Hùng Duệ Vương chưa bao giờ nghĩ, có một ngày cái phong tục vô tội của tổ tiên, lại chính là nguồn gốc của đại họa ngàn đời.
Phàm là mỵ nương của hoàng tộc Hồng Bàng, lễ tiết cổ xưa bắt buộc
trước khi gả ra ngoài phải qua tục thách cưới. Hùng Duệ Vương tuy đã xác định phải gả con cho Tản Viên Sơn Thánh, song lễ tiết tổ tông vẫn phải
tuân theo, bèn ban lệnh kén rể lấy lệ, mục đích là chờ Thánh Tản đem lễ
vật đến dạm hỏi.
Có ngờ đâu lại lòi ra một vị Thủy Thánh Phương Nam.
Phong Châu nằm gần vùng biển phương Nam như vậy, lệnh kén rể lại rành rành ra đó, vua Hùng nào dám đắc tội với thủy thánh, bèn gấp rút cho
mời sơn thánh đến.
Ngồi trên cao nhìn xuống hai vị bán thần đang cúi đầu ngỏ ý muốn lấy
mỵ nương Ngọc Hoa, đầu ông đột nhiên nặng trĩu. Đắc tội với bất kỳ kẻ
nào trong hai đều sẽ đem đến họa sát thân cho toàn Văn Lang.
Đưa mắt nhìn con gái đang nấp mình sau lưng sơn thánh, ông dường như
có thể cảm nhận rõ ràng cảm xúc của nó trước vị thánh mang mặt nạ bạc
đứng bên kia điện.
Đó không đơn thuần là chán ghét.
Là sợ hãi. Là kinh hoàng.
Lại nhìn sang vị thánh chủ thủy tộc kia, thứ duy nhất ông đọc được là niềm si mê vô bờ bến đối với lạc nữ nấp sau lưng sơn thánh.
Nắm chặt lấy lạc điểu bằng đồng trên thành ghế, Hùng Duệ Vương đã biết bản thân cần làm gì.
“Cả hai vị đều là đấng anh tài, thiết nghĩ con dân Văn Lang ai ai
cũng rõ, vì thế cũng không cần chứng tỏ với Duệ tôi nữa làm gì. Nhưng
tôi lại chỉ có một đứa con gái, nào có thể gả cho hai chồng? Nay đành
lấy lễ vật ra để hai vị cùng phân cao thấp. Hoàng cung Văn Lang chúng
tôi hầu như thứ gì cũng có, kỳ trân dị bảo đáng tiếc thay lại thiếu đi
vài thứ. Nếu ai trong hai ngài có thể đem chúng đến đây sớm hơn, liền có thể kết duyên cùng Ngọc Hoa.”
Dừng lại dò xét biểu hiện của hai kẻ bên dưới, Hùng Vương ngẩng cao
đầu, hy vọng quyết định ngay giờ khắc này của bản thân là đúng đắn.
“Biển phương Nam cách đây một đêm đi ngựa, trong khi Ba Vì lại mất ba ngày chim bay, thiết nghĩ những món linh vật miền núi Duệ tôi đưa ra
đây cũng hợp lẽ hợp tình, hai vị cũng sẽ không cảm thấy bản thân hơn
thiệt đối phương. Lễ vật là một trăm ván cơm nếp, hai trăm nẹp bánh
chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao. Thêm một thứ, bớt
một thứ, đều xem như thua cuộc.”
Buổi chầu đã chấm dứt, Lang Xuy không nói không rằng, phất áo quay
người cưỡi sóng về thủy cung để chuẩn bị lễ vật. Duy có Nguyễn Tuấn là
vẫn nhíu mày, mắt ưu tư nhìn theo bóng dáng đen thẫm dần nhạt nhòa trong nước, lòng dấy lên một nỗi lo khó hiểu.
Hùng Duệ Vương làm như vậy, liệu có phải là việc tốt?
Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao – chính là lễ vật
Nguyễn Tuấn chàng đã nhắc đến sẽ dâng cho ông vào đêm qua. Nếu không có
gì trở ngại, tùy tùng của chàng vừa vặn sẽ đem những món đó đến Phong
Châu vào sáng mai.
Thế thì cho dẫu Lang Xuy có lợi thế về khoảng cách địa lý đi nữa,
cũng không cách nào vừa du hành cùng tùy tùng trong đêm vừa tìm ra được
ba con linh vật đó. Trong sự tính toán cẩn thận của Hùng Duệ, Lang Xuy
có làm gì cũng không thể thắng trận này, càng không thể dựa vào cớ vua
Hùng thiên vị mà tàn hại Phong Châu.
Tuy nhiên, Lang Xuy lại là một kẻ điên rồ bất phân phải trái.
Họa nhỡ Lang Xuy biết được sự thật, hoặc đơn giản là hắn bất chấp
hiệp ước không vi phạm nhau giữa loài người và thủy tộc, con dân Văn
Lang khác nào sẽ bị dồn vào ngõ chết? Ba Vì khác nào sẽ lâm vào can hoa?
Hương cau thoang thoảng bên mũi, có sự mềm mại tỳ lên má chàng, lúc
rời đi còn chút ươn ướt trên chỗ da thịt vừa tiếp xúc. Mắt đen chạm đến
gương mặt thiếu nữ nhoẻn cười thẹn thùng, mầm yêu trong lòng chàng lại
chẳng động mà tự nhiên run rẩy.
Mặc đi, âu cũng là đáng giá.
Sơn thánh nào đó đã nhìn lạc nữ khờ khạo của mình mà nghĩ thầm như vậy đấy.
…
Lễ cưới lần này đã được Hùng Duệ Vương dự trù và chuẩn bị ngay từ
buổi đầu bước chân về Phong Châu. Do đó, cho dù thời gian chỉ là một
đêm, mọi việc cũng đã được các bồ chính và trưởng lão bày trí thỏa đáng. Chuyện duy nhất còn lại phải làm của vua Hùng, chính là đứng trên vọng
gác ngóng đợi chàng rể tương lai đem lễ vật đến, chấm dứt tục thách cưới cổ truyền cùng nỗi lo ngay ngáy trong bụng.
Hừng đông đỏ rực một góc trời, nổi bật lên giữa thứ ánh sáng nồng ấm
là bóng hình của vô số linh điểu có người cưỡi lên. Vua Hùng lúc bấy giờ mới có thể hoàn toàn buông lỏng tay, thở phào nhẹ nhõm.
Toàn thân khoác áo bào đỏ thẫm quay lại, Hùng Duệ Vương phất tay tuyên bố với toàn dân Phong Châu.
“Phò mã của Văn Lang đã định, lễ cưới sẽ lập tức được cử hành!”
Âm thanh cồng chiêng thế là trỗi lên vang vọng một khoảng trời, hòa
vào đó là tiếng reo hò của người dân mộc mạc miền đồng bằng sông nước.
Con dân Lạc Việt ai nấy đều mừng thay cho mỵ nương xinh đẹp của họ,
khuynh thành tuyệt sắc đã đành, nay còn có thể sánh duyên cùng sơn thần
một cõi.
Lạc Cơ từ sớm tinh mơ đã được khoác lên bộ lễ phục tơ tằm trắng tinh, gấu váy dài thêu chim lạc bằng chỉ vàng lấp lánh. Trang sức trên người
hào nhoáng lung linh, so với lần đăng vị trước còn lộng lẫy bội phần.
Mỗi bước chân ngọc ngà nhấc lên, muôn vàn âm sắc chuông nhạc ngân nga
đuổi theo bén gót. Hướng đôi mắt trong veo về phía chân trời đỏ rực rợp
kín bóng linh điểu, trong lòng thiếu nữ dâng lên một niềm hân hoan khó
tả, bước chân vì thế mà càng nhanh nhịp.
Đứng trên bậc thang cao nhất của sân điện hoàng triều cùng Hùng Duệ
Vương, Lạc Cơ tròn mắt nhìn xuống cảnh tượng choáng ngợp bên dưới.
Hàng vạn dân chúng Phong Châu tụ về xung quanh cung điện, miệng không ngớt hò reo, tay không ngừng tung lên hoa trắng. Phía dưới cùng dãy
thang là các lạc tướng lạc hầu của cả hai bộ lạc, họ y phục chỉnh tề
quây quần thành hàng xung quanh dàn cồng chiêng hoàng gia. Ba mươi sáu ả xảo xứng thân khoác xiêm áo trọng lễ, đầu giắt lông công, tay bưng lễ
vật đứng thành hai hàng dọc đường lên cung điện.
Trên khoảng sân trung cấp, mười tám cái trống đồng được xếp thành
hình cánh cung bao bọc lấy tượng đài lạc điểu óng ánh. Trên đầu lạc điểu đứng một bóng người hiên ngang trong áo khoác lông hạc trắng muốt tinh
khôi, đầu đội mũ vàng có hình đuôi hoàng kim thần điểu.
Mắt người đó nồng nhiệt hướng về nàng, tay dang ra dường như đang dâng hiến, lại như ôm trọn vào lòng.
“Vua cha, đây là…”
Thoáng nụ cười phấn khích trên môi, Hùng Duệ quay lại nhìn con gái, giọng phảng phất niềm tự hào không che giấu.
“Đây là vinh dự lớn nhất đối với bất kỳ lạc nữ nào trên đất Văn Lang
này. Trước khi đón con về nhà chồng, Tản Viên Sơn Thánh sẽ vì con mà đệm lên một hồi trống đồng cầu thân, lời tuyên thệ sắt son một lòng truyền
vang bốn bể.”
Gậy đồng trên tay sơn thánh khẽ động, dân chúng bên dưới bất chợt rơi vào thinh lặng, mỵ nương Ngọc Hoa tiến lên một bước, váy lụa theo gió
tung bay theo âm điệu ngân nga của chuông nhạc.
Tản Viên Sơn Thánh đứng giữa đất trời lộng gió, gậy tạc đầu lạc điểu
đưa lên cao quay vòng, khẽ nhún chân phóng người xuống dãy trống đồng.
Gậy dập xuống mặt trống, âm thanh đầu tiên bắt đầu vang dội, u linh mà hào hùng chấn động lòng người.
Lạc Cơ đã từng trông thấy chín vị dũng sĩ Văn Lang gióng chín cái
trống đồng trong lễ hội mừng mùa ở Phong Châu, lại chưa bao giờ biết
mười tám trống đồng có thể được đánh chỉ bởi một người như vậy.
Những gì chứng kiến ở thời khắc đó, e rằng cả đời nàng khó có thể quên.
Bóng hình trắng muốt như mơ như ảo phóng lượn trên mặt trống đồng, âm thanh thần thoại cũng theo đó mà dấy lên từng hồi vồn vã, nhấn chìm
loài người vào miền hoang dã sơ khai của tâm hồn. Có điều gì đó thần
thánh trong cái cách ánh nắng bao bọc xung quanh vị bán thần oai hùng,
nắng phản chiếu trên văn thân loang loáng ánh kim, nắng luồn lách kéo ra sắc hổ phách huy hoàng nơi đáy mắt… làm cho loài người mê hoặc. Toàn
thân như thể bị bỏ bùa, họ giờ đây chỉ biết lặng thinh ngắm nhìn vũ điệu cầu thân trong sự tôn thờ, thần phục.
Vua cha đã từng nói, trống đồng là tinh hoa hội tụ của ngàn năm văn
hiến, tiếng trống đồng do đó qua ngần ấy thế hệ đã tích tụ không biết
bao nhiêu là xúc cảm tột cùng của nhân loại. Vì thế mỗi lần trống đồng
trỗi lên, quân thù đều hãi sợ buông vũ khí, dân ta cảm thấy rộn rã hân
hoan, lại phảng phất sự bi tráng đau lòng của những người đã khuất.
Những xúc cảm của nàng, Tản Thánh, vua Hùng và toàn dân Phong Châu trong ngày hôm nay, cũng sẽ vì tích tụ về trống mà lưu mãi vạn thế.
Giữa muôn vàn hạnh phúc bi thương của người đời qua tiếng trống ngàn
năm, Lạc Cơ mơ hồ cảm nhận nỗi niềm chất chứa vô cùng quen thuộc, song
lại vô phương định hình luồng cảm xúc này.
Vẳng lại bên tai chỉ còn giọng nói trầm khàn, chứa chan đau thương vô hạn.
Lạc Cơ, đừng đi.
Có đôi bàn tay ấm áp đặt lên vai nàng.
“Con gái, hãy tập trung vào tình cảm của con đối với Thánh Tản, con sẽ không bị cảm xúc người đời trong tiếng trống ảnh hưởng.”
Lạc Cơ hít sâu vào, mắt dõi theo dáng người thân thuộc đang vần vũ
trong điệu trống hùng anh bên dưới, lòng dần dần bình lặng, song lại
dâng trào theo một cách khác.
Đã là cảm xúc người đời, cớ gì thân quen nhói lòng như vậy?
Một hồi mơ màng hỗn loạn thoáng qua, thời khắc Lạc Cơ hoàn hồn sau
hồi trống đồng mê ảo, cũng là lúc nàng chạm vào đôi mắt nhu tình như
nước của người quỳ đối diện.
Bao nhiêu rối ren trong lòng bỗng như ngọn đèn cạn dầu, vụt tắt.
Vị lạc lang nào đó nhẹ nhàng rút từ trong người một bọc vải đỏ, lúc mở ra bên trong có hai hòn đá nhẵn bóng.
“Nàng nhớ hai vật này chứ?”
Mắt lạc nương ngốc mở to, mừng rỡ nhận ra hai hòn đá thề ngày nào
nàng ngỏ ý muốn cùng chàng kết duyên. “Cứ nghĩ đã mất rồi chứ! Sao lại
có thể là chàng giữ chúng?”
“Sao lại không thể là ta?” Chàng mỉm cười dịu dàng nhìn nàng, giọng nhỏ dần buông vào trong gió.
“Từ lần nàng bày chúng trước mặt, ta đã định đời này nàng sẽ là lạc nương duy nhất của Nguyễn Tuấn rồi.”
Lồng ngực đập lên rộn rã, bệnh tim của nàng lại chọn lúc này mà tái phát…
Hùng Duệ Vương đứng nhìn đôi trẻ nồng tình, chòm râu bạc khẽ động đậy, minh chứng của một nụ cười rạng rỡ.
“Đá từ thuở hồng hoang đã là vật linh trong thiên hạ. Nay ta dùng
chúng làm minh ước với quỷ thần, nguyện cho tình duyên hai con đời đời
viên mãn. Máu một khi đã thấm vào thạch, kiếp này nhất định không được
thay lòng. Nếu trái lời thề, tim sẽ bị quỷ thần móc đi, cả đời sẽ phải
mang trong mình một quả tim đá. Thiên thu không người yêu thương, cảm
xúc xa rời vạn kiếp.”
Lạc lang lạc nương cúi đầu đón nhận dao đồng từ vị cha già của dân
tộc, cắt tay nhỏ máu lên đá thề, đoạn đồng lòng đọc lên chú thề vạn năm
son sắt. Máu ngấm vào đá không còn vương chút dấu vết, đôi lứa đã chính
thức hoàn thành minh ước với ma quỷ thần tiên.
Miếng trầu, miếng cau sau đó được trao nhau; đất tổ gói trong cỏ thơm bẻ đôi cùng chia sẻ**; chén rượu thơm mùi nếp mới làm hồng cả má đào,
ngất ngây lòng đấng anh hào vùng sơn lĩnh.
Xương Cuồng vốn chỉ có thể cảm nhận đau thương từ vạn vật chúng sinh, vậy mà hạnh phúc thình lình tuôn ra từ lạc lang của nàng lại quá rõ
ràng, đến nỗi khiến nàng bàng hoàng choáng ngợp. Ánh mắt yêu thương nồng đậm cùng bờ môi thấp thoáng nụ cười thỏa mãn, chớp mắt thôi đã làm lòng nàng xốn xang như vậy…
Chẳng trách, rất lâu sau này, một lần nàng do ham vui nên đòi kết hôn lần nữa, có người đã nghiêm mặt đè nàng xuống mắng.
“Hôn lễ là việc nếu với đúng người, thì chỉ cần xảy ra một lần là đủ, biết chưa, lạc nữ ngốc nghếch?”
Tân lang, dẫu chưa đến mùa, lại nôn nao bung nở…
Lễ hội đón mừng hôn lễ của Tản Thánh cùng mỵ nương sau đó kéo dài đến tận nửa đêm.
Có thật sự tham gia vào một lễ cưới hoàng gia trên đất Văn Lang, mới
biết nó nhộn nhịp chừng nào, náo nhiệt ra sao. Dân chúng Phong Châu ban
ngày túa ra trước điện tổ, trai giết gà mổ trâu, gái bắc nồi đồ xôi,
chẳng mấy chốc mà hàng trăm mâm cỗ màu sắc rực rỡ đã được hoàn thành. Họ sau đó lại ngồi xuống cạn cùng nhau chén rượu, trao cho nhau lá trầu,
miếng cau, thuận hòa chúc vui cho sự giao thoa của hai miền sông núi.
Đêm đến, dân chúng treo lên sào cao những đĩa đèn dầu đính chuông
nhạc, lấy lửa và thanh sắc thay thế ngàn lời chúc tụng hướng đến tận
trời xanh. Họ sau đó quây quần dưới thềm cung điện, tay đánh sênh tay
nhịp phách theo những vũ điệu truyền thống chốn cung đình. Nổi bật là
điệu múa vũ trang của các dũng sĩ Văn Lang, hào hùng mà uyển chuyển, tôn vinh tinh thần thượng võ của người dân Lạc Việt. Giáo khiên trên chiến
trường đưa người vào chỗ chết, giờ đây lại mang đậm phong vị thi ca,
không khỏi khiến cho quan tướng núi Ba Vì một phen mở mang tầm mắt, hết
lòng ngợi ca.
Lạc nương lạc lang, tuy thân là mỵ nương và sơn thánh, cũng không
tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi niềm vui chan hòa của người dân thuần phác,
cuối cùng bị họ kéo ra hòa mình vào các trò chơi giao duyên đầy hàm ý.
Khi thì vào đình cài hoa kết hoa***, lúc lại ra sân giã cối luống. Từng
đôi gái trai cầm chày dài có trang trí lông chim đứng giã những chiếc
cối rỗng hình vuông, miệng ngâm nga hát nên lời giao duyên đưa đẩy.
Người dân thưa với mỵ nương rằng, hành động mô phỏng giã gạo đó – chính
là tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
Có thiếu nữ sau đó giữa đám đông quay sang ngô nghê hỏi lạc lang của
mình. “Vậy Nguyễn Tuấn xui Lạc Cơ ngày đêm chăm chỉ giã gạo trên giường
là thế, sao đến giờ em vẫn chưa thấy cái gì sinh sôi nảy nở hết?”
Lạc lang nhà nàng suýt nữa đã tự giã chày lên chân. Vua Hùng uống
rượu cùng sơn tướng Dao Sùng ở gần đó cũng từ từ đứng lên, tay vuốt
trán, không hẹn mà âm thầm cùng nhau nhích đi mất bóng, khẽ khàng đến
nỗi ma không biết, quỷ chẳng hay.
Có chút im lặng quỷ dị, rất nhiều mặt người đỏ hồng, sau đó cuộc vui lại tiếp tục nhộn nhịp.
Đêm xuống trên phòng the của đôi trẻ mới cưới, lạc nương nào đó đến
cuối cùng cũng không biết sẽ có cái gì sinh sôi nảy nở, vẫn là bị lạc
lang nhà mình đè ra giã thành bột nhuyễn.
Cuồng nhiệt qua đi, Lạc Cơ chợt nhớ ra vài chuyện, kéo đầu ai kia đang gục vào cổ mình thở dốc lên, mắt mơ màng hỏi về độc yêu.
“Trên đời này làm gì có loại độc nào lợi hại như thế,” nghe nàng
luyên thuyên bên tai, ai kia vì tinh thần đang vô cùng thỏa mãn, bèn mỉm cười đáp lời.
“Nhưng có người đúng là đã trúng mà.”
Chống tay lên giường nhìn xuống gương mặt nhỏ nhắn, Nguyễn
Tuấn khàn giọng. “Nếu quả thật có loại độc đó… Bắt một nam nhi từ bỏ cả
tôn nghiêm và mộng tưởng để quấn lấy bản thân, kẻ hạ độc quả là thủ đoạn độc ác.”
“Nếu có được độc đó thì hay quá.”
“Hử? Nàng muốn dựa vào độc để chế thuốc giải?”
Lạc nữ nào đó bình thản lắc đầu.
“Không, là cho chàng uống.”
Bốn mắt nhìn nhau một lúc, sơn thánh nọ bật cười, cúi đầu áp môi lên
mũi nàng đầy yêu thương sâu đậm, lời buông ra treo giữa không gian đượm
mùi luyến ái.
“Bây giờ có khác gì trúng độc sao, lạc nữ ngốc?”
Tay lồng vào tay, màn the lại không ngừng động đậy.
Có người vô tình gieo độc, có kẻ cố ý đắm chìm…