10.
Ba năm trước tôi đã theo đuổi Kiều Ngô.
Lần đầu gặp Kiều Ngô trong buổi truyền cảm hứng ở trường, cảm xúc khi ấy của tôi có lẽ là sùng bái.
Tình cảm sùng bái ấy theo thời gian, cứ lớn thêm dần rồi biến chất lúc nào không hay.
Trong một ngày không nắng, không mưa, tĩnh lặng với những cảm xúc, tôi mới đột nhiên phát hiện dường như tôi đã không thể nào quên đi được hình ảnh của chàng thiếu niên ấy nữa rồi.
Tôi đăng ký nguyện vọng vào trường đại học của Kiều Ngô, nhưng anh và tôi hơn kém nhau ba khoá.
Khi tôi vào trường thì anh đã bắt đầu khởi nghiệp, cả ngày bôn ba bên ngoài.
Tôi có thể tình cờ bắt gặp anh trong trường là một chuyện hiếm hoi biết nhường nào.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ba mẹ tôi muốn tôi về nhà tìm việc, vừa gần gũi gia đình, vừa tiện bề chăm sóc bà ngoại.
Nhưng tôi khi ấy vẫn chưa từ bỏ ý định, vẫn ngoan cố ở lại xin ứng tuyển vào công ty của Kiều Ngộ với hy vọng sẽ tìm cho mình một cái kết hạnh phúc nhất sau ngần ấy năm yêu thầm.
Sau khi phỏng vấn và được nhận vào làm, tôi điên cuồng theo đuổi anh.
Và như ước nguyện thầm kín bao năm, hai chúng tôi yêu nhau.
Chúng tôi sẽ bí mật trao nhau những cử chỉ ngọt ngào nơi công sở, rồi về nhà triền miên trong hạnh phúc khi đêm buông.
Kiều Ngô sẽ là đầu bếp, sẵn sàng nấu cho tôi những bữa ăn đủ đầy mặn ngọt.
Sau bữa ăn tôi sẽ cùng anh cuộn mình trên sô pha xem bộ phim hoạt hình mà anh thích.
Tôi còn cố tình mua quần chíp màu hồng cho Kiều Ngô, ép anh mặc cho tôi xem.
Mỗi lần như thế, Kiều Ngô đều tức giận đè tôi xuống sô pha, gằn giọng quát tôi nghịch ngợm đủ trò.
Nhưng cuối cùng anh vẫn sẽ thoả mãn cái thú vui tao nhã mà quái đản ấy của tôi.
Nhưng rồi một ngày, tất cả những hạnh phúc ấy đã hoá thành bong bóng xà phòng, mong manh vỡ vụn.
Khi ấy là ngày quốc khánh của ba năm trước.
Mỗi năm vào những ngày lễ như vậy, tôi đều sẽ về nhà thăm bà ngoại.
Nhưng năm ấy, tôi và Kiều Ngô chỉ mới yêu nhau, tôi muốn dành kỳ nghỉ đầu tiên ấy cho anh, muốn cùng anh đi du lịch, cùng anh hò hẹn sớm khuya.
Sau khi đắn đo suy tính, tôi vẫn quyết định sẽ dành ngày nghỉ quốc khánh cho anh và hẹn bà ngoại cuối tuần tôi sẽ về.
Thế nhưng, bà đã không đợi được đến cuối tuần để đón tôi về.
Bà ngoại tôi đã qua đời.
Bad được phát hiện khi tối ấy tôi gọi rất nhiều cuộc điện thoại mà bà không nghe máy.
Sốt ruột, tôi đã nhờ hàng xóm cạnh nhà bà sang xem giúp và cuối cùng phải nhận tin bà ra đi như vậy.
Bà tôi nằm cô đơn trên sàn, cả người lạnh toát.
Bác sĩ nói, bà tôi bị xuất huyết não.
Nhưng tôi biết, không phải vì bệnh tật mà bà phải ra đi như vậy.
Là do khi ấy không có ai ở bên bà, không đưa bà đến bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.
Khi ấy, tôi cảm thấy tôi chưa bao giờ chán ghét bản thân mình đến thế.
Tôi bắt đầu tự hỏi, nếu tôi không cố chấp đến Bắc Kinh, tốt nghiệp xong thì nghe theo lời bố mẹ, về quê chăm sóc bà, hoặc giả như… ngày quốc khánh, tôi không dành trọn nó cho Kiều Ngô, thì bà ngoại tôi có phải sẽ sống thêm được vài năm nữa hay không?
Đáng tiếc là trên đời này làm gì có “nếu như”?
Với nỗi dằn vặt có lẽ cả đời này không bao giờ quên được ấy, tôi không thể tiếp tục sánh bước cùng Kiều Ngô nữa.
Tôi và anh đã chia tay.
Tôi tuyệt tình đến nỗi bắt đầu dần quên đi những ký ức xưa cũ khi ở cùng Kiều Ngô.
Dường như chỉ cần quên đi, chôn nó dưới nấm mồ thời gian thì tôi sẽ không buồn bã cũng sẽ không nhớ tới cái chết cô độc của bà, cái chết mà mỗi lần nhắc đến, toà án lương tâm của tôi sẽ điên cuồng phẫn nộ.
Tôi đã mất một thời gian rất dài để quên đi.
Và với sự giúp đỡ của bác sĩ, tôi cũng mất rất nhiều công sức để xây dựng những ký ức mới thay thế chuỗi kỷ niệm đau buồn ấy.
Tôi dốc sức chạy trốn như vậy, nhưng lại không thể chối bỏ được một sự thật rằng: Ký ức có thể bị đảo lộn, xoá vĩnh viễn hay thay thế đi, nhưng cảm xúc và trái tim thì muôn đời vẫn còn đó.
Tôi thích Kiều Ngô.
Những xúc cảm, những rung động thổn thức khi gặp anh mãi mãi không thể thay đổi được.
Nước mắt tôi vẫn không ngừng rơi rớt, khuôn mặt tôi kề sát bên ngực anh.
Tôi khóc khiến áo sơ mi của anh ướt đẫm một mảng.
Đêm đó, tôi khóc nhiều đến nỗi gần như ngất lịm đi trong nước mắt.
Trong cơn mơ bất định, dường như tôi lại thấy bà tôi trong chiếc áo hoa nhí màu đỏ ấy.
Bà xoa đầu tôi, mỉm cười nhìn tôi, chán chứa trong ánh mắt ấy là cả khoảng trời bao dung tha thiết.
Bà ru tôi: “Tiểu Mộng, cháu gái của bà.
Hãy cứ yêu đi thôi, dũng cảm mà yêu.”
Bà ngoại đang dùng cách này để kín đáo nói cho tôi biết rằng, bà đã tha thứ cho tôi rồi phải không?
Sau giấc ngủ ấy, khi tỉnh lại, Kiều Ngộ ở bên cạnh tôi vẫn còn chưa ngủ.
Thấy tôi mở mắt, anh dịu dàng hôn nhẹ lên trán tôi.
"Kiều Ngô, anh có thể cùng em về quê thăm bà ngoại không?”
Kiều Ngô cong môi cười rồi nét cười cứ theo ánh mắt mà ngày càng rạng rỡ: “Tất nhiên rồi.”.