽ giúp anh đề ra các kế hoạch của anh. Anh sẽ là một vị Tổng thống vĩ đại nhất. Em thấy trong người ổn rồi, anh yêu, và em sẽ còn khối việc phải làm. Chúng ta sẽ sống thật hạnh phúc. Chúng ta sẽ sống yên ổn. Chúng ta thật may mắn. Chúng ta là những người may mắn, đúng không anh?
Catherine qua đời vào mùa thu, ánh nắng tháng Mười trở thành tấm vải liệm của bà. Francis Kennedy đứng giữa những gò xanh nhạt phai và khóc. Những hàng cây ánh bạc che phủ chân trời, ông lặng người giơ tay vuốt mắt chính mình, lòng quặn đau như muốn khép chặt cánh cửa giữa mình với cả thế giới. Đúng lúc không còn ánh sáng này, ông thấy lòng mình như tan vỡ.
Ý chí đầy nghị lực của ông sụt lở. Đây là lần đầu tiên trong đời, sự thông minh kỳ lạ của ông chẳng đáng giá một xu bể. Của cải của ông đã không cứu nổi vợ thoát khỏi tay Thần Chết. Do đó, mọi cái đều trở nên vô nghĩa.
Francis Kennedy bỏ tay che mắt ra và hết sức bình sinh dùng ý chí quật cường của mình vật lộn với cái vô nghĩa. Ông cố thu góp lại toàn bộ những gì còn lại trong thế giới của ông, dồn sức quật ngã lại nỗi đau. Còn gần tháng nữa tới ngày bầu cử và ông đã dồn sức vào nỗ lực cuối cùng.
Francis Kennedy bước vào Nhà Trắng không có vợ đi bên cạnh, chỉ có mỗi cô con gái, Theresa. Theresa đã cố giữ vẻ mặt hạnh phúc, nhưng suốt đêm đầu tiên sống tại Nhà Trắng cô đã khóc vì mẹ cô đã không còn bên hai bố con.
Còn lúc này, sau ba năm vợ qua đời, Francis Kennedy, Tổng thống Hoa Kỳ, một người có quyền nhất thế giới, nằm một mình đơn chiếc trên giường, lòng lo sợ ạng sống của con gái và bất lực không điều hành ra lệnh được giấc ngủ.
Không ngủ được, Francis kennedy cố xua nỗi kinh hoàng làm ông mất ngủ. Ông tự nhủ rằng bọn bắt cóc máy bay không dám cả gan giết Theresa, như vậy có nghĩa là con gái ông sẽ an toàn trở về nhà. Nếu vậy, ông chẳng phải là một kẻ bất lực: ông chẳng ỷ vào sức khỏe, những vị thần có thể sai khiến được của y học, vì ông đã phải đương đầu với những tế bào ung thư bất khuất. Không. Ông có thể lái quyền lực đất nước ông, làm giảm uy quyền của nó. Tất cả đều nằm trong tay ông và lạy Chúa ông không có tính quá thận trọng về chính trị. Con gái ông là người yêu thương duy nhất còn lại trên đời này. Ông sẽ phải cứu Theresa.
Nhưng sau đó, Francis Kennedy thấy lo ngại, sợ đến thót tim phải bật đèn trên đầu giường. Ông ngồi dậy ra ngồi trên chiếc ghế bành. Ông kéo chiếc bàn đá cẩm thạch lại gần, nhấp một ngụm sôcôla nguội lạnh còn lại trong tách của ông.
Ông tin chắc rằng sở dĩ máy bay bị bắt cóc vì con gái ông bay chuyến đó. Bọn bắt cóc máy bay chắc muốn chính thức hóa quyền lực của một số tên khủng bố tàn nhẫn nào đó. Do đó chúng nảy ra ý định sử dụng ông, Francis Kennedy. Tổng thống Hoa Kỳ là chỗ dựa đáng tin cậy trong việc chính thức hóa này. Như vậy do lòng khát khao muốn được làm Tổng thống Hoa Kỳ, ông, Francis Kennedy, đã phải gánh chịu trách nhiệm về sự hiểm nguy của con gái mình.
Francis Kennedy lại văng vẳng nghe thấy tiếng của bác sĩ: “Căn bệnh ung thư đang trong giai đoạn phát triển cực nhanh”, nhưng mãi lúc này ông mới hiểu rõ ẩn ý câu nói ấy. Mọi thứ đều nguy hiểm hơn sự bộc lộ bề ngoài của chúng. Đêm nay ông phải vạch kế hoạch để bảo vệ; ông có đủ sức mạnh làm thay đổi định mệnh. Giấc ngủ không bao giờ có thể lọt vào các khoang sọ não của ông chứa chất đầy chất nổ.
Ông ước gì? Đạt tới vận mệnh đầy thành đạt của dòng họ Kennedy? Nhưng ông chỉ là phận cháu họ. Francis Kennedy nhớ tới cụ họ Joseph Kennedy, những câu chuyện trai gái của cụ đã trở thành truyền thuyết, một người gom tích vàng, một đầu óc sắc bén trong hiện tại nhưng đui mù về tương lai. Ông trìu mến nhớ tới cụ Joe, tuy nếu ngày nay còn sống, cụ hẳn đã có những suy nghĩ đối lập về chính trị với Francis Kennedy. Hồi ông còn nhỏ, cụ Joe vẫn thường tặng quà sinh nhật cho ông những đồng tiền vàng và đặt niềm tin vào ông. Cụ sống thật ích kỷ bằng cách bòn rút các ngôi sao điện ảnh Hollywood để tôn các con trai cụ. Cụ chẳng bao giờ bận tâm chú ý rằng mình là con khủng long trong giới chính khách, và cái kết cục mới thật bi thảm làm sao. Một cuộc đời may mắn ãi tận đoạn cuối: hai con trai cụ còn rất trẻ, giữ cương vị cao chót vót, đã bị ám sát. Ông lão bị gục, cú đòn chung kết đã giáng nổ bung não cụ.
Đứa con trai mình lên giữ chức Tổng thống liệu một ông bố nào lại có được niềm vui lớn hơn niềm vui đó? Và liệu ông lão tạo dựng ngôi báu có biết rằng như vậy là hy sinh con trai để dâng cho cái vô nghĩa không? Liệu có phải thánh thần đã trừng phạt cụ không vì lòng kiêu hãnh mà là vì ý thích của cụ không? Hoặc tất cả chẳng qua chỉ là một sự rủi ro?
Các con trai Jack và Robert của cụ, những con người thật giàu có, thật hào hoa, thật tài giỏi bị giết hại bởi bàn tay lũ vô danh tiểu tốt mà lịch sử đã ghi lại coi chúng là lũ giết người để đánh cược. Không, có thể không phải do chú ý, tất cả chuyện đó xảy ra là do chuyện rủi ro. Biết bao điều vặt vãnh có thể làm thay đổi cả một định mệnh, một chút thận trọng nhỏ có thể lái bẻ quặt hướng của thảm họa.
Còn lúc này – còn lúc này rất có thể đây là cảm giác kỳ cục về số phận. Tại sao lại có khâu mắt xích móc nối giữa vụ ám sát Giáo hoàng và vụ bắt cóc con gái Tổng thống? Tại sao chúng cứ trì hoãn việc đưa ra yêu sách? Còn những điều kiện ràng buộc gì nữa trong cái mớ rối bòng bong chưa chịu tung ra? Và tất cả những chuyện này lại do một người ông chưa hề nghe nói tới, có cái tên Ả rập bí ẩn là Yabril và một thanh niên người Italia có cái tên khôi hài phớt đời là Romeo.
Francis Kennedy ngồi trong bóng tối, lòng lo sợ không biết kết cục sẽ ra sao. Ông thấy cơn giận quen thuộc, luôn bị ghìm nén, nỗi kinh hãi trỗi dậy. Ông nhớ lại cái ngày lo âu khắc khoải khi ông nghe thấy tiếng khẽ thì thầm báo rằng cậu Jack đã chết và tiếng kêu thất thanh thê thảm của mẹ ông.
Sau đó, may thay, các khoang sọ não của ông khép chặt, các hồi ức tan biến. Ông ngồi ngủ gục trong chiếc ghết bành.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui