[Đồng Nhân Tấm Cám] Yếm Lụa

Cơ bản mà nói, tôi là một người rất lạc quan. Cũng đã đọc đủ loại tiểu thuyết viễn tưởng, cho nên đối với sự việc hoang đường xảy ra trước mắt, phản ứng của tôi cũng không đến mức cực đoan.

Đại khái, tôi không la hét khi mở mắt ra thấy một phụ nữ trung niên chít khăn mỏ quạ, mặc áo cánh cùng váy đụp. Cũng không kinh hoàng quá độ khi thấy mình nằm trên một cái giường tre, trong một căn nhà bốn vách đều là đất nung.

Mà trong nhà không có đèn điện, chỉ có đốt nến. Loại nến này, chắc chắn là loại được gia công thô sơ từ mỡ động vật, khi cháy còn ngửi thấy mùi khét.

Người phụ nữ trung niên nhìn chằm chằm vào tôi, đột nhiên bà ta mừng rỡ hét toáng, ôm chầm lấy tôi:

- Cục cưng của mẹ, may quá, con không có mệnh hệ gì!

Nếu đến đoạn này, tôi không nghi ngờ rằng mình đã xuyên không thì nàng đúng là siêu ngốc.

Thấy đầu của thân xác này đau đau, tôi thử sờ lên, thấy trên trán cũng đang quấn một lớp vải bông dày. Người phụ nữ trung niên kia sốt sắng hỏi:

- Cục cưng Cám, đầu con còn đau lắm không? Cũng tại con ranh Tấm kia, nhốt con mèo không cẩn thận, để nó tha bánh đúc của con, làm con đuổi theo đến giếng thì trượt chân ngã. Mẹ đã phạt nó nhịn đói ba ngày!

Tôi trợn tròn mắt, há miệng. Sau đó lại thở dài.

Lẽ nào trùng hợp như vậy? Tấm? Cám?

Mà tôi, chính là Cám.

...

...

Khi con gà trống béo mập nặng nề nhảy lên đống rơm cất cao tiếng gáy, tôi cũng bị tỉnh giấc.

Tuy ở hiện đại tôi là một đứa trẻ cổ quái ngỗ nghịc, cũng không có ai thực lòng quan tâm đến tôi, nhưng đối với thế giới văn minh đó, tôi vẫn vô cùng luyến tiếc.

Được rồi, đây là nông thôn Việt Nam cổ đại thế kỷ 17.

Thời mà tôi - thiếu nữ có cái tên trùng hợp là Cám này đang đứng, chính là một giai đoạn khá phức tạp trong lịch sử nước nhà: thời vua Lê - chúa Trịnh. Hiện tại là năm Canh Tuất (1610), niên hiệu Thuận Đức thứ 11.

Đây là làng Vạn Bảo, cách kinh thành Thăng Long không xa lắm, ở thời hiện đại chúng ta vẫn biết đến làng này như là quê hương của nghề lụa.

...

...

Tôi tỉnh giấc sớm, cho nên lò dò bước ra sân. Thực sự, tôi vẫn muốn tin đây chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Nói đến nữ chủ nhân của thân xác này, nàng tên là Lã Tố Ngưng, nhưng ở nhà thường gọi là Cám. Mỗi đứa trẻ nhỏ ở nông thôn khi sinh ra thường đặt tên xấu xấu một chút, vì cha mẹ họ tin rằng tên xấu sẽ dễ nuôi. Cha Cám từng là thư sinh có học, cho nên không nỡ đặt tên con quá xấu, vẫn đặt một cái tên chữ, kèm theo một tên cúng cơm.

Trên Cám còn có một chị gái hơn một tuổi, là con của người vợ trước mất sớm. Tên chữ là Lã Trinh Nương, ở nhà thường gọi Tấm. Cha Tấm mất cũng đã lâu, cho nên từ nhỏ nàng ấy đều sống cùng dì ghẻ và Cám.

Khi tôi nhập vào thân xác của Cám, không ngờ là thân thể này vẫn còn lưu lại một lượng kí ức cơ bản.

Tôi biết, mẹ Cám là một người phụ nữ bốc đồng ngoa ngoắt, lại cư xử tệ với Tấm.

Nhắc đến Tấm này, mấy hôm nay tôi không rời giường, cũng không thấy nàng ấy xuất hiện. Có lẽ bình thường Tấm chỉ được ngủ ở xó bếp, sáng tinh mơ lại phải ra đồng, cho nên với người quen ngủ lười như Cám, khó có cơ hội ban ngày gặp Tấm.

Ừm, người hiện đại như chúng ta ngủ đến bảy giờ sáng là bình thường, nhưng đối với xã hội nông thôn cổ đại, tôi đích thị là nàng Cám biếng nhác.

Mấy hôm dưỡng bệnh ngủ nhiều quá, cho nên tôi cũng không ngủ được nữa, thành ra hôm nay gà gáy đã tỉnh.

Tôi ra giếng, lấy cái thau đồng bóng loáng giơ lên coi lại bộ dáng của mình. Mười sáu tuổi, Cám vóc dáng mũm mĩm, da dẻ trắng nõn mịn màng, rõ ràng không phải làm việc nhiều. Mặt mũi cũng xem là dễ coi xinh xắn, so với thân xác cũ của tôi cũng có vài phần tương đồng.

Không có nước máy, phải dùng dây thừng kéo từng gàu nước dưới giếng lên.

Thấy tiếng động lục cục ở ngoài, mẹ Cám cũng rời giường, xỏ guốc mộc đi ra ngoài. Mẹ Cám vốn họ Chu, là một người đàn bà có chút ít tư sắc, có tài dệt lụa, chỉ tiếc bà thường hay ngoa ngoắt.

- Cục cưng, con làm gì vậy?

Thân thể Cám có chút trì độn, không biết là do lười biếng thành quen hay bẩm sinh đã chậm chạp vụng về. Mấy ngày nay tôi cũng cảm nhận, giác quan của Cám cũng không linh hoạt lắm, tai mắt đều không tinh. Điều khiển thân thể này, rõ ràng khó hơn thân thể tôi trước đây, mặc dù kiếp trước tôi cũng không phải người nhanh nhẹn gì.

- Mẹ, con lấy nước...

Nhất là khi tôi lên tiếng, cổ họng như bị tật, phát ra tiếng khàn khàn rất khó nghe. Ngay cả thanh âm cũng tệ như vậy....

- Con vừa bị bệnh, xuống giường làm gì? - Mẹ Cám lo lắng giật lấy gàu nước trong tay tôi, lát sau lại cau mày - Con Tấm lại không đổ nước vào chum trong nhà à? Sao để cục cưng mẹ phải ra tận đây?

Kiếp trước cha mẹ ngoại tình không ngó ngàng đến, bây giờ lại có người phụ nữ làm mẹ yêu thương mình như vậy, khiến tôi không khỏi xúc động. Có điều, tôi cũng không muốn bà thiên vị thái quá. Cô gái tên gọi Tấm kia, dường như rất khổ cực.

- Mẹ, lần sau để con làm là được rồi... Thân thể con đã chậm, nếu còn không làm, sau này sẽ càng chậm chạp...

Mẹ Cám múc nước, đòi tự mình lau rửa chân tay cho tôi. Bà cưng con mình như trứng mỏng, tuy nhiên lại vô cùng khắc nghiệt với con riêng:

- Con mới là con vàng con bạc, con không cần làm việc, loại con hoang như nó làm là được rồi.

- Nếu con không làm việc, sau này mẹ già lấy gì ăn? Chị Tấm ở với chúng ta mãi sao?

- Không cần làm, mẹ còn có của để dành. Từ nhỏ con mấy trận ốm thập tử nhất sinh, mẹ lo lắng muốn chết. Mẹ còn sống thì con không cần làm gì, sau này mẹ chết, con vẫn có của sống đến già... Còn con Tấm... - Nói đến đây, mắt bà sáng lên - Nó mặt mũi cũng được, tìm nhà giàu nào gả đi, đòi sính lễ lớn một chút, chúng ta lại có thêm nhiều tiền rồi...

Tôi thở dài. Có nên cho mẹ Cám biết rằng bà phải đối xử với Tấm tốt một chút, bằng không rất có thể kết cục sẽ như truyện cổ tích?

Nhưng thực tế, khi tôi cố gắng thử làm việc, phát hiện ra rằng thân thể này hoàn toàn vô dụng. Chân tay run rẩy lập cập, thường hay té ngã, khi làm việc nặng còn rất dễ bị thương.

Để tránh cho mình rơi vào thảm cảnh, tôi quyết định thay đổi kết cục xấu có thể xảy ra như trong truyện cổ tích. Tôi tính theo mẹ Cám học dệt vải, dù sao công việc này cũng không quá vất vả, ngồi một chỗ bên khung cửi là được.

Mẹ Cám vui vẻ dạy tôi mấy bước cơ bản, có vẻ cũng không quá hi vọng tôi sẽ làm nên trò trống gì. Mắt Cám không tốt, ở cổ đại lại không có đèn điện, đến sẩm tối tôi không thể làm công việc tỉ mỉ như so sợi được, đành đứng dậy vươn vai di dạo.

Tôi bước ra đầu cổng, thấy trăng sáng vằng vặc treo trên đỉnh ngọn tre. Xa xa có bóng hai người đi về phía này. Thiếu nữ tóc dài, thân thể mảnh mai như cành liễu, gương mặt thùy mị vô hạn xinh đẹp, tuy trên người chỉ mặc một bộ áo sờn rách nhưng không vì thế giấu đi được nét thanh tú của nàng. Nàng đang ngồi trên lưng trâu, thần sắc khá vui vẻ. Gã thanh niên đi bên cạnh dong dỏng cao, mặt mũi sáng sủa chất phác, quanh mình tản ra hơi thở trẻ trung khỏe khoắn. Gã đang dắt trâu cho nàng, thoạt trông giống như đang ân cần săn sóc phục vụ.

Thỉnh thoảng họ cười nói, trên mặt thiếu nữ kia lại có chút e thẹn. Nhưng gã con trai kia cũng có vẻ ngây ngô, ngại ngùng không kém.

Đến gần cổng nhà, họ nhìn thấy tôi, thiếu nữ vội nhảy xuống trâu, giật lấy dây thừng từ tay gã thanh niên, bộ dạng có chút lúng túng.

Tôi cố lục tìm trong trí nhớ, cô gái trước mắt quả nhiên là Tấm. Còn việc nàng ta nhìn thấy tôi lại lúng túng như vậy là vì sợ Cám như mọi lần sẽ mách với dì ghẻ. Dì ghẻ sẽ đánh mắng Tấm vì tội lười biếng, dám nhờ người chăn trâu hộ. Mà còn nhờ đàn ông, sẽ bị làng xóm dị nghị, bảo là bà không biết cách dạy dỗ.

Nam thanh niên nhìn thấy tôi, rõ ràng ý vui trên mặt đều biến mất. Gã từ trong túi móc ra một bịch thuốc đưa đến trước mặt tôi:

- Tao chỉ tiện đường sang đây đưa thuốc cho mày, gặp Tấm nên trò chuyện một phen. Mày đừng có mà mách lẻo. - Nói xong cảm thấy uy hiếp chưa đủ, gã còn tiếp lời - Nếu mày làm thế, lần sau tao sẽ bỏ ớt trong thuốc của mày, cho mày uống sưng vù mồm.

Tự dưng bị uy hiếp, tôi cũng không thích thú gì. Nhưng nhìn gương mặt hiền lành nhưng cố tỏ ra bặm trợn của gã, đột nhiên thấy rất buồn cười, nghĩ bụng hỏi vặn lại:

- Thế nếu lần này tao cứ mách lẻo, xong lần sau không uống thuốc của mày nữa?

Gã thanh niên có chút cứng họng, mà nàng Tấm cũng thấy ngạc nhiên. Số là, nàng Cám vốn không sợ ai, nhưng lại rất mến mộ gã hàng xóm A Sửu làm nghề bốc thuốc này. Cho nên khi A Sửu nhăn mặt với nàng, nàng sẽ vô cùng tủi thân.

Mà thực tế, A Sửu chỉ là con trâu đất, vì bênh vực Tấm nên mới cố tỏ ra hung dữ với Cám, gã chắc chắn sẽ không làm hại Cám.

Tôi cảm thấy khôi hài. Trước đây ở trường trung học, không dựa vào gia thế cũng không ai bắt nạt được tôi, chỉ có người bị tôi trêu đến tức muốn chết. Kẻ nào càng cố tỏ ra hổ báo, càng bị tôi chọc phát điên.

Vì vậy, tôi làm mặt quỷ, lè lưỡi chế nhạo A Sửu rồi nhanh chóng quay vào nhà.

A Sửu suýt nữa thì bóp nát bọc thuốc hiếm trong tay.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui