Đông Phương Thần Thám

PHẦN THỨ BAKHÚC CA LINH HỒN BIỂN

Một vùng biển thần bí, khiến trí tưởng tượng của mọi người được phát huy vô tận, đồng thời cũng gây ra rất rất nhiều điều kỳ lạ, nhiều câu chuyện thật giả đan xen đầy phấn khích... đương nhiên, ở đây vẫn có một nhóm người đã âm thầm bảo vệ ngôi nhà xanh thẳm này qua nhiều thế hệ, che chở cho biển cả mênh mông yên ả này...

QUYỂN BAKHÚC CA LINH HỒN BIỂN

Tiết tửTAM GIÁC RỒNG

Hơn trăm ngàn năm qua, sâu trong nội tâm của mọi người luôn tồn tại một nỗi sợ đối với biển cả, đặc biệt là sau khi nhân loại bước vào xã hội văn minh, càng ngày càng có nhiều tàu thuyền đi lại trên biển. Thế nhưng cho tới hôm nay vẫn còn tồn tại một vùng biển kỳ lạ khiến những người trong ngành hàng hải vừa nghe đã sợ mất mật!

Nơi này không phải là Tam giác Bermuda thần bí khó lường, tiếng xấu lan xa (đó là chuyện của người phương Tây, cách chúng ta quá xa nên cũng khó mà phỏng đoán thật giả), mà là vùng biển thần bí ở phía Đông Nhật Bản - Tam giác Quỷ.

Vị trí cụ thể: 25 độ vĩ Bắc, 142 độ kinh Đông, đây là khu vực có tọa độ trung tâm thần bí nhất trên thế giới, diện tích tam giác khoảng 13 triệu km vuông. Hơn mấy thế kỷ trôi qua, những chuyện như rất nhiều tàu thuyền đột nhiên bị chìm, máy bay mất tích một cách lạ lùng đã xảy ra nhiều lần ở khu vực này, nó nằm ngoài Đại Tây Dương, nằm sâu trong Thái Bình Dương; bình thường mọi người đều cho rằng biên giới của Tam giác Quỷ kéo dài từ phần trung tâm của biển Nhật Bản ở phía Bắc đến quần đảo Mariana ở đảo Guam ở phía Nam. Ngư dân địa phương thường gọi Tam giác Quỷ này là Tam giác Rồng, tên tiếng Anh là “The Dragon’s Triangle”.

Rốt cuộc là lực lượng nào đã nhấn chìm tàu thuyền vào đáy biển khiến không một ai sống sót, rốt cuộc tại sao những máy bay kia lại biến mất không để lại dấu tích gì; rốt cuộc là lực lượng nào đã đẩy những thủy thủ kia vào chỗ chết; bên dưới đại dương rốt cuộc ẩn chứa bao nhiêu bí mật, hang động tối tăm dưới đáy biển, từ trường khác thường, thứ không rõ lai lịch dưới biển kia có thật sự tồn tại không?

Ngày nay, những câu chuyện về quái vật dưới đáy biển đã dần biến mất theo sự phát triển của thời đại, thế nhưng ngư dân lân cận vẫn cực kỳ kính sợ Tam giác Rồng. Đặc biệt là khi bọn họ bị mê hoặc bởi tài nguyên thủy sản, cảm giác này lại càng mãnh liệt hơn. Kỳ quái hơn chính là Tam giác Bermuda đầy bê bối cũng nằm ở vĩ độ 25 ở bên kia bán cầu, vị trí đối lập với Tam giác Rồng, hai vùng biển này được tin là nơi sâu nhất trên thế giới.

Ban đầu, Tam giác Rồng Nhật Bản không có tiếng tăm gì so với Tam giác Quỷ Bermuda, nhưng về sau, nơi này càng ngày càng thu hút sự chú ý của mọi người, số lượng những vụ mất tích rất nhiều và tình hình vụ nào cũng ly kỳ, làm người ta rất sợ hãi! Từ sau chiến tranh thế giới thứ II tới nay, đã có 1500 - 2000 con tàu, mấy nghìn máy bay quân dụng, thương dụng và dân dụng mất tích một cách ly kỳ ở đây.

Năm 1502, đoàn tàu của nhà hàng hải Colombo muốn cập bến ở Florida bằng đường gần nhất, lúc tránh sóng gió đột ngột xuất hiện, trong nháy mắt, tất cả máy móc hướng dẫn đều mất tác dụng, la bàn kim chỉ nam không hề chỉ về hướng chính Bắc mà là chỉ lệch sang 6 độ Tây Bắc. Trong nhật ký hàng hải Colombo đã ghi lại quá trình này, cũng vì vậy mà ông ấy đã trở thành người của quốc gia phương Tây đầu tiên phát hiện ra hiện tượng góc nghiêng của trục Trái Đất. Mà lúc này, tại Tam giác Rồng ở bên kia bán cầu, một thuyền viên khác cũng đã từng có ghi chép tương tự. Từ đây, mọi người bắt đầu tin rằng hiện tượng góc nghiêng trục Trái Đất chính là nguyên nhân khiến các con thuyền bị lạc, thậm chí là mất tích trong các cuộc hành trình, mà trên thực tế, góc nghiêng trục Trái Đất chỉ là do cực Nam Bắc trên Trái Đất và cực Nam Bắc trên địa lý không trùng nhau tạo thành. Loại sai lệch này tồn tại ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu, vì vậy nó không phải là đặc điểm riêng của Tam giác Bermuda và Tam giác Rồng. Hiện tượng góc nghiêng trục Trái Đất Colombo nói đến vào 500 năm trước, nay đã sớm trở thành tri thức thiết yếu của các nhà hàng hải, nó không thể trở thành nguyên nhân gây ra lạc hướng và mất tích của các con tàu chở hàng hiện đại.

Ngoài ra còn có những hồ sơ sau ghi chép về Tam giác Rồng:

Ngày 19 tháng 4 năm 1949, tàu buôn Kuroshio Maru số 1 bị mất tích cùng với 23 thuyền viên;

Ngày 8 tháng 6 năm 1952, tàu trục vớt cá ngừ số 5 Chufumaru biến mất cùng 29 thuyền viên;

Ngày 26 tháng 7 năm 1955, máy bay phản lực F3B của không quân Hoa Kỳ bị mất liên lạc vô tuyến với căn cứ của họ, hai phi hành đoàn đã mất tích;

Ngày 12 tháng 3 năm 1957, trên máy bay chở dầu không quân KB-50 của Hoa Kỳ, tám phi hành đoàn được báo là đã mất tích;

Ngày 7 tháng 6 năm 1963, xác tàu Tonanmaru được phát hiện đang trôi nổi trên biển;

Ngày 9 tháng 9 năm 1980, tàu Debye Charles và toàn thể thuyền viên mất tích;

Hãy tập trung vào giới thiệu về sự kiện con tàu lớn bị chìm này...

Ngày 8 tháng 8 năm 1980, con tàu Debye Charles chuyên chở 150000 tấn quặng sắt tới gần bờ biển Okinawa của Nhật Bản khoảng 360 km, con tàu này lớn hơn con tàu Titanic gấp hai lần, thân tàu dài hơn cả ba sân bóng đá cộng lại, thiết kế từ đầu tới đuôi có thể nói là vô cùng hoàn mỹ;


Nó đã đi trên biển được bốn năm, trong thời gian này, tình hình máy móc vẫn rất ổn. Dừng chân trên boong thuyền của con tàu to lớn này, cho dù là ai cũng sẽ cảm thấy vô cùng an toàn, nhưng đây chỉ là đối với du khách mà thôi; trên thực tế, đa số thuyền viên thật sự quanh năm ở trên tàu Debye Charles chỉ vì kế sinh nhai nên mới phải mạo hiểm làm việc trên tàu Debye Charles, thường xuyên qua lại khu vực Tam giác Rồng.

Ngày 9 tháng 9, tàu Debye Charles và tất cả thuyền viên đều mất tích, một con tàu khổng lồ như vậy, dưới tình huống thế nào mới có thể biến mất mà không hề lưu lại chút dấu vết gì?

Sau khi tàu Debye Charles chìm được mười mấy năm, đa số mọi người đều cho rằng không thể nào tìm được xác của nó. Ngay cả chính phủ cũng khẳng định đó là do sức mạnh tự nhiên, sự kiện này cũng vì vậy mà kết thúc.

May mắn là sau mười bốn năm bị nhấn chìm, cuối cùng, xác tàu Debye Charles cũng đã được tìm thấy, như vậy, rốt cuộc là tai nạn gì mới có thể nhấn chìm nó xuống đáy biển vậy?

Tàu Debye Charles đã gặp phải bão (tốc độ gió hơn 100 m/s, sóng cao hơn chín mét), không cách nào trốn thoát, đồng thời, bão cuồng phong còn tạo ra sóng biển có bước sóng gần dư dài bằng thân tàu, cho nên khi hạ ngang bụng sóng, thân tàu sẽ lập tức bị đẩy vào cơn sóng lớn tiếp theo, sau đó, từng cơn sóng to nối tiếp nhau hoàn toàn bao vây lấy nó. Lúc nó bị cơn sóng lớn hình tam giác kinh khủng vây lấy, tàu Debye Charles bị xé làm ba mảnh vô cùng tàn nhẫn, đồng thời, lúc bị nhấn chìm còn bị đè ép tới mức biến dạng, tất cả thuyền viên không có ai sống sót.

Tuy nguyên nhân tàu Debye Charles bị nhấn chìm đã được tìm ra, có lẽ các nguyên nhân chìm tàu khác cũng tương tự như thế, nhưng lý do ấy vẫn không thể nào giải thích tất cả những hiện tượng kỳ quái này.

Ở Tam giác Rồng Nhật Bản cũng đã từng xuất hiện một hiện tượng kỳ quái, loại hiện tượng quỷ dị này khiến đồng hồ đột ngột thay đổi thời gian, tất cả những điều này đều bất thình lình, cho dù là trong tài liệu chính phủ hay là báo cáo cá nhân thì hiện tượng này đều xảy ra thường xuyên.

Lần đầu tiên Tam giác Rồng được người Mỹ chú ý, không phải vì sự kiện tàu Debye Charles, mà là vì sự kiện rơi máy bay thần bí của nữ phi công huyền thoại người Mỹ Amelia Mary Earhart vào năm 1937.

Amelia Mary Earhart ở Mỹ có thể nói là vô cùng nổi tiếng, vị nữ phi công huyền thoại này gần như đã bay đến mọi nơi trên thế giới.

Ngày 2 tháng 7 năm 1937, vào lúc 12 giờ 30 phút chiều, nữ phi công huyền thoại Amelia Mary Earhart và hoa tiêu* Fred Noonan rời khỏi New Guinea, bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng bay vòng quanh thế giới, kế hoạch về chuyến bay của họ là bay qua bầu trời của vùng biển Tam giác Rồng, sau khi bay được 4000 km thì hạ xuống mặt đất, nhưng cuối cùng thì hai người bọn họ đều mất tích, không ai còn sống sót trở về.

* Hoa tiêu: người hướng dẫn tàu bè hoặc máy bay.

Sau khi mất tích, hải quan Mỹ đã sử dụng một lượng lớn nhân lực vật lực để tiến hành tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển Tam giác Rồng, nhưng không thu hoạch được bất cứ thứ gì, không phát hiện ra bất kỳ dấu tích nào, toàn bộ cuộc tìm kiếm cứu nạn đã tiêu tốn hơn bốn triệu đô la (những năm 30 của thế kỷ 20).

Cho tới ngày nay, vụ mất tích của Earhart vẫn là một trong những vụ án kỳ bí nhất của ngành hàng không.

Không chỉ có máy bay của Earhart của Mỹ mất tích một cách bí ẩn tại Tam giác Rồng Nhật Bản, nơi này vẫn thường có báo cáo về sự xuất hiện của tàu ma trôi nổi trên biển, đó đều là những con tàu lớn không người lái, tồn tại ở vùng biển này vài thế kỷ rồi.

Theo tin tức được thông báo, vào lúc 4 giờ sáng ngày 11 tháng 6 năm 1881, tàu tuần dương hoàng gia loại nhỏ Bax đã gặp phải con tàu ma phát sáng The Dutch Dutchman trong truyền thuyết ở vùng biển Tam giác Rồng, con trai của vua George V của Anh hồi còn trẻ đã từng là một Thiếu úy Hải quân, trong nhật ký hàng hải của ông có ghi chép một đoạn thế này:

The Dutch Dutchman lướt qua đầu tàu của chúng tôi, cũng giống như những con tàu ma khác, nó phát ra lân quang kỳ quái, nó đi tới mạn tàu ở bên trái mũi tàu của chúng tôi, người lái tàu đứng trên cầu thuyền cũng có thể nhìn thấy nó, thế nhưng sau khi tàu cập bến thì lại không nhìn thấy bất kỳ dấu vết hay dấu hiệu nào của con tàu ở phụ cận hay ở đường chân trời...

Miêu tả này nhìn thì có vẻ không thể nào tưởng tượng được, nhưng rất nhiều người tin rằng hoàng tử sẽ không nói dối.

Tuy hiện tượng mấy trăm năm trước không thể giải thích được, ngày nay chúng ta đã có thể sử dụng tri thức để giải thích nó, nhưng vẫn chưa đủ để giải thích tất cả những đáp án của sự kiện kỳ quái này.

Cũng như Tam giác Bermuda của Đại Tây Dương, mọi người đều tin rằng ở phía Nam Tam giác Rồng Nhật Bản có từ trường thần bí quấy nhiễu, theo tin tức thì nhiễu sóng từ trường này chính là lý do dẫn tới sự kiện con tàu ma và máy bay, tàu thuyền lệch khỏi tuyến đường.


Trong những năm 50 và 60 của thế kỷ 20, phi công không quân Mỹ cũng đã từng báo cáo những hiện tượng tương tự khác, bao gồm cả phi công không quân Frank Hopkins, ông là cố vấn Đại đội Không vận 106. Vào mùa hè năm 1968, ông đã viết một bài báo cho tạp chí Merchant Marine, đó là về sự cố khi ông lái chiếc máy bay chở hàng tầng bình lưu C-97 qua Tam giác Rồng...

Trong thư, Hopkins nói: Mùa xuân năm 1966, khi tôi đang chấp hành nhiệm vụ hoa tiêu chính của máy bay C-97, chúng tôi đã hy vọng đây là một chuyến lữ hành thoải mái trong khoảng từ sáu đến sáu tiếng rưỡi. Theo quy định, Hopkins phải điều chỉnh vị trí của mình thông qua hệ thống vệ tinh dẫn đường tự động, nhưng trong giờ thứ ba của cuộc hành trình, một chuyện không tài nào hiểu nổi đã xảy ra.

Trong thư Hopkins cho biết: “Tôi đã thực hiện định vị thiên văn thứ hai vào thời điểm đó và thời tiết rất tốt. Vấn đề duy nhất là vị trí cách xa tuyến đường ban đầu gần 630 km, tôi đã kiểm tra dữ liệu nhiều lần để điều chỉnh xem đường bay của máy bay này tại sao lại bị lệch trong một giờ mà không rõ nguyên do. Sau khi hạ cánh, Hopkins báo cáo với nhân viên trực ban rằng máy bay của ông đã đi chệch hàng trăm km so với tuyến đường ban đầu, tuy nhiên báo cáo lại không được lưu trữ. Thế nhưng Hopkins vẫn tin rằng trong khu vực này thực sự có một sức mạnh kỳ dị đang tồn tại, gây ra uy hiếp rất lớn cho tàu thuyền và máy bay. Do những sự kiện này liên tục phát sinh, các chuyên gia cho rằng dưới đáy vùng biển Tam giác Rồng thật sự tồn tại một sức mạnh to lớn nào đó.

Vào một đêm sáng rõ tháng 1 năm 1989, chiếc tàu săn bắt cá voi Nhật Bản do thuyền trưởng Sakagami Moro điều khiển đã nhìn thấy một con tàu đánh cá nhỏ đang di chuyển khác thường cách khoảng mười sáu mét. Thuyền trưởng và những thuyền viên khác tới gần con tàu đó, nỗ lực tìm kiếm thuyền viên may mắn còn sống sót nhưng tất cả đều yên tĩnh, ông khẩn trương nhìn xung quanh nhưng đáp lại ông chỉ có tiếng nước va chạm vào thân tàu. Ông bắt đầu cảm thấy sợ hãi, xung quanh yên tĩnh thế này, rốt cuộc ở đây đã từng xảy ra chuyện gì?

Cuối cùng, thuyền trưởng Sakagami phát hiện ra rằng không có bất cứ thuyền viên hay hàng hóa nào khác trên tàu ngoại trừ thi thể của vị thuyền trưởng. Tay thuyền trưởng vẫn đang nắm chặt bánh lái.

Có khả năng đây là một bản ghi chép hồ sơ về Tam giác Rồng cách chúng ta gần nhất.

***

Dựa vào những tư liệu hồ sơ lịch sử do các nước ghi chép phía trên, có phần đã được tiết lộ, có phần vẫn trong trạng thái bảo mật, cũng có phần có ghi chép chính thức, nhưng vì một vài nguyên nhân hạn chế nên hiện nay vẫn không thể nào kiểm chứng tính chân thật của nó.

Có thể có người sẽ tò mò, nếu vùng biển thần bí này nguy hiểm như vậy thì sao lại có nhiều tàu thuyền bất chấp nguy hiểm tới đây như thế? Không lẽ não bọn họ đều ngắn sao? Không phải như vậy dâu. Tuy 70% Trái Đất được đại dương bao bọc, nhưng các tuyến hàng hải chủ yếu đều tập trung chủ yếu ở Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, trừ phi không muốn kiếm sống trên biển, bằng không những thủy thủ thường rất khó trách khỏi vùng tam giác khủng khiếp này. Vùng biển mười ba triệu km vuông nghĩa là gì, có thể rất nhiều người sẽ lập tức nghĩ tới một con số quen thuộc, đó chính là diện tích lãnh thổ Trung Quốc (bao gồm 9,3 triệu km vuông diện tích lục địa và 271 nghìn km vuông lãnh thổ vùng biển), đây chính là một khu vực vô cùng rộng lớn, cũng là nơi có rất nhiều tàu vận tải biển, du thuyền, tàu quân dụng, tàu đặc chủng và tàu dân dụng, thương dụng, máy bay quân sự phải đi qua, nhưng cùng lúc đó, chúng ta cũng có thể phân tích sơ bộ rằng cái gọi là Tam giác Rồng thực ra chỉ là một vùng biển.

Vì vậy, các sự kiện đắm tàu và những vụ máy xảy ra sự cố có thể cho là một dữ liệu thống kê, vùng tam giác đó cũng chỉ có thể là một khu vực được thống kê, có một vài sự tồn tại không khoa học, có lẽ một vài nơi cũng đã xảy ra những sự kiện tương tự, nhưng lại không thể phát sinh ở Tam giác Rồng, cũng có vài việc vốn bị cho rằng đã xảy ra ở khu vực Tam giác Rồng, nhưng thật ra lại không phải vậy. Nói chung, không ai có cách nào có thể xác định được vị trí chính xác ba điểm tọa độ của ba đỉnh Tam giác Rồng, ba tọa độ này chỉ tồn tại trong kinh nghiệm phong phú của các thủy thủ, cho dù tọa độ trong lòng mọi người có hơi khác nhau.

Thời gian thống kê tất nhiên cũng phải chờ bàn bạc, Tam giác Rồng chính là một khu vực thần bí như vậy đấy.

Có thể khẳng định một điều, đến ngày nay vẫn còn xuất hiện những vụ mất tích thần bí, chỉ tiếc rằng, những người chứng kiến chân tướng đó lại không còn ai sống sót, bí ẩn vẫn tồn tại, khoảnh khắc giải đáp được câu đố đó vẫn còn cách chúng ta rất xa.

Mãi tới những năm gần đây, sự kiện đắm tàu lại tiên tục xảy ra ở khu vực Tam giác Quỷ kinh khủng này.

Trong đó, từ năm 2116 đến năm 2118 đã xảy ra tám vụ tàu thuyền mất tích ly kỳ: theo thứ tự là tàu thám hiểm hải dương Tako của Nhật Bản, tàu giám sát hải dương Charm của Mỹ, tàu tấn công đổ bộ của Pháp, tàu chở hàng Đằng Dược, tàu chở du khách và hàng hóa Giang Tân, tàu chở hàng cỡ lớn Khẩn Đinh, tàu container buôn Nguyên Bác, tàu chở khách Centaurus định kỳ của Trung Quốc.

Chỉ vẻn vẹn trong năm 2218 mà đã xảy ra liên tiếp ba sự cố đắm tàu, tổng cộng có 139 thuyền viên đã bỏ mạng tại vùng biển thần bí này.

Câu chuyện của chúng ta bắt đầu từ đây.

Chương 105NGƯỜI GẢY ĐÀN GUITAR

Đông Phương Nhạc chắp tay sau lưng, nhàn nhã đứng trên boong thuyền nóng bỏng chân, tắm nắng dưới nắng mặt trời giữa trưa, hai mắt nhìn mặt nước bằng phẳng như gương trước mắt, biển cả mênh mông vô bờ, dòng suy nghĩ tất nhiên cũng trôi về phương xa từ lâu.

Mỗi lần nhìn biển, máu nóng trong lòng anh ta lại tuôn trào, có lẽ từ nhỏ anh ta đã thuộc về biển, anh ta cũng từng tự xưng mình là đứa con của biển. Có thể bạn sẽ cho rằng anh ta là nhân vật tài giỏi gì đó, nhưng bạn sai rồi - thật ra bây giờ anh ta chỉ là thuyền trưởng của một tàu chở hàng cỡ trung mà thôi.


Nếu như nói vị thuyền trưởng này có điểm nào hơn người, vậy thì chỉ có vị trí anh ta làm việc khi còn trẻ là khác với mọi người mà thôi: Thuyền trưởng của một tàu khu trục cũ của hải quân. Nhưng trong nháy mắt mình cũng đã xuất ngũ được được hai năm, đã trở thành một người đánh bắt hải sản bình thường từ lâu, là một “Lão thuyền trưởng” quản lý mười hai thuyền viên - thật ra tuổi của anh ta cũng không lớn, nhưng đúng là lão thuyền trưởng thật.

So với cảnh tượng đáng để nở mày nở mặt khi quản lý hơn 200 lính thủy quân năm đó thì vận chuyển hàng hóa bây giờ quả thật khác xa một trời một vực; những thủy thủ này lên tàu là để nuôi sống gia đình, đối với thuyền trưởng, họ đều là thích nghe thì nghe, không thích nghe thì thôi, không ai làm gì được họ cả, quá đáng thì cuốn gói bỏ đi, trên thuyền nào mà không kiếm được việc chứ?

Trong lòng nghĩ tới những chuyện cũ năm xưa và những việc lặt vặt hiện tại, Đông Phương Nhạc chậm rãi vòng qua đường lớn trong khoang, sau đó nắm lấy tay vịn cầu thang, động tác nhanh nhẹn leo lên lầu hai boong tàu, đi về phía phòng mình, từ xa đã nghe thấy tiếng đàn trong trẻo truyền từ trong phòng ra. Anh ta biết tên kia lại đến trước một bước rồi, Đông Phương Nhạc mắng thầm trong lòng, nhẹ nhàng gõ cửa phòng mình.

Trên mặt anh ta hiện lên nụ cười nhàn nhạt, người trong phòng này chính là người bạn quanh năm luôn theo mình đi xa, hiểu rõ sở thích của mình lúc chạng vạng nhất.

Bên trong phòng thuyền trưởng có một người đàn ông trẻ tuổi không tới ba mươi đang ngồi, đừng thấy cậu ta có dáng người to cao mà lầm, thực tế cậu ta chính là bác sĩ duy nhất trên tàu, ngoại trừ thuyền trưởng và kỹ sư trưởng ra, bác sĩ chính là người có địa vị cao nhất trên tàu viễn dương. Có ai mà không bị đau đầu, không bị cảm sốt, không bất ngờ mắc bệnh chứ, sống trên tàu chở hàng thường xuyên đi xa thế này, đôi khi bác sĩ còn quan trọng hơn cả thuyền trưởng.

Có điều, ưu điểm của cậu ta không chỉ là bác sĩ chuyên khoa nội ngoại mà cậu ta còn đánh đàn guitar rất hay, cũng là tri âm của thuyền trưởng Đông Phương của chúng ta.

Người trong phòng nghe thấy tiếng bước chân nhưng không hề phản ứng lại mà vẫn tiếp tục đàn, hoàn toàn quên mình, giống như đang chìm đắm trong thế giới của riêng mình vậy, không có thứ gì có thể lọt vào mắt cậu ta cả. Giá của cây guitar này không rẻ, được chế tạo riêng, không thể nào mua được trên thị trường, phải thông qua trang web trên mạng và liên hệ trực tiếp với cửa hàng mới mua được, giá của cây guitar lên tới hai mươi nghìn đồng! Tuy đắt tiền như thế, nhưng chỉ cần nhìn chất liệu hộp đàn thì sẽ thấy rất đáng giá, sau đó lại nghe thử âm sắc của nó, êm dịu mà tròn vạnh, âm thanh vang vọng lâu dài, thật sự là đồ tốt, đối với người chơi guitar chuyên nghiệp thì nó lại càng là một cây đàn tốt.

Tên của cậu ta là Mộ Liên, bác sĩ ngoại khoa của tàu chở hàng Lê Sa, cũng là một tay guitar.

Đông Phương Nhạc đứng ở cửa nhưng không lập tức bước vào, ca khúc đang được biểu diễn đã hấp dẫn anh ta, hiển nhiên đây là một ca khúc mới, trước giờ anh ta chưa từng nghe Mộ Liên biểu diễn ca khúc này bao giờ, ca khúc khi thì du dương, khi thì âm vang, khi thì trầm thấp, khi thì tinh tế, khi thì nhẹ nhàng, như khóc lóc nỉ non xoáy vào lòng người; lại dựa vào cách đàn và tiết tấu mãnh liệt khiến một người am hiểu âm nhạc sâu sắc như Đông Phương Nhạc cũng không khỏi cảm thấy thất thần. Rốt cuộc người đàn phải ôm ấp tình cảm như thế nào mới có thể khiến cho một người có trái tim kiên định như mình bị lay động, mơ nghĩ không dứt đây?

Đại khái qua khoảng một phút, Đông Phương Nhạc mới chậm rãi bước vào phòng mình, ngồi xuống ghế xoay dành riêng cho thuyền trưởng. Anh ta suy nghĩ một lát, sau đó liền cúi người lấy cây kèn trumpet được cất nhiều năm trong hộp dưới bàn lên. Đã nhiều năm không chạm vào nhạc cụ, vậy mà hôm nay lại tự nhiên sinh ra một loại kích động kỳ lạ. Đó là một nhạc cụ bằng đồng hơi bị gỉ nhưng lại đắt tiền không kém, bộ kèn đồng này vốn đắt hơn nhạc cụ dân tộc một chút, huống chi thứ này còn có “tên gọi” riêng - là di vật của thầy giáo mình. Đông Phương Nhạc từng bái một danh gia về kèn trumpet làm thầy, học nghệ hơn mười năm, không phải vì để kiếm sống mà chỉ vì hứng thú mà thôi. Tất nhiên, anh ta cũng tham gia không ít các buổi diễn chuyên nghiệp, nghiệp dư, trong lúc đi lính còn tham gia vài cuộc thi, nhiều lần đạt được giải thưởng.

Nhưng những thứ này đều đã trở thành ký ức rồi, sau khi xuất ngũ, cây kèm trumpet này đã được cất giữ hơn hai năm, đến nay vẫn chưa được chạm qua.

Đông Phương Nhạc nhẹ nhàng vuốt ve thân kèn, mặt ngoài bằng đồng khiến bàn tay anh ta có một loại xúc cảm quen thuộc; ba nút van trên thân kèn trumpet đã hơi kẹt, có lẽ là do lâu rồi không bảo dưỡng, dầu bôi trơn cũng đã bay hơi gần hết, Đông Phương Nhạc cũng không để ý, chỉ dùng ngón tay linh hoạt nhấn những nút van này, mãi đến khi kèn không còn phát ra âm thanh “cạc cạc” kỳ quái nữa anh ta mới khẽ mỉm cười.

Nếu không dùng thì nó sẽ thành đồ cổ mất, anh ta vui vẻ tự giễu.

Cũng may, miễn cưỡng cũng có thể dùng được, anh ta liền đặt miệng kèn đồng lên môi, thử phát ra chút âm thanh, cũng không tồi, cây kèn trumpet này giá gần mười nghìn đồng, tuy vỏ có hơi loang lổ vết gỉ đồng xanh nhưng âm thanh vẫn dâng trào và thuần túy như trước. Mộ Liên cuối cùng cũng ngẩng đầu nhìn anh ta, khóe miệng khẽ nhếch lên một nụ cười nhàn nhạt.

Người yêu âm nhạc, căn bản không cần trao đổi bằng từ ngữ.

Tài nghệ thổi kèn đồng của Đông Phương Nhạc lúc đầu còn hơi kỳ lạ, nhưng rất nhanh sau đó, anh ta đã theo kịp tiết tấu của Mộ Liên, hơn nữa, cây kèn trumpet này vẫn còn có thể phát ra âm cao sôi nổi mà trong trẻo như trước, quả thật đã vượt khỏi dự liệu của anh ta, dần dần, tâm tư của Đông Phương Nhạc cũng hòa nhập vào ý cảnh của khúc đàn guitar kia.

Thanh âm du dương, tiếng đàn khẽ lướt đều tự nhiên hình thành.

Hai người dường như si mê, chỉ dựa vào tình cảm trong lòng mà diễn tấu, hai loại nhạc cụ bất đồng về giai điệu và âm vực lại vẫn hòa hợp vào nhau, liền mạch lưu loát, mãi tới khi nốt nhạc cuối cùng được phát ra, tiếng vang vẫn còn lưu lại trong phòng một lúc lâu.

Hai người nhìn nhau một chút, cả hai đều hơi xuất thần.

Một lát sau...

Đông Phương Nhạc mới trầm giọng nói: “Đúng là một khúc nhạc hay! Đúng là khúc nhạc hay...” Anh ta lập tức tò mò: “Chỉ là không biết khúc nhạc này tên gì?”

Mộ Liên chán nản lắc đầu: “Hôm nay tôi bất chợt nảy ra ý nghĩ này, liền tùy hứng mà diễn tấu một chút, vẫn chưa nghĩ ra cái tên nào phù hợp với nó...”


“Tôi thấy anh đã lâu không thổi kèn trumpet mà lại thổi tới mức hứng khởi thế này, không bằng anh đặt tên cho khúc nhạc này đi?” Mộ Liên khẽ mỉm cười đề nghị.

Đông Phương Nhạc gật đầu, nhưng cũng không vội vàng quyết định, đặt tên cho một khúc nhạc cũng vô cùng quan trọng, chỉ cần hơi bất cẩn một chút là sẽ làm mất đi ý cảnh, vì vậy anh ta vẫn còn một nghi vấn.

“Tại sao đột nhiên cậu lại diễn tấu khúc nhạc này?” Đầu tiên, anh ta phải biết nguyên nhân.

Mộ Liên than thở: “Thật ra cũng không có nguyên nhân gì đặc biệt, chỉ là hôm nay đột nhiên nhiệt huyết dâng trào, nghĩ tới nhiều năm qua kiếm sống trên biển từng chút từng chút một, nghĩ tới không gió mà sóng cao ba thước, nguy hiểm luôn rình rập ở mọi nơi giữa đại dương mênh mông, nghĩ tới những năm tháng đằng đẵng vô vị kia, trong lòng lại sinh ra cảm khái vô hạn... Chỉ có vậy mà thôi.”

Đông Phương Nhạc không nói gì, tâm tư bị gián đoạn vừa rồi lại bất chợt nổi lên, ánh mắt của anh ta cũng trở nên mê ly.

“Đúng thế, tôi cũng nghĩ đến những chuyện này, chỉ có điều trong trải nghiệm của tôi, đời người cũng lắm lúc thăng trầm, thế sự cũng lắm lúc dồn dập hỗn loạn, đôi khi thất bại lại thấy nghi hoặc và cô độc không ngừng... khác đường nhưng cùng đích.”

Mộ Liên hơi cao hứng nói: “Nói như vậy, chúng ta phải ghi lại khúc nhạc này rồi đóng thành sách, ngày nào đó lại hợp tấu lần nữa, anh cảm thấy thế nào?”

“Tốt thì đúng là tốt, nhưng vẫn còn thiếu một cái tên thích hợp, đúng là có hơi tiếc.” Đông Phương Nhạc cúi đầu suy tư.

Ánh mắt Mộ Liên thông qua cửa sổ của phòng thuyền trưởng nhìn ra có thể thấy rõ nơi nước tiếp giáp đường chân trời, ánh nắng mặt trời phản chiếu xuống mặt biển yên ả tạo ra một vệt sáng màu vàng sáng chói, giống như một con rồng vàng rực rỡ nằm nghiêng trên dải lụa xanh thẳm vậy.

Dòng suy nghĩ của cậu ta hơi động, dường như vừa nghĩ ra một ý nghĩ đặc biệt.

Tầm mắt Đông Phương Nhạc lại đặt ở mặt tường trắng trơn và sàn nhà màu xanh lá, ánh đèn thuần trắng trong phòng xen lẫn với ánh sáng vàng óng bên ngoài chiếu vào khiến những vật chết này phát ra ánh sáng mê người. Đúng là một hình ảnh hấp dẫn, dễ dàng hóa giải nỗi cô độc và quạnh quẽ của người đi xa.

Bỗng dưng...

Hai người đồng thanh la lên: Khúc ca linh hồn biển!

Đúng vậy, “Khúc ca linh hồn biển”.

***

Chú thích:

1. Giai điệu và điền từ “Khúc ca linh hồn biển”:

(1) Giai điệu: đoạn nhạc mềm nhẹ mà ung dung dành cho đàn dây độc tấu, giai điệu lướt nhẹ miêu tả cảnh sắc mê người và sinh hoạt đặc biệt trên biển; nhanh gọn, nên dùng lực gãy đàn để khúc nhạc tiến hành thay đổi liên tục, tiếp theo chọn dùng phạm âm để biểu diễn bối cảnh biển cả mênh mông thần bí, hoặc cũng có thể là một loại báo động; quan trọng nhất là kỹ thuật ngón tay gảy đàn, kết hợp với kỹ xảo đánh đàn, cũng dùng một lượng lớn hoạt âm, đẩy dây đàn, dựa vào âm mà thể hiện phương pháp để cả khúc nhạc êm dịu tròn đầy, lộ ra mọi phương diện cuộc sống trên biển; kèn trumpet gạn đục khơi trong theo điệu nhạc miêu tả cuộc sống gần gũi phía sau cuộc sống khô khan xa xứ, âm điệu một chính một phản miêu tả đầy đủ sự đấu tranh và mâu thuẫn sâu trong nội tâm con người, cùng với thái độ sinh hoạt ngoan cường cứng cỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn vẫn quyết chí tiến lên phía trước. Cuối cùng, khi nguy hiểm đến, âm thanh từ dây đàn phát ra càng lúc càng chậm, âm thanh càng lúc càng dâng trào, quan trọng là người dẫn chính chuyển sang người thổi kèn trumpet, phần nhạc dùng cho dây đàn ôn tồn, ca ngợi thủy thủ chiến thắng khó khăn, cùng với khải hoàn trở về nhà; cả khúc nhạc kết thúc dưới màn độc tấu guitar, đoạn cuối có vẻ bình tĩnh và tràn ngập ý chí bất khuất sống trong nghịch cảnh, khác nào điệu Tín Thiên Du (dân ca vùng Thiểm Bắc Trung Quốc) còn văng vẳng bên tai, đây chính là hướng đi của toàn bộ giai điệu “Khúc ca linh hồn biển”.

(2) Điền từ:

Tuy bản thân tôi đã làm đơn giản phần ca từ nhưng vẫn không hài lòng lắm;

Do đó đề nghị: hoan nghênh toàn thể bạn đọc gửi bài, một khi ca từ được nhận, tiền thưởng ít nhất là 100 Nhân dân tệ (phải phàm tục như vậy đấy, làm phiền mọi người hiểu cho), nếu ca từ vượt qua mong muốn của tác giả, tiền thưởng có thể tăng thêm gấp đôi, không gia hạn mức tối đa.

Yêu cầu: Khoảng 200 chữ, tiếng phổ thông hiện đại, phù hợp với hướng đi của giai điệu, từ ngữ hay, hình ảnh giao hòa, dễ đọc dễ hát, còn lại thì không có hạn chế gì.

2. Thành viên trên tàu chở hàng Lê Sa (mười ba người): Thuyền trưởng Đông Phương Nhạc, kỹ sư trưởng Tôn Tam Thạch, bác sĩ Mộ Liên, đại phó Lỗ Gia Uy, nhị phó Hạ Nguyên Thân, người lái chính Tăng Lâm, người lái phụ Diêu Đàn Lễ, thủy thủ buộc cánh buồm Tạ Kim Sơn, thủy thủ bình thường Vương Phương, người trực tuabin Chu Bảo Côn, đầu bếp chính Lý Phúc Xương, đầu bếp Thôi Quý.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận