Trong cuốn nhật ký của nàng (trang tiếp theo)
Tôi si mê những ngọn đèn trời một cách không thể nào lý giải. Nỗi si mê ấy có lẽ bắt đầu từ một đêm nguyên tiêu nọ, tôi đứng trên một ngọn đồi ở Đà Lạt. Hình như đó là ngày Thơ, và người ta thả lên trời hàng mấy trăm ngọn đèn sáng rực. Tôi thích cái khoảnh khắc những ngọn đèn cất mình lên, rồi bay hút vào màn đêm, lẩn trốn giữa những ngôi sao. Khi bạn thả nhiều chiếc đèn trời cùng một lúc, bạn sẽ thấy thế giới quanh mình đang cất mình bay. Và chính bạn, bạn cũng cất mình bay.
Tôi đã từng tự tay thả một ngọn đèn trời. N. cất công đặt mua nó từ Hà Nội. Hôm đó là sinh nhật tôi. N. chở tôi ra ngoại thành, dừng chân ở một cây cầu đang xây dở. Em đốt đi, N. nói, dúi vào tay tôi chiếc hộp quẹt kim loại lạnh toát. Mớ bùi nhùi tẩm mỡ lợn cháy bùng, chiếc đèn trời từ từ trôi khỏi tôi, như một vì sao chuẩn bị rời xa tôi, mãi mãi. Chúng tôi đứng rất lâu nhìn chiếc đèn trời bay đi, mất hút về phía những rừng dừa nước.
Anh, liệu nó có làm cháy nhà không? Tôi thảng thốt hỏi N. N. từ tốn giải thích cho tôi về nguyên lý của chiếc đèn, rằng nó chỉ rơi xuống khi nào lửa tắt, nhưng tôi không tin. Nếu lỡ không phải như thế, nếu lửa cháy bén những khu nhà, những cánh rừng… thì tôi sẽ phải làm thế nào chứ? Tôi òa lên khóc. N. vẫn dịu dàng trấn an tôi, không sao, không sao. Cậu ấy bảo tôi lên xe, đưa tôi chạy vòng qua nơi chúng tôi ngờ rằng ngọn đèn trời rơi xuống. Tuyệt nhiên không thấy đám cháy nào. Chúng tôi vòng qua vòng lại khu đó rất lâu mà chẳng thấy động tịnh gì, nhưng đầu tôi cứ lởn vởn hình ảnh của một vụ cháy kinh hoàng do chiếc đèn trời gây ra, nên tôi vẫn tiếp tục gào khóc. Em thôi đi, N. nói, sẽ không có đám cháy nào hết. Có vẻ như N. đã mất kiên nhẫn. Tôi bắt đầu cảm thấy căm ghét N. Đương không tại sao N. lại vác về một ngọn đèn trời, để bây giờ tôi phải sống trong nỗi sợ hãi khôn nguôi như thế. N. đưa tôi về nhà, mệt mỏi, im lặng.
Sáng hôm sau tôi mua tất cả các tờ báo ngày, tìm tin về một vụ cháy ở ngoại thành. Nhưng đúng như N. nói, không có đám cháy nào cả.
Ngày hôm sau, và hôm sau nữa, rồi rất nhiều ngày sau đó cũng không. Tôi thấy mình tuyệt vọng trong cuộc tìm kiếm, nghe ngóng về đám cháy. Đám cháy huyễn tượng do tôi gây ra, bằng một ngọn đèn trời.
Không muốn tiếp tục bất cứ điều gì nữa
‘Chiêu Anh có biết mày bỏ học không?’
‘Cô ấy vẫn tránh mặt tao. Tao bỏ cuộc trong việc tìm gặp cô ấy từ lâu rồi’
‘Thỉnh thoảng nó có gọi điện cho tao’
‘Nói gì?’
‘Chửi rủa tao. Tại sao ngày xưa lại đẩy nó vào vòng tay mày. Kiểu vậy! Rồi thì lại quay ra khóc lóc không thôi.’
‘Riết rồi tao chả biết chuyện gì đã xảy ra nữa. Hình như Chiêu Anh dần mất khả năng kiểm soát bản thân.’
‘Mày chán nản chứ?’
‘Ừ’.
‘Nhưng vẫn yêu nó chứ?’
‘Tao không biết.’ Tôi thành thật.
‘Chiêu Anh nói với tao càng ngày nó cảm thấy càng tuyệt vọng và không muốn tiếp tục bất cứ điều gì nữa. Tao khuyên nó thử đi gặp bác sĩ.’
…
‘Thật tình, tao biết không thể đòi hỏi thêm ở mày sự kiên nhẫn. Nếu là mày, tao cũng sẽ ngán tận cổ một mối quan hệ đã đến hồi be bét như vậy.’
…
‘Nhưng tao không biết nữa N. à, có thể tao khác, mày khác…’ không nghĩ mình cần phải trả lời, vì câu nói của Trân là một lời phỏng đoán.
Trong cuốn nhật ký của nàng (trang tiếp theo)
Và tôi luôn ghê sợ chuyển động của bầy cá.
Hồi còn nhỏ, tôi đã ăn một trận đòn thừa sống thiếu chết. Chuyện này đại khái có liên quan đến những con cá. Năm mười một tuổi, tôi nằng nặc đòi ba tôi sắm ột hồ cá nhỏ. Ông chiều theo ý tôi, hì hụi khiêng về cái bể kiếng hình chữ nhật. Hai cha con đi mua ít cá nhỏ thả vào hồ. Tôi đã rất thích bầy cá, thậm chí chỉ ngồi chực chờ bên hồ đợi đến giờ cho cá ăn.
Tôi nhớ rõ đó là một buổi chiều mùa hè giông bão, tôi ở nhà một mình. Mưa dộng đùng đùng trên mái tôn. Tôi đã ngồi trước bể cá rất lâu, nhưng chính xác là bao lâu thì không còn nhớ nữa. Sự chờ đợi tưởng kéo dài bất tận như cơn mưa buồn nản kia. Lũ cá điềm nhiên bơi trong hồ. Thậm chí có con lượn qua lượn lại nhanh như cắt, điệu bộ láu lỉnh, cà chớn như đang có điều gì đắc ý lắm. Tôi cảm thấy muốn khóc, vì sao thì không rõ, nhưng dường như có một cơn tuyệt vọng nghẹn ứ trong cổ họng làm tôi ngạt thở. Vậy rồi tôi quyết định kết thúc cơn tuyệt vọng vô lý đó. Tôi đi đến góc nhà, lấy cây thước gỗ dày cộp trong cặp ra. Khi đó tôi làm lớp trưởng nên thường giữ thước kẻ của lớp. Tôi quất cây thước dày một cách cuồng điên vào bể kính. Vỡ nát. Xối xả. Trong phút chốc cơn tuyệt vọng trong tôi dịu lắng, nhường chỗ cho nỗi hả hê không tưởng. Ba mẹ tôi vừa mở cửa, chỉ biết đứng sững nhìn cảnh tượng đó, thậm chí không thể nghĩ ra chuyện ngăn tôi lại.
Ba tôi đã đánh tôi rất đau, nhưng tôi không khóc. Tôi nhớ ông giải thích rất rõ ràng: ông ghê sợ ánh mắt của tôi lúc đó, sung sướng hả hê đến cuồng loạn đứng nhìn bọn cá nhỏ đang giãy giụa trong vũng thủy tinh một cách vô vọng. Tôi trả treo rằng tôi thà ăn đòn vì chuyện tự dưng đập vỡ hồ cá, chứ còn chuyện tôi đứng nhìn bầy cá ra sao thì không mắc mớ gì đến ai mà phải chịu trận đòn kinh khủng như vậy. Ba tôi nhìn tôi thảng thốt một lúc lâu, rồi ông thở dài. Đó là tia nhìn độc ác, con à. Tôi chợt òa lên khóc. Tôi muốn nói ch biết tôi không độc ác, mà chỉ là vì tôi tuyệt vọng.
Nhưng làm sao một đứa trẻ mười một tuổi có đủ từ ngữ đế nói về sự tuyệt vọng. Mà tôi tuyệt vọng về cái gì?
Tôi không nuôi một con cá nào nữa. Sau này cũng không. Mỗi lần đi ngoài phố gặp những người bán cá vàng dạo, lòng tôi dấy lên một nỗi căm tức vô lý. Tôi nhìn đăm đăm vào những đốm lửa màu cam rực đang chuyển động, thấy tia nhìn mình ngún cháy. Trong tôi dấy lên một ước muốn mơ hồ, rằng ngay lúc đó tôi đang cầm một chiếc ná thun và một bọc những viên đạn kim loại nhọn đầu. Tôi sẽ lần lượt bắn hạ từng bịch cá vàng kia. Nước sẽ lênh láng chảy ra và lũ cá sẽ giãy giụa trên vỉa hè lở lói bên cạnh những bọc nilon rách nát.
Tôi không chịu nổi cái cách chúng bơi lượn nhởn nhơ trong cái bọc nilon tù túng kia, hay trong bất kì cái ao cái hồ nào khác trên đời. Lũ cá.
Một ngày
Buổi sáng, tôi thức dậy trước Trân. Tôi tự động xuống bếp pha một ly cà phê, mang lên sân thượng, ngồi ở chiếc bàn đá đặt gần chậu cây hoàng anh đang nở hoa vàng. Trời Hà Nội hôm qua mưa lất phất cả ngày, nhưng sáng nay đã hửng. Lũ chim sẻ nhảy lích rích trên dây điện. Con chó Han nằm trong căn nhà tí hon của nó hướng về phía tôi gừ gừ. Đây là con chó cưng của Trân, do một ông bạn già người Hàn tặng trước khi về nước. Han là họ của ông ta, được Trân gọi thành tên con chó luôn cho tiện nhớ về ông bạn già. Con chó này nhìn rất mắc cười. Lông nó dài che kín cả mắt, thành ra khi nó đi thì như đang mò mẫm tìm đường, còn khi nó nằm thì nhìn như một triết gia dở người đang ngủ gật.
Trân lò dò bước lên, mặt còn ngái ngủ. Nó hỏi tôi ngủ có ngon không. Tôi nói từ hôm bỏ học tới giờ, hôm qua là đêm tôi được ngon giấc nhất. Nó ngồi xuống chiếc ghế cạnh tôi, chống cằm nhìn xuống ngõ, ngáp dài rồi tự động vớ lấy ly cà phê tôi đang uống, làm một hơi hết sạch. Tôi đoán ngày nào nó cũng ngủ đến trưa trờ trưa trật mới mò dậy.
‘Ê sao mày không hỏi tao có người yêu chưa?’ Trân đá chân tôi.
‘Ừ thì mày có người yêu chưa, nếu mày muốn tao hỏi.’
‘Chưa đấy!’
‘Mày không nghĩ đó là nỗi nhục của một cô gái hai mươi tuổi hả?’
‘Đó là nỗi nhục cho bọn con trai quanh đời tao.’
Tôi biết nó còn vấp vướng với gã phóng viên ảnh đã có gia đình. Nhưng tôi không nhắc đến. Có lẽ, đó là chuyện Trân không thể tâm sự được với một thằng bạn trai, dù hai đứa thân thiết dường nào.
Nói tào lao một hồi, Trân bảo phải đi học. Nó hỏi hôm nay tôi sẽ làm gì. Tôi đáp muốn nằm nhà. Tự nhiên nghĩ đến chuyện ra đường lúc này, tôi thấy oải kinh khủng. Nó bảo ừ, còn rất nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, tôi có thể ở lì trong nhà đến tuần sau mà không phải mò ra đường. Rồi bỗng nhiên Trân cười rích rích. Tôi hỏi nó có quái gì mà cười vui vậy, nó bảo nó nhớ chuyện hồi xưa. Mẹ nó không thích chó, nhưng nó thì ao ước được nuôi chó một cách mãnh liệt. Thế là năm lớp ba, nó xin từ nhà bạn về một con cún tai cụp, nuôi giấu trong nhà kho bằng thức ăn chôm từ tủ lạnh. Ròng rã ba tuần mẹ nó mới phát hiện ra chuyện đó.
Tôi gào lên, kinh dị thật, mày tưởng mày cho tao ở nhờ vài ngày thì có thể “đồng hóa” tao với con chó tai cụp của mày à! Nó vờ nín cười, ra bộ sợ tôi giận, nói đâu có, chỉ là tao chợt nhớ lại chuyện đó nên muốn kể mày nghe thôi.
Trân đẩy xe ra khỏi nhà, vẫy tay chào tôi rồi nhảy lên rồ máy. Tôi đóng cửa, đi quanh quẩn trong nhà một hồi, cuối cùng dừng lại ngồi ngờ nghệch ở xa-lông, không biết sẽ làm gì tiếp nữa. Tôi xem liền ba phim trong bộ DVD Kim Ki Duk trên kệ đĩa. Có đến hai phim không có phụ đề tiếng Anh, nói toàn tiếng Hàn thi thoảng chen tiếng Pháp. Tôi vẫn dán mắt vào màn hình, chấp nhận chỉ xem diễn tiến trên màn ảnh mà mù tịt lời thoại.
i trưa tôi ăn mì gói, uống nước táo ép trong tủ lạnh.
Giữa giờ chiều, tôi hoa mắt nằm vật ra ghế, ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Ngủ cho đến lúc Trân về
Máy giặt nhảy múa
Những ngày tiếp sau đó, tôi vẫn ở lì trong nhà. Trân bận bịu suốt, có khi đi từ sáng đến khuya, học ở trường, học tiếng Anh, học đồ họa, học nhảy salsa. Nhìn nó tất bật như một-thanh-niên-hai-mươi-đích-thực, tôi nghĩ mình nên chạnh lòng về bản thân cho phải phép. Tuy nhiên, không thể chối cãi được là tôi cứ nhơn nhơn ra, như thể chúng tôi đang sống trong hai thế giới khác biệt.
Lúc nào thèm khí trời, tôi lên sân thượng ngồi tán chuyện với con chó Han. Nó vẫn gừ gừ khi tôi đến gần, nhưng thái độ đã bớt cảnh giác, thù địch. Tôi gửi email cho lão Sói xem lão đang làm gì, nhưng không có hồi âm. Tôi để lại số điện thoại của Trân trong email để lão có thể tìm tôi bất cứ lúc nào.
Xem phim, đọc sách chán, tôi đi lòng vòng trong nhà làm những thứ việc vặt. Có một chị giúp việc theo giờ thường đến vào bốn giờ chiều mỗi ngày lẻ để lau dọn, nên cũng chẳng có nhiều việc để tôi mó tay vào. Tôi lấy những thứ trong tủ lạnh, nấu một bữa tàm tạm, chờ cô bạn quý đi học về, cùng nhau ăn tối. Tôi cho quần áo vào máy giặt. Đó là loại máy giặt cửa ngang đỏng đảnh, thứ duy nhất có vẻ cũ kĩ trong ngôi nhà sang trọng này. Khi giặt một lúc ba cái quần jeans, nó giật đùng đùng. Tiếng ồn như máy nổ vọng khắp nhà. Đến khi giặt xong, chiếc máy giặt đã quay một vòng hơn 90 độ. Một chiếc máy giặt biết nhảy múa.
Sau khi cho quần áo vào, tôi ngồi ở bàn bếp đọc sách trong tiếng nhảy múa của chiếc máy giặt. Tôi đang đọc cuốn Đồ Vật của Georges Pérec, một cuốn mỏng mua được trong tiệm sách cũ lúc ở Hội An. Từ trang này sang trang khác là sự liệt kê, miêu tả tỉ mỉ những thứ đồ vật bằng bút pháp “khách quan chủ nghĩa” – đứng tên cho những uốn vật chất thảm hại của con người.
Rời mắt khỏi trang sách cuối, tôi nhìn quanh căn phòng bếp, thử làm nhẩm một bản thống kê, coi như bài tập sau khi đọc sách. Tủ lạnh side-by-side bóng loáng, ngập ngụa đồ hộp, mứt, nước quả, trái cây, pho-mát. Lò viba. Lò nướng. Máy nướng bánh mì có thể in hình lên lát bánh. Bộ nồi thủy tinh. Tủ chén dĩa sứ cao cấp. Bộ dao bếp chuyên dụng. Máy rửa bát. Ngăn tủ đựng nến thơm đủ mùi. Lọ thủy tinh cắm hoa lys trắng thơm ngào ngạt. Tủ rượu vang đủ loại. Tivi LCD treo tường, bộ giàn âm thanh xếp đặt khéo léo để có thể giải trí ngay cả trong nhà bếp.
Tất cả toát lên một thứ ánh sáng hào nhoáng, tự mãn. Tôi ngồi rất lâu để nghĩ xem mình có thèm muốn tất cả những thứ này không. Rốt cuộc thì tôi chẳng biết nữa. Tôi nhìn những thứ đồ vật chung quanh, không quá hờ hững, cũng không khao khát. Nhưng tôi nghĩ tôi thích có một chiếc máy giặt cửa ngang đời cũ như của nhà Trân – thứ đang khuất tầm mắt tôi, chỉ có tiếng kêu là dội ầm ầm trong ngực. Chiếc máy giặt biết nhảy múa.
Nó có vẻ là thứ duy nhất sống động trong căn nhà này, dĩ nhiên, trừ con Han. Nhưng tôi không thích chó lắm.
Trong cuốn nhật ký của nàng (trang tiếp theo)
Tôi thường mơ thấy cảnh mình bước đi trong một cánh rừng mù sương. Thi thoảng tôi ngước mắt lên và nhìn thấy một vài mảnh vỡ của bầu trời, nhưng thứ ánh sáng đó cũng dường như là ảm đạm. Cảm giác trống trải và lạnh thấu xương xuyên khắp giấc mơ. Nhưng tôi không thấy sợ. Dường như kẻ đang đi trong rừng đó không phải là tôi nữa. Tôi ngắm nhìn cuộc đời của chính mình như một khán giả trung thành nhưng thiếu nồng nhiệt. Hay như A.Baricco nói trong quyển Lụa, “It should be noted as these men observe their fate the way most men are accustomed to observe a rainy day.”
Càng ngày tôi càng nhận ra vì sao mình thích đi qua những cây cầu. Cao, xa, trống trải. Nó đem lại cảm giác ta sắp bước đến một thế giới khác, bởi ta không thể thấy được con đường trước mặt. Ta xa lạ với nà nó xa lạ với ta. Với tư cách một khán giả trung thành của đời mình, tôi muốn xem mình phản ứng ra sao.
Muốn sang nhà N. phải đi qua rất nhiều cây cầu. Có hai cây cầu lớn, một đỏ, một trắng. Chúng đều rất cao, cao đến nỗi không thể thấy con đường trước mặt ra sao. Tôi thích đi trên cây cầu màu trắng hơn, chắc vì vẫn còn câu nệ chuyện màu sắc nóng lạnh trên đời. Xiết tay lái, lướt lên đầu dốc cầu, nghe gió ào qua. Thế giới xung quanh lúc đó dường như cứ xa lạ thế nào… Cứ đi, không cần đến.
Thực tế là tôi luôn phải dừng lại ở một ngã ba, rồi rẽ vào. Nên tôi không thể biết được con đường trống trải ấy dẫn đến đâu. Tôi vừa muốn biết lại vừa không muốn biết. Tôi định một ngày nào đó sẽ cứ đi thẳng, đi thẳng, không thèm rẽ vào ngã ba quen thuộc. Nhưng tôi chưa bao giờ dám làm vậy bao giờ. Biết cuối con đường là gì rồi, liệu tôi còn muốn qua lại nó nữa không? Còn tiếp tục say mê nó bằng một tình cảm mù quáng khó lý giải không? Hay đơn giản chỉ là còn thấy rộn ràng mỗi khi đi trên con đường này nữa không? Vì tôi luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi chạy qua con đường trống trải tràn ngập ánh đèn mà mình không biết đích đến ấy. Hạnh phúc, mỗi lần. Hạnh phúc như bao giờ cũng là lần đầu tiên.
Giữa ngày bận rộn, những khoảng trống đột ngột khiến người ta chới với. N. nói “Sự bận rộn luôn khiến mình cô đơn”, nhưng tôi nghĩ thật ra cái khoảnh khắc đột ngột dừng lại tự ngắm nhìn mình loay hoay trong công việc mới mang lại cảm giác cô đơn. Còn đang khi đó, mình không biết. Sáng nay tôi tự cho phép mình ngừng lại, nghe Billie Holidays, đọc lại những bức thư ngắn N. gửi.
Và tôi tự thấy mình là một bác sĩ tồi tệ trong việc kê đơn cho tình trạng của chính mình. Hai thứ đó, nhạc Billie Holidays và nét chữ nhọn hoắt của N. không làm cho tôi cảm thấy đỡ chơi vơi đi được. Trái lại.
Trong cuốn nhật ký của nàng (trang cuối cùng)
GỬI NHỮNG GIỌT MƯA RƠI NGANG Ô CỬA LE PETIT CAFÉ
(cho N.)
Le Petit chiều mưa
Những ván sàn ẽo ợt bung mình
Lũ cá vàng cuống quýt
Bầy mưa hát véo von
Ly cà phê chẳng còn
Thơm mùi-Sài-Gòn-nắng...
Le Petit chiều mưa
Em thấy mình như bị xẻ dọc sau từng ô cửa
Vòng hoa giáng sinh có màu trạng nguyên
Đỏ như là ngọn lửa
Cháy lạnh tanh trong tiếng máy lạnh rè
Anh ngồi yên mặc tưởng
Về cuộc tình nhiêu khê....
Le Petit chiều mưa
Em lạc vào cơn ú mê
Nước mắt chầm chậm chảy trên môi
Quyện hương vị mưa của những hồi ức cũ
Tháng năm dài rộng rồi cũng vẫn sẽ là không đủ
Cho bầy mưa nguyên vẹn trở về
Ơi bầy mưa ngày nào
Ơi bầy mưa chiều nay
Rơi ngang ô cửa Le Petit cafe.
Ly cà phê chẳng còn thơm mùi Sài-Gòn-nắng…
Tôi nhớ Sài Gòn, nhớ cuộc sống của tôi ở đó.
Sáng thứ bảy thảnh thơi, tôi và Trân ngồi uống cà phê trên sân thượng. Tôi kể về một ngày bình thường của tôi ở Sài Gòn, những quán cóc tôi hay ngồi, tiệm sách nào giảm phần trăm nhiều nhất, góc đường nào nhan nhản những thằng cha ngồi bán đĩa sex, trung tâm thương mại nào tôi thường tạt vào đi ké toilet, rạp phim nào tặng kèm một ly bắp rang bơ tổ bố ỗi vé, lại còn giảm 10% nếu có thẻ sinh viên... Tôi kể cả chuyện từ cửa sổ nhà trọ của tôi có thể nhìn thẳng sang một phòng của ngôi nhà bên cạnh. Cô gái sống trong căn phòng đó luôn n khỏa thân mỗi khi về nhà.
‘Chị ta đẹp chứ?’
‘Tao cho là đẹp. Nên chị ta mới thích khỏa thân, để tận hưởng sự tự tin, đắc thắng khi được phô bày cơ thể mình, dù chỉ là ột mình mình xem.’
‘Hoặc chị ta biết có thêm mày đang xem nữa!’
Tôi nhún vai.
‘Mày xem cảnh đó bao nhiêu lần mỗi tuần?’ Trân tò mò.
‘Ban đầu khi mới phát hiện ra thì chỉ ở nhà dí mắt vào cửa sổ, chực chờ lúc chị ta về. Sau đó quen dần, riết rồi không còn cảm giác gì cả. Thậm chí ra đường vô tình gặp, nhìn chị ta mặc áo quần đầy đủ còn thấy kì kì.’ Sài Gòn là vậy. Ngay cả khi 3.067 người chia nhau một cây số vuông (số liệu năm 2006), người ta vẫn tìm ra khoảng trống cho riêng mình, cùng những điều bí mật, và những điều ngỡ rằng bí mật.
Con chó vàng quằn quại trên đường.
Gần đến trưa, tôi định sẽ xuống nhà nấu nướng.
Trân than lâu rồi chưa đi lang thang ở đâu. Nó hỏi tôi ở lì trong nhà đã thấy cuồng chân hay chưa. Tôi bảo cũng hơi hơi. Nó hỏi muốn đi Hạ Long chơi không. Tôi nói ừ thì đi, dù sao tôi cũng chưa biết Hạ Long. Hai đứa lục tục xuống nhà dọn đồ vào một ba-lô nhỏ, bắt taxi ra bến xe Trung Yên. Nửa tiếng sau, chúng tôi ngồi ở băng sau chót một chiếc xe cũ kĩ, chất đầy hàng đi Quảng Ninh, gặm bánh mì cho bữa trưa.
Nhà xe dừng nghỉ ở một đại lý bánh đậu xanh Hải Dương. Đi có trăm cây số cũng phải nghỉ. Nhiều người không có nhu cầu mua quà bánh cũng xúm vào xem, xem thấy người chung quanh muaá, cũng mua. Mua làm quà, quà cho ai thì tính sau Tôi và Trân nhất quyết không bị cuốn vào đám đông đang mua sắm một cách vô thức tập thể ở đó, ngồi chơi với con khỉ cột ở hàng hiên.
Gần đến ngã rẽ vào Yên Tử, xe cán phải một con chó vàng chạy băng qua đường. Mọi người trong xe nháo nhào. Tay tài xế chửi thề liên tục, nhấn ga phóng qua. Con chó nằm quằn quại trên đường, gắng hộc lên sủa những tiếng bi ai thảm thiết cuối cùng. Trân hốt hoảng nhoài người ra cửa sổ nhìn con chó đang xa dần phía sau. Gã phụ xe quát ầm lên “Chị gì kia rút ngay cái đầu vào, muốn chết à?!” Tôi nắm vai kéo Trân vào, nhận ra người nó run run và mắt nó đẫm nước. Suốt từ đó cho đến Hạ Long, nó dựa vai tôi thẫn thờ, không nói thêm một câu nào nữa. Tôi vỗ nhẹ vào vai nó, không biết nói gì. Rất ít lần tôi thấy Trân khóc.
Bọn tôi xuống xe ở chỗ nào tôi chẳng biết. Tôi lạ đường lạ cái, còn Trân thì không buồn mở miệng nói một câu. Khi lấy ba-lô xuống, nó đứng nhìn tôi hỏi một câu tỉnh rụi làm tôi ngơ ngác.
‘Sao lại xuống chỗ này? Không qua Bãi Cháy à?’
Rồi nó tự trả lời.
‘Thôi, lòng vòng ở đây một tẹo cũng được.’
Tôi để mặc kệ nó sắp xếp. Dù sao thì nó cũng đã chịu mở miệng nói chuyện trở lại. Phố ở đây dốc, vắng và xinh. Tôi và Trân đi lòng vòng trong thành phố cho đến khi trời ngả tối, gió lùa lạnh lưng, chân cẳng rã rời. Hai đứa tấp vào một quán cà quê nhỏ gọi hai ly trà đào nóng.
Cái quán café này thật ngộ. Ghế bàn lọc cọc, tường treo mấy tấm poster Backstreet Boys, Spice Girls sót lại từ thập niên 90. Ly tách cáu bẩn, nhạc mở nhỏ nhỏ, não nề. Quán chỉ có hai bọn tôi, nếu không tính bà chủ đang ngồi ngáp ngắn dài sau quầy bar xốc xếch. Đường vắng đến nỗi tưởng như ngoài cửa kia không có người đi ngang qua. Trân xin phép bà chủ sạc nhờ điện thoại, bà ta gật đầu uể oải, chỉ một ổ cắm sắp long ra khỏi tường ở góc quán. Đến lúc điện thoại của Trân đầy pin, nó nhờ bà chủ gọi giúp một chiếc taxi. Chúng tôi đi sang Bãi Cháy.