Động Đình Hồ Ngoại Sử

Đào Kỳ cười nhạt :

– Điều này dễ lắm. Ta hãy đánh ngươi một chưởng, đẩy chất độc vào người
như Tạ Thanh-Minh, xem ngươi có thể nào không tự đem thuốc giải ra không ?

Bỗng hai người từ hai phía nhảy ra tấn công Đào Kỳ. Đào Kỳ nhận ra đó là Kiến-oai đại tướng-quân Cảnh Yểm, Bô-lỗ đại tướng-quân Mã Vũ. Kình lực
mạnh gấp bội Tạ Thanh-Minh. Vương không dám coi thường. Tay trái phát
chiêu Thanh-ngưu nhập điền Dương-cương, tay phải phát chiêu Ác ngưu nan
độ Âm-nhu. Bùng, bịch hai tiếng. Vương cảm thấy ngạt thở, nhảy lui lại
ba bước. Trong khi đó Cảnh Yểm, Mã Vũ cũng bật ngược trở lại. Nhanh như
chớp Tang Cung chụp lấy Trần Lữ nhảy ra ngoài điện.

Cảnh Yểm, Mã Vũ cùng lên tiếng khen ngợi Đào Kỳ :

–Tuyệt ! Võ công tuyệt cao. Thất lễ ! Thất lễ !

Sau khi Đào Kỳ đối chưởng với Cảnh Yểm, Mã Vũ, Vương biết một mình chàng khó địch lại Tương-dương cửu hùng. Vương tính kế khác, Vương hướng vào
Hoài-nam vương :

– Vương gia ! Trần Lữ là người của Xích My ẩn náu trong quân, không biết để làm gì ? Vương gia điều khiển quân mã thiên hạ. Mong Vương-gia dậy
cho.

Hoài-nam vương vẫy Trần Lữ:

– Tả quân hiệu-úy, ngươi bước ra đây cho ta hỏi mấy lời.

Trần Lữ từ từ bước ra. Hoài-nam vương hỏi y:

– Hán-trung vương Đào vương-gia nói ngươi là người của Xích My, sự thực như thế nào, ngươi phải khai cho rõ?

Trần Lữ chắp tay nói:

– Tiểu tướng từ khi theo Phục-ba tướng-quân đến giờ lập nhiều công lao
mà lên. Tiểu tướng không hề biết Xích Mi và phái Trường-bạch bao giờ cả.

Mã Viện cũng tiếp:

– Thần thấy hình như những người Lĩnh Nam có âm mưu chia rẽ giữa ngoại
thích với hoàng-tộc. Hán-trung vương định nói khống cho Trần tả-quân
hiệu-úy. Xin Vương-gia xét lại.

Hoài-nam vương là người ghét cay, ghét đắng ngoại thích, nay nghe Mã Viện nói vậy. Ông cho rằng y nói xóc. Ông nghiêm nghị nói:

– Dù bịa đặt, dù vu cáo cũng không thoát khỏi cái lý của nó.

Bạch-kiếm là người nhiều mưu trí, mấy hôm nay ông bị nhóm Mã Viện làm
nhục, bực tức không có chỗ phát tiết, nhất là Trần Lữ võ công không phải là tầm thường, chính y đã đấu với một trong Ngũ kiếm ngang tay.
Bạch-kiếm đấu với y, thấy công lực, võ công y cao hơn ông, dường như y
tránh né không dùng hết lực. Chỉ một lần phải đối chưởng với Tiên-yên
nữ-hiệp. Y bị dồn vào thế bí, mới xử dụng hết công lực, khiến cho
Tiên-yên nữ-hiệp bị trúng độc.

Bạch-kiếm nhảy vèo đến phóng chưởng đánh y. Thế chưởng cực kỳ quái dị
nhắm đỉnh đầu chụp xuống. Trần Lữ vội vàng đưa tay lên đỡ. Bốp một
tiếng, cả hai đều lùi lại. Một mùi tanh hôi từ tay Trần Lữ bốc ra khiến
mọi người buồn nôn.

Hoài-nam vương hô:

– Võ sĩ đâu, bắt y lại.

Trần Lữ hoảng kinh nhắm Hoài-nam vương đánh một chưởng. Chưởng phong nhu hòa ẩn mùi tanh hôi nồng nặc. Hoài-nam vương cung tay gạt. Trần Lữ bỏ
ông tấn công Quang-Vũ. Hoàng-kiếm, Bạch-kiếm đứng cạnh cùng xuất chưởng
tấn công Trần Lữ cứu Quang-Vũ. Trần Lữ lạng người đi một cái đến phía
sau hai người, tay trái chụp cổ Quang-Vũ giơ lên. Tay phải để lên đầu y
nói :

– Ngươi mau bảo tất cả dừng tay, nếu không ta nhả độc chưởng, ngươi chết tức thời.

Quang-Vũ quát lên :

– Các ngươi không được vọng động.

Tần-vương Lưu Nghi hỏi :

– Trần Lữ, ngươi muốn gì nói ra đi.

Trần Lữ nói :

– Đúng như tên lỏi con Đào Kỳ nói. Ta là sư đệ của Xích Mi. Ta không
giúp Xích Mi làm phản. Thế mà khi Xích Mi bị hại, quan quân nhà Hán truy lùng bắt giết ta. Trải qua trăm cay, nghìn đắng mới thoát chết. Trong
khi trốn chạy ta nghe một tin...

Trần Lữ ngưng một lúc nhìn Mã Viện nói :

– Chính bọn ngoại thích các ngươi lộ cho ta biết. Trước kia thiên hạ
chia làm bảy nước. Các nước của cải súc tích vô hạn. Sau bảy nước bị Tần Thủy-Hoàng gồm thâu. Của cải thuộc về Tần. Thời Tần, Thủy-Hoàng vơ vét
hết của cải dân chúng các nước xung quanh mang về Hàm-dương. Khi tổ tiên nhà Hán chiếm Hàm-dương, của cải đó lại về nhà Hán. Suốt đời nhà Hán
các vua đã thụ lĩnh của cải biết bao đời, bao nước, lại còn nhận đồ tiến cống của các nước xung quanh, kho đụn chồng chất. Khi Vương Mãng cướp
ngôi, kho tàng đó lại về Vương Mãng. Cảnh-Thủy hoàng-đế khởi binh đánh
Vương Mãng. Người sai Xích-Mi cầm quân giết Vương Mãng, đoạt lại tất cả
kho tàng đó. Xích Mi cất giấu một nơi. Rồi Xích-Mi bị bại. Tấm bản đồ
kho tàng nằm trong tay vợ con y. Vợ con y bị xử tử, tấm bản đồ đó hiện ở đâu chúng ta không biết. Vì vậy chúng ta chia nhau làm quan với Hán để
tìm tung tích kho tàng.

Hoài-nam vương hỏi:

– Thế Tạ Thanh-Minh với mi là thế nào?

– Tạ Thanh-Minh là em kết nghĩa của Xích-Mi. Y học võ công phái khác,
khi gần Xích-Mi, y học được phép luyện độc chưởng. Nghĩa là nội công của y thuộc dương-cương, độc chưởng lại của phái Trường-bạch chúng ta.

Tần-vương nói:

– Ngươi phải buông Thiên-tử ngay. Nếu không chúng ta băm vằm ngươi ra từng mảnh.

– Tần-vương uổng có tiếng là trí dũng hơn đời, mà sao lại ngu quá vậy?
Nếu các ngươi băm vằm ta được, thì đã băm vằm rồi. Bây giờ điều kiện thế này: Ta tha Quang-Vũ ra. Song trước hết y phải ban chỉ tha Tạ
Thanh-Minh cùng với ta. Quang-Vũ phải theo ta ra ngoài thành. Y không
được mang quân sĩ theo. Ngoài thành có sẵn hai con ngựa cùng lương thực
cho chúng ta tẩu thoát. Vậy có ai phản đối giải pháp này không?

Bỗng một tiếng ầm trên nóc điện. Ngói gạch, cát bụi bay mịt mờ, có hai bóng người nhảy xuống. Tiếng phụ nữ thanh thoát:

– Ta phản đối giải pháp của ngươi.

Người còn trên không đã xỉa kiếm tấn công Hoài-nam vương. Chiêu kiếm
nhắm giữa cổ Vương đâm tới. Ông hoảng hốt lộn người đi ba vòng mới tránh khỏi. Người đó lại tấn công Tần-vương, chiêu kiếm đâm vào ngực ông. Ông tránh không kịp lăn tròn dưới đất đến 10 trượng. Người đó lại dùng năm
chiêu nữa đẩy lui Ngũ-phương thần kiếm, rồi tấn công Trần Lữ.

Đào Kỳ nghe tiếng nói biết vợ mình. Khi Phương-Dung tấn công Tần-vương,
Hoài-nam vương thì Tương-dương thất hùng, Phùng Dị, Mã Viện đồng tấn
công nàng. Đào Kỳ vận âm kình phát liền chín chưởng trong Phục-ngưu thần chưởng đánh lui cả bọn. Chín người xúm vào bao vây Đào Kỳ. Khất đại-phu từ trên nóc điện nhảy xuống, ông phóng chưởng tấn công Phùng Dị, Mã
Viện.

Chỉ hai chiêu kiếm, Phương-Dung đã đâm Trần Lữ bị thương ở tay, y buông
Quang-Vũ xuống. Phương-Dung chụp lấy Quang-Vũ. Nàng xỉa một nhát kiếm
trúng chân Trần Lữ. Y ngã lăn giữa điện Vị-ương.

Trong điện Vị-ương Ngũ-phương thần-kiếm, mỗi người đấu với một Tương-dương thất hùng. Còn Đào Kỳ đấu với Cảnh Yểm, Mã Vũ.

Ngũ-phương thần-kiếm đấu với bọn Tương-dương, một chọi một ngang tay
nhau. Vì cả hai bên đều là những cao thủ tuyệt hảo của Trung-nguyên.

Còn Khất đại-phu đấu với Phùng, Mã ngang tay nhau. Ông tuy là đệ nhất
cao nhân Lĩnh-nam. Nhưng võ công con người dù ở đâu cũng vậy, chỉ có thể đạt tới tuyệt đỉnh là hết. Tuy giữa những cái tuyệt đỉnh đó, khó có sự
sai biệt nhau.

Đào Kỳ đấu với Mã Vũ, Cảnh Yểm cứ mỗi lần Vương dùng Phục-ngưu thần
chưởng của Tản-viên, thì chân tay rung động, khí huyết nhộn nhạo. Vương
biết rằng công lực chúng không kém gì mình, một đấu với hai e khó thắng. Khi Vương xử dụng Phục-ngưu thần chưởng âm nhu của Vạn-tín hầu Lý Thân, thì y như chiếm được thượng phong đôi chút.

Vương tự nghĩ:

– Vậy ta thử dùng võ công Cửu-chân xem sao.

Vương lui lại phát chiêu Loa-thành nguyệt ảnh đánh xuống đầu Mã Vũ, Mã
Vũ vung chưởng đỡ. Binh một tiếng, người y bật lui trở lại, y phải lui
lại bốn năm bước mới đứng vững. Đào Kỳ tỉnh ngộ:

– Thì ra võ công Cửu-chân khắc chế võ công bọn Tương-dương.

Vương phát chiêu Hải triều lãng đãng là chiêu thức uy mãnh nhất của
Cửu-chân. Lớp đầu phát ra, chưởng phong ào ào. Bình một tiếng, Cảnh Yểm
bay bổng lên cao, đập lưng vào cột điện. Đào Kỳ phát lớp thứ nhì đánh
vào Mã Vũ. Mã Vũ vừa đứng dậy được, công lực chưa phục hồi, bị trúng một chưởng như vũ bão, y bay bổng ra sân điện, nằm đứ đừ. Đào Kỳ phát lớp
thứ ba, lớp này mạnh đến long trời lở đất, trúng vào Cảnh Yểm, y bị bay
ra sân nằm bên cạnh Mã Vũ.

Khổ một cái là Hải triều lãng đãng có những năm lớp, đã phát đến lớp thứ ba thì không ngừng được lớp thứ tư và năm. Thấy Ngô Lương đang tấn công Phương-Dung, Vương hướng lớp thứ tư vào người y. Y chỉ kêu được một
tiếng ối, người bay bổng lên bắn vọt ra ngoài sân, rơi xuống bụi hoa.

Lớp thứ năm của Đào Kỳ phát ra. Vương hướng vào năm cao thủ Tương-dương
đang đấu với Ngũ-phương thần kiếm. Ngũ-phương thần kiếm biết lợi hại của chưởng này, cả năm bỏ bọn Tương-dương vọt lên cao tránh. Năm tướng danh tiếng Kinh-châu thấy chưởng Đào Kỳ, đồng quay lại phóng năm chưởng đỡ.
Binh, binh... liền năm tiếng. Đào Kỳ vẫn đứng nguyên. Còn năm tướng bật
lùi mấy bước, ọe một tiếng, phun ra búng máu tươi. Năm người lảo đảo
ngồi xuống vận công.

Khất đại-phu đấu với Phùng Dị, Mã Viện ngang tay. Ông thấy Đào Kỳ hiển
linh uy vũ, liền áp dụng phương pháp chuyển Âm thành Dương, chuyển Dương thành Âm mà ông sáng chế ra, đánh Lê Đạo-Sinh ở Tây-hồ. Ông vung hai
chưởng đánh hai người, sáu chưởng gặp nhau, ông ung dung đứng yên lặng
chuyển sức của Mã Viện, Phùng Dị đánh lẫn nhau. Người ngoài nhìn vào
tưởng ông đấu nội công với hai người. Có ngờ đâu ông dùng nội lực của
người nọ đánh người kia. Được một lát Mã Viện công lực yếu hơn. Mồ hôi y nhỏ giọt khói bốc lên đầu.

Đào Kỳ thấy vậy nghĩ:

– Một năm trước đây, ta với Khất đại-phu đều không phải là đối thủ của
bọn Tương-dương cửu hùng. Không biết Quang-Vũ làm cách nào mà chiêu dụ
được chín tên theo y. Cũng may ta giết được Sầm Bành và Tế Tuân, chúng
chỉ còn bảy người với Phùng Dị là đáng lo.

Về phần Khất đại phu, đấu với Mã Viện, Phùng Dị, ông dúng quy pháp
Âm-Dương, hút chân khí của hai người. Một lát sau, Mã Viện lảo đảo mấy
cái, rồi ngã ngồi xuống điện. Khất đại-phu là một đại danh y. Đánh người đấy, lại thương người. Ông chĩa tay phóng đến vèo một cái trúng giữa
huyệt Bách-hội của Mã Viện. Y từ từ đứng dậy, mặt xám như tro.

Đào Kỳ hỏi Phương-Dung về việc cứu Nghiêm Sơn:

– Kết quả ra sao?

Phương-Dung gật đầu:

– Tốt đẹp cả.

Phương-Dung đặt Quang-Vũ ngồi lên ngai. Nàng hỏi ngũ-phương thần kiếm:

– Thần-kiếm! Việc đi đến đâu rồi.

Hoàng-kiếm đáp:

– Chưa đi đến đâu hết.

Tần-vương Lưu Nghi hỏi Phương-Dung:

– Cô nương là ai? Mà lại đến đây cứu giá?

Triều thần đều biết mặt Khất đại-phu, hôm ông chữa bệnh cho Quang-Vũ. Họ không ngờ võ công ông cao đến trình độ đó. Họ đã thấy kiếm pháp của
Phật-Nguyệt. Họ tưởng rằng Lĩnh Nam chỉ có một người kiếm thuật thần
thông. Bây giờ họ thấy thêm Phương-Dung nữa.

Khất đại-phu chỉ Phương-Dung nói:

– Đây là Đào phu nhân nhũ danh Phương-Dung, chính là quân-sư của Lĩnh-nam vương Nghiêm Sơn.

Quần thần cùng kêu lên:

– Ồ!

– Úi chà!

– Ối trời!

Vì họ đã được nghe Quân-sư của Nghiêm Sơn là một thiếu phụ trẻ trên 20
tuổi, nhan sắc diễm lệ kiếm thuật thần thông. Nay họ được thấy tận mắt.

Quang-Vũ được Phương-Dung cứu thoát. Bây giờ y mới nhìn rõ mặt nàng,
dung mạo nàng đẹp hơn Tường-Quy nhiều. Nàng mặc bộ quần áo trắng, dây
lưng xanh, trông phiêu phiêu, hốt hốt như một tiên nữ.

Quang-Vũ cảm động nói:

– Trần tiên-sinh, hôm trước tiên-sinh chữa bệnh cho trẫm, đến nay trẫm
thấy khỏe mạnh như thường. Ngày hôm sau trẫm cho người ra công quán
thỉnh tiên-sinh thì tiên sinh đã hạc nội mây ngàn, ngao du mất. Hôm nay
trẫm gặp nạn, lại được tiên-sinh, Đào phu nhân cứu thoát. Trẫm hết lòng
đa tạ tiên-sinh, với Đào phu-nhân.

Hoài-nam vương là kiếm thuật danh gia, thấy kiếm pháp của Phương-Dung sinh lòng khâm phục. Vương nói:

– Đào vương-phi mưu trí không thua Khương Thái-Công. Tài dùng binh không thua Tôn Tử. Kiếm thuật thần thông. Hôm nay vương-phi giá lâm Trường-an cứu Thiên-tử. Công ấy không nhỏ.

Khất đại-phu nói:

– Tôi là kẻ dân dã, không hiểu việc triều đình. Có điều tôi muốn thỉnh
hoàng-thượng. Đào Kỳ, Phương-Dung với chúng tôi đều có đại công với
hoàng-thượng. Tôi xin hoàng-thượng chuẩn cho ba điều: Một là ân xá cho
Lĩnh-nam vương. Hai là cho chúng tôi phục hồi cố quốc Lĩnh Nam. Ba là
Trung-nguyên với Lĩnh Nam đời đời giữ hòa khí.

Quang-Vũ gật đầu:

– Trẫm thuận ba điều đó. Nếu sau này trẫm sai lời, không bằng loài cầm thú.

Phương-Dung vỗ tay một tiếng:

– Các vị xuống đây cả đi thôi.

Đô Dương, Chu Bá, Nghiêm Sơn từ nóc điện nhảy xuống. Đô Dương đến trước Quang-Vũ dập đầu xuống:

– Thần là Đô Dương tước Tân-bình hầu. Thần vốn là người Lĩnh Nam, nay
hoàng-thượng cho phục hồi Lĩnh Nam. Thần đến đây từ biệt hoàng-thượng.

Quang-Vũ thở dài:

– Tân-bình hầu, ngươi đem 5 vạn quân và thành trì của ta dâng cho Thục. Ngươi đá ta một cái đau đớn quá.

Đô Dương đứng lên nói:

– Thần làm như vậy chẳng qua cũng vì cố quốc.

Quang-Vũ hỏi:

– Ngươi được phong tước hầu, chức tới Thái thú. Tưởng dễ gì thiên hạ mấy người theo kịp. Thế mà ngươi phản ta trở về với Lĩnh Nam một nước nhỏ
thấp nhiệt, nghèo khổ, vinh dự gì?

Đô Dương là người đọc sách nhiều, chàng nói:

– Xưa đức Cao-Tổ được thiên hạ, cũng trở về đất Bái làm bài ca
Đại-phong. Thần có làm vua Trung-nguyên cũng không sướng bằng làm tên
nhà quê Lĩnh Nam. Vả lại người xưa nói, con giết cha, tôi phản chúa,
không phải một ngày mà xảy ra. Thần phản hoàng-thượng, một vì cố quốc,
hai là vì Thái-hậu dồn thần đến chỗ không đừng được. Đây xin
hoàng-thượng đọc mật chỉ của Thái-hậu thì rõ.

Đô Dương trình tờ mật chỉ Thái-hậu lấy ở trong người Mao Bạch đưa cho
Quang-Vũ. Quang-Vũ liếc qua, mặt tái nhợt, bỏ tờ chỉ dụ vào túi, không
nói gì.

Quang-Vũ nói với Chu Bá:

– Chu hiệu-úy, ngươi cùng nhạc phụ Lê Đạo-Sinh sang Trung-nguyên giúp
trẫm. Trẫm hứa phong Lê Đạo-Sinh làm Thứ-sử Giao-chỉ. Các sư huynh, sư
đệ ngươi đều được phong làm Tướng-quân, Đô-úy. Con gái ngươi được trẫm
sủng ái, sao ngươi lại phản trẫm?

– Hoàn cảnh của Đô đại-ca với thần cũng giống nhau. Những điều Đô đại ca tâu lên hoàng-thượng, cũng là câu trả lời của thần.

Chu Bá thêm:

– Thái-hậu sai thần giết nhiều đại-thần, rồi lại bàn với Chưởng-quản cấm quân Ngô Lương rằng sau khi hoàn tất, sẽ giết thần.

Đợi cho Quang-Vũ hỏi mấy người xong. Nghiêm Sơn tiến lại bên cạnh Quang-Vũ, Vương cầm tay y nói:

– Nghĩa huynh! Giữa chúng ta không còn gì là Kiến-Vũ thiên-tử và
Lĩnh-nam vương nữa. Đệ muốn cùng đại-ca và các vị đại thần ôn lại những
kỷ niệm thân ái cũ, trước khi chúng ta ân đoạn, nghĩa tuyệt.

Các vương-thân, đại thần có mặt đều kính nể Nghiêm Sơn đã lâu. Khi họ
thấy Quang-Vũ bắt Nghiêm Sơn, lòng họ đầy phẫn nộ, mà không dám nói ra.
Bây giờ thấy Nghiêm Sơn xuất hiện, sau câu hứa tha Nghiêm, họ cảm thấy
vui vẻ trong lòng.

Tần-vương Lưu Nghi nói:

– Lĩnh-nam vương, hoàng-thượng ban chỉ ân xá cho Vương-gia, kể từ nay
chúa tôi quân thần cộng lạc, sớm tối có nhau, tại sao Vương-gia lại nói
câu đó.

Vương nhìn các quan một lượt rồi nói:

– Tôi nghĩ giữa tôi với đại-ca không ai có thể xen vào. Thế mà khi tôi
về đây, Tư-đồ, Tư-không, cho đến tên Việt-kỵ thường-thị đều chất vấn
tôi. Tôi biết đó là ý của đại-ca. Họ chất vấn tôi muốn làm vua Lĩnh Nam, thì tôi đã làm Lĩnh-nam vương rồi, còn gì nữa? Họ chất vấn tôi tâu
gian, người Lĩnh Nam có tài. Tôi cho Phật-Nguyệt đấu với Hoài-nam vương. Trưng Nhị đấu với Trương Linh. Họ thắng cả. Thế nhưng đại-ca vẫn bắt
giam tôi. Đại-ca có biết đâu trong lúc đại-ca và các quan Tư-đồ,
Tư-không kết tội bắt giam tôi, họ ở trên nóc điện nghe hết. Vì vậy họ bỏ đi, đón đường giết sứ giả của đại-ca sai ra báo tin cho Ngô Hán, Mã
Viện. Họ giả lệnh tôi, trở cờ phản đại-ca. Chỉ ít lâu sau họ lấy được
đất Thục, Hán-trung, Kinh-châu. Mới hơn tháng họ tiến lên Nam-dương,
đánh về Lạc-dương. Đạo Lĩnh-nam trở về Lĩnh Nam phục quốc. Họ còn tiến
ra Trường-an với ba đạo. Một từ Thiên-thủy về Kỳ-sơn, một từ Tà-cốc đến
Phù-phong, một đạo kỳ binh tiến thẳng tới đây bằng ngả hang Tý Ngọ.

Vương chỉ Đào Kỳ:

– Đây là sư đệ của vợ tôi. Võ công y thế nào đại-ca đã thấy rõ. Đây là
Phương-Dung, vợ của Đào Kỳ, kiếm pháp mưu trí thế nào bệ-hạ cũng rõ. Hôm qua họ đột nhập Trường-an, một toán cứu tôi khỏi nhà ngục. Một toán lên lầu Trường-lạc yết kiến đại-ca, nói về nhũ-mẫu của tôi. Thế rồi những
trận đấu kinh khủng ở đây đại-ca đã thấy. Tôi ở trên nóc điện Vị-ương
cũng biết hết. Tôi dự định tự tử để khỏi bị cấu xé giữa lời thề cùng
đại-ca và cố quốc. May đại-ca hứa tha cho tôi. Khất đại-phu đánh vỡ nóc
điện, chúng tôi xuống đây tương kiến với đại-ca.

Nghiêm Sơn quay lại nắm tay Quang-Vũ, nói với các quan:

– Cơ nghiệp nhà Hán đến thời Vương Mãng là chấm dứt. Khi được nhũ-mẫu ủy thác cứu con trai người. Thực tâm tôi không nghĩ đến nhà Hán chính
thống hay Vương Mãng chính thống. Hán là giặc hay Vương Mãng là giặc.
Tôi là con người hiệp nghĩa, nối chí cha làm việc hiệp nghĩa. Vì vậy tôi rủ sư đệ Đô Dương cùng Hợp-phố lục hiệp đi cứu người. Bấy giờ tôi mới
17 tuổi. Cứu người rồi thuận thế giúp người. Vì vậy cơ nghiệp nhà Hán
trung hưng lên được.

Nghiêm Sơn cười khô héo:

– Thần dân thiên hạ ai cũng nói rằng cơ nghiệp Quang-Vũ do bàn tay tôi
tạo lên. Không có Trần Tự-Sơn thì không có nhà Đông-Hán. Các đại tướng
bậc nhất nhà Đông-Hán đều do một tay tôi tạo ra. Người chết vì Đông-Hán
cũng nhiều, kẻ sống hiện còn Đặng Vũ, Ngô Hán, Phùng Dị, Cảnh Yểm, Mã
Vũ, Mã Viện... Nếu không có việc đại-ca Lưu Tú vong ân bội nghĩa bắt
giam tôi, giờ phút này họ vẫn còn hăng hái lăn mình vào chỗ chết. Bây
giờ họ có mặt ở đây để thấy đại ca đền đáp cho tôi bằng lời hứa tha tội
với Khất đại-phu. Vì Phương-Dung đã cứu đại-ca.

Vương thở hắt ra:

– Tha tội? Tội gì? Này các vị đại thần, các vị có đồng ý với tôi rằng,
nếu không có tôi, thì không có cảnh mũ cao, áo rộng của quý vị không?
Đại-ca nhớ, các vị nhớ từ nay tôi là Trần Tự-Sơn chứ không phải Nghiêm
Sơn nữa đâu nhé.

Các đại thần đều gật đầu.

Vương nhìn vào mặt Quang-Vũ:

– Đại-ca là một ông vua phụ ơn công thần. Một người bạn đểu cáng nhất mà tôi gặp. Người con bất hiếu nhất lịch sử cổ kim.

Phùng Dị bước ra quát lên:

– Lĩnh-nam vương! Xin người giữ lời, đạo lý cổ kim xưa nay, vua bảo tôi
chết, tôi phải chết. Vương-gia đã được Thiên-tử xá tội, còn đứng đây xỉ
mạ người. Tội đó đáng tru di tam tộc.

Y nói rồi vung chưởng tấn công Nghiêm Sơn. Chưởng của y như vũ bão không thể tưởng tượng được.

Phùng Dị muốn ganh với Ngô Hán, Đặng Vũ, Mã Viện nhưng y chưa có dịp.
Nay nhân Tự-Sơn đứng kể tội Quang-Vũ. Y nghĩ mình nên bất thình lình
xuất chưởng đánh Nghiêm. Nghiêm chết, Quang-Vũ hài lòng vô cùng, Nghiêm
không chết, Quang-Vũ cũng cho mình là người trung liệt. Y thấy xung
quanh còn Khất đại-phu, Đào Kỳ, Phương-Dung và Ngũ-phương thần-kiếm, nếu một chưởng không giết nổi Trần, thì khó thành công, vì vậy y vận toàn
lực.

Chưởng của Phùng Dị phát ra như sấm nổ. Y lại đứng cạnh Trần Tự-Sơn.
Vương không bao giờ tưởng tượng rằng y dám phát chưởng đánh mình. Khi
Vương phát hiện, chưởng đã tới người Vương rồi. Vương chỉ còn biết đưa
hai chưởng lên vòng một vòng, hóa giải kình phong đối phương, rồi nhảy
lùi lại tránh.

Vương lui lại, lưng chạm phải hai bàn tay. Một luồng nội lực hùng hậu
như núi lở, như thác đổ dồn vào lưng vương, khiến người vương muốn nổ
tung ra. Hai chưởng của vương phát ra thành một con trốt chạm vào chưởng Phùng Dị. Rầm một tiếng mặt y tái nhợt, bật lui đến ba bước. Y lảo đảo
muốn ngã.

Tự-Sơn quay lại nhìn xem ai đã cứu mình, thì ra Khất đại-phu. Vương lễ phép nói:

– Đa tạ Trần tiên-sinh đã cứu mạng.

Đào Kỳ giận quá tiến tới chỉ mặt Phùng Dị:

– Tên lưu manh kia. Chúng ta đã tha chết cho mi một lần, rồi mi lại nhân đêm tối giết Trương Minh-Đức, ta chưa hỏi tội mi. Bây giờ mi lại ra tay đánh trộm ư? Nếu không có Trần đại-ca, giờ này ngươi có được đứng đây
không? Hãy tiếp chưởng này của ta.

Vương phóng chưởng liền. Bản lĩnh Phùng Dị ngang với Sầm Bành. Phùng Dị
đã thấy Đào Kỳ giết Sầm Bành rất thảm khốc. Y thấy chưởng của Vương đánh tới không dám coi thường, vận đủ mười thành công lực đỡ, rồi mượn đà
nhảy lui về sau mấy bước hóa giải.

Vừa rồi Đào Kỳ phát chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục ngưu thần chưởng rất dũng mãnh. Phùng Dị đỡ được. Vương nghĩ:

– Ta phải đánh tên này tan xương nát thịt, mới mong thoát khỏi nơi đây. Chắc bên ngoài cấm quân đã bao vây.

Vương nghiến răng phát liền hai chiêu. Chiêu đầu là Kình ngư quá hải,
chiêu sau là Lưỡng ngưu tranh phong. Vương muốn dùng chiêu đầu khắc chế
võ công của Phùng, làm y tê liệt, rồi chiêu sau rất dũng mãnh giết y.

Phùng Dị thấy thế chưởng hung ác. Y vận hết sức đỡ. Bình một tiếng,
người y bật vào tường, lảo đảo, hộc máu ra. Thì chưởng thứ nhì đã tới,
cả triều thần đều nhắm mắt lại, có người kêu thét lên.

Cảnh Yểm đứng cạnh thấy Phùng Dị nguy cấp. Y phóng chưởng đánh vào sau
lưng Đào Kỳ. Chỉ thấy bóng trắng thấp thoáng, đầu Cảnh Yểm bay khỏi cổ,
thân hình y chưa đổ xuống, máu phun lên trời có vòi. Diễn tiến nhanh quá không ai ngờ được.

Thì ra Phương-Dung đã xử dụng kiếm pháp cứu phu quân.

Bây giờ chưởng phong của Đào Kỳ mới giáng xuống, rầm một tiếng, bức
tường thủng một lỗ lớn. Còn Phùng Dị bị dập nát người, vỡ làm năm sáu
mảnh, ruột gan, máu me xương thịt văng tứ tán.

Quang-Vũ cùng triều thần chết lặng người vì kinh khủng. Họ nhìn lại mới biết Phương-Dung rút kiếm giết Cảnh Yểm.

Phương-Dung quát lên lanh lảnh:

– Nếu ai còn phê phán võ công Lĩnh Nam thì bước ra?

Quang-Vũ run run nói:

– Đào vương-phi, trẫm đã phong Đào Kỳ làm Hán-trung vương. Vương-phi có
công lớn cứu giá hồi nãy, trẫm phong vương-phi làm Nghi-Hòa công-chúa.

Chu Bá cười ha hả:

– Này Lưu Tú, ngươi có nằm mê không? Đào phu-nhân kiếm thuật thần thông, mưu trí trùm vũ trụ, nhan sắc khuynh thành. Ngươi tưởng phu nhân ham
cái tước công-chúa của ngươi lắm hay sao? Mẹ ngươi là kỹ nữ mà còn không ham cái ngôi thái-hậu của ngươi, mà ngươi định đem cái bả công-chúa ra
dụ dẫm ư? Ngươi bảo ngươi phong Đào Kỳ làm Hán-trung vương? Sao ngươi
ngu lắm vậy? Đất Hán-trung hiện ở trong tay Thục. Ngươi định phong như
vậy để Đào Kỳ lăn vào đánh Thục cho ngươi chăng? Nếu chúng ta muốn làm
vua, đã giết ngươi tại đây chiếm lấy cơ nghiệp rồi. Vậy thì mi hãy đợi
ta trở về Lĩnh Nam, bầu lấy người thủ lĩnh, chúng ta sẽ phong cho ngươi
làm Trung-nguyên vương.

Chu Bá thấy Quang-Vũ còn ngẩn ngơ chưa hiểu. Ông nhổ một bãi nước miếng
vào mặt y. Võ công ông cao cường, kình lực bãi nước miếng khá mạnh trúng vào trán y đánh bẹt một tiếng. Y ngồi nguyên không giám đưa tay lên
chùi trán.

Chu Bá tiếp:

– Hồi nãy ngươi phong Đào hiền-đệ làm Hán-trung vương. Vậy ngươi có thấy Đào hiền-đệ lạy tạ không? Hay y làm thinh như nghe một bãi rắm chó?

Trần Tự-Sơn thấy sỉ nhục Quang-Vũ như vậy đã đủ. Vương nói:

– Đại-ca Lưu Tú. Đại-ca có mẹ mà không nhận. Còn tôi! Tôi phải bảo vệ
nhũ-mẫu để không bị con ác phụ họ Mã hại. Khi tôi bị giam, quần hùng
Lĩnh Nam ước hẹn với Thục, giúp Thục lấy Kinh-châu, Đông-xuyên,
Quang-trung. Còn họ, họ giữ Lĩnh Nam, như vậy là thiên-hạ chia ba.
Đại-ca đánh Thục, họ từ Lĩnh Nam đánh lên. Đại-ca đánh Lĩnh Nam, Thục sẽ kéo quân từ Kinh-châu đánh lên Lạc-dương, một đạo đánh từ Trường-an về. Đại-ca hứa tha cho tôi, thực sự tôi đã ngồi trên nóc điện. Đại ca hứa
cho Lĩnh Nam phục hồi, sự thực Lĩnh Nam đã phục hồi. Đại-ca hứa để Lĩnh
Nam yên, sự thực Lĩnh Nam đâu có sợ đại-ca? Bây giờ ngoài thành
Trường-an, ba đạo quân Thục vây đại-ca. Anh hùng Lĩnh Nam giúp Thục, tôi đã ân đoạn nghĩa tuyệt với đại-ca. Từ nay không còn giữ lời thề trong
vườn bắp nữa. Tôi không phải giúp đại-ca nữa. Mà tôi có giúp đại-ca cũng không làm được gì. Anh hùng Lĩnh Nam đối với tôi là tình bằng hữu, chứ
họ không phải là thuộc hạ của tôi. Đã là bằng hữu, vì tình cảm tôi nói
với họ điều chi, họ nghe thì nghe, họ không nghe thì thôi. Tôi chỉ là
bằng hữu, họ thương tôi, quý tôi thực. Đứng trước việc phục hồi cố quốc. Họ có thể hy sinh thân họ, gia đình, họ cũng làm, chứ đừng nói hy sinh
thân tôi. Nếu tôi giúp đại-ca chống lại họ, chẳng hóa ra chống nhiều
bằng hữu tốt đi giúp một bằng hữu tồi tệ nhất thế gian ư? Họ sẽ coi tôi
như một tên phản quốc, phản bạn. Họ sẽ giết tôi ngay.

Quang-Vũ thở dài:

– Trần hiền-đệ phải hiểu cho ta. Tổ tiên ta vì tin tưởng ở Vương Mãng mà mất nghiệp. Cảnh-Thủy hoàng-đế vì tin tưởng Xích-Mi mà chết. Này
Ngũ-phương thần-kiếm! Các vị có đại công với tiên-đế, vậy các người thử
nghĩ xem, nếu các người ở vào địa vị trẫm, các người sẽ làm gì, để bảo
vệ công nghiệp của tổ tiên?

Bạch-kiếm đáp:

– Điều đó có gì khó đâu? Hoàng-thượng ban cho Lĩnh-nam vương một thanh
Thượng-phương bảo kiếm, một con ngựa để Vương tiêu dao tự tại. Rồi
hoàng-thượng cho tạc tượng Vương tại Công-thần các, để đời đời ghi công.

Quang-Vũ lắc đầu:

– Sự việc đâu có giản dị như vậy. Sau khi đánh Thục xong. Ta sẽ phải
phong quan chức cho hàng trăm anh hùng Lĩnh Nam. Công của họ đâu có tầm
thường? Ta đã phong cho Đào Kỳ tước Hán-trung vương rồi. Còn Triệu
Anh-Vũ, Lương Hồng-Châu, Đinh Công-Thắng, Lại Thế-Cường, Cao Cảnh Minh
đều phải phong hầu, chức tới Thái-thú hoặc Thứ-sử. Còn những phụ nữ, ít
ra phải phong tới Công-chúa, ăn lộc một quận, một huyện. Ta phong chức
tước cho họ, đương nhiên họ sẽ xin về trấn thủ Lĩnh Nam. Làm sao ta có
thể từ chối? Họ là những người có tài, có trí, có đức, họ trở về Lĩnh
Nam, mỗi người làm Thái-thú một quận, rồi những chức Đô-úy, Đô-sát,
Đốc-bưu, họ sẽ đề cử người Lĩnh Nam. Trên thì Lĩnh-nam vương bổ nhiệm
hết các vị tướng quân cầm quyền...Thế là Lĩnh Nam trở thành một giang
sơn riêng biệt ở phía Nam, hướng lên Bắc xưng hùng với Trung-nguyên.

Quang-Vũ thở dài:

– Ngày trước Triệu Đà từng xưng Nam-Việt vương, mang quân đánh
Trường-sa. Tổ tiên trẫm chịu không biết bao nhiêu cay đắng mới chống
nổi. Bấy giờ Triệu Đà không được lòng dân, nhân tài ít mà còn thế. Huống hồ bây giờ đất Lĩnh Nam người tài như rừng như biển. Lĩnh-nam vương lại được lòng dân. Trung-nguyên sẽ gặp hung hiểm không lường.

Đào Kỳ đổ quạu:

– Hiện trong thiên hạ có hàng trăm, hàng ngàn nước. Ở đâu có anh hùng
của họ, đứng ra cai trị dân họ. Đâu phải tất cả dân chúng trong gầm trời đều phải thống thuộc nhà Hán? Và ngay dân Trung-nguyên đâu phải dành
riêng cho họ Lưu?

Tư-không Tống Hoàng bước ra nói:

– Hán-trung vương nói vậy là sai. Các thư tịch cổ, từ các kinh Thi, Thư, Lễ, Dịch, Xuân-thu đều nói rằng trời sinh ra vua. Vua là thiên-tử cai
trị thiên-hạ.

Phương-Dung cười khúc khích:

– Tống tư-không sao hủ lậu lắm vậy? Những sách vở đó do người
Trung-nguyên trước tác, bao giờ cũng muốn người Trung-nguyên ngồi trên
đầu thiên hạ.

Đến đó, Phương-Dung nghĩ: Đã vậy, mình cũng bịa đặt những điều hoang đường để dọa chúng chơi. Nàng nói tiếp:

– Như Lĩnh Nam tôi có bộ kinh Thiên-địa nghĩa, chép từ thời tối cổ mới
tạo thiên lập địa, cho tới Kinh-Dương vương. Thiên Trị tắc nói rằng:
Trời sinh ra dân Lĩnh Nam để làm chúa thiên hạ. Thiên Thiên nghĩa nói
rằng: Lĩnh Nam có núi Tản-viên, Thượng-đế ngự xuống dự tiệc. Con người
làm chúa thiên-hạ. Đó chẳng là sách chép đó ư?

Đào Kỳ thấy quần thần nhà Hán ngớ ngớ, ngẩn ngẩn vì lới bịa đặt của Phương-Dung, suýt nữa chàng bật cười thành tiếng.

Bạch-kiếm thở dài:

– Bây giờ hoàng-thượng là Kiến-Vũ thiên-tử. Chứ không phải là cậu bé, bị võ sĩ Vương Mãng đuổi giết ở Trường-sa, phải trốn ở vườn bắp, hái bắp
non ăn. Nếu hồi ấy không có Lĩnh-nam vương ra tay nghĩa hiệp, nay đâu
còn nhà Hán, để hoàng-thượng muốn tất cả dân chúng trong gầm trời quỳ
gối trước Hoàng-thượng.

Trần Tự-Sơn cười:

– Việt-Vương Câu Tiễn chịu nhục nếm phân, nếu không nhờ Phạm Lãi, Văn
Chủng thì suốt đời nếm phân. Nhưng khi được nước rồi thì trở mặt. Cao-Tổ nhà Hán, nếu thất bại, thì muôn đời vẫn là người đình trưởng. Khi sự
nghiệp đã thành thì giết hết công thần. Lưu Tú đại-ca, tôi kết bạn lầm
với một người vô ơn bạc nghĩa như đại-ca.

Tự-Sơn nhìn Tần-vương đáp:

– Cái đạo xưa nay là Vua đã nghi, tôi phải chết. Làm quan mà công trùm
thiên hạ tránh sao khỏi ghen tỵ? Làm tôi mà quyền quynh quốc khiến vua
phải lo lắng thì chết là đáng. Tôi ở trong cả ba hoàn cảnh đó. Cổ nhân
nói rằng:

Sự phùng đắc ý tuyên hưu tức,

Phú quý trường trung dị bạch đầu.

(Khi gặp sự đắc ý thì phải lui ngay,

Trong phú quý, đầu dễ bạc)

Hôm nay tôi sẽ nói thật hết, những bí ẩn giữa tôi và hoàng-thượng. Tôi
phải nói để các vị không hiểu lầm hoàng-thượng, không hiểu lầm tôi. Có
thể hôm nay các vị với tôi còn ngồi với nhau. Ngày mai, biết đâu chúng
ta chẳng sẽ phải đánh nhau, kẻ chết, người sống khó mà lường được.

Các vương công, đại thần không ít thì nhiều đã nghe loáng thoáng về xuất thân của Nghiêm Sơn. Có dư luận nói rằng Nghiêm Sơn người Trường-sa vì
chàng nói giọng Trường-sa. Có dư luận nói rằng chàng người Quế-lâm. Thời bấy giờ Quế-lâm, Nam-hải, Tượng-quận bị người Hán cai trị trên 200 năm. Dân chúng phân nửa nói tiếng Hán, sống đời sống như người Hán. Nhưng
đối với các quan lại người Hán, họ vẫn coi đó là vùng man di mọi rợ,
khinh khi như chó, như lợn. Có dư luận nói rằng Vương là con của người
tỳ thiếp Trường-sa Định-vương. Như vậy Vương là em ruột Quang-Vũ. Còn
Quang-Vũ đã có dư luận nói rằng, Quang-Vũ là con của người tỳ thiếp
Trường-sa Định-vương, sinh đẻ ở ngoài dân dã. Sau Thái-phi mới ra lệnh
cho Mã vương-phi nuôi. Có người nói Quang-Vũ với Nghiêm Sơn là anh em
cùng cha khác mẹ.

Bây giờ họ biết Nghiêm Sơn sắp nói ra sự thực tất cả. Họ lắng nghe không dám xen vào.

Nghiêm Sơn chậm chạp kể:

– Tôi là người Việt ở Lĩnh Nam chứ không phải người Hán!...

Từ Quang-Vũ đến triều thần đều bật lên tiếng kêu Ồ! Ối chà!.

Nghiêm Sơn tiếp:

– Tôi thuộc dòng dõi Phương-chính hầu Trần Tự-Minh nước Âu-lạc. Khi
An-Dương vương bị Triệu Đà đánh lừa cướp mất nước trong vụ Mỵ-Châu,
Trọng-Thủy. Vua viết chiếu nhường ngôi cho con trai Tể-tương Trần
Tự-Minh là Trần Tự-Anh, thống lĩnh anh hùng phục quốc. Đến đời thân phụ
tôi là Trần Kim-Bằng mới nảy ra ý tưởng xưng là người Hán, cải họ Nghiêm lên Trường-sa thí võ, được làm tướng quân. Sau lên tới đại-tướng quân.
Khi tôi được hai tháng thì xảy ra biến cố. Hôm đó phụ thân tôi đi săn ở
trong rừng. Bỗng nghe có tiếng khóc lóc thảm thiết của người đàn bà từ
xa vọng lại. Người vội vàng chạy đến tìm kiếm, thì thấy hai võ sĩ của
Trường-sa Định-vương sắp sửa giết chết một thiếu nữ. Phụ thân tôi quát
tháo, bắt chúng thả thiếu nữ đó ra. Hai võ sĩ đó nhận được mặt phụ thân
tôi, chúng nói:

– Chúng tôi tuân chỉ Vương thái-phi phải giết người đàn bà này. Nếu tướng quân can thiệp vào sẽ bị họa diệt tộc.

Phụ thân tôi thấy việc đã bị lộ. Không dừng được, người giết chết hai võ sĩ kia, cứu thiếu nữ. Bấy giờ người mới nhận thấy đó là một thiếu nữ
sắc nước hương trời, có một không hai ở đời. Thân phụ tôi hỏi lý do gì
thiếu nữ bị giết? Nàng kể rằng tên nàng là Hàn Tú-Anh, thứ phi Trường-sa Định vương.

Tự-Sơn kể đến đó, trong điện im phăng phắc, không một tiếng động. Nhưng
trong lòng các đaÏi thần đã thấy hé mở một tia sáng về lý lịch Tự Sơn và Quang-Vũ. Còn Quang-Vũ đã nghe nói rồi, y không ngạc nhiên. Riêng Mã
Viện trong lòng y nóng nảy vô cùng.

Nghiêm Sơn tiếp:

– Phụ thân tôi nghe thuật, trong lòng kinh sợ. Vì người đã nghe nói
Trường-sa Định-vương có một thứ phi tên Hàn Tú-Anh. Việc thái-phi muốn
giết Hàn Tú-Anh, là chuyện trong nội cung vương-phủ. Thế nhưng phụ thân
tôi đã nhúng tay vào, cái họa diệt tộc khó tránh. Người đem Hàn Tú-Anh
về nhà kể cho mẫu thân tôi nghe. Mẫu thân tôi quyết định rằng: đã trót
cứu người thì cứu cho trọn. Vì vậy phụ thân tôi cáo quan về Quế-lâm ở,
mang theo Hàn Tú-Anh. Hàn Tú-Anh mới kể tâm sự cho mẫu thân tôi nghe,
tại sao thái-phi muốn giết nàng.

Tự-Sơn hạ giọng:

– Thì ra Hàn Tú-Anh cùng một người bạn nữa là Chu Mẫu-Đơn, hai người
xuất thân là con nhà khá giả ở Trường-sa. Rồi một ngày cha mẹ hai người
đều bị vu cáo là phản loạn, cả nhà bị giết. Hai người bấy giờ nhan sắc
đang độ 16, được người cai ngục cứu ra đem bán cho thanh lâu. Hai người
lọt vào lầu xanh, nổi danh tài sắc một thời. Hai người thề nguyện không
bao giờ tiếp khách họ Lưu. Vì cho rằng, Trường-sa Định vương đã giết hại cả nhà mình. Một ngày kia có khách văn nhân tới, dáng người thanh nhã.
Chàng bỏ tiền ra không tiếc, chuộc Chu Mẫu-Đơn khỏi lầu xanh. Hai người
ngày ngày cùng ngao du sơn thủy. Chàng làm từ, làm thơ, nàng ca hát. Rồi sau đó chàng mới thú nhận mình họ Lưu tên Huyền, hiện là thế-tử của
Trường-sa Định vương. Chàng nhất định về thưa với phụ thân đem nàng vào
thành ở. Trường-sa Định vương thấy con say mê một kỹ nữ, nổi giận ra hai điều kiện: Một là chọn ngôi thế-tử, hai là chọn Chu Mẫu-Đơn. Chàng
quyết định chọn Chu Mẫu-Đơn bỏ ngôi thế-tử, ra ngoài Đào-trang sống hạnh phúc bên người yêu. Thế-tử Lưu Huyền bỏ phú quý sống với người mình
yêu, khiến người em được kế vị thế-tử. Rồi lên ngôi làm Trường-sa Định
vương. Trường-sa vương có Mã vương-phi, có nhiều phi tần. Nhưng ngài
không cảm thấy hạnh phúc, hơn nữa ngài không có con. Một ngày kia tiếp
kiến người anh, thấy anh hạnh phúc vô cùng bên Chu Mẫu-Đơn, ngài ước
mong tìm được hạnh phúc như anh. Vương giả làm văn nhân nghèo tìm Hàn
Tú-Anh. Thế rồi tài tử giai nhân gặp nhau họ yêu nhau say đắm. Vương nói dối với Hàn Tú-Anh rằng ngài là học sinh đến Trường-sa du học, chỉ đêm
đêm chàng mới về nhà. Còn ban ngày phải vào thành học. Được ít lâu, Hàn
Tú-Anh có mang sinh ra đứa con thứ nhất đặt tên là Lưu Diễn, ít lâu sau
sinh đứa thứ nhì đặt tên là Lưu Tú.

Thời bấy giờ, luật lệ cấm không được nhắc đến tên húy của vua chúa.
Nhưng Tự-Sơn kể chuyện vương cứ nói thản nhiên như không chú ý đến vấn
đề này. Vương tiếp:

– Khi đã có hai con, Hàn Tú-Anh khẩn khoản xin chồng đổi chỗ ở, sợ rằng
sau này hai con lớn lên sẽ cảm thấy nhục nhã khi mẹ mình là kỹ nữ. Vương không chịu. Hàn Tú-Anh nhờ người vú nuôi con mình tên Dư Thúy-Nham theo dõi Vương-gia, để biết nhà thầy dạy, hầu Hàn Tú-Anh cầu thầy khuyên
chồng.

Dư Thúy-Nham đi một buổi trở về cho biết rằng chồng Hàn Tú-Anh là
Trường-sa Định-vương. Hàn Tú-Anh nghe tin khóc hết nước mắt. Chiều đến
vương-gia về, thấy tình hình biết đã bại lộ, mới an ủi vợ rằng: Các
vương-phi trong phủ không ai có con. Tuy nàng là kỹ nữ, nàng cho Vương
hai người con, vậy Vương đưa nàng về phủ sống.

Vương nói là làm, Vương đưa Hàn Tú-Anh về phủ phong làm thứ-phi, cực kỳ
sủng ái. Vương thái-phi thấy Vương-gia có hai người con, mừng lắm. Bà
không muốn trong vương-phủ có một kỹ nữ sống. Nhất là kỹ nữ đó sau này
làm Vương thái-phi. Vì vậy thái-phi nhân một hôm Vương-gia vắng nhà, mới sai hai võ sĩ đưa Hàn Tú-Anh vào rừng giết. Khi Vương-gia trở về hỏi
Hàn Tú-Anh đâu. Thái-phi nói nàng có đại tang, phải trở về quê gấp, sẽ
trở lại sau ít ngày.

Tự Sơn kể từng chi tiết một, khiến một số quan văn nhiều tình cảm trong
điện, nước mắt chan hòa. Phương-Dung dầu sao cũng là một thiếu nữ, nàng
đã nghe chuyện này lần thứ nhì, nhưng cũng không ngăn được nước mắt.

Tự Sơn lại tiếp:

– Thân phụ tôi đem Hàn Tú-Anh về Quế-lâm. Giữa đường mẫu thân tôi bị cảm mạo, mất sữa. Hàn Tú-Anh tình nguyện nuôi tôi. Từ đó bà trở thành nhũ
mẫu của tôi. Cha tôi là Lạc-hầu một trang ấp tuy không lớn, nhưng cũng
có vài ngàn người. Nhũ mẫu được cấp một căn nhà cạnh hồ, có rất nhiều
hoa thơm cỏ lạ. Bà được cấp tỳ nữ, đầu bếp hầu hạ. Bà nuôi tôi, dậy tôi
đọc sách, dậy tôi nói giọng Trường-sa. Vì vậy tôi nói tiếng Hán giọng
Trường-sa như Hoàng-thượng.

Vương đưa mắt nhìn Quang-Vũ ngơ ngẩn xuất thần nói:

– Tôi tập võ với cha. Cha tôi cho mời thầy dạy chữ cho tôi. Người xin
thầy dạy toàn Lục-thao, Tam-lược, binh-pháp. Không hiểu giữa người và
nhũ mẫu có ước định gì về tôi không rõ, mà khi cha tôi sắp qua đời,
người suy tính chưa tìm ra người để chỉ định làm thừa kế chức chưởng
môn. Sau hơn mười ngày không quyết định được, nhũ-mẫu tôi đến thăm
người, nói nhỏ vào tai người rằng, nếu sau này muốn phục hồi Lĩnh Nam
thì truyền chức cho tôi. Bà nói rằng đợi con trai người lên ngôi
Trường-sa vương bà mới xuất hiện. Khi mẫu tử trùng phùng bà nhờ con giúp tôi phục hồi Lĩnh Nam. Cha mẹ qua đời, tôi sống bên cạnh nhũ-mẫu. Người thương yêu tôi không biết đâu mà kể. Khi tôi đọc sách, người ngồi cạnh
quạt cho tôi, khi tôi tập võ, người đánh đàn, hát cho tôi nghe. Tôi thấy bên cạnh người thực là hạnh phúc toàn vẹn.

Vương ngừng một lúc rồi đi đi lại lại nói tiếp:

– Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, Trường-sa Định vương cùng với Mã
vương-phi, Lưu Diễn, Lưu Tú, trốn ở Vương-sơn, không ai biết. Tất cả
những biến cố gia đình, lý lịch nhũ-mẫu, tôi không biết. Cho đến năm 17
tuổi, một đêm tôi thấy nhũ-mẫu khóc lóc thảm thiết. Tôi gạn hỏi mãi, bà
mới chịu nói rõ thân thế cho tôi nghe. Bà yêu cầu tôi hãy xuất lĩnh anh
em đi Trường-sa tìm tông tích hai người con bà. Tôi yêu nhũ-mẫu, bà nói
gì tôi cũng nghe. Tôi biết võ công mình chưa đủ cao, tôi mời thêm
Hợp-phố lục hiệp là người môn phái Quế-lâm cùng lên đường. Chúng tôi tới Trường-sa dò la tin tức, không tìm được gì cả. Một ngày kia do lòng
thương nhũ-mẫu, tôi đến Đào-trang nơi nhũ-mẫu cùng Trường-sa Định vương
ở, tìm lại di tích người xưa.

Tự Sơn thở dài:

– Giữa lúc đó Vương Mãng sai võ sĩ đến giết gia quyến Vương. Tôi cùng
Hợp phố lục hiệp liều mạng mới cứu được hai người con của Vương-gia.
Chúng tôi bảo vệ hai thế-tử, vừa đánh vừa chạy. Một đêm đánh đến 20
trận, tôi bị thương 15 chỗ...

Tự Sơn thản nhiên cởi áo ra chỉ vào 15 chỗ bị thương. Mỗi chỗ Vương thuật từng chiêu thức bị thương như thế nào. Vương tiếp:

– Chúng tôi vừa đánh, vừa chạy suốt đêm, cho đến lúc mệt lử thì tới vườn bắp, hái bắp non ăn. Trong khi chạy, Lưu Tú bị thương. Tôi phải cõng
thế-tử chạy. Đến sáng, ngồi dưỡng thương ở vườn bắp, Lưu Tú hỏi tuổi
tôi. Thì ra chúng tôi cùng tuổi. Lưu Tú muốn cùng tôi kết nghĩa huynh
đệ. Tôi nghĩ trong lòng: Người với ta tuy khác máu mủ, nhưng cùng uống
một dòng sữa. Mẫu thân người là nhũ-mẫu ta, người với ta là anh em rồi
còn gì nữa? Chúng tôi so tuổi, Lưu Tú sinh giờ Sửu ngày mồng một tháng
sáu tuổi Bính-thìn. Tôi cũng Bính-thìn, sinh tháng chín, ngày mồng một
giờ Thìn. Như vậy tôi nhỏ hơn ba tháng. Chúng tôi cùng quỳ xuống thề với trời đất rằng sau này có phước cùng hưởng, có họa cùng chịu. Nếu ai
phản bội hai lòng trời tru, đất diệt. Lưu Tú hỏi về chí hướng của tôi.
Tôi đáp rằng, chỉ mong một người, một gươm ngao du sơn thủy, hành hiệp
giúp đời. Còn Lưu Tú muốn nuốt trời, ôm đất vào lòng, muốn kế tục sự
nghiệp Cao-Tổ. Lưu Tú yêu cầu tôi giúp. Tôi hứa sẽ giúp, điều kiện là
khi mọi sự đã thành, cho tôi một con ngựa, một thanh gươm ngao du thắng
cảnh. Lưu Tú nói: Chúng ta là anh em, cùng khởi nghiệp, sau này giang
sơn của ta là của hiền đệ, chúng ta chia đôi sơn hà để cùng hưởng.

Thấy Tự Sơn ngưng kể, Quang-Vũ như đắm vào cõi mộng, hỏi:

– Rồi sao nữa?

– Rồi chúng ta khởi binh đại chiến Côn-dương. Khi thu được nửa thiên hạ, đại-ca nói rằng: Tuy đoạt được Kinh-châu, nhưng phía sau Kinh-châu còn
Quế-lâm, Nam-hải, Tượng-quận, Cửu-chân, Nhật-nam, Giao-chỉ. Các Thứ-sử,
Thái-thú tại đó nay theo Vương Mãng, mai theo Hán. Đại-ca muốn tôi xuống xếp đặt cho yên vùng này. Tôi cùng Hợp-phố lục-hiệp, một người, một
ngựa kinh lý đất Lĩnh Nam. Đại-ca phong cho tôi làm Bình-nam đại-tướng
quân, tước Lĩnh-nam công. Các Thứ-sử, thái-thú khoanh tay quy phục. Tôi
ra lệnh tuyển quân, thu nạp lương thảo cho đại-ca tranh hùng ở
Trung-nguyên.

Tự Sơn thở dài:

– Nhưng khi tôi tới Lĩnh Nam mới bừng tỉnh mình là người Lĩnh Nam. Các
Thái-thú ở đây coi người Việt như trâu, như chó. Tôi ra lệnh cho các
Thái-thú phải bỏ những chính sách hà khắc, coi người Việt như người Hán. Tôi cho người Việt được quyền làm các chức quan như người Hán. Tôi gửi
tấu chương về xin đại-ca bổ nhiệm một người Việt tên Đặng Thi-Sách làm
Thái-thú Giao-chỉ. Đại-ca không những không đồng ý, mà còn tuân chỉ
Thái-hậu bổ nhiệm Tô Định làm Thái-thú. Tô Định mang theo Ngũ-phương
thần kiếm sang, với ý định vu vạ cho tôi làm phản. Ngũ-phương thần kiếm
minh mẫn tìm ra sự thật. Tô Định ỷ là cháu Thái-hậu, đánh thuốc mê
Ngũ-phương thần kiếm toan giết đi. Chính hào kiệt Lĩnh Nam cứu họ thoát
chết.

Nghiêm Sơn mơ màng nhìn ra xa:

– Trong khi ở Lĩnh Nam, tôi nhận thấy một điều: Các quan lại người Hán
đến Lĩnh Nam chỉ với mục đích vơ vét cho đầy túi tham. Chém giết cho phỉ chí, làm mất đức hiếu sinh của Thượng-đế, làm mất cái đức thương dân
như con đỏ của đại-ca. Tôi nghĩ: Đất Lĩnh Nam xa xôi, trở thành quận,
huyện cũng thế, mà cho người Việt tự trị cũng thế. Tôi đồng ý cho một
người Việt là Lê Đạo-Sinh đứng ra tổ chức đại hội hồ Tây, đưa anh hùng
võ lâm thiên hạ sang Trung-nguyên cầu kiến đại-ca, xin được tự trị. Vừa
tổ chức xong, tôi nhận được chiếu chỉ của đại-ca phong làm Lĩnh-nam
vương, Tả tướng-quốc mang quân đánh Thục. Anh-hũng Lĩnh Nam nghĩ rằng
nếu họ lập được chút công tất nhiên đại-ca ban chức tước cho họ. Lúc đó
nếu họ đều từ chối, chỉ xin cho Lĩnh-nam phục quốc. Chắc đại-ca cũng sẽ
ưng thuận.

Vương cười lớn:

– Không ngờ lúc đại-quân vào đất Thục, thế như chẻ tre, đại ca lại nói
mang quân đến Trường-an để tiếp viện. Tôi cũng như hào kiệt đều biết
rằng: Chúng tôi sắp diệt Thục thì việc gì đại-ca phải mang quân tiếp
viện? Chẳng qua đại-ca nghi ngờ, bắt chước Cao-Tổ du Vân-mộng bắt Sở
vương Hàn Tín. Mọi người xúi tôi rằng: Chúa đã nghi, bầy tôi phải chết.
Thì trước khi chết đánh một trận cho hả lòng. Vì đại quân Lĩnh-nam,
Kinh-châu, Đông-xuyên, Tây-xuyên, Trường-an nằm trong tay tôi. Nếu tôi
phản đại ca, dù không thành đại sự thì cũng chia đôi thiên hạ. Tôi không thích làm quan, không thích làm vua. Tôi tin vào đại-ca. Tôi dắt Khất
đại-phu, Phật-Nguyệt, Trưng Nhị đi Trường-an.

Đến đó Vương ngưng lại, cầm thanh Thượng-phương bảo kiếm của Quang-Vũ
đưa lên, khẽ rung động hai lần. Thanh kiếm vọt ra khỏi vỏ. Vương búng
tay một cái, thanh kiếm gãy làm hai. Vương búng thêm mấy cái nữa, thanh
kiếm gãy nát ra. Vương tiếp:

– Về võ công đại-ca thấy, tôi chỉ hơn Ngô Hán, Mã Viện, chứ không hơn
Ngũ-phương thần kiếm, Tương-dương cửu-hùng. Thua cả đến Tạ Thanh-Minh,
Trần Lữ, Ngô Lương, và lại càng không bằng Hoài-nam vương nữa. Nhưng sở
dĩ tôi thành công, vì mối nhu tình nhũ mẫu đối với tôi, mà tôi quyết tâm giúp đại-ca. Người ta theo giúp đại-ca vì công danh, vàng bạc. Tôi theo giúp đại ca vì lòng nghĩa hiệp. Nay đại-ca đi trái với nghĩa hiệp, thì
tôi không giúp đại-ca nữa. Ơn nhũ mẫu đối với tôi là ơn cá nhân. Tôi trả như vậy đủ lắm rồi. Tôi không thể đem sinh linh Lĩnh-nam cho đại-ca, để đại-ca sai những tên chó Ngô sang giết hại dân chúng. Ở đây có
Ngũ-phương thần kiếm, tại Lĩnh-nam còn Lục Mạnh-Tân. Họ cũng là người
Hán như đại-ca, hơn nữa họ lại có công với tiên-đế. Nếu họ tham công
danh phú quý, họ đã xu phụ theo đại-ca. Họ đã đến Lĩnh Nam, đã thấy
những tên Hán bốn chân tàn sát lương dân. Họ không chịu được, họ vung
thước gươm cứu khổn phò nguy. Họ quyết giúp cho Lĩnh Nam phục hồi cố
thổ.

Đoạn vương nói với các quan:

– Từ sau hôm nay trở đi, tôi với đại-ca Lưu Tú không còn tình nghĩa gì
nữa. Nếu gặp nhau trên chiến trường, ai vì giang sơn người ấy. Còn ai
giết hại Lưu Tú cũng không liên quan đến Trần Tự-Sơn. Ai giết Trần Tự
Sơn cũng không liên quan gì đến Lưu Tú.

Vương quay lại:

– Khất đại-phu, Chu huynh, Đô hiền đệ, Đào sư đệ, Dung muội. Khất
đại-phu là một tiên ông trên thế gian. Suốt đời lấy y đạo cứu người. Chu huynh tuy là đệ tử, con rể Lê Đạo-Sinh, nay tỉnh ngộ trở về với Lĩnh
Nam, không theo phú quý của người Hán, là điều Trần mỗ khâm phục vô
cùng. Đô hiền đệ kết bạn với ta từ nhỏ, luyện võ với nhau, đánh nhau,
chửi nhau.

Vương chỉ vào vết thẹo ở tay trái:

– Hồi ta chín tuổi, Đô hiền đệ bảy tuổi. Chúng ta tranh nhau bắt một con chim. Ta nhanh tay bắt được. Đô hiền đệ nhảy đến vật ta, dành con chim, ta lớn tuổi hơn học võ trước, ta đá Đô hiền đệ lăn xuống ruộng. Đô hiền đệ nhảy lên cắn ta. Ta đau quá phải xin hàng. Đô hiền đệ mới tha ta ra. Từ đấy chúng ta là một cặp huynh đệ không rời nhau. Khi ta nghe lời
Nhũ-mẫu cứu Trường-sa vương Lưu Diễn, Lưu Tú. Đô hiền đệ khẳng khái bảo
ta rằng: Nên làm, vì cứu người Việt hay người Hán cũng là cứu. Dù cứu
con chó, con mèo cũng là cứu. Ta nghe lời Đô hiền đệ, lòng đầy hân hoan
lên đường.

Vương nắm tay Đô Dương:

– Khi nghe ta giúp Lưu Tú, đại chiến Côn-dương. Hiền đệ lại tới với ta.
Trận Côn-dương khiến cho muôn đời kinh hồn động phách, do công hiền đệ.
Bấy giờ quân ta ít, quân giặc nhiều. Ta không biết làm sao thắng giặc,
mới nảy ra ý dùng một đội cảm tử quân, nửa đêm xông vào trại đốt lương,
rồi chúng ta ở ngoài đánh vào. Mã Anh, Mã Viện là cháu Thái-hậu cũng
không dám lĩnh nhiệm vụ đó. Chỉ có hiền đệ dám làm. Ta còn nhớ trước khi lên đường, chúng ta tế sống hiền đệ. Thế rồi trận Côn-dương kinh hồn
động phách diễn ra. Hiền đệ vẫn còn sống. Hiền đệ được phong tước
Tân-bình hầu, lĩnh Thái-thú Phù-phong. Thế mà khi nghe ta bị giam, hiền
đệ bỏ quan tước, đi cứu ta. Xét về võ đạo, về tình nghĩa, hiền đệ hơn
Lưu Tú nhiều.

Vương ngừng lại nói với Đào Kỳ, Phương-Dung:

– Đào tiểu sư đệ, bây giờ sư đệ đã lớn quá rồi. Ta vẫn muốn dùng tên
Tiểu sư-đệ để lưu niệm. Ta nhớ khi ta mang quân vào đánh Cửu-chân, làm
Đào-gia nhà tan, cửa nát. Thế mà khi đối trận trong đêm, hiền đệ nhìn ra ta không phải ô quan, ta không phải người chủ động hại nhà hiền đệ. Ai
cũng bảo ta là chó Ngô, chó Hán, chỉ có hiền đệ bảo Hán, Ngô, Việt cũng
thế cả, ai có lòng tốt thì trọng. Đừng thấy Hán mà cho là độc ác hết,
đừng thấy Việt mà cho là tốt hết. Hiền đệ thân mật với ta giữa trận
tiền. Hiền đệ có con mắt tinh đời, biết rõ chân tâm ta. Trong đời hiền
đệ chỉ có Tam sư-tỷ là người thân nhất với đệ. Hiền đệ có ý mở đường cho ta. Nhờ đệ, ta tìm được diễm phúc nhất trần gian. Hoàng sư tỷ đối với
ta như nước sông Trường-giang, võ công nàng cao, tính tình nhu thuận,
và... trên thế gian này không có người nào đẹp hơn. Ta nghĩ rằng, giá ta bỏ hết Lĩnh-nam vương, bỏ tất cả, để đổi lấy Hoàng sư-tỷ cũng sẵn lòng. Ta nghĩ dù ta có vì Hoàng sư tỷ mà chết đến một trăm lần, cũng không
bằng một phần tấm lòng của nàng đối với ta. Các vương hầu nhà Hán, thê
thiếp hàng đàn. Còn ta, chỉ sủng ái một mình Hoàng sư-tỷ vẫn cho là
không đủ.

Vương mỉm cười bí mật:

– Chính tiểu sư đệ đi cạnh ta để phục hồi đất Lĩnh-nam. Khi ta đem quân
từ Lĩnh Nam về đánh Thục. Các anh hùng nhất quyết chống lại. Nhờ tiểu sư đệ thuyết phục, họ mới theo giúp. Tiểu sư đệ lại thân cầm đạo quân
Lĩnh-nam đánh vào phía sau Thục, vượt núi Kim-sơn là điều mà cổ kim chưa ai làm được. Hoàng-thượng hứa rằng ai vào Thục đầu tiên, sẽ cho làm
chúa Ích-châu. Chính tiểu sư đệ đã vào Thục đầu tiên, bỏ xa Mã Viện, Ngô Hán. Hoàng-thượng trở mặt với ta. Tiểu sư đệ cũng không ham công danh,
phú quý, thân vào ngục cứu ta ra... Thôi ta nói vậy đủ rồi. Khất
đại-phu, Chu đại-ca, Đô hiền đệ, Đào sư đệ, Dung muội chúng ta mau đi
Lạc-dương cứu nhũ mẫu. Trước đây khi mới khởi sự, có một thầy tướng nhìn Lưu Tú nói rằng: Người này nói ưa điệu bộ, chu mỏ ra, hay cau có. Đó là người chỉ biết có mình, mặt lại hóp như lưỡi cày chắc chắn sẽ coi người thân như cừu thù, kẻ ác như chân tay, còn nói gì tử tế tình nghĩa với
ai. Thôi chúng ta đi Lạc-dương cứu Nhũ-mẫu ta.

Chu Bá hỏi:

– Phương-Dung! Tại sao chúng ta lại đi Lạc-dương?

Phương-Dung cười:

– Chu sư bá, người chủ trương giết Hàn thái-hậu là Mã thái-hậu. Chúng ta cứ đi Lạc-dương dí kiếm vào cổ Mã thái-hậu là yên mọi chuyện. Tại
Lạc-dương tuy vệ sĩ đông, tuy quân nhiều, nhưng không ai đỡ được chưởng
của Khất đại-phu, Đào tam-lang và thanh kiếm của tôi.

Thấp thoáng một cái, nàng nhảy lên cao, vung kiếm đưa ra những chiêu
quái dị vô cùng. Choang, choang, choang, hơn hai mươi chỏm mũ của các võ quan tại đó bị cắt đứt. Quang-Vũ cảm thấy cổ mát lạnh, y rú lên một
tiếng, đưa tay lên sờ cổ, không bị thương, còn mái tóc bị xén mất cái
chỏm.

Các quan kinh hoàng. Khi định thần lại thì Phương-Dung đã vọt mình lên nóc điện, biến mất hồi nào.

Quang-Vũ nói:

– Trần hiền-đệ, ngươi nói về mẫu thân ta, ta không tin được. Ta chỉ tin khi nào ngươi đưa mẫu thân ta đến đây đối chất.

Đào Kỳ quát lên:

– Ngươi thân là hoàng-đế, giàu sang nhất thế gian, mà có mẹ không nhìn,
lại còn bảo phải đưa mẹ đến đối chất. Cái thứ vua chúa bất hiếu như
ngươi để làm gì.

Vương hít hơi, vận đủ mười thành công lực, phóng một chưởng như trời long đất lở vào người Quang-Vũ.

Trần Tự-Sơn kêu lên:

– Tiểu sư đệ! Xin dung tình.

Đào Kỳ nghe đến tiếng tiểu sư đệ, lại nhớ đến những ngày còn nhỏ, mất
tin cha mẹ, ở với Trần Tự-Sơn và Thiều-Hoa, tình nghĩa thâm trọng. Vì
vậy Vương hướng chưởng chênh chếch sang phía Đông điện. Ầm một tiếng, cả nóc điện bể tan tành, ngói gạch rơi xuống ào ào.

Quang-Vũ thấy Đào Kỳ phóng chưởng, y những tưởng mất mạng. Nhưng rồi
chưởng của Vương hướng lên trời, y còn được Ngũ-phương thần kiếm cùng
vung chưởng hóa giải, nên y khỏi bị áp lực. Thế mà y còn cảm thấy ngực
như muốn tắt thở.

Tự-Sơn hú lên một tiếng cùng mọi người nhảy lên nóc điện, phút chốc biến mất.

BÀI ĐỌC THÊM

Y phục thời Lĩnh-Nam

Trong khi khởi thảo viết bộ Anh hùng Lĩnh-nam vào ngày 10 tháng 3 năm
Mậu-thân (1968), một những vấn đề làm thuật giả bận tâm là y phục thời
đó ra sao? Điều này đưa tới việc tìm hiểu văn minh của người Việt trong
buổi bình minh lịch sử. Đọc trong kho tàng văn hóa Việt-nam, không thấy
thư tịch nào nói đến. Hỏi thăm những bậc thức giả, mười người thì đủ
mười đều lắc đầu. Thảng hoặc có vị cho vài lời khuyên.

Một vị khuyên rằng:

– Nên theo y phục những năm trước đây, người ta cho các thiếu nữ trung
học Trưng-vương, Gia-long tại Sài-gòn đóng vai hai bà Trưng vào ngày phụ nữ hay ngày giỗ vua Trưng.

Một vị khuyên:

– Cứ cho mặc áo dài, khăn đóng vành vàng, khoác ngoài lớp sa mỏng trắng, quần trắng, đi hài là được.

Đem ý kiến ấy hỏi một vị khác, lập tức vị này bác bỏ:

– Không được, như vậy là đầu gà đít vịt, chẳng ra thể thống gì. Bởi
chiếc áo dài đó phỏng theo áo Le Mur mới chế vào thập niên 1930, rồi
biến hóa đi. Khi áo Le Mur vào đến Huế, lại có màn tân cổ giao duyên,
thêm chiếc khăn với cái áo choàng ngoài. Y phục ấy đâu phải y phục thời
Trưng Vương. Quần đó là quần tân thời, không phải của người Việt xưa.

Một vị khác khuyên :

– Bà Trưng quê ở Bắc-ninh, Sơn-tây, chắc hồi ấy mặc quần đen, áo búi
que, đầu đội khăn vuông mỏ quạ như con gái Bắc-ninh đầu thế kỷ này.

Lập tức vị khác nhăn mặt :

– Bậy ! Phụ nữ Việt-nam mặc quần, mới chỉ có từ thời Nguyễn. Trước kia
các cụ bà mặc váy. Trong văn chương bình dân chẳng từng có câu :

Tháng tám có chiếu vua ra,

Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì ăn cướp quần chồng sao đang!

Như vậy từ triều Nguyễn về trước đàn ông mặc quần, đàn bà mặc váy. Loại
váy này cho đến năm 1947-1948 ở nông thôn vẫn còn tồn tại. Còn áo dài ư ? Từ triều Nguyễn về trước phụ nữ Việt-nam mặc áo tứ thân, thắt khăn vòng qua bụng nút ở ngang hông. Gái chưa chồng thì nút ở bên phải. Gái có
chồng thì nút ở bên trái.

Đại loại những ý kiến như thế được đưa ra. Nhưng không ý kiến nào có luận cứ vững chắc. Có vị khuyên :

– Anh viết tiểu thuyết như vẽ ma, vẽ quỷ, muốn tả y phục thời ấy như thế nào mà chả được.

Ý kiến này gia nghiêm gạt thẳng :

– Lịch đại văn học Việt-nam, chưa có vị nào chịu bỏ thì giờ, chịu bỏ cả
đời viết tiểu thuyết lịch sử trường thiên. Nay con là người đầu tiên
viết. Con viết vì muốn làm sáng tỏ hào khí dân tộc. Con viết vì muốn trả nợ tổ tiên. Ông kỳ vọng vào con. Bố kỳ vọng vào con. Con phải học hỏi
những gì của người đi trước. Tại sao bộ Tam quốc chí của La Quán-Trung
lại thành công hơn các bộ Phong thần, Đông-Chu liệt quốc, Tây-Hán,
Đông-Hán, Thuyết-Đường, Chinh-Đông, Chinh-Tây ? Một là văn La diệu hơn
văn các vị kia. Hai là La đi sát với lịch-sử, đi sát với sự thực, nên
được tin tưởng hơn. Gần đây, Kim-Dung thâu thái của cổ nhân, thêm vào
nghệ thuật Tây-phương mà thành công. Kim-Dung chỉ đặt tác phẩm vào hoàn
cảnh lịch sử, mà không viết tiểu thuyết lịch sử. Con đi sau tất cả bằng
ấy người. Con có kiến thức Trung-quốc ngang với họ, con lại có kiến thức Tây-phương sâu xa. Con hơn họ ở điểm con được luyện võ từ nhỏ, nay đến
trình độ đáng kể. Con hơn hẳn họ ở điểm con học tới trình độ cao nhất
của y học Đông lẫn Tây. Con cần viết sao cho tác phẩm không đi đến chỗ
quá đáng như ma trâu đầu rắn. Con nhớ rằng một lời con viết là
Trưng-Vương nói, Hưng-Đạo vương nói. Tuyệt đối không nên, không thể bịa
đặt quá đáng. Không tìm ra y phục thời vua Trưng chắc chắn, thì tìm lấy
một nét có thể bấu víu được, là quần áo các bà hầu bóng Ngài. Hay hãy
tìm trong y phục cổ Việt-nam, lấy một loại quần áo cổ điển nhất, rồi
phong cho làm y phục thời vua Trưng là được rồi, việc gì phải quá câu
nệ.

Thói thường của thuật giả, là khi gặp vấn đề nan giải là tắm rửa sạch
sẽ, đến trước bảo điện đọc kinh Bát-nhã, rồi nhập thiền. Sau khi nhập
Thiền nhắm mắt tưởng tượng. Trong tưởng tượng đó thấy gì hiện ra thì tùy nghi giải quyết. Bởi vậy đối với y phục thời Lĩnh-nam thuật giả nhập
Thiền ba lần đều thấy vua Trưng mặc một thứ y phục rất khác lạ với y
phục Trung-quốc và Việt-nam, nhưng lại rất quen thuộc.

Trong dịp giỗ vua Trưng năm 1969, thuật giả chở mẫu thân đi giúp bà bạn
hầu bóng hay nói nôm na là lên đồng vua Trưng. Khi bà mặc quần áo về
đồng uy nghi mà đẹp vô cùng. Thuật giả mới bừng tỉnh : Mình đáng chết
thực, thì ra từ nhỏ mình đã thấy hình bóng, y phục vua Trưng qua các bà
đồng, cho nên trong lúc nhập thiền, y phục đó hiện lên.

Kỷ niệm về thời thơ ấu sống lại mãnh liệt. Đền thờ hai Bà bao giờ cũng
có tượng, trong tư thế ngồi bệ vệ, quần áo rực rỡ, đầu đội khăn. Tượng
đặt phía sau màn. Chỉ quan khách đặt biệt mới được phép mở màn chiêm
ngưỡng tượng hai Bà. Hai bên bệ thờ còn có tượng của sáu hai nữ đại công thần, đẹp đẽ trong các bộ quần áo đủ màu, đầu đội khăn.

Hồi ấy cứ đến ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, tại các đền thờ vua Trưng,
ban trị sự đền tổ chức lễ tắm tượng, để chuẩn bị cho ngày Thánh hóa. Lễ
tắm tượng được tổ chức theo nghi lễ cổ truyền như sau :

Công việc tắm tượng được trao cho một cụ bà đạo cao đức trọng. Trước
ngày tắm tượng, bà phải trai giới ba ngày, tắm rửa sạch sẽ. Sáng ngày 6
tháng 2, bà mặc áo dài đỏ cùng với ba đồng nam, ba thiếu nữ, bưng nước
ngũ vị hương, dùng lụa mới tắm tượng. Năm 11 tuổi, thuật giả cũng được
hưởng ân huệ bưng nước ngũ vị tắm tượng vua Trưng cùng sáu nữ đại công
thần. Vì vậy được thấy tường tận y phục các ngài. Y phục đó giống hệt y
phục các bà đồng mặc, khi vào giá vua Trưng.

Đặt vấn đề ai đã may quần áo mặc vào tượng vua Trưng, cùng mười hai nữ
đại công-thần ? Người may đã căn cứ vào đâu để may các loại y phục như
vậy ? Một lần thuật giả đem vấn đề đó đặt ra với các vị trưởng thượng.
Các vị đó đều cho ý kiến. Nhưng ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng-Thục có
tính chất trung dung nhất, thuật giả xin ghi lại :

– Sau khi bà Trưng nhảy xuống sông Hát-giang tự tử, mười hai nữ đại
công-thần vị quốc vong thân. Người đương thời đã lập đền, tạc tượng thờ. Dĩ nhiên họ phải may quần áo giống như hồi sinh tiền các ngài đã mặc.
Đền thờ sau này tuy có trùng tu, xây mới. Nhưng không ai có can đảm may
loại y phục khác với y phục trên tượng các ngài. Vì, vậy y phục trên
tượng các ngài là y phục thời Lĩnh-nam. Còn các bà đồng khi bà hầu bóng, bao giờ cũng may y phục giống như y phục mặc trên tượng. Kết lại y phục trên tượng hai bà Trưng và mười hai nữ đại công thần được coi là đúng
nhất so với y phục phụ nữ hồi đầu thế kỷ thứ nhất.

Thế là thuật giả căn cứ y phục trên tượng vua Trưng và mười hai nữ đại
công-thần mà tả y phục phụ nữ thời Lĩnh-nam. Nhưng chỉ tuân theo loại
quần áo mà không theo màu sắc. Về mầu sắc, thì lại theo sử, hoặc theo
các cuốn phổ lưu truyền. Như y phục bà Hoàng Thiều-Hoa thường màu vàng. Y phục bà Hồ Đề theo người Mường, mầu tím. Y phục bà Phùng Vĩnh-Hoa, mầu
trắng v.v...

Về cờ của Lĩnh-nam với Hán, thời bấy giờ mang mầu gì ? Tìm mầu sắc cờ
Hán, phải trở lại với bộ sử ký Tư-mã Thiên. Trong đoạn Lưu Bang luận bàn với Trương Lương nên dùng mầu gì. Trương Lương đưa ý kiến nên dùng mầu
đỏ. Lưu Bang kinh ngạc, vì Hán ở phương Tây thuộc Kim. Mầu đỏ thuộc Hỏa. Hỏa khắc Kim, nếu dùng mầu đỏ chẳng hóa ra tự mình khắc hại mình ư ?
Trương Lương giải thích rằng : Hán ở phương Tây thuộc Kim. Kim cần Hỏa
mới luyện thành khí. Kim không Hỏa thì không thành. Vì vậy ta mới dùng
cờ màu đỏ. Khi vua Quang-Vũ nhà Hán phất cờ trung hưng, nối tiếp sự
nghiệp tổ tiên, vẫn dùng cờ đỏ.

Còn cờ Lĩnh-nam ? Không một bộ sách nào ghi lại. Chúng tôi tạm theo cờ
của đền thờ vua Trưng. Nền màu vàng, viền ngoài đỏ và tua màu xanh. Theo cuốn phổ của đền thờ Giao-long nữ ở Hổ-môn, Quảng-tây tả trận Lãng-bạc : Thủy quân Hán bại bỏ chạy, từ xa, hễ thấy thuyền nào kéo cờ vàng, tưởng là thuyền Lĩnh-Nam, thì bỏ vũ khí trốn chạy. Vì vậy trong toàn cuộc
khởi nghĩa vua Trưng, tôi tả cờ Lĩnh-nam màu vàng.

Từ đấy thuật giả cặm cụi viết và vấn đề y phục thời Lĩnh-nam không nhắc
đến nữa. Bẵng đi hai mươi năm không đem ra bàn cãi. Cho đến năm 1986,
khi trao bản thảo bộ Anh hùng Lĩnh-nam cho nhà xuất bản Nam-á. Vấn đề y
phục của vua Trưng lại được đặt ra. Anh Mai Trung giám đốc nhà xuất bản
Nam-á muốn chọn một trong các bức danh họa đã có sẵn về vua Bà, làm bìa. Thuật giả nghiên cứu trong bốn mươi bức tranh vẽ cũng như sơn mài làm
trước và sau 1975. Trong hơn bốn mươi bức đó, y phục hai Bà chia làm ba
loại khác nhau :

– Loại thứ nhất, phỏng theo y phục các thiếu nữ mặc, khi đóng vai hai Bà Trưng trong ngày lễ phụ nữ vào khoảng 1956-1963. Trong đó có bức tranh
của họa sĩ Phạm Hoàng, đã được chọn để làm bìa cho bộ Anh hùng Lĩnh-nam.

– Loại thứ hai quần trắng, áo dài Le Mur mầu vàng. Không thắt lưng,
ngoài choàng một lớp sa mỏng mầu trắng. Chân đi hài đầu đội khăn vành.

– Loại thứ ba ngoài chít khăn mầu, quấn ngoài một giải khăn, để xõa
xuống lưng. Áo dài hơi giống áo tứ thân, cổ choàng khăn, phủ xuống đến
vai. Ngang lưng quấn khăn, nút sang một bên hông. Vua Trưng thì nút ở
bên trái, bà Trưng Nhị thì nút ở bên phải, quần hơi giống quần phụ nữ
ngày nay. Chân đi giày, lưng đeo kiếm.

Sở dĩ chúng tôi chọn tranh của Phạm Hoàng làm bìa, vì biết chắc rằng hồi quyết định y phục cho các thiếu nữ trường Trưng-Vương, Gia-Long đóng
vai Hai Bà, ban tổ chức có tham khảo ý kiến của ban trị sự hội tôn kính
Trưng-Vương. Trong hội này có rất nhiều lính hay ghế của hai Bà. Sau khi bàn đi tính lại, dung hòa ý kiến, ban tổ chức đưa ra y phục trên, hơi
giống y phục của tượng hai Bà, sau đó canh tân đôi chút.

Một lý do nữa khiến chúng tôi chọn tranh ấy, vì trước mắt dân chúng
Việt-nam, dù muốn, dù không y phục đó đã thành quen rồi. Tiểu thuyết
khác với lịch sử. Sử cần đúng, cần thực chính xác. Tiểu thuyết cần quen
với quần chúng. Khi loại y phục đó quen với quần chúng, thì tự nó đã
thành tiểu thuyết rồi.

Một lý do nữa khiến chúng tôi chọn tranh ấy, vì trước mắt dân chúng
Việt-nam, dù muốn, dù không y phục đó đã thành quen rồi. Tiểu thuyết
khác với lịch sử. Sử cần đúng, cần thực chính xác. Tiểu thuyết cần quen
với quần chúng. Khi loại y phục đó quen với quần chúng, thì tự nó đã
thành tiểu thuyết rồi.

Có thân hữu nêu ý kiến, nên cho người về Việt-nam chụp hình đền thờ vua
Trưng ở quận Hai Bà Trưng ở Hà-nội, hoặc chụp hình hai Bà trong đền để
làm hình bìa.

Đến đầu năm 1988, giữa anh Mai Trung và thuật giả có bàn luận về việc
chia cuộc khởi nghĩa của vua Trưng ra làm ba đoạn. Giai đoạn một vẫn để
nguyên tên là Anh hùng Lĩnh-nam từ quyển một đến quyển bốn. Giai đoạn
hai từ quyển năm đến quyển bẩy, đặt tên là Động-đình hồ ngoại-sử. Giai
đoạn ba, từ quyển tám đến quyển mười đặt tên là Cẩm-khê di hận. Khi
quyết định như vậy, đương nhiên hình bìa phải thay đổi. Hình bìa bộ
Động-đình hồ ngoại sử phải nhờ họa sĩ Phạm Đình-Tín vẽ. Khi họa sĩ vẽ
xong, thuật giả xem y phục của bà Phật-Nguyệt đứng trên chiếm hạm, thấy
giống hoàn toàn y phục của các bà mặc khi hầu bóng Trưng-Vương. Thuật
giả có hỏi họa sĩ Tín về lý do nào mà ông vẽ y phục như vậy ? Ông nháy
mắt rồi cười tủm tỉm trả lời :

– A... à thì tôi đã thấy nhiều lần rồi.

Thuật giả hiểu trong cuộc đời gần bảy mươi năm của ông. Ông đã từng được xem bà xã là một nhà văn nữ lên đồng, các giá về vua Trưng, Hoàng
Thiều-Hoa, Trần Quốc, cho nên ông vẽ giống như y phục ấy.

Ngày 20 tháng 12 năm 1989, thuật giả có công tác y học phải đi Vân-nam.
Khác với những lần trước, muốn đi Vân-nam phải đến Bắc-kinh, rồi đổi máy bay đi Côn-minh. Lần này có đường bay mới từ Vọng-các đi thẳng Vân-nam. Thuật giả tới Vọng-các rồi đổi máy bay đi Côn-minh. Vừa đi vừa về giảm
đường bay được 12.000 cây số, thành ra thời gian công tác dư được năm
ngày. Các bạn đồng hành lập tức trở về Vọng-các tắm hơi, hoặc vào nhà
hàng No hands để được các cô gái Thái xinh đẹp đút cơm, mớm thức ăn cho. Thuật giả thì lợi dụng thời gian đó đi Ngô-châu, Liễu-châu thuộc
Quảng-tây và Quảng-châu thuộc Quảng-đông. Tại các bảo tàng viện di tích
văn hóa cổ ở đây, thuật giả tìm được nhiều ánh sáng về y phục thời vua
Trưng.

Trong bốn bảo tàng viện Côn-minh, Ngô-châu, Liễu-châu và Quảng-châu, các công trình khai quật những ngôi mộ cổ, cũng như tranh khắc ở các thạch
động, trống đồng vào thế kỷ thứ nhất, cung cấp cho thuật giả nhiều chi
tiết quan trọng về y phục thế kỷ thứ nhất. Dưới đây thuật giả trình bày
các hình chụp các y phục vào thời vua Trưng và thời Đông-Hán.

– Lạc-dương, kinh đô nhà Đông-Hán.

– Liêu-đông, vùng phía Đông Trung-quốc.

– Vân-nam, Quảng-tây, Quảng-đông, lãnh thổ Lĩnh-nam.

Qua các hình cho ta thấy y phục ba tỉnh thuộc lãnh thổ Lĩnh-nam hoàn
toàn khác biệt với y phục thuộc lĩnh thổ Hán. Khác biệt đến độ gần như
hoàn toàn. Mà y phục đó giống y như y phục trên tượng vua Trưng, cũng
như các bà lên đồng mặc khi hầu giá các anh hùng thời Lĩnh-nam.

Thuật giả không chép sử, không thể và không bao giờ có hy vọng viết sử.
Thuật giả chỉ viết tiểu thuyết lịch sử. Tiểu thuyết tha hồ phóng túng.
Dưới ngòi bút của La Quán-Trung, Ngụy Võ-đế Tào Tháo đang là một anh
hùng, đang là một thi sĩ đáng yêu trở thành một thứ gian hùng. Quan Vũ
đang là một tên vũ phu thô lỗ, trở thành một đại anh hùng, trung nghĩa
thiên thu. Thuật giả không viết theo lối đó. Ngược lại theo sát lịch sử. Tuy y phục thời Lĩnh-nam không phải là yếu tố quan trọng, nhưng khi tả
các ngài cũng không thể cho các ngài mặc quần đen, đội khăn vuông mỏ quạ như vậy chẳng khác gì cho các ngài mặc quần jean, nhảy disco. Tuy nhiên nếu muốn cho vua Trưng mặc váy, áo búi que, đầu chít khăn vuông mỏ quạ
như các cô gái Bắc-ninh hồi trước 1945, trong giai đoạn đầu các cuộc
khởi nghĩa thì cũng còn có thể cãi được rằng : Khi bà Trưng mới khởi
nghĩa, bà mặc quần áo giống như thôn nữ, để hòa đồng với mọi người thì
cũng được. Mấy năm trước đây, Phong trào liên bang Đông Nam Á, tranh đấu ở hải ngoại, đã cho cờ của quân Tây-sơn mầu vàng. Vua Quang-Trung thì
mặc giáp trụ giống như giáp trụ của Tôn Sĩ-Nghị. Rồi phong trào ra
nghiêm lệnh, cấm dùng bất cứ cờ nào khác. Hôm làm lễ ra mắt phong trào,
có mấy đứa trẻ con hơn mười tuổi tham dự, chúng cãi rằng cờ của vua
Quang-Trung mầu đào và ngài mặc quần áo nâu sồng như trai thôn quê, vì
căn cứ vào bài Ai tư vãn của công chúa Ngọc-Hân sau khi được phong
Hoàng-hậu, khóc ngài :

Mà nay áo vải cờ đào,

Thay vì người ta giải thích cho chúng, thì lại xua đuổi chúng ra, Buồn thực.

Viết tại Paris ngày giỗ thứ 1947 vua Trưng (1990).


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui