CHƯƠNG 105.
BẠN HÔN
Cuộc âm hôn của Trần Dương đơn giản hơn so với âm hôn của Ngụy Ninh rất nhiều, mà chuẩn bị cũng ít hơn.
Tất nhiên Trần Dương rất hài lòng với những thứ giản lược và bở bớt ấy, ngược lại làm người thân của Trần Dương, sắc mặt thím Sáu Ngụy không tốt lắm, miệng thì cứ lẩm bẩm gì đó.
Tới ngày hôm đó, ngày thích hợp xuất giá, thích hợp hiến tế, thích hợp đi xa, thích hợp đội mũ, tóm lại là một ngày hoàng đạo.
Còn vì sao âm hôn mà lại chọn ngày tốt của cõi dương thì chẳng có gì, chắc là dù âm phủ hay dương thế luôn phải chú ý đến cát tường như ý, mọi sự hài lòng.
Trần Dương mặc vào bộ áo mới màu trắng.
Chỗ cổ áo, cổ tay áo, vạt áo là những đường thêu khéo léo, thêu bách quỷ dạ hành trông rất dữ tợn đáng sợ và sống động vô cùng.
Kết hợp với âm hôn kỳ lạ u ám này thì hợp càng thêm hợp.
Dáng Trần Dương cao gầy, mặc bộ quần áo này vào, lúc không nói gì thì thật có cảm giác như những gì còn sót lại từ thời Ngụy thời Tấn.
Khi trời sập tối, hoàng hôn dần buông, mặt trời lưu luyến không rời lấy đi ánh chiều tà cuối cùng, hết thảy xung quanh dần thiếp ngủ.
Núi non uốn khúc quanh co, nhấp nhấp nhô nhô, chia địa cầu thành từng vùng nhỏ, rồi bất thần trở nên âm u rét lạnh khi mặt trời đi ngủ.
Tiếng kèn sắc-xôn nặng nề đột ngột vang lên, người nghe đến mức răng hàm đắng ngắt.
Một người phụ nữ dùng thứ âm thanh đã già, khàn khàn kéo dài giọng, “Bạn sinh, bạn tử, bạn luân hồi kết thân, kết hồn, kết nhân quả —— bắt đầu ——”
Cùng một trình tự, cùng vẻ âm u, Trần Dương vung tay áo xuống, chầm chậm bước về phía nhà chính, anh phải bái biệt người thân.
Thím Sáu Ngụy ngồi giữa nhà chính đang chờ anh.
Sau khi đại lễ ba quỳ chín lạy với điện thờ được mang đến của Trần gia xong, Trần Dương bưng một chung trà quỳ xuống, dâng tới trước mặt thím Sáu Ngụy.
Thím nhận lấy chung trà ấy, nhấp môi rồi để xuống.
Bên cạnh anh là cậu cháu trai nhỏ nhất chỉ mới mười mấy tuổi của cụ Ngụy.
Cậu thiếu niên ngây ngô đang xụ mặt cầm bài vị của Ngụy Lâm Thanh, cậu nhóc cũng quỳ gối trước mặt thím Sáu Ngụy.
Tấm bài vị ấy rõ ràng mới được làm, còn ngửi được cả mùi sơn thoang thoảng.
Sau lễ nạp thái[1], Trần Dương bị một đám người vây quanh kéo ra ngoài cửa.
Lúc kết âm hôn, Ngụy Ninh phải đi một vòng thật lớn quanh thôn, còn anh thì đi thẳng tới ngoài thôn Ngụy, người tham gia buổi lễ hôm nay cũng ít hơn so với buổi lễ của Ngụy Ninh.
Ít nhất Ngụy Thất gia và những ai thân thiết với ông ta chưa từng đến giúp đỡ hay xem lễ.
Trần Dương ngồi trong kiệu, cỗ kiệu lảo đảo chao nghiêng như con thuyền đang trôi ngược dòng bị sóng nước đánh nhấp nhô nghiêng ngả.
Màn kiệu màu đen đập vào thân kiệu, thứ âm thanh đó giữa bầu không khí im ắng bỗng nhiên cao vút.
Những gốc cây hòe cao lớn mọc sát nhau hai bên đường.
Trên con đường rộng mà bằng phẳng chỉ có thể nghe thấy tiếng bước chân của con người.
Có con chim nào đó thảng thốt kêu nơi chân trời dần ngả màu u tối, chúng tụ năm tụ bảy hoặc đơn độc bay qua không trung, cánh chim chao nghiêng phát ra tiếng phần phật.
Bóng đêm ngày một sâu thẳm, thứ ánh sáng từ ***g đèn giấy trắng lại ngày càng mờ ảo nhạt nhòa.
Nơi họ đến là khu lâm trường cách thôn Ngụy khoảng một dặm.
Vào những năm bảy mươi tám mươi, đây là nơi xây nhà để ai trông coi rừng ở lại, phía trước là vùng đất bằng đã được sửa sang dùng để chứa củi được vận chuyển từ núi xuống.
Công việc lâm trường hưng thịnh trong vài thập niên, sau khi chặt cây đốn rừng gần hết rồi thì nghề này dần sa sút, những kẻ làm việc ở lâm trường dọn hết ra ngoài, nhà cứ thể bỏ trống.
Hiện phần lớn cây cối ở thôn là do sau này mà có, cùng một ít trúc được gieo trồng.
Khu lâm trường cách phần mộ của Ngụy Lâm Thanh không xa, cụ Ngụy bảo thế rất tiện.
Còn về chuyện tiện ở điểm nào, tiện cho người hay cho quỷ, Trần Dương không hỏi.
Đến nơi cỗ kiệu được thả xuống, tấm màn được kéo lên.
Trần Dương bước ra khỏi kiệu.
Căn nhà trước mắt anh khá lớn, gồm hai tầng, lan can, cửa sổ đều làm bằng gỗ.
Hễ bước đi căn nhà sẽ kêu kẽo kẹt khiến vô thức phải bước nhẹ, chỉ sợ mạnh chân quá thì căn nhà gỗ đã xây không biết bao năm rồi đổ sụp, và người cũng đổ sụp theo.
Bên ngoài nhà giăng đèn kết hoa, người nhà cụ Ngụy không làm qua loa có lệ mà rình rang ra phết, chắc là dưới sự kiên quyết của cụ thì đám con cháu không dám qua loa được.
Cụ Ngụy đã đứng chờ trước cửa từ bao giờ, nhìn thấy đội đón dâu từ xa cụ bèn xoay người trở về nhà chính.
Cụ ngồi vào chỗ thứ hai mà để trống vị trí cho người cao nhất, chắc là để lại cho trưởng bối đã chết.
Một dải lụa trắng, một đầu cột trên tấm bài vị còn một đầu được Trần Dương cầm.
Dưới tiếng kèn sắc-sôn và sự chỉ huy của người chủ trì hôn lễ, nghi thức bái thiên địa được tiến hành.
Quỳ trời quỳ đất quỳ tổ tông, lạy cha lạy mẹ lạy phu thê, trong khoảnh khắc Trần Dương cảm giác như mình đã xuyên qua mấy trăm năm về trước, về thời đại quá khứ.
Dưới không khí nặng nề nghiêm túc xung quanh, anh không kiềm được mà cười nhẹ.
Nụ cười ấy khiến anh giáp mặt với cậu nhóc chỉ mới mười mấy tuổi đang bái đường cùng luôn liếc ngang liếc dọc nhìn anh, vẻ mặt thằng nhóc tò mò tợn.
Trần Dương trừng mắt với thằng nhóc, khiến nhóc ta thiếu chút nữa đã bật cười.
Thế là nó nhanh chóng nghiêm mặt lại, chứ nếu lỡ mà cười thật thì không cần ông cụ ra tay, ba nó cũng sẽ đánh nó mất.
Bái thiên địa xong, Trần Dương bị hai hai bà già đưa vào hỉ phòng.
Hỉ phòng trên lầu hai, một bàn một ghế một giường.
Những chữ hỉ lớn màu trắng dán trên tường, nơi đầu giường và đối diện giường.
Ở đây còn bày biện bàn thờ nữa, trên đó là nhang khói lượn lờ, vài món trà quả.
Đưa Trần Dương đến nơi rồi thì hai bà cụ rời đi, trong phòng chỉ còn lại mình anh.
Trần Dương thở hắt ra.
Mất một lúc anh mới cởi được cái nút cổ áo cực kỳ phức tạp.
Qua đêm nay là xong, thứ anh nên lấy cũng đã lấy, nên làm cũng đã làm, tiền bạc cũng đã thỏa thuận đâu vào đấy.
Trần Dương tự rót cho mình ly rượu, sau đó bắt đầu nhâm nhi mấy thứ hoa quả khô đang để trên bàn.
Anh đói lắm rồi, từ sáng sớm đã chẳng có gì bỏ bụng.
Tập tục chỉ có thể ăn ở nhà đàng trai của âm hôn nơi thôn Ngụy này thật tình là hại người quá mức.
Trần Dương cứ tưởng âm hôn đến thế là xong, ai dẻ chuyện xảy ra sau đó chứng tỏ rằng anh hãy còn ngây thơ lắm.
Lúc cụ Ngụy dẫn theo Đông lão tiên xuất hiện trước mặt anh, Trần Dương đã uống đến ly rượu thứ tư, bụng mới no một nửa.
Cụ Ngụy tươi cười hớn hở nhìn Trần Dương, “A Dương, ăn ngon không? Ăn rồi thì theo chúng ta, xong trình tự này rồi thì mới coi như chân chính kết thành âm hôn.
Đi, đi nào.”
Trần Dương chửi thầm trong bụng, anh uống sạch rượu rồi thuận tay ném cái ly lên bàn, sau đó ra khỏi cửa cùng đoàn người của cụ Ngụy.
Anh biết Đông lão tiên, nhưng vào giờ phút này anh chỉ gật đầu với lão coi như chào hỏi.
Rõ ràng, bây giờ không phải là thời cơ tốt để tán dóc hay ôn lại chuyện cũ.
Đừng nhìn cụ Ngụy đã bảy tám mươi tuổi, nhưng thật ra cụ còn cường tráng lắm.
Cụ ngẩng đầu ưỡn ngực, đi nhanh như gió, lớp trẻ mà không tập luyện thì chớ có theo kịp sải bước của cụ, thứ gậy gọc trong tay cụ là món trang sức lảm kiểng thôi, chẳng có tác dụng gì.
Trần Dương đã từng một lần nghi ngờ cây gậy ấy chỉ chuyên dùng đánh người.
Người nào người nấy đều cầm trong tay chiếc ***g đèn giấy trắng.
Đường núi quanh co khúc khuỷu, nhấp nhô gập ghềnh, rậm rạp lùm cỏ, cây cối san sát.
Thứ ánh sáng mờ ảo do ***g đèn giấy chiếu ra không sáng lắm, dường như sương mù bắt đầu tỏa ra xung quanh, thỉnh thoảng truyền đến tiếng sột sà sột soạt.
Có vật còn sống đang cựa mình đâu đó, nhưng không biết rốt cuộc vật sống ấy là gì.
Con đường núi này không khó đi, ít nhất có thể nhìn rõ đường, chắc là do những người khai hoang trước kia sửa lại.
Đám người Trần Dương bước thấp bước cao đi tới, hơn nửa tiếng mới đến được nơi cần đến.
Phía trước là một chỗ đất trũng, chính là nơi chôn Ngụy Lâm Thanh.
Cách mồ mấy chục bước có hơn là một vùng đất trống mà cụ Ngụy đã an bài người quét dọn sạch sẽ, còn dựng cả một căn chòi gỗ.
Trần Dương nhìn thoáng qua, công tác chuẩn bị cũng chu đáo khiếp, mà không biết họ xây căn chòi định làm gì.
Chẳng rõ vì sao, bỗng dưng trong lòng Trần Dương cảm giác không ổn lắm, rằng căn chòi kia đang đợi anh.
Phần mồ mả mọc đầy cỏ hoang của Ngụy Lâm Thanh cũng được sửa sang lại thỏa đáng, còn cả một tấm bia viết, ‘Mộ Ngụy Lâm Thanh, em Ngụy Chính Thanh khóc lập’.
Đông lão tiên dẫn theo đám đạo sĩ đến trước mộ Ngụy Lâm Thanh, bắt đầu thực hiện.
Sau khi để đồ cúng trước mộ và lấy mấy thứ pháp khí ra, Đông lão tiên cầm một ly rượu bắt đầu đi vòng quanh mộ.
Lúc này Trần Dương mới chợt hiểu, họ đang định khởi quan! Âm hôn của thôn Ngụy còn định khiêng cả quan tài lên! Anh còn tưởng chỉ âm hôn giữa người chết với người chết mới làm tới bước này, ai ngờ được giữa người sống với người chết mà cũng làm y hệt.
“Âm là âm, dương là dương, âm dương không đảo ngược sống là sống, chết là chết, sống chết ở số trời —— Tân nhân Trần Dương của Ngụy gia lễ bái, xin quỷ thần khắp nơi không kinh không trách, dùng tam sinh lục súc cúng tế, đèn nhang tiền giấy dâng người, xin được khởi quan —”
Lúc đọc đến đoạn ‘Tân nhân Trần Dương của Ngụy gia lễ bái’, không đợi Đông lão tiên nhắc Trần Dương đã quỳ trước bàn thờ.
Việc này chẳng khác gì lập đàn, đạo sĩ nói làm gì thì sẽ làm đó, đơn giản vô cùng.
Có thể anh không hiểu những pháp thuật khác của đạo sĩ, nhưng rất quen thuộc với thứ này.
Ba đợt lập tràng nối tiếp nhau năm xưa, anh đã quỳ đến chết lặng.
Lúc ấy ngay cả hồn cũng lửng lửng lờ lờ, chỉ có mỗi ý nghĩ sao chỉ còn mình không chết.
Trần Dương thờ ơ nhìn họ xới đất khiêng quan tài Ngụy Lâm Thanh ra, cụ Ngụy đẩy Trần Dương, “Đi đỡ phụ đi.” anh cũng chẳng dị nghị gì bước qua giúp.
Khi đỡ lấy cỗ quan tài dính đầy bùn ướt ấy, lúc tay chạm phải quan tài, một luồng khí âm u lạnh lẽo lúc nào cũng quẩn quanh tay anh, khiến anh rùng mình ớn lạnh.
Ngọn núi xung quanh im phăng phắc, tất cả cảnh vật trước mắt, từ ***g đèn giấy trắng đang treo trên cây bị gió thổi đung đưa đến ánh đèn mờ mờ ảo ảo, hết thảy như bị bao phủ giữa mênh mông mịt mù.
Và Trần Dương nhìn lướt qua, bên cạnh là một góc quan tài nho nhỏ.
Chắc đây là cỗ quan tài năm đó chôn thằng quỷ nhỏ.
./.
[1] Một trong sáu lễ chính của hôn lễ ngày xưa, gồm lễ nạp thái, lễ vấn danh, lễ nạp cát, lễ nạp tệ, lễ thỉnh kỳ, lễ thân nghinh (tức lễ rước dâu hay lễ cưới).
Đăng bởi: admin