CHƯƠNG 95.
YÊU QUÁI THÀNH TINH
Trần Dương trải qua mấy ngày này chẳng vui vẻ gì.
Ngày nào cụ Ngụy cũng chống gậy run lẩy bà lẩy bẩy đến trước mặt anh, hoặc cưỡng bức dụ dỗ, hoặc tận tình khuyên bảo, hoặc lã chã rơi lệ.
Tóm lại, thủ đoạn nào có thể sử dụng cụ đều dùng cả, để anh nhất định phải đồng ý cuộc âm hôn này.
Trần Dương chịu không nổi phiền nhiễu ấy, nhưng anh chẳng thể làm gì ông cụ gần như đã bước một chân vào quan tài này được, thế là chỉ đành gắng sức đối phó.
Người trong đội biết chuyện, gặp anh thì cứ “Chú rể à, chào chú rể nghen.” hoặc là, “Chú rể à, lái xe lu lại đây, đây này, bên này”.
Ngay cả Triệu An luôn hiền lành cũng không buông tha anh.
Nghe mấy lời ấy mà gân xanh trên trán Trần Dương giật liên hồi, nhưng cũng chẳng làm gì được.
Đó là việc thứ nhất, còn việc thứ hai là do Ngụy Thời nói phải rời đi một chuyến, thứ thuốc anh uống mấy ngày nay đành tạm thời ngưng lại.
Ngụy Thời cứ nhắc đi nhắc lại rằng trong mấy ngày này anh đừng đi dưới nắng, thậm chí nơi nào nhiều người thì tốt nhất cũng đừng đi do dương khí mấy chốn ấy rất nặng.
Trần Dương cười nhạt.
Với công việc của anh sao tránh được hai điều trên? Hơn nữa, sau đêm hôm ấy Trần Dương biết rằng con quỷ kia sẽ thường xuyên đến cho âm thai trong bụng anh ăn.
Một khi đã thế, chắc cuộc sống thường ngày cũng không có gì trở ngại lắm.
Hôm nay hiếm khi vừa lúc được nghỉ, Trần Dương trở về nhà một chuyến.
Dọc theo đường đi anh được bà con láng giềng chào hỏi.
Anh đẩy cửa ra, bỗng thấy một bức thư rơi trên đất.
Trần Dương thấy lạ, anh nhặt lên thì thấy bức thư này không phải màu trắng giống những bức thư thông thường.
Thư màu ố vàng không dán tem, không mã hoá bưu chính, không địa chỉ.
Gần mặt trên bức thư là nét chữ nguệch ngoạc viết vài chữ, nhận thư, Trần Diệm Diệm.
Nét chữ vụng về méo mó, là những con chữ phồn thể không theo quy phạm.
Có thể nhìn ra được trình độ văn hóa của người viết không cao lắm, hơn nữa tuổi cũng khá lớn.
Nếu là người trẻ sẽ chẳng có bao người biết viết chữ phồn thể, hoặc có hiểu cũng sẽ không quá để tâm.
Là thư gửi cho anh.
Trần Dương cầm bức thư kỳ lạ này mà thấy sao quen quá.
Suy nghĩ một lát, anh vẫn mở thư ra.
Vừa mở thư, mắt Trần Dương đã tối lại.
Bìa thư là bùa được gấp lại mà thành, bên trong là bùa chú dùng mực màu đỏ sậm vẽ ra.
Những hình vẽ cực kỳ chi tiết và đẹp đẽ, hàng trăm con quỷ dữ tợn đáng sợ nổi trên nền giấy.
Trần Dương nhìn mà hơi hãi hùng, anh ngửi thấy mùi máu tươi thoang thoảng từ bức thư kia.
Mực chính là máu người.
Giấy viết thư cũng là bùa chú, trên ấy viết ngoáy mấy chữ, có thể nhận ra chữ viết ấy là từ ngón tay đẫm máu.
“Trăm năm trầm oán, xương trắng bao kiếp người, một mai dù sống chết, chẳng thể nào gặp được nhau, chỉ mong sau này con được đền bù.”
Không phần đề tên.
Xem xong và nhớ kỹ lời ấy rồi, Trần Dương lấy bật lửa đốt bức thư đi.
Đây là ‘Thư của quỷ’, là do người cõi âm lấy máu người môi giới, lấy âm khí dẫn đường, lấy oán khí phụ trợ để viết cho người dương thế.
Phần lớn thư này dùng để nguyền rủa hoặc trả thù, chỉ có một ít dùng để truyền tin.
Trần Dương không cảm thấy nỗi căm hơn trong bức ‘thư quỷ’ ấy, nên chắc chừng có con quỷ nào đó muốn nhắn cho anh biết chuyện gì.
Đáng tiếc anh đâu phải thần tiên, gửi một câu sắc bén không đầu không đuôi như thế, sao có thể đoán ý của con quỷ ấy cho được.
‘Thư quỷ’ xem xong phải thiêu hủy ngay.
Thứ nhất là để nói cho con quỷ kia rằng đã nhận được thư.
Thứ hai, dẫu gì thư quỷ cũng không phải là thứ sạch sẽ, người sống cầm lấy thì sẽ có ảnh hưởng không tốt.
Sau khi đốt rồi thì sẽ không còn ảnh hưởng nữa.
Trong nhà lạnh lẽo thê lương, chỉ mới vài hôm không về mà trên bàn đã tích cả tầng bụi.
Trần Dương đứng trong nhà một lát thì chịu không nổi nữa.
Miệng anh đắng nghét.
Anh chẳng biết mình giữ lại căn nhà này làm gì, là để hoài nhớ hay để cảnh tỉnh bản thân.
Trần Dương rút một điếu thuốc, anh đứng trong chốc lát rồi chậm rãi ra cửa.
Anh không ngồi xe mà cuốc bộ dọc theo con đường đi đến trấn Từ Ấn.
Đi hơn tiếng đồng hồ, lúc tới gần bãi tha ma anh trông thấy một ông lão gần sáu mươi, da mặt hồng hào.
Vừa thấy đó là bác Ngô thường hay dẫn anh lên núi bắt thỏ, Trần Dương bèn gọi, “Bác Ngô, lâu lắm không gặp.”
Nghe tiếng kêu, bác Ngô nhìn về phía có tiếng gọi.
Thấy Trần Dương, lập tức bác vui ra mặt, “Là Trần Diệm Diệm à, đúng là đã lâu không gặp, ôi chà, cũng phải ——” Chắc do cảm giác nếu nhắc tới Trần Dương sẽ khó chịu nên bác Ngô vội dừng ngay lại.
Bác giơ con thỏ đang cầm trong tay lên, “Vừa đúng lúc gặp cháu, hai con thỏ, muốn trở về uống vài ly với bác không?”
Vừa hay Trần Dương không biết phải làm gì cho qua bữa trưa, anh đồng ý.
Anh đưa bác Ngô điếu thuốc, bác cầm lấy rồi kẹp vào tai.
Bác Ngô kể chuyện mình lên núi bắt thú, thỉnh thoảng Trần Dương cũng phụ họa vài câu, đôi lúc anh cũng thêm vào một hai câu về cuộc sống bên ngoài.
Tới thôn Trương gia mà bác Ngô đang ở, hai người vào nhà.
Bác Ngô vào bếp chuẩn bị con thỏ đang cầm trong tay, bác bảo một con để kho một con sẽ hấp, hai món này là ngon nhất.
Bác Ngô cả đời không kết hôn, ở chỗ họ cũng là chuyện hiếm gặp, chẳng biết rốt cuộc là do nguyên nhân gì.
Song phần lớn đều nói do bác thường xuyên sát sinh tạo quá nhiều nghiệp chướng thế nên mới không vợ không con.
Đối với cách nói này, Trần Dương khịt mũi cười khinh.
Nếu nói thế thì làm sao còn người sống vì nghề săn thú? Chẳng qua do phía nam lấy nông canh là việc chính, họ không quen thấy bác Ngô làm như vậy mà thôi.
Về điểm này, bác Ngô và anh thật giống nhau quá.
Đã nhiều năm đến thế rồi, nhưng dù Trần Dương có trở về cũng không một ai làm mai cho anh.
Ở nơi họ sống, lớp người trẻ chỉ cần tới tuổi nhất định thì người xung quanh sẽ bắt đầu tự động giật dây bắc cầu cho họ, đến khi người ấy có đối tượng cố định mới thôi.
Dù cho trong nhà có khốn cùng đến mấy, nhân phẩm có tệ hại bao nhiêu cũng sẽ có cơ hội này.
Còn những kẻ không một ai tới cửa làm mai, thương là những kẻ mệnh có vấn đề.
Ví như Trần Dương.
Tuy mọi người ngoài miệng không nói, nhưng sau lưng ai cũng một mực chắc chắn anh là ngôi sao chổi khắc chết mọi người trong nhà, thế thì có ai dám gả con gái mình cho anh làm vợ? Để gia đình người ta biết, không khéo bị đánh đến mức nát cột sống.
Bác Ngô xách theo cái thùng đến trước cửa giết thỏ, tiện thể trò chuyện cùng Trần Dương.
Trần Dương lấy cái ghế ngồi dưới bóng cây nhìn bác Ngô bận việc.
Bác lấy một con dao nhọn đâm thẳng vào cổ con thỏ, máu tuôn ra, con thỏ vung chân kêu the thé.
Thường bác Ngô làm việc rất quen tay.
Giết, lột da rồi rửa sạch là có thể quăng thỏ vào nồi nấu.
Ấy nhưng hôm nay, chẳng rõ vì sao mà tay bác cứ run mãi.
Con dao cứ cứa qua cứa lại mà mãi chẳng thể chặt đầu con thỏ xuống, ngay cả da cũng lột không được.
Tiếng kêu the thé buốt óc của nó đâm vào màng tai người.
Bác Ngô đầm đìa mồ hôi, con dao phát ra những tiếng lét két trên thịt thỏ.
Vừa thấy không đúng Trần Dương đã đứng dậy ngay lập tức.
Một tay anh đẩy bác Ngô ra, tay còn lại đoạt lấy con dao trong tay bác.
Tiếp đó anh ném con thỏ vào thùng nước bên cạnh.
Sau khi thét lên hai tiếng thì nó đã không còn hét nữa.
Sắc mặt bác Ngô trắng bệch, vẻ mặt hãi hùng, “Sao lại thế này, tự dưng bác nghĩ con thỏ này không ăn được và định chôn quách nó đi.
May có cháu ở đây và đẩy bác ra, nếu không, chẳng biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa.”
Trần Dương nhìn con thỏ đang nổi lềnh bềnh trên nước.
Hai mắt nó trợn trừng.
Đột ngột, giữa ban ngày ban mặt, con thỏ kia xoay đầu lại, mắt đảo về phía Trần Dương, ánh mắt ác độc trừng anh.
Trần Dương hừ một tiếng, anh quẳng tàn thuốc vào thùng, ngay tức khắc con thỏ chìm sâu vào nước.
Mẩu tàn thuốc kia có dính nước miếng của anh nên có thể trừ tà đuổi quỷ.
Vốn bản thân anh dương khí nặng, mệnh lại cứng, vốn dĩ anh chẳng cần sợ mấy thứ dơ bẩn này.
Ngày đó, Trần Dương không ăn được chầu thịt thỏ tươi, do bác Ngô không dám giết thỏ nữa.
Nhưng trong phòng còn rất nhiều thịt thỏ đã hun khói sẵn, cả thịt lợn rừng sấy khô, dùng mấy thứ ấy nấu lên khiến Trần Dương cũng được ăn uống thỏa thích.
Anh còn uống cả rượu gạo do tự tay bác Ngô ủ, độ cồn không cao nhưng khá vừa miệng.
Hai người ăn uống tiệc tùng một hồi, đến lúc chiều tối Trần Dương mới chào tạm biệt bác ấy.
Trần Dương ngồi xe về trấn Quảng Tế trước rồi mới đợi đi nhờ xe của đội sửa đường.
Lúc về lại thôn Ngụy thì trời đã gần tối đen.
Thôn Ngụy bị núi rừng vây quanh.
Vào đêm, thôn vừa không có tiếng chó sủa vừa không có chút sức sống nào, giữa sự yên ắng lộ ra vẻ u ám nặng nề, chỉ có gió thổi khiến những tàng lá vang lên xào xạc không ngừng bên tai.
Trần Dương đi cùng đội sửa đường, vốn lúc đầu cả đội cùng nói cười, thế nhưng lúc đến gần thôn Ngụy thì thanh âm vài người vô thức nhỏ lại, sau đó thì chẳng còn lại tiếng trò chuyện nào nữa.
Lúc đi qua gốc cây hòe già, Trần Dương cảm giác sau lưng mình lặnh ngắt như thể có thứ gì đang theo sau.
Anh quay lại nhìn thì chẳng thấy gì, chỉ có cây hòe bị che kín trong bóng tối.
Bấy giờ, Trần Dương mới cảm giác có gì đó là lạ.
Dường như trong những người của đội có thêm thứ gì đó.
Trần Dương nhíu mày, anh cố ý bước chậm vài bước để nhìn người bên cạnh cho rõ.
Ấy nhưng có lẽ do trời tối quá nên tầm nhìn không rõ lắm, bóng dáng những người đồng nghiệp đi trước sao cứ mơ hồ, giống thật mà như giả.
Anh không cách nào nhận ra ai là thật ai là giả.
Hoặc là, tất cả đều là thật, chỉ có một trong số đó là thêm vào? Trần Dương đi sau cuối không nói gì.
Mãi đến khi cả đội đến nhà ăn tập thể anh vẫn chưa tìm ra.
Chẳng qua, ánh đèn cách đó không xa và tiếng người truyền đến khiến Trần Dương không còn khẩn trương quá nữa.
Dù là loại quỷ gì cũng sẽ sợ nhiều người, nhất là nơi có nhiều đàn ông thì sẽ nhiều dương khí, ở đây chắc sẽ không sao.
Sau khi tới nơi, những người đã về trước không phải đang ăn cơm thì cũng đang chơi bài.
Thấy bọn Trần Dương về, họ tức khắc chào đón và bảo cùng lại chơi.
Trần Dương không từ chối, anh bước qua rồi cũng bắt đầu chơi.
Đêm dần khuya, người ngày càng ít.
Ai chịu không được hoặc không muốn chơi nữa thì sẽ tốp năm tốp ba rời khỏi, cuối cùng chỉ còn lại năm người.
Trần Dương cầm bài trong tay mà bồn chồn chẳng yên.
Xung quanh ai cũng đang hút thuốc.
Khói thuốc lượn lờ khắp phòng khiến người dễ bị sặc.
Bất thần, Trần Dương nhìn thấy, gương mặt của người đồng nghiệp bên cạnh thay đổi.
Đăng bởi: admin