Đức Phật Và Nàng

Có lẽ
phần lớn mọi người đều không nhớ được nhiều chuyện diễn ra khi mình bốn tuổi.
Tôi thì khác, con số ấy đã hằn lên trong kí ức của tôi một đường ranh giới rất
rõ rệt. Vì trước bốn tuổi, gia đình tôi có mẹ và anh trai, sau bốn tuổi, gia
đình chỉ còn lại tôi và cha.

Còn nhớ
hôm ấy, anh trai không chơi đùa với tôi như mọi ngày mà dắt tay tôi, nín thở
nép vào một góc, ngó vào căn phòng của cha mẹ. Hồi đó, cứ có thắc mắc gì tôi
lại đem ra hỏi anh trai. Trong mắt tôi, anh ấy là người biết mọi thứ, có thể
trả lời mọi câu hỏi. Anh trai nói với tôi rằng, mẹ đã nhịn ăn nhịn uống sáu
ngày rồi, vì mẹ muốn đi tu.

Đi tu
nghĩa là sao?

Đi tu
nghĩa là mẹ muốn dọn đi khỏi nhà.

Thừa
lúc anh trai lơ đễnh, tôi chạy vào phòng cha mẹ, tôi muốn cầu xin mẹ đừng đi.
Nhưng tôi không thấy mẹ đâu, chỉ có cha đang ngồi khóc với một nắm tóc dài màu
hung trên tay. Thấy tôi, cha vội vã giấu nắm tóc ra sau lưng, cuống cuồng lau
nước mắt và kêu anh trai đưa tôi ra ngoài.

Tôi hỏi
anh, vì sao đi tu lại phải cắt bỏ mái tóc đẹp như vậy?

Anh tôi
bảo, đi tu thì không cần bất cứ thứ gì nữa cả.

Mẹ đã
dọn đi thật và không mang theo gì hết. Lúc ra khỏi nhà, mẹ được người ta khiêng
trên kiệu, mẹ dựa vào thành ghế, sắc mặt rất kém, mái tóc bồng bềnh ngày nào
không còn nữa. Đột nhiên tôi thấy sợ, tôi cảm thấy mẹ tôi thật xa lạ. Mấy ngày
sau, cha dẫn tôi và anh trai đến chùa thăm mẹ. Tôi đã quen với hình ảnh mẹ
trong những bộ trang phục đẹp đẽ, hôm đó nhìn mẹ mặc áo cà sa, hình ảnh đẹp đẽ
trong tôi bỗng nhiên biến mất.

Kể từ
hôm đó, cứ cách năm ba ngày cha lại đưa tôi và anh trai đến chùa. Mẹ đã thay
đổi hoàn toàn, trước kia mỗi khi cha chạm vào người mẹ, mẹ sẽ cười duyên dáng,
nhưng bây giờ, hễ cha định chạm vào người mẹ là mẹ né tránh, rồi mẹ chắp tay
lại hành lễ với cha (mãi về sau tôi mới hiểu nghi lễ đó nghĩa là gì). Còn tôi,
tôi khao khát được mẹ ôm vào lòng, nhưng mẹ chần chừ, do dự. Những lúc như thế,
cha lại ôm chầm lấy tôi, những giọt nước mắt tôi không bao giờ muốn thấy lại
lăn dài trên gò má cha. Lớn lên tôi mới biết, như thế gọi là đau khổ. Và kể từ
đó, tôi không đòi mẹ ôm nữa.

Lần nào
đến chùa, ba cha con cũng ở lại cả ngày liền, ngồi nghe những người mặc bộ
trang phục giống hệt mẹ và cũng không có tóc như mẹ lầm rầm đọc những câu gì đó
tôi không hiểu được. Cha muốn tôi ngồi yên, nhưng tôi cảm thấy bứt rứt, khó
chịu nên lăn ra ngủ lúc nào không biết. Nhưng anh trai tôi thì khác. Anh ấy
lắng nghe rất chăm chú, sau đó đọc lại cho một cụ già những gì anh ấy nghe
được. Cụ già hình như rất mến anh ấy, rì rầm trò chuyện rất lâu với cha mẹ tôi.
Thế rồi, anh tôi nói rằng anh ấy cũng muốn đi tu.

Anh
trai cũng dọn ra khỏi nhà ư? Vậy ai sẽ chơi đùa với tôi?

Tôi gào
khóc ầm ĩ nhưng vẫn không ngăn được anh tôi ra đi. Tôi và cha đành bất lực đứng
nhìn anh ấy khoác lên người bộ quần áo giống hệt mẹ, quỳ dưới đất, để cụ già đó
cạo từng lọn tóc màu đồng dài đến ngang vai của anh ấy. Cha nắm tay tôi rất
chặt khiến tôi muốn kêu đau, nhưng nhìn ánh mắt rầu rĩ, buồn thảm của cha,
không hiểu sao, tôi lại nén được cơn đau ấy.

Anh em
tôi chơi trò đuổi bắt trên mảnh sân nhỏ trong chùa. Anh trai bịt mắt lại, quờ
quạng tìm tôi, tôi nhảy bên nọ nhảy bên kia né tránh. Đã rất lâu rồi tôi mới
lại được chơi vui như thế. Anh trai túm được một người, hớn hở reo lên: bắt
được rồi! Chưa kịp thông báo với anh ấy không phải là tôi, thì anh ấy đã phát
hiện ra. Người đó là sư phụ Phật Đồ Thiệt Di của anh trai tôi, một cao tăng
trong chùa Tsio – li. Thấy sư phụ, khuôn mặt anh trai tôi biến sắc, anh ấy cúi
đầu lắng nghe ông cụ giảng giải về sự tĩnh tâm tọa thiền gì đó. Hôm ấy là lần
cuối cùng anh trai chơi đùa cùng tôi.

Kể từ
đó, mỗi lần đến chùa, tôi lại thấy mẹ và anh trai cầm những cuốn sách rất dày
trên tay, họ chỉ khẽ hé môi cười với cha con tôi. Không ai ôm tôi vào lòng,
cũng không ai chơi với tôi cả, tôi bắt đầu thấy ghét khi phải đến chùa. Nhưng
cha vẫn muốn đi, được thôi, tôi sẽ vờ như mình cũng muốn đi. Từ năm bốn tuổi
tôi đã biết cách đóng kịch để cha vui lòng.

Khi tôi
lên sáu, mọi nơi trong thành Khâu Từ, người ta không ngớt lời bàn tán, khen
ngợi anh trai tôi vì anh ấy đọc thuộc được rất nhiều kinh văn Phật giáo. Mẹ nói
với cha, không thể để anh trai tôi bị vây bọc trong những lời ca tụng ấy, mẹ
nói sẽ đưa anh đi học đạo ở nơi xa. Tôi không nhớ tên địa danh, chỉ biết đó là
một nơi rất xa xôi và phải mấy năm sau họ mới quay về. Cha dắt tay tôi đi tiễn,
nỗi buồn u ám lại hiện lên trong mắt cha. Tôi nghĩ, hẳn là cha rất muốn tôi
khóc tiễn họ, nên tôi đã khóc. Nhưng trong lòng thì tôi rất lấy làm hân hoan vì
từ nay sẽ không phải đến ngôi chùa đó nữa.

Không
đến chùa, cha như mất đi điểm bám víu, ông thường ôm tôi vào lòng, ngồi rất lâu
trong sân nhà, ngước mắt nhìn trời. Sau đó, ông hào hứng kể cho tôi nghe giờ
này họ đang ở đâu, làm gì. Suốt bốn năm, ngày nào cha cũng nói với tôi về việc
anh trai được mọi người khâm phục như thế nào, anh ấy đã nhận một vị cao tăng
làm thầy và anh ấy đã được khen ngợi, tán thưởng ra sao. Người anh trai ngày
càng trở nên mờ mịt trong kí ức của tôi hình như đã trở thành nhân vật nổi
tiếng.

Năm tôi
lên mười thì họ trở về. Đức vua (tức cậu ruột tôi) đã đích thân đi đón họ. Nghe
nói, anh trai đã giành chiến thắng trong một cuộc luận chiến quan trọng ở Wensu
và không ai không biết đến danh tiếng của anh ấy, người ta nói về anh ấy ở mọi
nơi mọi lúc. Lẽ ra tôi phải lấy làm tự hào chứ nhỉ? Tôi có người anh ưu tú như
vậy kia mà? Nhưng khi ai nấy đều chỉ vào tôi thì thào: “Em trai của thần đồng
Kumarajiva kìa”, tôi lại cảm thấy khó chịu vô cùng. Tôi là Pusyseda, nhớ lấy,
tôi không chỉ là em trai của Kumarajiva, tôi còn là tôi, Pusyseda!

Tại
buổi lễ nghênh đón long trọng, tôi đã gặp lại mẹ và anh trai sau bốn năm xa
cách. Thực tình thì đối với tôi, họ thậm chí không thân thuộc bằng những người
hầu trong phủ, nhưng vì muốn cha vui lòng, tôi vẫn nhào vào lòng mẹ. Bốn năm
trời thiếu vắng vòng tay mẹ, nhưng lần đoàn tụ đó không hề khiến tôi vui vẻ. Mẹ
vẫn lạnh lùng như ngày nào. Tôi ngả đầu vào lòng mẹ, tự hỏi không biết phải ôm
đến bao giờ nữa? Đúng lúc đó thì một đôi mắt sáng long lanh chĩa về phía tôi,
đôi mắt ấy trong vắt như nền trời Khâu Từ.

Chỉ
nhìn thoáng qua cũng biết chị ấy không phải người Khâu Từ, dáng vóc nhỏ bé,
thanh thoát. Tôi đã từng gặp những người tóc đen, da vàng như chị ấy trong
thành Khâu Từ, cha tôi bảo họ là người Hán, họ đến từ một nơi rất xa xôi, vượt
qua những sa mạc mênh mông và phải mất một năm dài mới tới được đây.

Tôi
quan sát chị ấy, chị ấy cũng nhìn ngó, rồi cười với tôi. Nụ cười đó rất đẹp,
vành môi khẽ uốn lên, hiện rõ má lúm đồng tiền xinh xắn. Nhưng không hiểu sao,
tôi cảm thấy nụ cười ấy rất ngây ngô, thuần khiết một cách ngây ngô, giống hệt
đôi mắt của chị ấy. Sau đó, chị ấy chu mỏ, làm mặt ngoáo ộp chọc ghẹo tôi. Bỗng
nhiên, tôi cảm thấy người này rất thú vị.

Chị ấy
quả rất thú vị, không giống bất cứ ai tôi từng gặp. Kể từ lúc chị ấy vào sống
trong phủ, ngày nào tôi cũng chờ mong hết giờ học bài trong cung để được về
nhà. Trước đó thì ngày nào tôi cũng mải mê chơi đùa, luyện võ với các anh chị
em họ trong cung, chẳng thiết về. Tôi thích chọc ghẹo khiến chị nổi giận. Chị
ấy nói tiếng Tochari trọ trẹ, làm tôi mắc cười, mỗi lần bị tôi cười nhạo, chế
giễu, chị ấy lại nổi trận lôi đình, trợn mắt, cau mày, mím môi, khác hẳn vẻ
tiểu thư đỏng đảnh, giả tạo của các cô gái trong cung.

Chị ấy
có một cái túi rất lớn, bên trong chứa rất nhiều thứ kỳ lạ. Chị ấy vẽ rất nhiều
tranh bằng chiếc bút và tờ giấy có thể xóa đi vẽ lại nhiều lần, có điều chị ấy
vẽ không đẹp. Chị ấy từng bắt tôi ngồi yên trên ghế rất lâu để chị vẽ, nhưng
bức vẽ rất xấu, chẳng giống tôi tẹo nào. Chị ấy còn thường xuyên nhét đủ mọi
thứ vào chiếc túi đó, thậm chí cả một mảnh giấy rách, cũng nâng niu như đồ vật
quý hiếm, rồi cẩn trọng đút vào túi. Thế nên, tôi thường xuyên lượm lặt những
thứ linh tinh, nói dối rằng đó là những vật dụng mà đức vua, mẹ tôi hoặc anh
trai tôi từng sử dụng, lúc đó, mắt chị ấy sáng lên, lập tức dùng bút và giấy để
trao đổi với tôi. Điều khiến tôi kinh ngạc là, cái túi đó như thùng không đáy,
có thể nhét tất cả mọi thứ vào bên trong.

Chị ấy
dạy anh trai tôi tiếng Hán, cha tôi muốn tôi học theo. Trước đó, cha đã từng
mời một giáo viên người Hán về dạy tôi, nhưng người đó bị tôi chọc giận mà bỏ
đi. Chị ấy thì khác, chị ấy không bắt tôi đọc bài cả ngày như người kia. Học
bài mà thú vị như chơi đùa vậy! Chị ấy dạy tôi trò “oẳn tù tì ra cái gì ra cái
này”, tôi mà thua sẽ phải học thuộc một chương trong sách “Luận ngữ”, viết một
trang chữ Hán. Nếu chị mà thua, thì hôm sau sẽ phải đóng vai quân lính dưới
trướng của tôi. Hàng ngày, cứ đến lúc chúng tôi chơi vui vẻ nhất thì anh trai
tôi lại xuất hiện, sau đó tất cả chúng tôi đều yên lặng. Anh trai tôi có thể
trò chuyện với chị ấy bằng tiếng Hán, có thể bàn luận với chị ấy về những đạo
lý to tát, tôi không hiểu nổi. vì thế tôi rất giận, tôi thầm nhủ nhất định sẽ
học thật tốt, để sau này có thể chơi đùa với chị ấy bằng ngôn ngữ của chị ấy.

Lúc vào
cung học bài, mấy người anh họ cứ chỉ trỏ vào tôi, cười cợt mỉa mai. Thì ra, họ
để ý thấy tôi thường xuyên bỏ về rất sớm, nên đã theo dõi tôi và bắt gặp chị ấy
trong phủ quốc sư. Họ trêu chọc tôi, nói rằng chị ấy là bà cô già của tôi.

- Thì
đã sao? Tôi cứ thích như thế đấy! Mấy cô công chúa chảnh chọe, đỏng đảnh, suốt
ngày giả bộ khóc mếu thì có gì hay ho?

- Chị
ta là mẹ của cậu à?

Hoàng
tử thứ tư nhảy loi choi trước mặt tôi.

- Mẹ
cậu đi tu không cần cậu nữa, nên cậu cưới một bà cô già về làm vợ chứ gì?

Tôi lao
vào đấu đá với bọn họ một hồi, họ lớn tuổi hơn tôi, tôi đánh không lại, kết quả
là tôi bị lãnh những vết bầm tím trên trán.

Về đến
nhà, chị ấy cuống cuồng băng bó cho tôi. Tôi muốn nói với chị ấy, tôi là nam
nhi, vết thương cỏn con này có đáng gì, nhưng lời vừa ra đến miệng đã lại trôi
ngay vào. Vì tôi rất thích bàn tay chị ấy xoa vuốt trên mặt mình, cảm giác mềm
mại, âm ấm. Đột nhiên, tôi muốn thử xem vòng tay của chị có ấm áp như thế
không, nên đã sà vào lòng chị ấy, giả vờ gào khóc. Chị ấy rất dễ mắc lừa, vội
ôm lấy tôi, vỗ về tôi. Chị ấy quả nhiên rất ấm áp, rất mềm mại, ngay cả giọng
nói lướt trên đầu tôi cũng ấm áp như vậy. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy
sung sướng khi được ai đó ôm vào lòng. Khi đó, chỉ muốn được chị ấy ôm như thế
mãi, đừng ai đến quấy rầy, nhất là anh trai tôi.

Cha có
việc phải đi Gumo, mấy ngày liền không về. Tôi mừng lắm, giả vờ sợ hãi, đòi
chui vào trong chăn ngủ cùng chị. Chị vỗ nhẹ lưng tôi, hát cho tôi nghe các bài
hát thiếu nhi của người Hán. Tôi tủm tỉm cười, người ta có còn là trẻ con nữa
đâu mà phải ru ngủ? Nhưng giọng hát của chị ấy trong trẻo, êm ái, ấm áp tựa
mảnh chăn bông đã được hong khô dưới nắng vào mùa đông. Tôi chìm dần vào giấc
ngủ say sưa trong hơi ấm ngọt ngào ấy. Trước lúc mê đi, tôi đã thầm nhủ, sau
này người mà tôi lấy làm vợ nhất định phải có được hơi ấm đó.

Kể từ
hôm ấy, tôi đã có thêm lí do để quấn chị: tôi muốn chị hát cho tôi nghe những
bài hát không giống nhau. Chị rất cưng chiều tôi, liên tục thay đổi bài hát,
hát đến khi tôi đã thiếp đi mới dừng lại. Tôi phát hiện ra, khi tôi ngủ say,
chị sẽ nhẹ nhàng kéo chăn cho tôi, còn quệt tay vào mũi tôi, khe khẽ trách móc
tôi bằng tiếng Hán. Điều đó thật thú vị, nên tôi thường xuyên vờ ngủ say.
Nhưng, tối hôm đó, trò đùa của tôi đã bị anh trai lật tẩy. Sau khi phụng phịu
ra khỏi phòng chị ấy, tôi đã nấp vào một góc tường, chị đang hát cho anh trai
tôi nghe, chọc anh ấy cười vang, điều mà tôi chưa từng thấy trước đây. Tôi rất
giận. Vì sao chị lại hát cho anh ấy nghe. Chị chỉ được hát cho mình tôi nghe
thôi chứ!

Ngày
hôm sau, tôi lại càng bực mình hơn, khi hết giờ học, tôi lao như bay về nhà mà
không thấy chị đâu. Người trong phủ nói chị đi tham quan thành Khâu Từ cùng anh
trai tôi. Sao lại như vậy? Nếu chị muốn thăm quan, tôi cũng có thể đưa chị đi
kia mà? Anh ấy giành mất mẹ của tôi, bây giờ lại muốn tranh cả chị với tôi ư?
Tôi trút giận lên con chó vàng canh phủ và ngồi lì một chỗ ngóng chị về.

Trước
giờ cơm buổi tối chị mới về đến nhà. Lẽ ra tôi muốn phơi bày nỗi tức giận của
mình, nhưng chị đã kéo tôi chơi trò đuổi bắt, chị chọc tôi cười, khiến cục tức
trong tôi tan biến như mây khói. Dường như chỉ khi vui đùa cùng chị, tôi mới
được khóc được cười thoải mái, không mệt mỏi như khi tôi phải giả vờ khóc, cười
để lấy lòng cha.

Một
hôm, chị nhìn chiếc đồng hồ kỳ quặc trên tay mình, rồi đột ngột thốt lên:

- Ngày
mai là năm mới!

Rồi chị
bảo muốn đón tết của người Hán, hôm sau sẽ tặng quà cho tôi và anh trai. Chị
tặng anh ấy chuỗi tràng hạt bằng gỗ đàn hương, còn tặng cho tôi bức tranh vẽ
một con vật kì dị, không giống mèo cũng chẳng giống chó và cả cái tên của nó
cũng rất lạ: Doraemon. Chị nói con vật kỳ lạ này có một chiếc túi thần kỳ, nó
có thể lôi từ trong túi ra bất cứ thứ gì nó muốn. Tôi không thích món quà đó
lắm, tôi có phải trẻ con nữa đâu mà chị tặng tôi thứ đồ dành cho con nít vậy?
Nhưng vì là bức tranh do chính tay chị vẽ, nên tôi đành nhận vậy!

Tôi
biết tin chị sắp ra đi, chị sẽ đến Trường An trên hành trình kéo dài một năm
trời. Nhưng tôi không muốn vậy, tôi phải nghĩ ra cách gì để giữ chị ở lại.

Tôi
nghĩ đến chiếc vòng tay kỳ lạ của chị. Chiếc vòng đó biết động đậy, tôi từng
nhìn thấy. Nhưng lần đó, chị đã nghiêm mặt cảnh cáo tôi không được động vào bất
cứ thứ gì trên chiếc vòng ấy. Chị đeo nó cả ngày, đi ngủ cũng nhét xuống dưới
gối, chỉ khi đi tắm chị mới tháo ra để một chỗ. Càng ngày tôi càng cảm thấy
chiếc vòng đó có điều gì rất kỳ lạ. Thế là, hôm đó, nhân lúc chị đi tắm, tôi đã
lẻn vào phòng chị, kiểm tra đồ vật kì quái ấy.

Không
biết tôi đã chạm vào đâu mà chiếc vòng đột nhiên phát ra thứ ánh sáng màu xanh
và những tiếng tích tắc lạ lùng. Khi tôi chưa hết kinh ngạc thì chị đã bước vào
phòng. Không muốn bị chị mắng vì tôi đã lẻn vào lấy trộm chiếc vòng, tôi vội
vàng thanh minh:

- Ngải
Tình, chiếc vòng này thú vị quá, biết kêu tích tắc tích tắc, chị cho em nhé?

Nhiều
năm sau tôi vẫn nhớ như in cảnh tượng hôm ấy. Tôi thường tự hỏi, nếu tôi không
bày trò lấy trộm chiếc vòng đó, mọi thứ liệu có khác đi? Sau khi chị biến mất
trong chùm sáng kỳ quái, tôi đã đi tìm chị khắp nơi, một tháng sau mới chịu bỏ
cuộc. Trên đời này có thần thánh thật ư? Chị là tiên nữ thật ư? Tôi không tin
Phật, điều duy nhất tôi tin là tôi đã gặp tiên nữ năm lên mười. Chỉ có tiên nữ
mới xinh đẹp, thông minh, đáng yêu như vậy, mới khác biệt như vậy.

Tôi đã
không truyền đạt lại cho anh trai lời dặn dò của chị, chị nói anh phải đến
Trường An truyền bá đạo Phật. Chị nói anh sẽ trở thành một con người vĩ đại.
Vậy còn tôi thì sao? Chị là tiên nữ, vì sao không cho tôi biết tương lai của
tôi? Tôi bực mình khi thấy anh trai đi đi lại lại trong phòng chị như kiếm tìm
điều gì. Tôi bực mình khi anh ấy bao bọc rất cẩn thận những bức vẽ chị lưu lại.
Tôi bực mình khi anh ấy dặn dò người hầu giữ nguyên trạng căn phòng của chị và
thường xuyên dọn dẹp sạch sẽ. tôi càng bực mình hơn khi anh ấy luôn nghĩ ra cần
phải làm gì trước tôi.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui