Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Tôi trách móc:

- Ngày nào chàng cũng chỉ ngủ có ba canh giờ, sau đó rời khỏi phòng giải quyết cả núi việc. Nếu em không nhẫn nại chờ đợi, chắc chẳng khi nào gặp được chàng.

Chàng vuốt ve cái đầu nhỏ của tôi, vẻ mặt chẳng có gì là hối lỗi:

- Chữ Mông Cổ vừa được ban hành, ta phải hướng dẫn quan lại trong triều cách dùng, còn phải soạn bài giảng nữa. Ta cũng muốn đưa em đi cùng, nhưng chắc chắn những công việc này sẽ khiến em cảm thấy buồn chán, nên em hãy chăm chỉ ở lại đây tu luyện thì hơn.

- Em chờ chàng về không phải vì em cảm thấy buồn chán! – Tôi hơi bực, thúc cái mũi nhọn vào cánh tay chàng. – Chàng còn nhớ những lời dặn dò của Kháp Na không? Kháp Na không muốn chàng quá lao lực vì giáo phái hay vì trọng trách thống nhất đất Tạng. Kháp Na muốn chàng sống cho bản thân mình.

Nghe nhắc đến Kháp Na, chàng chỉ biết im lặng. Tôi thở dài:

- Lâu Cát, cho dù chàng không bận tâm đến sức khỏe của bản thân, không màng đến việc dung mạo của mình ngày một già nua thì chàng cũng phải nghĩ đến Dharma chứ? Nếu chàng qua đời, Dharma sẽ ra sao? Một đứa bé như nó làm sao gánh vác nổi trọng trách của giáo phái?

Chàng khép hờ đôi mắt, hàng mi dài rung động, nụ cười gượng gạo:

- Đừng lo, Đại hãn ban cho ta rất nhiều loại thuốc bổ quý hiếm. Ngày nào Dampa cũng sắc cho ta uống. Ta hứa với em, sau khi kết thúc chuỗi ngày bận rộn này, ta nhất định sẽ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng một thời gian và dành nhiều thời gian cho em hơn.

Tôi muốn nói thêm nhưng không biết phải nói sao. Chàng lúc nào cũng vậy, chẳng bao giờ để ý đến sức khỏe của mình. Suốt cuộc đời, chàng chưa bao giờ sống cho riêng mình.

Chàng vỗ nhẹ vào lưng tôi, dỗ dành:

- Em mau ngủ đi, ta xem qua một lượt các công văn của Tổng chế viện gửi đến rồi sẽ đi nghỉ ngay.

Cơn buồn ngủ lập tức ập đến, trước lúc thiếp đi, hình như tôi có cảm giác bị nhấc bổng lên và đưa đi đâu đó, có tiếng bước chân quen thuộc. Sau đó, tôi không còn biết trời đất gì nữa.

Tết năm 1271, Hốt Tất Liệt dẫn theo Khabi và Chân Kim đến chùa Đại Hộ Quốc Nhân Vương lễ Phật, cầu phúc. Chân Kim đã lẻn đến gặp tôi. Cậu ta mang cho tôi món gà rán của quán Đức Thắng mà tôi thích nhất. Tôi thốt lên kinh ngạc rồi nhào đến ngấu nghiến, cắn xé món thịt thơm ngậy. Bạn bè chơi với nhau từ bé có khác, hiểu rõ tôi thích gì nhất. Lần nào đến chùa, Chân Kim cũng là người giúp tôi cải thiện bữa ăn.

- Tiểu Lam, lẽ ra em phải là một hồ ly già cả rồi mới phải chứ! Vì sao ta không thấy em già đi chút nào? Bộ lông của em vẫn bóng mượt như thế, đôi mắt vẫn xanh lam, đáng yêu như thế.

Chân Kim vừa nhìn tôi thả sức thưởng thức món ngon vừa bật cười khúc khích, thò tay đùa giỡn với chiếc cằm của tôi.

Tôi khinh khỉnh nhìn cậu ta. Nếu thấy tôi lúc vừa trở về Trung Đô, chắc chắn cậu ta sẽ không nhận xét như vậy. Lúc ấy, đôi mắt của tôi tái dại, lông lá xác xơ, tơi tả. Mất hai năm trời khổ luyện, tôi mới lấy lại được dáng vẻ như bây giờ. Những ngày qua, tôi đã cảm nhận một cách rõ rệt, linh khí trong cơ thể ngày càng nhiều lên. Khứu giác, vị giác, thính giác và thị giác của tôi đều đã phục hồi. Tôi thử biến phép thì phần lớn đều thành công. Có lẽ chẳng bao lâu nữa tôi sẽ lấy lại hình dáng con người!

Chân Kim đột nhiên buông một câu hỏi lạ lùng:

- Không biết ở trên trời cô ấy có được bình an không?

Cậu ta cúi đầu, thở dài, hàng lông mày dày, rậm xô lại, chừng như đang có rất nhiều tâm sự.

- Năm năm qua ta chưa lần nào gặp lại cô ấy.

Tôi sững sờ, cậu ta đang nói về tôi sao? Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, Khoát Khoát Chân đã sinh cho cậu ta đứa con trai thứ ba. – Thiết Mộc Nhĩ, vậy mà cậu ta vẫn tưởng nhớ cuộc gặp tình cờ vào ngày lễ Sitatapatra đó ư? Tôi khẽ lắc đầu. Đối với cậu ta, cô gái tóc xanh, mắt xanh ấy chẳng qua chỉ là một ảo ảnh mà thôi.

Vì buổi chiều tham ăn, chén cả con gà rán mà Chân Kim mang cho nên tôi hầu như không đụng đũa vào đĩa thức ăn buổi tối. Ăn uống xong xuôi, tôi cuộn tròn trên giường, lăn qua lăn lại một hồi vẫn không thấy buồn ngủ. Lạ quá, hai năm qua, tối nào cơm nước xong một lúc là tôi buồn ngủ rũ mắt kia mà, vì sao hôm nay không hề có cảm giác muốn ngủ?

Tiếng bước chân quen thuộc của Bát Tư Ba vang lên ngoài cửa. Tôi tủm tỉm cười, nằm im trên giường vờ ngủ say. Cánh cửa kẹt mở, chàng bước về phía tôi, ôm tôi lên. Tôi định mở miệng dọa chàng nhưng lại thấy chàng cất bước rời khỏi căn phòng.

Vòng vèo một hồi, tôi càng lúc càng nghi hoặc, chàng định đưa tôi đi đâu? Đến trước cửa một căn phòng lạ lẫm, chàng đẩy cửa bước vào như thể rất thông thuộc. Căn phòng được bài trí đơn sơ, một người con gái yêu kiều đang ngồi xoay mặt về phía cửa sổ. Nghe tiếng động, người con gái lập tức quay đầu lại, mỉm cười:

- Thầy đến đấy à?

Tôi toát mồ hôi khi nhận ra người đó là Khabi!

~.~.~.~.~.~

- Đến tận bây giờ tôi vẫn có thể đọc thuộc bản chiếu thư ban hành chữ Bát Tư Ba của Hốt Tất Liệt.

Tôi đứng lên, chầm chậm cất bước trong căn phòng, khe khẽ đọc:

- Trẫm dùng chữ viết ghi lại lời nói, ghi lại những sự kiện để người đời nay biết những việc của người đời trước. Quốc gia của trẫm bắt nguồn từ phương Bắc, phong tục cổ hủ, chưa có chữ viết của riêng mình, văn tự mà người Mông Cổ sử dụng là mượn từ chữ Hán và chữ Uyghur. Xét thấy các nước lân bang đều có chữ viết riêng, gặt hái được những thành tựu văn hóa rực rỡ. Những điều mà người đời tôn trọng là những điều ghi trước các cuốn sách... Do đó, trẫm đã hạ lệnh cho ngài Bát Tư Ba sáng tác ra chữ mới của Mông Cổ, dịch tất cả các chữ để mọi người đọc được mà hiểu biết mọi chuyện.

Chàng trai trẻ tỏ ra băn khoăn:

- Hốt Tất Liệt ra sức phổ cập chữ Bát Tư Ba là thế, vậy thì vì sao về sau, loại chữ này không được tiếp tục lưu truyền?

- Bởi vì hình dạng của kiểu chữ này rất khó nhận biết. Thêm vào đó, một số địa phương vẫn phỏng theo kiểu chữ Triện của người Hán nên lại càng khó nhận biết hơn. – Tôi lật mở những bức hình trong sách và chỉ cho chàng trai trẻ từng chữ một. – Bởi vậy, mặc dù triều Nguyên đã nhiều lần hạ lệnh yêu cầu quan lại và dân chúng sử dụng chữ Bát Tư Ba khi ghi chép, viết lách, và thực chất là cũng có một số thư tịch được viết bằng chữ Bát Tư Ba, nhưng phần đông dân chúng vẫn tiếp tục dùng chữ Hán. Thế nên, chữ Bát Tư Ba chủ yếu chỉ được sử dụng trong các văn kiện của quan lại.

Cậu ta quan sát và thử mô phỏng một chữ Bát Tư Ba, rồi gật gù, nói:

- Quả thật rất khó phân biệt. 

- Sau khi triều Nguyên suy vong, chữ Bát Tư Ba dần dần bị đào thải, cuối cùng trở thành văn tự chết.

Chàng trai ngẩng lên hỏi:

- Vậy vì sao ngay cả Mông Cổ cũng không còn lưu truyền loại chữ này?

Tôi cười:

- Bởi vì nhà Nguyên chỉ là một trong bốn nước lớn của đế quốc Mông Cổ, chữ Bát Tư Ba chỉ được sử dụng ở triều Nguyên, các nước Mông Cổ khác không sử dụng loại văn tự này. Triều Nguyên sụp đổ, người Mông Cổ bị người Hán đuổi khỏi Trung Nguyên, chữ Bát Tư Ba từng được sử dụng rộng rãi ở Bắc Nguyên một thời gian. Sau đó, cùng với việc những người sử dụng loại chữ này bị các bộ lạc Mông Cổ khác đồng hóa, chữ Bát Tư Ba từ đó diệt vong.

Chàng trai trẻ thở dài:

- Vậy nên ngày nay, chúng ta chỉ có thể đọc được chữ Bát Tư Ba trên các di vật văn hóa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui