Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

“Thông tỏ tri thức uyên thâm, mới xứng danh học giả;

Chỉ biết phân biệt trâu già nghé non, đâu gọi là học vấn.”

(Cách ngôn Sakya)

Tôi khoác áo choàng có mũ trùm đầu thật rộng, kiễng chân ngó nghiêng trước con ngõ nhỏ. Đèn lồng lung linh, rực rỡ trước cổng phủ Quốc sư bên kia đường và cổng phủ Bạch Lan Vương bên này đường, dòng người qua lại tấp nập như mắc cửi. Đi tiếp một đoạn không xa là tới hoàng cung. Hốt Tất Liệt cho dựng một tòa hoa đăng lộng lẫy, tráng lệ trước cửa cung điện, đứng ở góc xa mà tôi vẫn có thể nhìn rõ mọi thứ.

Tiếng bước chân ai đó rón rén phía sau, tôi quay lại, bắt gặp nụ cười phơi phới của Kháp Na. Cậu ấy bước ra, giận dỗi:

- Thính giác của em sao mà nhạy bén quá vậy, muốn gây bất ngờ cho em cũng không được.

Cậu ấy mặc áo lụa dài chấm gót màu xanh da trời, viền thêu diềm mây tinh xảo. Cổ đeo chiếc hộp cổ tạc hình Phật, mạ vàng kiểu người Tạng ưa thích, đây vốn là kỷ vật người bác để lại, bên trong là những kinh văn đã được người bác làm lễ gia trì. Cậu ấy thắt dây đai bản rộng màu xanh ngọc bích đính phỉ thúy, giắt một thanh gươm cong nạm đã quý bên hông, đi ủng Mông Cổ, loại ủng với những họa tiết được trang trí rất tinh xảo, méo ủng thêu hình bát bảo đồ [1].  Quả không hổ danh là công tử con nhà, khôi ngô tuấn tú, phong nhã, hào hoa.

Không khỏi ngạc nhiên về sự xuất hiện của bộ ria mép vút cong trên gương mặt cậu, tôi thắc mắc:

- Kiểu hóa trang này...

Cậu ấy vội vã đưa ngón tay lên miệng, làm điệu “suỵt” khẽ rồi vuốt lại ria mép để chắc chắn chúng không bị suy suyễn:

- Đại ca muốn ta theo huynh ấy vào cung ngắm hoa đăng cùng Đại hãn vì đêm nay Đại hãn sẽ lên lầu hoa đăng chung vui với dân chúng nhưng ta cáo bệnh, trốn ra đây.

Cậu ấy ngắm nghía tôi một hồi, hai mắt sáng rỡ:

- Em cũng hóa trang rất độc đáo đấy thôi.

Tôi kéo sụp chiếc mũ trùm xuống che nửa mặt:

- Vì tôi không thể để người ta thấy mái tóc và đôi mắt màu lam của mình.

Kháp Na tỏ vẻ tiếc nuối:

- Em hiếm khi hóa thành người, vậy mà ta lại chẳng được chiêm ngưỡng đôi mắt và mái tóc tuyệt đẹp của em.

Tôi thít chặt áo khoác, nắm tay Kháp Na:

- Ta đi nào, hôm nay sẽ có rất nhiều màn biểu diễn vui nhộn đấy.

Dọc con phố phía trước hoàng cung, người ta chồng hàng vạn chiếc đèn màu lên thành những núi đèn khổng lồ. Quán trà, quán rượu khắp kinh thành sáng rực, đèn hoa giăng kết, lung linh huyền ảo, đan xem giữa biển màu lấp lánh ấy là những màn biểu diễn ca múa sôi động. Tiếng kèn, trống vang dội không ngớt, tiếng pháo râm ran tưng bừng, đèn hoa rực rỡ tỏa chiếu suốt trăm dặm. Cuối con đường này là cổng phía nam của hoàng cung, lầu hoa đăng tráng lệ nguy nga, rực rỡ ánh sáng và màu sắc huyền hoặc tựa thiên cung của Hốt Tất Liệt được dựng tại đây.

Người đi chơi hội đông như mắc cửi, vai chen vai, chân theo chân, đủ mọi tộc người. Từ phục trang, khẩu âm, nước da và hình dáng của họ, tôi nhận ra người Hán, người Khiết Đan, người Kim, người Mông Cổ, người Tạng, người Ba Tư và còn có cả người Tây phương mắt xanh, tóc vàng nữa. Dù không quen biết, dù không cùng sắc tộc, họ vẫn niềm nở chào hỏi, chúc tụng nhau.

Toàn thành Yên Kinh đêm nay không ngủ.

- Đại hãn tới rồi!

Hốt Tất Liệt vận áo khoác dài kiểu Mông Cổ màu đỏ sang trọng, oai vệ bước lên lầu hoa đăng, theo sau là Hoàng hậu Khabi, các hoàng tử và đại thần thân cận. Nhiều người dân Yên Kinh lần đầu được chiêm ngưỡng dung mạo của Nhà vua, háo hức truyền tai nhau. Biển người lập tức đổ về lầu hoa đăng nhưng cấm quân chỉ cho phép họ đứng cách xa mười trượng. Hốt Tất Liệt vẫy tay chào, mỉm cười thân thiện với con dân đang rất mực phấn chấn, ra sức kiễng chân, nghển cổ để được chiêm ngưỡng đấng quân vương. Khabi đài các, trang trọng, Chân Kim khí độ phi phàm, hình ảnh thân thiện của gia đình Hốt Tất Liệt đã để lại trong lòng cư dân thành Yên Kinh những ấn tượng tốt đẹp.

Cậu ấy nổi bật giữa đám đông phía sau Hốt Tất Liệt với áo cà sa màu vàng lấp lánh, càng tôn thêm vóc dáng mảnh khảnh, gầy guộc, mọi cử chỉ, động tác đều rất mực nho nhã, điềm đạm, phong thái bất phàm. Sóng mắt dạt dào, đôi mắt rực ánh hào quang trí tuệ và nỗi niềm thấu suốt cõi nhân sinh. Con người ấy toát ra vẻ tự tin, thư thái, tự tại và sức hấp dẫn trác truyệt khiến người ta chẳng dám nhìn thẳng.

Có tiếng bình luận bên cạnh tôi:

- Vị đại sư đó chính là quốc sư của chúng ta đấy, nghe nói ngài là người Tufan, Đại hãn rất nể trọng ngài.

Các cô gái đỏ hồng đôi má, nghển cổ ngó nghiêng, xì xào bàn tán:

- Không ngờ quốc sư lại trẻ như vậy!

- Và còn rất đẹp trai nữa!

Nghe họ nói về Bát Tư Ba như vậy, tôi lại càng không thể rời mắt khỏi cậu ấy. Tôi những muốn được ở bên cạnh cậu ấy, cùng thưởng lãm lễ hội hoa đăng tưng bừng, náo nhiệt này, nhưng tôi biết là tôi không thể, bởi vì những lúc thế này, cậu ấy nhất định phải tháp tùng Hốt Tất Liệt.

Sau khi Hốt Tất Liệt bước lên đài cao, trên quảng trường trước cổng hậu cung, mấy chục chiếc trống đồng loạt rền vang, khí thế hào hùng. Đội sư tử ngũ sắc, đủ các màu xanh, đỏ, vàng, trắng và đen từ năm hướng khác nhau tiến vào trung tâm vũ hội. Tiếng trống ngày càng dồn dập, sư tử nhào lộn ngày càng cao, những cú xoay mình nhào lộn trên không cực kỳ điêu luyện, đẹp mắt được kết thúc bằng cú phi thiên giành lấy quả cầu vải nhiều màu trên dài cao. Múa sư tử luôn là tiết mục gây hưng phấn nhất đối với đám đông, những tiếng hoan hô tán thưởng như sóng dậy. Từ đài cao, theo lệnh của Hốt Tất Liệt, tiền xu được tung ràn rạt xuống quảng trường, thưởng cho đội sư tử, hệt như ngàn vàn cánh hoa trút xuống từ trời cao.

Tôi ra sức khắc chế bản thân để ánh mắt rời khỏi Bát Tư Ba, chuyển hướng sang đội sư tử, vừa thưởng thức vừa giải thích với Kháp Na:

- Cậu biết không, ở vùng Tây vực có một quốc gia cổ đại tên gọi Khâu Từ. Hoàng tộc Khâu Từ vô cùng sùng bái sư tử, bởi vậy múa sư tử là điệu múa được khởi nguồn từ quốc gia này. Tám trăm năm trước, viên tướng của Trung Nguyên là Lữ Quang cầm quân tấn công Khâu Từ, sau đó đưa về đất Lương Châu vị cao tăng nổi danh thiên cổ, Kumarajiva và rất nhiều nghệ nhân Khâu Từ. Từ đó, múa sư tử thâm nhập vào văn hóa của người Hán, được cải biên thành múa sư tử của Trung Nguyên và lưu truyền đến ngày nay.

Kháp Na không khỏi ngạc nhiên:

- Vậy ư? Sao em biết được chuyện đó?

Tôi dương dương tự đắc, lè lưỡi tinh nghịch:

- Dù gì tôi cũng hơn cậu ba trăm tuổi!

Tiếp theo là đội múa rồng, mấy chục lực sĩ người Hán để mình trần, nâng trên tay thân rồng khổng lồ, len lỏi qua những dải hoa đăng bồng bềnh, rực rỡ, động tác uyển chuyển, lên xuống nhịp nhàng, chạy đuổi theo quả cầu vải nhiều màu phía trước, diễn trò vờn bắt. Pháo hoa nổ vang trời, trống nện thình thình, thân rồng uốn lượn bay bổng giữa không trung, cảnh tượng rất hùng tráng, không khí sôi động lạ thường.

Lễ hội trở nên tưng bừng hơn bao giờ, đám đông vỗ tay không ngớt, ngay cả Đại hãn Hốt Tất Liệt cũng được truyền cảm hứng bởi bầu không khí náo nức ấy, ngài tươi cười sảng khoái trên đài cao. Ánh mắt tôi như bị thôi miên, lại gắn chặt vào bóng dáng ăn nhiên, thoát tục phía sau Hốt Tất Liệt. Cậu ấy nở nụ cười hồn hậu, gương mặt thư thái, tĩnh tại như nước hồ, đôi mắt sâu hun hút, đồng tử long lanh, thuần khiết.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Bát bảo hay bát bảo cát tường là tám vật may mắn, bao gồm: pháp luân (bánh xe), vỏ ốc (pháp hoa), tán (chiếc dù), lọng trắng, hoa sen, bảo bình, cá vàng và nút thắt may mắn. Theo quan niệm của nhà Phật, sự hiện hữu của bát bảo cát tường mang đến cho người ta sự may mắn, an lành về đời sống vật chất và tinh thần. (DG)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui