Đông Chu Liệt Quốc

Trần Ai công tên là Nịch . Người chánh phi là Trịnh Cơ, sinh con là Yển
Sư, đã được lập làm thế tử . Còn người thứ phi sinh ra công tử Lưu;
người thứ ba sinh ra công tử Thắng . Người thứ phi khéo nịnh được yêu,
khi đã sinh được công tử Lưu thì Trần Ai công yêu lắm, trong lòng những
muốn cho làm thế tử, nhưng vì trót đã lập Yển Sư làm thế tử, không vì cớ gì mà bỏ được, mới lấy người em là công tử Chiêu làm thái phó, công tử
Quá làm thiếu phó để giúp cho công tử Lưu, và dặn Yển Sư ngày sau phải
truyền ngôi cho công tử Lưu . Năm ấy Trần Ai công ốm nặng, đã lâu không
ra coi triều, công tử Chiêu bảo công tử Qúa rằng:

- Con thế tử Yển Sư là công tôn Ngô, năm nay đã lớn tuổi . Nếu
thế tử Yển Sư lên nối ngôi thì tất là lập công tôn Ngô làm thế tử, bao
giờ truyền đến công tử Lưu được . Nay chúa công ốm nặng, quyền chính ở
trong tay chúng ta, chi bằng ta giả cách phụng mệnh chúa công giết thế
tử Yển Sư đi mà lập công tử Lưu thì sau mới khỏi hối .

Công tử Qúa khen phải, liền cùng với quan đại phu là Trần Khổng Hoán thương nghị . Trần Khổng Hoán nói:

- Thế tử Yển Sư ngày nào cũng vào cung hỏi thăm chúa công ba
lần, sớm tối ở bên cạnh chúa công, ta không thể nói dối được, chi bằng
sai người nấp ở cửa cung, đợi khi ra vào mà đâm chết đi là hơn .

Công tử Qúa ban nhau với công tử Chiêu, rồi giao việc ấy cho
Trần Khổng Hoán, và ước với Trần Khổng Hóan rằng khi đã lập công tử Lưu
rồi, sẽ phong cho một ấp lớn .

Trần Khổng Hóan sai một lực sĩ tâm phúc đứng lẫn vào trong đám
quân sĩ canh cửa . Quân sĩ canh cửa tưởng là người theo hầu thế tử Yển
Sư, không nghi ngờ gì cả . Thế tử Yển Sư vào thăm bệnh xong, đang đêm ra đến cửa cung, người lực sĩ bèn tắt đèn, rồi đâm chết đi . Cửa cung náo
loạn . Được một lúc, công tử Chiêu và công tử Quá đến, giả cách kinh sợ, một mặt sai người tầm nã quân giặc, còn một mặt nói vua Trần ốm nặng,
nên lập công tử Lưu lên nối ngôi .

Trần Ai công biết chuyện, giận quá thắt cổ mà chết . Công tử
Chiêu phụng công tử Lưu đứng chủ tang, rồi lập lên làm vua; lại sau quan đại phu là Vu Trưng Sư đến cáo với vua Sở là Trần Ai công ốm nặng mà
chết . Bấy giờ Ngũ Cử đang đứng hầu ở bên cạnh Sở Linh vương thấy nói
nước Trần đã lập công tử Lưu lên làm vua, không biết thế tử Yển Sư đi
đâu, có ý nghi hoặc, bỗng nghe báo có người con thứ ba của Trần Ai công
là công tử Thắng và người cháu gọi bằng chú là công tôn Ngô (con thế tử
Yển Sư) xin vào yết kiến . Sở Linh vươg cho vào . Công tử Thắng và công
tôn Ngô sụp lạy, khóc lóc mà nói rằng:

- Đích huynh tôi là thế tử Yển Sư bị công tử Chiêu và công tử
Qúa bày mưu giết đi, để đến nỗi thân phụ tôi phải thắt cổ mà chết, rồi
bọn kia lại tự tiện lập công tử Lưu lên làm vua . Chúng tôi sợ bị hại,
vậy phải đem nhau sang đây để nhờ ơn qúi quốc .

Sở Linh vương hỏi Vu Trưng Sư . Vu Trưng Sư còn chối, nhưng bị
công tử Thắng biện bác, không thể cãi lại được . Sở Linh vương nổi giận
mà mắng rằng:

- Nhà ngươi tức là vây cánh công tử Chiêu và công tử Quá!

Nói xong truyền quân đao phủ trói lại đem ra chém . Hành hình xong, Ngũ Cử tâu rằng:

- Đại vương đã giết Vu Trưng Sư thì nên giúp công tôn Ngô để trị tội công tử Chiêu và công tử Quá, danh chính ngôn thuận, ai mà không
phục . Đã dẹp yên nước Trần rồi, sẽ đến lượt nước Sái, như thế tôi chắc
rằng có thể noi theo được sự nghiệp của vua Trang vương ta thuở xưa .

Sở Linh vương bằng lòng, mới đem quân sang đánh Trần . Công tử
Lưu nước Trần nghe tin Vu Trưng Sư bị giết, sợ có tai vạ, không dám lên
làm vua, liền trốn sang nước Trịnh . Có người bảo công tử Chiêu sao
không đi theo công tử Lưu . Công tử Chiêu nói:

- Nếu quân Sở đến, ta sẽ có kế làm cho phải lui .

Sở Linh vương đem quân đến nước Trần . Người nước Trần đều
thương thế tử Yển Sư chết oan, trông thấy công tôn Ngô về, ai cũng mừng
rỡ, kéo nhau ra mà đón rước . Công tử Chiêu thấy việc đã nguy cấp lắm,
sai người mời công tử Quá đến thương nghị . Công tử Quá đến, hỏi công tử Chiêu rằng:

- Khi trước ngài nói có kế làm cho quân Sở phải lui, chẳng hay là kế gì ?

Công tử Chiêu nói:

- Tất phải dùng một vật mới lui được quân Sở, ta muốn mượn nhà ngươi vật đó .

Công tử Quá hỏi:

- Chẳng hay vật gì ?

Công tử Chiêu nói:

- Cái đầu nhà ngươi!

Công tử Quá kinh sợ, vừa toan đứng dậy thì quân hầu xúm lại đánh chết mà chém lấy đầu . Công tử Chiêu đem đầu công tử Quá sang quân Sở,
sụp lạy Sở Linh vương mà tâu rằng:

- Việc giết thế tử Yển Sư mà lập công tử Lưu, đều là công tử Quá làm . Tôi núp dưới uy của đại vương, chém đầu công tử Quá mà đem nộp,
xin đại vương xá tội .

Sở Linh vương thấy công tử Chiêu nói năng khiêm tốn, đã có ý bằng lòng . Công tử Chiêu lại quỳ gần ở trước mặt, mà mật tâu rằng:

- Vua Trang vương nước Sở ngày xưa dẹp yên nước Trần, đã lấy
nước Trần làm quận huyện, sau lại phong cho nước Trần, thành ra uổng
công; nay công tử Lưu sợ tội bỏ trốn, nước Trần không có ai làm chủ, xin đại vương lấy làm quận huyện, chớ để cho lại về quyền họ khác .

Sở Linh vương mừng rỡ nói rằng:

- Lời nói nhà ngươi chính hợp ý ta ? nhà ngươi hãy về trước, quét dọn cung thất để đợi ta đến .

Công tử Chiêu lạy tạ rồi lui ra . Công tử Thắng nghe nói Sở Linh vương tha cho công tử Chiêu về nước, lại vào tâu với Sở Linh vương
rằng:

- Việc giết thế tử Yển Sư, thủ mưu tự công tử Chiêu, đến lúc
định khởi sự thì công tử Quá sai quan đại phu là Trần Khổng Hoán làm .
Nay Chiêu lại đổ tội cho công tử Quá để mong được khỏi chết, như thế thì tiên quân và tiên thế tử tôi ở dưới suối vàng, sao cho được hả lòng ?

Công tử Thắng vật mình lăn khóc, quân sĩ trông thấy, ai cũng cảm động .

Sở Linh vương dỗ bảo rằng:

- Công tử chớ lo, ta sẽ liệu cách phân xử .

Ngày hôm sau, công tử Chiêu sắp sửa xa giá ra đón Sở Linh vương
vào thành . Sở Linh vương ngồi ở trên triều đường, các quan văn võ đều
đến yết kiến . Sở Linh vương gọi Trần Khổng Hoán đến trước mặt mà mắng
rằng:

- Việc giết thế tử Yển Sư, đều bởi tay nhà ngươi, nếu không giết nhà ngươi thì sao làm gương cho kẻ khác được!

Nói xong truyền cho quân sĩ đem Trần Khổng Hoán ra chém, rồi đem đầu Trần Khổng Hoán và đầu công tử Quá bêu ở cửa thành . Sở Linh vương
lại bảo công tử Chiêu rằng:

- Ta cũng mốn dung tha cho nhà ngươi, nhưng vì công luận, không
thể dùng được . Nay ta tha tội chết cho, nhà ngươi phải đem ngay gia
quyến ra xứ Đông Hải mà ở .

Công tử Chiêu sợ quá, không dám cãi lạ, sụp lạy rồi lui ra . Sở
Linh vương sai người đem công tử Chiêu ra an trí ở nước Việt . Công tử
Thắng và công tôn Ngô sụp lạy Sở Linh vương, tạ cái ơn dẹp hộ quân giặc . Sở Linh vương bảo công tôn Ngô rằng:

- Ta vẫn muốn lập nhà ngươi lên làm vua nước Trần, nhưng vây
cánh công tử Chiêu và công tử Quá còn nhiều, tất lại thù oán, làm hại
nhà ngươi, nhà ngươi nên theo ta về nước Sở .

Bèn truyền đổi nước Trần làm quận huyện nước Sở . Sở Linh vương
thấy Xuyên Phong Thú khi trước dám tranh cái công bắt Hoàng Hiệt nước
Trịnh, thế là người không siềm nịnh, mới cho Xuyên Phong Thú trấn thủ ở
đó, gọi là Trần Công . Người nước Trần đều không bằng lòng . Sở Linh
vương đem công tôn Ngô về nước, nghỉ quân một năm rồi mới đi đánh Sái .
Ngũ Cử hiến kế rằng:

- Cái tội ác của vua Sái, nay đã lâu ngày, nếu ta đem quân hỏi tội thì hắn tất cãi lại, chi bằng ta dụ đến mà giết đi .

Sở Linh vương theo kế ấy, mới giả cách ra tuần du Thân Địa và
sai người đem lễ vật sang mời Sái Linh công . Sứ nước Sở đem quốc thư đệ trình Sái Linh công, đại lược nói rằng:

"Tôi trông mong được thấy mặt nhà vua, xin mời nhà vua dời gót
đến đất Thân . Theo đây, gọi là có những lễ vật nhỏ mọn để khao thưởng
kẻ hầu hạ nhà vua, xin nhà vua nhận cho".

Sái Linh công truyên sắp xa giá để đi . Quan đại phu là công tôn Quí Sinh can rằng:

- Vua Sở là người tham mà không thực, nay sai sứ tới đây, lễ nhiều nói ngọt, tất có ý dụ ta. Chúa công chớ nên đi .

Sái Linh công nói:

- Nước Sái ta không bằng một huyện của nước Sở, nếu vua Sở triệu mà ta không đi, tất người ta đem quân đến đánh, tài nào mà địch lại
nổi!

Công tôn Quí Sinh nói:

- Nếu vậy xin lập thế tử rồi hãy đi .

Sái Linh công nghe lời, lập con là Hữu làm thế tử, và giao cho
công tôn Qúi Sinh giúp thế tử Hữu giữ nước, rồi tức khắc đi xe sang đất
Thân, xin vào yết kiến Sở Linh vương . Linh vương nói:

- Tôi cùng nhà vua biệt nhau, thấm thoát đã tám năm, mừng cho nhà vua thần sắc vẫn còn như cũ .

Sái Linh công nói:

- Nước tôi nhờ ơn đại vương mà được dự hội với chư hầu, chưa
biết lấy gì đền ơn lại . Mới rồi, nghe nói đại vương đánh được nước
Trần, đã toan sang mừng, chẳng ngờ đại vương lại cho sứ đến triệu, vậy
tôi xin sang đây để bái yết .

Sở Linh vương bày tiệc thết đãi, hát xướng linh đình, chủ khách
thù tạc rất là vui vẻ, lại sai Ngũ Cử cho các người theo hầu Sái Linh
công uống rượu ở ngoài quán . Sái Linh công vui chén uống mãi thành ra
qúa say . Khi SỞ Linh vướng ném chén rượu làm hiệu thì quân sĩ ở xung
quanh đổ ra, trói Sái Linh công lại, mà Sái Linh công vẫn còn say rượu
chẳng biết gì cả . Sở Linh vương sai người tuyên bố rằng:

"Vua Sái giết cha cướp ngôi, nay ta phải thay trời mà trị tội,
còn những người theo hầu vua Sái, ai xin hàng thì có thưởng và cũng tha
cho được về".

Sái Linh công xưa nay tiếp đãi các tướng sĩ rất có ân lễ, bởi
vậy các tướng sĩ không ai chịu hàng cả . Sở Linh vương truyền cho quân
Sở vây kín lại rồi bắt tất cả . Bấy giờ Sái Linh công đã hơi tỉnh rượu,
mới biết mình bị trói, trừng mắt nhìn Sở Linh vương mà hỏi rằng:

- Tôi có tội gì ?

Sở Linh vương nói:

- Mày giết cha cướp ngôi, thật là một đứa vô đạo, bây giờ mới chết, cũng là muộn lắm rồi!

Sái Linh công thở dài mà nói rằng:

- Tiếc thay ta không nghe lời công tôn Qúi Sinh!

Sở Linh vương truyền đem Sái Linh công nện đá cho chết, những
người tuỳ tùng, dẫu đến kẻ lao dịch; đẩy xe cũng đều bị giết, cả thảy là bảy mươi người . Sở Linh vương ghi tội Sái Linh công vào một cái mộc
bản, đem yết lên cho người trong nước biét, và sai công tử Khí Tật đem
quân thẳng đường sang nước Sái .

Thế tử Hữu nước Sái, từ khi Sái Linh công sang Thân Địa rồi, vẫn sai người dò thám tin tức, bỗng nghe báo Sái Linh công bị giết, quân Sở sắp sang đến nơi, liền sửa soạn quân mã để phòng giữ . Quân Sở kéo đến, vây kín thành nước Sái đến hai ba vòng . Công tôn Qúi Sinh nói với thế
tử Hữu rằng:

- Nước Sái ta dẫu phụ thuộc nước Sở đã lâu, nhưng khi Tấn và Sở
giao ước bãi binh với nhau, tôi cũng dự vào đó, chi bằng ta sai sứ sang
càu cứu nước Tấn, nước Tấn nghĩ đến lời giao ước ấy tất phải cứu ta .

Thế tử Hữu nghe lời, muốn tìm một người để sai sang sứ nước Tấn . Nguyên trong số bảy mươi người bị Sở Linh vương giết ở Thân Địa khi
trước, có một người tên gọi Sái Lược, tức là thân phụ Sái Vi . Sái Vi
muốn báo thù cho cha, mới nói với thế tử Hữu xin sang sứ nước Tấn . Sái
Vi đang đem trèo qua thành ra, đi sang nước Tấn, vào yết kiến Tấn Chiêu
công, vừa khóc vừa kể hết nông nỗi Sái Linh công bị giết . Tấn Chiêu
công họp triều thần lại để thương nghị . Tuân Ngô (con Tuân Yển) nói
rằng:

- Nước Tấn ta làm bá chủ thì chức trách là phải bênh vực chư hầu . Trước đã không cứu Trần, nay lại không cứu Sái thì sao gọi là bá chủ
được!

Tấn Chiêu công nói:

- Vua Sở tàn bạo, nhưng binh lực ta không địch nổi thì biết làm thế nào ?

Hàn Khởi nói:

- Dẫu biết là không địch nổi, nhưng chẳng lẽ cứ ngồi yên hay sao! ta nên họp quân chư hầu mà đi đánh mới phải .

Tấn Chiêu công liền sai Hàn Khởi hội chư hầu ở đất Quyết Ngận .
Tống, Tề, Lỗ, Vệ, Trịnh và Tào đều sai quan đại phu đến để dự hội . Hàn
Khởi nói đến việc cứu Sái, quan đại phu các nước đều lắc đầu cả, không
ai dám nhận lời . Hàn Khởi nói:

- Các ngài sợ nước Sở như thế, là muốn để mặc nước Sở cứ mỗi
ngày một lấn dần như tằm ăn dâu hay sao! nếu quân Sở đánh xong Trần Sái, rồi dần dần đến các nước thì bấy giờ chúa công tôi cũng không dám bàn
gì nữa!

Mọi người đều nhìn nhau, không ai trả lời . Bấy giờ quan hữu sư nước Tống là Hoa Hợi cũng dự hội . Hàn Khởi bảo Hoa Hợi rằng:

- Khi trước quna hữu sư nước Tống là Hoa Nguyên xướng nghị lên
mà khiến họ Tấn và SỞ hội nhau ở nước Tống để gia ước bãi binh, nếu nước nào trái lời thì các nước cùng đánh . Nay nước Sở bội ước đánh Trần và
Sái mà nhà ngươi cứ khoanh tay không nói một câu nào, thế thì không
phải, là tại nước Sở thất tín, chính là tại nước ngươi khinh mạn chư hầu đó!

Hoa Hợi sỡ hãi mà đáp rằng:

- Khi nào nước tôi lại dám khinh mạn chư hầu, chẳng qua là tại
nước Sở mọi rợ, không nghĩ gì đến tín nghĩa, nước tôi cũng không thể làm thế nào được . Nay các nước nghĩ quân đã lâu mà bỗng nhiên khơi sự
chiến tranh thì vị tất đã thắng được Sở, chi bằng ta theo lời giao ước
ấy mà sai sứ đến xin vua Sở tha cho nước Sái, chắc vua Sở không thể chối từ được .

Hàn Khởi thấy quan đại phu các nước đều sợ nước Sở, liệu việc
cứu Sái không thể thành được, mới bàn viết một bức thư sai quan đại phu
là Hồ Phủ sang đất Thân Địa đệ trình Sở Linh vương . Sái Hữu thấy các
nước không chịu đem quân cứu Sái, khóc mà trở về . Hồ Phủ sang đến Thân
Địa, vào yết kiến Sở Linh vương, đệ trình bức thư, đại lược nói rằng:

"Ngày trước hai nước Sở, Tấn hội thề ở nước Tống, có giao ước
cùng nhau bãi binh, đến khi hội thề ở đất Quắc lại nhớ lại ước cũ, đã có qúi thần chứng giám . Chúa công tôi cùng chư hầu noi theo lời giao ước
ấy, không dám gây việc chiến tranh . Nay Trần, Sái có tội, quí quốc đem
quân đi đánh, dẫu bởi việc nghĩa, nhưng chẳng qua cũng là tòng quyền .
Chư hầu thấy đã giết được tội nhân rồi, mà việc binh hãy còn chưa bãi,
đều đến trách chúa công tôi sao không biết bênh vực những kẻ hèn yếu,
chúa công tôi lấy làm xấy hổ lắm, nhưng vẫn chưa dám cất quân, là vì sợ
trái lời giao ước, vậy phải sai tôi là Hàn Khởi, cùng với quan đại phu
các nước, đưa bức thư này, xin đại vương tha cho nước Sái . Nếu đại
vương nghĩ đến lời giao ước mà để cho nước Sái được toàn vẹn thì chẳng
những là người nước Sái mà chúa công tôi và các nước đồng minh đều cám
ơn đại vương lắm".

Cuối bức thư, quan đại phu các nước đều ký tên cả . Sở Linh vương trông thấy cười mà nói rằng:

- Ta đã sắp phá vỡ được nước Sái mà các ngươi muốn đem một câu
nói lại đến giải vây, coi ta như đứa trẻ con hay sao! nhà ngươi về nói
lại cho vua Tấn biết: Trần Sái là nước phụ thuộc của ta, không phiền các nước phương bắc phải trông nom hộ .

Hồ Phủ toan cố ý nàn xin thì Sở Linh vương đứng dậy trở vào,
cũng không viết thư hồi đáp . Hồ Phủ căm tức mà trở về . Vua tôi nước
Tấn dẫu giận nước Sở nhưng cũng không biết làm thế nào . Sái Hữu về đến
nước Sái, bị quân Sở bắt được, giải đến nộp công tử Khí Tật . Công tử
Khí Tật bắt hiếp Sái Hữu phải đầu hàng . Sái Hữu không chịu, Khí Tật bèn đem giam ở hậu quân . Công tử Khí Tật biết quân Tấn không đến cứu, lại
càng cố sức đánh thành nước Sái .

Công tử Qúi Sinh nói với thể tử Hữu rằng:

- Bây giờ việc đã nguy cấp rồi, tôi xin liều mình sang dinh quân Sở để xin quân Sở rút về, nếu quân Sở nghe cho thì dân ta không đến nỗi tàn hại .

Thế tử Hữu nói:

- Công việc trong thành, trông cậy ở một tay đại phu, sao đại phu nỡ bỏ tôi mà đi .

Công tôn Qúi Sinh nói:

- Nếu thế tử không bằng lòng cho tôi đi thì con tôi là Triều Ngô, có thể sai đi được .

Thế tử Hữu gọi Triều Ngô đến, khóc mà sai đi . Triều Ngô vào yết kiến công tử Khí Tật . Công tử Khí Tật tiếp đãi tử tế . Triều Ngô nói:

- Công tử đem quân đánh nước tôi, nước tôi chắc thế nào cũng
mất, nhưng chưa được rõ là vì tội gì ? nếu vì tội tiên quân tôi thất đức thì thế tử nước tôi có tội gì ? tôn xã nước tôi có tội gì ? xin công tử thương mà xét cho .

Công tử Khí Tật nói;

- Ta cũng biết nước Sái không đáng phải tuyệt diệt, nhưng ta
phụng mệnh vua SỞ sang đây, nếu không thành công thì tất phải chịu tội .

Triều Ngô nói:

- Tôi còn có một câu nữa, xin đuổi hết người xung quanh, cho tôi được nói .

Công tử Khí Tật nói;

- Nhà ngươi cứ noi, người xung quanh ta không hề chi cả .

Triều Ngô nói:

- Vua Sở lên ngôi, không do đường chính, công tử hẳn cũng đã
biết . Phàm người biết nghĩ, ai là không giận . Nay lại trong làm khổ
dân về việc thổ mục, ngoài là khổ dân về việc can qua, lòng tham không
chán, năm trước diệt Trần, năm sau lừa Sái . Công tử không nghĩ đến thù
vua mà lại ra sức để giúp, tôi e rằng đến khi ta vạ, chắc là công tử
cũng phải chịu một phần . Công tử vốn có tiếng là người hiền hậu, sáng
suốt, lại có cái điềm đương bích, người nước Sở ai cũng muốn cho công tử lên làm vua; nay công tử đem quân quay về mà trị tội kẻ giết vua hại
dân ấy thì còn ai dám chống lại với công tử nữa . Chẳng hơn là thờ một
ông vua vô đạo, mà mua oán với thiên hạ hay sao! nếu công tử nghe lời
tôi, thì tôi xin đem quân nước tôi đi làm tiên phong giúp công tử .

Công tử Khí Tật nổi giận, nói:

- Đứa thất phu kia, dám đem lời nói khéo để chia rẽ vua tôi nước ta, tội đáng chém chết, nhưng ta hay gửi cái đầu ở trên cổ nhà ngươi
đó, cho nhà ngươi về truyền báo thế tử Hữu mau mau ra hàng đi thì còn
được toàn tính mệnh!

Công tử Khí Tật truyền quân sĩ đuổi Triều Ngô ra . Nguyên khi
trước Sở cung vương có một người thiếp yêu, sinh được năm con: con
trưởng là Hùng Chiêu, tức là Sở Khang vương; người thứ hai là Vi, tức là Sở Linh vương; người thứ ba là Tị, tên tự là Tử Can; người thứ tư là
Hắc Quang, tên tự là Tử Tích; còn người thứ năm là công tử Khí Tật .
Trong năm người con ấy, Sở Cung vương muốn chọn một người để lập làm thế tử mà chưa biết lập ai, muốn tế các thần, rồi chôn một viên ngọc bích ở giữa ở trong sân nhà thái miếu, đánh dấu chỗ chôn rồi đến canh năm cho
năm người con vào yết tổ, xem người nào đứng làm lễ đúng vào chỗ chôn
ngọc bích, thì người ấy được qủi thần chọn làm vua . Khang vương vào
trước, đứng cách ngọc bích xa lắm . Công tử Khí Tật bấy giờ tuổi hãy còn nhỏ, người vú ẵm vào lễ đứng chính giữa ở trên ngọc bích, Sở Cung vương biết là có thần giúp, bởi vậy rất yêu công tử Khí Tật . Khi Sở Cung
vương chết, công tử Khí Tật hãy còn nhỏ, thành ra Khang vương lên nối
ngôi, nhưng các quan đại phu nước Sở nghe thấy việc chôn ngọc bích ấy,
ai cũng biết rằng về sau công tử Khí Tật tất lên làm vua .

Bấy giờ Triều Ngô nước Sái nói đến cái điềm "đương bích", công
tử Khí Tật sợ lời nói ấy truyền bá ra thì tất Sở Linh vương ghen ghét,
vậy nên giả cách đuổi Triều Ngô ra, Triều Ngô trở vào trong thành, thuật lại lời nói của công tử Khí Tật cho thế tử Hữu nghe . Thế tử Hữu nói:

- Làm vua thì phải vì nước mà chết, đó là lẽ chính, ta đây dẫu
chưa nối ngôi, nhưng cũng là phụng mệnh giữ nước, thì cũng nên vì nước
mà liều mình, chẳng hơn chịu cúi đầu làm nô lệ mà thờ kẻ cừu địch hay
sao!

Thế tử Hữu nói thế, rồi lại càng cố sức chống với quân Sở .
Thành nước Sái bị vây từ tháng bảy mùa hạ, đến tháng mười một mùa đông,
công tôn Qúi Sinh mệt nhọc thành bệnh, nằmg không dậy được . Trong thành lương hết, chết đói mất quá nửa . Quân Sở trèo lên mặt thành đông như
đàn kiến, liền phá vỡ thành nước Sái . Thế tử Hữu đành ngồi mà chịu trói . Công tử Khí Tật vào thành phủ dụ nhân dân, rồi bắt thế tử Hữu và Sái
Hựu giải về nộp Sở Linh vương, còn Triều Ngô vì có câu nói "đương bích"
mà được tha . Chưa được bao lâu, công tôn Quí Sinh chết, Triều Ngô mới
theo công tử Khí Tật .

Bấy giờ Sở Linh vương đã về Sính Đô nằmg mộng thấy một người vào yết kiến, tự xưng là thần Cửu Cương sơn, bảo Sở Linh vương rằng:

- Nhà ngươi tế ta, ta cho nhà ngươi được thiên hạ!

Khi SỞ Linh vương tỉnh dậy, mừng lắm, liền sắp xa giá ra Cửu
Cương sơn nhân gặp công tử Khí Tật báo tin đã diệt được nước Sái . Sở
Linh vương toan giết thế tử Hữu để tế thần . Thân Vô Vũ can rằng:

- Ngày xưa, Tống Tương công giết vua Tắng để tế thần Thư Thuỷ mà chư hầu làm phản, đại vương chớ nên theo điều dở ấy .

SỞ Linh vương nói:

- Thế tử Hữu là con một người có tội, ta cũng coi như là giống súc sinh mà thôi .

Thân Vô Vũ lui ra, thở dài mà nói rằng:

- Đại vương bạo ngược như vậy thì toàn vẹn làm sao cho được!

Thân Vô Vũ liền cáo lão về làm ruộng . Sái Vi thấy thế tử Hữu bị giết, thương khóc trong ba ngày . Sở Linh vương cho là trung, rồi tha
tội và thu dụng . Sái Vi nghĩ đến cha là Sái Lược khi trước cũng bị Sở
Linh vương giết, vẫn còn nuôi lòng báo thù bảo Sở Linh vương rằng:

- Các nước theo Tấn mà không theo Sở, là vì Tấn gần mà Sở xa,
nay đại vương đã đánh được Trần, Sái, tiếp giáp với trung nguyên nếu đắp thành cho cao rộng, rồi đặt thêm quân để thị uy với chư hầu thì nước
nào không phải sợ . Bấy giờ tiến sang đánh Ngô và Việt, trước tự phía
đông nam, sau đến phía tây bắc, tôi chắc có thể thay nhà Chu mà làm
thiên tử được .

Sở Linh vương nghe nói bằng lòng, từ bấy giờ mới có ý tin dùng
Sái Vi . Rồi truyền đắp thành ở Trần, Sái, cao rộng thêm ra, lại cho
công tử Khí Tật trấn thủ ở nước Sái, để đền lại cái công diệt Sái . Lại
đắp hai cái thành ở phía đông và phía tây, gọi là Bất Lang thành, để giữ chỗ hiểm yếu của nước Sở . Sở Linh vương cho rằng thiên hạ không nước
nào cường thịnh bằng nước Sở, chẳng bao lâu nước Sở sẽ thu được cả thiên hạ, mới gọi quan thái bốc vào để bói xem bao giờ thì được làm thiên tử . Quan thái bốc nói:

- Nhà vua đã xưng vương tức là thiên tử rồi, còn bói làm gì ?

Sở Linh vương nói:

- Nay còn có nhà Chu thì Sở ta chưa phải là vương thật; có lấy được hết thiên hạ mới thật là vương .

Quan thái bốc hơ mai rùa để bói . Tự nhiên mai rùa vỡ . Quan thái bốc nói:

- Thế này là việc không thành!

Sở Linh vương cầm mai rùa ném xuống đất, rồi vùng vằng đứng dậy mà kêu to lên rằng:

- Trời ơi! trời tiếc gì mà không cho ta được thiên hạ! nếu vậy thì trời sinh ta làm gì !

Sái Hựu tâu rằng:

- Việc cốt tại người, chứ cái xương khô ấy biết gì!

Sở Linh vương bằng lòng . Chư hầu thấy nước Sở cường thịnh, đều
có ý sợ hãi, sai sứ đến triều cống . Quan đại phu nước Tề là Án Anh (tên tự là Bình Trọng) phụng mệnh Tề Cảnh công sang sứ nước Sở . Sở Linh
vương bảo triều thần rằng:

- Án Anh mình không đầy năm thước, mà chư hầu đều khen là người
giỏi . Nay các nước chỉ có Sở ta là cường thịnh hơn cả, ta muốn làm cho
Án Anh phải sỉ nhục, để nâng cao cái uy của nước Sở, các ngươi thử nghĩ
xem có kế gì ?

Quan thái tể là Viễn Khải Cương mật tâu rằng:

- Án Anh là người tài ứng đối, tất phải dùng nhiều cách mới sỉ nhục được hắn .

Viễn Khải Cương liền đem mưu kế nói với Sở Linh vương . Sở Linh
vương nghe lời . Đêm hôm ấy, Viễn Khải Cương đem quân ra khoét một cái
lỗ nhỏ ở bên cửa đông, vừa vặn độ năm thước, rồi truyền cho quân canh
cửa, đợi khi nào sứ nước Tề đến thì đóng chặt cửa giữ lại, rồi bảo chui
qua cái lỗ nhỏ ấy mà vào . Được một lúc, Án Anh mặc áo cừu rách, đi cái
xe xấu và con ngựa gầy, đến cửa đông, trông thấy cửa thành đóng, liền
dừng xe lại, sai người gọi cửa . Quân canh cửa trỏ vào cái lỗ nhỏ ở bên
cạnh mà bảo Án Anh rằng:

- Ngài đi qua cái chỗ ấy, cũng rộng rãi chán, cần gì phải mở cửa!

Án Anh nói:

- Đó là chỗ chó chui, chứ không phải chỗ người đi . Có sang sứ
nước chó thì mới vào cửa chó, chứ sang sứ nước người thì tất phải đi cửa người .

Quân canh cửa đem lời nói ấy phi báo với Sở Linh vương . Sở Linh vương nói:

- Ta muốn dỡn hắn, ai ngờ lại bị hắn dỡn lại!

Nói xong truyền mở cửa thành cho Án Anh vào . Án Anh vào trong
thành, thấy có một toán xa kỵ, người nào cũng to lớn lực lưỡng và rậm
râu, tay cầm một ngọn giáo thật dài, trông như vị thiên thần, đến đón Án Anh, có ý muốn tỏ rõ Án Anh là người thấp lùn bé nhỏ, Án Anh nói:

- Ta sang sứ hôm nay là vì việc giao hiếu, chứ không phải là muốn gây việc chiến tranh, dùng làm chi những kẻ vũ sĩ ấy!

Án Anh nói xong bão vũ sĩ đứng ra một bên, rồi giục xe thẳng tới cửa triều . Ngoài cửa triều có hơn mười viên quan, đều mũ cao áo dài,
đứng sắp hàng hai dãy . Án Anh xuống xe, chắp tay vái chào . Trong hàng
các quan, có một viên trẻ tuổi hỏi Án Anh rằng:

- Ngài có phải là Án Bình Trọng, người ở đất Di Duy (tức là Lai Địa) đó không ?

Án Anh nhìn xem ai thì tức là con Đấu Vi Qúi, tên gọi Đấu Thành Nhiên, hiện đang làm quan giao doãn . Án Anh đáp rằng:

- Phải! chính tôi đó! chẳng hay ngài định dạy điều gì ?

Đấu Thành Nhiên nói:

- Nước Tề, kể từ đời Thái công thuở xưa, vốn là một nước cường
thịnh, sao từ khi Hoàn công mất đi rồi, trong nước nhiều loạn, tranh
cướp lẫn nhau, hết bị Tấn đánh, lại bị Tống đánh . Vua Tề ngày nay, cũng chẳng kém gì Hoàn công, mà cái hiền đức của ngài phỏng có thua gì Quản
Trọng (tức là Quản Di Ngô), sao ngài không biết giúp vua Tề để chấn hưng cơ nghiệp cũ, mà chịu cúi đầu thờ nước lớn như đám nô bộc, thật tôi
không hiểu ra làm sao!

Án Anh đáp rằng:

- Có biết thời thế mới gọi là tuấn kiệt, có thông cơ biến mới
gọi là anh hào . Từ khi nhà Chu suy, Tề và Tấn làm bá chủ ở Nam Man, dẫu bởi có nhân tài, nhưng chẳng qua cũng là do khí vận . Kìa như Tấn Tương công và Tần Mục công cường thịch biết bao mà sau cũng phải hèn yếu;
nước Sở từ khi vua Trang vương mất đi, cũng thường bị quân Tấn và quân
Ngô đến đánh, cứ gì một nước Tề! chúa công tôi hiểu lẽ ấy, cho nên vẫn
luyện tập quân mã để đợi thời; nay sai tôi sang đây là theo lễ giao hiếu với lân quốc, sao gọi là nô bộc được ? ngài có phải là dòng dõi Tử Văn
đó không ? Tử Văn khi xưa là một bậc danh thần ở nước Sở, biết thời thế, thông cơ biến, mà sao lời nói của ngài nghe trái với Tử Văn nhiều lắm!

Đấu Thành Nhiên thẹn đỏ mặt lên, cúi đầu lui ra . Được một lúc, trong hàng bên tả lại có người hỏi Án Anh rằng:

- Án Bình Trọng tự phụ là người biết thời thế, thông cơ biến,
nhưng trong khi Thôi Trữ và Khán Phong nổi loạn, thì triều thần nước Tề, tử Giải Cử trở xuống, bao nhiêu tử tiết, Trần Văn Tử cũng bỏ cả cơ
nghiệp mà đi . Ngài là thế gia nước Tề, đã không dám đánh giặc, cũng
không biết tử tiết, còn bo bo giữ lấy danh vị làm chi!

Án Anh nhìn xem ai thì tức là quan thượng đại phu nước Sở, tên gọi Dương Mang, tên tự là Tử Hà . Án Anh đáp rằng:

- Người có tiết lớn thì không cần những điều nhỏ mọn, người biết lo xa thì không nghĩ đến những sự tầm thường . Ông vua vì nước mà chết
thì bề tôi nên chết theo, nay vua Trang công tôi không phải vì nước mà
chết, những người chết theo, toàn là vì tình riêng, tôi dẫu hèn mạt, có
đâu dám liều chết để mua lấy cái hư danh ấy! vả bề tôi gặp lúc trong
nước có nạn không thể làm gì được thì mới nên bỏ đi, tôi không đi là để
lập vua mới mà giữ lấy nước, chứ có phải là vì tham danh vị đâu! huống
chi việc biến loạn, nước nào chẳng có, ngài chắc các quan triều thần
nước Sở đều là những người một lòng tử tiết cả hay sao!, sao ngài chỉ
biết trách người mà không biết trách mình ?

Dương Mang nín lặng không đáp được nữa . Bỗng thấy trong hàng bên hữu lại có một người ra hỏi Án Anh rằng:

- Ngài nói là ngài muốn lập vua mới để giữ lấy nước, câu nói ấy
có ý khoe khoang quá! trong khi họ Thôi và họ Khánh giết nhau, họ Trần
và họ Bão tranh quyền nhau, chẳng thấy ngài có mưu kế gì lại cả, nếu quả ngài có lòng báo quốc thì sao lại như thế!

Án Anh cười mà nói rằng:

- Ngài biết điều ấy, nhưng chưa biết điều khác! lúc bấy giờ, tôi ở liền bên cạnh chúa công, tôi bày mưu lập kế, để giữ yên nước nhà,
những kẻ bàng quan tài nào biết rõ được ?

Trong hàng bên tả lại có một người ra bảo Án Anh rằng:

- Đại trượng phu gặp thời, đã có đại tài lược, tất có đại qui
mô! tôi xem ra thì ngài khó lòng mà tránh khỏi được cái tiếng bỉ lận .

Án Anh nhìn xem ai thì là quan thái tể nước Sở tên gọi Viên Khải Cương . Án Anh nói:

- Tại sao ngài lại biết là tôi bỉ lận ?

Viễn Khải Cương nói:

- Thân danh ngài làm tướng quốc thì mũ áo và xe ngựa, tưởng cũng nên trang sức để tỏ cái ân huệ của vua, cớ sao lại mặc áo cừu rách,
cưỡi con ngựa gầy, mà đi xứ nước ngoài như vậy, chẳng lẽ lương ăn không
đủ hay sao ? tôi nghe nói cái áo cừu của ngài, may từ thuở bé, đã ba
mươi năm nay không thay; mà mỗi khi tế lễ, ngài dùng con lợn nhỏ quá,
đến nỗi vai lợn không chật mâm, như thế không phải bỉ lận là gì!

- Án Anh vỗ tay cười rầm lên mà nói rằng:

- Sao kiến thức của ngài thiển cận như vậy! tôi từ khi làm tướng quốc đến giờ, suốt trong họ hàng nhà tôi đều được mặc áo đẹp, ăn miếng
ngon, không ai phải đói rét; những nguời hàn sĩ nhờ tôi mà được ấm no,
cả thẩy đến hơn bảy mươi nhà, thế thì muốn tỏ cái ân huệ của vua, còn gì bằng điều ấy!

Án Anh nói chưa dứt lời thì trong hàng bên hữu lại thấy có một người trỏ tay vào mặt Án Anh mà cười vừa nói:

- Tôi nghe nói vua Thành Thang mình cao chín thước là bậc hiền
vương, Tử Trang sức địch muôn người là bậc danh tướng . Nay ngài mình
thấy không đầy năm thước, sức yếu không tròi nổi một con gà, chỉ nghề
bẻo lẻo mồm miệng, tự phụ là tài gỉoi, tôi tưởng nên lấy làm xấu hổ lắm
mới phải!

Án Anh nhìn xem ai thì tức là cháu công tử Chân, tên gọi Nang
Ngoã, tên tự là Tử Thường, hiện đang làm chức xa hữu . Án Anh tủm tỉm
cười mà đáp rằng:

- Tôi nghe nói cái quả cân dẫu nhỏ, bao giờ cũng đè được nghìn
cân; cái chèo dẫu dài, bao giờ cũng ngâm ở dưới nước . Trương Địch người cao mà bị giết ở Lỗ, Nam Cung Trường vạn sức khỏe mà bị giết ở Tống;
túc hạ mình dài sức khỏe, có lẽ cũng giống hai người ấy . Tôi biết thân
không có tài cái gì, nhưng hỏi thì phải nói, sao ngài lại chê là bẻo lẻo mồm miệng ?

Nang Ngoã không biết nói thế nào nữa . Bỗng nghe báo cáo quan
lệnh doãn và Viễn Bái đến . Các quan đều sắp hàng đứng đợi . Ngũ Cử mời
Án Anh vào triều, rồi bảo các quan đại phu rằng:

- Án Bình Trọng là hiền sĩ nước Tề, sao các ngài lại nói quá như vậy ?

Được một lúc Sở Linh vương ra ngự triều . Ngũ Cử đưa Án Anh vào yết kiến . Sở Linh vương trông thấy Án Anh liền hỏi rằng:

- Nước Tề quả thật không có người hay sao ?

Án Anh nói:

- Người nước Tề tôi, hà hơi thì thành ra mây, vẩy mồ hôi thì
thành ra mưa, đi thì phải chen vai, đứng thì phải chen chân, sao gọi là
thiếu người ?

Sở Linh vương nói:

- Thế thì sao lại sai tiểu nhân sang sứ nước ta ?

Án Anh nói:

- Nước tôi vẫn có lệ: người hiền sang sứ nước hiền, người ngu
sang sứ nước ngu, đại nhân sang sứ đại quốc, tiểu nhân sang sứ tiểu quốc . Tôi là tiểu nhân, bất tài bất đức, vậy mới phụng mệnh sang sứ nước Sở .

Sở Linh vương nghe nói có ý hổ thẹn, nhưng trong lòng lấy làm lạ . Gặp bấy giờ có người ở ngoại thành đem dâng hộp hoan quất (quít). Sở
Linh vương vỗ tay cười ầm lên mà bảo rằng:

- Người nước Tề dễ thường không ăn quít bao giờ! cớ sao lại không bóc vỏ ?

Án Anh nói:

- Cứ theo trong lễ thì vua đưa cho quả gì, bề tôi cũng không
được bóc võ mà quẳng đi . Nay đại vương đưa cho tôi, cũng như là chúa
công tôi đưa cho tôi vậy . Đại vương không truyền cho bóc võ, nên tôi
phải ăn cả .

Sở Linh vương bất giác kính phục, mời ngồi uống rượu . Được một
lúc, có ba bốn vũ sĩ giải một tên tù đi qua dưới thềm . Sở Linh vương
nói:

- Tên tù ấy người ở đâu ?

Vũ sĩ tâu:

- Người nước Tề .

Sở Linh vương hỏi:

- Phạm tội gì ?

Vũ sĩ tâu :

- Tội ăn trộm .

Sở Linh vương ngảnh lại bảo Án Anh rằng:

- Người nước Tề dễ thường quen tính ăn trộm hay sao!

Án Anh biết là Sở Linh vương cố ý bày ra chuyện ấy để chế nhạo mình, mới đáp lại rằng:

- Tôi nghe nói giống quít ở xứ Giang Nam, đem sang trồng ở xứ
Giang bắc thì hóa ra chua, là tại thổ nghi không giống nhau . Nay người
nước Tề, khi ở nước Tề thi không ăn trộm, khi sang Sở thì hóa ra ăn
trộm, thế là tại thổ nghi nước Sở, chứ có tại gì người nước Tề!

Sở Linh vương nín lặng hồi lâu rồi nói rằng:

- Ta định chế nhạo nhà ngươi, chẳng ngờ lại bị nhà ngươi chế nhạo!

Bèn tiếp đãi Án Anh rất trọng thể, cho đến khi về nước Tề . Tề
Cảnh công khen công Án Anh, tôn làm thượng tướng, ban cho một cái áo câu giá nghìn lạng vàng, lại muốn phong thêm thái ấp cho nữa, nhưng Án Anh
đều từ chối cả . Tề Cảnh công lại muốn lam cho Án Anh một cái nhà mới .
Án Anh cũng cố xin thôi .

Một hôm, Tề Cảnh công ra chơi nhà, trông thấy vợ Án Anh, mới hỏi Án Anh rằng:

- Đó là nội tử của khanh đấy à ?

Án Anh tâu rằng:

- Phải!

Tề Cảnh công cười mà nói rằng:

- Chao ôi! già mà xấu lắm! ta có đứa ái nữ, trẻ mà đẹp, để ta gả cho khanh .

Án Anh nói:

- Lúc trẻ trung, người ta lấy mình, là mong lúc già nua có thể nhờ vả được; vợ tôi dẫu già mà xấu, nhưng khi nào tôi nỡ phụ!

Tề Cảnh công khen rằng:

- Vợ con chẳng nỡ phụ, huống chi là vua!

Từ bấy giờ Tề Cảnh công có lòng tin cậy Án Anh lắm.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui