Dưới Vòm Ký Ức Đã Nhiều Năm Như Vậy


Tác giả: Bát Nguyệt Trường An
Khi mùa đông Nam Kinh bắt đầu đổ mưa, có một kiểu phong thái rất lạnh lùng.
Tần Hoài2 diễm lệ, Kim Lăng3 mưa bụi, chuyện cũ lục triều4 như dòng nước chảy.
Thành phố này đã nhìn quen những tòa nhà cao tầng ngày một nhiều và Vương triều dần sụp đổ, sinh mệnh thăng trầm bình thường như thể tiếng hít thở của nó vậy.

Huy hoàng hay lụi tàn, rực rỡ hay ảm đạm, nó đều thản nhiên như không.
Cơn mưa bụi khiến miếu Phu Tử5 yên tĩnh đi nhiều.

Khu chợ huyên náo bên cạnh lúc này cũng phần nào mất đi vẻ nhộn nhịp, những vụn rác ngày thường hay lăn lội theo gió đều bị nước tích trên đường nhựa dính lại, trong không khí ẩm ướt xua đi mùi đậu phụ thối, cũng xua đi những du khách chụp ảnh lưu niệm đang nhốn nháo trên cầu.
Trần Kiến Hạ đứng bên bờ sông Tần Hoài rất lâu, lặng lẽ nhìn chăm chăm vào đôi rồng uốn lượn khá lớn ở phía đối diện.
Ban nãy người tài xế có nói chuyện với cô, hỏi cô đến công tác hay đến gặp bạn.
“Không phải đi công tác.

Tôi không có bạn bè ở đây.”
Trần Kiến Hạ trước nay vẫn luôn không có bạn bè thân thiết.

Người mẹ và em trai trước đây từng tránh mặt cô không xong bây giờ lại thường xuyên gọi điện thoại cho cô, rất thân thiết và tự nhiên.

Mọi thứ trong quá khứ đều bị thời gian chìm đến mức dần dần nhạt phai, mối liên hệ huyết thống không thể nào dứt bỏ được, đối với Kiến Hạ của ngày hôm nay càng đi càng nhanh, ngược lại lại thể hiện uy lực đích thực của nó.

Chỉ có họ vẫn còn ở bên cạnh cô.
Những người quan trọng càng ngày càng ít, những người còn lại cũng càng ngày càng trở nên quan trọng.
Cô men theo bờ đá tiến về phía trước, vừa đọc thầm tên của từng người điêu khắc chạm nổi một vừa chú tâm nghiền ngẫm sự huyền diệu bên trong đá.

Năm đó cô từng mua một chiếc quạt tay trong phủ tổng thống, trên mặt trước có ghi Thiên hạ vi công, mặt sau viết Bác ái.

Cô còn cầm chiếc quạt đó đi quanh miếu Phu Tử nửa ngày, đứng ở trước bờ đá năm đó mới khánh thành, dùng chiếc quạt diễn vai người chạm khắc nổi.

Cô diễn Liễu Như Thị6, anh diễn Đường Dần7, diễn giống y đúc, anh và cô còn coi như không có ai xung quanh, mặc cho bao người đang ùn ùn dừng lại để chụp ảnh.
Cô đứng trước bức tượng đá hơi ngẩn ngơ, cũng có chút nuối tiếc.
Khung cảnh đẹp như vậy, cô lại không có lấy một tấm ảnh lưu lại.

Họ của năm đó đều bị máy ảnh của những người lạ mang đi, không biết đã đi về phương nào rồi.

Lối đi bên bờ không dài lắm, cô chỉ đi một chốc đã đến đoạn cuối, ngẫm nghĩ một hồi, cô mua một tấm vé du lịch bằng thuyền 60 tệ.
Người bán vé nói với cô mười phút sau thuyền mới khởi hành, cô tỏ ý đồng ý đợi.
Người đàn ông ở chỗ bán vé nhìn thấy cô gái trước mặt cầm chiếc ô giấy dầu8, khóe miệng nhếch lên định trêu ghẹo mấy câu lại bị ánh mắt lạnh lùng của Kiến Hạ chặn ngang.
Trần Kiến Hạ cũng ngước lên nhìn chiếc ô giấy dầu màu xanh đen, rất nặng, chất lượng không tốt chút nào.

Lúc trời vừa mưa, cô đã mua chiếc ô này ở một tiệm đồ lưu niệm trong chợ, không hề rẻ tiền, dẫu biết bị hớ một vố to nhưng cô vẫn không hề tính toán.
Ngay từ nhỏ Trần Kiến Hạ đã không thích tính toán, chỉ là cô đã từng không thể không tình toán và phải ngoan cố chống cự với sĩ diện của mình.

Bây giờ trưởng thành độc lập rồi, ở một mức nào đó không còn bị tiền bạc bức ép, loại cảm giác tự do này vô cùng thoải mái.

Có phải bị hớ hay không, từ lâu đã biến thành một ý nghĩ váng vất trong giây lát.
Chỉ là rất đáng tiếc! Cô nhìn đăm đăm vào những vết lấm tấm và vết keo trên chiếc ô giấy dầu mà nhăn mày nhăn mặt.
Năm ấy cô cầu mưa lâu như thế chính là để cắn răng mua một chiếc ô giấy dầu.

Anh rất không thoải mái với những lời nhắc đi nhắc lại của cô, thế nhưng vào đúng lúc trời đổ mưa, anh kéo tay cô chạy đến bên bờ sông Tần Hoài, nhét chiếc ô vào tay cô.
Chiếc ô trong kì ức hoàn mĩ như vậy, sau này bị cô vứt vào xó nào rồi?
“Được rồi được rồi, không phải em muốn diễn Hồng Lâu Mộng ư? Diễn đi diễn đi, em gái Lâm, lúc này đến lúc em phải nôn ra máu rồi, action!”
Anh nói như vậy, đúng không?
Chiếc ô giấy dầu gợi lại một số hồi ức, lại làm mờ đi một phần.
Người đàn ông bán vé gõ gõ bờ cửa sổ, khiến Trần Kiến Hạ tỉnh ra.
“Khách quá ít, chị đừng ngồi nữa, bọn họ cũng không muốn cho thuyền chạy vì chút người như vậy.”
Trần Kiến Hạ lại một lần nữa nhìn anh ta lạnh lùng: “Sao nào? Tôi chờ.”
Người đàn ông khó xử, hơi rụt cổ lại, anh ta nhấc điện thoại lên gọi điện.

Một lát sau, người chèo thuyền bực dọc hét lên: Kiến Hạ lên đầu thuyền.
Chuyến tham quan bằng thuyền bắt đầu từ miếu Phu Tử, từ từ đi về hướng công viên Bạch Lộc Châu9.

Kiến Hạ là hành khách duy nhất trên thuyền, ngồi ở hàng thứ ba từ dưới lên, bên cạnh cửa sổ.

Hướng dẫn viên ngồi đằng sau cô, hàng ghế số một từ dưới lên, trong tay cầm loa, đeo mic trên tai, từ lúc Kiến Hạ bước lên thuyền đã liếc xéo, khuôn mặt lạnh lùng nhìn cô, sau đó dùng chất giọng trầm bổng bắt đầu giảng giải về cảnh sắc hai bên bờ.
Kiến Hạ không hề nghe.
Cô cùng từng ngồi thuyền để tham quan, nhưng không phải loại to như thế này, là chiếc thuyền có gắn động cơ mô tơ, kêu ình ình.


Người chèo thuyền đẩy mái chèo, chỉ đưa họ đi một đoạn ngắn, giảng giải cũng không chuyên nghiệp, còn lẫn âm địa phương và tiếng cười.

Kiến Hạ cãi nhau với anh, cầm nước mắt, cứng đầu cứng cổ không thèm để ý đến anh, ngẩng đầu nhìn hai bờ, cố gắng tưởng tượng phong cảnh ngàn năm trước của Tần Hoài, lại chỉ vì một câu của người bên cạnh “Đổng Tiểu Uyển10 cũng coi như là phụ nữ tri thức thời đó rồi nhỉ?” mà cười.
Bây giờ chỉ còn lại tiếng thở dài.
“Chị không cần kể.

Tôi không cần nghe.”
Cô ngoảnh đầu lại mỉm cười với hướng dẫn viên, người đó ngây người, dường như cảm thấy như vậy không hợp với quy tắc, định từ chối.
“Thật đó, chị có thể nghỉ một lát, tôi sẽ không khiếu nại chị đâu.”
Cô gái hướng dẫn viên tròn mắt, nghĩ lại thì làm thế bản thân cũng thư thả hơn nhiều, gật đầu, co người lại rồi vùi đầu vào chỗ ngồi.
Kiến Hạ dựa đầu vào cửa sổ.

Chiếc thuyền lớn chạy khoan thai cuối cùng cũng đẩy bờ miếu Phu Tử hiện đại về phía sau, men theo con đường sông xanh ngọc bích tiến về phía trước, tường trắng ngói đen ở hai bên như một bộ phim không câm, không ngừng lùi về phía sau.

Chuyến đi này mang theo Kiến Hạ, từng tấm từng tấm thời gian đọc ngược.

Trăm năm rực rỡ huy hoàng rồi lại khói lửa tang thương, cho dù lưu lại một sợi hồn phách cũng chỉ có thể trôi nổi trên không trung nhìn máy ảnh kĩ thuật số của du khách mà cười thôi nhỉ!
Lúc qua cầu, động cơ của thuyền có trục trặc, chỉ đành dừng ở dưới cầu.

Dưới trụ cầu dùng chữ Âm Dương làm loạn trật tự rồi khắc câu thơ đầu “Hồng đậu sinh Nam quốc”11 trong bài Tương tư, khu nhà cổ ở hai bên bờ sớm đã cải tạo thành câu lạc bộ cao cấp, trước cửa loáng thoáng nghe thấy tiếng nhạc tản mạn truyền trong cơn mưa.
Như bị ma xui quỷ khiến, Kiến Hạ đẩy cửa ra.

Không khí ẩm và lạnh làm cô hơi run rẩy.
Giai điệu là bài Chuồn chuồn ngang qua của Trương Quốc Vinh.
Nếu em không có cách nào vì anh mà dừng bước chân
Nguyện cùng người kinh qua con đường sóng gió
Không sợ, đối mặt với sinh mệnh vô thường này.
Kiến Hạ phút chốc nghe thấy khậc nhẹ ở xương cổ.

Bệnh ở gáy của cô chữa mãi chưa khỏi, lúc này khớp chợt ngưng trệ, lại giống như dây đàn đứt mất lí trí, bụp xuống đất một cái.
Để anh làm một chú chuồn chuồn ngang qua con đường em đi
Lưu lại những năm tháng không thể hoài niệm

Giải thoát sinh mệnh rẻ rúng này của anh
Khiến em được yêu là vinh dự của anh
Dẫu ai đang chê anh bị mê hoặc
Không nhận cũng không cần thiết mất hứng.
Từng có một thiếu niên, đứng trên thuyền chèo mái thuyền, lớn tiếng hát cho cô bài này.

Cô nghe không hiểu tiếng Quảng Đông, hỏi anh đang hát gì, anh nói, Trần Kiến Hạ, em hãy xem như từng lướt ngang qua một chú chuồn chuồn là anh đi.
Người thiếu niên sống không keo kiệt, sẽ tùy tiện nói “123 Lâm Đại Ngọc, đến lượt em khóc rồi, action”, trong thời khắc chia ly, đã yên lặng đứng ở mũi thuyền, chăm chú nhìn vào mắt cô rồi nói.
Em hãy xem như, từng lướt ngang qua một chú chuồn chuồn là anh đi.
Trong dòng nước mắt, bài thơ Tương tư dưới cầu nhòa đi, Kiến Hạ khóc òa lên như thể xung quanh không hề có bất kì ai, lông mi, kẻ mắt đều dính vào nhau.
Nam Kinh đúng là một thành phố lạnh lùng.

Trước đây cô chưa từng cảm thấy như thế.
Lần đầu đến đây, chợ miếu Phu Tử huyên náo mở rộng vòng tay đón chào cô.

Phủ tổng thống, quán bánh trôi nước, lăng Minh Hiếu12, canh miến tiết canh vịt, cua vàng… không có một nơi nào lạnh lẽo.

Có thể là do chàng trai bên cạnh cô có một trái tim nóng trong lồng ngực, đến cả Nam Kinh cũng nể mặt cô mấy phần.
Hoặc lạnh lẽo là chính cô, không có mừng vui ngạc nhiên và cảm ơn, biết càng nhiều lại càng lạnh lùng.
Kiến thức như một loại thực phẩm, không ngừng nuôi dưỡng một con dã thú trong lòng cô, con dã thú đã từng bị đói như mèo, nhưng giờ đây nó đã lớn rồi, con người yếu đuối của cô cuối cũng có thể nở mày nở mặt sau lưng nó, không bao giờ bị người khác ức hiếp nữa.
Cô thà dành ra vô vàn năm để một mình nuôi con dã thú đó lớn cũng không muốn dựa dẫm vào anh.
Kiến Hạ hỏi chính mình vô số lần, mày hối hận không? Trần Kiến Hạ, mày hối hận không?
Đáp án luôn là sự phủ nhận của cô.

Kiến Hạ hiểu rõ, ban đầu cô có chọn con đường nào, kết quả vẫn luôn là hối hận.
Cho nên, cô âm thầm nói với chính mình, cảm giác đó không gọi là hối hận mà gọi là tham lam.
Bởi thế, có tham lam thế nào đi chăng nữa, những thứ mà cô muốn có cũng chỉ là cưỡi con dã thú trong lòng mình, đi bắt lấy chú chuồn chuồn từng lướt ngang qua con đường cô đi.
_______________________
Chú thích:
1.Chuồn chuồn ngang qua (路过蜻蜓): bài hát của ca sĩ người Hồng Kông Trương Quốc Vinh.

2.Tần Hoài: là một quận của thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Quận này có diện tích 22,34 km², dân số khoảng 300.000 người.

Quận Tần Hoài có 5 khu phố.

3.Kim Lăng: tên gọi trước của Nam Kinh, dưới thời Tần Thủy Hoàng.
4.Lục triều (220 hoặc 222 – 589): là một danh từ dùng để chỉ sáu triều đại trong các thời kỳ Tam Quốc (220–280), Lưỡng Tấn (265–420), và Nam-Bắc triều (420–589) trong lịch sử Trung Quốc.


Đó là sáu nước Ngô, Đông Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần kế tiếp nhau đều đóng đô ở Kiến Khang, tức Nam Kinh, Trung Quốc ngày nay.

5.Miếu Phu Tử: hay còn gọi là Miếu Khổng với niên đại gần 1000 năm, là nơi thờ cúng nhà giáo dục và nhà tư tưởng Khổng Tử, tại thành phố Nam Kinh, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của thành phố này.
6.Liễu Như Thị: là một trong tám danh kỹ lừng danh Trung Quốc, nổi tiếng khắp Nam Kinh với vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cầm kỳ thi họa lại đều vô cùng tinh thông thời nhà Minh.
7.Đường Dần (1470 – 1524): là một danh hoạ, một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Minh.
8.Ô giấy dầu: là một loại ô giấy có nguồn gốc ở Trung Quốc.

Kiểu ô làm bằng giấy dầu này đã truyền khắp châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Okinawa, Thái Lan và Lào.
9.Công viên Bạch Lộc Châu: một danh lam thắng cảnh của Nam Kinh, Trung Quốc.
10.Đổng Tiểu Uyển: tên là Bạch, tên chữ là Thanh Liên, biệt hiệu Thanh Liên nữ sử, là người Tô Châu sống vào cuối đời nhà Minh, đầu đời nhà Thanh.

Tên và tự của nàng đều vì lòng ngưỡng mộ Lý Bạch mà ra.

Nàng thông minh linh tú, thần tư diễm phát, yểu điệu thiền quyên, là nhất lưu nhân vật trong đám con gái ở cựu viện Tần Hoài.

Đổng Tiểu Uyển là người đứng đầu trong tám danh kỹ nổi tiếng thời Minh, có Liễu Như Thị.

11.

Bài thơ “Tương tư” của nhà thơ Vương Duy.

Hồng đậu sinh nam quốc,
Xuân lai phát kỷ chi.
Nguyện quân đa thái hiệt,
Thử vật tối tương ti (tư).
Dịch nghĩa:
Đậu đỏ sinh ở phương nam,
Mùa xuân đến, nảy bao nhiêu cành.
Xin chàng hãy hái cho nhiều,
Vật ấy rất gợi tình tương tư.
 Đậu đỏ có hột hình tròn, màu sắc tươi hồng, hình dạng đáng yêu, thường làm trang sức trên mái tóc phụ nữ.

Người xưa lấy cây này biểu tượng cho tình yêu nên mới có tên là cây “tương tư”. 
12.

Lăng Minh Hiếu: lăng tẩm của Chu Nguyên Chương – vị vua khai sinh nhà Minh (1368-1398), là một trong những lăng vua thời cổ lớn nhất thế giới .


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận