Bài kiểm tra Vật Lí hôm sau, Kiều làm bài không tốt lắm.
Tối qua sau khi được Khiêm hộ tống về, cô mất một lúc khá lâu để dò link Facebook của Khiêm nhưng cuối cùng vẫn không tìm được dù đã tra gần hết danh sách bạn bè của bạn bè cấp 2 lẫn cấp 3. Vốn dĩ Kiều không định làm chuyện này vì cô vẫn thường tự ngăn cản bản thân tìm kiếm thông tin của cậu ta, ngăn cản bản thân quan tâm cậu ta một cách quá đà từ ngày lớp 10 tới giờ, nhưng có vẻ như lần này sự tò mò đã được đẩy lên giới hạn cao nhất.
Thế mà cứ nghĩ chỉ cần tìm là sẽ ra, nhưng ngồi gần một tiếng đồng hồ không ra kết quả cô mới gắng lết xác đi tắm gội, sau đó học hành qua loa rồi đi ngủ vào lúc 1 giờ sáng.
Biết vậy không cần nhịn không tìm Facebook của Khiêm làm gì, vì tìm cũng có ra quái đâu - Trước lúc ngủ Kiều hậm hực nghĩ vậy.
Do nghĩ đến quá nhiều, tới lớp Kiều cũng không nhịn nổi lén nhìn sang bàn Khiêm phía bên kia. Trông cậu ta làm bài có vẻ tốt vì có ôn, một tay viết một tay bấm máy tính như chẳng gặp phải khó khăn gì.
Kiểm tra Vật Lí xong thì tới tiết sinh hoạt cuối tuần, đám con trai quây quần cạnh bàn của thằng Duy để chơi cờ tướng trước khi cô giáo vào lớp.
Vào lần kỉ niệm 20 năm thành lập này, lớp nào cũng phải đăng kí thi đấu thể thao, tuy nhiên hạng mục cờ tướng và cờ vua thì không bắt buộc mà là đăng kí tự nguyện để trường lấy học sinh mang đi thi giải đấu cấp thành phố.
Lớp 12B của Kiều có tới năm đứa dự định đăng kí thi đánh cờ, trong đó có bốn trai và một gái, hình như hội chúng nó đều ở trong CLB Boardgame cả, thi thoảng có thời gian là sẽ phân cao thấp, từ hồi lớp 10 đã như vậy. Thằng Duy là người thắng nhiều nhất trong cả đám, tỉ lệ thắng lên đến 78% với số liệu được ghi đầy đủ sau mỗi trận. Vì thành tích này mà Duy khá vênh, thiếu điều kêu nhóm bại tướng quỳ hết xuống, còn lần nào thằng ấy thua thì lại kêu "bố mày nhường" khiến đám bạn cay mà không làm gì được vì công nhận là thằng Duy chơi giỏi thật, tới cả trong game online thằng ấy cũng không có đối thủ.
Do gần đây có thông tin giải đấu cấp thành phố, trò cờ vua online trên máy điện thoại của Duy lại được lôi ra dùng, bảng thành tích của hội đánh cờ tiếp tục được cập nhật. Mấy ngày qua Duy lại được kéo dài thêm thành tích, tha hồ cười nhạo các bạn.
Hoài Thương - đứa con gái duy nhất trong hội bắt đầu thấy không cam tâm chỉ vì trận đấu thua trước đó khiến tỉ lệ thắng của cô giảm xuống 50%. Cô tức mình chỉ thằng vào mặt Duy quát: "Mày chơi với bọn tao mãi, có thắng thì cũng chẳng có tí thách thức nào. Ngồi yên đấy tao đi tìm đối khác cho mày."
Thương nói xong kéo ghế đứng dậy, đi thoăn thoắt về phía Khiêm, thẳng tay lôi Khiêm tới trước bàn Duy: "Đánh với Khiêm đi."
"Đối này mới đấy." Duy cười tự tin xoa cằm nói.
Thương ngồi trên Khiêm một bàn, vừa rồi kiểm tra Vật Lí thấy Khiêm làm bài nhanh quá thể, sau đó nhớ đến chuyện trước đó Khiêm có điểm Toán ngang ngửa Duy nên nghĩ mấy thằng học giỏi có vẻ như đầu óc đều thông minh nhanh nhạy, nhỡ đâu có khả năng thắng Duy thì sao? Không thể để Duy vênh váo mãi được.
"Biết chơi cờ vua không đấy?" Một đứa hỏi Khiêm.
"Cũng biết qua qua." Khiêm đáp, sau đó ngồi xuống đối diện Duy.
Kiều ngồi trên Duy hai bàn, lúc này Khiêm ngồi đối diện Duy ở cái bàn ngay sau bàn cô, quay lưng lại. Kiều giả vờ quay xuống hóng chuyện, thực chất cứ nhìn vào lưng của Khiêm chằm chằm.
Nếu Khiêm mà thua trong một nốt nhạc, có khi Kiều lại kiếm thêm được lí do để bớt để ý cậu ta không chừng. Nhưng mà lưng của tên này đẹp quá thể, nhìn chẳng giống lưng của mấy thằng cùng lớp chút nào.
Đương lúc Kiều mải suy nghĩ thì nghe tiếng chửi của Duy: "Vãi l, đéo thể nào."
Việc Khiêm bị kéo xuống đánh cờ với Duy cũng khiến không ít đứa chạy ra hóng, Nga ngồi cạnh Kiều tò mò hỏi một đứa đang đứng xem: "Sao thế, ai thắng?"
"Chưa xong, nhưng mà thằng Khiêm làm Duy phải suy nghĩ rồi. Bình thường thằng Duy nghĩ nhanh lắm." Đứa kia đáp.
Dù chỉ là chơi vui nhưng hội đánh cờ ở đây tuân thủ khá nghiêm về thời gian suy nghĩ, đồng hồ trong app luôn có chỗ đứng trong mọi ván đấu nên cả hội thường không dùng bàn cờ thật để đánh mà quyết định dùng app mỗi lần chơi. Rất nhiều trận Duy không thắng tới cuối, nhưng lúc nào cũng ăn đứt đối thủ về thời gian suy nghĩ, chỉ đợi thầy cô bước vào lớp kết thúc trận để phân thắng bại bằng cách xem thằng nào mất nhiều thời gian tính nước hơn.
Vậy mà lần này ngồi đánh cờ với Khiêm, thời gian suy nghĩ của Duy lâu hơn bình thường, trong khi của Khiêm chỉ bằng một nửa.
Tới lúc giáo viên bước vào lớp, dựa vào luật tự đặt ra, Duy nghiễm nhiên trở thành kẻ thua vì tính nước lâu hơn Khiêm 30 giây.
"Vãi, cô giáo vào bất ngờ quá, để lát đánh tiếp." Duy tỏ vẻ tiếc nuối nói.
Thương nhảy thẳng vào mồm Duy: "Lát cái bíp ấy, thua là thua, luật trước giờ đều vậy. Nhận thua đi thằng khốn."
1
"Hôm nào đánh lại đi!" Duy nói với về phía Khiêm.
Khiêm cười thân thiện đáp: "Thôi, không đánh nữa để giữ tỉ lệ thắng 100%."
"Ơ cái thằng này mất dạy... tao tưởng mày là Khiêm trong Khiêm tốn thật thà dũng cảm chứ? Khiêm này là Khiêm gì?"
"Là Khiêm Huỳnh Minh." Khiêm đáp.
Duy chưa kịp nói gì đã bị Thương vươn tay tắt app cờ vua, trở về chỗ trước khi bị cô giáo mắng.
"Vừa nãy cô phải đi họp nên vào lớp hơi muộn. Vào vấn đề chính luôn nhé." Cô giáo mở slide trên máy tính trong lúc đợi lớp ổn định lại vị trí rồi nói: "Đại hội thể thao năm nay khá lớn nên cố rất nhiều đầu mục đăng kí bắt buộc. Các em nhìn lên màn hình, chúng ta có bóng đá, bóng rổ là hai nội dung đăng kí thi đấu theo lớp, không bắt buộc. Tiếp theo là cờ vua và cờ tướng, đăng kí cá nhân, không giới hạn số lượng. Bơi lội: một đại diện nam và một đại diện nữ. Điền kinh có các nội dung: chạy tiếp sức, bốn bạn - hai nam hai nữ; chạy 100m, một nam một nữ..."
Cô chủ nhiệm nói rất nhanh các nội dung sẽ được đưa vào đại hội trong căn phòng toàn những tiếng lầm rầm bàn bạc của cả lớp, thế nhưng tới lúc cô hỏi ai tự nguyện đăng kí tham gia thì chỉ có mấy đứa thể thao trí tuệ như cờ tướng cờ vua chủ động đọc tên, còn với mấy môn thể chất lớp hoàn toàn im lặng...
Điều này cũng khó trách vì dưới thời đại công nghệ phát triển đâu được mấy đứa đam mê thể dục thể thao đâu, nhất là với cái lớp chọn toàn những đứa đâm đầu vào bài vở và dành hết thời gian rảnh của thanh xuân để đi học thêm này. Tuy trong lớp cũng có vài đứa thích vận động và chơi thể thao tạm được, nhưng nghĩ tới việc thi thố với lớp khác khi biết đã nắm chắc phần thua thì cũng chẳng ai lấy đâu ra hứng thú để đăng kí nữa.
Cô chủ nhiệm thấy đám học sinh giấu hết tay xuống gầm bàn cũng không tức giận, chỉ thong thả nói: "Thôi được rồi, bóng đá bóng rổ lớp mình không đủ đội thì cũng không cần đăng kí, nhưng những môn bắt buộc thì nhất định phải tham gia. Cô cho cơ hội cuối để xung phong trước khi cô gọi theo danh sách."
Cả lớp nghe vậy, không hẹn mà đổ dồn ánh mắt về phía Khiêm.
Trong số đám học sinh nam thì Khiêm là kẻ chuyển từ lớp khác qua, trông hoàn toàn giống người chơi thể thao với dáng vẻ cao lớn và chân tay săn chắc. Khả năng của cậu ta cũng dần được khẳng định trong các giờ thể dục, ngoài ra còn có bằng chứng thép rằng cậu ta là người của CLB Bóng Rổ nữa.
Khiêm thấy các bạn nhìn mình, biết điều nói: "Em đăng kí cầu lông."
Lớp nghe vậy lập tức phản ứng: "Cầu lông là cái dễ nhất rồi, đừng chọn cái dễ như thế. Khiêm thi chạy đi mày!"
"... Vậy cũng được."
Qua một hồi tranh cãi, cuối cùng thì phía đại diện nam các nội dung thi đều được chọn xong, kế tiếp chỉ còn lại phía đại diện nữ vẫn để trắng vì không ai dám ho he câu nào. Cô chủ nhiệm cũng không lấy làm lạ, lên google mở random number trên Google và bắt đầu đọc tên: "Chạy tiếp sức, Vương Thanh Kiều, Ngô Ngọc Nga..."
Kể từ lúc nghe cô chủ nhiệm đọc tên mình, Kiều lập tức nhớ đến cái ngày cô chạy tới kiệt sức ở công viên. Kiều chưa kịp khước từ thì Nga ngồi cạnh vội nói: "Thưa cô em không chạy được ạ."
"Sao thế?" Cô hỏi.
"Em bị đau chân ạ." Nga đáp
"Còn hơn một tháng nữa mới thi mà?"
"Tháng sau em sẽ đau chân ạ."
Cô giáo gật gù: "Những bạn cô đọc tên sẽ không được phép từ chối vì bất cứ lí do nào kể từ giờ nhé. Què cũng phải đi thi, cô không cần giải, cần người tham gia là được rồi. Các bạn sắp xếp luyện tập đi nhé, không được giải cũng đừng để mất mặt. Chốt lần cuối: Chạy tiếp sức, Vương Thanh Kiều, Ngô Ngọc Nga."
Kiều bắt đầu lo lắng, nhớ về cảm giác thở không ra hơi khi mới chạy được nửa vòng hồ, sau đó lại tưởng tượng cảnh các bạn chạy băng băng trên đường chạy bằng hai chân còn mình thì vừa bò vừa lết... không dám tưởng tượng nữa.
Vì vậy vào Chủ nhật ngay sau đó, Kiều lại tới công viên để tập chạy. Dù không thích vận động nhưng Kiều vẫn phải công nhận rằng sau khi chạy bộ về, dù cơ thể mệt mỏi nhưng đầu óc của cô thoải mái hơn không ít.
Khi đi qua cổng công viên, Kiều ôm con chó trắng tên Ê cố tình lảng tránh bác bảo vệ vì sợ bị nhận ra. Lí do bởi chỉ qua vài ngày sống cùng con chó trắng đáng yêu này, Kiều đã có suy nghĩ muốn chiếm đoạt tài sản của ông bác kia, cụ thể là con chó này. Cô muốn nuôi nó. Đôi mắt đen láy của nó nhìn cô mang cảm giác như thể cô rất quan trọng với nó, dù cô đoán có thể sự thật đằng sau đôi mắt đó rằng thì là nó chỉ đang đợi cô cho nó ăn hoặc chơi đùa với nó mà thôi. Nhưng Kiều vẫn yêu nó, vẫn muốn nuôi nó, vẫn muốn ôm nó ngủ hàng đêm, và nó cũng giúp cô không buồn chán khi ở nhà nữa.
Kiều nghiêm túc chạy nửa vòng sân, sau đó vì quá mệt mà phải chạy chậm lại với tốc độ ngang đi bộ. Con chó trắng thì chẳng cần tốn nhiều sức để đuổi theo cô, vừa đi vừa ngắm cảnh, hít hít cỏ mỗi nơi nó đi qua, thi thoảng nhấc chân đánh dấu vài chỗ.
Về phần Kiều, cô khá ngạc nhiên vì hôm nay mình hoàn thành vòng chạy sớm hơn lần trước, thế nhưng cô không về luôn mà ngồi xuống một chiếc ghế đá, tự thuyết phục bản thân rằng mình đang ngồi nghỉ ngơi chứ chẳng phải đang đợi chờ bất cứ ai hay bất cứ điều gì.
Một lúc sau, Khiêm chạy qua.
Kiều đưa điện thoại lên nhìn giờ, thầm ghi nhớ mấy con số trên màn hình.
Cả hai cười xã giao khi bắt gặp ánh mắt nhau, sau đó Khiêm tiếp tục chạy hết bốn vòng hồ mà không buồn dừng nghỉ, còn Kiều thì ngồi tới lúc cậu ta hoàn thành mục tiêu.
Con Vịt của Khiêm không chạy hết cả bốn vòng như cậu chủ mà đã dừng nghỉ để chơi với con chó trắng tên Ê ngay từ vòng đầu tiên. Khi dừng chạy, Khiêm tới ghế đá cạnh Kiều ngồi như một điều hiển nhiên giữa hai người quen nhau.
Khiêm kéo kéo cái cổ áo của cậu ta để lau đi lớp mồ hôi dính trên cổ và mặt, nhìn Kiều hỏi: "Vậy là cậu chỉ chạy vào Chủ nhật à?"
Kiều gật đầu: "Ừ."
Nói xong, Kiều thấy mình đáp cụt quá mức cần thiết nên nói thêm: "Cô Yến xếp vào nội dung chạy tiếp sức, chắc phải cố thêm thôi."
"Nếu muốn tập luyện thì ngày nào cũng nên chạy."
Kiều nghĩ đến cảnh mình bò trên sân, thật thà đáp: "Tớ tập thể lực để lúc chạy không bị mất mặt quá, chứ chưa nghĩ đến giành giải nên không định tâm huyết đến mức ngày nào cũng chạy."
"Hiểu rồi. Tùy mục tiêu thôi nhỉ." Khiêm nói bâng quơ, sau đó không đợi cô trả lời mà gác một tay lên ghế, xoay người ngoái nhìn về phía hai con chó đang đùa nhau trên cỏ hỏi: "Chắc là chủ của nó vẫn chưa khỏe lại."
"Ừm..." Kiều đáp qua loa, chẳng hề có mấy câu tích cực như là mong ông bác kia quay lại đón con chó, vì đó không phải là điều cô mong muốn.
Cả hai cứ vậy nhìn hai con chó vô tri chơi với nhau.
Trong lúc ấy, Kiều quan sát một cách lén lút, nhận thấy Khiêm không mang nước, mà cô thì đang cầm sẵn chai nước trong tay.
Nhưng lời mời cuối cùng cũng không ra miệng.
Khiêm thấy nghỉ ngơi đã đủ thì đứng dậy, nói: "Thôi tớ về đây."
Kiều ừ một tiếng rồi hỏi han xã giao: "Cậu tới đây bằng gì?"
"Xe đạp." Khiêm ngừng một lúc mới nói tiếp: "Còn cậu?"
Kiều cố ngăn mình đáp quá nhanh, câu nói ngập ngừng một lúc trong họng mới ra thành lời: "Tớ bắt xe bus."
Khiêm nhìn ra phía bờ hồ, môi mấp máy nói bằng cái vẻ hơi miễn cưỡng: "Tiện đường thì để tớ đưa cậu về."
"Cảm ơn."
Thực lòng mà nói thì cái baga sau xe đạp của Khiêm không dễ chịu để ngồi cho lắm, toàn là các thanh thép ngang dọc cứng ngắc, vừa đặt mông lên đã cảm thấy chúng lằn ép trên da thịt. Nhưng Kiều nhẫn nhịn không kêu ca nửa lời, hai tay ôm hai con chó, mắt nhìn chằm chằm lên sống lưng thẳng tắp cùng phần áo ướt mồ hôi của Khiêm.
Đoạn đường không quá dài nhưng đủ để Kiều ôn lại chuyện bản thân quyết tâm không dính đến mấy chuyện yêu đương nữa, vấn đề là có một giọng nói khác trong đầu cô liên tục vang lên rằng "yêu đơn phương" đâu phải "yêu đương" đâu, giữa chúng nó thiếu hẳn một ơn ph cơ mà. Và cô cũng thầm nhớ đến những lần mình chủ động thích một ai đó, cảm giác có thứ để mình quan tâm khiến thời gian trôi nhanh hơn hẳn, tâm trạng cũng thú vị rất nhiều so với những ngày nhạt nhẽo bình thường chẳng có ai để nhớ nhung.