Đêm đã khuya, chim khách đen rỉ rả trên đầu cành.
Xưa nay A Tùng ưa náo nhiệt, nhưng tối nay lại cảm thấy khách khứa dông dài, rất không thức thời, làm nàng đứng ngồi không yên, chỉ muốn xông ra đuổi hết họ đi.
Nhẫn nhịn đợi hồi lâu, nàng cũng buồn ngủ, gắng chống mí mắt nhìn ra ngoài, bóng người lúc ẩn lúc hiện, không phân biệt rõ được ai vào với ai.
Ban nãy ở bên ngoài chỉ kịp ngó vài lần, nàng loáng thoáng nhớ Tiết Hoàn cũng cười, bình thản ứng phó tự nhiên với lời trêu chọc của khách khứa – trước nay hắn đều như thế, A Tùng chưa bao giờ đoán được trong lòng hắn nghĩ gì, cũng chẳng quan tâm cho lắm.
Hôm nay chắc hắn cũng vui chứ? Nàng thầm nghĩ, có phần thấp thỏm.
Vươn cổ ra ngoài lần nữa, bên ngoài đã thưa người, âm thanh cũng lắng xuống, lác đác mấy vú già còn đang thu dọn canh thừa thịt nguội.
Đèn lồng màu son trên bờ tường tỏa sáng, sân nhà dần hiện ra diện mạo cũ – Đây không phải dinh thự xa hoa của ai cả, rành rành vẫn là căn nhà đơn sơ của Tiết Hoàn! Chỉ là dán mành sa mới, kết hoa lụa màu, tăng thêm bầu không khí mừng vui mà thôi.
Nhà vẫn là căn nhà cũ, A Tùng chẳng hề thất vọng, ngược lại còn thấy an tâm – mà sự náo nhiệt trong mỗi một xó xỉnh nhỏ bé kia thì tựa hồ đang biểu lộ tâm trạng của chủ nhân chúng nó.
Nỗi thấp thỏm biến mất, nàng vững dạ ngồi về trong màn, kiên nhẫn chờ đợi.
Bên ngoài lặng như tờ, mãi không nghe thấy tiếng bước chân của Tiết Hoàn, A Tùng không nhịn được, rón rén đi tới cửa, thấy Tiết Hoàn gọi mấy nô bộc còn lại tập hợp một chỗ, thưởng tiền cho họ – đại khái là ra tay coi như hào phóng, mọi người đều chúc mừng không dứt miệng rồi ai về nhà nấy.
Hắn không trở về ngay mà đứng dưới mái hiên một hồi như trầm tư điều gì.
Hắn chợt ngẩng đầu, tim A Tùng nảy mạnh, vội trốn về phòng, nhặt quạt lụa lên, đỡ trâm thoa ngay ngắn, cụp mắt ngậm cười.
Tiếng bước chân lộp cộp, Tiết Hoàn vào phòng, đóng cửa.
Đuôi mắt A Tùng liếc vội, thấy hắn ngồi xa xa bên bàn, im lặng nhìn nàng, nụ cười trôi nổi trên mặt đã không còn.
A Tùng lại liếc hắn hết lần này đến lần khác, không thấy Tiết Hoàn đáp lại, A Tùng nổi đóa, hung tợn trừng hắn.
Tiết Hoàn hồi thần, khóe miệng nhoẻn lên, gân cốt thả lỏng, nhưng vẫn ngồi ở đó, chỉ cười nói: “May mà em trợn mắt, còn có chút dáng vẻ A Tùng.”
A Tùng nghe câu này không đúng, chẳng mải thẹn thùng nữa, vội nhảy xuống lấy gương đồng, giương mắt nhìn, thấy trên mặt mình chỗ đỏ chỗ trắng, phấn dày đến suýt rớt bụi, nàng hối hận quýnh lên, gấp gáp muốn lau, trong tay chợt mát lạnh, là Tiết Hoàn nhúng ướt khăn tay đưa tới.
A Tùng cầm khăn tỉ mỉ lau mặt, dần lộ ra vầng trán láng mịn, hai hàng mày mảnh dẻ xinh xắn.
Đuôi mắt khẽ cong, nàng nở nụ cười rạng rỡ.
“Là em mà,” A Tùng nói, “Không phải em còn có thể là ai?”
“Vậy ta phải ngửi mùi trước đã.” Tiết Hoàn chứng nào tật nấy, cười trêu nàng.
A Tùng hừ lạnh, nguýt hắn – nhớ đến thuở ban đầu, lòng lại ngọt lịm.
Sợ mình bật nụ cười, A Tùng xị mặt trả đũa, “Mùi rượu trên người chàng mới nồng ấy.”
Vì thói quen, Tiết Hoàn chưa bao giờ ham rượu, trên tay áo đều là mùi rượu dính phải trong bữa tiệc, ở trong phòng đóng cửa sổ trở nên nồng nặc hơn.
Hắn bèn đứng dậy, cởi áo.
Mắt A Tùng lom lom, thấy hắn cởi ngoại bào rồi, bên trong vẫn còn trung y nghiêm chỉnh, nàng không nhịn được la lên, “Vẫn nồng, vẫn rất nồng rất nồng.”
Tiết Hoàn cười khẽ, “Em… nóng lòng thế cơ à?”
Bị hắn nói trúng tim đen, A Tùng lúng túng, lập tức nói: “Ý em là chàng tránh xa em ra!”
Tiết Hoàn cũng chẳng phản đối, đi thu đèn lồng, lấy nước rửa mặt.
A Tùng im lìm hồi lâu, thấy hắn xoay người đi cắt hoa đèn, cuối cùng nàng cũng gom đủ dũng khí, hỏi: “Chàng có vui không?”
Tiết Hoàn hơi cau mày, buông kéo xuống liếc nàng, “Làm sao, chẳng lẽ em không vui?”
“Em vui!” Giọng A Tùng giòn tan, thấy hắn cởi áo cởi giày, nàng chợt nhớ đến cái đêm ngủ lại ở nhà họ Tiết, bật cười vui vẻ.
A Tùng kề má vào màn sa, ngoẹo cổ nhìn hắn, “Em đã sớm nói rồi mà,” Trong đôi mắt quyến rũ mang theo chút đắc ý, “Em nhất định phải lấy được chàng.” Nàng hất cằm, có phần ngang ngược: “Chàng có không vui cũng vô ích!”
Dáng vẻ đắc ý này quả thực khiến người ta phát ghét – tay Tiết Hoàn dừng trên giày, đủ mọi cảm giác không cam lòng xộc lên đầu, hắn ngước mắt, nhíu mày nhìn nàng.
A Tùng thầm siết chặt nắm đấm, giọng càng kiên định hơn, “Ai không vui cũng vô ích!” Ngay chớp mắt sau, nàng đã bị Tiết Hoàn đẩy ra sau, ngửa mặt ngã vào đệm thêu.
Vẻ ngang ngược của A Tùng không cánh mà bay, nàng nhát gan thốt một tiếng nũng nịu.
Tiết Hoàn cúi người xuống, đôi mắt nhuốm hơi rượu ngà ngà sáng rực khiếp người, “Vậy em nói xem ai không vui?”
“Dù sao cũng không phải em,” Mắt A Tùng lấp lánh nét cười, tay lặng lẽ vòng quanh eo hắn, không chịu buông ra nữa, “Cũng không phải chàng.”
Tiết Hoàn như cười như không, “Thực ra ta đang hơi không vui đây.”
A Tùng chớp mắt, không truy vấn mà ghé mặt lại gần, mở đôi môi đỏ thắm ra, hà nhẹ một hơi vào hắn, “Chàng ngửi em đi,” Giọng nàng ngọt ngào, “Bây giờ em không hôi chút nào, rất thơm là đằng khác.”
Tầm mắt Tiết Hoàn dời xuống, thấy cổ áo nàng he hé, dưới lớp áo mỏng manh, trái tim ấy đập rõ ràng mạnh mẽ.
Hắn dứt khoát kéo vạt áo nàng ra, A Tùng vừa mới nhắm mắt, lén lút chu môi, chỉ chờ hắn hôn nàng, ai ngờ hắn không khách khí như thế, A Tùng bị bất ngờ, hơi so vai lại, sẵng giọng: “Chàng còn chưa ngửi xem em có thơm không mà.”
“Thơm,” Tiết Hoàn vùi vào cổ nàng hít hà, cười, “Không hề ngửi thấy mùi phân bò.”
Câu này rõ ràng là đang cười nhạo nàng.
A Tùng lập tức trở mặt không quen, đẩy mạnh tay hắn ra, cả giận, “Em bảo chàng tránh xa em ra cơ mà?”
Tiết Hoàn ngả ngớn nói: “Ta cũng muốn tránh xa ra lắm, nhưng em có nỡ không?”
“Xí, ai không nỡ?” A Tùng nhặt áo váy tán loạn lên, mới bò đến mép giường đã bị Tiết Hoàn ôm chặt eo từ đằng sau, nàng còn chưa kịp giãy giụa thì bị hắn nắm cằm xoay qua, hôn thật sâu.
Đêm ấy như trôi qua trong sương mù, trăm mối ngổn ngang.
A Tùng cảm thấy mình mệt bã người, chỉ muốn nhắm mắt lại ngủ ba ngày ba đêm, song lại không nỡ.
Dưới nắng sớm tờ mờ, căn nhà nhỏ mộc mạc đã tan ráo phồn hoa, nhưng A Tùng lại thấy nó vô cùng khả ái và yên ả.
Nàng không ngừng láo liên đảo mắt, líu lo như một con hoàng oanh, liến thoắng kể chuyện mẹ nàng và quãng thời gian nàng sống ở Nhu Nhiên cho Tiết Hoàn nghe.
Hồi lâu không nghe thấy Tiết Hoàn đáp lời, A Tùng nghiêng mặt sang, thấy hai mắt hắn khép hờ, lồng ngực phập phồng nhè nhẹ, nàng chưa từng thấy hắn như vậy, dạt dào hứng thú quan sát một lúc, chọt chọt mũi hắn, lại nắm nhẹ vành tai, “Chàng đừng ngủ mà,” nàng lay Tiết Hoàn, “Em còn chưa kể hết.”
“Ừ,” Giọng Tiết Hoàn không mảy may buồn ngủ, rất mực nhẫn nại, “Em kể đi, ta đang nghe đây.”
A Tùng tưởng hắn buồn ngủ, bèn lặng lẽ ngậm miệng, Tiết Hoàn lại mở mắt ra, “Sao không kể nữa?” Hốc mắt hắn sâu, nhìn ai nom biểu cảm cũng vô cùng chăm chú.
A Tùng trở mình, ôm cổ Tiết Hoàn, rúc vào lòng hắn, “Em muốn nghe chuyện của chàng.”
Tiết Hoàn im lặng chốc lát – đêm ấy, A Tùng nửa mơ nửa tỉnh, khi khóc khi cười, phần lớn thời gian hắn lại trầm mặc, chừng như nặng trĩu tâm sự.
“Trời sáng rồi,” Hắn quay đầu nhìn, thấy màn sa trong phòng rủ xuống đất, nến đỏ đang cháy, trên mặt sàn vung vãi hoa quả tiền đồng, níu giữ bầu không khí hoan hỉ đêm qua.
Hắn hơi không kịp thích ứng với cảnh tượng này, toan đi thổi tắt nến đỏ, A Tùng lại gọi giật hắn lại.
“Đừng tắt,” A Tùng nằm trên gối, ngoan ngoãn nhìn hắn, “Em vẫn muốn xem.” Nàng cười tít mắt, ngắm ngọn lửa chập chờn trên nến hỉ long phượng, “Đẹp.”
Tiết Hoàn bèn mặc cho nến cháy, cũng chẳng để ý đến hoa quả tiền đồng vướng víu đầy đất nữa, tròng đại quần áo lên người, hắn vén một góc màn lên, vốn tưởng A Tùng đã ngủ thiếp đi, lại thấy hai mắt nàng trợn tròn, cách lớp màn, ánh mắt vẫn đuổi theo bóng hình hắn.
Thấy hắn trở lại, mắt A Tùng sáng bừng, dịch người vào trong giường.
Tiết Hoàn lại lần nữa cởi giày, ngồi về mép giường, không nằm xuống ngay.
Vạt áo hắn tản mát, một tay đặt lên đầu gối, nhìn A Tùng – lại là một biểu cảm cao thâm khó lường.
A Tùng mở miệng trước oán trách: “Sao đến một nô bộc chàng cũng không có thế, không phải chàng cũng làm quan à?”
Tiết Hoàn đáp: “Có người ngoài ta không yên lòng.
Ta cũng quen rồi.”
Nàng là nội nhân1.
A Tùng hí hửng nghĩ, kéo chăn nệm ôm vào lòng, nàng hào hứng nói chuyện nhà với hắn, “Chẳng lẽ cái gì chàng cũng tự làm? Chàng biết làm những gì?”
1 Nội nhân vừa là “người trong”, đối lập với “người ngoài” trong câu trên, vừa mang nghĩa là vợ.
“Cái gì cũng biết,” Tiết Hoàn nói, “Trồng đậu trồng dưa, lau cày mài cuốc, đánh cá bẫy chim, bó que bổ củi – may vá rửa ráy cũng biết chút ít.”
“Chàng biết cả chăn dê lùa bò à?”
“Cũng biết.”
A Tùng cười ha ha, “Còn lâu em mới tin.”
“Không chỉ những việc này, kinh cũng biết tụng hai câu,” Tiết Hoàn rộ cười, vẻ mặt rất bình thản, “Thực ra khi còn bé cũng từng làm hòa thượng.”
A Tùng sửng sốt, nhưng không để ý đến chữ “cũng” trong lời Tiết Hoàn, “Sao chàng lại phải làm hòa thượng?”
Tiết Hoàn đáp: “Ta mất cha mẹ từ sớm, trong nhà gặp khó khăn, một nô bộc cũ mang ta theo, sợ bị quan phủ bắt bèn vào chùa sống nhờ.
Sau này lão bộc không còn, ta sống ở lân cận Lạc Dương mấy năm, tóc dài rồi mới đi Kiến Khang, khi đó cũng chỉ mới mười hai, mười ba tuổi, vì kiếm sống cầm hơi mà cái gì cũng biết đôi chút.”
Hắn kể điềm nhiên như không, trong lòng A Tùng lại rầu rĩ, nàng xáp lại, vịn đầu gối hắn, “Nhà chàng gặp khó khăn gì vậy?”
“Thiên tai nhân họa thôi.” Tiết Hoàn cười, không nhiều lời.
Thấy mái tóc đen dài của A Tùng rủ xuống đầu gối mình như thác đổ, hắn vuốt ve, động tác này tức khắc làm A Tùng nhớ đến câu bịa đặt “Nữ nhân Lạc Dương đều cạo đầu” của Tiết Hoàn hồi còn ở Kiến Khang.
Nàng phì cười, nhu tình trào dâng trong lòng, chẳng buồn để ý cảnh xuân mình lồ lộ, vùi mình vào lòng Tiết Hoàn ôm chặt hắn, “Chàng đừng sợ, dẫu chàng là hòa thượng, em cũng không chê chàng.
Chàng là lang quân của em, là người thân của em, chàng đánh em mắng em, em cũng không trách chàng, chàng đi đâu em cũng đi theo chàng.”
“Ồ?” Tiết Hoàn nhíu mày, vẻ mặt đó rõ ràng là không tin, nhưng thấy A Tùng thề son sắt, đôi mắt long lanh rực rỡ, hắn cũng bèn thôi nghi ngờ, chỉ cười một tiếng cho qua..