CHƯƠNG 138.
LẤY VỢ
Ngụy Thất gia đứng giữa bóng tối nhạt nhòa, tấm lưng còng xuống rọi lên tường cái bóng như có như không.
Bề mặt bức tường như tích tụ thứ nước bẩn hoặc nấm mốc do ở trong bóng tối đã lâu, đang giương nanh múa vuốt, rất dữ tợn đáng sợ.
Ông vừa ho sù sụ vừa hỏi ba người Trần Dương, giọng lạnh lẽo mà lại chất đầy oán hận không thể nói rõ.
Mùi hôi thối ngập trong không khí, trừ tiếng mưa rơi thì xung quanh im lặng lạ thường.
Ba người Trần Dương không nói gì, đêm hôm mà chạy tới nhà người khác không phải là chuyện chính đáng.
Trần Dương kéo thằng quỷ nhỏ, thấp giọng hỏi nó, “Rốt cuộc phụ thân con ở đâu?”
Thằng nhóc đưa cánh tay bụ bẫm của mình chỉ lên lầu, “Ở trên đó ạ.”
Trần Dương, Ngụy Thời và Ngụy Ninh liếc nhau, ngầm tính toán.
Ba người chậm rãi vây Ngụy Thất gia lại, tiếp đó Ngụy Thời triển khai đại pháp quấy-phá-càn-rối của cậu nói nhăng nói cuội với Ngụy Thất gia, còn Trần Dương định lén lút vòng ra sau Ngụy Thất gia lên lầu.
Song tuy tuổi cao sức yếu, Ngụy Thất gia hiển nhiên chưa già tới mức hoa mắt.
Trần Dương mới vừa cử động ông đã dộng mạnh cây gậy xuống đất, “Rầm ——”, một thanh âm nặng nề kéo dài khiến tinh thần ba người Trần Dương chấn động, tựa thể họ bị đánh thẳng vào tim.
Ngụy Thất gia quát lớn, giọng sắc nhọn và khản đặc như vịt, “Cậu, cậu định đi đâu? Ba kẻ con cháu các người tưởng hai chúng ta già cả đánh không lại chứ gì? Giỏi thì theo ta tìm mấy ông già phân xử đi! Còn biết tôn trọng trưởng bối nữa không?”
Ngụy Thời vừa cười hùa theo Ngụy Thất gia vừa nháy mắt với Trần Dương.
Trần Dương liếc nhìn rồi không phản đối gì chạy thẳng lên lầu.
Còn về phần Ngụy Thất gia, nếu không phải vì ông ta dính vào chuyện của thôn Ngụy, thì họ cũng lười chửi ông ta chứ đừng nói đến việc ra tay đánh người.
Từ cầu thang lên lầu hai có tổng cộng mười bậc thang, cứ bước lên một bước thì tiếng nói chuyện giữa Ngụy Thời, Ngụy Ninh và Ngụy Thất gia cứ nhỏ dần.
Dần dà, mọi âm thanh trong trời đất này như biến mất, tựa như không phải anh đang đi lên lầu hai mà là bước vào một không gian khác.
Trần Dương càng thêm cẩn thận.
Thằng quỷ con bám vào trước ngực anh, gương mặt đanh lại, bàn tay nhỏ bé siết thành đấm, mắt không chớp nhìn chòng chọc lầu hai.
Bất chợt, từ tay vịn cầu thang, một gương mặt trắng nhợt nhạt thò đầu ra liếc Trần Dương và thằng quỷ nhỏ.
Miệng nó rộng tới mang tai và đang há lớn để lộ một cái hố nhầy nhụa máu, chiếc lưỡi đỏ lè thè ra dài đến nửa thước.
Trần Dương sợ tới mức dừng ngay lại, chỉ xíu nữa anh đã trượt chân ngã xuống lầu, anh vội vịn lấy lan can giữ thăng bằng.
Bỗng nhiên anh thấy hình như mình chạm phải thứ gì hơi là lạ, anh vội buông tay ra cúi đầu nhìn.
Lan can không phải bằng gỗ hay kim loại mà được làm từ da.
Nơi vừa rồi bị anh bắt lấy còn cả một nốt ruồi.
Kìm nén sự gớm ghiếc lại, Trần Dương chùi bàn tay vừa mới chạm vô lan can vào quần, sau đó im hơi lặng tiếng tiếp tục đi về trước.
Trên cầu thang và trên tường đồng loạt thay đổi, bề mặt bức tường thậm chí còn nhấp nhô lên xuống tựa như đang thở.
Thật sự là vừa gớm ghiếc vừa khiếp chết được, Trần Dương thấy sức chịu đựng của anh quả không vừa.
Một luồng khói đen lan ra từ tường và mặt đất.
Luồng khí ấy rất nhạt không thể thấy rõ trong màn đêm tăm tối này, đến lúc phát giác thì chẳng rõ đã hít vào bao nhiêu.
Đầu Trần Dương ngày càng váng vất, xung quanh ngày một im lặng.
Đó là đêm đen âm u vô cùng trước khi bình minh tỏa sáng, bóng đêm tối tăm tĩnh mịch, và rồi, ánh sáng từ tốn len vào, vạn vật như sống lại, cái vồn vã ầm ĩ của cuộc sống dần hiện ra.
Mọi vật như bừng sáng, có thể trông thấy rõ cả giọt sương rơi trên lá.
Trần Dương nghe bà nội đang gọi anh, anh day trán, thấy đầu đau khủng khếp.
Sao lại đau đầu thế này, tối qua đã xảy ra chuyện gì nhỉ.
Rồi cửa phòng anh bị bà nội đẩy ra, Trần Dương hối hả kéo chăn che người, miệng bảo, “Bà ơi, con đã bảo bà mấy lần rồi, trước khi vào bà phải gõ cửa chứ.”
Bà nội bước đến bên giường rồi liếc vẻ ngượng ngùng của Trần Dương, “Khắp người cháu có chỗ nào bà chưa nhìn? Lúc cháu còn bé là bà với mẹ cháu thay nhau rửa mông thay tã cho cháu, giờ lớn thì bày đặt bẽn lẽn hả?”
Trần Dương bị bà chọc ghẹo đến mức đỏ mặt, anh cào tóc, bất đắc dĩ thở dài, “Ối trời!”
Bà nội lay anh, “Nhanh dậy đi, hôm nay còn phải đến nhà ba vợ cháu đấy! Tối qua cháu với mấy thằng bạn uống nhiều quá, gọi thế nào vẫn không chịu tỉnh! Đã bảo đừng uống nhiều mà không nghe.” Bà nội lùa anh xuống giường như đang lùa gà, Trần Dương vừa cầm quần áo mặc vào vừa trốn lấy trốn để cửu âm bạch cốt trảo của nội, sau cùng dựa vào sự nhanh nhẹn mới lỉnh ra được khỏi phòng.
Ba vợ? Uống rượu?
Trần Dương day cái đầu nặng nề của mình, đau nhức kinh khủng.
Anh gắng nhớ lại mới nhớ ra được hai ngày nữa anh sẽ kết hôn, thế là đám anh em cùng nhau lớn lên từ nhỏ mới tụ lại đánh chén để tỏ lòng thương cảm với việc anh chấm dứt cuộc sống độc thân hạnh phúc.
Nhưng Trần Dương cứ cảm giác không đúng, dù đó có là bà nội khỏe mạnh hay càm ràm trước mặt anh hay Hai Mập béo núc ních đến mức bụng ngấn mấy vòng, chẳng qua, rốt cuộc là không đúng chỗ nào? Ngay lúc anh đang ngồi dưới gốc cây nhãn trước nhà, mẹ anh cầm cái muôi đến gõ đầu anh, hung dữ rít lên, “Còn ngồi ngây ra đây làm gì, không mau đi rửa mặt đến nhà ba vợ đi!”
Trần Dương bị mẹ rống đến mức sao kim đầy trời, theo bản năng anh cãi lại, “Mẹ à, cái muôi dính đầy dầu mỡ dó, chẳng lẽ mẹ muốn con mang theo quả đầu dính đầy dầu đến chỗ ba vợ à.”
Mẹ anh tươi cười nhìn anh, “Phải nhỉ, để mẹ cho thêm dầu vào, cái đầu con sẽ nghe lời mẹ, nào ——” nói xong cái muôi trong tay vung lên.
Trần Dương sợ tới mức hú lên một tiếng rồi ôm đầu nhảy dựng, bước một bước dài tránh xa cái muôi trong tay mẹ anh, sau đó lẻn đến phòng bếp rửa mặt.
Trần Dương rửa sạch mặt còn thuận tiện gội đầu, ăn diện chỉnh tề.
Mẹ và bà nội liếc anh rồi nhìn nhau, gật đầu liên tục.
Nội anh cười tươi như hoa, “Không phải bà khen con cháu nhà mình, chứ quanh đây có ai so được với Diệm Diệm nhà chúng ta chứ!”
Mẹ anh thì kín đáo hơn, bước tới chỉnh sửa cổ áo cho anh, nhưng nét cười trong mắt chẳng thể nào giấu nổi.
Mẹ Trần Dương cười nhìn anh, “Con lớn quá rồi, đến lúc lấy vợ rồi đấy.” Thấy vẻ sắp nhớ lại mấy chuyện ngọt ngào của mẹ anh, ba anh vội vã ngừng câu chuyện của bà xã lại.
Ở chung đã bao năm nên cả hai rất hiểu tính tình nhau, nếu cứ để bà xã nhà mình nói tiếp thì thế nào cũng mất hơn cả tiếng.
Ba anh đưa Trần Dương và mấy người mai mối đến nhà ba vợ anh, họ đang tiến hành những bước cuối cùng của hôn lễ – lễ nạp thái.
Đây cũng là tập tục nơi họ sống, lễ nạp thái này tương đương với đính hôn.
Vào lễ này phải đưa lễ đến cho đằng gái, ít nhất phải có một cặp giò heo, một đôi rượu, một cặp gà vịt, đây là phần lễ cơ bản.
Có nhà giàu có thì lại khoe khoang, đưa nguyên con heo nguyên con cừu để thay thế những thứ ấy, ngoài ra còn đưa cho cha mẹ đối phương vài thứ vải vóc may mặc, còn giày và vớ cũng đưa đến theo đôi, đốt khá nhiều tiền.
Đương nhiên trong phần trọng lễ này, quan trọng nhất vẫn là bao lì xì.
Tiền trong bao lì xì được bà mối và người nhà hai đằng nam nữ bàn bạc đâu ra đấy, hơn nữa còn chú ý để là một con số may mắn.
Trước kia người ta hay thích số chín của cụm ‘trường cửu’, còn giờ lại thích số tám, chẳng hạn như tám ngàn tám trăm tám mươi tám, hoặc một vạn tám ngàn tám trăm tám mươi tám.
Ba Trần Dương nhét một bao lì xì thật dày trong ngực, con trai lấy vợ nên không thể keo kiệt được.
Trần Dương vừa đi vừa đăm chiêu suy nghĩ.
Kể từ lúc say rượu tỉnh lại, anh cứ cảm giác như mình đang lọt vào sương mù bị người trong nhà nắm mũi dẫn đi, anh có thể nói gì đây? Nói rằng anh hoàn toàn không nhớ rõ mình có vị hôn thê? Nếu anh nói thế, chắc chừng trong nhà sẽ nháo nhào mất.
Song anh quả tình chẳng thể nhớ nổi, ngay cả dáng hình vị hôn thê ra sao cũng chẳng nhớ nổi.
Hiện lại phải đến nhà ba vợ làm ‘lễ nạp thái’ nên anh chột dạ lắm, định rút lui bỏ cuộc xừ cho rồi, chứ anh đâu hề muốn kết hôn với người mình chẳng biết gì.
Anh suy tính nhanh như chớp.
Chẳng bao lâu xe đã dừng lại, vùng thôn này khác hoàn toàn với chỗ của họ.
Cổ kính, kiến trúc trong thôn phần lớn đều theo phong cách vào thời Minh thời Thanh, nhìn qua những tưởng thế giới hiện đại đã bị quên lãng mất.
Người trong thôn vẻ mặt tươi cười, nhàn nhã tự tại, sống cách biệt với bên ngoài, tường xanh ngói trắng, thật chẳng khác nào chốn đào nguyên.
Trần Dương biết thôn này gọi là thôn Ngụy, còn vị hôn thê của anh là người trong thôn.
Trần Dương theo ba và bà mối tới trước một căn nhà tường cao đại viện, nhà cửa san sát kề nhau.
Cánh cửa màu đỏ thẫm mở ra, một ông cụ dẫn theo vài người đàn ông đứng trước cửa đón khách.
Ba anh bước lên nói với ông cụ, “Để cụ phải chờ thật ngại quá!” Cụ Ngụy phẩy tay, “Việc hệ trọng của con cháu tất nhiên phải để cụ già ta chủ trì! Thằng con nhà anh không tệ đâu! Ha ha!”
Ba anh kéo anh rồi đẩy anh còn đang lơ ngơ tới trước chào hỏi với mấy ông cụ chú bác gì đó.
Tiếp theo tiếng ồn ào nổi lên, anh ngẩng đầu thì thấy hóa ra là người con gái đính hôn cùng mình đang bước tới.
Thoắt cái tinh thần Trần Dương phấn chấn hẳn, có một em xem trọng còn hơn không có em nào, mà em này còn là hôn thê của mình nữa chứ.
Chẳng qua sau khi liếc người ta rồi thì Trần Dương thấy phải chăng não anh phẳng rồi mới tìm một hôn thê như vậy.
Chưa nói đến cái dáng còn cao hơn anh thì ngay cả gương mặt, dù đẹp đó dễ nhìn đó nhưng sao mạnh mẽ thế, hàng mi quá dày, ánh mắt quá sắc, là đàn ông thì đúng hơn chứ nhỉ? Đệt, thế mà là con gái à? Đừng nói là loại con gái như con trai đó chứ!
Trần Dương nhìn cô gái tên Ngụy Lâm Thanh này – tên mà cũng như đàn ông con trai – rồi cảm giác mình không phải bị gài thì cũng chẳng khác chi bị gài.
Đừng mong anh đồng ý hôn sự này, anh phải từ hôn! Đăng bởi: admin