"For goodness, growing to a pleurisy, Dies in his own too-much." - Hamlet (Act 4, Scene 7)
- --------
Thợ gõ: Dờ
Kỳ nghỉ đông và nghỉ hè của nghiên cứu sinh tiến sĩ không giống sinh viên đại học, chủ yếu phụ thuộc vào giáo viên hướng dẫn. Một tuần nghỉ lễ toàn quốc đã qua, Văn Địch hưởng ứng lời triệu tập của sếp - diễn đàn quốc tế về Shakespeare sắp được tổ chức, mau về đây tiếp tục làm công.
Văn Địch thu thập hành lý chuẩn bị khởi hành lên thủ đô. Không biết vì sao, mỗi lần về nhà đón năm mới là hành lý lại nhiều hơn lúc đi những hai lần. Toàn là những thứ đồ linh tinh - kẹo vừng, long nhãn, kẹo râu rồng,.. Mặc dù Văn Địch đã nhấn mạnh bao nhiêu lần "bây giờ mua hết trên mạng được" nhưng người nhà vẫn nhét đầy rương hành lý của cậu. Vẫn chưa hết, bà nội thậm chí còn nhét đầy cải thìa với cải bó xôi vào bao tải cho cậu mang đi.
Văn Địch sợ hãi: "Cháu về trường học chứ có ra chợ bán rau đâu."
"Cứ cầm lấy, vừa mới hái về đấy." Bà nội nói: "Rau ở Bắc Kinh đắt lắm! 5 đồng mới mua được nửa cân, sao mà thế được!"
"Bình thường cháu toàn ăn cơm ở nhà ăn trường học!"
"Rau ở đó ăn không ngon!" Bà nội nghiêm túc nói: "Rau ở nhà ngọt lắm! Bây giờ cháu ra ngoài ở rồi thì buổi tối cứ lấy ít rau mà xào nấu, bỏ thêm tý muối vào là được!"
"Nhiều như thế này ăn đến khi nào mới hết được! Rau sẽ héo hết mất!"
"Thì xào nhiều lên, cải thìa trông nhiều thế thôi chứ lúc xào là ngót gần hết!"
Văn Địch đau khổ nhìn cái bao tải, thở dài thườn thượt. Thôi thì bà vui là quan trọng nhất, cậu im lặng một lúc rồi nhận lấy: "Vậy thì cháu ăn nhiều một chút vậy."
"Béo là tốt! Thanh niên bây giờ cứ thích gầy, gầy làm sao mà đẹp được."
Thế là Văn Địch kéo theo cái bao tải, đầu tiên là ngồi xe buýt, sau đó ngồi tàu lửa, vác đống rau dưa qua mấy ngàn cây số để về đến Hà Thanh Uyển. Vu Tĩnh Di vội đi làm kiếm tiền mà còn về sớm hơn cậu, nhìn thấy cái bao tải thì kinh ngạc: "Mày tính đổi nghề à?"
Văn Địch moi hết đồ trong tủ lạnh ra để lấy chỗ nhét rau vào, cậu quay lại ra chỉ thị cho bạn cùng nhà: "Từ hôm nay trở đi chúng ta không ăn cơm nữa, chỉ ăn rau thôi."
Vu Tĩnh Di im lặng rất lâu, nói: "Lành mạnh quá."
Tiếc thay, tuy ăn toàn rau rất tốt cho sức khỏe nhưng không thể no bụng được. Thồn hết một mâm rau, hai tiếng sau bụng lại réo òn ọt. Hai người bắt đầu đi tìm thức ăn như mấy con sóc vào mùa đông, thế nhưng thứ tìm được vẫn chỉ toàn rau xanh.
Ba ngày sau, hai người đứng trên bờ vực sụp đổ, vả lại lá rau đã mất nước, rõ ràng ăn không được giòn như trước nữa, có lẽ là sắp héo hết rồi.
Tấm lòng của người nhà, vượt cả ngàn cây số để mang về đây, Văn Địch không nỡ vứt đi. Cậu vắt hết sức lực nghiên cứu tài liệu để suy nghĩ hai ngày, cuối cùng cũng nghĩ ra một ý tưởng rất hay: Gói sủi cảo.
Mùi vị thơm ngon, giữ được lượng nước, cho vào tủ đông có thể kéo dài thời gian sử dụng.
Thế là hai người xắn tay áo, mua vỏ sủi cảo về, xử lý liền một hơi hết đống rau xanh. Hai người thường hay làm việc này ở nhà nên gói sủi cảo khá là đẹp, luộc lên cũng không bị vỡ.
Văn Địch hài lòng, ăn hai bữa canh sủi cảo, hai bữa sủi cảo chấm tương vừng, hai bữa sủi cảo chiên rắc vừng, hai bữa sủi cảo trứng chiên. Không thể ăn nổi nữa.
"Bây giờ tao trông mày giống miếng sủi cảo." Vu Tĩnh Di nói.
Vào ngày thứ ba sau khi sụp đổ vì ăn sủi cảo, trường tiểu học và trung học bắt đầu học kỳ mới.
Văn Địch sắp xếp xong giấy tờ, chứng chỉ, tài liệu rồi đi đến trường trung học Hưng Thành để điểm danh. Trường có bao ăn uống, lúc trước đi phỏng vấn, cậu đã lượn một vòng xuống nhà ăn, đồ ăn được trang trí rất đẹp, lại còn là buffet. Nghĩ đến món bít tết thơm lừng trong nhà ăn, cậu gần như rơi nước mắt.
Trường gồm có một trường trung học cơ sở và một trường trung học phổ thông. Chương trình dạy theo nước ngoài, Chính trị, Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Văn Học, Kinh tế đều được giảng dạy bằng tiếng Anh. Học sinh ở đây đều có mục tiêu là ra nước ngoài, bọn trẻ không chú trọng môn Ngữ văn. Thỉnh thoảng có những đứa trẻ Hoa kiều về nước, muốn hòa nhập với môi trường địa phương nên trường học đặc biệt mở các lớp dạy tiếng Trung như là dạy tiếng nước ngoài. Thay vì quan hệ giáo viên - học sinh, học sinh và giáo viên ở đây giống khách hàng và nhân viên ngành dịch vụ hơn. Các khóa học và lớp học có thể được mở theo nhu cầu của nhà tài trợ.
Văn Địch phải đến điểm danh ở phòng hành chính trường cấp ba, cậu phóng to bản đồ, vuốt trái vuốt phải nhưng vẫn không tìm được vị trí của tòa nhà ấy. Đây là tiết đầu tiên, những học sinh mặc đồng phục kiểu Anh đều ở trong phòng học, cậu có muốn tìm một học sinh để hỏi đường thì cũng không tìm được. Văn Địch đang do dự có nên đến văn phòng tìm giáo viên hay không thì một học sinh đột nhiên xuất hiện trong tầm mắt.
Một nam sinh gầy gò, dáng người trung bình, mặt mày khá là thanh tú. Cậu bé đang thở hồng hộc đẩy hai cái thùng xếp chồng lên nhau, có vẻ như hơi quá sức. Thời tiết lạnh giá, miệng thở ra từng đợt khói trắng.
"Em gì ơi?" Văn Địch gọi lại, "Này?"
Nam sinh đứng thẳng lên, nhìn Văn Địch rồi tỏ ra hoang mang.
"Em biết đi đường nào để đến phòng hành chính trường cấp ba không?" Văn Địch hỏi.
"Cấp ba," Nam sinh lặp lại, "Cấp ba." Ngẫm nghĩ thêm một lát rồi nói tiếp: "Em học lớp 7."
"Ồ," Văn Địch hơi thất vọng, "Em không biết à?"
"Cấp ba ở bên kia." Nam sinh chỉ phía sau Văn Địch, "Ở dãy đó."
Được rồi, ít nhất thì đã thu hẹp được phạm vi. Văn Địch quay người lại tiếp tục tìm kiếm điểm cần đến, nhưng trong lòng cứ như còn vướng mắc cái gì đó. Cậu nhìn nam sinh kia, cậu bé vẫn còn tiếp tục đẩy cái thùng. Bên ngoài có viết tên một nhãn hiệu nước khoáng khá là đắt đỏ, Văn Địch đã từng thấy ở trung tâm thương mại, một chai mười mấy tệ. Thùng có ghi là 24 chai, hai cái xếp lên nhau cũng phải 20 kg.
Văn Địch hỏi: "Bây giờ đang là giờ học mà? Sao em lại ở ngoài thế này?"
Có lẽ đã được dạy rằng khi có người hỏi mình thì phải trả lời thật nghiêm túc, cậu bé dừng động tác đẩy thùng, đứng thẳng người lên rồi trả lời đầy trịnh trọng, "Thầy giáo bảo, em không lên lớp cũng được."
Giáo viên cho phép học sinh tự do hoạt động trong giờ học? Trường học quý tộc đúng là tự do thật.
Sau đó cậu bé tiếp tục nói: "Thầy giáo bảo, đừng ở trong lớp làm phiền thầy."
Chắc là bị thầy giáo sai vặt nên mới chạy ra đây. Nhưng mà, học sinh ở đây không giàu có thì cũng cao sang, giáo viên tùy tiện sai vặt như vậy cũng được sao? Phải là học sinh cá biệt đến mức nào chứ?
"Em đã gây phiền phức gì vậy?"
Cậu bé ngẫm nghĩ rồi đáp: "Em giơ tay."
Văn Địch không hiểu gì cả, "Giơ tay?"
"Thầy giáo bảo, lên lớp phải tích cực giơ tay, đứng lên luôn cũng được." Cậu bé thở dài, "Lần nào em giơ tay thầy cũng không gọi. Em đứng hẳn lên thì thầy nói em gây rắc rối, bảo em ra ngoài."
Văn Địch hoang mang, lẽ nào đó là một giáo viên không thích học sinh giơ tay?
"Thế là em đi mua nước khoáng?" Học sinh lớp 7 sức lực không lớn cũng không nhỏ. Nhưng mà nhìn đứa trẻ này có vẻ suy dinh dưỡng, vận chuyển hai cái thùng mười mấy cân thì hơi miễn cưỡng, "Em mua nhiều nước như vậy làm gì?"
"Bạn bè muốn uống, mỗi người hai chai."
Văn Địch nhớ trước cổng trường có siêu thị cho học sinh, có lẽ số nước này được mua ở đó rồi vận chuyển vào đây, "Các bạn ấy muốn uống thì tự mua ở siêu thị là được mà? Tại sao lại bắt một mình em mang vào?"
Thoạt nhìn cậu bé rất tự hào: "Em là ủy viên sinh hoạt."
Ủy viên sinh hoạt là cái gì? Văn Địch chưa từng nghe thấy chức danh này hồi còn đi học: "Ủy viên sinh hoạt còn phải làm gì nữa?"
"Nhiều lắm," Cậu bé đếm ngón tay, "Lau sàn, lau kính cửa sổ, đổ rác..."
Cậu bé càng nói càng tự hào, đứng thẳng lưng lên, giống như hành vi của bản thân đã chứng minh cho câu: Sức mạnh càng lớn thì trách nhiệm càng lớn.
Văn Địch thở dài, bạo lực học đường trong trường quý tộc cũng không có trò gì mới mẻ hơn, tóm lấy một người yếu đuối nhất, không có quyền thế nhất trong lớp để bắt nạt. Thoạt nhìn đứa trẻ này không được thông minh cho lắm, bị người ta bắt nạt còn tưởng rằng mình đang cống hiến cho tập thể, còn đứng đây mà cười ngốc nghếch.
Văn Địch nhìn lướt qua điện thoại, thời gian điểm danh sắp qua rồi. Tương lai của mình quan trọng hơn, cậu không để ý đến cậu bé ấy nữa, quay người đi sang dãy trường cấp ba.
Cuối cùng cũng tìm thấy tòa nhà hành chính, nhân sự đưa cậu đến gặp giáo viên nước ngoài dạy văn học Anh ở trường cấp ba. Nhiệm vụ chính của Văn Địch là giúp anh ta soạn bài, chấm bài tập và hướng dẫn học sinh viết essay, không khác gì công việc của một trợ giảng. Văn Địch cần phải tham dự nhiều tiết học để làm quen với mô hình giảng dạy ở đây, chờ ngày giáo viên nước ngoài hào phóng chấp nhận cho cậu đứng lớp - cơ hội này chỉ có thể cầu mong. Sau khi tích lũy được kinh nghiệm, lúc đó cậu sẽ suy xét đến vấn đề có dạy học chính thức hay không.
Khá là giống với tình trạng trong nhóm nghiên cứu sinh của cậu, Văn Địch quá quen với việc này rồi.
Ngày đầu tiên thực tập rất suôn sẻ, giáo viên người nước ngoài nói năng xuôi tai hơn lão Lưu rất nhiều. Anh ta khen ngợi giáo án của Văn Địch đã khiến anh ta lấy lại được tự tin sau một thời gian dài. Lớp cấp ba tan học lúc ba giờ rưỡi chiều, thời gian còn lại, học sinh sẽ tham gia hoạt động câu lạc bộ. Sau khi Văn Địch trở lại trường, cậu vẫn có thể tiếp tục đến thư viện viết luận văn. Không biết có phải đã đến lúc đổi vận hay không, cậu viết rất trôi chảy.
Lâu lắm mới có một ngày hoàn hảo, Văn Địch rất mừng rỡ, đột nhiên cảm thấy hơi áy náy với cậu bé chỉ đường. Thằng bé ngốc ấy thế nào rồi nhỉ? Đã đem được nước về chưa? Mùa đông rét mướt thế này mà toát mồ hôi thì có bị cảm lạnh không?
Nhớ đến chuyện phải thanh toán nốt đống sủi cảo trong nhà, cậu không ăn cơm tối, đợi đến lúc thư viện đóng cửa thì về nhà chiên sủi cảo để làm đồ ăn khuya. Hôm nay cho thêm cà chua để làm sủi cảo có vị cà chua - tuy đã rất cố gắng làm cho mới mẻ nhưng nhân rau thì vẫn không đổi, Văn Địch phải nhẫn nhịn lắm mới không nôn ra.
Cứ như chê cậu chưa đủ khó chịu, cảm giác ấm ách trong dạ dày vừa dịu xuống, mùi cháy khét quen thuộc lại tràn vào qua khe cửa kính.
Giống như là dầu sôi gặp nước, cơn thịnh nộ đã ngủ yên từ kỳ nghỉ năm mới lập tức bùng lên. Cậu cầm điện thoại, cuối cùng - cuối cùng cũng đăng nhập acc chính để chất vấn hàng xóm: [Ai cho anh đốt cơm?]
Một lát sau, bên kia trả lời: [Đói rồi cũng không được ăn sao?]
Từ góc nhìn của Biên Thành thì câu này rất là tủi thân, nhưng lọt vào trong đầu Văn Địch thì giọng điệu của anh đã biến thành khiêu khích.
Văn Địch: [Mỗi lần anh vào bếp thì người bị hại chính là tôi.]
Biên Thành: [Em chưa từng ăn đồ tôi nấu mà?]
Đúng là chưa từng ăn, lục phủ ngũ tạng của Văn Địch bốc cháy, chứ ăn rồi để mà quy tiên tại chỗ à? Văn Địch nhớ đến người em trai mà Biên Thành nói, tuy cậu mới chỉ nhìn thấy thằng bé một lần qua mắt mèo nhưng vẫn nhớ nó rất là gầy gò, có lẽ thằng bé chính là người bị hại dưới tay nghề nấu nướng của Biên Thành.
Đứa trẻ đang trong thời kỳ trưởng thành mà ngày nào cũng cho thằng nhóc ăn mấy thứ đó, đúng là tội tày trời.
Văn Địch mở ngăn đá tủ lạnh, lấy mấy quả cà chua còn lại ra, bóc vỏ xắt miếng, đun thành nước sốt rồi rồi lại làm một nồi sủi cảo. Cậu tìm cái bát canh to nhất trong tủ rồi đổ sủi cảo vào đó, đi sang nhà hàng xóm gõ cửa rầm rầm.
Biên Thành mở cửa rất nhanh: "Từ từ đã," Anh nói: "Đừng gõ mạnh quá kẻo hỏng câu đối xuân mà em mua."
Văn Địch liếc nhìn chữ trên tờ giấy đỏ, thiên đạo kỷ hà? Sao thiên đạo không thu hồi anh về trời đi.
"Cầm lấy." Văn Địch nhét cái bát vào tay Biên Thành, động tác rất hung hăng. Biên Thành bị nóng thì run tay những vẫn cầm rất chắc, ôm chặt lấy bát canh.
"Em làm à?" Biên Thành nhìn cậu.
"Anh đừng có mà hiểu lầm," Văn Địch nói: "Nhà tôi còn thừa nhiều sủi cảo quá. Với lại cái này không phải cho anh, ngày nào anh cũng đốt cơm cho thằng nhóc ăn, làm sao nó sống đến khi trưởng thành được?"
Biên Thành im lặng một lát rồi hỏi: "Vậy sau này có thể đến nhà em để ăn cơm không?"
"Tại sao?"
"Em không cho tôi nấu cơm còn gì?"
Trời ơi! Tên này đúng là mặt dày!
"Không thể." Văn Địch lạnh lùng kéo tay nắm cửa rồi đóng lại.